Lí luận văn học Nga hậu xô viết (15)

Lã Nguyên

Chương VI

SỰ TIẾP NHẬN CÁC HỌC PHÁI ÂU – MĨ

VÀ SỰ “HỒI HƯƠNG”

CỦA LÍ LUẬN VĂN HỌC HẢI NGOẠI

I. Sự tiếp nhận các học phái Âu – Mĩ

Có một mối quan hệ mật thiết giữa Trường phái Hình thức Nga với các học phái lí luận hiện đại và hậu hiện đại ở Tây Âu. Ví như chủ nghĩa cấu trúc trong nghiên cứu văn học là một trào lưu học thuật hiện đại phát triển rầm rộ ở Pháp vào những năm 60, 70 của thế kỉ trước với những đại biểu xuất sắc như L. Althusser, A. Greimas, Foucault, C. Lévi – Strauss, Tz. Todorov, Gérard Genette, C. Bremond…Thế mà Trường phái hình thức Nga lại là một trong những nguồn mạch đầu tiên của chủ nghĩa cấu trúc. Bách khoa Xô Viết đại từ điển ghi rõ: “Chủ nghĩa cấu trúc trong khoa học về văn học chủ trương nghiên cứu nghệ thuật ngôn từ như một hệ thống của các yếu tố có khả năng liên kết và biến đổi, nó xuất hiện dưới ảnh hưởng của hàng loạt bộ môn khoa học trung gian (trước hết là ngôn ngữ học, kí hiệu học, lôgic học, nhân chủng học) và là kết quả nhận thức, nhào nặn lại di sản của OPOJAZ Nga, của mĩ học hiện tượng luận và các môn phái khác”[1]. Nhưng Trường phái Hình thức Nga không chỉ là thuỷ tổ của chủ nghĩa cấu trúc. V. Rudnhev cho rằng, Trường phái hình thức đã làm cho nghiên cứu văn học thành một khoa học mang ý nghĩa thế giới, bởi những nguyên tắc phương pháp luận của nó đã đặt nền tảng cho “sự ra đời của ngôn ngữ cấu trúc Prague, của mĩ học cấu trúc Tartus – Moskva và toàn bộ chủ nghĩa cấu trúc của châu Âu nói chung”[2] . Cho nên, khi Trường phái hình thức Nga hồi sinh thì dĩ nhiên, chủ nghĩa cấu trúc và các học phái hiện đại Tây Âu cũng tìm được chỗ đứng chính thức trong hệ thống lí luận văn học Nga hậu Xô Viết. Có thể nhận ra điều đó qua việc nghiên cứu, dịch thuật và biên soạn các loại từ điển công cụ của các học giả Nga.

