CẢM NHẬN & SUY TƯ của một trí thức cộng sản

Tống Văn Công

 

clip_image002[4]Quyển sách Cảm nhận và suy tư của giáo sư Tương Lai gồm 21 bài viết, trong đó có 10 bài tham luận và phần vĩ thanh. Đó là cảm nhận và suy tư của một trí thức cộng sản: “Vào tuổi 80, đứng bên kia dốc của cuộc đời rồi, vẫn thấy quãng đời ấy là đẹp, thật đẹp. Đẹp trong những thách đố nghiệt ngã mình đã vượt qua để làm người tử tế, được đứng trong hàng ngũ những người dám sống vì một lý tưởng cao cả, chứ không cam chịu một thân phận nhạt nhòa an phận thủ thường”; “Ấy vậy mà, oái oăm thay, xem ra chính tôi đã từng góp phần làm nên cái bóng tối đó, để rồi chính nó lại đè nặng lên thể xác và tâm hồn tôi.”; “Tôi là nạn nhân, nhưng hãy dám nhìn thẳng vào sự thật, trong một khía cạnh nào đó, tôi cũng là thủ phạm”. “Bóng chiều đã ngã”, đúng thế. Vậy mà trong tôi chưa một thoáng gợn về chuyện buông bút.”; “Tôi đang cố vượt sông, nhưng… liệu tôi có còn đủ sức và niềm tin để dấn tới?”. Ông đã trả lời câu hỏi đó qua 388 trang sách: Đã dấn tới, cố gắng soi ánh sáng thời đại xóa đi “cái bóng tối đó” trên con đường đi tới tự do hạnh phúc của đồng bào và chân thành cảnh báo với Đảng của mình: “Nếu không tỉnh táo và quyết liệt sửa chữa thì sự suy thoái sẽ dẫn đến cáo chung vai trò lãnh đạo của Đảng là điều không thể tránh khỏi.”

Đầu tiên là bài tham luận được viết theo thư mời của Hội đồng Lý luận Trung ương do Tô Huy Rứa ký cho cuộc Hội thảo với chủ đề “Chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”. Ông gửi bài tối 6-4-2009, chiều 7-4-2009 nhận được điện thoại cho biết không nên đến Hội thảo, bài không thể trình bày, chỉ để làm tư liệu tham khảo. Nhưng “làm tư liệu tham khảo” cũng không thấy đâu! Ông gửi thư yêu cầu trả lời, nhưng mãi mãi không nhận được lời đáp!

Trước khi đi vào bốn vấn đề của bản tham luận, tác giả nêu ra nguyên tắc có tính phương pháp luận: Trung tâm của chủ thuyết phát triển là văn hóa theo nghĩa rộng, là chủ nghĩa nhân văn. Cốt lõi của chủ thuyết phát triển là những động lực cơ bản, những khát vọng ngàn đời, những xu thế đương đại của loài người, đó là: dân tộc, dân chủ, tự do, cá nhân, phát triển, hòa bình, hạnh phúc… Đó là con đường vinh quang và khổ ải, con đường phát hiện, nhận diện và vượt qua những lực cản, những trì kéo, những sức ép trong bản thân dân tộc và từ bên ngoài. Chủ thuyết đó phải nhất quán trong đa dạng, tổng thể hóa trong phong phú.

