Hải trình ven bờ (1)

Jorge Amado

PARIS, 1948 – CON SỐ

Paris, tại nhà Picasso, ngồi quanh chiếc bàn ăn, chúng tôi gồm mấy người: Louis Aragon, Alexandr Korneichuk, Pierre Gamara, Emilio Seneri và nữ đạo diễn điện ảnh Ba Lan Wanda Jacubowska có bộ phim đầu tay đạt thành công lớn, đang tìm cách thuyết phục nhà hoạ sĩ tham dự Hội nghị trí thức thế giới vì hoà bình sẽ diễn ra tại Wroclaw (Ba Lan).

Picasso không lay chuyển, ông sẽ không đi, giá mà đề nghị ông một việc khác, ví như vẽ một bức tranh thì có thể ông sẽ làm. Còn như tham dự một hội nghị như thế thì không bao giờ, mất thời gian, ông còn có việc khác phải làm, ông cần phải vẽ. Chúng tôi nói thế nào cũng vô ích, rốt cuộc đành thôi, hội nghị sẽ không có mặt tác giả bức tranh Guernica. Mọi người ăn phó mát uống rượu vang và chuyển sang nói về bộ phim của Wanda Jacubowska.

Chợt Picasso để mắt đến cánh tay trần của nhà nữ đạo diễn, ông thấy ở đó có khắc một dãy số, bèn hỏi nó là gì.

– Đó là số tù của tôi ở trại tập trung trong thời gian chiến tranh.

Picasso chạm khẽ ngón tay vào cánh tay của cô gái trẻ thành phố Warsaw, ông nhìn chúng tôi, rồi nói với Aragon:

– Tôi sẽ đi, hãy ghi tên tôi vào danh sách.

Ông đã đến hội nghị và đọc bài phát biểu, ông đã ở lại đến tận cuối hội nghị. Sau đó ông đã vẽ bức tranh chim bồ câu biểu tượng của hoà bình dành cho các hội nghị sau. Ông đã chạm ngón tay vào sự rùng rợn, khủng khiếp của chiến tranh.

PARIS, 1948 – NHỮNG THẦN TƯỢNG

Khi đến châu Âu tháng giêng 1948 tôi mang theo trong hành lý của mình ước muốn được quen biết một số tác giả mình ngưỡng mộ, những người đã soi sáng những năm chiến tranh trong các bài thơ cuốn truyện của họ, biết đâu đấy, tôi lại chẳng có dịp được gặp họ, chào hỏi họ và còn có thể trò chuyện với họ nữa, những thần tượng của tôi.

Đó là Anna Seghers [1900/1983, nhà văn Đông Đức – ND], tác giả “Cây thập tự thứ bảy”; Ilya Ehrenburg, tác giả “Paris sụp đổ” và những bài viết hừng hực máu lửa, tạo nên cuốn biên niên sử về cuộc chiến đấu anh hùng, dũng cảm trên mặt trận Xô – Đức; Mikhail Sholokhov [1905/1984, nhà văn Liên Xô, Nobel văn chương 1965 – ND], tác giả bản saga về sông Đông và những cuốn tiểu thuyết lớn khác; các nhà thơ kháng chiến Pháp, Paul Éluard (1895/1952), “ta viết tên em, tự do…”, và Luis Aragon (1897/1982). Đó là những tên tuổi chính. Tôi đã thành bạn của gần như tất cả họ, tôi đã có được đặc quyền đó.

Anna và Ilya, những người bạn còn hơn cả bạn, đã làm cho tôi giàu lên, đã cho tôi những gì quý báu nhất. Paul Éluard, người bạn anh em của Neruda, tôi rất gần gũi ông, theo tìm hiểu của tôi thì ông đã tham gia các hoạt động chính trị ở Brasil, đã phát biểu tại một phiên họp bày tỏ tình đoàn kết với Júlio Prestes [1882/1946, tổng thống Brasil được bầu nhưng bị ngăn cản nhậm chức – ND] đang bị đe dọa tự do. Éluard, một con người tuyệt vời.