Thực ra, với giới nghiên cứu văn học Xô Viết thời trước cải tổ, lí luận văn học Tây Âu cũng không phải là cái gì quá xa lạ. Thực tế chứng tỏ, từ cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỉ trước, ở Liên Xô, lúc nào cũng có nhiều mũi nhọn nghiên cứu văn học đi trước hoặc phát triển song hành với các trường phái lí thuyết của Tây Âu. Trong giáo trình Đại cương trần thuật học hiện đại, V.I. Tiupa cho rằng, vào cuối những năm 50, khi viết công trình Vấn đề các thể loại lời nói (1953), M.M. Bakhtin đã là người “đặt nền móng tạo nên sự phát triển vũ bão của “tân từ chương học” ở các nước Tây Âu”. Theo Tiupa, thuật ngữ “siêu ngôn ngữ học” (“металингвистика”) chính là một trong số các tên gọi của bộ môn “tân từ chương học hiện đại”. Ông đưa hàng loạt ví dụ để chứng minh, có thể tìm thấy trong những công trình mẫu mực về trần thuật học của L. Dolezal, G. Genette, D. Prince, W. Schmidt nhiều ý kiến rất gần gũi với những gì M. Bakhtin đã phát biểu trong những năm 70[3]. Viện sĩ B. Gasparov lại chỉ ra sự gặp gỡ của phương Đông – trước hết là những tìm kiếm của trường phái Tartu-Moscow – với phương Tây trong lĩnh vực cấu trúc – kí hiệu học văn hoá[4]. Tuy nhiên, trước cải tổ, nền lí luận văn học chính thống của Liên Xô và các học phái lí thuyết của Tây Âu vẫn thuộc về những vương quốc khác nhau: bên này là mĩ học và lí luận văn học Mác xít, bên kia là mĩ học và lí luận văn học tư sản. Từ những năm 70 đổ về trước, các sách giáo khoa, giáo trình, những công trình khoa học mang tính hàn lâm, về cơ bản, đều trình bày bức tranh tổng thể về mĩ học va lí luận văn học như thế. Ví dụ tiêu biểu nhất có thể dẫn ra ở đây là những cuốn “Từ điển bách khoa” viết về các trường phái nghiên cứu văn học của Âu – Mĩ và hệ thống khái niệm, phạm trù của các trường phái ấy. Đây là công trình biên soạn tập thể của Viện Thông tin Khoa học về các khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, được xuất bản năm 1974. Các trường phái nghiên cứu văn học được phân tích, giới thiệu trong từ điển này gồm có: “phê bình mới”, “chủ nghĩa cấu trúc”, “mĩ học tiếp nhận”, “trần thuật học”, “thông diễn học”, “hiện tượng luận”, “hậu hiện đại”. Điều đáng lưu ý ở đây là: tất cả những trường phái nghiên cứu ấy đã được gói vào cái tiêu đề chung: “Bức tranh toàn cảnh của nghiên cứu văn học và phê bình văn học tư sản hiện đại”[5]. Mà đã là của tư sản, thì không thể quảng bá rộng rãi cho công chúng. Cho nên, trước cải tổ, các cơ quan khoa học của Liên Xô chưa bao giờ tổ chức dịch thuật để giới thiệu rộng rãi với đông đảo người đọc về các học phái lí luận văn học Âu – Mĩ. Hệ thống nhà xuất bản của Bộ Giáo dục Liên Xô chỉ đưa vào các trường đại học và cao đẳng có đào tạo ngành văn những cuốn mĩ học văn tuyển phản ánh méo mó lịch sử tư tưởng mĩ học và nghiên cứu văn học của nhân loại. Nội dung của những cuốn văn tuyển như thế thường được chia thành 2 phần: “Mĩ học tiền Mác” và “mĩ học Mác – Lênin”[6]. Cũng có những nhà khoa học được phép nghiên cứu mĩ học và lí luận văn học Tây Âu. Nhưng khi nghiên cứu như thế, nhà khoa học phải biết “gạn đục khơi trong”, cảnh giác với những ảnh hưởng độc hại. Cho nên, nhìn chung, trong những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Xô viết chính thống, mĩ học và lí luận văn học Âu – Mĩ bao giờ cũng được phân tích như những đối tượng cần phê phán.

