Biển không tranh chấp: Lịch sử bị bóp méo của Biển Đông trước thế kỷ 20 (kỳ 8)

Tác giả: Lê Oa Đằng

Việt dịch: Phan Văn Song

This image has an empty alt attribute; its file name is image-25.png

被扭曲的南海史二十世紀前的南中國海黎蝸藤南圖書出版股份有限公司 (Ngũ Nam đồ thư xuất bản cổ phần hữu hạn công ty) Năm xuất bản: 2016; ISBN, 9571184578, 9789571184579

(3) Tại sao tính toán kinh độ của Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh lại sai

Để xác định vị trí, ngoài vĩ độ, còn phải xác định thêm kinh độ. Từ thảo luận ở trên, chúng ta có thể thấy rằng 3 phương pháp đo lường được Quách Thủ Kính sử dụng cho Nam Hải chỉ liên quan đến vĩ độ. Ba phương pháp này cho dữ liệu dự phòng lẫn nhau và có thể dùng để kiểm chứng cho nhau, nhưng không thể mang lại thông tin mới nào, nói gì đến thông tin kinh độ.

Tuy nhiên, những người ủng hộ ‘thuyết đảo Hoàng Nham’ cho rằng kinh độ có thể được tính toán dựa trên 3 dữ liệu này. Sở dĩ Hàn Chấn Hoa đề xuất ‘thuyết đảo Hoàng Nham’ vào năm 1979 là vì ông tin rằng Quách Thủ Kính đã biết cách đo kinh độ và đã đo kinh độ trong chuyến đo đạc ở Nam Hải; sau đó chính ông đã “phát minh” ra cách tính kinh độ từ 3 loại dữ liệu chỉ liên quan đến vĩ độ này; và cuối cùng dựa theo kinh độ do tự mình “xác định” ông suy ra địa điểm khảo sát là ở bãi Scarborough. Lập luận của Lí Kim Minh gần giống với Hàn Chấn Hoa. Có thể nói, kinh độ được tính toán của “Nam Hải” là bằng chứng tích cực duy nhất ủng hộ thuyết đảo Hoàng Nham. Thật không may, thuyết này hoàn toàn không thể đứng vững về mặt khoa học.

Các chuyên gia nghiên cứu khoa học tự nhiên cổ của Trung Quốc, đặc biệt là các nhà nghiên cứu thiên văn học cổ, không ủng hộ quan điểm của Hoa và Minh. Ví dụ, Trần Mĩ Đông, một chuyên gia về lịch sử thiên văn học Trung Quốc (trước khi qua đời, ông là giám đốc Viện Lịch sử Khoa học Tự nhiên của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc), đã viết chuyên khảo “Lịch sử Phát triển Khoa học Trung Quốc – tập Thiên văn học[436] và “Sách bình luận về Quách Thủ Kính“,[437] chuyên nghiên cứu về Quách Thủ Kính, đều phủ nhận rằng kinh độ có thể tính ra được từ 3 nhóm dữ liệu này.

So với những nhà thiên văn học chuyên nghiệp và nhà nghiên cứu lịch sử thiên văn học này, Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh, những người không được đào tạo chuyên môn về thiên văn học và chuyên nghiên cứu lịch sử, chỉ có thể được coi là nghiệp dư trong thiên văn học cổ đại. Về câu hỏi liệu kinh độ có thể tính ra được dựa trên số ít dữ liệu này hay không, quan điểm của bên nào thuyết phục hơn hiển nhiên không cần phải nói.

Đáng tiếc là chưa có nhà sử học thiên văn nào đưa ra phân tích cụ thể về những sai sót trong cách “tính kinh độ”của Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh. Điều này có thể hiểu được, cũng như các nhà vật lí hiện đại không thể tập trung sức lực vào việc mổ xẻ động cơ vĩnh cửu, và các nhà toán học hiện đại cũng không thể chỉ trích các nhà toán học nghiệp dư tuyên bố giải được bài toán chia 3 một góc. Sai lầm mà Hoa và Minh mắc phải ở mức độ thấp có lẽ không nằm trong tầm ngắm của họ. Tuy nhiên, để làm sáng tỏ vấn đề địa điểm đo của Quách Thủ Kính từ góc độ lịch sử, tác giả cần phân tích cụ thể vì sao họ sai.

Để thuận tiện cho việc trình bày, hãy bắt đầu với lập luận của Lí Kim Minh. Trong bài viết “Nam Hải trong ‘đo đạc bốn biển’ của nhà Nguyên” năm 1996 của Lí Kim Minh, cách tính kinh độ như sau: “Về việc tính kinh độ, chúng ta có thể sử dụng chênh lệch về thời gian giữa ngày và đêm giữa hai nơi. Ví dụ, ‘Đo đạc bốn biển’ cũng cung cấp về thời gian ngày và đêm cho Nam Hải và Hành Nhạc, Nam Hải với ‘ngày 54 khắc, đêm 46 khắc’, và Hành Nhạc ‘ngày 56 khắc, đêm 44 khắc’. Nói cách khác, chênh lệch giữa ngày và đêm giữa Nam Hải và Hành Nhạc là 2 khắc, và nếu tính vào giữa ngày thì chênh lệch là 1 khắc, và 1 khắc tương đương với 3,6° độ kinh trên bản đồ hiện tại. Được biết, kinh độ của Hành Nhạc… là khoảng 113,1° E, nên kinh độ của Nam Hải, chênh lệch với nó 3,6°, là 116,7° E.[438] Phương pháp tính kinh độ còn được mô tả trong hai bài viết khác của Lí Kim Minh, bài “Ghi chép về lịch sử và địa lí các đảo ở Nam Hải” năm 1995[439] và chuyên khảo “Nghiên cứu về biên giới của Nam Hải” năm 1999,[440] về cơ bản là giống nhau như mô tả trên đây.

Thoạt nhìn đoạn văn này, khó có thể hiểu được logic của giáo sư Lí Kim Minh là gì. Trên thực tế, phương pháp tính toán của ông như sau: Ví dụ, số liệu ở “Nam Hải” là ngày 54 khắc và đêm 46 khắc (chia 24 giờ thành 100 phần, mỗi khắc tương ứng với 3,6° kinh). Nếu như chia thời gian ban ngày cho 2 thì được 27 khắc, đó có thể chính là thời gian từ mặt trời mọc đến giữa trưa (cái mà ông ta gọi là ‘giữa ngày’). Ở “Hành Nhạc” (một địa điểm đo khác), ngày là 56 khắc, đêm là 44 khắc nên thời gian từ lúc mặt trời mọc đến trưa là đúng 28 khắc. Vì vậy, ông nghĩ rằng sự khác biệt về thời gian mặt trời mọc có thể liên quan đến sự khác biệt về kinh độ. Nhưng như đã giải thích ở trên, bất kể ở Trung Quốc, Châu Âu hay Bắc Mĩ, độ dài ngày của một địa điểm nhất định chỉ liên quan đến vĩ độ của địa điểm đó (bỏ qua những khác biệt nhỏ do vòng quay của trái đất và độ cao của bề mặt mang lại). Chính xác thì lỗi logic của Lí Kim Minh là gì?

Trước hết, cần phân biệt giữa giờ địa phương (local time) và giờ tuyệt đối (giờ toàn cầu / global time), cũng như giữa khái niệm thời điểm (time point) và khoảng thời gian (interval). Hệ thống giờ địa phương đề cập đến thời gian dựa trên kinh độ địa phương và giờ tuyệt đối đề cập đến thời gian dựa trên vị trí trên trái đất. Tại một giờ tuyệt đối nhất định, số đọc giờ (thời điểm) theo giờ địa phương là khác nhau ở các cấp độ địa phương khác nhau. Hệ thời gian cho địa điểm được chọn được gọi là giờ chuẩn và để thuận tiện cho việc phân tích, lấy giờ Bắc Kinh làm giờ chuẩn. Việc đọc giờ phụ thuộc vào hệ thời gian nào được chọn. Ví dụ: khi đo thời gian mặt trời mọc ở Urumqi, nếu mặt trời mọc lúc 7 giờ theo hệ giờ địa phương của Urumqi thì sẽ là 9 giờ theo hệ giờ Bắc Kinh. Độ dài ban ngày là một khoảng thời gian, không liên quan gì đến hệ thời gian được sử dụng. Điều này là do độ dài ban ngày bằng giờ (thời điểm) mặt trời lặn trừ đi giờ (thời điểm) mặt trời mọc, do đó sự khác biệt về số giữa các hệ giờ khác nhau sẽ triệt tiêu lẫn nhau. Ví dụ, ở Urumqi, nếu thời điểm mặt trời lặn là 17:00 theo hệ giờ địa phương thì độ dài ban ngày là 10 giờ. Theo hệ thời gian Bắc Kinh, thời điểm mặt trời lặn sẽ là 19:00 và độ dài ban ngày vẫn là 10 giờ.

Trong hệ giờ địa phương, nếu bỏ qua sự khác biệt nhỏ do sự quay của trái đất gây ra thì khoảng thời gian từ lúc mặt trời mọc đến giữa trưa đúng bằng một nửa độ dài ban ngày, vì giữa trưa theo giờ địa phương được xác định lúc mặt trời ở điểm cao nhất, tức là thời điểm mà bóng ngắn nhất. Theo đó, thời điểm mặt trời mọc theo hệ giờ địa phương có thể được tính bằng cách lấy 12 giờ trừ đi một nửa độ dài ban ngày. Nhưng trong hệ thời gian chuẩn, thời điểm giữa trưa này không còn là 12 giờ nữa. Ví dụ, giữa trưa ở Urumqi, sẽ là 14 giờ theo giờ Bắc Kinh. Do đó, nếu không biết mối quan hệ kinh độ giữa vị trí đo và vị trí được chọn làm giờ chuẩn thì không thể sử dụng cùng một phương pháp để tính thời điểm mặt trời mọc từ thời điểm được hệ thời gian chuẩn ghi lại, vì một nửa độ dài ban ngày không bằng thời điểm giữa trưa trừ đi thời điểm mặt trời mọc.

Từ phần thảo luận ở trên, có thể thấy rằng khái niệm thời điểm có liên quan đến hệ thời gian đã chọn, trong khi khái niệm độ dài của ngày độc lập với hệ thời gian. Chỉ khi theo hệ giờ địa phương thì mới có thể tính thời điểm mặt trời mọc bằng cách chia độ dài ban ngày cho 2. Vì vậy phương pháp tính thời điểm mặt trời mọc của Lí Kim Minh chỉ có giá trị trong hệ giờ địa phương.

Tuy nhiên, việc tìm thời điểm mặt trời mọc theo hệ giờ địa phương để tính kinh độ là vô ích, vì trong cùng một ngày ở cùng một vĩ độ, thời điểm mặt trời mọc là như nhau và độ dài của ngày cũng giống nhau theo hệ giờ địa phương. Ở Bắc Kinh, thời điểm mặt trời mọc là 7 giờ tính theo giờ Bắc Kinh; ở Urumqi, cũng là 7 giờ theo giờ Urumqi; ở Tokyo, cũng vẫn là 7 giờ theo giờ Tokyo.[441] Về cơ bản là không có cách nào để lấy được thông tin về kinh độ từ thời điểm mặt trời mọc ở địa phương này. Nói cách khác, không thể tìm sự tương quan về thời gian ở các vùng khác nhau chỉ bằng cách dùng thời điểm theo hệ giờ địa phương.

Chỉ có thể tìm kinh độ từ dữ liệu về thời gian khi dữ liệu đó theo hệ giờ chuẩn thay vì theo hệ giờ địa phương. Điều này là do ở cùng một vĩ độ, phía đông mặt trời mọc sớm hơn và phía tây mọc muộn hơn. Nếu biết thời điểm mặt trời mọc theo giờ chuẩn ở hai nơi phía đông và phía tây có cùng một vĩ độ thì có thể tính được sự khác biệt về kinh độ giữa hai nơi đó. Sau đó có thể dùng phương pháp lượng giác để hiệu chỉnh sự chênh lệch do các vĩ độ khác nhau gây ra (do vào ngày hạ chí, đối với những nơi cùng kinh độ thì nơi có vĩ độ cao mặt trời mọc sớm, nơi có vĩ độ thấp mọc muộn), từ đó có thể tính được ở phần chênh lệch về kinh độ giữa hai nơi có vĩ độ khác nhau. Chẳng hạn, Quách Thủ Kính có thể làm như thế này: đặt 6 đồng hồ được hiệu chỉnh giống nhau ở 6 vị trí đo [có đủ 3 loại dữ liệu như đã liệt kê ở trên] và sử dụng chúng để ghi lại thời điểm mặt trời mọc và mặt trời lặn (không chỉ độ dài ban ngày), nhằm có thể tính toán kinh độ bằng cách sử dụng hiệu chỉnh theo vĩ độ. Nhưng Quách Thủ Kính không ghi lại những dữ liệu đó. Trên thực tế, thời của Quách Thủ Kính chỉ sử dụng hệ giờ địa phương chứ không sử dụng hệ thống giờ chuẩn.[442] Lí Kim Minh cố gắng tính thời điểm mặt trời mọc bằng cách chia độ dài của ngày cho 2, nhưng cách này chỉ đúng trong hệ giờ địa phương.

Chỉ từ mô tả của Lí Kim Minh, có vẻ hợp lí khi cho rằng ý tưởng sai lầm của Lí Kim Minh là ông ta không phân biệt rõ hệ giờ địa phương với hệ giờ chuẩn, nên ông ta đã sử dụng hệ giờ địa phương khi tính thời điểm mặt trời mọc, nhưng lại lấy thời điểm theo hệ giờ địa phương trực tiếp làm thời điểm theo hệ giờ chuẩn để thu thập thông tin kinh độ. Tại sao Lí Kim Minh lại phạm phải sai lầm thông thường như vậy, sau khi đọc đi đọc lại bài viết của Hàn Chấn Hoa, tác giả nhận ra Lí Kim Minh thật sự có khó khăn không thể tả xiết. Bài viết của Lí Kim Minh về cơ bản tuân theo luận điểm của Hàn Chấn Hoa, nhưng đã lượt bớt đi một số phần trọng yếu trong lập luận của Hàn Chấn Hoa. Việc lượt bớt này không phải do vô ý, bởi vì những phần đó đóng vai trò cốt yếu trong toàn bộ quá trình tính toán kinh độ (trừ khi ông không hiểu được suy nghĩ của Hàn Chấn Hoa). Rất có thể Lí Kim Minh cũng cảm thấy lập luận về lịch sử của Hàn Chấn Hoa hết sức thiếu nghiêm túc và quá sai sót nên đã cố tình không đề cập đến những phần đó trong các bài báo và chuyên khảo của mình. Vì vậy, trong chuyên khảo của ông có thể thấy một sự tương phản rất kì lạ: ông đã mô tả chi tiết phương pháp tính vĩ độ dễ hiểu, thậm chí còn liệt kê cả các công thức toán lượng giác, nhưng lại mơ hồ một cách khó hiểu về cách tính kinh độ, chỉ đưa ra một vài câu ngắn gọn trong phần trình bày về thuyết đảo Hoàng Nham, như được trích dẫn ở trên.

Trong bài viết, Hàn Chấn Hoa xử lí như thế này: Đầu tiên ông đưa ra hai giả định khá tiên tiến, nhưng mỗi giả định đều vô căn cứ, sau đó ông cung cấp một bộ dữ liệu để “chứng minh” lí luận của mình, nhưng bộ dữ liệu đó là một lập luận vòng tròn. Giả thuyết đầu tiên của ông là Quách Thủ Kính biết rất rõ về khái niệm kinh độ và nắm vững phương pháp đo kinh độ.

Ở Trung Quốc cổ đại, việc mô tả khái niệm kinh độ có lẽ đã bắt đầu từ những năm đầu của Đế quốc Mông Cổ. Da Luật Sở Tài (Yelu Chucai) đã đề xuất khái niệm “lí sai” (里差:sai biệt về số lí) trong cuốn sách “Tây chinh Canh Ngọ Nguyên lịch” dành tặng cho Thành Cát Tư Hãn vào năm 1220. Ý tưởng chung là qua việc đo khoảng cách đông tây, có thể khắc phục được vấn đề chênh lệch về thời gian giữa hai nơi. Không rõ đây là ý tưởng gốc của ông hay lấy từ người Ả Rập. Trong giới khoa học tự nhiên Trung Quốc cổ đại, khái niệm ‘lí sai’ này được coi là khái niệm kinh độ “đơn giản” sớm nhất. Điều này đúng về mặt lí thuyết, nhưng sai số trong ứng dụng thực tế là cực lớn và sai số hệ thống lên tới 1,42 lần. Dù trong lịch sử phương Đông hay phương Tây, việc đo lường chính xác kinh độ vẫn luôn là một vấn đề khó. Vào đầu triều đại nhà Nguyên, Trát Mã Lỗ Đinh (Zamaruddin), một người theo đạo Hồi, đã tạo ra một quả địa cầu với một mạng lưới tương tự như vĩ tuyến và kinh tuyến. Nhưng không có bằng chứng nào trong lịch sử cho thấy điều này có bất kì tác động nào đến cộng đồng thiên văn học Trung Quốc. Giới lịch sử khoa học Trung Quốc cổ đại thường chấp nhận rằng mãi cho đến Từ Quang Khải vào cuối thời Minh thì kinh độ mới có thể được đo chính xác.[443]

Hàn Chấn Hoa cho rằng Quách Thủ Kính có thể đã biết khái niệm kinh độ đơn giản ‘lí sai’. Điều này có thể đúng, nhưng biết khái niệm không có nghĩa là có thể áp dụng được nó vào thực tế. Hàn Chấn Hoa cũng cho rằng “có thể” sử dụng nguyệt thực để đo kinh độ vào thời nhà Nguyên. Tuy nhiên, những ví dụ mà ông trích dẫn lại từ Quảng Đông thông chí Quỳnh Châu thông chí vào thời Đạo Quang nhà Thanh, không thể nào chứng minh rằng kĩ thuật của cuối thời Thanh có thể đã được sử dụng vào đầu thời Nguyên. Tất nhiên, điều quan trọng nhất là chính ông cũng thừa nhận rằng không có dữ liệu “nguyệt thực” trong các dữ liệu đo đạc bốn biển do Quách Thủ Kính để lại, nên không thể tính được dữ liệu kinh độ của Nam Hải theo phương pháp này. Vì vậy, Hàn Chấn Hoa chỉ có thể bắt đầu từ độ dài của ngày.

