Cơ chế tạo chữ trong thơ Đặng Đình Hưng

Nguyễn Thị Thúy Hạnh

Có nhiều tương đồng về số phận và nghệ thuật với những người bạn thân thiết như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, nhưng thơ Đặng Đình Hưng dường như vẫn ít được chú ý hơn. Giống như lối sống thầm lặng và bí ẩn của tác giả[1], tác phẩm của Đặng Đình Hưng rất khó nắm bắt do tính chất hướng nội, duy cảm và cơ chế tạo chữ phức tạp.

Với Đặng Đình Hưng, thơ trở thành một phương tiện để giải phóng nội tâm, vượt thoát khuôn khổ và tìm đến tự do bằng cách khai thác chiều sâu bản ngã, đồng thời mở ra những khả năng mới của ngôn ngữ. Nếu như các nhà thơ "dòng chữ" tiên phong như Trần Dần, Lê Đạt vẫn tìm đến quần chúng trong khi không ngừng "thâm canh" chính mình, thì thơ Đặng Đình Hưng là một thứ thơ hướng nội tận cùng. Đau đớn mà mạnh mẽ, mỗi bài thơ là một cuộc cách mạng của tâm trí. Nơi căn hầm tư tưởng chứa đựng hữu thức lẫn vô thức, nhân vật "tôi" tự do và tuyệt đối cô đơn đối thoại với vô hình, với hư vô, với nhân loại, với chính mình. Nhà thơ nhìn cái tôi bản thể như một mảnh vỡ của sự vật đời thường, một nỗi bất khả: "tôi bỗng thành: những cách tầu bay/ ốc rỉ – thân ôtô bằng gỗ – bơm hỏng –/ đui đèn – nắp chuông xe đạp – những mảng/ lợn vỡ – vài tờ tranh ảnh cũ – ông fỗng – (cái vali nhỏ). Lắng đọng mà triền miên, Ô mai, Bến lạ là những tự sự cá nhân, những độc thoại riêng tư được trình bày từ một nhân vật ẩn mình độc giả bỗng trở thành “người nghe lỏm” (John Stuart Mill). Giọng điệu tự sự đau xót này quyến rũ người đọc, khiến họ thông qua những trải nghiệm gián tiếp (vicarious experience) để nhìn bằng mắt của nhân vật trữ tình, thậm chí đôi khi đồng nhất (identification) mình với nhân vật đó: 

Tôi lại đi…

jữa cái nong hình záng lưng tôi, một bảng đen trước mặt, một vòng phấn dưới chân, zính zính… những con 8 lộn zọc nhẵn thín nam châm gói trong hạt thóc jống của không biết.

(Bến lạ)

Tôi lộn về. Rón rén. Hơi malanh,

Cốt để gặp. Gặp đích cái tôi đang ngồi hút

thuốc lào.

(Comik)

Vắng. Anh thường ngồi jờ dài, chẳng nghĩ. Chỉ cảm. Cảm bằng da. Da của mắt – bàn tay – chủ yếu là lưng. Tới mức toàn thân gắn hẳn vào không khí, đồ vật, tường, buồng. Rầm rì một cái chợ không lời dưới chân, anh rầm rì vỗ theo.

        (Ô Mai)

Trong thơ Đặng Đình Hưng, cảm quan lưỡng phân hiện diện: sự cô độc khi bứt khỏi thực tại, sự chìm đắm trong thế giới riêng và những tiếp xúc với không gian bên ngoài, tính riêng tư và tính công cộng, lịch sử tiểu sử. Ở trường hợp Ô MaiBến lạ, có thể nhận ra sự đối lập giữa hai tiểu không gian: "chợ", "quán" (không gian xã hội, công cộng) và "hầm"/"siêu hầm", "buồng" (không gian cá nhân, riêng tư); chủ thể của câu chuyện là một con người đang rút vào bên trong với những giác quan, cảm nhận, tưởng tượng, đối thoại và độc thoại nội tâm; còn "cầu thang" – nơi dẫn từ buồng của căn nhà đến không gian xã hội bên ngoài – trở thành một không gian giáp giới, có tác dụng kết nối không gian này với không gian khác, hoặc đánh dấu sự ra đi hay trở về của nhân vật "tôi". Những chuyển dịch về mặt thời gian và sự thay đổi điểm nhìn của "người kể chuyện" đã khiến cho không gian bị phân mảnh và tiến trình tự sự mất đi độ trôi chảy tuyến tính. Bản thân những từ nằm trong ngữ cảnh đối lập nhau cũng bộc lộ sự phân chia cơ bản trong tâm trí tác giả: 

khuôn nhịp <–> Vắng. Anh thường ngồi jờ dài, chẳng nghĩ

Lần này không ngồi ở jữa chợ, ồn. Anh lui vào một quán không nhìn thấy (…) có lúc mải ngắm và nếm Sống

Fải đi vào jao lưu <–> Nhưng jao lưu với ai. Thoạt, tìm mãi không ra.

