Hoàng Trinh – Từ phê phán đến tiếp nhận

Trần Đình Sử

Hoàng Trinh là bút danh của Hồ Tôn Trinh, sinh năm 1920, quê ở xã Đại Nài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Trước 1945 ông có bằng tú tài, từ trong kháng chiến chống Pháp cho đến sau hòa bình lập lại 1954 ông liên tục làm cán bộ tuyên huấn, cho mãi đến năm 1959, khi thành lập Viện Văn học, được phái về làm nghiên cứu văn học. Gần 40 tuổi ông mới gia nhập giới nghiên cứu, trở thành nhà phê bình văn học macxit Việt Nam. Năm ấy khi thành lập Viện Văn học ông phụ trách nghiên cứu văn học phương Tây. Ông từng làm Viện phó, rồi Viện trưởng Viện Văn học, từng phụ trách chỉ đạo biên soạn các mục từ về khoa học xã hội và nhân văn cho Từ điển Bách khoa Việt Nam. Ông thường tham dự các hội thảo khoa học ở nước ngoài, được kết nạp làm Hội viên Hội Kí hiệu học quốc tế, được bầu làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm Khoa học Hungari.

Ông thuộc nhà văn xuất thân từ ngành tuyên giáo. Suốt thời gian 10 năm ở Viện Văn học ông cũng có viết nhiều bài vở nhưng ít gây được ấn tượng. Từ năm 1969, khi ông công bố tập sách Phương Tây, văn học và con người, tập 1, rồi đến năm 1971 ra tiếp tập 2, một công trình tương đối quy mô về văn học phương Tây đương đại, ông mới được chú ý. Trong sách ấy ông đề cập đến từ bóng đen của chủ nghĩa đế quốc đến chủ nghĩa hiện sinh, phê phán Camus và văn học nổi loạn, phê phán tiểu thuyết về thân phận con người, tiểu thuyết và thời gian, phê phán Kafka và huyền thoại. Người ta chú ý đến đề tài văn học và con người của ông, nó có nội dung triết học. Đây là bộ sách phê phán các quan niệm văn học tư sản được coi là đồi truỵ, bế tắc của phương Tây mà các đô thị miền Nam đang tiếp nhận, do đó nó cũng có ý định gián tiếp hướng tới đấu tranh chống văn hoá thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, thể hiện nhiệt tình chiến đấu của người chiến sĩ văn hoá, nhưng cách viết tỏ ra có sự hiểu biết về con người của một thế giới khác. Trong sách ở lần xuất bản đầu tiên có nhiều lời phê phán nặng nề mà sau này khi tái bản ở nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 ông đã bỏ bớt cho thích hợp. Các học giả sành tiếng Pháp như Huỳnh Lý, Trương Chính có ý chê một số câu chữ tiếng Pháp mà ông dịch chưa thông, chưa thoát, và tỏ ý chưa tin vào học thuật của ông. Trong bản in của Tuyển tập văn học của ông vẫn còn rất nhiều lỗi về biên tập.

Có một điều thú vị là mặc dù ông phê phán văn học phương Tây, nhưng ông lại dần dần chuyển sang nghiên cứu lí luận văn học phương Tây như kí hiệu học và thi pháp học, trở thành bạn hữu với một số học giả phương Tây như Thomas Albert Sebeok, nhà kí hiệu học Mĩ, gốc Hungari, sinh năm 1920, đồng tuế với ông. Và có lẽ cũng ông này giới thiệu kết nạp Hoàng Trinh vào Hội Kí hiệu học quốc tế và tạo điều kiện cho ông, tức là đưa giấy mời để ông có cơ hội tham dự và đọc các báo cáo về thơ ca Việt Nam trên diễn đàn kí hiệu học quốc tế. Sau này vào những năm 80, tôi nhiều lần đến chơi nhà ông ở Viện Văn học ông có cho biết về mối quan hệ ấy. Chắc chắn những cuộc đi họp về kí hiệu học này đã có tác động làm cho ông thay đổi.