Trên tinh thần đó, tác giả gợi ra bốn vấn đề: 1- Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. 2- Bối cảnh thời đại của sự nghiên cứu về Chủ thuyết phát triển. 3- Không né tránh những vấn đề được xem là cấm kỵ, mạnh dạn đặt lên bàn những vấn đề gay cấn để công khai thảo luận. 4- Chủ thuyết phát triển và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Có lẽ quan trọng nhất là vấn đề thứ 3: “Không né tránh những vấn đề vốn được xem là cấm kỵ mạnh dạn đặt lên bàn những vấn đề gay cấn để công khai thảo luận”. Lẽ ra vấn đề này phải được coi là nguyên tắc cơ bản của mọi cuộc hội thảo. Bởi vì lịch sử cho thấy không biết bao nhiêu tai họa bởi sự cấm kỵ: Thời xa xưa, hiền triết Socrates chỉ vì bảo vệ quyền được nói mà phải uống thuốc độc. Thời chúng ta, tướng Trần Độ vì yêu cầu đổi mới chính trị mà bị khai trừ. Bí thư Kim Ngọc vì cho rằng khoán hộ mới có hiệu quả đã bị cách chức… Nếu cuộc Hội thảo này vẫn có cấm kỵ thì ngay những điều giáo sư Tương Lai đặt ra ở hai vấn đề bên trên cũng không được phép trình bày: “Thời đại Hồ Chí Minh bắt đầu từ lúc nào và kết thúc lúc nào?… Dõi theo tiến trình lịch sử, trong ngôn từ khoa học hình như người ta chưa hề dùng tên của một nhân vật, cho dù là vĩ nhân để đặt cho một thời đại?” Và “Hiện nay loài người không còn chủ nghĩa tư bản nguyên nghĩa nữa, mà cũng chưa từng có chủ nghĩa xã hội đích thực”. “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc hay là chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc?”. Ngay nhiều luận điểm của Hồ Chí Minh, ngày nay người ta cũng tìm cách né tránh.

Tác giả phân tích lý do khiến từ lâu đã có nhiều Đảng Cộng sản ở phương Tây từ bỏ khái niệm “chủ nghĩa Mác – Lênin”, bởi nó là một sản phẩm xuyên tạc của J. Stalin. Ông cho rằng trong bối cảnh mới, học thuyết Mác phải được chỉ ra những tư tưởng, những luận điểm đúng có thể tiếp thụ, bên cạnh những sai lầm rất lớn của nó. “Với cái gọi là “kim chỉ nam” đó, trong khoảng thời gian từ tháng 5-1975 đến nay, đất nước ta đã tụt hậu như thế nào so với những nước châu Á có cùng trình độ kinh tế như nước ta, thậm chí xuất phát điểm còn thấp hơn ta, nhưng vì họ không cần “kim chỉ nam” như ta nên họ đã vượt xa ta.” Ông đặt câu hỏi: “Tại sao một nghịch lý lớn đến thế mà suốt thời gian dài, rất dài, giới lý luận chính thống của ta không đề cập?”. Sự bưng bít thông tin, tệ độc quyền tư tưởng, áp đặt tư duy và tùy tiện quy kết đã khiến cho tầm mắt của giới lý luận bị hạn chế. Những người bảo thủ luôn đề cao truyền thống, họ đồng nhất truyền thống với những cái cũ kỹ hư hỏng, gọi là “chống tự diễn biến”, thật ra là nhằm ngăn chặn đổi mới văn hóa, đổi mới thể chế chính trị. Đó là điều mà Mác đã từng cảnh báo: “Truyền thống là một một lực lượng bảo thủ rất lớn… truyền thống của tất cả các thế hệ đã chết đè nặng như quả núi lên đầu óc của những người đang sống”. Ông xót xa nhận định: “Tình trạng lạc hậu của lý luận đã ảnh hưởng nặng nề đến tư duy của Đảng khiến cho tầm mắt của không ít những nhà lãnh đạo của Đảng bị hạn chế. Đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đưa đến sai lầm khiếm khuyết trong đường lối chính sách của Đảng, kìm hãm sự phát triển của đất nước mà đáng ra Đảng đã có thể đưa dân tộc mình sau khi đánh thắng thực dân, phát xít, đế quốc và bọn bành trướng từng là những thế lực làm mưa làm gió trên thế giới, đã có thể bước mạnh trên con đường xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, sánh vai cùng thế giới.”

Vấn đề thứ 4: “Chủ thuyết phát triển và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Ở phần này tác giả đưa rất nhiều tư liệu để chứng minh rằng Hồ Chí Minh không coi đấu tranh giai cấp là động lực cách mạng: “Hồ Chí Minh nói: “Trong lúc cần toàn dân đoàn kết mà chủ trương giai cấp đấu tranh là ngu ngốc.” Tác giả cho rằng “Chủ thuyết ấy phải được định hình trên nền tảng của “văn hóa mới”, “văn hóa đại đoàn kết” do Hồ Chí Minh đề xướng ngay sau Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.” Tôi rất băn khoăn khi đọc phần này vì cảm thấy nó chưa đủ sức thuyết phục, bởi mấy lẽ sau đây:

1 – Dù thành tâm tôn kính lãnh tụ, người nghiên cứu vẫn phải tôn trọng sự thật lịch sử. Ở thời điểm đấu tranh giành độc lập, Hồ Chí Minh không chủ trương đấu tranh giai cấp, nhưng ở thời điểm phát triển kinh tế xã hội, ông đã chấp nhận đấú tranh giai cấp: Đồng ý với Stalin thực hiện cải cách ruộng đất. Tán thành Quốc hội khóa 1 ban hành Luật cải cách ruộng đất nhằm xóa bỏ giai cấp địa chủ bằng hình thức tước đoạt quyền sở hữu ruộng đất của họ. Báo cáo về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 1, ngày 18 tháng 12 năm 1959, Hồ Chủ tịch nói: “Mục đích của chế độ ta là xóa bỏ các hình thức sở hữu không xã hội chủ nghĩa, làm cho nền kinh tế nhiều thành phần phức tạp trở nên một nền kinh tế thuần nhất dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể.” Để trở thành nền kinh tế thuần nhất phải cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các nhà tư sản công thương nghiệp.

2 – Nhiều nhà nghiên cứu về sự phát triển của các quốc gia không đặt yếu tố văn hóa vào “chủ thuyết phát triển”. Daron Acemoglu và Jame A. Robinson hai tác giả của quyển sách nổi tiếng “Tại sao các quốc gia thất bại?”, trong lời tựa cho bản dịch tiếng Việt viết cho độc giả Việt Nam đã nhấn mạnh rằng văn hóa không phải là nguyên nhân chính của phát triển: “Lịch sử trì trệ và sự tăng trưởng gần đây ở Việt Nam không xuất phát từ các nguyên nhân địa lý hay văn hóa mà xuất phát từ những quy tắc – hay thể chế – mà bản thân xã hội Việt Nam đã tạo ra”. Trong sách này, hai tác giả đưa ra nhiều dẫn chứng so sánh sự thành công và thất bại của hai miền Bắc và Nam Triều Tiên, của Đông và Tây Đức, của thành phố Nogales chia đôi một bên thuộc Mexico, một bên thuộc Hoa Kỳ để chứng minh rằng sự thất bại có nguyên nhân chủ yếu từ “thể chế kinh tế chiếm đoạt bắt nguồn từ thể chế chính trị chiếm đoạt”.

Ở đoạn mở đầu, giáo sư Tương Lai đặt vấn đề “Trung tâm của chủ thuyết phát triển là văn hóa theo nghĩa rộng, là chủ nghĩa nhân văn.” Tôi cứ nghĩ ông định nói đến yếu tố chính trị trong văn hóa, để ám chỉ rằng phải thiết lập một thể chế tự do dân chủ thì mới có thể đưa đất nước phát triển.

3 – Hơn 30 năm nay, các nghị quyết Đại hội Đảng đều nhấn mạnh yêu cầu đại đoàn kết dân tộc, không còn nhắc đến đấu tranh giai cấp. Ở khối doanh nghiệp nơi được coi là nhạy cảm về vấn đề này, thường được nhắc nhở phải có giải pháp “hài hòa lao động giữa chủ và thợ.” Tổng Liên đoàn Lao động, tổ chức tự nhận mình có “chức năng bẩm sinh” là bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhưng luôn bị lép vế trước Bộ Lao động và Phòng Thương mại, chưa bao giờ đòi được mức lương tối thiểu đủ cho mức sống tối thiểu. Thậm chí hơn 5000 cuộc đình công có cuộc huy động tới 90000 công nhân, còn trung bình là khoảng 5000 công nhân, đều bị coi là bất hợp pháp. Thế thì việc đòi phải từ bỏ đấu tranh giai cấp cũng giống như đòi phá tung cánh cửa đã mở sẵn! Còn việc luôn luôn kêu gọi đoàn kết mà không thể tạo ra sự đồng thuận để có thể đoàn kết là vì động lực cũ đã cạn kiệt mà chưa đổi mới thể chế để có “dân chủ và nhà nước pháp quyền như một cặp song sinh”.