(Ô mai)

Ô Mai được đánh số từ 1 đến 5, có kết cầu gồm 5 phần và phần mở đầu, không chỉ thú vị về ý tưởng hay chữ lạ (con libiđô, ô mai em…), mà còn gây ấn tượng về ngữ pháp tự sự. Bên dưới vỏ bọc của một ngôn ngữ có vẻ lạ lùng, rời rạc, chủ yếu là những câu ngắn, với nhiều dấu chấm than, dấu ba chấm, dấu gạch ngang xen lẫn…, là câu chuyện của một người "thể ngiệm" đi từ căn hầm/buồng của mình ra chợ (1.Chợ), đối thoại nội tâm về sự sáng tạo (2.Một cái ngoặc), gặp gỡ và trò chuyện cùng em Ô mai trong tâm thức (3.Một ngày đi – 4.Jao lưu), cuối cùng là chia tay em để "về hầm" (5.Chiều thứ bảy). Tính logic của lời nói bị mờ đi, còn tính cấu trúc và tính tự chỉ của ngôn ngữ thơ nổi bật lên – chức năng thơ là một kiến tạo mới so với ngôn từ tự nhiên. Trong khi đó Lyrik – được viết theo lối thơ tối giản (minimalist poetry), mỗi bài thơ là một trình hiện, một tổ khúc (suites) được tạo nên do sự hòa âm của các từ:

Tôi ——————– ngôi sao

                                                                chiều dài

Một điếu thuốc lá

                x  x  x

Tủ mở nhẹ

Ôi cái gương                       bị thương.

Thứ tư

Giếng

Thứ năm

Tiếng

Thứ sáu

Khói

Thứ bảy

aha chủ nhật bạc hà

 