Ngoài việc phê phán văn học phương Tây hiện đại, Hoàng Trinh cũng phê phán chủ nghĩa cấu trúc, kí hiệu học, phê phán phê bình mới. Nhưng lạ thay, trong khi tìm hiểu sâu các lí thuyết cần phải phê phán, thì Hoàng Trinh đã bị các lí thuyết kia thuyết phục và từng bước tư duy theo các lí thuyết ấy. Sự phê phán của tác giả chẳng qua là nêu các mệnh đề có tính khẩu hiệu, quy chụp, nào duy tâm, siêu hình, phản lịch sử, nào phủ nhận hiện thực, phủ nhận bản chất, và khẳng định chủ nghĩa Mác Lê là học thuyết duy nhất đúng đắn. Nói một cách khác nhà lí luận của chúng ta không đủ vũ khí để đánh gục đối tượng cần phê phán, mà ngược lại bị nó chinh phục. Mà đúng thật, những cán bộ tuyên huấn thiên về tư duy chính trị, mới đọc thông tiếng Pháp, làm quen với các khái niệm triết học kiểu phương Tây, thì khó mà phê phán được các lí thuyết của các đầu óc hơn người của nhân loại của thế kỉ, làm sao mà chỉ ra được những chỗ phi lí, sai logic, thiếu căn cứ để đánh đổ nó được. Cùng lắm là chỉ ra được nó khác với hoặc là phản lại triết học Mác Lê mà thôi. Mà nhận ra sự khác biệt hay phản lại thì không phải là phê phán. Cùng lắm thì gọi đó là phê phán ý thức hệ, chứ không phải là phê phán học thuật. Người ta chỉ phê phán được khi nào vạch ra những sai lầm học thuật trong nguyên lí của học thuyết bị phê phán khiến cho nó sụp đổ. Ngược lại sự bị thuyết phục của các nhà mác xít của ta chứng tỏ một sự tiến bộ đáng mừng. Do đó sau khi “phê phán” Hoàng Trinh đã ngả về phía của lí thuyết mà ông phê phán kia, và bắt đầu nghiên cứu kí hiệu học và chủ nghĩa cấu trúc của Saussure và Jakobson. Ông cho biết đã bắt đầu nghiên cứu kí hiệu học từ năm 1970. Năm 1980 ông công bố công trình Kí hiệu, nghĩa và phê bình văn học. Phần lớn các bài trong tập này viết vào giữa những năm 70 và đăng trên tạp chí Học tập của Đảng Cộng sản Việt Nam và tạp chí Văn học. Trong sách này tác giả cũng “phê phán” chủ nghĩa cấu trúc ở những điểm râu ria, nhưng căn bản thì khẳng định nó là đúng và cần vận dụng. Ông viết: “Kí hiệu học có nhiều phát hiện và đóng góp quan trọng trong việc tìm hiểu các loại hệ thống kí hiệu được xem như những hệ thống thông báo và hệ thống tạo nghĩa. Nó giúp cho người ta hiểu thêm cấu trúc hình thức, ngọn nguồn sự hình thành và công dụng của các loại hình ngôn ngữ xuất hiện và phát triển trong đời sống xã hội và đời sống văn hoá của con người. Từ sự đối lập và thống nhất giữa hai mặt của kí hiệu ngôn ngữ do Saussure khám phá ra, kí hiệu học sẽ dẫn người ta đến thế giới phức tạp và thú vị của các hệ thống thông báo, nhìn thấy rõ sự xâm nhập và sự chuyển hoá giữa các hệ thống, tạo thành hệ thống hàm nghĩa (système connotatif), hệ thống siêu ngôn ngữ (système métalangage), hai hệ thống rất quan trọng thể hiện ra ở trong nhiều lĩnh vực của văn hoá và khoa học (văn học, sân khấu, điện ảnh, thông tin, các khoa học xã hội và tự nhiên)”[1], “Với những khám phá của nó, kí hiệu học vận dụng vào phê bình văn học có thể đem lại những kết quả tốt. Nó là một môn học có tác dụng giúp chúng ta tìm hiểu ngôn ngữ của tác phẩm và từ đó tìm hiểu nội dung và hình thức của tác phẩm”[2]. Từ năm 1974 Hoàng Trinh đã đăng liên tiếp trên tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà văn loạt bài nhan đề Vấn đề kí hiệu và thông tin trong văn học, nghệ thuật, giới thiệu kí hiệu học, khái niệm kí hiệu của Peirce (1839-1914), khái niệm cái biểu đạt và cái được biểu đạt của Saussure (1857-1913), quan hệ võ đoán của nó, tính đa nghĩa của ngôn từ, mô hình giao tiếp của R. Jakobson (1896-1982), thông tin và độ dư của thông tin. Nhưng quan điểm của Hoàng Trinh có phần hạn chế. Ông chỉ biết một quan điểm của Saussure, rằng kí hiệu có cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Ông giới thiệu kí hiệu ba thành phần của Peirce, cái biểu đạt của Saussure thì Peirce gọi bằng thể biểu hiện, còn cái được biểu đạt thì Peirce chia làm hai thành phần: một là đối tượng được chỉ ra và hai là sự giải thích về đối tượng ấy. Trên thực tế kí hiệu không chỉ ra sự vật, đối tượng mà còn gợi ra sự giải thích về đối tượng ấy nữa. Phần lớn các nhà kí hiệu học ngày nay đi theo hướng của Peirce, chứ không phải của Saussure, nhưng Hoàng Trinh đã phê Peirce: “Nhưng quan điểm của Peirce là quan điểm duy tâm và hình thức chủ nghĩa cực đoan. Đối với ông, cái gì cũng là kí hiệu, “toán, luân lí, siêu hình học, thiên văn học, tâm lí học, …, đàn ông, đàn bà, rượu vang…” đều phải được xem xét, nghiên cứu như những kí hiệu. Cả thế giới là một thế giới kí hiệu, cái này là kí hiệu của cái kia, kí hiệu này là kí hiệu của kí hiệu kia… ngôn ngữ đối với Peirce cũng chỉ là một thế giới tượng trưng, ước lệ đơn thuần.”[3] Ngày nay ai cũng biết, kí hiệu này đòi hỏi giải thích bằng một kí hiệu khác, khi tìm nghĩa của một cái biểu đạt này trong từ điển, ta được một chuỗi cái biểu đạt khác, mà chưa đến được với cái được biểu đạt, cái biểu đạt và cái được biểu đạt bị tách rời, và như vậy dẫn đến lập luận của lí thuyết giải cấu trúc. Rõ ràng Hoàng Trinh dừng lại trước giải cấu trúc luận, ông chỉ biết chủ nghĩa cấu trúc mà thôi và ông đã không hiểu được nhà triết học Mĩ. Vấn đề thế giới biến thành kí hiệu đã được E. Cassirer giải thích trong sách Bàn về con người (An Essay on Man. New Haven: Yale University Press, 1944). Trên thực tế con người không thể đối diện trực tiếp với thế giới, mà bị gián cách bởi cả thế giới kí hiệu vây bọc xung quanh. Những chỗ nhầm lẫn như vậy còn có thể tìm thấy trong sách của ông. Điều thú vị là khi vận dụng kí hiệu học để giải thích câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” thì ông bắt gặp kí hiệu ba thành phần của Peirce. Ngoài âm thanh và nghĩa đen, uống nước được hiểu là “hưởng”, nhớ có nghĩa là “nhớ ơn”, “báo đáp”, nguồn có nghĩa là “người đi trước”, “kẻ làm ra”. Từ đó mà thấy quá trình nghĩa tạo ra nghĩa trong tục ngữ. Cái vướng của Hoàng Trinh là vấn đề “tại sao kí hiệu có tính ước lệ mà phản ánh được hiện thực?” (tr.194). Và phải “chống lại những kẻ lợi dụng kí hiệu học để bác bỏ chủ nghĩa hiện thực”. Điều đáng tiếc là Hoàng Trinh chưa biết đến kí hiệu học diễn ngôn của M. Bakhtin.