Hàn Chấn Hoa chỉ ra: “Quách Thủ Kính chú ý đo lường thời gian từ lúc mặt trời mọc đến cuối ngày trong ngày hạ chí ở những nơi khác nhau dài bao nhiêu, từ đó có thể so sánh thời gian từ lúc mặt trời mọc đến giữa trưa ở hai nơi sai biệt bao nhiêu và do đó có thể tính toán được ‘lí sai’ giữa hai địa điểm là bao nhiêu khắc, và có thể chuyển đổi sai biệt về kinh độ thành bao nhiêu độ hiện nay.” Ý tưởng này đồng nhất với ý tưởng của Lí Kim Minh đã đề cập ở trên (thật ra, Lí Kim Minh đã làm theo ý tưởng của Hàn Chấn Hoa). Tuy nhiên, như đã thảo luận ở trên, độ dài của ngày chỉ có thể dùng tính thời điểm mặt trời mọc theo hệ giờ địa phương chứ không thể tìm mối tương quan với thời điểm mặt trời mọc ở các địa điểm khác nhau.

Hàn Chấn Hoa đưa ra giả định thứ hai táo bạo hơn, dùng “độ dài ban ngày” để tìm ra vị trí của “Nam Hải”, đó là Quách Thủ Kính đầu tiên chọn 6 địa điểm (Nam Hải, Hành Nhạc, Nhạc Thai, Hoà Lâm, Thiết Lặc và Bắc Hải). Ngoài ra, cả 3 loại dữ liệu ở hầu hết các địa điểm này đều đã được đo, nhưng Hàn Chấn Hoa lại không đưa đủ vào trong liệt kê của 6 địa điểm trên, trước tiên ông vẽ một đường thẳng trên bản đồ (nói chính xác hơn là vẽ vòng tròn lớn này trên quả địa cầu) cắt xích đạo theo góc 66° 33’, sau đó xác nhận các vị trí trên bản đồ rồi đi đo. Sở dĩ 6 điểm trên đường này được chọn là vì trục quay của trái đất tạo với mặt phẳng quay (mặt phẳng hoàng đạo) một góc bằng 23° 27’ nên 6 điểm này có thể nhìn thấy mặt trời mọc cùng một lúc (theo “hệ giờ chuẩn”), điều này tương quan một cách hữu hiệu với thời điểm mặt trời mọc (cùng một lúc) trong các hệ giờ địa phương khác nhau, và có thể sử dụng độ dài ban ngày để tính thời điểm mặt trời mọc ở địa phương: chia độ dài ban ngày ở địa phương cho 2 (gọi là T), thời điểm mặt trời mọc ở địa phương sẽ là 12 − T. Vì vĩ độ có thể tính được nên kinh độ và vĩ độ có thể được xác định bằng phép tính.

Vào ngày ngày hạ chí đặc thù, việc tính toán này càng dễ hơn. Ở những địa điểm khác nhau có cùng kinh độ, mặt trời mọc sớm hơn ở phía Bắc (vĩ độ cao hơn); ở những địa điểm khác nhau ở cùng vĩ độ, mặt trời mọc sớm hơn ở phía Đông, do đó phải có hai nơi, một ở phía bắc và phía tây, và một ở phía nam và phía đông hơn, do sự khác biệt về thời điểm mặt trời mọc do kinh độ và vĩ độ gây ra triệt tiêu lẫn nhau nên thời gian mặt trời mọc của chúng giống nhau. Nếu tìm ra được những địa điểm này và nối chúng thành một đường thì vào ngày hạ chí đó sẽ là một đường thẳng (vòng tròn lớn) có góc cắt với đường xích đạo bằng 66° 33’ đúng như những gì Hàn Chấn Hoa đã nói. Đây có lẽ là giả định có thể có tính khoa học duy nhất được đưa ra để tính kinh độ từ dữ liệu do Quách Thủ Kính để lại.

Có một thuật ngữ chuyên môn trong thiên văn học cho đường 6 điểm được Hàn Chấn Hoa đề cập, đó là quyển sáng tối hoặc đường sáng tối (terminator, twilight zone, grey line). Đường sáng tối là một vòng tròn lớn tưởng tượng trên trái đất, nó di chuyển theo thời gian trong ngày và nó tượng trưng cho đường phân chia bán cầu sáng và bán cầu tối trên trái đất tại mỗi thời điểm. Ngoại trừ ở vùng cực, đường sáng tối đi qua mọi nơi trên trái đất hai lần trong ngày, một lần vào lúc bình minh và lần kia vào lúc hoàng hôn. Thời điểm mặt trời mọc hoàn toàn như nhau ở tất cả các địa điểm trên cùng một đường sáng tối, nhưng giờ địa phương của chúng khác nhau vì mỗi điểm nằm ở một kinh tuyến khác nhau. Hàng ngày, góc cắt của đường sáng tối và đường kinh tuyến là cố định (để cho ngắn gọn, phần thảo luận này bỏ qua sự khác biệt nhỏ do chuyển động quay gây ra và cho rằng nó là cố định hàng ngày). Nhưng góc cắt giữa đường sáng tối và đường kinh tuyến thay đổi theo mùa. Vào các ngày xuân phân và thu phân hàng năm, đường sáng tối trùng với đường kinh tuyến. Điều này cho thấy trong hai ngày này, khoảng thời gian từ mặt trời mọc đến mặt trời lặn trên khắp thế giới là như nhau, đó là nửa ngày và tất cả các địa điểm trên đường sáng tối đều ở thời điểm lúc 6 giờ sáng hoặc 6 giờ chiều. Vào những ngày hạ chí và đông chí, góc giữa đường sáng tối và kinh tuyến đạt cực đại (23,5°). Do đó, nếu 6 điểm trên cùng một đường sáng tối được chọn vào một ngày nhất định thì có thể đáp ứng điều kiện “hiệu chỉnh” thời gian mặt trời mọc. Nếu chọn “ngày nhất định” này là ngày hạ chí thì độ chính xác của phép đo và tính thuận tiện trong tính toán sẽ cao hơn.

Thật thông minh khi có thể tìm ra lập luận cho phương pháp kiểu hậu nghiệm này. Đáng tiếc là mặc dù cách tiếp cận này có vẻ hợp lí về mặt khoa học nhưng những gì Quách Thủ Kính làm hoàn toàn nằm ngoài sự tưởng tượng của chính Hàn Chấn Hoa. Có ba lí do: Thứ nhất, không có bằng chứng nào cho thấy Quách Thủ Kính chọn những điểm này dựa trên nguyên tắc đó. Bằng chứng của Hàn Chấn Hoa chỉ là 2 chữ “thủ trực” (取直: đo bóng ngắn nhất) trong đoạn trích “Lãnh thổ ngày nay còn rộng lớn hơn thời Đường, nếu không đo đạc ở xa, nhật thực và nguyệt thực xảy ra ở những thời điểm khác nhau, độ dài của ngày và đêm khác nhau, độ cao của mặt trời, mặt trăng và các sao cũng khác nhau, nghĩa là nếu có ít người quan sát đo đạc, trước tiên có thể đặt đồng hồ ở bắc và nam, và đo bóng ngắn nhất” trong cuốn “Quách Thủ Kính bình truyện.” Ông giải thích ‘thủ trực’ là “vào ngày hạ chí, lấy một đường thẳng qua thiên đỉnh vuông góc với hoàng đạo, chọn tổng cộng 6 điểm quan sát ở hai phía bắc và nam của đường thẳng đứng này và đặt đồng hồ quan sát ở mỗi điểm.” nhưng lời giải thích này là vô nghĩa. Trong tiếng Trung cổ, ’thủ trực’ có nghĩa là vẽ một đường thẳng, còn theo ý nghĩa trong văn bản, nó có nghĩa là đo bóng ngắn nhất. Xét từ điều nêu trên rằng “…nhật thực và nguyệt thực xảy ra ở những thời điểm khác nhau, độ dài của ngày và đêm khác nhau, độ cao của mặt trời, mặt trăng và các sao cũng khác nhau…”, Quách Thủ Kính chỉ nhấn mạnh sự khác biệt về vĩ độ, thời điểm nhật thực và nguyệt thực hầu như không thể liên hệ với kinh độ hiện đại, nhưng nó cũng cho thấy Quách Thủ Kính vẫn chỉ có khái niệm “lí sai” ở thời đại Yelu Chucai. Không từ ngữ nào có thể thể hiện lời giải thích của Hàn Chấn Hoa. Nếu Quách Thủ Kính có ý tưởng vẽ một đường thẳng theo góc độ này, thì ít nhất ông phải đề cập đến những từ vựng chuyên môn như “góc cắt giữa hoàng đạo và xích đạo” hay “khoảng cách lớn giữa hoàng đạo và xích đạo”, bởi vì hai cụm từ này đã được sử dụng từ lâu và phổ biến ở Trung Quốc cổ đại, tương đương với góc nhị diện giữa quỹ đạo Trái đất (hoàng đạo) và mặt phẳng quay của Trái đất (xích đạo), và bằng góc phụ của góc 66° 33’, theo thuật ngữ của khoa học hiện đại.

Thứ hai, mặc dù Trung Quốc đã biết đến góc cắt giữa hoàng đạo và xích đạo từ lâu nhưng trước khi thời Minh kết thúc, chưa có ai từng kết nối góc giữa hoàng đạo và xích đạo với “lí sai” và thậm chí còn ít người hơn từng sử dụng nó để đo “lí sai”. Vào thời Nguyên, như đã đề cập ở trên, phương pháp đo lường sự khác biệt là sử dụng hiện tượng nguyệt thực tương đối chính xác, sai số vẫn còn hơn 1,4 lần, vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Có rất nhiều ghi chép về Quách Thủ Kính, nhưng không có ghi chép nào cho thấy Quách Thủ Kính đã sử dụng góc góc cắt giữa hoàng đạo và xích đạo để đo ‘li sai’. Không còn thông tin liên quan nào trong “Lịch thụ thời” do ông biên soạn.

Cuối cùng, ngay cả khi Quách Thủ Kính biết phương pháp này, ông ta cũng không thể xác định trước những vị trí này trên bản đồ hoặc quả địa cầu. Trên các bản đồ Trung Quốc cổ lớn, sự biến dạng của bản đồ cương vực biển và biên giới hết sức nghiêm trọng (xem Mục 4.5). Bản đồ Nam Hải của Ngụy Nguyên cuối thời Thanh vẫn còn vẫn còn sai lệch rất xa so với thực tế, chưa kể đảo Hoàng Nham (bãi Scarborough) chưa từng xuất hiện trên bản đồ Trung Quốc cổ đại. Ngay cả ở phương Tây, các bản đồ liên quan đến khu vực Nam Hải (biển Đông) hầu như không giống với các bản đồ hiện đại sau thế kỉ 16. Chưa ai từng nhìn thấy những quả địa cầu vào thời Quách Thủ Kính (quả cầu sớm nhất còn tồn tại được làm vào năm 1492),[444] nhưng xét từ độ thô sơ của các bản đồ vào thời điểm đó, thật khó để tưởng tượng những quả địa cầu được du nhập từ Ả Rập có thể vẽ bản đồ cương vực Trung Quốc trên biển Đông cẩn thận đến mức Quách Thủ Kính có thể xác định được vị trí đảo Hoàng Nham trên địa cầu.

Nếu Quách Thủ Kính thật sự có được kiến ​​thức của giáo sư Hàn Chấn Hoa thì việc mang đồng hồ đến nhiều nơi để ghi lại thời gian mặt trời mọc như đã nói ở trên sẽ dễ dàng, thuận tiện và chính xác hơn rất nhiều. Quan trọng nhất, nếu Quách Thủ Kính đã có đầy đủ dữ liệu địa lí và thiên văn như vậy vào thời điểm đó thì ông ấy sẽ không phí công để thực hiện những phép đo như vậy.

Tóm lại, Hàn Chấn Hoa đã sử dụng kiến ​​thức và tài liệu của người hiện đại, tự mình thiết kế ra một phương pháp và áp dụng nó cho người cổ đại. Phương pháp này đi ngược nguyên tắc tìm kiếm sự thật từ các sự kiện trong lịch sử. Cần lưu ý rằng một số chân lí khoa học rất dễ dàng đối với người hiện đại, nhưng nếu nhìn trở lại, cũng sẽ thấy rằng các điều kiện cho một tiến bộ khoa học nhất định tồn tại mờ nhạt, có thể chỉ cần thực hiện một bước nhỏ là có thể đạt được bước đột phá. Tuy nhiên, người xưa đã phải nỗ lực rất nhiều cho mỗi bước tiến trong khoa học, có được một số khái niệm đơn giản không đồng nghĩa với việc thật sự sở hữu những kiến ​​thức này chứ đừng nói đến việc có thể áp dụng những kiến ​​thức này vào thực tế. Đừng bao giờ áp đặt kiến ​​thức và trí tưởng tượng của thế hệ sau lên thế hệ đi trước. Vì sự phát triển của khoa học có quy luật riêng nên việc nghiên cứu lịch sử khoa học cũng phải dựa trên dữ liệu lịch sử hơn là trí tưởng tượng. Đối với những giả thuyết rõ ràng là vượt thời đại, phải sử dụng nhiều tài liệu lịch sử hơn để chứng minh, và Hàn Chấn Hoa hoàn toàn không làm điều này trong bài viết. Do có liên quan chặt chẽ đến sản xuất nông nghiệp và người xưa tin rằng các hiện tượng thiên văn có thể dự đoán được tương lai nên thiên văn học là một trong những ngành khoa học có ghi chép chi tiết nhất ở Trung Quốc cổ đại và hầu như mọi bước tiến bộ đều để lại dấu vết trong sử sách. Giả thuyết của Hàn Chấn Hoa rõ ràng là từ không thành có và không được bất kì sử liệu nào hậu thuẫn. Sau hai giả định phi thực tế và vô căn cứ, Hàn Chấn Hoa bắt đầu thực hiện công việc “xác minh”. Để chứng minh thuyết của mình là đúng, ông đã liệt kê vị trí của 6 địa điểm so với kinh độ “được tính toán” của mình. Xét từ những con số này, chúng thật sự rất ăn khớp và có thể đánh lừa những ai không đọc kĩ. Nhưng nếu xem xét kĩ hơn, sẽ thấy rằng vị trí của 5 trong 6 địa điểm ban đầu đang còn tranh cãi, vị một số địa điểm được coi là không chắc chắn, và một số bị cho là ở nơi khác, nhưng Hàn Chấn Hoa đã đề xuất địa điểm mới để chứng minh rằng điểm mà Quách Thủ Kính đo nằm trên đường đặc biệt mà ông đã vẽ.

Hàn Chấn Hoa cho rằng dự án đo đạc của Quách Thủ Kính không hoàn hảo do có sự can thiệp của các quan chức hủ lậu (ám chỉ Hứa Thành). Ví dụ: chỉ có 6 điểm đo đầu tiên có cả ba loại dữ liệu, còn 21 điểm còn lại chỉ có loại dữ liệu về độ cao của sao Bắc Đẩu, ảnh hưởng đến việc đo kinh độ, v.v. Nhưng trên thực tế, hai loại dữ liệu còn lại có thể được suy ra từ độ cao của sao Bắc Đẩu, và Hứa Hành (nếu ông ta thật sự có liên quan) không có tác dụng gì đối với vấn đề này. Đồng thời, ông cho rằng Hứa Hành “cổ hủ” và nhất quyết sử dụng “địa danh cổ” và “địa danh thiên lệch, lạ lùng, dễ hiểu sai” để đặt tên cho các địa điểm khảo sát nhưng lại không giải thích lí do tại sao ông cho rằng Hứa Hành nhất quyết sử dụng các địa danh như vậy. Trên thực tế, hầu hết 27 địa danh đều là tên quen dùng, rất rõ ràng. Chỉ dựa trên khẳng định vô căn cứ của mình, Hàn Chấn Hoa cho rằng những địa điểm đo này, đặc biệt là 6 địa điểm đo đầu, mà hầu hết được xác định theo truyền thống đều có điều không ổn. Vậy làm thế nào để xác nhận được địa điểm mà ông cho là đúng? Trong tiểu luận của mình, cơ sở chính để 6 địa điểm đo đầu này được xác định là các địa điểm chuẩn xác chính là do chúng đều nằm trên đường 66° 33’ mà chính Hàn Chấn Hoa tưởng tượng (bổ sung một số bằng chứng gián tiếp khác không có sức mạnh), phương pháp này trước tiên dùng đường thẳng để xác nhận các địa điểm, sau đó lại dùng các địa điểm này để chứng minh độ tin cậy của đường thẳng đó, chính vì vậy mà trong bảng của Hàn Chấn Hoa cả hai ăn khớp với nhau. Rõ ràng đây là một lập luận vòng vo về mặt logic và hoàn toàn không có sức thuyết phục.

Ngoài ra, dựa theo câu trong “Nguyên sử -Thể Tổ bản kỉ” rằng “… lệnh cho Quách Thủ Kính đi đến Thượng Đô và Đại Đô, đi qua phủ Hà Nam đến Nam Hải để đo bóng nắng…”, Hàn Chấn Hoa cho rằng Quách Thủ Kính đã định lại “kinh tuyến gốc” (地中子午線: địa trung Tí Ngọ tuyến) hướng bắc-nam cho nhà Nguyên lấy Đại Đô (Bắc Kinh) làm trung tâm và “kinh tuyến mới này bắt đầu từ Đại Đô ở phía bắc và kết thúc tại Nam Hải ở phía nam…”. Nếu như khẳng định của ông là đúng thì có thể xác nhận bãi cạn Scarborough, do gần Bắc Kinh hơn về kinh độ, chính là Nam Hải.

