1.001 chữ về thơ Việt Nam đương đại

Inrasara

Ở mục Thơ truyện cuối tuần, Đinh Quang Anh Thái bàn về Nguyễn Tất Nhiên có nhắc đến một giai thoại. Kể rằng nhà thơ tài hoa này từng tuyên, sẽ giật Nobel về cho Việt Nam. Rồi khi anh đưa vài tác phẩm của nhà từng đoạt giải thưởng danh giá này cho ông đọc, mươi ngày sau, ông trả sách và nói: Không phải ngẫu nhiên mà người ta đạt được. Từ đó ông không nhắc đến Nobel lần nào nữa.

Bài viết ngắn này ý hướng mang đến cái nhìn tổng quan về sự chuyển động của thơ Việt Nam từ thế hệ 5X tới nay, như một cách gợi mở cho nghiên cứu và phê bình thơ Việt Nam đương đại trong những ngày tháng tới. Ở đây các nhà thơ Việt hải ngoại và nhà thơ thế hệ trước được nhắc đến như cách điểm xuyết, để làm rõ thêm luận điểm.

[1] Vài tháng qua, lối “Thơ 1-2-3” do nhà thơ Phan Hoàng chủ xướng được các bạn thơ làm theo và bàn rải rác đây đó. Mạng Vanchuongphuongnam giới thiệu: “Nhằm tìm một hình thức thơ mới để thể hiện, nhà thơ Phan Hoàng đã thử nghiệm cách viết Thơ 1-2-3. Mỗi bài thơ gồm 3 đoạn, 6 câu”.

Loài thơ thuần “kĩ thuật” chứ không đặt trên nền tảng tư tưởng nào bất kì, thế nên nó chỉ là “trò trẻ nhỏ” [chữ của Xuân Diệu] không hơn không kém. Như trước đây không lâu, Lê Đạt với “thơ haikâu” hay mươi năm qua các nhà thơ câu lạc bộ và câu lạc bộ biến tướng ta xài lại thơ Haiku của Nhật – thứ mĩ học đã lạc thời.

Cả ba không dẫn thơ đi tới đâu cả!

[2] Tân hình thức khác hơn, được đặt trên nền kĩ thuật cụ thể.

Mỗi cách mạng là mỗi nổi dậy chống lại cái đang diễn ra, chủ nghĩa hiện đại không khác. Chủ nghĩa hiện đại chống lại truyền thống, chống lại chủ nghĩa quy phạm, để rồi qua phong trào này các nhà thơ lớn xuất hiện và cho ra vô số tác phẩm mở đường, phá cách mang đầy dấu ấn nổi loạn, mất niềm tin, và ngạo mạn. Được dặt trên nền tảng triết học, phong trào qua đi, rất nhiều tác phẩm lớn ở lại.

Dẫu sao nơi đó thơ cứ tối nghĩa và khó hiểu! Delmore Schwartz (1941): “Đặc tính của thơ hiện đại được bàn cãi nhiều nhất là tính khó hiểu tối nghĩa của nó”.

Phản ứng lại thái độ “phá hoại” kia, các nhà thơ Tân hình thức quyết định quay trở lại với truyền thống, và lập thuyết. Tuy nhiên, việc sử dụng lại các hình thức truyền thống chỉ thuần yếu tố kĩ thuật, chứ không bắt nguồn từ cảm thức mang tính triết học. Do đó, nó lơ lửng và, mất cội rễ. Bốn trụ cột của thơ Tân hình thức, là: tính truyện, ngôn ngữ đời thường, vắt dòng và lặp lại không xa lạ với truyền thống thơ Việt.

Tân hình thức chống hiện đại, trong khi thơ Việt trước đó còn chưa hiện đại tới nơi tới chốn, để chống. Dẫu nhà thơ Khế Iêm – người khởi xướng và xiển dương có nhiệt tình tới đâu, Tân hình thức Việt vẫn chưa thể nảy ra tác phẩm lớn, là vậy.

[3] Ở đây ta dừng để ngoảnh lại nỗi cũ. Nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn trước 1975, về thơ – Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên tài hoa và quyết liệt nhất. Nhưng rồi, do áp lực của thời cuộc, trong khi người trước đã cắt đứt hẳn với ý hướng “cách mạng” qua thi tập Thơ ở đâu xa (1990); thì người sau chối bỏ mọi tìm tòi “cách tân”, làm mới mang tính hình thức mà đi theo hướng riêng về phía cổ điển. Tô Thùy Yên chuyên trị thơ 7 chữ, phần nào lục bát – và lớn. Tô Thùy Yên là một ca hiếm, hiếm gần như duy nhất của thơ Việt hiện đại.