hoa

Mím hoa

                                                Môi

Tía mía xám

                                                Mưa hoa

       Cỏ janh xanh             

                                                hoang sơ mi

Con ong làm tổ 

                                                hoa ngủ mở…

Xét về mặt thi pháp, thơ Đặng Đình Hưng có thể xếp vào dạng thơ thử nghiệm (experimental poetry) – một trào lưu thơ hiện đại và hậu hiện đại trên thế giới, với 3 đặc điểm cơ bản: chống quy tắc (anti – regulation), chống logic (anti – logic), phản tín điều (assurance). Thơ thử nghiệm đề cao tinh thần phá cách trong cấu trúc và kỹ thuật tạo chữ, khám phá và tập trung vào sự đổi mới ngôn từ[2] Bản thân Đặng Đình Hưng cũng nói về nỗi khao khát thể nghiệm như một nỗi khát sống: “Kể từ buổi một dúm nguyên âm ă ấ ra đi, chưa bao jờ anh thấy fức tạp hơn cái cơn thể ngiệm này – cơn thèm”. Ở bất kỳ trường hợp nào, Đặng Đình Hưng cho thấy ông luôn tìm cách cưỡng lại thói quen biểu đạt đã mòn, nhằm tái cấu trúc ngôn từ nghệ thuật. Nếu như Bến lạ, Ô Mai là thử nghiệm hình thức thơ tự sự kết hợp tính kịch-thoại, thì Lyrik, Thơ 1958-1959 là những tìm tòi của lối viết theo trường phái thơ tối giản (Minimalist Poetry) đã được nhiều nhà thơ nổi tiếng trên thế giới thử nghiệm (có thể kể đến Ezra Pound, William Carlos Williams, Robert Lax, Ivan Akhmetyev, Mikhail Faynerman, Alexsandr Makarov-Krotov, John M. Bennett, Lillian Van Den Broeck, Robert Grenier, Clark Coolidge, David Gitin, Ian Hamilton Finlay, Tom Raworth, Robert Creeley, Ed Dorn, GP Skratz, judi goldberg, Eric Johnson, Pat Nolan, Steven Lavoie, Alastair Johnston…). Không rõ Đặng Đình Hưng có chịu ảnh hưởng từ một trong số những tên tuổi trên hay không, nhưng ông thực sự đã sáng tạo ra kiểu thơ tối giản của riêng mình – một dạng thơ trọng âm chứ không trọng hình (khác với thơ Haiku – một kiểu thơ tối giản truyền thống thường tập trung vào hình ảnh và tuân theo cấu trúc[3]). Mỹ cảm âm trong thơ Đặng Đình Hưng phần lớn được tạo ra từ sự tương tác giữa nguyên âm và phụ âm, giữa các vần và thanh điệu. Những vần này thường là vần bội (được lặp lại nhiều lần và gợi cảm giác vô tận do hiệu ứng ngôn ngữ), phổ biến nhất vẫn là vần bội kép (lặp hai lần): "khói tay rơi/ thày /thày ơi / nó đ-ooí/ khói tắt", "Nín đi!/ Mưa nút bia" (Thơ 1958-1959); "Thứ tư/ Giếng/ Thứ năm/ tiếng" (Lirik)…; đôi khi là vần bội ba (lặp ba lần): "tíc tắc ngựa song song:/ Con Nghé vàng soi bóng hồ zong/ động chiêng đống" (Khóc Mỵ Châu), hoặc vần bội bốn (lặp bốn lần): "Tôi đi vào Đô-thị-jà/ Mắt đá trắng zã/ Nhớ nhà/ Tôi quay ra" (Thơ 1958-1959). Những bài thơ theo trường phái tối giản thường không dựa vào câu chuyện hoặc tự sự, không tìm cách dựng cảnh, giới thiệu nhân vật hoặc mô tả về các hành động hoặc sự kiện cụ thể, mà tập trung vào từ ngữ (focus on words). Tác giả của nó chơi giữa khoảng cách các chữ cái hoặc dấu, chủ ý làm gián đoạn tính liên tục của âm thanh và hình ảnh. Không chỉ dựa vào ý nghĩa, mà bản thân vị trí hoặc kích thước, hình thức của từ ngữ trên mặt giấy cũng tạo ra hiệu ứng đáng kể. Do vậy, một bài/đoạn thơ đồng thời là một thị giác-trực quan (visual representation), ví dụ:

Tuần thứ tư

HƯ HƯ

____________

Một cái đầu filô

 

                                nhòm

 

                                                                đen ngòm

x

                                Ai mua ! . . mưa . .

                                Lem tem rang

                                                                đèn

Mặt khác, ở hầu hết các thi phẩm, Đặng Đình Hưng tỏ ra hứng thú với các kỹ thuật tạo chữ phi truyền thống và phi từ pháp, chẳng hạn cách viết "comik" thay cho "comic", "lyrik" thay "lyric", dùng "j" thay "gi", "f" thay "ph", "z" thay "d"/"r", bỏ "h" trong "ngh":

jì, jở, ja sản, jấy má, jở ra, já sách, jải lao, thời jan, cơn jông, jó xoáy, jời đầy, jống, jấc ngủ, đống jấy, jao lưu, cơn jó, jò thủ, jả, jới thiệu, lí jải, jờ, láng jiền, jan truân, jảm, jòng, jở jời, trời jao, jó lộng, jữa, jọt nước, ông jà

cơn ngiện, thể ngiệm, quyết ngị, ngề ngiệp ngị lực, ngĩa vụ, nge

fải ngĩ, fố, fích, fô, fép văn, bình fẩm, fép gọi, fố fố, fía, xin fép, fong fanh, fong trần, fảng fất, fủi bụi, fẩm nhuộm, fân, fong bì,

zòng zọc, zẻ cùi

Nhà thơ khám phá từ ở mặt nghĩa lẫn vỏ bọc âm thanh của nó. Âm và nghĩa đều tham gia vào một trò chơi mà tác giả xếp đặt, trong một câu thơ thường có sự nhảy cú pháp đột ngột:

Người ta đi

 

                                                Em ơi chua ngọt đã từng

Non xanh nước bạc ta đừng

                                quên nhau

tập tầm vông qua sông chớp đông

 

                                                hòn đá zựng!

 

                Ci – git                   Mè cóc

                                                                Cam dường

(Thơ 1958-1959)

Bình minh! Hãy mở nắp,

anh – và (người đàn bà,

                                Nào tôi,

thật thà,               và truồng,

 

ngũ sắc,

                đứng một bức, anh vẽ!