Phải đến những năm cuối cùng của thế kỉ XX, tình hình trên mới thực sự có sự thay đổi. Từ giữa những năm 80, việc dịch ra tiếng Nga trước tác của các học phái lí luận văn học Âu – Mĩ được tổ chức rầm rộ. Tên tuổi nhiều dịch giả chuyên nghiệp ngày càng trở nên quen thuộc với tất cả những ai quan tâm tới sự phát triển của khoa học xã hội – nhân văn ở Tây Âu. Chỉ cần làm quen với một Website cá nhân của G.K. Koshikov cũng đủ để ta hình dung việc dịch thuật diễn ra sôi nổi như thế nào. G.K. Koshikov là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, chuyên gia về văn học Pháp và lí luận văn học, hiện là Chủ nhiêm bộ môn văn học nước Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow (“МГУ”). Chỉ trong vòng mấy năm, Koshikov đã dịch hàng loạt công trình của R. Barthes (S/Z (1994[7]), Kịch – trường ca – tiểu thuyết (2000), Cơ sở kí hiệu học (2000), Dẫn luận phân tích cấu trúc các văn bản trần thuật (1987), Những bài giảng (1989), Khoái cảm từ văn bản (1989), Phê bình và chân lí (1989), Tu từ học hình tượng (1989), Độ không của lối viết (1983)…); Julia Kristeva (Bàn về kí hiệu học chơi chữ (2000), Huỷ hoại thi pháp luận (1998), Bakhtin, lời, đối thoại và tiểu thuyết (1993), Lautréamont hay là không thể sống đến thời công xã (1998), Kí hiệu học: khoa học phê bình và/ hay là phê bình khoa học (1997)…); Tz. Todorov (Khái niệm văn hoc (1983), Kí hiệu học văn học (1983), Đọc thế nào? (1998); A. Greimas (Trong những cuộc tìm kiếm các mô hình biến thái (2000), Suy nghĩ về các mô hình tham thể (1996)…); C. Bremond (Nghiên cứu cấu trúc các văn bản trần thuật sau V. Propp (1983)); J. Derrida (Cấu trúc, kí hiệu và trò chơi trong diễn ngôn của các khoa học nhân văn (1995), Freud và cảnh viết (2000), Nhà hát của sự bạo liệt và sự kết thúc trình diễn (2000)…); C. Lévi-Strauss (Cấu trúc và hình thức (1983), Suy nghĩ về một công trình của Vladimir Propp (1983)…); Jean-Paul Sartre (Baudelaire (1993), Viết để làm gì (1995)[8]