Tôi cũng gần gũi Luis Aragon, tôi đã làm việc với ông trong cơ quan Đảng, Aragon đã cho dịch và công bố hai cuốn sách của tôi. Cuốn “Seara Vermelha” (Những con đường đói khát) trước khi in sách đã xuất hiện trên tạp chí “Les Lettres francaises” (Văn chương Pháp) với bức tranh khắc gỗ của Scliar; đối với một nhà văn Brasil khi đó còn vô danh như tôi, đó là một niềm vinh quang. Với Aragon, tôi không đi quá thiện cảm văn học và các quan hệ trong Đảng, hơn một lần chúng tôi đã va chạm nhau: Aragon và triều đình của ông – tôi vốn không phải sinh ra để làm triều thần, tôi sinh ra là một người bạn.

Ngay khi vừa biết Mikhail Sholokhov tôi đã ghét. Khi đó tôi đi cùng Ilya ra ga đón đoàn đại biểu xô viết sang dự hội nghị ở Wroclaw, trong đoàn có Sholokhov. Ông bước xuống tàu say lảo đảo, ông chỉ xuất hiện một lần trong phòng họp, rồi vẫn trong tình trạng say ông về lại Moskva.

Càng biết nhiều chuyện về ông tôi càng tránh xa ông: một viên chức của bộ máy Đảng, một kẻ mưu mô và tố cáo, một tên sôvanh Đại Nga, một gã khiêu khích, người ta kể nhiều chuyện về các thủ đoạn và thói giáo điều của ông ta khiến nghe mà rùng mình. Chỉ là một kẻ giáo điều, một viên thư lại, hay còn tệ hơn, một tên cảnh sát? tôi không dám kết luận.

Trong phòng họp Đại hội nhà văn xô viết lần thứ hai năm 1954, khi thấy ông ta bước lên diễn đàn tố cáo các đồng nghiệp mình là kẻ thù của nhân dân, Anna Seghers ngồi bên tôi rỉ tai: “Đó là một tên phát xít! Đó không phải gì khác hơn là một tên phát xít!” Giọng bà run run phẫn nộ.

Nhưng kẻ ti tiện, khốn nạn đó lại cũng là một nhà tiểu thuyết lớn lao và vĩ đại! Sau Lev Tolstoi (1828/1910, nhà văn cổ điển Nga – ND) vẫn còn những tác giả lớn nhưng không phải lớn nhất. Chỉ duy có bộ sử thi “Chiến tranh và hoà bình” là có thể sánh được với “Sông Đông êm đềm”. Mặc dù lên án các hành động chính trị của ông, tôi vẫn không ngừng thán phục các tiểu thuyết của Sholokhov. Solzhenitsyn (1918/2008, nhà văn Nga, Nobel văn chương 1970 – ND) trong khi đấu tranh chống lại hệ thống xô viết và chính quyền cộng sản đã mưu toan tước quyền tác giả của Sholokhov đối với các tiểu thuyết của ông – phủ nhận chúng thì không thể – viện cớ là chúng do một ai đó (tôi không biết là ai) viết ra. Tôi đã từng bị vu cáo vào những năm bốn mươi, trong đấu tranh chính trị mọi thứ vũ khí đều có thể được đem ra dùng, thói sôvanh Đại Nga chẳng hay ho gì, sôvanh Solzhenitsyn thì cũng như sôvanh Solokhov thôi, tôi muốn thêm vào hai tên tuổi này một người khổng lồ nữa của văn xuôi và thơ Nga: Pasternak.

Một công dân xấu xa, đáng ghét, một tên tố giác bỉ ổi, hẳn rồi, nhưng từ đó đến việc bịa ra chuyện tiếm đoạt bản thảo là cả một hố thẳm. Cứ cho ông ta là một kẻ ghê tởm đi nữa thì Sholokhov đối với tôi vẫn không ngừng là nhà tiểu thuyết đã thắt chặt tâm hồn tôi.

(Ngân Xuyên dịch từ tiếng Pháp theo bản dịch từ tiếng Bồ Đào Nha của Alice Raillard: Jorge Amado. Navigation de cabotage. Notes pour des mémoires que je n’écrirai jamais, Gallimard, 1998).

 

P. Picasso

M. Sholokhov

Comments are closed.