Tuy nhiên, khẳng định này là hoàn toàn vô căn cứ. Trước hết, với câu trong “Nguyên sử – Thể Tổ bản kỉ” nói về đo đạc bốn biển, không có bằng chứng nào cho thấy nó có liên quan đến cái gọi là định lại “kinh tuyến từ bắc xuống nam”. Thứ hai, coi Nam Hải là biên giới phía nam của nhà Nguyên lúc đó là điều có thể chấp nhận được nhưng biên giới phía bắc không là Bắc Kinh mà phải xa hơn về phía bắc. Vì vậy, không có lí do gì để cho rằng Quách Thủ Kính khi thiết lập kinh tuyến chỉ tìm thấy điểm cuối ở phía nam mà không tìm thấy điểm cuối ở phía bắc. Hơn nữa, theo Hàn Chấn Hoa, “Bắc Hải” hoàn toàn không nằm trên cùng đường kinh tuyến với Bắc Kinh. Điều này cũng cho thấy những lời trong “Thể Tổ bản kỉ” không liên quan gì đến việc xác lập kinh tuyến bắc-nam. Thứ ba, việc định lại kinh tuyến bắc-nam là nhằm xác định sự thống nhất về thời gian trên khắp cả nước. Không có lí do gì để chọn một điểm nằm biệt lập ở giữa biển, và điểm này lại không có trên bản đồ (đảo Hoàng Nham chưa bao giờ xuất hiện trong bản đồ cổ của Trung Quốc), điểm này cũng không thể tìm thấy trên bản đồ, và hơn nữa sau khi đo đạc tại điểm đó cũng không thể vẽ một đường như vậy trên bản đồ để tìm ra những địa điểm nào trên đất liền nằm trên đường này. Điều này rõ ràng không có chút ý nghĩa nào. Cuối cùng, vì Quách Thủ Kính không có cách nào xác định điểm này trên bản đồ rồi đo đạc, và do tính chất phức tạp về thủy văn nên Quách Thủ Kính cũng không thể khởi hành từ bờ biển đất liền và đi thuyền theo một góc hợp lí theo hướng chánh nam thẳng đến đảo Hoàng Nham (bãi Scarborough). Vì vậy, ngay cả khi Quách Thủ Kính có thể đo đạc ở đảo Hoàng Nham thì trước khi đo cũng không thể có mục đích này. Vì vậy, khẳng định của Hàn Chấn Hoa là hoàn toàn vô căn cứ, và đó chỉ là một ví dụ khác về việc ông ta đưa ra kết luận trước rồi mới chắp nối bằng chứng.

Trong phần tường thuật sau này của Lí Kim Minh về bài toán kinh độ, ông không đề cập đến giả định của Hàn Chấn Hoa về “một đường thẳng 66° 33‘ ” để tính toán bài toán kinh độ bằng cách sử dụng độ dài ban ngày, và ông cũng lờ đi về vấn đề “kinh tuyến gốc”. Nguyên nhân cụ thể không rõ ràng, rất có thể Lí Kim Minh biết hai giả định này đều không đáng tin cậy, nên quyết định chọn cách để mơ hồ.

Nói chung, Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh đã sử dụng các phép tính kinh độ để cho rằng “Nam Hải” là đảo Hoàng Nham, tuy nhiên các tính toán kinh độ liên quan thực chất đều dựa trên những giả định không tưởng và phi thực tế, hoàn toàn không có cơ sở lịch sử và đi chệch khỏi con đường phát triển của khoa học thiên văn Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu lịch sử thiên văn học chuyên nghiệp của Trung Quốc không đồng ý với quan điểm của họ.

(4) Tại sao địa điểm đo của Quách Thủ Kính không phải là bãi Scarborough

Phần trước đã giải thích rằng tính toán kinh độ của Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh là sai. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là thuyết đảo Hoàng Nham (bãi Scarborough) nhất định sai, dù sao vĩ độ của bãi Scarborough cũng khớp với kết quả tính toán. Tuy nhiên, ngoài dữ liệu “kinh độ” hậu thuẫn cho bãi Scarborough vừa bị bác bỏ, tất cả các bằng chứng khác đều phủ nhận khả năng Quách Thủ Kính đo đạc ở bãi Scarborough.

Trước hết, không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc biết đến bãi Scarborough trước thời nhà Nguyên. Về mặt địa lí lịch sử và khảo cổ học, Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh đã nghiên cứu các đảo Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa, Đông Sa và các đảo khác trong nhiều bài báo, ngoại trừ việc đo đạc bốn biển này, họ chưa tìm thấy bất kì bằng chứng nào liên quan đến đảo Hoàng Nham (bãi Scarborough). Trong số các bản đồ cổ khác nhau ở Trung Quốc, không có một bản đồ nào có vẽ bãi Scarborough. Tất nhiên, không thể nói rằng người Trung Quốc không biết đến bãi Scarborough trước thời nhà Nguyên, nhưng ít nhất điều đó cho thấy bãi Scarborough là một nơi cực kì xa xôi mà (hầu hết) người thời đó chưa biết đến. Nếu không có bằng chứng khác, khó có thể tin rằng Quách Thủ Kính biết đến bãi Scarborough và có thể tìm thấy nó trên bản đồ.

Thứ hai, xét từ góc độ mục đích đo lường bốn biển. Trần Mĩ Đông, người đề xướng thuyết miền Trung Việt Nam, chỉ ra rằng Quách Thủ Kính không cần phải đến bãi Scarborough để tiến hành đo đạc. Bởi vì mục đích của việc đo lường bốn biển này là để “chỉ ra giờ giờ giấc ngày đêm, độ dài của bóng nắng và trạng thái nhật thực của các nơi khác nhau khi ban hành lịch”, nhằm đảm bảo nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân các vùng trong cả nước khi biên soạn lịch mới, chứ không nhằm xác định phạm vi lãnh thổ Trung Quốc như Hàn Chấn Hoa đã nói. Vì vậy, việc đo đạc này là hành động với ý tưởng chỉ đạo là đáp ứng nhu cầu thực tế “điểm lựa chọn phải ở khu vực có số lượng cư dân tương đối lớn, người quan sát không né tránh thực tế, buông cái gần để tìm cái xa, buông cái dễ để tìm cái khó.”[445]

Thứ ba, xét về điều kiện địa chất. Tăng Chiêu Tuyền của thuyết Lâm Ấp cho rằng chuyến đi của Quách Thủ Kính, từ Đại Đô vào ngày 27 tháng 3 đến thực địa đo đạc vào ngày 19 tháng 4, chỉ có 22 ngày, thời gian rất eo hẹp. Tuy nhiên, “cái gọi là ‘đảo Hoàng Nham’ là một mảng san hô khổng lồ nhô lên khỏi mặt nước… về cơ bản không có người sinh sống nên không có lí do gì để Quách Thủ Kính đến đây đo đạc.”[446]

Nữu Trọng Huân, người ủng hộ thuyết Hoàng Sa, đã đưa ra một quan điểm mạnh mẽ hơn: vào thời nhà Nguyên, “đảo Hoàng Nham” thậm chí không phải là một mảng rạn san hô nhô lên khỏi mặt nước mà là một rạn san hô chìm dưới mặt nước.[447] Nữu Trọng Huân, trích dẫn một bài báo năm 1980 của Hoàng Kim Sâm[448] trong đó nhà nghiên cứu đã nghiên cứu các mẫu rạn san hô lộ trên nước của bãi Scarborough. Các phép đo lượng carbon-14 cho thấy các khối san hô trên mặt nước trên bãi Scarborough đều được hình thành cách đây 470 ± 95 năm. Điều này cho thấy những khối san hô chỉ cách mặt nước từ 1 đến 2 mét ngày nay chưa được hình thành vào những năm đầu nhà Nguyên cách đây 700 năm. Do tại khu vực đó không có rạn san hô nào nổi trên mặt nước, làm sao có ai đó có thể từ nơi cách xa hàng ngàn dặm đến đó để thực hiện việc đo đạc thiên văn?

Câu hỏi của Nữu Trọng Huân khá mạnh bạo và bài báo được xuất bản vào năm 1982. Trong hơn 20 năm tiếp theo, mặc dù Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh một mực kiên định với thuyết đảo Hoàng Nham nhưng họ chưa bao giờ giải đáp câu hỏi này. Có thể thấy, đây là một lỗ hổng không thể chối cãi trong thuyết “đảo Hoàng Nham”. Dưới đây là mô tả về phương pháp xác định lượng carbon-14. Có người cho rằng “carbon-14 đo tuổi của các hoạt động sinh học trên đảo nên đây chỉ có thể là giới hạn dưới cho tuổi của đảo”. Đây là sự thiếu hiểu biết về địa chất và cổ sinh vật học. Bãi Scarborough là một rạn san hô và các rạn san hô của nó chủ yếu được hình thành bởi các bộ xương san hô. Điều này cũng được giải thích trong bài báo của Hoàng Kim Sâm: “Đá của các đảo / đá có thành phần chủ yếu là calcium oxide (CaO) (hàm lượng có thể lên tới 50,22%), vì đá của các đảo / đá chủ yếu được cấu tạo từ các bộ xương san hô (aragonite).” “Các đảo, đá và rạn san hô trong các đảo ở Nam Hải nước ta, ngoại trừ đảo Đá vươn cao ở quần đảo Tây Sa được cấu tạo từ đá vôi tảo, còn lại thường chủ yếu được tạo thành từ san hô tạo ra rạn san hô cùng các mảnh vụn của chúng. Dù việc ngưng kết của tảo đang diễn ra tích cực, nhưng tốt nhất chỉ hình thành một phần lớp vỏ cứng cục bộ, chứ không hình thành các rặng tảo có quy mô nhất định như quần đảo Solomon, đây là một trong những đặc điểm nổi bật của các rạn san hô ở các đảo thuộc Nam Hải.”[449]

Rạn san hô sau khi đã hình thành thì san hô không còn phát triển trên đó nữa mà bản thân rạn san hô chính là bộ xương san hô. Vì vậy, mặc dù nguyên tắc xác định carbon-14 chỉ có giá trị đối với các mẫu sinh học nhưng việc xác định tuổi của bộ xương san hô trong thí nghiệm này tương đương với việc đo tuổi hình thành rạn san hô.

Trong bài viết của Nữu Trọng Huân, vẫn còn một số chi tiết chưa được đề cập. Một số cư dân mạng tin rằng có khả năng xảy ra điều này: 700 năm trước, mặc dù các rạn san hô lộ trên mặt nước ở bãi Scarborough chưa hình thành nhưng có thể đã có những rạn san hô lộ trên mặt nước vào thời điểm đó. Dưới tác động chung của việc sụt lún nền móng và mực nước biển dâng cao, nền móng của bãi Scarborough ngày càng chìm xuống, trong khi san hô vẫn tiếp tục phát triển. Vì vậy, các rạn san hô hiện nay nằm dưới mặt biển (nghĩa là các rạn san hô nằm dưới các rạn san hô hiện ở trên mặt biển) thật sự đã ở trên mặt biển vào thời điểm đó.

Nói chung, có thể tồn tại khả năng này. Nhưng trong trường hợp bãi Scarborough thì khả năng này không cao lắm. Theo bài báo của Hoàng Kim Sâm, mô hình hình thành của các đảo san hô như bãi Scarborough như sau: “Rặng núi biển bắc-nam ở phía đông biển Đông được hình thành vào cuối Kỉ Thứ Ba, và đỉnh của nó tạo thành một đỉnh núi lửa cao hơn hơn mặt biển, do đáy biển giãn nở, đỉnh núi lửa di chuyển cùng theo lớp vỏ đại dương theo phương ngang, sau đó hoạt động núi lửa chấm dứt, đỉnh núi lửa bị nước biển xói mòn san phẳng, trở thành những ngọn núi có đỉnh bằng phẳng (mesa) hơi thấp hơn mực nước biển. Đồng thời, vỏ đại dương chìm với tốc độ 0,02 – 0,04 mm/năm và sẽ ngừng chìm sau khi chìm đến một mức nhất định, và tiếp tục phát triển lên trên các mesa với tốc độ tăng trưởng hướng lên trên gần bằng với tốc độ chìm xuống của lớp vỏ đại dương, và cuối cùng hình thành các rạn san hô vòng.” Rõ ràng, theo ý kiến ​​​​của các chuyên gia hải dương học,.sự xuất hiện của bãi Scarborough là kết quả của san hô sinh trưởng từ dưới lên trên các mesa nằm dưới mặt biển. Tất nhiên, ở đây Hoàng Kim Sâm đã không tính đến sự thay đổi của mực nước biển. Dữ liệu sụt lún mà họ trích dẫn là tốc độ lún tuyệt đối của đáy biển chứ không phải tốc độ lún so với mặt biển.

Trong bài viết năm 2004 của Dư Khắc Phục và Triệu Kiến Tân “Kết cấu theo thời gian của san hô bề mặt và hồ sơ môi trường của rạn san hô Vĩnh Thử (Chữ Thập) ở Nam Sa (Trường Sa)”,[450] họ đã phân tích tốc độ sụt lún tương đối của tầng nền của rạn san hô Chữ Thập kể từ thế Pleistocene (khoảng 2 triệu năm trước) tới nay ước tính khoảng 0,1 mm/năm. Tốc độ sụt lún tương đối này bao gồm cả sự biến đổi của mực nước biển và tốc độ sụt lún của lớp vỏ, do đó nó phản ánh tốt hơn sự biến đổi của đáy so với mực nước biển. Dữ liệu độ lún nền của rạn san hô Chữ Thập không thể tương đồng trực tiếp với dữ liệu độ lún nền của bãi Scarborough, nhưng điều này không ngăn việc nó được sử dụng làm ước tính tốc độ lún nền của bãi Scarborough. Nếu xem ở tốc độ 0,1 mm mỗi năm, sự thay đổi do sụt lún nền móng gây ra chỉ là 7 cm trong 700 năm. Vì vậy, phán đoán trên dữ liệu sẵn có, trong suốt 700 năm, sự thay đổi độ lún nền móng ít ảnh hưởng đến việc bãi Scarborough có nằm trên mặt nước hay không. Hơn 700 năm qua, sở dĩ bãi Scarborough nổi lên khỏi mặt nước là do rạn san hô không ngừng phát triển từ dưới lên. Tuy nhiên, rạn san hô nổi trên mặt nước được hình thành khoảng 490 năm trước nên cách đây 700 năm bãi Scarborough vẫn nằm dưới nước. Điều này ăn khớp với những gì Hoàng Kim Sâm đã nói cách đây 30 năm.

Không cần phải thắc mắc bãi Scarborough lúc đó nằm dưới đáy biển hay mới nổi lên khỏi mặt nước, hoặc cao hơn mặt nước hơn một mét như bây giờ. Ngay cả khi chứng minh được bãi Scarborough lúc đó đang nằm dưới đáy biển thì cũng không thể loại trừ được việc Quách Thủ Kính đã đến bãi Scarborough. Ông ta có thể đã đi thuyền đến khu vực bãi Scarborough (hoặc bãi ngầm Scarborough), rồi thực hiện việc đo trên thuyền, có thể bỏ qua câu hỏi về điều kiện địa chất. Nhưng tại sao Quách Thủ Kính lại làm chuyện rắc rối đó?

Thứ tư, xét về tính khả thi. Tăng Chiêu Tuyền chỉ ra: “Ngoài ra, đảo Hoàng Nham… cách đất liền 1800 lí và cũng không được nêu trong Canh lộ bạ nên khó thể tưởng tượng Quách Thủ Kính có thể tới đây để đo đạc.”[451] Vùng biển ở biển Đông không phải là một con đường thênh thang rộng rãi. Theo truyền thống, khu vực các đảo ở biển Đông là khu vực nguy hiểm, những nơi mà người đi biển phải tránh. Ví dụ, trong bài “Phiên di tứ: Chân Lí Phú quốc” [番夷四·真里富國] trong “Tống hội yếu tập cảo”[宋會要輯稿]: “vài ngày tới Chiêm Thành, 10 ngày băng qua biển, phía đông nam có một bờ đá, tên là Vạn Lí, biển ở đây chỗ sâu chỗ cạn, nước chảy xiết nhiều đá ngầm, có 17, 18 người đi thuyền bị chết đuối, chẳng hề thấy núi hay bờ, trước khi đến ranh giới Giao Chỉ.” Bờ đá (thạch đường) ở đây chỉ khu vực Hoàng Sa. Những mô tả tương tự có thể tìm thấy trong hầu hết các tác phẩm mô tả các đảo ở biển Đông vào thời Tống và thời Nguyên (xem phần 4.3).

Trong tình cảnh như vậy, việc đi lại ở biển Đông không thể theo ý muốn riêng được. Năm 1292 thời Nguyên, Sử Bật xuất phát từ Tuyền Châu đi đánh Trảo Oa (Java), “đi qua Thất Châu Dương, Vạn Lí Thạch Đường, qua biên giới Giao Chỉ và Chiêm Thành,” rồi thì “gió nổi, sóng dậy, thuyền chao đảo, quân lính mấy ngày không ăn được” Có thể thấy được sự khó khăn của việc đi thuyền lúc đó.[452]

Trong các chuyến đi biển xa, hướng dẫn chi tiết về thủy văn càng cần thiết hơn để chuyến đi có thể thực hiện được. “Canh lộ bạ””, một cuốn sách hướng dẫn hàng hải và thủy văn cho ngư dân Trung Quốc xưa, được ước tính chỉ xuất hiện vào thời nhà Minh, và không có ghi chép nào về đảo Hoàng Nham trong “Canh lộ bạ” hiện có.[453] Thế thì Quách Thủ Kính đến bãi Scarborough để khảo sát bằng cách nào?

Như đã trình bày ở trên, bãi Scarborough chỉ là một rạn san hô hoang vắng không người ở, cách xa đất liền Trung Quốc và rất có thể nó thậm chí còn chưa nhô lên khỏi mặt nước vào thời nhà Nguyên. Không có ghi chép nào về bãi Scarborough trong các ghi chép lịch sử Trung Quốc và cũng không có ghi chép thủy văn nào thông đến bãi Scarborough. Quách Thủ Kính không có nhu cầu cũng như không có điều kiện để thực hiện việc đo đạc trên một đảo đá chưa được biết tới tên. Từ những phân tích trên, có lí do chính đáng để tin rằng “Nam Hải” mà Quách Thủ Kính thực hiện việc ‘đo đạc bốn biển’ không phải là bãi Scarborough.

