George Orwell, nhà văn chống cộng nhưng không quên giai cấp công nhân

Jean-Patrick Géraud, http://www.slate.fr/story/166709/george-orwell-anticommuniste-socialiste

Nguyễn Quang Bình dịch

George Orwell, 1943. | Via Wikimedia commons, montage Slate.fr.

Đôi khi chúng ta chỉ biết tác giả cuốn Trại súc vật1984 là một người chống cộng sản theo kiểu Stalin một cách triệt để mà quên rằng tác giả lại là một người của phái xã hội chủ nghĩa dấn thân đi cùng những kẻ bị áp bức.

Trong đề tài nghiên cứu khá ngắn gọn có tựa đề Orwell. Nhà văn của đám thường dân (nhà xuất bản Première partie), Kévin Boucaud-Victoire đưa ra một ý kiến tổng hợp các ý tưởng chính trị của Orwell. Đúng là công trình của tiểu thuyết gia nói chung là một khối thống nhất nhằm phê phán chủ nghĩa độc tài toàn trị. Tính phê phán ấy rõ ràng và cụ thể chứa trong hai tác phẩm Trại súc vật1984; tuy nhiên, không nên gò bó công trình của Orwell chỉ trong hai tác phẩm đó.

Ngoài các tiểu thuyết đã nói, tác giả còn nhiều bài viết khi thì phức tạp với các thiên kiến khác nhau khi thì mộc mạc đơn giản: dù thiên tả hay thiên hữu, Orwell thường được các nhà phê bình tác phẩm của ông muốn “kéo” ông về làm đồng minh với họ. Cho nên, người theo phái hữu tự do thường thấy tác giả là người đại kỵ với chủ nghĩa cộng sản kiểu độc tài Stalin mà bỏ quên yếu tố cấp tiến trong con người Orwell, đó là một người theo chủ nghĩa xã hội – là một cảm tình viên của phong trào công nhân nước Anh và chống chủ nghĩa đế quốc. Còn người phe tả, dù bảo thủ kiểu Stalin hay tiến bộ, cứ trách Orwell là quá khắng khít với truyền thống và lên án ông ta đã tố cáo các chiến sĩ cộng sản với giới cầm quyền Anh.

Nếu đúng là Orwell tố cáo chủ nghĩa độc tài toàn trị Stalin – đến nỗi Trại súc vật, một tác phẩm châm biếm độc địa đối với cách mạng bolshévique, ngay cả khi đưa đi in cũng gặp nhiều khó khăn – ông vẫn chỉ trích chủ nghĩa tư bản và xây dựng công trình văn học của mình như một pháo đài bảo vệ những người bị áp bức. Đáng chú ý là từ tác phẩm Bến cảng Wigan [Quai de Wigan], xuất bản năm 1937, ông đứng về phía những người vô sản và bảo vệ họ sau một thời gian ăn cùng mâm ngủ cùng chiếu và nhận thức được tình cảnh nghèo khó cùng cực của họ. Kévin Boucaud-Victoire viết như thế này: “Ông [Orwell] rõ ràng có thái độ chống lại chủ nghĩa tư bản và bênh vực những người bị áp bức. Nhưng trước tiên động lực đẩy ông làm điều đó chính là sự thật, là chân lý, dù cả khi chuyện ấy gây cản trở cho phía ông.” Nói cách khác, Orwell “vượt khỏi các nhãn mác chính trị thường được người đời công nhận”.

Orwell, tay theo chủ nghĩa “vô chính phủ bảo thủ”

Những trang đầu của cuốn sách như muốn khoanh vị trí của Orwell nằm ở đâu trong toàn cảnh chung của xã hội trí thức thời ông sống. Kévin Boucaud-Victoire lặp đi lặp lại một danh xưng được đặt cho Orwell là “tay vô chính phủ bảo thủ”, lối gọi được Jean-Claude Michéa nhắc lui nhắc tới trong tác phẩm Orwell, tay vô chính phủ bảo thủ [Orwell, anarchiste Tory], và đấy cũng là biệt danh tự xưng khi ông chưa với đến chủ nghĩa xã hội. Đôi lúc một số nhà bình luận và độc giả của ông tưởng thiệt, nhưng đấy xem ra chỉ là cách “bông đùa” nói lên “tính khí chính trị” của Orwell, thật ra tư tưởng chính trị của Orwell không đúng như thế. Nên chính trong câu chữ của ông đã thấy tréo ngoe và làm ta nghĩ tiểu thuyết gia như một nhân vật thất thường, có thể nói về cơ bản ý tưởng không nhất quán. Trong Orwell, chắc chắn có một chút vô chính phủ, khi ông trách các định chế đè đầu cưỡi cổ, đàn áp người cùng khổ; cũng có một Orwell gắn chặt với truyền thống, vì theo ông chính trong truyền thống, cách mạng xã hội mới bắt rễ.

