Mười hai con giáp

Nguyễn Thanh Bình

Viết cho tập sách sắp in nhân triển lãm cá nhân của bạn – Nghiêm Xuân Hưng.

(Nhưng tiếc thay, triển lãm và tập sách này không bao giờ xuất hiện, nên sớm nay cà phê, ngậm ngùi đọc lại rồi bưng lên đây!)

***

Người ta có thể dễ dàng bắt gặp bút pháp này ở nhiều danh họa hiện đại phương Tây và Trung Quốc…

Tuy vậy, sự so sánh này là khập khiễng. Bởi vì, Dương Khuê, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Bích Khê đều làm thơ Đường luật, nhưng không ai chê các cụ bắt chước thơ Tàu. Dương Thiệu Tước, Cung Tiến, Hoàng Thi Thơ, Đặng Thế Phong, Phạm Đình Chuong, Phạm Duy… đều sử dụng kỹ thuật nhạc lý phương tây, mà không ai gọi đó là nhạc Tây.

Do đó, các họa sĩ Việt Nam sử dụng bất kỳ bút pháp nào, theo bất kỳ trường phái, trào lưu nào, đều là bình thường, miễn điều đó phù hợp với cảm quan, cảm nhận và cảm xúc của chính mình một cách trung thực, thể hiện bút pháp ấy đúng với cá tính, nhân cách của mình một cách trung thực.

Phương Đông hay phương Tây đều chia thời gian của một năm thành 12 tháng. Phương Tây lấy tên các vị thần, các hoàng đế và các lễ hội trong thần thoại La Mã để chỉ từng tháng. Phương Đông, cụ thể là Đông Á với Trung Hoa cổ đại và những nước chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa ấy lấy 12 con vật để gọi cả năm lẫn tháng…!

Nhưng bình nguyên sông Hoàng Hà và châu thổ sông Hồng hình thành hai nền văn minh độc lập với nhau. Mười thế kỷ Bắc thuộc tuy ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống vật chất lẫn tinh thần người Việt, nhưng không thể đồng hóa! Tý, Sửu, Dần Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi… trở thành biểu trưng thời gian, gần gũi và quen thuộc với bất kỳ người Việt Nam nào.

Tý, Sửu, Dần Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi… Chu kỳ thời gian phương Đông lặp đi lặp lại theo vòng tròn khác với tiến trình thời gian phương tây, tuần tự đếm…

Ý tưởng hình thành từ sự suy ngẫm và chiêm nghiệm về dáng vẻ của thời gian, cùng dấu ấn của nó in lên đời người và vạn vật…

Cảm hứng được chắt lấy từ những sắc màu nguyên sơ, chói lọi đặt bên nhau chất phác và hồn nhiên của dòng tranh (dân gian) Hàng Trống, để tạo hình 12 con giáp, làm nền cho hình tượng thiếu nữ khỏa thân tinh khôi, trong trẻo – Nghiêm Xuân Hưng (tuổi Quý Tỵ) lấy Can của mình là "Quý" ghép vào tạo ra một bộ tranh mà 12 Chi có cùng một Can…

Mỗi bức mang một tựa đề dân dã : "Con Quý Mùi"…"Con Quý Tỵ"…! (Thật ra, bộ tranh này gồm 14 bức, Hưng "thêm vào 2 "con": "Con Quý Điểu" và "Con Quý Ngư")

Các chi tiết – được đặc tả công phu, tỷ mỷ và rất "đắc địa" –: Những món trang sức khác nhau trên từng thiếu nữ, tương phản với hình tượng ước lệ của mỗi con giáp ẩn phía sau, tạo ra điểm nhấn. Điểm nhấn trong tranh có giá trị tương tự như nốt láy trong âm nhạc, hoặc "nút thắt" trong văn học, cũng như sự tương phản tạo ra chiều sâu và cái "duyên" lôi cuốn cho tác phẩm.

Sự quan tâm đặc biệt đến việc miêu tả gương mặt thiếu nữ là có chủ ý, để không lẫn với thiếu nữ người Hoa, người Hàn, người Thái, thậm chí, đó là những gương mặt đồng bằng Bắc bộ, khác với vẻ đẹp của thiếu nữ Nam Bộ.