(5) Hoàng Sa hoặc Lâm Ấp

Sau khi bác bỏ thuyết “đảo Hoàng Nham”,còn lại thuyết Hoàng Sa và thuyết Lâm Ấp, thuyết nào đáng tin hơn? Trước tiên, xét thuyết Hoàng Sa. Thuyết Hoàng Sa cho rằng, “Nam Hải” nằm trên một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa nhưng không nêu địa điểm cụ thể. Việc chứng minh chi tiết thuyết Hoàng Sa có thể tham khảo hai bài báo của Nữu Trọng Huân năm 1982 và 1998.[454] Bằng chứng cho thuyết Hoàng Sa chủ yếu bao gồm: thứ nhất, quần đảo Hoàng Sa có vĩ độ gần 15° N, phù hợp với vĩ độ thu được từ số liệu đo của Quách Thủ Kính; thứ hai, quần đảo Hoàng Sa là một quần đảo nằm ở Nam Hải (biển Đông), phù hợp với cái tên “Nam Hải”; thứ ba, trước thời Nguyên, Trung Quốc đã có ghi chép về quần đảo Hoàng Sa, và có thể chắc chắn rằng Trung Quốc có sự hiểu biết nhất định về quần đảo Hoàng Sa và có điều kiện để đi thuyền tới quần đảo Hoàng Sa; thứ tư, trên quần đảo Hoàng Sa, có thể tìm thấy các vết tích của cư dân Trung Quốc trước thời Nguyên. Trong bài báo năm 1998, ông viết: “Năm 1974, một di chỉ cư dân thời Đường và thời Tống đã được khai quật trên đảo Cam Tuyền (Hữu Nhât), và năm sau lại được khai quật lần nữa. Qua hai cuộc khai quật, nhiều hiện vật văn hóa đã được phát hiện. Trong số đó, một số lượng lớn gốm sứ, dao sắt, đục sắt, mảnh nồi sắt và hơn 100 mảnh xương chim còn sót lại cùng nhiều loại vỏ ốc khác nhau là những bằng chứng về cuộc sống và sinh hoạt của nhân dân ta trên đảo”. Vì vậy, quần đảo Hoàng Sa không phải là nơi không có dân cư như bãi cạn Scarborough nên có cơ sở thực tế để đo đạc ở đó; thứ năm, Nữu Trọng Huân tin rằng “nam vượt quá Chu Nhai” chính là ngay phía nam của Chu Nhai, vì vậy do gần phía Nam (thực ra là ở phía đông nam) của đảo Hải Nam hơn nên quần đảo Hoàng Sa có nhiều khả năng hơn Lâm Ấp.

Trong số những lập luận này, điểm thứ nhất là đúng không có gì phải tranh cãi, nhưng Lâm Ấp cũng phù hợp với vĩ độ này. Vì vậy, không thể dựa vào cơ sở này để chọn hay loại Hoàng Sa và Lâm Ấp. Điểm 3 và 4 là bằng chứng cần chứ không phải bằng chứng đủ. Cùng lắm chỉ có thể chứng minh quần đảo Hoàng Sa có đủ điều kiện để trở thành địa điểm đo. Nhưng đối với cả hai điều kiện này, Hoàng Sa đều không bằng Lâm Ấp.

Điểm thứ hai cần được thảo luận. Có phải địa danh Nam Hải ở đây chỉ một đảo? Lập luận này không thuyết phục, như Trần Mĩ Đông đã chỉ ra. “Nam Hải” không có nghĩa là một đảo ở Nam Hải (biển Đông). Vì trong các địa điểm đo còn có một địa điểm khác là “Bắc Hải”[455]. Không có sự thống nhất về vị trí của Bắc Hải, có người nói nó ở rìa Bắc Băng Dương, có người nói nó ở trong hồ Baikal, nhưng không ai cho rằng Bắc Hải là một đảo. Điều này có nghĩa là “Nam Hải” không nhất thiết có nghĩa là một đảo ở Nam Hải, nó cũng có thể là bờ biển của Nam Hải, hoặc có thể chính là địa điểm trong thuyết Lâm Ấp.

Về điểm thứ năm, khẳng định của Nữu Trọng Huân khó có thể đứng vững. Trước hết, “nam vượt quá Chu Nhai” [南逾硃崖: nam du Chu Nhai] chỉ vị trí ở xa hơn về phía nam của Chu Nhai, không phải ngay phía nam Chu Nhai. Thứ hai, miền Trung Việt Nam nằm ở phía tây nam đảo Hải Nam, xét về kinh độ thì cách đảo Hải Nam không xa hơn quần đảo Hoàng Sa ở phía đông nam đảo này là bao. Thứ ba, câu trong “Quách Thủ Kính bình truyện” không hoàn toàn chính xác, ví dụ như câu “bắc tận Thiết Lặc” [北盡鐵勒] rõ ràng là sai, vì vĩ độ của “Bắc Hải” còn cao hơn vĩ độ của “Thiết Lặc”.

Những nghi vấn đối với thuyết Hoàng Sa về cơ bản cũng giống như đối với thuyết bãi Scarborugh. Vì vậy, Lí Kim Minh, một người ủng hộ thuyết bãi Scarborugh, về cơ bản chưa bao giờ đưa ra nghi vấn đối với thuyết Hoàng Sa, ngược lại, ông vẫn tin rằng quan điểm của mình không mâu thuẫn với thuyết Hoàng Sa (xem phần đầu của tiết này). Những chỉ trích thuyết Hoàng Sa về cơ bản thường từ những người ủng hộ thuyết Lâm Ấp,[456] họ cho rằng:

Thứ nhất, không cần thiết. Như đã đề cập ở trên, mục đích của ‘đo đạc bốn biển’ là tính thực tế, xét từ góc độ điều kiện địa hình, Hoàng Sa là khu vực hàng hải nguy hiểm, tàu buôn phải né tránh, đảo hoang không người ở. Cho nên Quách Thủ Kính sẽ không chọn nơi này để đo đạc.

Thứ hai, không đủ thời gian. Trong chuyến đi của Quách Thủ Kính chỉ kéo dài 22 ngày từ 27/3 đến 19/4, mà từ Đại Đô du đến Hoàng Sa ông đã phải chuẩn bị thuyền và ra khơi, hơn nữa lúc đó chưa có ghi chép đi biển nào như “Canh lộ bạ”. Thời gian eo hẹp đến mức về mặt kĩ thuật là không thể thực hiện được.

Thứ ba, lúc đó nhà Nguyên đang vây hoàng đế Nam Tống tại Nhai Môn nên khó có khả năng đồng thời lại cho đo đạc tại Hoàng Sa. Khi Lí Kim Minh bác bỏ thuyết Lâm Ấp, ông cho rằng điểm thứ ba này không có vấn đề gì vì Nam Tống bại trận vào tháng 2,và mãi đến tháng 3 Hốt Tất Liệt ra lệnh đi đo đạc.[457] Lập luận này có thể chấp nhận được.

Điểm thứ nhất và thứ hai tương tự như những nghi vấn về thuyết đảo Hoàng Nham. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nhà Nguyên chắc chắn phải có hiểu biết nhất định về Hoàng Sa, đồng thời phải có một số người đi đến được Hoàng Sa, mặc dù không nhất thiết chuyên đến Hoàng Sa. Vì vậy, hai điểm nghi vấn này yếu hơn với đảo Hoàng Nham.

Thuyết Lâm Ấp là thuyết được chấp nhận nhiều nhất (không có nghĩa là nó nhất thiết phải đúng), những người ủng hộ chính bao gồm nhà địa lí Tăng Chiêu Tuyền,[458] nhà thiên văn học Trần MĨ Đông,[459] và nhà địa lí lịch sử Cát KIếm Hùng.[460] Tổng hợp ý kiến ​​của họ, các lí do ủng hộ như sau:

thứ nhất, Lâm Ấp nằm trên đất liền, là nơi dễ dàng nhất để những người khảo sát tiến hành đo đạc;

thứ hai, Lâm Ấp nằm ở Nam Hải, và Nam Hải không nhất thiết phải nằm trên một đảo nhỏ trên biển, chẳng hạn như Bắc Hải không nằm ở ven biển;

thứ ba, vị trí của Lâm Ấp thỏa điều kiện ‘nam quá Chu Nhai’ và phù hợp với vĩ độ tính được;

thứ tư, biển đối diện Lâm Ấp là ranh giới biển giữa Trung Quốc và nước ngoài nên Lâm Ấp có lí do lấy làm điểm đo cực nam;

thứ năm, một phần trong “Nguyên sử – Thiên văn chí” dành để giới thiệu về ngưỡng nghi. Ngưỡng nghi là một trong những dụng cụ thiên văn được Quách Thủ Kính thiết kế. Đoạn văn trong phần đó có nêu rằng “lời trong bài ‘minh’ [銘: một thể văn cổ -ND] của ông nói rằng…… độ lệch bắc nam có thể khái quát. Thấp nhất là 15, ở ranh giới của Lâm Ấp cũng vậy.” Điều này cho thấy ngưỡng nghi đã từng được sử dụng ở Lâm Ấp để đo chiều cao sao Bắc Đẩu. “Thấp nhất là 15” chính xác bằng độ cao sao Bắc Đẩu của “Nam Hải”;

thứ sáu,độ lệch bắc-nam có thể khái quát” được đề cập trong lời minh trên ngưỡng nghi, cho thấy “kinh độ” của Lâm Ấp bị lệch khỏi kinh tuyến gốc bắc-nam lấy Đại Đô làm trung tâm. Điều này có lẽ chủ yếu nhằm mục đích đáp trả lời bác bỏ của Hàn Chấn Hoa rằng đảo Hoàng Nham và Đại Đô có kinh độ như nhau, chữ “lệch” (偏: thiên) trong lời minh trên ngưỡng nghi có lẽ chỉ sự khác biệt về thời gian, tức là “lí sai”.

Những ý kiến ​​phản bác mà những người phản đối thuyết Lâm Ấp đưa ra chủ yếu bao gồm (kết hợp ý kiến về thuyết Hoàng Sa và thuyết đảo Hoàng Nham):

Thứ nhất, về mặt lịch sử, sử liệu Trung Quốc chưa bao giờ gọi Lâm Ấp là “Nam Hải”, “hơn nữa, nhiều lần đo đạc thiên văn đã được tiến hành ở đó trước thời nhà Nguyên, và Quách Thủ Kính, người thành thạo đo đạc thiên văn, hẳn không thể không biết đến địa danh ‘Lâm Ấp’, vì vậy sẽ không sử dụng cái tên ‘Nam Hải’ để chỉ ‘Lâm Ấp’”.[461]

Thứ hai, câu “thấp nhất là 15, ở ranh giới của Lâm Ấp cũng vậy” trong lời minh trên ngưỡng nghi được ghi trong trong Nguyên sử – Thiên văn chí là ghi nhầm từ “thấp nhất là 17, ở ranh giới của Lâm Ấp cũng vậy“. Vì lời minh trên ngưỡng nghi có trong “Nguyên văn loại” viết là “thấp nhất 17” (極淺十七: cực thiển thập thất) chứ không phải “thấp nhất 15” (極淺十五: cực thiển thập ngũ). Theo nhiều phép đo ở địa điểm “Lâm Ấp”, độ cao sao Bắc Đẩu là 17 chứ không phải 15. Vì vậy, có thể các ghi chép thiên văn đã được sao chép không chính xác.[462]

Thứ ba, vào năm Chí Nguyên thứ 22, nhà Nguyên cử người “đến Chiêm Thành để đo bóng đồng hồ mặt trời.” Lần đo này và lần đo đạc bốn biển của Quách Thủ Kính chỉ cách 6 năm. Nhà Nguyên sẽ không đo lại ở cùng một nơi trong thời gian ngắn như vậy.[463]

Thứ tư, Lâm Ấp là ranh giới giữa Trung Quốc và nước ngoài nhưng chỉ là ranh giới trên biển chứ không phải là ranh giới trên đất liền.[464]

Thứ năm, phải đến năm 1280, Chiêm Thành (Lâm Ấp) mới trở thành nước chư hầu của nhà Nguyên. Vì vậy, vào năm 1279, Quách Thủ Kính không thể đến Lâm Ấp để đo đạc và lập bản đồ.[465]

Những phản bác trên sẽ được thảo luận ở đây. Về điều thứ nhất, theo sử sách, đúng là Lâm Ấp không được gọi là Nam Hải. Tuy nhiên, khi Hàn Chấn Hoa giải thích về nghiên cứu thực địa của mình, ông liên tục chỉ ra rằng Quách Thủ Kính không phải là người đưa ra quyết định đặt tên cho các điểm đo mà là Hứa Hành và những người khác, và họ thích sử dụng “địa danh cổ” hay ” địa danh thiên lệch, lạ lùng và dễ bị hiểu sai” để mô tả địa điểm đo (dù không rõ nguồn gốc của chúng). Đây là lí do tại sao nhiều địa điểm rất khó xác định.[466] Nếu khẳng định của Hàn Chấn Hoa là đúng thì việc Hứa Hành đặt tên Lâm Ấp nằm bên bờ biển Nam Hải theo tên Nam Hải không phải là không thể. Hơn nữa, Hoàng Sa đã có tên riêng từ xa xưa và Nam Hải chưa bao giờ dùng để chỉ quần đảo Hoàng Sa.

Về phản bác thứ hai, “thấp nhất 15” trong lời minh trên ngưỡng nghi trong “Nguyên sử – Thiên văn chí và “thấp nhất 17” trong Mục am văn tập thì cái nào là đúng? Có hai khả năng ở đây. Thứ nhất là các ghi chép thiên văn đã được chép không chính xác. Có hai khả năng khác: một là có thể người biên soạn đã chép sai, hai là có thể người biên soạn sao chép khác với nội dung trong Mục am văn tập. Thứ hai là những gì chép trong Thiên văn chí là đúng, nhưng những gì chép trong Mục am văn tập là sai. Điều đó không phải là không thể. Bởi vì “Mục am văn tập” do đệ tử của Diệu Toại chỉnh lí đã bị thất lạc vào cuối thời nhà Minh. “Mục am văn tập” được thấy hiện nay được nhà Thanh biên soạn từ “Vĩnh Lạc đại điển” đầu thời Minh,[467] sau bao nhiêu vật đổi sao dời, không có gì đáng ngạc nhiên nếu có một số điểm khác biệt trong câu chữ. Bất cứ ai quen thuộc với các ấn bản của sách cổ Trung Quốc đều biết rằng không có gì lạ khi các ấn bản được lưu truyền có những câu chữ không giống với ấn bản gốc.

Hiện tại, không rõ “Thiên văn chí” được sao chép từ đâu, nếu như được sao chép trực tiếp từ những câu chữ khắc trong lời minh trên ngưỡng nghi, thì “Mục am văn tập” có nhiều khả năng được lưu truyền không chính xác. Tất nhiên, cách tốt nhất để xác nhận là tìm ra ngưỡng nghi và xem trên đó viết gì, nhưng đáng tiếc là dụng cụ đó không được lưu truyền lại.

Ngay cả khi câu chữ chính xác lời minh trên ngưỡng nghi là “thấp nhất là 17”, cũng không thể chứng minh rằng Nam Hải không ở Lâm Ấp, vì Lâm Ấp thực ra là một nước, không phải thành phố. Chưa bao giờ có một địa điểm gọi là Lâm Ấp. Vì vậy, để hiểu thuyết Lâm Ấp, cần phải hiểu nó như một địa danh nào đó trên nước Lâm Ấp, ngày nay là một vùng đất hẹp và dài ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Lãnh thổ Việt Nam hiện nay được phân chia thành Đại Việt ở phía bắc và Chiêm Thành ở phía nam khi đó, và trong sách cổ Trung Quốc thì Chiêm Thành được gọi là Chiêm Bà hay Lâm Ấp. Do đó, độ cao sao Bắc Đẩu dù là 15° hay 17° thì đều có thể đã được đo ở Lâm Ấp.

Về phản bác thứ ba. Xét từ lời minh trên ngưỡng nghi, ngưỡng nghi chắc chắn đã được dùng để đo lường ở Lâm Ấp. Điều này là do lời minh trên ngưỡng nghi được viết riêng cho ngưỡng nghi, vì nếu không Diêu Toại đã không viết kết quả đo xưa của Lâm Ấp vào trong lời minh như Lí Kim Minh đã nói, “Là một văn nhân, ông ta phải làm theo lời xưa.” Ngưỡng nghi là “một bán cầu rỗng bằng đồng, giống như một cái chảo đồng, đường kính khoảng 10 xích, miệng chảo hướng lên trên, đặt phẳng trên bệ gạch.[468] Có thể thấy dụng cụ lớn bằng đồng này với đường kính hơn 3 mét không thể dễ dàng di chuyển, đặc biệt là từ Bắc Kinh đến Việt Nam. Quách Thủ Kính năm đó đo rất vội vàng, từ lúc được lệnh cho đến ngày đo chỉ có 22 ngày. Vì vậy, từ góc độ kĩ thuật, tác giả có xu hướng cho rằng Quách Thủ Kính không dùng ngưỡng nghi để đo đạc ở “Nam Hải”.

Năm thứ 22 nhà Nguyên (1285), Mông Cổ lại phái người “đến Chiêm Thành đo bóng nắng”, không có bằng chứng nào cho thấy lần này có sự chuẩn bị đầy đủ hơn. Nhưng nếu thời gian lần này không gấp gáp như vậy thì nhiều khả năng cái ngưỡng nghi cồng kềnh đã được đưa đến Việt Nam, trong trường hợp này, số đo của Lâm Ấp được nhắc đến trong bài viết của Diêu Toại nhiều khả năng là số đo của năm 1285. Điều này cũng có thể giải thích tại sao Mông Cổ đã khảo sát khu vực Chiêm Thành hai lần trong một khoảng thời gian khá gần nhau (nếu Quách Thủ Kinh đo ở Chiêm Thành), vì lần đo đầu tiên chỉ bằng dụng cụ cầm tay, độ chính xác không đủ nên phải sử dụng một dụng cụ phức tạp hơn để đo lại. Tất nhiên, đây chỉ là suy luận và phỏng đoán.

Đối với phản bác 5, về vấn đề Mông Cổ có điều kiện tiến hành đo đạc ở Việt Nam hay không, cần xem lại lịch sử liên quan của thời kì đó. Đại Việt (Giao Chỉ) là chư hầu của Mông Cổ trước năm 1278. Sau khi Trần Nhân Tông lên ngôi năm 1278, quan hệ giữa Đại Việt và Mông Cổ bắt đầu xấu đi, nhưng phải đến năm 1281, hai bên mới thật sự quay lưng lại với nhau, nguyên nhân là do Nhân Tông không chịu đến Bắc Kinh để yết kiến Hốt Tất Liệt, do đó Hốt Tất Liệt quyết định tiến đánh Đại Việt. Nhưng phải đến năm 1284, hai bên mới bắt đầu đánh nhau vì Đại Việt không cho quân Mông Cổ mượn đường đi đánh Chiêm Thành. Vì vậy, Quách Thủ Kính vẫn có thể đã từ Đại Việt tới Chiêm Thành để đo đạc vào năm 1279.