Trong sách Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ V. N. Voloshinov viết: “Thực tại được phản ánh trong kí hiệu không đơn thuần được phản ánh mà còn bị khúc xạ. Điều gì quy định sự khúc xạ của thực tại trong kí hiệu của tư tưởng?

Chính là sự giao thoa của các lợi ích xã hội khác nhau trong khuôn khổ một tập thể kí hiệu giao tiếp, nghĩa là đấu tranh giai cấp. Giai cấp không trùng với tập thể kí hiệu, tức là với tập thể những người sử dụng chung các kí hiệu giao tiếp tư tưởng. Do đó, cùng một ngôn ngữ có thể được các giai cấp khác nhau sử dụng. Hệ quả là , trong mỗi kí hiệu tư tưởng có sự giao thoa của nhiều trọng âm khác nhau. Kí hiệu trở thành vũ đài đấu tranh giai cấp. Tính đa trọng âm xã hội của kí hiệu tư tưởng là một phương diện rất quan trọng của nó. Chính nhờ có sự giao thoa các trọng âm này mà kí hiệu sống động, linh hoạt và có khả năng phát triển. Kí hiệu, nếu bị tách khỏi cuộc đấu tranh xã hội căng thẳng, hay có thể nói là nếu đứng ngoài sự đấu tranh giai cấp, nhất thiết sẽ mất hết sức sống, sẽ suy thoái thành ẩn dụ, thành đối tượng của kiến thức ngữ văn, chứ không còn là đối tượng của tri thức xã hội sống động… Giai cấp thống trị cố gắng gán cho kí hiệu tính vĩnh cửu phi giai cấp, cố gắng dập tắt hoặc che lấp cuộc đấu tranh giữa các đánh giá xã hội, nhằm biến nó thành kí hiệu đơn trọng âm.”[4] Trọng âm này thể hiện như thế nào, phải nghiên cứu vào lời nói, phát ngôn, diễn ngôn thì mới có thể giải quyết được. Vì thiếu khái niệm diễn ngôn này, mà Hoàng Trinh không đi tiếp được. Không nên quên đây là cuốn sách rất cũ, từ năm 1929 và sau này có thêm Ju. Lotman và nhiều tác giả khác.