Giáo sư Tương Lai có nhiều năm làm việc trong Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, ông thường tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Thời ấy, lớp người này yêu nước, có lối sống giản dị và trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Do đó nhiều bài viết của ông về các vị này với lòng kính trọng, quý mến là điều hiển nhiên. Tuy vậy, ông vẫn giữ sự suy nghĩ độc lập, luôn luôn trăn trở của một trí thức. Trong bài Câu chuyện giữa cầu thang và tư duy làm chủ, ông muốn truyền cho người đọc cảm nhận một Lê Duẩn có “tư duy độc lập và sáng tạo, không sao chép, lệ thuộc và giáo điều.” Một lần cho gọi ông đến, khi vừa gặp giữa cầu thang, Lê Duẩn đã nói: “Tôi muốn nói ngay những điều tôi vừa suy nghĩ tối hôm qua, vấn đề thuộc lĩnh vực của anh đấy. Vấn đề văn hóa, sức mạnh của văn hóa đối với kinh tế và sự nghiệp của chúng ta. Một trong những điều mà tôi nói mãi các anh vẫn chưa thể hiện được, vấn đề làm chủ tập thể… Đang còn lộn xộn lắm, tôi nghĩ sao nói vậy, nhưng mà nghĩ kỹ, nghĩ lâu rồi đấy. Tối qua mới khái quát lại thôi, cho nên anh phải sắp xếp, lược bỏ giúp chứ không thì rồi tôi quên mất. Mà các anh phải làm thôi, tôi chỉ nghĩ và nói như thế, việc còn lại là của các anh.” Trong một lần khác, Lê Duẩn nói: “Cho nên cứ nói “chuyên chính vô sản” mãi khi mà nhân dân đã làm chủ đất nước làm chủ vận mệnh của mình rồi thì không hợp nữa. Vô sản lại chuyên chính với nhân dân à? Đâu có. Phải cùng làm chủ cả thôi.” Lê Duẩn có ý tưởng “làm sao đảm bảo đầy đủ dân chủ trong điều kiện một Đảng lãnh đạo”. Để thực hiện được điều ấy, ông đề xướng cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.” Trong khi ca ngợi những ý tưởng cao đẹp của Lê Duẩn như trên, tác giả đã có những băn khoăn: “Bình sinh Lê Duẩn quyết liệt lên án tật bệnh đó, nhưng rồi chính cái cơ chế do ông, người giữ trọng trách tổng bí thư lâu nhất trong lịch sử Đảng góp phần xây dựng nên, đã đẻ ra cái tật bệnh vô phương cứu chữa đó.” Về thuật ngữ “làm chủ tập thể” được Lê Duẩn tin cậy giao cho làm sáng rõ, ông lại băn khoăn, vặn hỏi: “Phải chăng “làm chủ tập thể” là một thuật ngữ quá tắt, quá dài và dễ gây hiểu nhầm. Bởi lẽ nội hàm của thuật ngữ ấy, theo chân ngữ thì quá hẹp. Đó là một nhược điểm về chọn một thuật ngữ để diễn đạt một quan điểm. Thà chỉ nói “làm chủ” lại rộng hơn, đúng hơn. Đây là một gợi ý xin được nêu lên để cùng suy nghĩ.”