      (far’ ơrrrrrrr

 

Những cặp guốc gót, đàng trước …

(Lyrik)

Về cơ chế tạo chữ, Đặng Đình Hưng cho thấy ông rất chú ý đến việc lựa chọn từ ngữ (diction) khi tính đến khía cạnh âm thanh, ngữ âm của các từ, bao gồm sự kết hợp giữa nguyên âm và phụ âm, sự lặp lại của vần... Mỗi bài thơ là một mô hình mà các yếu tố thành phần như từ và trật tự của từ, âm thanh và nhịp điệu, hình ảnh và tiếng vọng đều có chức năng và vị trí cụ thể. Sự tương tác giữa các yếu tố này mở ra những cấp độ, chiều kích, kết nối hoặc cộng hưởng mới trong một quá trình vô tận của năng lực tưởng tượng. Chẳng hạn, cách liên kết từ ngữ trong Lyrik tưởng như vô ý, rời rạc nhưng lại có một nguyên tắc tạo nghĩa nhất định. Ví dụ:

lửa – hòn cuội – hình khối – cười –

ngôi sao – vá – quả cà – trắng – nắng

quả trứng – sao xuyến – gạo – gạch –

tình bạn – suối – muối – bướm – vải bạt –

 

trong sạch – quyển sách – cây – ziêm – rơm.

Môi đêm – con kiến – tim – men – hòa âm –

cái nhà – cốc tách – mắt – mặt trời mọc.

Chim – gà – ga – con đường – đèn – vàng.

 

– mào gà – mồ hôi – fố xá – đôi jầy za mới –

– cát – bàn tay – chiếc áo jáp – cái ghiđông

xe đạp –

                                                                                                (Bảng lời)

Các từ trong Bảng lời được kết hợp với nhau trước hết nhờ tương quan ngữ âm: hòn cuội – hình khối – cười; ngôi sao – vá – quả cà; trắng – nắng; gạo – gạch; suối – muối; sạch – sách; ziêm – rơm; môi đêm – timmen; cốc tách – mt – mt trời mọc; gà – ga; mồ hôi – f xá – đôi jầy za mới; cát – bàn tay – chiếc áo jáp – cái ghiđông, tiếp đó là tương quan ngữ nghĩa: chúng đều nằm trong trường từ vựng về sự vật đời thường. Xét trên góc độ cấu trúc, bản thân bài thơ có thể chia làm 6 lớp: 1/lớp ngữ âm của văn bản, 2/lớp ngữ nghĩa của các từ ngữ, 3/lớp các chi tiết vật thể, 4/lớp các khách thể của thế giới được tạo nên, 5/lớp ý nghĩa tác phẩm, 6/lớp chủ thể trữ tình[4]. Trong đó, lớp ngữ âm nổi lên trên, chiếm thế thượng phong, lớp ý nghĩa và lớp chủ thể trữ tình chìm xuống dưới. Tên của bài thơ (Bảng lời) mang tác dụng chỉ dẫn: nó khiến người đọc hình dung về nhà thơ như một đứa trẻ đang khám phá thế giới thông qua các sự vật và mối liên hệ âm thanh giữa các từ. Cách thức láy nguyên âm này (sự láy lại các chuỗi tiếp nối âm tiết) được triển khai trong toàn bộ Lyrik (nhưng hầu như không xuất hiện láy phụ âm). Bài thơ gợi suy tưởng về một thế giới nguyên sơ được bảo toàn. Như Kinh Thánh viết: "khởi thủy là Lời" – sự kết nối của ngôn ngữ thơ Đặng Đình Hưng biến tác phẩm thành một vũ trụ thu nhỏ, một thế giới khép kín, tự trị trong chính bản thân nó.