Đối với vấn đề kí hiệu của văn học, Hoàng Trinh chưa đi được xa. Chẳng hạn, theo kí hiệu học thì phải đi tìm ngôn ngữ của văn học, nhưng qua các công trình không thấy ông đi tìm ngôn ngữ này. Đó là vì ông chỉ thấy kí hiệu nhỏ tạo nên kí hiệu lớn hơn, mà không thấy chính văn bản nghệ thuật tạo nên ngôn ngữ của riêng nó theo quan niệm của Ju. Lotman. Theo kí hiệu học thì cần xem xét hình tượng văn học, các nhân vật, chuỗi sự kiện, chi tiết, truyện kể có phải là kí hiệu không. Năm 1976 M. Khrapchenco xuất bản sách Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người (Việt Nam dịch in tại Nxb Khoa học Xã hội năm 1986), đã có bài tiểu luận dài bàn về tính kí hiệu của văn học. Ông chỉ thừa nhận các chi tiết văn học có tính kí hiệu, nhưng không thừa nhận nhân vật, hình tượng nghệ thuật là kí hiệu, mà xem chúng là các hình thức khái quát chân lí. Nhưng quan điểm này đã bị vượt qua, bởi ví dụ, các nhân vật trong ngụ ngôn, dụ ngôn, cổ tích là kí hiệu; nhân vật Thúy Kiều là một cái biểu đạt đa nghĩa, có thể biểu hiện phận đàn bà, có thể biểu hiện kẻ tài tình, lại vừa biểu hiện “làm người có thân”, tư tưởng tài mệnh tương đố. Đó không phải là khái quát đơn nghĩa theo kiểu phản ánh hiện thực. Hình tượng văn học có thể vừa khái quát, vừa là kí hiệu. Điều này cho thấy một số nhà lí thuyết mác xít không muốn nhìn nhận hình tượng là kí hiệu, vì không thừa nhận quan hệ hình tượng và ý nghĩa của nó có thể là võ đoán, mà đã võ đoán thì không còn là “phản ánh hiện thực” được nữa.