Thiển nghĩ, đây không phải là “một nhược điểm về việc chọn một thuật ngữ để diễn đạt một quan điểm”, mà đây chính là “nhược điểm đẻ ra bởi quan điểm của những người tôn thờ chủ nghĩa tập thể.” Loài người từ khi bắt đầu cuộc sống có tổ chức đã theo chủ nghĩa tập thể: Cá nhân phải nằm trong tập thể, luôn luôn phục vụ cho tập thể, phải sẵn sàng hi sinh vô điều kiện cho tập thể. Mãi đến thế kỷ Ánh sáng, loài người mới biết đòi quyền sống, quyền tự do cho cá nhân con người, hình thành chủ nghĩa cá nhân (individualisme). Chủ nghĩa cá nhân được coi là sự khám phá chính mình của loài người. Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền của Pháp năm 1789: “Mọi người sinh ra sống tự do và bình đẳng về các quyền”; “Tự do bao gồm quyền, có thể làm mọi điều không gây hại cho người khác”; “Xã hội có quyền bắt mọi công chức phải báo cáo về công việc quản lý của họ”. “Ở một xã hội mà quyền con người không được đảm bảo, nguyên tắc tam quyền phân lập không được tôn trọng, Hiến pháp được ban ra hay không cũng chẳng có ý nghĩa gì.” Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc năm 1948 viết: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng về phẩm giá và các quyền. Họ được phú cho lý trí và tương lai và phải đối xử với nhau trong tình anh em”; “Ý chí của nhân dân là cơ sở của quyền lực chính phủ, ý chí này được thể hiện qua các cuộc bầu cử thường kỳ và chân thực, được tổ chức theo nguyên tắc bình đẳng, phổ thông đầu phiếu và bỏ phiếu kín, hoặc bằng những tiến trình bầu cử tự do tương đương”. Chủ nghĩa cá nhân đặt trên khái niệm con người phổ cập, có giá trị cao quý nhất phải được tôn trọng. Mọi tổ chức, quan trọng nhất là chính quyền đều là phương tiện của con người, do đó phải lấy việc phục vụ cho từng cá nhân con người được tự do, hạnh phúc làm mục tiêu. Để chống lại chủ nghĩa cá nhân, những người theo chủ nghĩa tập thể đã đồng nhất nó với chủ nghĩa vị kỷ (egoism) là vơ vét, giành giật mọi thứ về cho mình bất kể đạo lý. Báo cáo chính trị ở Đại hội V, ngày 27-3-1982, Tổng bí thư Lê Duẩn cho rằng: “Động lực mạnh nhất của chúng ta là chế độ làm chủ tập thể xã hôi chủ nghĩa. Nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ của mình chủ yếu bằng Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhà nước ấy là Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước chuyên chính vô sản.” Dù các nhà nghiên cứu lý luận đã hết sức cố gắng cũng không thể đem lại cho tư tưởng làm chủ tập thể có sức sống. Đại hội 7 của Đảng đã thay thế khái niệm “làm chủ tập thể” bằng “dân chủ xã hội chủ nghĩa”: “Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu và động lực của công cuộc đổi mới”. (Ở đây, chưa bàn đến khái niệm “dân chủ xã hội chủ nghĩa” một khái niệm chưa từng có trong kho tàng lý luận Mác-Lê nin). Triết gia, văn sĩ Ayn Rand trong Lời giới thiệu cho lễ kỷ niệm 25 năm ngày xuất bản tác phẩm The Fountainhead (Cội nguồn) cho rằng, thay vì tôn vinh con người, “tất cả các biến thể của chủ nghĩa tập thể thực ra vẫn giữ nguyên những nguyên tắc đạo đức tôn giáo, có điều họ thay từ Chúa bằng từ Xã hội”.

Ở bài Tưởng niệm một con người giáo sư Tương Lai cho người đọc cảm nhận một Phạm Văn Đồng rất đáng kính. Sau khi đọc xong có ba vấn đề đọng lại:

Một là, “[K]hi ông đang phải nằm trên giường bệnh, tôi vẫn cảm nhận được rằng Phạm Văn Đồng đang suy nghĩ về “con đường chưa có bản đồ”, về “chủ nghĩa xã hội khoa học” được vận dụng một cách sáng tạo chứ không phải bám vào những giáo điều ẩm mốc đã học thuộc lòng mà cuộc sống đã bác bỏ cùng với sự sụp đổ của cả một hệ thống.” (Tôi vừa thương ông, nhưng cũng vừa thương cho dân tộc nếu cứ tiếp tục được dẫn dắt đi về chủ nghĩa xã hội trên “con đường chưa có trên bản đồ”!).

Hai là chuyện Phạm Văn Đồng góp ý với giáo sư Tương Lai về tình hình ở tỉnh Thái Bình: “Phải nói rõ, đó là mâu thuẫn giữa nhân dân và những người cầm quyền hư hỏng ức hiếp nhân dân.” Khi bản khảo sát của giáo sư Tương Lai bị quy chụp, ông đã khẳng khái bảo: “Tương Lai về tuyên bố công khai giữa cuộc họp toàn thể cơ quan rằng Phạm Văn Đồng cùng chịu trách nhiệm với Tương Lai về bản báo cáo Thái Bình và về việc tiếp tục thực hiện cuộc nghiên cứu này”.