[4] Thời Đổi Mới, miền Bắc cách tân thơ, Nguyễn Quang Thiều không phải là người mở đường hay lá cờ đầu chi chi, mà là người cách tân thơ thành công hơn cả. Do ở sức mạnh nội tại của tư duy thơ anh, qua đó lối thơ của Thiều tạo ảnh hưởng nhất định.

Bắc cầu giữa Bắc và Nam, cách tân, phản tỉnh và phản kháng, Nguyễn Duy với Nhìn từ xa… Tổ quốc (1989) được xem như một gạch nối.

Ở Sài Gòn, Nguyễn Quốc Chánh và Trần Tiến Dũng rất khác. Hai nhà này không ý hướng cách tân, mà với lối thơ phản kháng qua quan sát thời cuộc sắc bén được thể hiện bằng thứ ngôn từ mạnh mẽ, vừa bụi bặm đời thường vừa siêu thực sang trọng. Thơ phản kháng, Nguyễn Quốc Chánh và Trần Tiến Dũng là đại biểu xứng đáng. Tiếc, bởi cư trú ngoài lề, thế nên thông tin chính thống “bỏ quên” dòng thơ này.

[5] Tiếp, không thể không nhắc tới thơ nữ quyền.

Cuối thế kỉ trước, nếu miền Bắc Dư Thị Hoàn rón rén khơi mào thơ nữ quyền, thì ở Sài Gòn cùng thời điểm đã nẩy ra Thảo Phương quyết tháo cũi xổ lồng, đòi tự do tuyệt đối.

Thế hệ mới ngoài kia, Vi Thùy Linh mới “Khỏa thân trong chăn/ Thèm chồng” thôi mà đã bị dè bỉu. Trong khi phía Nam, những Thanh Xuân, Lynh Bacardi, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Khương Hà Bùi hết còn nền nếp khép mình trong khuôn phép, họ “quậy” hơn, phá phách táo tợn hơn.

Nếu thơ nữ quyền của thế hệ Hậu-đổi mới còn muốn giữ lại cọng hành an toàn, những buông thả mang tính bản năng còn cuộn mình trong kén ý định, thì qua cư dân mạng nó đã khác hẳn. Các bạn thơ nữ tung hê tất, dám nói tất. Đây là thế hệ say đắm yêu, nhưng say đắm với con mắt mở lớn đầy ý thức, từ/ qua thức nhận đòi hỏi bình đẳng giới tuyệt đối.

[6] Cuối cùng là hậu hiện đại. Hậu hiện đại là trào lưu văn hóa lớn mang tính toàn cầu, tác động rộng đến nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ở Việt Nam, lấy mốc 2002 là năm bản lề – 20 năm đi qua, ngoài mảng dịch thuật và phê bình, riêng sáng tác, vài chục khuôn mặt sáng giá xuất hiện. Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ, Trần Tiến Dũng, Như Huy, Nguyễn Quốc Chánh, Khúc Duy, Lynh Bacardi, Lê Vĩnh Tài, Inrasara, Bỉm, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Đặng Thân, Nguyễn Viện, Lê Anh Hoài, Phạm Lưu Vũ, Nhật Chiêu, Hoàng Long, Phương Lan, Thanh Xuân, Vũ Thành Sơn, Trần Wũ Khang, Liêu Thái…

Về thơ, ở Việt Nam khởi đầu với Nhóm Mở Miệng, quyết liệt và toàn diện nhất. Đứng hẳn ngoài lề ngay từ đầu, viết hậu hiện đại và mở nhà xuất bản ngoài luồng in tác phẩm mình cùng người đồng thuyền, Mở Miệng tuyên ngôn thơ bằng tuyên bố lẻ tẻ không thứ lớp, rất hậu hiện đại.

Qua thái độ thơ, Mở Miệng đã rạch ngang dòng chảy thơ Việt đương đại. Như Phan Khôi thời Thơ Mới, Mở Miệng mở màn để các nhà khác thành tựu, ở đó Lê Vĩnh Tài nổi bật hẳn lên.

Hậu hiện đại đặt nền móng trên nền tảng triết học, và – mang cảm thức Hậu hiện đại, phá bỏ mọi rào cản, các nhà thơ sáng tạo và vận dụng nhiều kĩ thuật đa dạng, góc cạnh hơn.

Sau hậu hiện đại, thơ Việt Nam có gì mới không ta chưa thấy chỉ dấu nào xuất hiện. Còn các phát ngôn lầm lạc kiểu như “các nhà thơ trẻ có kĩ thuật nhưng còn thiếu trải nghiệm”, “văn chương không cần trào lưu, bởi trào lưu không làm nên giá trị”, hay “tưởng mới lắm, chỉ là mấy thứ học đòi cái Tây phương đã ném sọt rác từ lâu”, vân vân được lặp đi lặp lại, không gì hơn ngoài kéo thơ tụt xuống.

Buồn không?!

Comments are closed.