Xem tranh thật của Đào Hải Phong

Lý Đợi

Nghe câu nói này, tưởng chừng như trái khoáy, vì họa sĩ Đào Hải Phòng (sinh 1965) đang vẽ tranh tại Hà Nội, làm gì không có tranh thật để xem.

Ấy vậy mà, hơn hai chục năm qua, cũng giống như tranh của Nguyễn Thanh Bình trước đó nữa và vài họa sĩ hút khách khác, cái mà công chúng thường thấy ở nhiều phong tranh bờ hồ, phố tranh, xưởng chép, nhà hàng, khách sạn… là phó bản của phó bản của phó bản Đào Hải Phong. Tranh thật nhiều khi vẽ không kịp giao, chủ yếu bán ra nước ngoài, lấy đâu mà xem.

Giai đoạn Đào Hải Phong bị chép hoặc làm giả nhiều nhất là từ khoảng 2003 đến 2016, “đi đâu cũng thấy tranh anh Phóng, tức cái bóng của anh Phong” – một môi giới hội họa nói. Vô nhiều tiệm ăn hoặc khách sạn nho nhỏ ở Hà Nội, không cần tìm cũng có thể thấy bức tranh chép/vẽ nhái Bùi Xuân Phái, Thành Chương, Phạm Luận, Lê Thanh Sơn, Đào Hải Phong…

Nhiều sinh viên mỹ thuật đã có được tiền độ nhật nhờ chép/vẽ nhái tranh Đào Hải Phong cho các phòng tranh trang trí, bờ hồ; không ít người ra trường không đủ tự thân để thành họa sĩ, vẫn “ẩn dật” nhiều nơi để chép/vẽ nhái Đào Hải Phong nuôi vợ con.

Nhiều phòng tranh trang trí/bờ hồ “sung túc” nhờ bán tranh chép/vẽ nhái những họa sĩ như Đào Hải Phong, Nguyễn Thanh Bình… Tranh chép/vẽ nhái vì vậy mà đi nhiều nước, không ít trường hợp đã “lộng giả thành chân”.

Ban đầu, Đào Hải Phong còn bức xúc, còn lên tiếng phê phán nạn tranh chép/vẽ nhái này, nhưng từ khi bước qua tuổi tri thiên mệnh, anh dần dà chẳng muốn nói nhiều nữa, hoặc đúng hơn, anh đã học được sự bao dung của những thế hệ đi trước như họa sĩ Trần Lưu Hậu, NSND Đào Đức…

“Mình chưa dám nghĩ tranh mình đẹp, nên cứ tìm cách vẽ sao cho nó đẹp, vậy mà người ta cứ chép, cứ nhái để bán, hóa ra mình vẽ cũng được ư? Thôi thì tha thứ cho họ, chắc do họ tin mình thì mới chép mới nhái theo mình chứ, hoặc vì họ không tin họ tự vẽ được, nên mới làm như vậy” – Trần Lưu Hậu nói, khi tôi hỏi ông về tranh chép/vẽ nhái.

Thành ra, đẹp xấu, thích hoặc không thích, chưa cần bàn, vì với công chúng Việt Nam nói chung, đặc biệt Sài Gòn, xem được tranh thật của Đào Hải Phong không hề dễ. Mà không chỉ với công chúng, nhiều người trong họa giới, báo giới… khi bàn về tranh Nguyễn Thanh Bình, Đào Hải Phong, không ít trường hợp dựa vào, hoặc dẫn chứng, minh họa bằng tranh phó bản.

Thế mới éo le.

Cho nên, việc Hakio Let’s Art tổ chức được triển lãm Thu Phong cho Đào Hải Phong tại Sài Gòn, bày được … tác phẩm, cũng là “công đức vô lượng” – nói như ngôn ngữ TikTok ngày nay – để công chúng, họa giới, báo giới tại đây có dịp xem bao quát hơn.

Tác phẩm của Đào Hải Phong thế nào? Thẳng thắn mà nói, nó gây chia rẽ ghê gớm. Người thích đã rất nhiều, mà người không thích cũng rất nhiều. Tranh của Đào Hải Phong gợi tưởng đến chất minh họa thời tạp chí, truyện tranh của Liên Xô và cả chất dã thú ở cách dùng màu nóng, dương tính đến cực đoan, dù chủ đề của đa số tranh có thiên hướng âm tính.

Tranh phong cảnh ở Hà Nội trước đây – trừ một số bức sơn mài – nói chung thường có khuynh hướng “pha màu âm tính”, “nâu sồng”, “đất đất”…, nhưng từ sau Đổi mới (1986) thì nhiều màu sắc “dương tính”, nhiều màu nóng, nhiều màu nguyên bản hơn. Sự tương phản này làm nên một thị giác mới, một đặc trưng khác sau Đổi mới, cũng là thứ dễ gây chia rẽ trong người xem, giữa thế hệ trước và thế hệ sau, do khác quan niệm và thẩm mỹ.

Mà Đào Hải Phong là một nhân tố sau Đổi mới, với các bức tranh nhiều tính trang trí, nhiều tính thời trang, với một bảng màu nóng đến cực đoan, phi lý.

Nhưng nói gì thì nói, khi bàn về thị giác và thị trường tranh Việt Nam sau Đổi mới, không thể không bàn đến Đào Hải Phong, vì đây là một trường hợp thú vị.

+ Triển lãm đang diễn ra tại Hakio Let’s Art đến hết 15/10.

image

clip_image002

clip_image004

clip_image006

clip_image008

clip_image010

clip_image012

clip_image014

clip_image016

Comments are closed.