Mặc dù có phần hạn chế như thế, nhưng từ giữa những năm 70 thế kỉ trước Hoàng Trinh là người đã có ý thức, có thể là người sớm nhất ở miền Bắc, giới thiệu một cách khá hệ thống một số khái niệm cơ bản của kí hiệu học cấu trúc vào Việt Nam. Ở miền Nam, Nguyễn Văn Trung (1963), Trần Thiện Đạo (1967) đã giới thiệu kí hiệu học từ những năm 60. Rất có thể Phan Ngọc đã tiếp cận phương pháp cấu trúc từ những năm 60, nhưng do gặp khó trong vụ Nhân văn Giai phẩm mà ông không dám để lộ phương pháp của mình. Việc giới thiệu của Hoàng Trinh có ý nghĩa quan trọng đối với khoa học nhân văn Việt Nam. Hoàng Trinh do là cán bộ tuyên huấn, cho nên được tin hơn khi ông bàn những chuyện khó nói. Sự ra đời các công trình kí hiệu học của Hoàng Trinh tạo thuận lợi cho việc truyền bá các học thuyết lí luận, mĩ học phương Tây vào Việt Nam như thi pháp, văn học so sánh, tiếp nhận văn học… Và biết đâu, chính tư tưởng kí hiệu học ấy đã tạo không khí để cho tạp chí Văn học tiếp nhận bài viết của tôi về thời gian nghệ thuật năm 1981, 1982. Hồi đó tôi ghé thăm ông, ông cho biết ông không chỉ đăng bài, mà còn đã giảng dạy kí hiệu học cho các bạn trẻ ở Viện. Ông cũng đã mời tôi đến trình bày hai buổi về thi pháp học cho các bạn trẻ của Viện. Nhưng khi ông đặt vấn đề “Nghiên cứu kí hiệu dưới ánh sáng của phản ánh luận của Mác Lenin và chủ nghĩa duy vật biện chứng để làm sáng tỏ hơn quy luật tạo nghĩa bên trong các hệ thống kí hiệu, trong đó có môn ngữ văn học”, “khai thác kí hiệu học theo quan điểm Mác Lenin”[5] thì ông đã làm khó cho người nghiên cứu, bởi vì phản ánh luận của Lenin ngay từ đầu đã phản đối kí hiệu mà chỉ quan tâm vật tác động vào cảm giác để lại hình ảnh sao chép như thật, mà không chấp nhận bất cứ ước lệ nào, đừng nói tới kí hiệu, biểu trưng. Mà nghĩa chỉ có trong quan hệ chủ thể đối với đối tượng, đối tượng chỉ có nghĩa đối với chủ thể. Tạo nghĩa là nghĩa này gợi ra nghĩa kia, liên tưởng nghĩa này với nghĩa nọ, sợ rằng đó là hành vi chủ quan duy tâm siêu hình. Người ta có thể liên tưởng tới tương lai hay tới quá khứ, là những thứ không hiện hữu, mà đã không hiện hữu thì không tác động vào giác quan và không thể phản ánh được. Thực ra trên thế giới đã có kí hiệu học mác xít. Có thể lúc ấy Hoàng Trinh chưa biết các công trình kí hiệu học, văn hóa học, xã hội học của M. Bakhtin, Voloshinov, Lotman, các nhà mác xít phương Tây khác. Ở Trung Quốc từ những năm 90 có kí hiệu học của Triệu Nghị Hành. Hoàng Trinh nêu một trong các vấn đề nghiên cứu là: “Cái gọi là tính xã hội, tính ước lệ trong kí hiệu nằm ở chỗ nào? Vì sao ước lệ mà vẫn phản ánh được hiện thực, nghĩa là vẫn có giá trị hiện thực?”.[6] Các câu hỏi đó không khó trả lời, bởi vấn đề chân lí của nhận thức và vấn đề kí hiệu để lưu giữ và truyền đạt thông tin là các vấn đề ở các bình diện khác nhau, nhưng không tách rời nhau.

Vậy thi pháp học của Hoàng Trinh thì như thế nào? Là một người đọc sách Tây Hoàng Trinh lẽ ra phải hiểu thi pháp (thi học) chính là lí luận văn học. Nhưng ông chỉ hiểu thi pháp học theo nghĩa hẹp, là lí thuyết về thơ, giống như R. Jakobson, lí thuyết về một thể loại, chứ không theo nghĩa rộng là thi pháp văn học nói chung. Theo ông, thi pháp thơ bao gồm bốn yếu tố. Một là trả lời câu hỏi thơ là gì. Hai là cho biết làm thế nào để sáng tạo ra thơ, cụ thể là tổ chức ngôn từ thế nào để nó trở thành thơ. Ba là nghiên cứu kết cấu của thơ, kết cấu không gian, kết cấu thời gian. Nó là ngôi nhà của thơ. Bốn là âm vận của thơ[7]. Có thể nói đó là một quan niệm lí thuyết về thơ nói chung. Ví dụ ông hiểu bất cứ ai có quan niệm hoặc cách hiểu về thơ đều là nhà thi pháp, thì là giản đơn quá và bình thường quá. Bảo một nhà thơ có mấy câu nói về thơ cũng là nhà thi pháp, hẳn nhà thơ kia cũng ngại. Để thể hiện ý tưởng từ kí hiệu học đến thi pháp học ông lần lượt trình ra hai vấn đề. Một là các bình diện của kí hiệu sau này dùng để hiểu thơ. Đó là khái niệm kí hiệu, tính đa nghĩa của từ và cách tạo nghĩa. Tính thơ và thông báo, hình thức và chất thể của kí hiệu, ngôn ngữ, lời, ngôn từ, từ, văn bản, các mã, mã thẩm mĩ. Trong mục cuối cùng tác giả trình bày các phép tu từ của thi ca. Phần thi pháp của tác giả là cách đọc thơ theo thi pháp học dựa vào lí thuyết kí hiệu học. Trong các chương này có nhiều tri thức và nhiều ví dụ bổ ích đối với những ai chịu khó đọc. Đang nói về thi pháp học như là lí thuyết về thơ với bốn nội dung như trên thì đến đây ông chuyển sang vấn đề đọc thơ. Đọc cũng là một vấn đề thi pháp học song không được bao hàm trong bốn vấn đề nêu trên, gây cảm giác hẫng hụt và ngỡ ngàng. Nhưng đi vào nội dung thì lại gặp đặc trưng của ngôn ngữ thơ, mà không phải là đọc. Ông trình bày sơ lược những vấn đề mới như nghĩa nội hàm, siêu ngôn ngữ, cũng khá bổ ích và cuối cùng là đọc thơ theo kí hiệu học. Sau phần Đọc thơ là đọc ca dao, đọc tục ngữ. Nhìn chung cách đọc của Hoàng Trinh là phân tích hình ảnh thơ theo sơ đồ kí hiệu học, cái biểu đạt chuyển hoá thành cái biểu đạt mới với cái được biểu đạt mới, cứ thế mà tăng tiến thêm, tạo thành nghĩa mới. Cách đọc của ông theo tôi có thể giúp cho các giáo viên ngữ văn có thể hình dung được sự tạo nghĩa trong khi tạo thành các câu thơ. Nhưng cái được biểu đạt mới phụ thuộc vào ngữ cảnh. Nói chung đó chưa phải là đọc tác phẩm theo kí hiệu học. Bởi kí hiệu học quan niệm rằng tác phẩm văn học tự kiến tạo mình thành một hệ thống kí hiệu có tính cá nhân, một ngôn ngữ cá thể. Người đọc phải kiến tạo lại ngôn ngữ nghệ thuật ấy thì mới thật sự hiểu được thông báo của tác giả. Cách đọc tục ngữ và ca dao nhằm chứng minh chất thơ của chúng là đi vào một cánh cửa đã mở sẵn. Còn chứng minh tục ngữ cũng có chất thơ, tuy hợp với quan niệm của R. Jakobson, nhưng lại không đúng với thực tế, vì tục ngữ không phải là thơ.