Có thể lập một bảng danh sách rất dài tên tuổi những dịch giả lớn, đồng thời cũng là những nhà nghiên cứu có uy tín như G. K. Koshikov. Nhờ có đội ngũ dịch giả như thế, mà những công trình quan trọng nhất của các học phái Âu – Mĩ nhanh chóng được xuất bản ở Nga[9]. Đây là cơ sở tư liệu giúp các trường đại học và cao đẳng có đào tạo các bộ môn khoa học xã hội – nhân văn soạn thảo chương trình, biên soạn giáo trình về lịch sử tư tưởng mĩ học và lí luận văn học ở các nước Âu – Mĩ để giảng dạy chính thức. Rất dễ tìm thấy những cuốn giáo trình hoặc những bộ chương trình có giá trị, như Lịch sử phê bình và nghiên cứu văn học nước ngoài của N.T. Nhefedov[10], Lịch sử các học thuyết nghiên cứu văn học của D.F. Zaghidullina[11], hoặc Lịch sử phê bình và nghiên cứu văn hcọ nước ngoài của G.K. Koshikov[12]. Thực tế cho thấy, tình hình giảng dạy trong học đường thường phản ánh trung thực kết quả nghiên cứu khoa học của một quốc gia. Đúng là, cùng với hoạt động dịch thuật và xuất bản, việc nghiên cứu các học phái lí luận văn học Âu – Mĩ một cách toàn diện cũng được đẩy mạnh. Có thể xem I.P. Ilin, G.K. Koshikov, E.A. Tzurganova, A.V. Dranov, A.S. Kozlov, T.N. Krasavchenko, V. L. Makhlin, Iu.V.Palievskja, V.M. Tolmatzev…là những học giả có uy tín, những người có công đầu trong lĩnh vực này. I.P. Ilin là tác giả của những công trình rất nổi tiếng, như Chủ nghĩa hậu hiện đại từ nguồn cội đến cuối thiên niên kỉ: Sự tiến hoá của huyền thoại khoa học[13], hoặc Hậu cấu trúc. Giải cấu trúc. Hậu hiện đại. Trong chuyên luận Hậu cấu trúc, Giải cấu trúc. Hậu hiện đại, I.P. Ilin đã phân tích một mảng tư liệu vô cùng rộng lớn, bao gồm những công trình triết học, mĩ học, nghiên cứu, phê bình văn học của các học giả Mĩ, Pháp và Anh để từ đó vẽ ra bức tranh toàn cảnh quá trình hình thành (những năm 1960) và phát triển (từ những năm 1970 đến những năm 1990) của chủ nghĩa hậu cấu trúc, giải cấu trúc và hậu hiện đại. Nội dung bao trùm được tác giả phân tích, chứng minh, làm nổi bật trong suốt chuyên luận là ý tưởng xem chủ nghĩa hậu cấu trúc như một hệ thống quan niệm thẩm mĩ, chủ nghĩa giải cấu trúc là phương pháp phân tích văn bản nghệ thuật, và chủ nghĩa hậu hiện đại là tâm thức đặc thù xuất hiện từ thực tiễn thẩm mĩ của chủ nghĩa hậu cấu trúc và giải cấu trúc[14]. Ngoài những chuyên luận như thế, trong những năm gần đây, các cá nhân và tập thể các nhà khoa học còn biên soạn nhiều cuốn “Bách khoa từ điển” rất bề thế. Về công trình cá nhân, Chủ nghĩa hậu hiện đại – Từ điển các thuật ngữ của Ilia Ilin là công trình rất bề thế. Nội dung của bộ từ điển là 150 bài phân tích, giải thích các thuật ngữ cơ bản của triết học, tâm lí học, xã hội học, của lí luận nghệ thuật và lí luận văn học hậu hiện đại[15]. Về công trình tập thể, sau cuốn Bức tranh toàn cảnh của nghiên cứu văn học và phê bình văn học tư sản hiện đại đã nhắc tới ở trên, phải kể đến bộ Nghiên cứu văn học nước ngoài hiện đại (Các nước Tây Âu và Mĩ): quan niệm, trường phái, thuật ngữ, xuất bản năm 1996. Đây là loại từ điển bách khoa tra cứu các thuật ngữ và khái niệm cơ bản của nghiên cứu văn học Âu – Mĩ hiện đại. Nó cũng được biên soạn bởi tập thể tác giả của Viện Thông tin khoa học về các khoa học xã hội trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga. Nội dung cuốn từ điển được chia thành hai phần. Phần đầu trình bày hệ thống các thuật ngữ của “Phê bình mới”, “Cấu trúc luận”, “Mĩ học tiếp nhận”, “Trần thuật học”, “Chủ nghĩa giải cấu trúc”. Phần hai là hệ thống thuật ngữ của “Thông diễn học”, các trường phái “Hiện tượng luận”, “Phê bình huyền thoại” và “Hậu hiện đại”. Trong Lời dẫn, E.A. Tzurganova khẳng định rằng cuốn từ điển này là: “Công trình đầu tiên trên đất nước chúng ta có ý đồ tạo ra một ý niệm ứng dụng và mang tính hệ thống về bức tranh toàn cảnh vô cùng phức tạp của các trường phái nghiên cứu – phê bình ở Tây Âu và Mĩ”. Nhiệm vụ được đặt ra cho cuốn từ điển là: “Giúp khoa học về văn học của nước nhà làm quen và biết cách sử dụng bộ máy khái niệm và thuật ngữ của các khuynh hướng nghiên cứu văn học có ảnh hưởng lớn nhất ở thế kỉ XX”[16]. Tám năm sau, cơ quan khoa học nói trên lại xuất bản một từ điển mới còn bề thế hơn nhiều: Nghiên cứu văn học phương Tây thế kỉ XX. Bách khoa từ điển. Bộ từ điển là công trình nghiên cứu đầu tiên ở nước Nga tập hợp giới thiệu một cách hệ thống những trường phái dẫn đầu, những quan điểm lí luận có tính nguyên tắc và thành tựu cá nhân của các học giả lớn. Từ điển có tới 177 bài viết dưới dạng phân tích nhằm khám phá đặc trưng nổi bật về phương pháp luận của từng trường phái nghiên cứu văn học và xác định hệ hình của các khái niệm, thuật ngữ tạo nên trường phái ấy. Cùng với 177 bài ấy là 613 bài tra cứu nhân vật, cung cấp tài liệu về tiểu sử và nội dung quan điểm trong hoạt động khoa học của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học ở 18 nước: Áo, Bỉ, Anh, Đức, Đan Mạch, Ai Len, Băng đảo, Tây Ban Nha, Ý, Canada, Hà Lan, Na Uy, Thổ Nhĩ Kì, Mĩ, Phần Lan, Pháp, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ. Những nhân vật được giới thiệu trong 613 bài này là các học giả thuộc những lĩnh vực chuyên môn rất rộng: lí luận văn học, ngữ văn học cổ điển, văn bản học, văn học so sánh, lịch sử văn học dân tộc, các nhà Nga học, Slavơ học, có cả những nhà nghiên cứu, phê bình vốn là nhà văn[17].