Cũng thế, nếu cho Orwell là tay “vô chính phủ bảo thủ” thì không khéo lại mang tiếng là gièm pha tư tưởng của tác giả mà lẽ ra ta phải công nhận nó là nhất quán. Hoá ra tính nhất quán mà Kévin Boucaud-Victoire muốn tỏ bày khi ông nhắc nhở rằng cái biệt danh ấy cũng được Orwell gán cho Jonathan Swift, một nhà văn có nhiều tác phẩm được bản thân Orwell đánh giá cao nhưng lại không tán thành quan điểm chính trị. Do thế, nếu như Orwell không nằm trong tầng lớp nào về mặt chính trị, thì cũng không nên xem ông ta là một trí thức bị cô lập ở thời đại của mình. Sự dấn thân của ông trong việc chống lại chủ nghĩa tư bản và yêu thương cháy bỏng người cùng khổ suýt chút nữa rơi vào dạng tu khổ hạnh như trong triết học huyền bí của Simone Weil.

“Khẳng định thợ thuyền cũng là con người”

Orwell xác định chính kiến xã hội chủ nghĩa của mình từ năm 1936, tức từ khi Orwell đến sống chung với anh em lao công nghèo khổ tại Wigan. Trước thời điểm quyết định dấn thân ấy, ông chẳng biết chút “mô tê” về chủ nghĩa xã hội, có chăng chỉ khoác lác cho vui, như ông khẳng định trong cuốn Bến cảng Wigan: “Chừng 17, 18 tuổi, tôi vừa là một thanh niên hợm hĩnh vừa là một người theo cách mạng […]. [T]ôi bấy giờ chẳng ngần ngại chối bỏ “chất” xã hội chủ nghĩa nếu có trong tư tưởng của tôi. Thật ra tôi có biết gì nhiều về chủ nghĩa xã hội đâu và bấy giờ vẫn chưa thể tin anh em lao công cũng chính là “chúng sinh hữu tình”.

Nên năm 1936, xét về nhiều khía cạnh, là một bước ngoặt trong tư tưởng chính trị của Orwell: điều tiên chinh, ông phát hiện tại Wigan một tình tương thân tương ái và nhân bản, tồn tại không đâu khác là ở trong những người “dân thường”, vậy mà ở đó cũng có lắm tỵ hiềm; tiếp nữa, kinh nghiệm giao lưu cho ông thấy rằng giới trí thức “cánh tả” thường khinh khi tầng lớp lao động, đến mức giới vô sản thích quay sang chủ nghĩa tư bản hay phát-xít hơn là chủ nghĩa mác-xít.

Trong phần thứ hai của cuốn sách này – phần đầu kể về kinh nghiệm sống, những điều mắt thấy tai nghe tại Wigan –, Orwell chỉ trích vị thế của những người trí thức mác-xít. Đặc biệt ông trách cứ giai cấp trí thức “cánh tả”mày mò đẻ ra các lý thuyết phức tạp và xa rời thực tế để mà làm gì. Suy cho cùng, Orwell chẳng phải là một lý thuyết gia: rõ ràng ông chưa bao giờ đọc Marx, mà nguồn cảm hứng của ông chủ yếu là từ văn học. “Tài liệu tham khảo của ông lấy nhiều nhất từ hai nền văn học Anh và Pháp, khi thiên hữu lúc thiên tả, và ít bắt nguồn từ triết học xã hội chủ nghĩa”.

Chủ nghĩa xã hội của Orwell chính là “lương tri”

Qua lối tiếp cận hoàn toàn mang tính lý thuyết đối với các vấn đề mà thợ thuyền thường gặp, Orwell phản đối một loại “lương tri” bắt nguồn từ bản thân kinh nghiệm của những điều bất công, “lương tri” phải xuất phát từ sự tử tế chứ không thể từ thứ thương tâm ban phát. Nên ông luôn ủng hộ những chương trình mang tính xã hội chủ nghĩa đơn giản và cụ thể mà bảo vệ được thợ thuyền, như quốc hữu hoá hệ thống đường sắt hay ngân hàng, cũng như giảm mức cách biệt thu nhập giữa các thành phần lao động, chủ thợ.

Nhà văn cũng đề xuất một lối cải cách hệ thống giáo dục dựa trên cơ sở “dân chủ”hơn và nhà nước phải cấp quyền tự trị. Những phác thảo chương trình ấy điều có xuất phát điểm từ kinh nghiệm sống thực của nhà văn: thời đi học tại Saint-Cyprian, chàng trai Orwell được ăn học bổng, quả thật bấy giờ đối với cậu nhà trường như là một địa ngục và tôi luyện cho cậu “biết nhạy cảm và căm hận điều bất công”; cũng thế, khi tác giả đầu quân cho cảnh sát thuộc địa ở Miến Điện, ông mới ý thức được những xấu xa của chủ nghĩa đế quốc. Chính nhờ vậy mà chủ nghĩa xã hội của Orwell luôn gắn kết với các biến động mà chính nhà văn từng trải nghiệm và quan sát để từ đó rút ra bài học cho mình.