Nhìn lại các công trình lí thuyết kí hiệu học và thi pháp học của Hoàng Trinh, ta thấy, muốn hiểu sâu được kí hiệu học thì phải hiểu về ngôn ngữ học. Kí hiệu học là một bộ môn đang phát triển. Thi pháp học cũng thế. Cho nên những cố gắng của giáo sư Hoàng Trinh là rất đáng trân trọng, bởi vì, đối với vấn đề có tính cấu trúc luận này trong xã hội ta đã từng có định kiến, nay giới thiệu như vậy sẽ có tác dụng khắc phục định kiến, để cho ai đi theo hướng này bớt bị dị nghị. Hai là trong các công trình của mình, Hoàng Trinh đã cố gắng giới thiệu những vấn đề, khái niệm cơ bản nhất của kí hiệu học, góp phần phổ biến nó. Ba là tác giả đã cố gắng viết cho dễ hiểu, bằng các ví dụ lấy từ thơ ca, ca dao, tục ngữ Việt Nam, và như thế sẽ giúp ích cho người mới học dễ làm quen.

Ai đã làm học thuật ở Việt Nam dưới chế độ mới sẽ cảm thấy có nhiều khó khăn, nhất là những tư tưởng không hợp thời hoặc còn lạ lẫm. Nhà lí luận Hoàng Trinh từ một nhà tuyên huấn, một chiến sĩ đấu tranh chống học thuật tư sản, biết rõ mọi khó khăn, nhưng ông đã nhận ra những thiếu hụt của học thuật nước nhà và tìm cách bổ khuyết. Và ông đã cố gắng làm được những khởi động bước đầu rất đáng quý. Ông không phải là nhà kí hiệu học đầu tiên ở Việt Nam, càng chưa phải người cuối cùng, cho dù còn mới và sơ lược, ông vẫn là một nhà kí hiệu học Việt Nam có công lao đáng được ghi nhận, và công trình của ông vẫn có giá trị gợi mở.


[1] Hoàng Trinh. Tuyển tập văn học, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1998, tr. 174 – 175.

[2] Hoàng Trinh. Tldd, tr. 176.

[3] Hoàng Trinh, Tldd, tr. 186 – 187.

[4] V. N. Voloshinov, Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ, (1929), Ngô Tự Lập dịch, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội, 2017, tr. 62.

[5] Hoàng Trinh, Tldd, tr. 200.

[6] Hoàng Trinh, Tldd, tr. 194.

[7] Hoàng Trinh, Tldd, tr. 444.

Comments are closed.