Mặc dù Chiêm Thành chưa bao giờ là nước chư hầu truyền thống của Trung Quốc trong lịch sử nhưng vào năm 1278, Mông Cổ đã cử người đến Chiêm Thành để yêu cầu đầu hàng. Năm 1279, Mông Cổ lại cử thị lang Bộ Binh sang Chiêm Thành yêu cầu đầu hàng lần nữa. Dưới sức mạnh của quân đội Mông Cổ, vua Indravarman IV chính thức công nhận Mông Cổ là nước bảo hộ của mình vào năm 1280. Nhưng thần dân Chiêm Thành không muốn trở thành nước chư hầu của Mông Cổ, điều này cuối cùng đã dẫn đến việc Mông Cổ xâm lược Chiêm Thành vào năm 1284. Vì lí do này, Mông Cổ cũng thành lập hành tỉnh Kinh Hồ Chiêm Thành. Cần phải chỉ ra rằng mặc dù người Mông Cổ đã thành lập một hành tỉnh nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là thành lập một chính quyền tại chỗ, vì đó chỉ là một cơ cấu quân sự chịu trách nhiệm xâm lược. Tương tự hành tỉnh Kinh Hồ Chiêm Thành, còn có hành tỉnh Chinh Đông được thành lập để xâm chiếm Nhật Bản.

Theo quan điểm hiện đại, về mặt pháp lí, Chiêm Thành không được coi là nước chư hầu của Mông Cổ vào năm 1279, nhưng vào thời điểm đó cũng không nhất thiết phải như vậy. Vì theo “Nguyên sử quyển 210 – Chiêm Thành“: “Trong 15 năm, tả thừa tướng Toa Đô dùng Tống Bình làm cơ sở sai người tới tận Chiêm Thành, và cũng nói rằng vua của nước này là Thất Lí Cha Nha Tín Hợp Bát Thứ Ma Ha Điệt Ngõa (失里咱牙信合八刺麻哈迭瓦: Shili Zaya Xinhe Baci Mahadeva) có ý muốn nội thuộc, được ban cho hổ phù, lộc đại phu, và được phong làm quận vương Chiêm Thành.[469] Nghĩa là, vào năm 1278, người Mông Cổ đã phong vương cho vua Chiêm Thành và coi Chiêm Thành như nước chư hầu của mình, mặc dù thư đầu hàng chính thức của Chiêm Thành vẫn chưa được đưa ra. Vì vậy, không thể xét đoán cách nghĩ của người xưa theo tiêu chuẩn của người hiện nay.

Việc đo đạc bốn biển thời Nguyên không chỉ giới hạn ở “lãnh thổ riêng của Trung Quốc theo nghĩa pháp lí hiện đại, mà còn có những cuộc đo đạc trên lãnh thổ của các nước phụ thuộc. Ví dụ, Cao Li (Koryo, Triều Tiên) là một nước phụ thuộc nhà Nguyên, và đó cũng là một trong 27 điểm khảo sát. Điểm đo Cao Li thường được cho là ở chỗ kinh đô cũ Khai Thành (Kaesong). Năm 1269, sau khi Mông Cổ xâm chiếm Cao Li lần thứ 9, đã gộp Tây Kinh (Bình Nhưỡng) của Cao Li cùng các khu vực phía bắc khác vào hành tỉnh Liêu Dương của nhà Nguyên. Tuy nhiên, phần phía nam Cao Li vẫn duy trì tư cách là một nước chư hầu, và Kaesong là kinh đô cũ của Cao Li. Sau khi Tây Kinh bị nhượng cho nhà Nguyên, Kaesong tiếp tục đóng vai trò kinh đô của Cao Li. Tháng 5 năm 1280, để xâm lược Nhật Bản, nhà Nguyên đã thành lập hành tỉnh Chinh Đông ở nam Cao Li. Tuy nhiên, hành tỉnh Chinh Đông khác với các hành tỉnh thông thường và nó chỉ dành cho nhu cầu quân sự. Triều đại Cao Li tiếp tục tồn tại với Kaesong là kinh đô. Hành tỉnh Chinh Đông không làm thay đổi địa vị chư hầu của Cao Li. Nói cách khác, vì việc thành lập hành tỉnh Chinh Đông chỉ mới bắt đầu vào tháng 5 năm 1280 nên chắc chắn Cao Li đang trong thân phận là chư hầu của nhà Nguyên vào lúc đo đạc bốn biển. Vì vậy, năm 1279, Quách Thủ Kính cũng có điều kiện và lí do để tiến hành đo đạc ở Đại Việt hay Chiêm Thành, những nước cũng được coi là chư hầu của Mông Cổ.

(6) Tổng kết về địa điểm đo Nam Hải

Sau những phân tích trên, trong ba thuyết trên, thuyết đảo Hoàng Nham bị bác bỏ trước tiên. Thuyết của Hoàng Sa và thuyết Lâm Ấp, mỗi thuyết đều có phần hợp lí. Tác giả cho rằng khả năng ở Lâm Ấp lớn hơn vì tiến hành đo đạc trên đất liền thuận tiện hơn, dân số đông hơn, phù hợp với mục đích đo đạc bốn biển. Hoàng Sa thường được coi là nơi nguy hiểm vào thời đó và không có người định cư nên khả năng ở đó là rất thấp. Tuy nhiên, khả năng này không thể bị loại bỏ hoàn toàn.

Trên thực tế, vì hiện có rất ít thông tin nên không thể đưa ra kết luận về địa điểm đo Nam Hải của Quách Thủ Kính. Dù là thuyết Hoàng Sa, thuyết Lâm Ấp hay thuyết đảo Hoàng Nham, theo quan điểm học thuật, chúng chỉ là một vài giả thuyết. Theo tiêu chuẩn học thuật, ngoại trừ thuyết đảo Hoàng Nham về cơ bản có thể bị bác bỏ, hai thuyết còn lại không thể xác nhận được bằng các bằng chứng hiện có (mặc dù tác giả tin rằng thuyết Lâm Ấp có nhiều khả năng hơn). Nếu có nhu cầu phải xác nhận thì phải tìm thêm bằng chứng vật lí. Trong nghiên cứu về người đã đến Bắc Mĩ trước Columbus, cũng có rất nhiều giả thuyết. Nếu nhìn từ góc độ của một người bình thường, về cơ bản mọi giả thuyết đều có thể đúng, vì bằng chứng được liệt kê cho mỗi thuyết có thể đạt đến mức độ một chuyên khảo được xuất bản. Tuy nhiên, sau ngần ấy năm, chỉ có một giả thuyết duy nhất có thể được cộng đồng học thuật xác nhận và đã được nâng cấp từ giả thuyết thành “sự thật” – đó là người Viking. Điều này một phần là do Viking Saga mà những ghi chép chi tiết của họ đã khiến hầu hết mọi người tin rằng người Viking đã đến Bắc Mĩ. Mặc dù vậy, trong một thời gian dài sự xuất hiện của người Viking ở Bắc Mĩ vẫn chỉ ở mức độ giả thuyết trong giới học thuật. Xác nhận cuối cùng về sự xuất hiện của người Viking ở châu Mĩ hoàn toàn dựa trên việc phát hiện ra các địa điểm của người Viking tại L’anse aux Meadows, Canada. Sau khi địa điểm này được xác nhận, giả thuyết liên quan đã được nâng cấp thành sự thật.

Ví dụ này sở dĩ được đưa ra là để minh họa rằng để “chứng minh” một điều gì đó về mặt học thuật thì cần phải nghiên cứu kĩ càng và kiên nhẫn. Ngược lại, nghiên cứu hiện tại về vấn đề địa điểm đo Nam Hải của Quách Thủ Kính rõ ràng chưa đạt đến mức có thể biến giả thuyết thành hiện thực. Trước khi đến lúc đó, sử dụng nó làm bằng chứng để chứng minh Trung Quốc thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa là chưa đủ thuyết phục.

3. Đo đạc bốn biển có giúp ích gì trong việc xác định chủ quyền?

Tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận vấn đề ở một cấp độ khác: Nếu như địa điểm đo là ở Hoàng Sa hay đảo Hoàng Nham (bãi Scarborough), điều đó có thể lí giải là sự quản lí của Trung Quốc đối với chúng không? Dưới con mắt của các học giả tin vào thuyết Hoàng Sa và thuyết đảo Hoàng Nham, đo đạc ở Nam Hải của Quách Thủ Kính đều rất hữu ích trong việc xác định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông. Nữu Trọng Huân đã viết trong một bài báo năm 1982, “Đây là một sự thật lịch sử khác cho thấy chính phủ Trung Quốc đã thực thi chủ quyền đối với các đảo ở Nam Hải, và đó là một bằng chứng rõ ràng khác cho thấy các đảo ở Nam Hải là lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc từ xưa đến nay.[470] Lí Kim Minh trong bài báo năm 1999 nêu: “Có thể thấy điểm đo Nam Hải ở cực nam của cuộc ‘đo đạc bốn biển’ được thực hiện trên lãnh thổ Trung Quốc vào đầu thời nhà Nguyên là đảo Hoàng Nham, gần quần đảo Tây Sa hay quần đảo Trung Sa ngày nay, nghĩa là vào thời điểm đó, quần đảo Tây Sa và đảo Hoàng Nham đều nằm trong lãnh thổ Trung Quốc và chính quyền nhà Nguyên đã thực thi chủ quyền và quyền quản lí đối với chúng.[471]

Như đã viết ở phần đầu, giọng điệu của chính phủ Trung Quốc đã thay đổi từ thuyết Hoàng Sa vào những năm 1980 sang thuyết đảo Hoàng Nham vào những năm 2000, rồi quay lại thuyết Hoàng Sa vào năm 2014, hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu chính trị. Điều này là do Chính phủ Trung Quốc cũng cho rằng địa điểm đo Nam Hải có liên quan đến việc xác định chủ quyền nên không chút mảy may phô bày điều mâu thuẫn của chính mình. Phía Trung Quốc thường nói rằng thái độ của Chính phủ Việt Nam đối với Hoàng Sa đã vi phạm nguyên tắc “estoppel” (không được nói ngược). Tương tự, Chính phủ Trung Quốc cũng vi phạm nguyên tắc này trong vấn đề đo đạc bốn biển của Quách Thủ Kính. Chính vì Chính phủ Trung Quốc không tin rằng địa điểm đo ở Lâm Ấp có thể giúp Trung Quốc giành được chủ quyền đối với Việt Nam nên ở cấp độ chính thức, thuyết Lâm Ấp chưa bao giờ được nhắc tới. Trong lĩnh vực địa lí lịch sử, thuyết Lâm Ấp cũng không chính thống. Tuy nhiên, trong giới thiên văn cổ không dính dáng nhiều với chính trị thực tế thì thuyết Lâm Ấp (hay thuyết miền Trung Việt Nam) lại chiếm ưu thế chủ đạo.

Giả sử điểm đo Nam Hải là ở quần đảo Hoàng Sa hay bãi Scarborough, liệu nó có giúp ích gì cho việc xác định chủ quyền của Trung Quốc hay không? Nếu chỉ nhìn từ góc độ luật pháp quốc tế thì đây không phải là bằng chứng thuyết phục. Lí do như sau:

Thứ nhất, vị thế lịch sử của nhà Nguyên là không thật chính danh.

Vị thế lịch sử của nhà Nguyên luôn là vấn đề gây tranh cãi trong giới học thuật. Như đã thảo luận ở trên, tác giả tin rằng nhiều đặc điểm khác nhau cho thấy Trung Quốc chỉ là thuộc địa của Mông Cổ trong thời nhà Nguyên, và địa vị của nước này thấp hơn so với các khu vực khác bị chinh phục trước đó. Điều quan trọng nhất là người Mông Cổ không trở thành một phần của Trung Quốc như người Mãn mà có đất nước độc lập của riêng mình. Sau khi Mông Cổ giành được độc lập vào năm 1945, Mông Cổ được coi là đế quốc Mông Cổ chính thống. Là một phần của đế quốc Mông Cổ, nhà Nguyên đương nhiên được coi là một phần của lịch sử Mông Cổ. Trong hoàn cảnh như vậy, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu những vùng đất bị triều Nguyên bành trướng chiếm đóng có thể được coi là vùng đất của Trung Quốc “từ xưa tới nay” hay không. Vì vậy, ngay cả khi một khu vực nào đó thuộc quyền quản lí của các triều đại Nguyên Mông vào thời đó, cũng không thể nói trực tiếp rằng khu vực đó thuộc quyền quản lí của Trung Quốc vào thời đó. Nguyên tắc này giống như việc Anh chiếm đóng Australia và Canada vào thế kỉ 19, nhưng người Australia rõ ràng không thể khẳng định rằng Canada đã là một phần của Úc “từ xưa tới nay”.

Thứ hai, không phải tất cả các địa điểm đo vào thời điểm đó đều nằm trong biên giới Trung Quốc theo nghĩa hiện đại. Trong cuộc khẩu chiến giữa Trung Quốc và Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam cũng dùng quan điểm này để bác bỏ việc Trung Quốc dùng địa điểm đo để chứng minh chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Cần khẳng định rằng những nơi mà Quách Thủ Kính đo đạc vào thời điểm đó được người dân thời đó coi là một phần của đế quốc nhà Nguyên. Cần nói ra điều này vì khái niệm “nước” [國: quốc] trong hệ thống phương Đông cổ đại và hệ thống hiện đại là không như nhau. Các nước phụ thuộc và các nước chư hầu đều nằm trong phạm vi “bốn biển” (四海: tứ hải) của Quách Thủ Kính vào thời đó, mặc dù theo nghĩa đương thời, những quốc gia đó thậm chí không phải là một phần của Trung Quốc vào thời đó. Ví dụ rõ ràng nhất là Cao Li đã đề cập ở trên.

Một ví dụ khác là Bắc Hải. Không rõ địa điểm đo này ở đâu nhưng Trần Mĩ Đông cho rằng nó nằm ở sông Thông Cổ Tư Tạp (Tunguska).[472] Tuy nhiên, Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh lại suy đoán rằng đó đỉnh chính của dãy núi Ô Lạp Nhĩ (Ural), đỉnh Nhân Dân (ở rìa Bắc Băng Dương), thuộc về Hãn quốc Khâm Sát (Kipchak) vào thời đó.[473] Suy đoán của họ rất có thể đã sai. Tuy nhiên, vì họ tin rằng cuộc đo đạc Nam Hải rất hữu ích cho việc xác định chủ quyền nên việc phân tích các kết luận của họ là điều đáng làm. Họ tin rằng Hãn quốc Kipchak cũng là một phần của nhà Nguyên, điều này rõ ràng là sai. Ngày nay, người ta thường cho rằng 4 đại hãn quốc Mông Cổ và nhà Nguyên không hề có quan hệ phụ thuộc mà là những quốc gia độc lập. Vào năm 1279, các hãn quốc Mông Cổ khác nhau vẫn còn đối đầu và thậm chí không có một liên minh trên danh nghĩa nào. Vì vậy, nếu dựa theo suy đoán của bọn họ về Bắc Hải, thì địa điểm này hẳn là nằm ngoài biên giới của nhà Nguyên.

Do đó, vì có những ngoại lệ như Cao Li và Bắc Hải nên việc phía Việt Nam cho rằng có một số địa điểm đo nằm ở trong nước và một số khác ở nước ngoài là không hoàn toàn vô lí.

Thứ ba, sau khi nhà Minh lật đổ ách thống trị của người Mông Cổ ở Trung Quốc, Trung Quốc khó có thể kế thừa đối với lãnh thổ do Nguyên Mông mở rộng. Trong thời cận đại, nhiều vùng đất thuộc địa sau khi giành được độc lập đã được thừa hưởng các quyền của nước bá chủ ban đầu và có được lãnh thổ rộng lớn hơn lúc còn là thuộc địa. Ví dụ, Ấn Độ chưa hình thành một quốc gia thống nhất trước thời thuộc địa của Anh, và chỉ thừa kế đất nước thống nhất từ Anh sau khi độc lập; một ví dụ khác là Philippines, trước khi người Tây Ban Nha đến, Philippines không có lãnh thổ như hiện nay. Có nhiều quốc gia nằm rải rác trên các đảo thuộc lãnh thổ Philippines hiện tại và chúng chỉ được hợp nhất sau khi người Tây Ban Nha đến. Vì vậy, không có gì lạ khi lãnh thổ quốc gia được mở rộng qua sự kinh lịch của người dân.

Tuy nhiên, trong quá trình giành độc lập của Philippines và Ấn Độ, lãnh thổ nào được thừa kế từ nước bá chủ đã được liệt kê rõ trong các điều khoản nên sẽ không có “quyền tài sản” bị bỏ sót. Tuy nhiên, nếu không có thủ tục pháp lí và không có bằng chứng về việc kiểm soát thực tế thì không rõ liệu tất cả các lãnh thổ mà nước bá chủ buông ra có thể được tự động kế thừa hay không. Ví dụ, khi Pháp rút khỏi Việt Nam, lãnh thổ Pháp bàn giao cho miền Nam Việt Nam không bao gồm quần đảo Trường Sa. Vì vậy, khi miền Nam Việt Nam và thậm chí cả Việt Nam sau này chứng minh rằng họ có quyền thừa kế quần đảo Trường Sa từ tay Pháp thì không thật tự tin.

