Nữ hoàng cuối cùng của Tahiti

Lê Học Lãnh Vân

image

Bộ phim Pháp La dernière Reine de Tahiti, nghĩa là Nữ hoàng cuối cùng của Tahiti, ra mắt khán giả năm 2022 và được chiếu trên đài TV5 tối hôm qua, ngày 08/7/2023. Pomaré IV, nhũ danh Aimata, là nhân vật có thực, sinh năm 1813, mất năm 1877, trị vì Tahiti năm mươi năm cho tới khi mất. Bài viết thảo luận về bà như được thể hiện trong phim.

Tahiti là đảo lớn nhất trong nhóm quần đảo Polynésie thuộc Pháp, nằm phía Nam Thái Bình Dương. Người dân nơi đây có liên hệ chủng tộc gần gũi với cư dân vùng Đông Nam Á.

Bối cảnh của phim là triều đại Pomaré của Tahiti trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai đế quốc mạnh nhất là Anh và Pháp thế kỷ thứ 19. Dù là đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, Anh có vẻ không quan tâm tới nơi đây bằng Pháp.

Anh tới Tahiti trước, dùng một lực lượng quân sự nhỏ để áp đặt đạo Tin Lành, ủng hộ việc đưa cô gái nhỏ mới mười bốn tuổi tên Aimata của dòng họ Pomaré lên ngôi nữ hoàng, người sẽ trị vì từ năm 1827 cho tới năm 1877 với vương hiệu Pomaré IV. Ban đầu Aimata không muốn, nhưng dưới áp lực cùng sự sắp xếp của Pritchard, viên mục sư và cũng là lãnh sự Anh, cô lên ngôi. Nhìn ra sự sắp xếp độc đoán của Pritchard chỉ vì quyền lợi người Anh, quyền lợi tôn giáo, không vì quyền lợi dân Tahiti, Aimata dần dần trưởng thành và bắt đầu được tôi luyện để bảo vệ quyền lợi dân chúng và các giá trị truyền thống của Tahiti trong khi duy trì sự hòa hoãn với người Anh.

Mọi việc có vẻ thuận lợi thì Pháp tới đặt cơ sở truyền đạo Công Giáo. Pritchard yêu cầu Aimata trục xuất cơ sở này. Amata từ chối dựa trên quyền tự do tín ngưỡng vì nhóm người Pháp này không làm gì vi phạm pháp luật Tahiti. Bên dưới quyết định không trục xuất, cô không muốn gây hấn với Pháp hay khơi mào sự tranh chấp giữa Anh và Pháp có thể đưa tới chiến tranh trên lãnh thổ Tahiti.

Trong khi Pritchard rời Tahiti cầu sự hỗ trợ của hạm đội Anh, một viên tù trưởng hùng mạnh, chỉ biết lo cho quyền lợi của phe phái và của bộ lạc riêng lẻ, gây áp lực Aimata ký lệnh trục xuất. Sau nhiều băn khoăn, cô cũng ký.

Lập tức, Pháp gởi sứ giả tới cho biết lệnh trục xuất được vua Pháp xem như lời tuyên chiến, yêu cầu Tahiti thần phục, nếu không hạm đội Pháp sẽ tấn công. Và họ tấn công thực! Nhiều người Tahiti bị giết, nữ hoàng sát cánh thần dân chống trả, bị thương rồi phải lưu vong sang một đảo khác…

Pritchard trở về. Anh đồng ý giao Tahiti cho Pháp vì “tình đồng minh của hai đế quốc”!

Trên suốt cuộc hành trình đó của nữ hoàng Aimata, người xem phim rút ra được nhiều điều…

Trước hết là sự sắp xếp của các cường quốc bao giờ cũng vì quyền lợi của họ. Việc lên ngôi của nữ hoàng Aimata, đàng sau lời có cánh về lý tưởng cao đẹp là ý đồ quyền lợi của nước Anh, của tôn giáo Tin Lành mà Pritchard đại diện. Mấy năm sau đó, cũng vì quyền lợi quốc gia, Anh đã giao Tahiti cho Pháp!

Nước nhỏ muốn vươn lên cần có giới lãnh đạo yêu nước, thương dân, không vì quyền lợi riêng cho gia đình, cá nhân thì mới đủ khôn khéo và dũng lược bảo vệ dân chúng, phát triển quốc gia. Hễ lãnh đạo để quyền lợi riêng của gia đình hay phe phái chen vào là vận mệnh của quốc gia rơi vào nguy cơ… Viên tù trưởng vì quyền lợi riêng ép Aimata ký lệnh trục xuất dẫn tới chiến tranh giết chóc. Aimata, dù hết lòng muốn đem điều an lành, tốt đẹp cho dân, vì một phút yếu lòng, đã không suy nghĩ chín nên hành động sai lầm như chính cô sau này nhìn nhận!