Và chuyện thứ ba: Một lần giáo sư Tương Lai mời thầy học của mình trình bày với Phạm Văn Đồng về quyển sách thầy viết về thiên nhiên Việt Nam. Nể tình bạn mình là ông Đức Lượng Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, giáo sư Tương Lai đã đồng ý cho anh bạn trẻ Đinh Thế Huynh, Phó tiến sĩ báo chí vừa tốt nghiệp ở Liên Xô về, được dự thính. Khi người thuyết trình nói nông dân chúng ta chưa được học một cách bài bản về nghề trồng lúa và cây thực phẩm thì anh Phó tiến sĩ trẻ Đinh Thế Huynh đứng bật dậy uốn nắn lập trường: “Nhưng thưa giáo sư, chính nhờ những người nông dân ấy mà chúng ta mới có gạo ăn, mới có sự nghiệp hôm nay đấy ạ.” Ông Phạm Văn Đồng hiền hòa nhắc: “Này anh bạn trẻ, hãy nghe đi đã, nghe và suy nghĩ, suy nghĩ và hiểu và rồi sẽ nói, nói kỹ, tranh luận càng tốt.” Câu chuyện làm chúng ta không khỏi lo âu, người có tính cách ham hố “uốn nắn lập trường” ấy nay là đương nhiệm Ủy viên Bộ chính trị nắm quyền quản lý tư tưởng!

Quyển sách có hai bài: Nghĩ về hiện tượng Trần ĐộHiện tượng Võ Văn Kiệt. Hai tựa đề lập lại từ hiện tượng. Hai đảng viên cộng sản cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo. Đến cuối đời, họ ngộ ra nhiều điều bất cập để thực hiện lý tưởng vì nước vì dân và đòi phải cải cách, đổi mới, để rồi phải chịu sự o ép của chính các đồng chí của mình! Chúng ta đã biết nhiều điều về Võ Nguyên Giáp, đọc bài viết về ông trong sách này, tôi nhận ra một nét mới trong lời đề tặng quyển sách: “Chúc đồng chí Tương Lai có những đóng góp mới vào lý luận của Đảng.” Bước qua tuổi 90, con người ấy vẫn khát khao vượt qua những giáo điều đang bủa vây đầu óc những nhà lãnh đạo của Đảng!

Quyển sách có 10 bài tham luận, trong đó có đến 7 bài tham luận ở các Đại hội và Hội nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo tôi tất cả 10 bản tham luận cho đến nay đều vẫn còn nóng hổi tính thời sự, vì những kiến nghị của ông sau khi được vỗ tay đều chưa được thực hiện.

Bản tham luận tại cuộc Hội thảo Cần Thơ với chủ đề “Tổ chức xã hội phù hợp với đô thị loại một, trung tâm đồng bằng sông Cửu Long” đặt ra nhiều vấn đề rất xác đáng, không chỉ cho Cần Thơ mà có thể làm giáo trình cho các lớp học về quy hoạch đô thị để khắc phục tình trạng bát nháo hiện nay: “Đưa bê tông cốt sắt hủy hoại cảnh sắc thiên nhiên”; “thừa vôi vữa và gạch đá nhưng thiếu tâm hồn và trí tuệ”; “nông thôn hóa thành thị”… Tác giả gợi ý: “Ai đó đã có một câu nói rất hay “nhà ở là một động từ chứ không phải là một danh từ.” Những đường nét của quy hoạch không chỉ là sự chỉ dẫn và định hướng cho những khối bê tông sắt thép sẽ được dựng lên theo những phác đồ được tính toán một cách chuẩn xác với những quy trình khoa học nghiêm ngặt của chúng mà còn là sự suy ngẫm và tính toán từ cuộc sống của cộng đồng người sẽ là chủ thể của đô thị được dựng lên đó. Cuộc sống vô cùng đa dạng và phức tạp. Chúng luôn biến động. Và có quy luật của sự biến động đó.” Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ chức xã hội dân sự: “Các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nhà nước, và các doanh nghiệp tạo thành ba cột trụ chính của cấu trúc xã hội hiện đại.”

