(Về “Nắng chia nửa bãi chiều rồi” của Nguyễn Hoàng Nam)
Inrasara
1. Yêu mỗi thời mỗi khác, thơ mỗi thời mỗi khác. Thì thơ về yêu cũng phải khác, ở mỗi thời. Vậy mà mãi hôm nay, nhiều nhà thơ Việt vẫn không chịu khác, mới dở.
Xưa, phải cực kì nghiêm túc đâu ra đấy như Nguyễn Đình Chiểu: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra/ Nàng là phận gái, ta là phận trai”, các cụ mới chịu. Đến Kiểu của Nguyễn Du thì bị coi là đã sa đà rồi. Mà có chi ghê gớm đâu! Gái trai gặp nhau, dù bị tiếng sét ái tình đánh gục ngay cái nhìn đầu tiên, Nguyễn Du vẫn cho “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”. Đến khi tình dậy cơn chịu không thấu, Kiều mới phá lệ “Xăm xăm bằng lối vườn khuya một mình”; rồi khi thấy chàng “Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”, Nguyễn Du đã cho nàng sạc ngay: “Thưa rằng: đừng lấy làm chơi”; để cuối cùng chàng Kim chả làm ăn được gì, khi Kiều luân lạc. Mãi khi – Võ Phiến đùa: “Kim Kiều tái ngộ đang độ trẻ trung chừng ấy, sớm tối ra vào gần gũi nhau chừng ấy, mà tác giả nhất mực không cho họ “biết” nhau đến cùng thì ai mà chịu được”(1)
Cụ Tiên Điền chịu nhún vậy mà các cụ nhà ta vẫn chưa chịu là chưa chịu:
Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều
Công chuyện ấy kéo dài, dài mãi đến tận Thơ Mới vẫn không chịu ngừng.
Quan niệm thì hết: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở/ Đời mất vui khi đã vẹn câu thề” (Hồ Dzếnh), đến “Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu” (Xuân Diệu); còn thơ về tình yêu thì hết sướt mướt kiểu T.T.Kh. đến ru nhau theo lối Huy Cận. Có gồng mình làm tới như Vũ Hoàng Chương:
Say đi em
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng ngả, điên rồ xác thịt
Rượu, rượu nữa, và quên quên hết…
Thì đó chỉ là cách nói to, nhà thơ chỉ được phép khi không còn tỉnh.
Hỏi có chán không?
2. Làm gì? – Phải làm khác. Suy nghĩ khác, và làm thơ kiểu khác. Muốn khác thì phải phá đổ “chúng” đi.
Thanh Tâm Tuyền: “Tôi không ngợi ca tình yêu, tôi nguyền rủa tình yêu. Mỗi tiếng, mỗi lời viết ra tôi đều thấy nó chứa đựng những hận thù, khinh bỉ, giày vò, đớn đau, tuyệt vọng, nhơ nhuốc, dối trá, hằn học, trơ trẽn, bệnh hoạn, xấc láo, thô bạo, cục cằn, tủi hổ, yếu đuối, bất lực, chết chóc nghĩa là tất cả những thứ mà tình yêu loại trừ”(2)
Chủ trương thì vậy, Thanh Tâm Tuyền vẫn vướng kẹt, theo một cách thế khác.
tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi…
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu(3)
3. Còn có cách nào không? OK, cứ để đó cho hậu hiện đại lo.
Nguyễn Hoàng Nam không tuyên bố, không làm mới, mà quyết đánh thẳng vào sào huyệt của thơ (tình) lãng mạn các loại.
Sử dụng thủ pháp collage, pastiche, các nhà hậu hiện đại muốn lật trái điều mà bản gốc của bài thơ nhắm tới, đạt được. Xài lại “Ngậm ngùi” nổi tiếng và như là một đại biểu xứng danh, Nguyễn Hoàng Nam đã làm điều đó một cách vui vẻ. Bài thơ đã được Nguyễn Ngọc Tuấn bình rất đã rồi(4), ở đây tôi chỉ “xài lại”, và tách bạch hơn.