[1] Chủ nghĩa cấu trúc. Trong: Bách khoa Xô Viết đại từ điển.- Tlđd

[2] Vadim Rudnhev.- Trường phái hình thức.- Nguồn: http:// www.bestreferat.ru/referat-72931.html

[3] Xem: V.I. Tiupa – Đại cương trần thuật học hiện đại. “Phê bình và kí hiệu học”, 2002, Quyển 5, Tr. 5-31.

[4] Xem: Boris Gasparov – Trong những cuộc tìm kiếm “cái khác” (Kí hiệu học Pháp và Phương Đông ở cột mốc của những năm 70).- ”NLO”, 1996, Số 14.

[5] Bức tranh toàn cảnh của nghiên cứu văn học và phê bình văn học tư sản hiện đạiBách khoa từ điển.- “INIOH AN SSSR”, M., 1974.

[6] Xem: Mĩ học Mac – Lênin. Văn tuyển.- Nxb “Cao đẳng”, Minsk, 1975

[7] Thời gian được ghi sau mỗi tác phẩm của R. Barthes, J. Kristeva, Tz. Todorov, A. Greimas, C. Bremond, J. Derrida, C. Lévi-Strauss đều là ghi chú về thời gian dịch ra tiếng Nga.

[8] Website cá nhân của G. Koshikov: http://www.libfl.ru/mimesis/index.html

[9] Về tình hình dịch thuật và xuất bản tác phẩm của các học phái Âu – Mĩ có thể tra cứu theo: Nghiên cứu văn học Tây Âu thế kỉ XX. Bách khoa từ điển.- “Intrada”, M., 2004

[10] N.T. Nhefedov.- Lịch sử phê bình và nghiên cứu văn học nước ngoài.- “Cao đẳng”, M., 1988.

[11] D.F. Zaghidullina.- Lịch sử các học thuyết nghiên cứu văn học.– “Đại học Tổng hợp Kazan”, 2007.

[12] G.K. Kosikov – Lịch sử phê bình và nghiên cứu văn học nước ngoài.- Nxb “MGU”, M., 2001.

[13] I.P. Ilin – Chủ nghĩa hậu hiện đại từ nguồn cội đến cuối thiên niên kỉ: Sự tiến hoá của huyền thoại khoa học.- “Intrada”, M., 1998

[14] I.P. Ilin.- Hậu cấu trúc. Giải cấu trúc. Hậu hiện đại.- “Intrada”, M., 1996

[15] Ilia Ilin.- Chủ nghĩa hậu hiện đại – Từ điển các thuật ngữ.- “Intrida – INION RAN”, M., 2001

[16] Nghiên cứu văn học nước ngoài hiện đại (các nước Tây Âu và Mĩ): quan niệm, trường phái, thuật ngữ.- Bách khoa rta cứu từ điển.- “Intrada – INION”, M.,1996, Tr. 3.

[17] Xem: Nghiên cứu văn học phương Tây thế kỉ XX.- Bách khoa từ điển.- “Intrada”, M., 2004

Comments are closed.