Quay trở lại việc nhà Minh kế thừa Nguyên Mông, đương nhiên không thể đòi hỏi có văn bản trắng đen như hiệp ước vào thời điểm đó, trên thực tế, nhà Minh cũng không kế thừa toàn bộ đất đai mà Nguyên Mông sở hữu, ví dụ như vùng đất cũ của Mông Cổ vẫn nằm trong tay Bắc Nguyên, Lĩnh Băc cũng không bị nhà Minh kiểm soát và Tây Tạng cũng là một thực thể độc lập. Vì vậy, không thể khẳng định rằng vì Nguyên Mông đã từng chiếm hữu một địa điểm nào đó thì nhà Minh cũng chiếm hữu địa điểm đó. Mấu chốt nằm ở bằng chứng về sự cai trị của Trung Quốc trước và sau nhà Nguyên: nếu Trung Quốc từng cai trị địa điểm này trước nhà Nguyên, thì sau khi giành được độc lập với Mông Cổ thì đối với địa điểm đó Trung Quốc sẽ coi như khôi phục lãnh thổ quốc gia. Nếu Trung Quốc không cai trị địa điểm này trước nhà Nguyên, tuy nhiên lại tiếp tục cai trị khu vực này dưới thời nhà Minh, thì có thể dẫn ví dụ của Philippines hay Ấn Độ để chỉnh lại quyền của nhà Minh đối với khu vực này.

Nếu địa điểm đo ở Lâm Ấp thì điều này rõ ràng sẽ khó hợp lí, vì ngay cả nhà Nguyên cũng không cai trị khu vực này. Nếu địa điểm đo ở Hoàng Sa thì có cơ sở để tranh cãi. Nếu là ở bãi Scarborough, vì cả nhà Tống lẫn nhà Minh đều không có ghi chép gì về bãi Scarborough nên căn bản không thể nói về việc kế thừa.

Thứ tư, liệu phép đo này có thể được sử dụng làm bằng chứng cho việc quản trị hay không vẫn còn gây tranh cãi. Trong tranh chấp Trung-Việt về Hoàng Sa, Việt Nam cho rằng đo đạc không phải là bằng chứng về quản trị. Lí do là do tàu Challenger của Anh đi hơn 70 000 hải lí ở nhiều vùng biển khác nhau trên thế giới nhưng điều đó không có nghĩa vùng biển nào mà tàu đi qua đều của Vương quốc Anh.

Về vấn đề này, Lí Kim Minh cho rằng lập luận này không đứng vững được, vì mục đích đo đạc các đảo trên tuyến đường biển của người Anh trong thời kì khai thác thuộc địa khác với đo đạc bốn biển. Việc của tàu Challenger là đo đạc các tuyến đường biển trên thế giới, còn mục đích của “đo đạc bốn biển” là thống nhất lịch trên khắp Trung Quốc và và các điểm đo được chọn tất nhiên phải nằm trong lãnh thổ Trung Quốc”.[474]

Liên quan tới lập luận rằng mục đích khảo sát của Anh và của Quách Thủ Kính khác nhau dẫn đến tính thuyết phục khác nhau trong việc xác định chủ quyền, tác giả cho rằng lập luận của Lí Kim Minh là có sức thuyết phục. Nhưng nửa sau của lập luận không có giá trị, vì các địa điểm đo vào thời điểm đó không thật sự không nằm hết trong biên giới Trung Quốc (xem điểm thứ hai).

Thứ năm, giả sử rằng 4 phản bác trên đều có thể đứng vững được, nếu 700 năm trước có chủ quyền đối với một đảo không người ở, nhưng không có sự quản lí thực chất trong hàng trăm năm sau đó, liệu điều này có thể được dùng làm căn cứ để đòi lại chủ quyền đối với đảo này sau đó vài trăm năm không ? Hay đảo này bị coi là bị bỏ hoang và bị biến trở lại thành một đảo không có người ở? Một ví dụ gần gũi là vụ trọng tài nổi tiếng của Tòa án Công lí Quốc tế (ICJ) liên quan đến yêu sách chủ quyền của Hoa Kì và Hà Lan đối với đảo Palmas. Đảo Palmas ngoài khơi Philippines được người Tây Ban Nha phát hiện và tuyên bố chủ quyền đối với đảo này. Sau Chiến tranh Tây Ban Nha-Mĩ, Tây Ban Nha chuyển giao Philippines cho Hoa Kì. Hoa Kì khi đó tin rằng họ có chủ quyền đối với đảo Palmas. Người Hà Lan cho rằng đảo này tuy được người Tây Ban Nha phát hiện nhưng Tây Ban Nha chưa bao giờ quản lí nó mà thực tế là Công ti Đông Ấn Hà Lan quản lí nó. Hai bên gặp nhau tại tòa, và cuối cùng tòa án đã trao đảo này cho Hà Lan với lí do việc phát hiện đơn thuần mà không có sự quản lí thực chất không xác nhận chủ quyền; và ngay cả khi chủ quyền đã được thực thi trong một thời gian nhất định, nhưng nếu nó không được thực thi trong một thời gian dài thì tính liên tục của quản lí sẽ bị mất và chủ quyền cũng bị mất. Vì vậy, ngay cả khi một quốc gia đã thực thi chủ quyền đối với một khu vực tranh chấp nhất định trong một khoảng thời gian nhất định, nếu sau đó không còn để tâm đến khu vực này thì có thể bị coi là đã từ bỏ chủ quyền này.[475] Vì vậy, nếu Trung Quốc không tiếp tục quản lí trong tương lai (chẳng hạn nếu địa điểm đo là bãi cạn Scarborough) thì chủ quyền của nước này cũng sẽ bị mất.

Tóm lại, về vấn đề liệu cuộc đo đạc bốn biển của Quách Thủ Kính có thể xác nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với “Nam Hải” hay không, có rất nhiều điểm còn tranh cãi và có thể không nhất thiết trở thành bằng chứng thực chất và mạnh mẽ trước các tòa án quốc tế (dù đó là Hoàng Sa hoặc bãi Scarborough).

3.9 Tuần tra cứu hộ

Tuần tra là một hình thức mạnh mẽ của bằng chứng quản trị. Trước thời hiện đại, sử sách Trung Quốc đã ghi lại 4 trường hợp về tuần tra được cho là gần các đảo ở biển Đông. Phần này phân tích từng trường hợp.

1. “Tuần hải kí lục” thời nhà Tống

Ghi chép sớm nhất như vậy trong “Vũ kinh tổng yếu” (武經總要) (1045) do Tăng Công Lượng thời nhà Tống viết. “Vũ kinh tổng yếu” là một tác phẩm quân sự chính thức thời Bắc Tống, chủ yếu đề cập đến tư tưởng quân sự và vũ khí của nhà Tống, đồng thời giới thiệu một số kiến ​​thức địa lí. Liên quan đến vấn đề biển Đông là quyển 21 Quảng Nam đông lộ [廣南東路] (Hình 65). Nguyên văn như sau:

Quận Nam Hải Quảng Châu, Bách Việt cổ, là nơi sinh sống của tộc Đản người man, kể từ thời nhà Hán, đã thành quận huyện. Vào thời nhà Đường là tiết độ hải quân, đến thời nhà Tống được Lưu bình định, ông đã xây dựng lại Phương Trấn và biến nó thành một thành phố, đề xuất lập giáp binh 16 châu trừ bọn trộm cắp và kiểm soát các nước ngoài biển, có lợi thế về thuyền buôn, là nơi giao thoa giữa người phiên và người Hán. Theo lệnh vua, đô đốc đến lo việc phòng thủ, lập đội tuần tra hải quân, đóng trại ở cửa đông và cửa tây biển, rộng 280 trượng, cách núi Đồn Môn 200 lí, dùng thuyền nhỏ ra vào chiến thuyền trên biển. Nó cách biển ở phía đông nam 40 lí, cách Huệ Châu ở phía đông 420 lí, cách Đoan Châu ở phía tây 240 lí, cách Ân Châu ở phía nam 750 lí, và cách Thiều Châu ở phía bắc 250 lí. Tuyến đường biển đông nam tới núi Đồn Môn 400 lí, với 20 lí nước cạn, một ngày có thể đi được 50 lí, tổng cộng 200 lí. Từ núi Đồn Môn, lợi dụng gió đông đi về phía tây nam, 7 ngày đến Cửu Nhũ Loa Châu, đi thêm 3 ngày đến núi Bất Lao, rồi 3 ngày nữa về phía nam đến Linh Sơn Đông. Từ đây đi về phía tây nam sẽ đến nước Đại Thực, nước Phật, nước Sư Tử (Sri Lanka) và nước Thiên Trúc (Ấn Độ), khoảng cách không thể tính được. Thời Thái Bình Hưng Quốc (Tống Thái Tông -ND), ba vị tướng được sai đi đánh Giao Châu và tiến quân theo đường thủy của châu này. Bộ chỉ huy binh mã của lộ quân Đông Quảng Nam đóng ở châu này. Phủ Quảng Châu ngày nay cũng vậy.[476]

Hình 65 Vũ kinh tổng yếu

Phía Trung Quốc cho rằng “Cửu Nhũ Loa Châu” chỉ quần đảo Hoàng Sa, còn “7 ngày đến Cửu Nhũ Loa Châu” cho thấy vào thời nhà Tống, hải quân của chính phủ Trung Quốc đã tuần tra khu vực Hoàng Sa, thực thi chủ quyền quốc gia.

Khẳng định này là không đúng sự thật. Trước hết, không có kết luận chắc chắn về vị trí của Cửu Nhũ Loa Châu. Những gì Hàn Chấn Hoa nói đều dựa trên sự so sánh về lịch trình, Cửu Nhũ Loa Châu ở đây rất giống với “đá Tượng” (象石: Tượng thạch) trong “Tứ di hải đạo” của Giả Đam thời Đường, từ hai nơi này đi về phía tây nam 3 ngày đều tới đảo Chiêm Bà (núi Chiêm Bất Lao). Vì vậy, Cửu Nhũ Loa Châu ở đây và đá Tượng có lẽ là một, hoặc ít nhất là hai nơi rất gần nhau. Vào đầu thời Thanh, Cố Viêm Vũ đã viết trong “Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư” (天下郡國利病書):

Tàu thuyền từ Quảng Châu đi đến các nước phiên, sau khi ra khỏi cửa Hổ Đầu tiến vào đại dương, chia thành hai tuyến: đông và tây… Tuyến đường biển này đi 200 lí đến núi Đồn Môn [nước cạn và có thể đi được 50 lí trong một ngày]. Sau đó, nếu có gió thuận đi về phía tây 2 ngày thì đến đá Cửu Châu, đi tiếp về phía nam 2 ngày, đến đá Tượng [lợi dụng gió đông đi về phía tây nam 7 ngày thì đến Cửu Nhũ Loa Châu], rồi đi về phía tây nam 3 ngày đến núi Bât Lao [ở vùng biển cách Chiêm Thành 200 lí về phía đông, Dân Chiêm Thành phạm tội sống ở đó].[477]

Độc sử phương dư kỉ yếu” (讀史方輿紀要) của Cố Tổ Vũ vào đầu thời nhà Thanh nêu:

Tỉnh Quảng Đông tăng cường việc kiểm tra đường biển. Tàu thuyền từ Quảng Châu đi đến các nước phiên, sau khi ra khỏi cửa Hổ Đầu tiến vào đại dương, chia thành hai tuyến: đông và tây. Tuyến phía đông gần, tuyến phía tây xa, nhà Tống đặt trại tuần tra hải quân ở giữa, nay là thành phố Nam Đầu, phía đông nam huyện Đông Hoàn, tuyến đường biển này đi 200 lí đến núi Đồn Môn. Nước cạn, một ngày có thể đi được 50 lí, nếu có gió thuận đi về phía tây 2 ngày thì đến đá Cửu Châu, đi tiếp về phía nam 2 ngày, đến đá Tượng. Nếu lợi dụng gió đông đi về phía tây nam 7 ngày thì đến Cửu Nhũ Loa Châu, rồi đi về phía tây nam 3 ngày đến núi Bât Lao, đi về phía tây 200 lí đến Chiêm Thành, lại đi về phía nam 2 ngày đến núi Lăng Sơn, núi này dốc và vuông vắn, có những con suối uốn lượn xuống như một vành đai, là ranh giới của Chiêm Thành.[478]

Hai đoạn văn này rất giống nhau, hiển nhiên trong mắt Cố Viêm Vũ và Cố Tổ Vũ, hai nơi này là một. Vậy nó ở đâu? Theo phân tích về đá Tượng ở trên, nơi này không phải là quần đảo Hoàng Sa mà là đảo Đại Châu ở Hải Nam hoặc các đảo lân cận (xem phần 2.3). Lí do địa lí là quan trọng nhất (Hình 66), núi Chiêm Bất Lao nằm ở phía tây quần đảo Hoàng Sa chứ không phải phía tây nam, và nó cũng nằm ngay phía tây nam đảo Đại Châu của Hải Nam. Ngoài ra, vào thời nhà Tống, quần đảo Hoàng Sa vẫn là nơi “nguy hiểm”, là nơi cần tránh trong quá trình đi lại hơn là nơi neo đậu. Nhà địa lí lịch sử Tăng Chiêu Tuyền cũng tin rằng nơi này phải là Đại Châu Đầu.[479]

Không giống như đá Tượng, cái tên Cửu Nhũ Loa Châu không xuất hiện nhiều trong sách cổ. Ngoài “Vũ kinh tổng yếu“, trong hơn 1000 năm qua nó chỉ được nhắc đến trong các sách nghiên cứu về thư tịch của Cố Viêm Vũ và Cố Tổ Vũ, và nguồn của nó rõ ràng là “Vũ kinh tổng yếu“. Mãi cho đến “Dương phòng tập yếu” [洋防輯要] của Nghiêm Như Yên vào giữa thế kỉ 19 nó mới xuất hiện trở lại. Cuốn sách này, như các cuốn sách cùng tên gợi ý, là một “tập yếu”, về cơ bản là tổng hợp các chương có liên quan từ những cuốn sách trước đó (được trích dẫn toàn văn nhiều nhất là “Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư” và “Độc sử phương dư kỉ yếu“). Trong “quyển 8: Quảng Đông duyên hải dư địa khảo”, ông gần như trích dẫn hoàn toàn lời văn trong “Độc sử phương dư kỉ yếu”, nên có những lời văn giống hệt về đá Tượng và Cửu Nhũ Loa Châu như đã dẫn trước đây.[480]

Hình 66 Minh họa “Vũ kinh tổng yếu

Điều đặc biệt nhất ở “Dương phòng tập yếu” là Cửu Nhũ Loa Châu và đá Tượng cũng được vẽ trong bản đồ phòng thủ biển “Quảng Đông trạch đồ” (廣東澤圖) (Hình 67), cả hai được vẽ rất gần nhau và gần với núi Lê Đầu, nằm ở phía đông đảo Hải Nam và phía đông của chúng còn có đá Cửu Châu.[481] Do bản đồ phòng thủ biển không được vẽ hoàn toàn theo hướng bắc trên và nam dưới nên việc xác định vị trí cụ thể trên bản đồ cũng khó khăn. Trong “Trực tỉnh hải dương tổng đồ” (直省海洋總圖),[482] Vạn Lí Trường Sa được vẽ ở phía đông nam đảo Hải Nam (Hình 67). Có người cho rằng so sánh hai bản đồ này thì Vạn Lí Trường Sa chính là đá Cửu Nhũ Loa. Vì tỉ lệ của hai bản đồ rất khác nhau nên mặc dù có một khả năng nhất định nhưng cũng không chắc Vạn Lí Trường Sa ở đây có phải là đá Cửu Nhũ Loa và đá Tượng hay không. Trên thực tế, tên của Đại Châu Đầu hay núi Độc Trư không được ghi trên bản đồ “Dương phòng tập yếu“, và hai cái tên này (một trong hai) xuất hiện trên nhiều bản đồ Hải Nam khác nhau, vì vậy Cửu Nhũ Loa Châu và đá Tượng, v.v. cũng có thể được hiểu là Đại Châu Đầu.

Hình 67 Trực tỉnh hải dương tổng đồ (trái) và Quảng Đông trạch đồ (phải) trong “Dương phòng tập yếu

Độ chính xác của (hai) bản đồ này còn nhiều nghi vấn. Trong “Trực tỉnh hải dương tổng đồ“, có hai địa điểm là Tiểu Lưu Cầu và Đài Loan, gần Vạn Lí Trường Sa. Hơn nữa, hai nơi này cách nhau khá xa, Đài Loan đối diện với Hạ Môn, còn Tiểu Lưu Cầu đối diện với Nam Áo và Triều Dương. Tiểu Lưu Cầu là tên cổ của Đài Loan, vậy tại sao cả hai đều nằm trên cùng một bản đồ, điều này chỉ cho thấy người vẽ không hiểu vấn đề cực kì cơ bản này. Từ bản đồ này, không có bằng chứng nào cho thấy Vạn Lí Trường Sa thuộc về Trung Quốc, vì chính bản đồ này cũng có các nước như Đại Lưu Cầu và Nhật Bản… hoàn toàn không thuộc về Trung Quốc. Bản thân bản đồ phòng thủ biển quan tâm nhiều đến việc phòng thủ biển nên diện tích được vẽ sẽ lớn hơn lãnh thổ thực tế.

Dương phòng tập yếu” được làm ra trước Chiến tranh thuốc phiện, và nó cũng là một công trình có tiếng về phòng thủ biển vào thời điểm đó. Nghiêm Như Dục cũng là một học giả-quan chức từng đích thân trải nghiệm các vấn đề về biển của Quảng Đông, nhưng suy nghĩ của ông vẫn “lạc hậu”.[483] Cách viết và trọng tâm của nó không thoát khỏi khuôn khổ chống Nhật của “Trù hải đồ biên” (籌海圖編), và lời văn trong phần địa lí (quyển 4 đến quyển 15) hoàn toàn được lấy từ hai tác phẩm đầu nhà Thanh đó. Do đó trình độ hiểu biết về địa lí của ông rất đáng nghi ngờ.

Nghiêm Như Dục có lẽ đã “tạo ra” bản đồ này bao gồm Cửu Nhũ Loa Châu chỉ để kết hợp các địa danh được đề cập trong 3 cuốn sách trên. Cả Cửu Nhũ Loa Châu lẫn đá Tượng trong bản đồ này đều không thấy trong các sách hướng dẫn đi biển. Núi Lê Đầu [頭山] (còn gọi là Lê Đầu [頭]) nằm giữa hai địa điểm này, theo ghi chép trong “Đông Tây dương khảo” và “Thuận phong tương tống“, nằm cách Cảng Xiêm La 8 canh về hướng đông nam, Hướng Đạt nói: “địa điểm này hiện nay không rõ”.[484] Nghiêm Như Dục ghép 3 địa điểm ít gặp này lại với nhau, điều này chứng tỏ rằng ông không biết vị trí cụ thể của những nơi này, mà chỉ muốn thêm những địa điểm này vào bản đồ, gần như để cho có. Nếu không thì làm sao lại có thể đặt Cửu Nhũ Loa Châu cùng chỗ với núi Lê Đầu ở Thái Lan?