Ngôn ngữ thơ luôn luôn là một thị kiến về thế giới. Vì vậy thơ ca, một mặt, là sự thể hiện ý thức kinh nghiệm cá nhân của nhà thơ qua ngôn từ, nhưng mặt khác, cũng là cách thức để qua đó, những giọng nói truyền thống được cất lên. Đặng Đình Hưng đưa những chất liệu dân gian vào thơ bằng các tái chế lại nó, ông tìm thấy mình trong tính năng sản của ngôn ngữ: “Ca zao chui vào nằm bên củ khoai/ Vén vú, ca zao bú/ Cánh đồng đặt một cái đĩa men sứ” (Lirik). Những hình tượng dân gian tái sinh trong một tương quan mới: “quả bầu”, “con vành khuyên”, “con bướm vàng”, “tấm võng jà”, “quả ô rách”, “cái chum”, mảnh vại, cây đinh lăng, con vịt, lũy tre, đàn kiến cánh, con cò jà… Những câu ca dao được lồng xen kẽ trong đoạn thơ: “Em ơi chua ngọt đã từng/ Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau” (Thơ 1958-1959). Sử dụng chất liệu sẵn có, nhưng Đặng Đình Hưng đã chống lại cơ chế thích nghi tự động hóa của cơ quan cảm giác bằng cách tạo ra cái nhìn khác, cảm giác khác về sự vật: “bông sen đi qua cầu thang”, “kẹo đã chín, ánh sáng làm bằng xác thịt”, “lách cách, tóc mở”, “mái nhà joang hai chân”, “Nàng đánh rơi/ khắp những jọt/ Mắt xuống sa mạc”, “mắt lên cây/ cây biết đi”, “Những kinh thành nối đuôi lần/ lượt khuất” (Lirik), "Tôi sợ mắt vắng/ Sợ chân nàng đêm trắng 3 lít/ Đếm!/ những cái sẹo quên trên cổ nàng”, “bông hoa há miệng xin miếng bú” (Thơ 1958-1959). Sắc họa và nhạc tính xuyên thấu vào các lớp ngôn từ biến mỗi bài thơ trở thành một đa âm (polifomá), như cách nói của Octavio Paz, bài thơ là một tạo vật lưỡng cư: vừa là hình, vừa là ý, vừa là âm thanh, vừa là im lặng[5]:

Sao đêm khuya có tiếng đổ bạc hà

hay những hò hẹn vỡ?

Có fải đây quán chín jan cầu chín zịp

                                                Tía tô xanh

Vòm trời đục lửa dường đàn chín zây

Nhìn chung, thơ Đặng Đình Hưng vẫn là một case lý tưởng mời gọi những nghiên cứu từ góc độ ngôn ngữ: ngữ âm học, hình thái học, cú pháp học, từ vựng học… Cơn thể nghiệm đã thúc đẩy Đặng Đình Hưng nhận ra những cấu trúc mới của tư duy và thế giới ngôn từ. Ở cách thế sống thu toàn bộ thế giới vào bên trong – "ngồi một góc. Fía trong cùng. Và lặng thinh uống dài", Đặng Đình Hưng đã tìm thấy một Bến lạ nằm ngay trong ngõ hẹp cuộc đời, một cô bé Ô Mai được hoài thai, nâng niu và nuôi dưỡng trong ký ức, một cái vali luôn mời mọc những cuộc dấn thân dẫu cho thực tại khắc nghiệt luôn tìm cách treo cổ những mơ mộng. Đặng Đình Hưng đã nắm lấy di sản tiếng Việt, chơi và tháo dỡ, lắp ráp hoặc thay thế, tham dự và tái tạo, nghe – nhìn – nếm – ngửi những chữ. Cùng bên Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao…, cuộc đời Đặng Đình Hưng để lại một minh chứng cảm động về khát vọng miên viễn của những con người lao động và sáng tạo: vẫn "fải sống!" trong cơn nguy khó, luôn "thèm cái không quen" để rồi "cả đời anh một cuộc tìm em".

(Bản lần đầu, 24/9/2020

NTTH)


[1] Theo Đỗ Quyên, Đặng Đình Hưng – đời của thơ…,

nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/14291-dang-dinh-hung-doi-cua-tho

[2] Dani Spinosa, Anarchists in the Academy. Machines and Free Readers in Experimental Poetry, The University of Alberta Press, 2018, pg 61-69.

[3] Nadine Smit, 4 Facts of Haiku Poetry, nguồn: https://penandthepad.com/minimalist-poems-1889.html[1][4] Ở đây, người viết dựa trên cách phân chia của Roman Ingarden về kết cấu 5 lớp của tác phẩm văn học, nhưng bổ sung lớp thứ 6 là lớp người kể chuyện hay chủ thể trữ tình (NTTH). [2][5] Octaviopaz, Thơ văn và tiểu luận, Nguyễn Trung Đức chọn và dịch, Nxb Đà Nẵng, 1998.


Nguồn: Đặng Đình Hưng – một bến lạ. Hà Nội: Hội Nhà văn, 2020.

 

Comments are closed.