“Vòng tròn nhỏ” trong “vòng tròn lớn” là tham luận về giáo dục trong cuộc hội thảo năm 2010, trước Nghị quyết Trung ương về giáo dục 4 năm, đã đặt những vấn đề rất thiết yếu cho cải cách giáo dục. Cũng nên nhớ rằng, chúng ta đã có nhiều nghị quyết cải cách giáo dục, nhưng nền giáo dục càng ngày càng đi xuống mà không được mổ xẻ nguyên nhân một cách thẳng thắn trung thực. Tôi nghĩ, giáo sư Tương Lai đã đáp ứng được yêu cầu đó khi chỉ ra: “Căn bệnh của não trạng và hành vi lấy một lý luận chính trị xã hội làm chân lý tuyệt đối và duy nhất, loại trừ và thủ tiêu mọi lý luận mọi tư tưởng chính trị khác đã là một căn bệnh lâu đời của loài người. Từ khoảng đầu thế kỷ 20 căn bệnh ấy được gọi là căn bệnh tôn sùng “ý thức hệ”, sống và đấu tranh với nhau vì “ý thức hệ”. Và “muốn hiểu về sự xuống cấp và quá lạc hậu của hệ thống giáo dục đào tạo phải đi sâu vào vấn đề “ý thức hệ” này.” Phải chi những người thảo nghị quyết cho Đảng về đổi mới giáo dục tham khảo bài viết này.

Giáo sư Tương Lai có 7 bản tham luận ở Đại hội và Hội nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong đó ông có tới 8 lần đề cập việc Mặt trận không làm được nhiệm vụ phản biện đã được Đảng giao cho. Trong bản tham luận năm 2004, khi đã tham dự 3 nhiệm kỳ từ Đại hội 3, 4, 5 của Mặt trận, ông đề nghị Mặt trận làm quen với thuật ngữ “xã hội dân sự” đang bị kiêng kỵ và cho rằng, “trong thể chế độc đảng, để giữ niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng thì Mặt trận chính là một thiết chế tuyệt vời để ở đó, quy tụ được nhiều tiếng nói khác nhau, những tiếng nói “từ dưới lên” giúp vào việc kiểm nghiệm sự đúng sai của những chủ trương, đường lối của Đảng.” (Ông chưa dùng từ phản biện, vì lúc ấy từ phản biện chỉ giới hạn ở việc đánh giá chất lượng một công trình khoa học khi công trình ấy được đưa ra để lấy học vị trước hội đồng chấm thi).

Năm 2005, tham luận tại Ủy ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc, ông gay gắt “Mặt trận mà cũng học thói áp đặt, chỉ biết có độc thoại, không ưng đối thoại, căn bệnh trầm kha của kẻ nắm quyền lực theo cái gậy chỉ huy thì mặt trận đã tự cáo chung sứ mệnh và chức năng đích thực của mình.”

Bản tham luận năm 2007 ở Mặt trận Tổ quốc, bằng những chứng cứ cụ thể, ông bác bỏ sự thổi phồng thành tích của Mặt trận trong Báo cáo, rồi nhấn mạnh hai nhiệm vụ mà Đại hội X của Đảng đã đặt ra cho Mặt trận, nhưng không được thực hiện nghiêm túc, đó là: 1- Mở rộng dân chủ nâng cao chất lượng đồng thuận xã hội, động lực phát triển đất nước trong bối cảnh mới. 2- Phản biện xã hội đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Bản tham luận tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 9 năm 2014 ông nói: “Phải thực thi chức năng phản biện, nếu Mặt trận không cam chịu làm một thứ cây kiểng vô duyên được nuôi trồng bằng tiền thuế của dân. Và rồi những tham luận hay gọi là “báo cáo khoa học” ấy đều được lưu trong ngăn kéo, chắc là ngăn kéo của ông Tổng thư ký Vũ Trọng Kim.”