Khi không thể xác minh được các tên trùng lặp về mặt địa lí hoặc vị trí thật sự, những địa điểm này được miễn cưỡng vẽ trên cùng một bản đồ để thể hiện tất cả các tên có trong sử sách, điều này không hiếm thấy trong lịch sử bản đồ Trung Quốc và nước ngoài. Vấn đề Tiểu Lưu Cầu và Đài Loan nêu trên là một ví dụ. Cách làm này không phải chỉ có ở Nghiêm Như Dục, ví dụ, một số học giả cho rằng “Bản đồ Lưu Cầu” trong “Trịnh Khai Dương tuyển tập” của Trịnh Nhược Hội là một bản đồ kết hợp các tên lịch sử khác nhau của cùng một địa điểm mà không thể làm rõ mối quan hệ giữa chúng với nhau.[485] Có thể thấy, cách làm này đã có tiền lệ trong việc vẽ bản đồ phòng thủ biển của Trung Quốc, lí do tất nhiên là do các học giả này không thể tiến hành khảo sát thực địa mà chỉ có thể vẽ những bản đồ này dựa trên lời truyền miệng và nghiên cứu sách vở từ nhiều nguồn khác nhau.

Vì vậy, không thể rút ra kết luận rằng Cửu Nhũ Loa Châu là quần đảo Vạn Lí Trường Sa hay quần đảo Hoàng Sa từ bản đồ trong “Dương phòng tập yếu“. Vị trí thật sự của nó vẫn có thể phải tìm kiếm từ văn bản gốc và các tài liệu lịch sử khác. Theo thảo luận ở trên, vị trí của nó là ở Đại Châu Đầu hơn là ở Hoàng Sa. Thứ hai, ngay cả địa điểm này thật sự là quần đảo Hoàng Sa, đoạn văn về hải quân nhà Tống tuần tra cũng không có ý nghĩa gì. “Địa điểm này cách biển 40 lí về phía đông nam…” Câu này mô tả vị trí của trại tuần tra hải quân. Còn đoạn “tuyến đường biển này đi 200 lí đến núi Đồn Môn, 20 lí nước cạn, một ngày có thể đi 50 lí, tổng cộng 200 lí. Từ núi Đồn Môn, lợi dụng gió đông đi về phía tây nam 7 ngày thì đến Cửu Nhũ Loa Châu, rồi đi về phía tây nam 3 ngày đến núi Bất Lao, đi về phía tây 200 lí đến Chiêm Thành, lại đi về phía nam 2 ngày đến Lăng Sơn Đông. Từ đây đi về phía tây nam sẽ đến nước Đại Thực, nước Phật, nước Sư Tử (Sri Lanka) và nước Thiên Trúc (Ấn Độ), khoảng cách không thể tính được” là để giải thích thông tin địa lí liên quan đến địa điểm này vào thời điểm đó, đặc biệt là thông tin giao thông, là một chú giải, không phải nói đến tuyến đường tuần tra thực tế của đội tuần tra hải quân. Nếu không thì không thể giải thích được tại sao sau Cửu Nhũ Loa Châu, khoảng cách và lộ trình đến “núi Bất Lao”, “Linh Sơn Đông” và thậm chí đến cả Đại Thưc đều được thêm vào.

Cuối cùng, câu “Thời Thái Bình Hưng Quốc, ba vị tướng được sai đi đánh Giao Châu và tiến quân theo đường thủy của châu này.” nhằm giải thích thêm việc ứng dụng tuyến đường thủy nói trên trong quân sự thời Thái Bình Hưng Quốc. Điều đang nói đến là một hành động quân sự diễn ra vào năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 đời Bắc Tống (980), tức là cuộc chiến tranh kháng Tống lần thứ nhất (xem 3.1) nổ ra ở Việt Nam, Lê Hoàn lật đổ nhà Đinh, lập ra nhà Lê. Hoàng đế Thái Tông nhà Tống khởi binh, sai Tôn Toàn Hưng theo đường bộ, Lưu Trừng đi đường thủy, Hầu Nhân Bảo lo việc vận chuyển ở Giao Châu cùng đánh Việt Nam. Điều được nói trong đoạn văn là về “Tam tướng binh phạt Giao Châu”. Sự việc này là một cuộc viễn chinh, không phải là một cuộc tuần tra vì mục đích hành chính.

2. “Hồ sơ tuần tra biển” thời nhà Minh

Không có nhiều ghi chép về các hành vi cai trị được cho là vào thời nhà Minh. Trong chuyên đề biển Đông của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, có thể thấy một trích dẫn trong “Lời minh trên bia mộ của Sài Công”,[486] trong khá nhiều bài báo cũng có trích dẫn tương tự:

“Lời minh trên bia mộ của Thiêm sự Sài Công, Chỉ huy Vệ binh Hải Nam” nhà Minh ghi:

Quảng Đông giáp biển lớn, các nước ngoài đều nội thuộc,” “Công chỉ huy hơn vạn quân và 50 tàu khổng lồ”, tuần tra “hàng chục ngàn lí đường biển.”

Phía Trung Quốc cho rằng điều này cho thấy Vệ binh Hải Nam thời nhà Minh đã tuần tra các quần đảo Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa, đồng thời điều này chứng tỏ quần đảo Nam Sa thuộc lãnh thổ của nhà Minh.

Nếu xem xét kĩ hơn văn bản này, có thể thấy từ “tuần tra” không được đặt trong dấu ngoặc kép, điều này cho thấy đây không phải là văn bản gốc. Trên thực tế, văn bản gốc của đoạn này xuất phát từ “Quốc triều hiến trưng lục” của Tiêu Hoành, một bộ sưu tập các loại bia thần đạo, lời minh trên bia mộ, hành trạng, phương chí khác nhau. Tập 111 “Các vệ · Hải Nam vệ chỉ huy Thiêm sự Công Anh mộ chí minh” (Hình 68) ghi:

Quảng Đông giáp biển lớn, các nước ngoài đều nội thuộc. Tuy nhiên, bọn di tạp chủng xuất hiện cướp phá trên biển, Xuân Kỉ Sửu, chỉ huy Li Khuê gom quân chuẩn bị. Nghe tiếng, ông tìm người giúp canh giữ □ và bảo vệ các sách lược công, sau một thời gian dài, Khuê mời được đô chỉ huy ti Quảng Đông □ quay lại, và thay ông chỉ huy binh sĩ. Công chỉ huy hơn vạn quân, và 50 con tàu lớn, tất cả các tướng lĩnh đều làm theo lệnh của ông, họ tuần tra huấn luyện ngày đêm như thể bọn cướp đang đến. Bọn cướp cũng nghe danh của Công không dám tới gần, đường biển dài vạn lí, người sống và làm việc yên ổn đều là nhờ ơn của Công.[487]

Hình 68 Bài minh trên bia mộ của Thiêm sự Sài Công Anh, Chỉ huy Đội vệ binh Hải Nam

Xét theo văn bản gốc, cách giải thích đoạn văn này trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tách rời ngữ cảnh và sai lệch. Đầu tiên, cái gọi là “tuần tra” của Sài Anh không phải là tuần tra hàng vạn lí đường biển mà là tuần tra huấn luyện quân sự. Sài không “tuần tra các tuyến đường biển hàng vạn lí”, mà do uy danh của Sài Anh bọn cướp biển ở khu vực này không dám gây rối, nhờ đó các tuyến đường hàng vạn lí được an toàn. Thứ hai, “hàng vạn lí” ở đây là một chỉ số ảo, nếu không nó đã vượt qua một nửa vòng trái đất (nửa chu vi trái đất là khoảng 20 000 km, hay 40 000 lí), điều này căn bản là không thể. Vì vậy, trên thực tế không rõ nó chỉ bao nhiêu, tóm lại chỉ có thể miêu tả là có sức răn đe rất lớn. Thứ ba, tất cả các nước ở ngoài biển đều nội thuộc, nhiều nhất chỉ có thể là các nước phên dậu và có quan hệ triều cống trên danh nghĩa với Trung Quốc, chứ không phải là lãnh thổ Trung Quốc. Thứ tư và quan trọng nhất là các đảo ở biển Đông không hề được đề cập ở đây.

Trong số các chuyên gia Trung Quốc chế tạo bằng chứng bằng cách cắt gọt sử liệu có Lâm Kim Chi. Về việc Trung Quốc là phía đầu tiên phát hiện, khai thác và quản lí các đảo ở biển Đông, ông viết: “Kể từ thời Minh và thời Thanh, vùng biển của của các đảo ở Nam Hải đã nằm trong phạm vi tuần tra của hải quân. Có rất nhiều ghi chép về điều này trong sách sử, chẳng hạn Hoàng Tá của nhà Minh đã ghi lại trong ‘Quảng Đông thông sử’ rằng: ‘điều động thuyền chiến ra biển phòng thủ…từ cửa Nam Đình của Đông Hoàn đi ra biển, đến 3 biển Ô Trư, Độc Trư, Thất Châu, đi theo kim Khôn Mùi đến Ngoại La’.[488]

Xét từ trích dẫn của Lâm Kim Chi, trong bài viết có một từ “ngự” (禦), biểu thị rằng đó là phòng thủ, và phạm vi phòng thủ thậm chí còn đạt đến Ngoại La. Không có bằng chứng nào tốt hơn điều này. Tuy nhiên, Quảng Đông thông chí của Hoàng Tá tiết lộ rằng đoạn văn gốc đã bị Lâm Kim Chi cắt gọt, thậm chí còn tệ hơn cả ví dụ về Sài Công thời Minh. Nguyên văn của đoạn văn này như sau (Hình 69):

Có ba tuyến tuần tra trên biển để chuẩn bị đối với cướp biển Nhật, quan quân phải tuân thủ. Vào cuối xuân và đầu hè, khi gió thổi mạnh, chỉ huy điều động thuyền chiến ra biển phòng ngự, tuyến đường giữa từ thành phố Nam Đầu ở huyện Đông Hoàn, ra cửa Phật Đường, cửa Thập Tự, mũi Lãnh Thủy cùng các bến thuyền biển khác [Hải ngữ: từ cửa Nam Đình huyện Đông Hoàn đi ra biển, tới 3 biển Ô Trư, Độc Trư và Thất Châu, đi theo kim Khôn Mùi tới Ngoại La; theo kim Thân thì vào Chiêm Thành và đến biển Côn Lôn, nếu đi thẳng theo hướng Tí Ngọ, sẽ vào cảng Long Nha Môn và sau đó sẽ vào Xiêm La. Nếu bọn cướp biển người phiên vào cửa Thập Tự ắt sẽ cướp phá. Vì vậy hãy đề phòng.] Tuyến đường đông khu vực Huệ Triều… Tuyến đường tây ở phía biển Cao Lôi Liêm… [489]

Hình 69 “Quảng Đông thông sử” của Hoàng Tá

Nội dung trong [ ] là chú thích gốc bằng phông chữ nhỏ, không phải lời văn chính. Phần in đậm là trích dẫn của Lâm Kim Chi. Đoạn văn gốc thật ra rất rõ ràng, để đề phòng cướp biển Nhật, vùng biển Quảng Đông được chia thành ba tuyến phòng ngự. Trong đó, vùng biển của tuyến phòng ngự giữa nằm ở các lối vào như cửa Phật Đường ở cửa sông Châu Giang, cửa Chữ Thập và mũi Lãnh Thủy… Còn đoạn sau, “từ cửa Nam Đình của Đông Hoàn ra biển, đến 3 biển Ô Trư, Độc Trư và Thất Châu, đi theo kim Khôn Mùi tới Ngoại La” là một đoạn trong “Hải ngữ” (xem 3.4.5), đoạn này cùng với đoạn bị Lâm Kim Chi cố tình cắt xén, “theo kim Thân thì vào Chiêm Thành và đến biển Côn Lôn, nếu đi thẳng theo hướng Tí Ngọ, sẽ vào cảng Long Nha Môn và sau đó sẽ vào Xiêm La. Nếu bọn cướp biển người phiên vào cửa Thập Tự ắt sẽ cướp phá. Vì vậy hãy đề phòng” giải thích vị trí địa lí và tầm quan trọng của cửa Nam Đình ở Đông Hoàn. Các địa điểm của tuyến phòng ngự giữa là các lối vào như cửa Thập Tự.., vì nếu cướp biển đến tấn công, chúng sẽ chọn con đường tấn công từ cửa Thập Tự. Vì vậy, các địa điểm phòng thủ thật sự của thuyền chiến không phải ở biển ngoài như Lâm Kim Chi nói, mà là khu vực xung quanh cửa Chữ Thập của cửa sông Châu Giang.

Lâm Kim Chi cắt ghép nhầm lẫn lời văn chính với chú thích, đồng thời cố tình bỏ đi các địa điểm phòng thủ thật sự bằng dấu chấm lửng, không nói đến “Hải ngữ” và đoạn từ “theo kim Thân” đến “Vì vậy hãy đề phòng“. Chính việc cắt ghép lời văn chính với lời chú thích đã khiến phạm vi phòng thủ của thuyền chiến lúc đó bị hiểu lầm là đã vươn tới tận Ngoại La.

3. Ghi chép về tuần tra biển thời nhà Thanh

Đầu thời Thanh, chỉ có một ghi chép về chuyến tuần tra của hải quân Trung Quốc được cho là có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, đó là ghi chép về chuyến tuần tra hải quân của Ngô Thăng trong Đồng An huyện chí [同安縣志]. Ngô Thăng ((1652-?), tự là Nguyên Trạch, người Đồng An, Phúc Kiến, họ Hoàng. Cha mất khi ông mới 16 tuổi, mẹ ruột tên Diêu bị gia tộc ruồng bỏ vì là “vợ lẽ” nên đã đưa ông đến Đồng An để sống với người dì. Người dì họ Ngô, và coi Hoàng Thăng như con ruột nên Hoàng Thăng đã đổi sang họ Ngô. Ngô Thăng xuất thân từ quân đội, lần lượt đến từ Kim Môn và Hạ Môn. Năm Khang Hi thứ 22, ông theo Thị Lang chinh phục Bành Hồ và Đài Loan, nhờ có công được phong làm Phó tướng Quảng Đông và được Hoàng đế Khang Hi khen ngợi là “đô đốc giỏi nhất thiên hạ”. Vào năm thứ 55 triều đại Khang Hi, ông được vua ban tặng tấm biển “Khoan huệ củ hoàn”, tấm biển này cũng được treo trong phong khách nhà ở cũ của Ngô Thăng ở Hải Thương. Năm Ung Chính thứ ba, Ngô Thăng làm thái tử và Thiếu Phó, trước khi chết đã xin khôi phục họ Hoàng, triều đình đã chấp thuận yêu cầu của ông.

Trong “Đồng An huyện chí” có ghi ông là Phó tướng Quảng Đông (năm Khang Hi thứ 49 đến 51, 1710-1712) (Hình 70):

(Ngô Thăng) từ Quỳnh Nhai, đi qua Đồng Cổ, qua biển Thất Châu và Tứ Canh Sa, vòng quanh hết 3000 lí, đích thân tuần tra, địa phương yên ổn.[490]

Hình 70 “Đồng An huyện chí

Trong Tuyền Châu phủ chí gần như đồng thời cũng có những ghi chép giống hệt về Ngô Thăng.

Chính phủ và các chuyên gia Trung Quốc nói chung cho rằng biển Thất Châu ở đây ám chỉ quần đảo Hoàng Sa. Ví dụ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ ra: “Thất Châu Dương được nhắc đến ở đây là vùng biển xung quanh quần đảo Tây Sa ngày nay, được tuần tra bởi lực lượng hải quân Trung Quốc. Hải quân tỉnh Quảng Đông lúc bấy giờ”.[491] Đây được coi là ghi chép về tuần tra của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa. Trong số tất cả các ghi chép xưa, ghi chép này có thể nói là ghi chép gần nhất có hiệu lực: so với các “bằng chứng” liệt kê ở trên, đây là ghi chép về tuần tra thật sự. Nhưng câu hỏi đặt ra là biển Thất Châu ở đây có thật sự là quần đảo Hoàng Sa hay không?

Đàm Kì Tương đã thảo luận chi tiết về vị trí và phạm vi bao phủ của biển Thất Châu trong “Thất Châu dương khảo”.[492] Những thay đổi về vị trí của biển Thất Châu trong lịch sử Trung Quốc cũng đã được thảo luận chi tiết ở trên. Kết luận được rút ra là: biển Thất Châu trong lịch sử ít nhất có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất đã được sử dụng từ thời cổ đại cho đến thời hiện đại, chỉ biển Thất Châu gần nhóm đảo Thất Châu ở phía đông bắc đảo Hải Nam. Theo Đàm Kì Tương, đó là biển Thất Châu theo nghĩa hẹp, cái thứ hai là biển Thất Châu theo nghĩa rộng, xuất hiện từ cuốn “Hải quốc văn kiến lục” của Trần Luân Quýnh năm 1730. Theo nghĩa rộng, biển Thất Châu không chỉ giới hạn ở một nơi. Nó có thể chỉ đại dương được bao quanh bởi đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Natuna, đảo Côn Lôn và bán đảo Đông Dương, tức là phần tây nam của biển Đông; nó cũng có thể là phía nam của đại dương này; nó có thể cũng chỉ vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trung Sa. Dù ý nghĩa là gì thì nó cũng không có ý chỉ cụ thể quần đảo Hoàng Sa.