Điều này đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo và tình yêu đối với văn hóa một vùng miền.

Một người có vẻ ngoài lầm lì, ít nói, nhung bên trong nhạy cảm, phong phú. Một người có dáng vẻ thô kệch, vụng về, nhưng khéo léo, tỷ mỷ… tìm thấy ý tưởng độc đáo để diễn tả vòng tuần hoàn của thời gian với bút pháp điêu luyện. Bút pháp được rèn giũa, trải nghiệm gần 30 năm, qua tất cả các chất liệu: sơn mài, sơn dầu, sơn khắc, bột màu, lụa, trổ giấy.

Sử dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật tạo hình đặc tả của phương Tây, qua hình tượng trinh nữ với 12 con giáp để nói đến sự vận hành của thời gian…

"Xuân , Hạ, Thu Đông… rồi lại Xuân" (tên phim của đạo diễn Kim-Kiduk – Hàn Quốc). Không có điểm dừng, nhưng luôn tươi mới, một cách ngắn gọn, súc tích!

Vốn tốt nghiệp khoa Điêu khắc, lẽ ra Hưng trở thành nhà điêu khắc, nhưng rốt cuộc, anh trở thành họa sĩ siêu thực, bởi lẽ, trong cái nghiệp này, ít người đi được con đường thẳng, và những ai thật sự yêu nghề, thì không mấy khi thụ động với những gì đã được học!

Hưng sử dụng thủ pháp siêu thực từ rất sớm, có lẽ vì nó phù hợp tâm tính và sở thích riêng. Thủ pháp – hay nói đơn giản là cách vẽ – giống như nét chữ, hình thành từ thẳm sâu của tính cách người đó. Người ta có thể bắt chước, sao chép cách của người khác, nhưng sẽ luôn xơ cứng, khô khan và gượng gạo nếu điều đó không thật sự hợp với mình. Bởi nó đến từ bên ngoài chứ không phải đi ra từ bên trong…

Sự sao chép khác sự học tập ở chỗ một bên bê nguyên xi hình thức bên ngoài, còn một bên cảm nhận và thẩm thấu tinh thần bên trong, chắt lấy chất men của nó mà nấu thành rượu của chính mình.

Trong sáng tạo – văn, thơ, nhạc và họa – một trong những điều kiện quan trọng và cần thiết là "sự đắm đuối"…!

Thiếu điều đó, bạn chỉ là người hành nghề bình thường như trăm ngàn nghề khác. Sự đắm đuối khác sự cần cù. Chăm chỉ, bạn có thể thành thợ cả chứ không bao giờ thành thầy.

Sự say mê, đắm đuối đến tận cùng mới nâng bạn lên, rời khỏi cái mặt bằng thông tục, trao cho bạn những giây phút xuất thần, tạo ra những "sinh linh" sống đời. Giống như trong tình yêu, những khoảnh khắc "ngất ngây" có thể đưa bạn lên chín tầng mây, đến mười tầng trời, thì trong nghệ thuật, cũng xuất hiện những khoảnh khắc hưng phấn đắm đuối với những ý tưởng và xúc cảm của chính mình. Khi toàn bộ năng lực nội tại của bạn thăng hoa… cũng sẽ đưa bạn đi tới cùng trời cuối đất!

Cảm giác "thăng hoa" trong tình yêu hầu như ai cũng từng, còn trong nghệ thuật thì không hẳn…!

Không phải bất cứ "nghệ sĩ" nào cũng đạt đến điểm "tới hạn", không phải ai cũng có thể tìm thấy chính mình, không phải ai cũng có thể lầm lũi, chuyên chú vào cách nhìn, cách nghĩ và cách thể hiện của mình ròng rã nhiều năm tháng (điều này còn phụ thuộc vào tính cách và số phận mỗi người)…

Sự nhất quán của một phong cách thể hiện sự tự tin, xác quyết một con đường, dù con đường ấy có thể rất dài và không nhiều người đi… Nó chẳng những đòi hỏi sự tận tâm, đắm đuối với nỗi niềm của mình mà còn cả nội lực sâu thẳm để có thể bền bỉ đi đến tận cùng.