Nếu giáo sư Tương Lai còn tiếp tục tham gia Mặt trận thì chắc chắn ông sẽ còn phải tiếp tục và tiếp tục chê trách Mặt trận Tổ quốc không làm tốt nhiệm vụ mở rộng dân chủ và tổ chức phản biện mà Đảng đã tin cậy giao phó. Thưa giáo sư, tôi thực lòng muốn bào chữa cho các vị lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc:

1- Không thể bác bỏ việc “làm một thứ cây kiểng vô duyên” bởi vì Mặt trận Tổ quốc không phải là một tổ chức xã hội dân sự mà là một tổ chức chính trị do Đảng lập ra để thực hiện nhiệm vụ Đảng giao, được những cán bộ cao cấp của Đảng phụ trách và được ăn lương Nhà nước. Do đó thay vì phê phán họ thì nên đề nghị Đảng cho họ được thay đổi chức năng từ chỗ là “cánh tay nối dài của Đảng” làm nhiệm vụ “cầu nối giữa Đảng với dân” trở thành một tổ chức xã hội dân sự (theo Điều 22 của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị mà Nhà nước ta đã ký kết gia nhập từ ngày 24- 9- 1982) xuất phát từ lợi ích của dân, thường xuyên góp ý xây dựng Đảng và Nhà nước.

2- Họ không thể nào làm được nhiệm vụ phản biện nếu như Đảng chưa ban hành thể chế thực hiện quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Ngày 17- 9 -2015, trong cuộc hội nghị góp ý Dự án sửa đổi Luật báo chí, ông Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận xét “Chưa thấy có quyền tự do báo chí của công dân.” Dù vậy, đọc tất cả các ý kiến phát biểu trong Hội nghị này, thấy ra không có một vị nào hiểu biết đúng đắn về tự do ngôn luận, tự do báo chí! Do đó, thay vì thúc giục, phê phán Mặt trận Tổ quốc không làm tròn nhiệm vụ phản biện thì nên kiến nghị với Đảng thực thi quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận theo Điều 19 của Công ước quốc tế nói trên.

Phần Vĩ thanh là những tâm sự chân thành của tác giả. Ông nghĩ “Vượt qua chính mình, đó là chuyện khó nhất”. Và tự nhủ: “cố gắng tự nhìn lại sự hạn hẹp của nhận thức đã có, rà soát lại để nhặt ra những thô thiển, những ngộ nhận, những sai lầm của mình. Để làm gì? Để tỉnh táo ngẩng cao đầu mà đi tới.”

Ông tin rằng con đường mình chọn 65 năm trước ở tuổi 15, ba lô trên vai, cuốc bộ từ chiến khu Dương Hòa, Thừa Thiên tới Việt Bắc – “thủ đô gió ngàn” – là đúng đắn, bởi “Đảng Cộng sản Việt Nam của Hồ Chí Minh đã có một sứ mệnh mà không một chính đảng đứng đắn nào ở Việt Nam có được”. Nỗi băn khoăn nhức nhối của ông là: “Nhưng khi trở thành Đảng cầm quyền, sự tha hóa đã làm ruỗng nát thanh danh và sự nghiệp vẻ vang của một thời”!

Dù vậy, “trên dòng sông cuộc sống đang tuôn chảy, tôi đang cố gắng sang sông.” Ông muốn kế thừa ở mẹ nhận ra chân lý bằng một tình cảm trung trinh: “Vào chỉnh huấn và kiểm điểm, ai nói gì kệ họ, các con không được xúc phạm đến Cha. Cha các con là người công minh chính trực. Các con phải biết như thế. Nếu các con nói gì xúc phạm đến Cha, thì mẹ sẽ lập tức rời bỏ đây và trở về Huế ngay. Mẹ đi ra Việt Bắc được thì mẹ cũng tự trở về được.” Ông ghi nhớ câu nói của cha trong Lạc viên tiểu sử (Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 5 năm 2013) và cúi đầu suy ngẫm: “Lòng dân như thế thì nghĩ đến việc đời thăng trầm, dẫu trong nghịch cảnh cũng không lấy làm lo vậy.” Ông tự tin để ký cược với cuộc đời về đoạn đường còn lại “chỉ là một giọt nước nhỏ nhoi trong biển cả, nhưng tôi cố làm sao để là giọt nước trong lành chứ không là nước đục.”

Một tấm lòng đáng trân trọng lắm thay!

Ngày 18 tháng 9 năm 2015

.

Comments are closed.