Nắng chia nửa bãi chiều rồi
cái lo
nó lãng mạn thôi
nhẹ nhàng
cái lười
nó cố lấn
cái dâm
cái dâm
nó bự gấp trăm cái lười
(không thấy trong sách “học làm người”
bắc thang lên hỏi ông trời ổng cũng chịu thua)
yêu rồi mà
khỏi phân bua
nửa đêm vui vẻ chạy đi mua condoms
(Nguyễn Hoàng Nam, Tạp chí Thơ, Hoa Kì, số 7)
Thường thì tên một bài thơ có thể thay đổi mà không/ ít ảnh hưởng tới nội dung thơ. Ở đây ngược lại, nó làm một với bài thơ. Đọc cái tên: “Nắng chia nửa bãi chiều rồi”, người ta không thể không liên tưởng đến “Ngậm ngùi” của Huy Cận. Nguyễn Hoàng Nam buộc độc giả luôn đọc thơ mình trong thế đối chiếu với văn bản của Huy Cận mà họ từng biết trước đó. Vô hình trung, bài thơ trở thành bài thơ kép.
Hậu hiện đại, người ta yêu kiểu khác. Tình cảm ủy mị, ướt át đẫm nước mắt, từng thống ngự thời Thơ Mới hoàn toàn vắng mặt. Đã “yêu rồi mà/ khỏi phân bua”, làm tình thôi. Mà “chạy đi mua condoms” vào nửa đêm cớ chi phải anh, mà không phải là em?
Yêu khác và, viết khác. Làm giảm thiểu tối đa cảm xúc thường có trong thơ, nhất là thơ lãng mạn, như là một phản-lãng mạn, Nguyễn Hoàng Nam lột bỏ lớp áo lót tâm tình cuối cùng bằng cấu trúc nghịch âm ở dòng bát câu thơ cuối: “nửa đêm vui vẻ chạy đi mua condoms”, qua đó lục bát truyền thống đánh rơi sự nhịp nhàng, êm mượt như nó vốn có. Như vậy, muốn thưởng thức “Nắng chia nửa bãi chiều rồi”, người đọc buộc phải từ bỏ lối đọc-nghe bằng tai, cả việc đọc thầm.
Nữa, “Nắng chia nửa bãi chiều rồi” mất đi cái nhịp nhàng của nhịp thơ đã đành, nó đánh mất luôn cả cái đẹp vốn có của ngôn từ thơ như thói thường quan niệm.
cái dâm
nó bự gấp trăm cái lười
Có ai mang thứ ngôn ngữ như thế vào thơ đâu! Vậy mà Nguyễn Hoàng Nam đã làm, thế mới… vui. Chính “vui” đó đã đánh đổ cái nghiêm túc, nỗi sướt mướt, ủy mị và sự mơ mộng của thơ tình Việt thời gian qua, chứ không phải quan niệm hay tuyên bố to tát. Qua đó, thơ chuyển cái nhìn mới về tình yêu, như nó là thế – ở thời hiện đại: tình yêu không thể thiếu tình dục, lắm khi tình dục còn lấn át tình yêu, thậm chí không cần đến tình yêu.
________
(1) Võ Phiến, Tạp bút 3, Thời mới xuất bản, Sài Gòn, 1966, tr. 33.
(2) Thanh Tâm Tuyền, “Nỗi buồn trong thơ hôm nay”, Giai phẩm Văn, số ra ngày 8-11-1973.
(3) “Lệ đá xanh”, Tôi không còn cô độc, Người Việt xuất bản, Sài Gòn, 1956.
(4) Nguyễn Ngọc Tuấn: “Mỗi kì một bài thơ: Nắng chia nửa bãi chiều rồi”, Tạp chí Việt, Úc, số 2.