Quan trọng là hai chữ “ý nhị”

Nhưng sự dấn thân của Orwell vì “dân chân đất” cụ thể là cái gì? Tác giả đề tài nghiên cứu cũng trả lời luôn thắc mắc này. Khi nghiên cứu các bài tiểu luận và tiểu sử viết về Orwell, Kévin Boucaud-Victoire tìm ra được ngôn từ của chính Orwell thường sử dụng là “ý nhị”. Thật thế, khái niệm này xuyên suốt toàn bộ các tác phẩm của Orwell, bao giờ cũng giới thiệu “dân thường là ai? Là những người rày đây mai đó, anh em lao công, viên chức cấp thấp, thi sĩ thất thời, hay những ai lạc bước giữa nhóm người giai cấp trung lưu”.

“Ý nhị” là chìa khoá để hiểu chủ nghĩa xã hội của riêng Orwell là rằng nó bao trùm cái năng lực phân biệt của con người ta về cái gì là tốt hay cái gì là đúng. Kévin Boucaud-Victoire dựa trên các công trình của Bruce Bégout để định nghĩa khái niệm “ý nhịấy: ý nhị là khả năng bẩm sinh nhận thức điều thiện và điều ác”, hay còn nữa là “năng lực tâm lý cảm nhận từ trong máu thịt cái công lý và bất công và thích làm điều thiện lành”.

Để cho ra được định nghĩa khái niệm “ý nhị” ấy Orwell phải khăn đùm áo gói đến với thợ thuyền Wigan không biết bao nhiêu bận: do vậy, nhờ luôn sát cánh với họ, Orwell tâm phục khẩu phục mà cho rằng giai cấp vô sản thừa năng lực tương thân tương ái và đoàn kết lại với nhau.

Phát hiện khái niệm “ý nhị” ấy buộc tiểu thuyết gia phải phê phán vị thế của tầng lớp trí thức mác-xít, ông trách họ chẳng biết một chút thực tế nào về giai cấp vô sản và trách họ khinh thường những người nghèo khổ tận cùng xã hội. Thật vậy, với Orwell, “lam lũ trong cuộc sống tầm thường hàng ngày làm cho thợ thuyền ngộ ra điều “ý nhị” ấy, trong khi các giai cấp bề trên (tư sản và tiểu tư sản, đặc biệt trong đó là thành phần trí thức) thì ngược lại, cứ chăm lo hành xử quyền lực và thống trị (về kinh tế hay văn hoá)”. Nhưng “ý nhị” theo Orwell còn phản ánh sự khăng khít của thợ thuyền vào các truyền thống và vào một hình thức yêu nước mà theo Orwell hoàn toàn khác biệt với chủ nghĩa quốc gia hiếu chiến. Kévin Boucaud-Victoire cho rằng đằng sau cái “ý nhị” theo cách nghĩ cách làm của Orwell là rằng vai trò của những người phái xã hội chủ nghĩa là làm sao hoà quyện truyền thống công nhân vào công cuộc giải phóng chính họ mà họ luôn luôn đặt lên hàng đầu.

Chỉ là nhà văn, không hề là lý thuyết gia

Do đó, Orwell tâm đắc rằng cách mạng xã hội phải cắm rễ sâu vào đời sống thường nhật của những người bị áp bức, tuyệt đối không cắm trong cái không tưởng của một hứa hẹn tiến bộ mai rày. Tiểu thuyết gia đặc biệt phê phán những vẽ vời hoang đường về một sự tiến bộ nào đó, cũng phê phán ý tưởng cho rằng máy móc sẽ triệt tiêu khổ nhọc lao động và từ đó mà nảy sinh bất công xã hội. Nhà văn cũng phê phán luôn niềm khát vọng của những người cộng sản về xây dựng “con người mới”, cho rằng hắn được giải phóng khỏi gông cùm thống trị của giai cấp vô sản nhờ vào phương tiện máy móc. Đối với Orwell, chủ nghĩa xã hội phải bám rễ trong các tập quán của giới bình dân: tức là xây dựng “một đội ngũ những người bị áp bức chống lại bọn áp bức”, một loại Mặt trận bình dân có khả năng tập hợp những người vô sản, nông dân, công nhân viên chức và tiểu thương, “những ai phải chìa tay xin chủ lãnh lương”…

Tập sách của Kévin Boucaud-Victoire làm được cái công việc trưng bày tư tưởng chính trị trong các tác phẩm của nhà văn Orwell về diện rộng cũng như kết cấu sâu bên trong, đồng thời cho thấy rằng Orwell trước hết là một nhà văn và không hề là một lý thuyết gia của cách mạng xã hội. Nhà nghiên cứu còn mời người đọc khám phá lại những khía cạnh chưa mấy người biết về nhà văn.

Mỗi tội lần này không “phong thánh” cho Orwell, Kévin Boucaud-Victoire nay lại làm rung vang lên tư tưởng của nhà văn mà không cần trống chiêng ca tụng. Đọc cuốn Orwell. Nhà văn của đám thường dân” giúp chúng ta đánh giá tác gia khác đi chứ không phải chỉ một cuốn sách nhỏ chống cộng, đánh giá cao hơn vai trò của nhà văn chứ không như khuynh hướng nhốt ông trong khung hẹp, không có nghiên cứu này ta suýt bỏ qua những chỉ trích của ông về sự thống trị của giai cấp và không biết ông đã một thời gắn bó với đời sống của thợ thuyền thế nào.

Comments are closed.