Điều gì cũng cố gắng đi đến tận cùng, không nửa vời… Hưng làm được điều đó!

Làm được điều đó, còn có nghĩa là bạn phải trở nên chuyên nghiệp, sống với nghề và sống được bằng nghề. Bạn không thể dành cho "tình yêu" của mình một chút thời gian rảnh rỗi, hay một chút cao hứng nhất thời.

Năng khiếu, giống như lời tỏ tình, chỉ có thể đưa bạn đến, mà không hề chắc chắn rằng bạn sẽ có tình yêu… Khi "lời tỏ tình" được chấp nhận, bạn sẽ được trao cho tất cả những kiến thức và kỹ năng cần thiết, tuy nhiên sau đó tất cả những gì bạn có được chỉ là hành trang vô cùng nhỏ bé, nghèo nàn để bước trên con đường "vạn lý độc hành" vô cùng khó khăn!

Khi bạn chứng minh được lòng chung thủy vô biên đối với "mối tình" đó, nhất định bạn sẽ được đền đáp xứng đáng. Khi bạn trở nên chuyên nghiệp, đi đến tận cùng niềm đam mê của mình, nhất định bạn sẽ tìm thấy chỗ đứng dưới bầu trời sáng tạo.

Hưng đã tìm được chỗ đứng!

Cái đẹp, cái hay cũng như cái ngon là không thể định nghĩa, không thể định dạng một tiêu chí… Tôi thích, thì cái đó đẹp, hay hoặc ngon… Nhiều người thích, thì cái đó rất đẹp, rất hay hoặc rất ngon… Hàng triệu người thích, thì cái đó là đỉnh!

Có một định kiến phổ biến: Họa sĩ là người tạo ra cái đẹp! Thật ra, không chỉ có vậy. Các họa sĩ (kể cả các nhạc sĩ, các nhà văn – trừ những người thích "diễn")… trước hết, bằng kỹ năng riêng tạo ra cái mình thích. thể hiện sở đắc, cụ thể hóa nó bằng phương tiện, lấy tình yêu của mình thổi hồn vào "đứa con" mà mình chăm chút, nâng niu… rồi thả nó ra giữa đời. Có thể nó chỉ quẩn quanh trong nhà, nhưng cũng có thể nó sẽ bay đi muôn phương. Có thể nó chỉ sống được một thời gian, nhưng cũng có thể nó sẽ trường tồn đến muôn đời…!

Nhưng đó không còn là việc của nghệ sĩ. Nó không phụ thuộc vào ý muốn của người tạo ra nó…

Những nghệ nhân Hàng Trống, Đông Hồ ngày xưa, có lẽ chưa bao giờ kỳ vọng những gì lớn lao trong đó, mà chỉ góp một chút sắc màu cho những ngày vui, dân dã, mộc mạc và quảng đại… Nhưng, nó đã sống với quê hương từ khi nó ra đời!

Trước một tác phẩm, dĩ nhiên ai cũng có cảm nhận riêng cũa mình, bạn có thể thích hoặc không thích! Tuy nhiên, hiểu điều tác giả thể hiện và muốn truyền đạt có lẽ không phải là vô ích nếu không nói là cần thiết.

Có rất nhiều điều khác với sở thích, nhưng lẽ nào bạn không muốn làm cho đời mình trở nên phong phú?

Bởi gió thổi mà lá cây xào xạc, sóng vỗ rì rào… nhưng gió cũng có thể làm bạn phải nhắm mắt, cúi mình… Trời đất đâu có vì bạn mà vận hành!

Cũng vậy, một tác phẩm luôn ẩn chứa đằng sau nó tự sự của một tâm hồn, tinh thần của một cuộc đời, mà không nhất thiết phài làm bạn mỉm cười, hài lòng.

Tuy nhiên, đôi khi bạn tôi chỉ muốn… "lời quê chắp nhặt dông dài, mua vui cũng được một vài trống canh"… thế mà nó vẫn cứ thong dong!

…Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và… Hợi!

 

Sài Gòn 12 tháng 12 năm 2011

 

clip_image002

clip_image003

clip_image005

clip_image007

clip_image009

clip_image011

clip_image013

Comments are closed.