Khi Pháp nhận Tahiti từ Anh, Aimata biết đặt mục tiêu là phúc lợi cho dân Tahiti, mục tiêu cụ thể là xây trường học và bệnh viện cho Tahiti. Cô cũng khôn ngoan để biết người Pháp cần hòa bình nên buộc họ phải để trong hòa ước điều khoản xây trường học, bệnh viện cho Tahiti để đổi lấy chữ ký. Đây là hòa ước và Tahiti chấp nhận sự bảo hộ của Pháp. Cuộc thương thuyết không dễ dàng nhưng cuối cùng thắng lợi thuộc về nữ hoàng. Đối tác Pháp của Aimata là ông Bruat, người đấu tranh với nữ hoàng rất căng thẳng, sau khi ký hòa ước bày tỏ lòng khâm phục cô. Trước Bruat, mục sư Pritchard cũng khâm phục như vậy. Ông Bruat đã giữ lời, chẳng những xây bệnh viện, trường học, gởi nhân viên ý tế tới mà còn phát triển hệ thống đường sá, cảng biển cho Tahiti. Bruat và Aimata trở thành bạn thân trong tiến trình kiến thiết xứ sở. Bài học ở đây là cường quốc bên ngoài, dù đang muốn áp chế quốc gia, vẫn tỏ lòng kính trọng nhà lãnh đạo dám và biết đấu tranh vì quyền lợi dân tộc. Biết sau lưng nhà lãnh đạo đó là đại đa số dân chúng kết thành một khối, họ nể, sợ, muốn kết liên minh nên chấp nhận nhượng bộ một số yêu cầu. Điều này rất khác nếu họ đối mặt với nhà lãnh đạo hèn nhát, tham lam, sẵn sàng đổi quyền lội cộng đồng lấy quyền lợi riêng!

Một quan sát khác là người Pháp và Anh, dù trong thời đại thực dân, chiếm thuộc địa, họ sống trung thực với giá trị đạo đức của họ. Ông Bruat thực sự tôn trọng lời hứa với nữ hoàng Aimata. Điều này cho ta nhớ toàn quyền Pháp Paul Doumer đã xây dựng xã hội Việt Nam tiến bộ, văn minh dù quốc gia nằm dưới chế độ thuộc địa hay bảo hộ. Chỉ cần so sánh với các nhà lãnh đạo như Stalin, Mao Trạch Đông, người ta thấy ngay sự khác biệt về giá trị sống!

Từ đầu tới cuối bộ phim, một điều được nêu lên có vẻ âm thầm nhưng xuyên suốt. Đó là triết lý sống bản địa. Người Tahiti trung thực và thẳng thắn, sống gần gũi và tôn trọng thiên nhiên, xiển dương tự do luyến ái mà chung thủy. Sự thẳng thắn và gần gũi thiên nhiên ấy được hình tượng hóa bằng hai lần nữ hoàng thoát y trước mặt nam giới. Lần thứ nhất khiến cô Madison, người được mục sư Pritchard vời đến dạy nghi lễ thượng lưu cho Aimata, bối rối và hoảng hốt. Cô xua đuổi mọi người và lấy vải choàng lên Aimata. Lần thứ hai diễn ra khi nữ hoàng vì làm việc quá căng thẳng muốn tắm biển. Lần này cô Madison, bấy giờ đã là bạn thiết với Aimata, dù vẫn còn phản đối yếu ớt, đã quen với sự khỏa thân của nữ hoàng và trong khi nữ hoàng bơi dưới biển, trên bãi cát cô Madison chấp nhận tình cảm với vị cận thần của nữ hoàng. Cô gái Madison được tẩm trong giá trị sống thượng lưu của người Anh nói riêng và phương Tây nói chung đã bị nếp sống phóng khoáng tự nhiên chinh phục!

Sự khỏa thân tự do của nữ hoàng không hề có ý gợi dục, trái lại cho thấy quan điểm không bị ràng buộc bởi sự khỏa thân, là một mặt của sự gần gũi lành mạnh, khỏe khoắn với đời sống thiên nhiên. Một mặt khác của sự gần gũi đó là người Tahiti tôn trọng biển và núi rừng. Khi cô Madison tình nguyện xin và được chấp nhận là thành viên của cộng đồng Tahiti, Aimata nói: “Bạn tự do ra biển, lên núi, đó nhà của bạn”. Câu nói chứa tình yêu thiên nhiên đã thành bản năng của người Tahiti. Nếu giá trị sống này được Phương Tây chấp nhận từ sớm hơn, phải chăng bây giờ thế giới không cần các hội nghị biến đổi khí hậu vì sự tàn phá thiên nhiên bởi con người?

Bài viết này không có ý nói phương Tây văn minh hơn hay Tahiti văn minh hơn. Sự cảm nhận ở đây là nơi nào cũng có nền văn minh riêng, nếu các vùng, miền trên thế giới chấp nhận nhau thay vì xâm phạm hay triệt hạ nhau, lịch sử tiến hóa của loài người có thể nhanh hơn không?

Sự tiến hóa của các nền văn minh theo đường xoắn ốc cao dần…

Ngày 09 tháng 7 năm 2023

Comments are closed.