Vậy, biển Thất Châu ở đây chỉ biển nào? Đàm Kì Tương cho rằng nó chỉ biển Thất Châu theo nghĩa hẹp. Ông nói:

“Trong ghi chép tuần tra biển của Ngô Thăng, ‘Từ Quỳnh Nhai, đi qua Đồng Cổ, qua biển Thất Châu và Tứ Canh Sa, vòng quanh hết 3000 lí,’ tuyến đường tuần tra này rõ ràng bắt đầu từ vùng phụ cận của phủ Quỳnh Châu đi theo hướng kim đồng hồ, từ bắc tới nam, từ đông sang tây, từ nam tới bắc, rồi từ tây sang đông, đi quanh đảo một vòng, về cơ bản phù hợp với con số 3000 lí. Nếu nói đi xuống phía nam để tuần tra đến quần đảo Hoàng Sa, rồi rẽ về hướng tây bắc, vòng qua Tứ Canh Sa, đi ngược về phía đông đến Quỳnh Châu thì quãng đường sẽ dài hơn 3000 lí. Hơn nữa, mục đích của ghi chép này là để đề cao việc Ngô Thăng không sợ nguy hiểm tự mình đi tuần tra, nếu thật sự đến được vùng biển quần đảo Tây Sa, sao không nhắc đến những nơi xa xôi như Thạch Đường hay Trường Sa mà lại chỉ nhắc đến những chỗ gần kề như núi Đồng Cổ và Tứ Canh Sa ?[493]

Tuy nhiên, Lí Kim Minh tin rằng đây là quần đảo Hoàng Sa. Lí do của ông là:

(1) Cách phân biệt hai biển Thất Châu trong lịch sử rất đơn giản, chỉ dựa vào thứ tự các địa danh trên tuyến đường là được. Lộ trình ở đây là “từ Quỳnh Nhai,đi qua Đồng Cổ, qua biển Thất Châu, Tứ Canh Sa, vòng quanh hết 3000 lí.” Tới biển Thất Châu sau khi đi qua Đồng Cổ, rõ ràng đó không phải là biển Thất Châu ở phía trước Đồng Cổ, mà là một biển Thất Châu khác.

(2) Ông tính toán rằng quãng đường quanh đảo Hải Nam là 1726 lí, tức là chưa đến 3000 lí, tính cả quãng đường đi về từ Tam Á đến đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) là 1320 lí thì tổng cộng là khoảng 3000 lí.[494]

Chu vi đảo Hải Nam là 820 km, hay 1640 lí, trong khi khoảng cách từ Tam Á đến đảo Phú Lâm là 300 km, hay 600 lí, và đi về là 1200 lí, tính chung khoảng 2800 lí,[495] không khác biệt nhiều so với tính toán của Lí Kim Minh. Khẳng định của Đàm Kì Tương rằng một vòng quanh đảo là 3000 lí là không chính xác. Nhưng có lẽ nó không theo những gì Lí Kim Minh đã nói ở đây. Ở Trung Quốc, “3” có nghĩa là nhiều, và 3 ngàn lí cũng là một con số gần đúng để mô tả khoảng cách, nói 3000 lí là một con số chính xác cũng không hẳn là đúng. Hơn nữa, cách mô tả cổ xưa về số lí có rất nhiều sai sót. Ví dụ, số đo của đảo Hải Nam được mô tả trong Gia Khánh Đại Thanh nhất thống chí (嘉慶大清一統志) là 970 lí từ đông sang tây và 975 lí từ bắc xuống nam.[496] Theo đo đạc thực tế, khoảng cách theo đường thẳng từ cực đông dãy núi Đồng Cổ đến cực tây của Tứ Canh Sa là 258 km, và khoảng cách theo đường thẳng giữa Mộc Lan ở cực phía bắc tới Tam Á ở cực nam là 253 km.[497] Các số đo này chưa tính sai số gây ra bởi sự không thống nhất giữa kinh độ và vĩ độ, khiến khoảng cách theo đường thẳng lớn hơn khoảng cách đông-tây, bắc-nam nghiêm ngặt. Có thể thấy, đối với đảo Hải Nam, khoảng cách được mô tả trong sách cổ Trung Quốc khoảng gấp đôi khoảng cách thực tế. Theo tiêu chuẩn phóng đại này, chiều dài của một vòng quanh đảo Hải Nam là 3200 lí.[498] Hoặc nếu đảo Hải Nam là một hình tròn có đường kính 950 lí thì chu vi sẽ chính xác là 3000 lí. Điều này phù hợp với mô tả trong “Đồng An huyện chí“. Ở Trung Quốc cổ đại, thiếu các phương pháp đo khoảng cách chính xác cho việc đi thuyền trên biển và phương pháp ước tính này có thể là một phương pháp phổ biến hơn. Nếu đúng như vậy thì sẽ đáng tin cậy hơn khi nói biển Thất Châu ở đây chỉ vùng biển quanh nhóm đảo Thất Châu.

Về vấn đề trình tự, thật ra không có gì mâu thuẫn. Mặc dù dãy núi Đồng Cổ nằm ở phía nam quần đảo Thất Châu, nhưng khoảng cách giữa hai nơi không xa lắm, chỉ 35 km. Biển Thất Châu là vùng biển quanh nhóm đảo Thất Châu. Theo thói quen của Trung Quốc lúc bấy giờ, vùng biển của đảo phía xa đất liền là biển ngoài, vùng biển nằm giữa đảo và đất liền là biển trong (đảo Hải Nam có thể coi là một vùng đất liền rộng lớn), nên biển phía nhóm đảo Thất Châu gần Hải Nam cũng là biển Thất Châu. Từ dãy núi Đồng Cổ nhìn về phía đông bắc, có thể nhìn thấy nhóm đảo Thất Châu.[499] Có thể thấy, biển bên ngoài dãy núi Đồng Cổ cũng có thể được gọi là biển Thất Châu. Vì vậy, khi đi qua dãy núi Đồng Cổ, cũng đồng thời đi ngang qua biển Thất Châu. Về mặt lộ trình, hai địa điểm này không ở trong quan hệ trước-sau mà gần như quan hệ song hành. Vì vậy, không có sự mâu thuẫn rõ ràng trong thứ tự của chúng.

Đối lại, những lí do mà Đàm Kì Tương nêu ra có sức thuyết phục hơn, Hoàng Sa cách Hải Nam rất xa, quãng đường đi về từ Tam Á đến đảo Phú Lâm đủ để đi 2/3 vòng quanh Hải Nam, không thể chỉ “đi qua” đảo đó rồi còn tuần tra quanh Hải Nam. Ngay cả khi tuần tra ở quần đảo Hoàng Sa, đó cũng là tuyến tuần tra chuyên biệt khởi hành từ Hải Nam. Nếu thật sự đến đó, sẽ không chỉ viết nó dưới hình thức “đi qua biển Thất Châu và Tứ Canh Sa”.

Ngoài ra, trước Hải quốc văn kiến lục, không có ghi chép nào về biển Thất Châu theo nghĩa rộng. Và chuyện này xảy ra vào khoảng năm 1710-1712, theo các ghi chép lúc đó thì không có biển Thất Châu theo nghĩa rộng. Các ghi chép về biển Thất Châu Dương trong phương chí Quảng Đông và Hải Nam Nam cùng thời kì và thậm chí cho đến cuối thời Thanh đều đề cập đến biển Thất Châu theo nghĩa hẹp. Có thể thấy, biển Thất Châu ở đây là biển Thất Châu theo nghĩa hẹp, chỉ nhóm đảo Thất Châu và các vùng biển lân cận chứ không phải là biển Thất Châu theo nghĩa rộng. Hơn nữa, như đã chỉ ra ở Phần 3.5, biển Thất Châu theo nghĩa rộng của Trung Quốc có phạm vi rất rộng, nên đến biển Thất Châu không có nghĩa là đến quần đảo Hoàng Sa.


[436]Trần Mĩ Đông, Trung Quốc khoa học phát triển sử – Thiên văn học quyển, Khoa học xuất bản xã, 2003, tr. 537.

[437]Trần Mĩ Đông, Quách Thủ Kính bình truyện, Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2003, tr. 202.

[438]Lí Kim Minh, Nguyên đại tứ hải trắc nghiệm trung đích Nam Hải, Trung quốc biên cương sử địa nghiên cứu, 1996,kì 4, tr. 35.

[439]Lí Kim Minh, Nam hải chư đảo thực địa nghiên cứu trát kí, Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu, 1995, kì 1, tr. 21.

[440]Cương vực nghiên cứu, tr. 59-60.

[441]Vĩ độ của Bắc Kinh, Urumqi và Tokyo đều ở khoảng 40° N, để thuận tiện cho việc mô tả, vĩ độ của chúng được coi là như nhau.

[442]Bài báo năm 1979 của Hàn Chấn Hoa cũng thừa nhận quan điểm này, xem chú thích 46 trong bài báo của ông.

[443]Về sự phát triển khái niệm kinh độ ở Trung Quốc cổ đại, vui lòng tham khảo Tôn Tiểu Thuần, Tòng ‘lí sai’ khán địa cầu, địa lí kinh độ khái niệm chi truyền nhập Trung Quốc, Tự nhiên khoa học sử nghiên

cứu, q. 17, kì 4, tr. 304 hiệt ; Lệ Quốc Thanh, Ngã quốc địa lí kinh độ khái niệm đích đề xuất, Khoa học sử văn tập, 1980, tập 6 ; Lí Ước Sắt, Trung Quốc khoa học kĩ thuật sử, thiên văn học quyển; Trần Mĩ Đông, Trung Quốc khoa học kĩ thuật sử, thiên văn học quyển, (Lô Tích Gia chủ biên) và các giấy tờ, sách khác.

[444]http://en.wikipedia.org/wiki/Globe#Histor.

[445]Trần Mĩ Đông, Trung Quốc khoa học phát triển sử – Thiên văn học quyển, Khoa học xuất bản xã, 2003, tr. 537.

[446]Tăng Chiêu Tuyền, Nguyên đại Nam Hải trắc nghiệm tại Lâm Ấp khảo — Quách Thủ Kính vị đáo trung, Tây Sa trắc lượng vĩ độ, Lịch sử nghiên cứu, 1990, kì 5, tr. 137.

[447]lệ quốc thanh 、 nữu trọng huân quách thủ kính nam hải trắc lượng khảo, địa lí nghiên cứu, 1982, q. 1, kì 1, tr. 79-85; Nữu trọng huân, Nguyên đại tứ hải trắc nghiệm trung nam hải quan trắc trạm địa lí vị trí

khảo biện, Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu, 1998, kì 2, tr. 8.

[448]Hoàng Kim Sâm, Nam Hải Hoàng Nham đảo đích nhất ta địa chất đặc trưng, Hải dương học báo, 1980, q. 2, kì 2.

[449]Hoàng Kim Sâm, Nam Hải Hoàng Nham đảo đích nhất ta địa chất đặc trưng, Hải dương học báo, 1980, q.2, kì 2.

[450]Hải dương địa chất dữ đệ tứ kỉ địa chất, 2004, q. 24, kì 4, tr. 25.

[451]Tăng Chiêu Tuyền, Nguyên đại Nam Hải trắc nghiệm tại Lâm Ấp khảo — Quách Thủ Kính vị đáo Trung, Tây sa trắc lượng vĩ độ, Lịch sử nghiên cứu, 1990, kì 5, tr.137.

[452]Nguyên sử, q. 162, Sử Bật, tr. 3802.

[453]Địa danh tư liệu vị biên, tr. 257

[454]Lệ Quốc Thanh, Nữu Trọng Huân, Quách Thủ Kính Nam Hải trắc lượng khảo, Địa lí nghiên cứu, 1982, q.1, kì 1, tr. 79-85; Nữu Trọng Huân, Nguyên đại tứ hải trắc nghiệm trung Nam Hải quan trắc trạm địa lí vị trí khảo biện, Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu,1998, kì 2, tr. 8.

[455]Trần Mĩ Đông, Quách Thủ Kính bình truyện, Nam kinh đại học xuất bản xã, 2003, tr. 204.

[456]Tăng Chiêu Tuyền tổng hợp, Nguyên đại Nam Hải trắc nghiệm tại Lâm Ấp khảo — Quách Thủ

Kính vị đáo trung, Tây Sa trắc lượng vĩ độ, Lịch sử nghiên cứu, 1990, kì 5, tr. 137t; Trần Mĩ Đông, Quách Thủ Kính bình truyện, Nam kinh đại học xuất bản xã, 2003, tr. 204.

[457]Lí Kim Minh, Nguyên đại tứ hải trắc nghiệm trung đích Nam Hải, Trung Quốc biên cương sử địa ghiên cứu, 1996, kì 4, tr. 35.

[458]Tăng Chiêu Tuyền, Nguyên đại nam hải trắc nghiệm tại Lâm Ấp khảo— Quách Thủ Kính vị đáo trung. Tây Sa trắc lượng vĩ độ, Lịch sử nghiên cứu,1990, kì 5, tr. 137.

[459]Trần Mĩ Đông, Trung Quốc khoa học phát triển sử – Thiên văn học quyển, Khoa học xuất bản xã, 2003, tr. 537. Trần Mĩ Đông, Quách Thủ Kính bình truyện, Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2003, tr. 202.

[460]Cát kiếm hùng, Thống nhất dữ phân liệt — trung quốc lịch sử đích khải thị, bản cập nhật, Trung Hoa thư cục, 2008, tr. 238.

[461]Lí Kim Minh, Nguyên đại tứ hải trắc nghiệm trung đích Nam Hải, Trung Quốc biên cương sử địa ghiên cứu, 1996, kì 4, tr. 35.

[462]Nt.

[463]Nt.

[464]Nt.

[465]Nt.

[466]Sử địa luận chứng, tr. 315-353.

[467]Bách đạc bách khoa, Mục am tập, http://baike.baidu.com/view/1031167.htm.

[468]Trần Mĩ Đông, Trung Quốc khoa học kĩ thuật sử · thiên văn học thiên, Khoa học xuất bản xã, 2003, tr. 537

[469]Nguyên sử, q. 210, Chiêm Thành, tr. 4660.

[470]Lệ Quốc Thanh, Nữu Trọng Huân, Quách Thủ Kính Nam Hải trắc lượng khảo, Địa lí nghiên cứu,1982, q. 1, kì 1, tr. 79-85.

[471]Lí Kim Minh,Tòng lịch sử dữ quốc tế hải dương pháp khán Hoàng Nham đảo đích chủ quyền quy chúc, Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu, 2001,kì 4, tr. 71.

[472]Trần Mĩ Đông, Quách Thủ Kính bình truyện, Nhà xuất bản Đại học Nam Kinh, 2003, tr. 203.

[473]Lí Kim Minh, Nguyên đại tứ hải trắc nghiệm trung đích Nam Hải, Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu, 1996, kì 4, tr. 35.

[474]Lí Kim Minh, Tòng lịch sử dữ quốc tế hải dương pháp khán Hoàng Nham đảo đích chủ quyền quy chúc, Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu, 2001, kì 4, tr. 71.

[475]Vụ đảo Palmas (hay Miangas): Hợp chủng quốc Hoa Kì vs. Hà Lan, Tòa án Trọng tài Thường trực, ngày 4 tháng 4 năm 1928.

[476]Tăng Công Lượng, Vũ kinh tổng yếu, Minh Vạn Lịch Kim Lăng Thư Lâm Đường Phú Xuân Khan bổn, Trung Quốc binh thư tập thành (sách 3-5), Trầm Dương, bản photocopy Liêu Trầm thư xã ảnh ấn, 1988. q. 21, Quảng Nam đông lộ, tr. 1055.

[477]Cố Viêm Vũ, Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư, q. 120, Hải ngoại chư phien, nhập cống hỗ thị。Trích dẫn từ Sử liệu hối biên, tr. 31.

[478]Cố Tổ Vũ, Độc sử phương dư kỉ yếu, q. 100. Quảng Đông, hải, hải đạo khảo, Đài Bắc, Trung Hoa thư cục, 1955, tập 5, tr. 4161.

[479]Tăng Chiêu Tuyền, Trung Quốc cổ đại Nam Hải chư đảo văn hiến sơ bộ phân tích, Trung Quốc lịch sử địa lí luận tùng, 1991, kì 1, tr. 133-160.

[480]Nghiêm Như Dục, Dương phòng tập yếu, Trung Quốc Nam Hải chư quần đảo văn hiến vị biên chi tứ, Đài Loan học sinh thư cục ấn hành, 1975, tập 2, tr. 560.

[481]Nt, tập 2, tr. 26-26.

[482]Nt, tập 1, tr. 14-15.

[483]Lí Cung Trung, Lí Hà, Oa khấu kí ức dữ trung quốc hải quyền quan niệm đích diễn tiến — tòng trù hải đồ biên đáo dương phòng tập yếu đích khảo sát, Giang hải học san, 2007, kì 3.

[484]Hướng Đạt, Lưỡng chủng hải đạo châm kinh, Trung Hoa thư cục, 1961, Địa danh tác dẫn, tr. 257.

[485]Cúc Đức Nguyên, Nhật Bản quốc thiết thổ nguyên lưu Điếu Ngư liệt tự chủ quyền biện, Thủ đô sư phạm đại học xuất bản xã, 2001, tr. 351-352.

[486]Nam Hải chuyên đề 2, Trung Quốc Đối Nam Sa quần đảo ủng hữu chủ quyền đích lịch sử y cứ, http://www.mfa.gov.cn/mfa_chn/ziliao_611306/zt_611380/ywzt611452/wzzt611670/2305611918/t10648.shtml.

[487]Tiêu Hoành. Quốc triều hiến trưng lục, Đài Bắc, Đài Loan học sinh thư cục, 1965, q. 111, tr. 4927

[488]Địa lí lịch sử chủ quyền, tr. 27-57, lời văn đã dẫn tại tr. 41.

[489]Hoàng Tá, Quảng Đông thông chí, q. 66 ngoại chí 3, bản Gia Tĩnh, Hương Cảng, bản photocopy Đại Đông đồ thư công ti, 1977, tr. 1784.

[490]Đồng An huyện chí, bản photocopy Dân quốc thứ 18, Đồng Văn xuất bản xã, Trung Quốc phương chí tùng thư số 87, tr. 961.

[491]Trung Quốc đối Tây Sa Quần Đảo hoà Nam Sa quần đảo đích chủ quyền vô khả tranh biện, Nhân Dân nhật báo, 31/1/1980.

[492]Sử địa khảo chứng luận tập, tr. 1.

[493]Nt.

[494]Cương vực nghiên cứu, tr. 35

[495]Đo bằng công cụ của Google Earth.

[496]Gia Khánh Đại Thanh nhất thống chí, q. 453, Quỳnh Châu 1, Tứ bộ tùng san tục biên, tập 169, tr. 1.

[497]Đo bằng công cụ Google Earth.

[498]Đo bằng công cụ Google Earth.

[499]Trang mạng Phượng Hoàng Hải Nam, Thất Châu liệt đảo, http://hainan.ifeng.com/travel/jingdian/detail_2013_10/14/1329210_0.shtml.

Comments are closed.