Lã Nguyên
II. Sự hồi hương của lí luận văn học hải ngoại
Phải thừa nhận, vẫn có sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây, giữa lí luận văn học của nước Nga và của các nước Âu – Mĩ. Trong một cuộc toạ đàm gần đây giữa Tz. Todorov và G.K. Koshikov, nhà nghiên cứu người Nga đã nhắc lại “thói quen” của các học giả thường đối lập “bản thể luận phương Tây” với “bản thể luận Nga”[1]. Tuy nhiên, những gì đã nói ở trên chứng tỏ, từ cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XX, tuy vẫn giữ bản sắc riêng, nhưng lí luận văn học Nga đã mở rộng cánh cửa để đón nhận những thành tựu lớn lao của lí luận văn học Âu – Mĩ. Quá trình tiếp nhận các học phái Âu – Mĩ diễn ra song song với sự “hồi hương” của lí luận văn học Nga ở hải ngoại.
Cũng như văn học hải ngoại, lí luận văn học hải ngoại là một bộ phận của lí luận văn học Nga, bắt đầu hình thành và phát triển từ sau năm 1917, được in ấn, xuất bản bên ngoài lãnh thổ của Liên Xô và nước Nga.
Sau Cách mạng tháng Mười, do bất đồng chính kiến, nhiều trí thức văn nghệ sĩ người Nga đã tìm cách di tản ra nước ngoài. Bộ phận nghệ thuật và lí luận văn học hải ngoại bắt đầu hình thành từ đấy. Trong thời kì Chiến tranh lạnh, lí luận văn học hải ngoại và nền lí luận văn học chính thống ở Liên Xô về cơ bản rất khác biệt, thậm chí đối lập với nhau. Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, quan hệ giữa phương Đông và phương Tây, nước Nga và các nước Âu – Mĩ được bình thường hoá, tư tưởng khoa học của các học giả ở trong nước và hải ngoại cũng xích lại gần nhau. Quan trọng hơn, đã có sự thay đổi đáng kể trong cách hiểu các khái niệm như “khoa học Nga”, “văn hoá Nga”, “văn học Nga”…. Người ta không còn dựng lên hàng rào tư tưởng hệ trong nội hàm các khái niệm ấy. Kể từ đây, mọi thành tựu nghệ thuật và khoa học do người Nga tạo ra ở hải ngoại, nhất là những trước tác viết bằng tiếng Nga, trực tiếp nghiên cứu và phản ánh đời sống tự nhiên và xã hội của nước Nga… đều được xem là một bộ phận hợp thành hữu cơ của lịch sử văn hoá Nga. Các giáo trình lịch sử văn học Nga thế kỉ XX thường nói tới sự “hồi hương” của nghệ thuật và lí luận văn học hải ngoại với ý nghĩa như thế[2].
Trong quá trình tồn tại và phát triển, lí luận văn học Nga ở hải ngoại có nhiều thuận lợi và cũng gặp nhiều khó khăn. Thuận lợi ở chỗ, nó được tự do bộc lộ chính kiến vì không chịu áp lực chính trị giống như lí luận văn học trong nước. Nó có quan hệ trực tiếp với với nền văn hoá Âu – Mĩ hiện đại và cử toạ của nó tuy không lớn, nhưng đó là một công chúng có trình độ học vấn cao. Nhưng khó khăn trước hết là ở chỗ, nó không có những học giả lớn. Trong suốt thời gian tồn tại của nhà nước Xô Viết kể từ sau Cách mạng tháng Mười, đội ngũ các nhà nghiên cứu văn học người Nga ở nước ngoài có thể chia thành mấy thế hệ, càng về sau càng thiếu vắng tài năng. Ngay ở thế hệ di tản đầu tiên cũng chỉ lác đác vài ba học giả, chẳng có mấy tên tuổi. Cho đến tận những năm 60 của thế kỉ trước, ngoài R. Jakobson, hầu như chỉ còn lại một vài nhà phê bình, nhà nghiên cứu văn học tương đối nổi tiếng và có uy tín nhất, ví như G. Struve (1898 – 1985).
Glev Struve là nhà thơ, dịch giả, là nhà phê bình và nghiên cứu văn học. Ông là con trai nhà triết học và nhà hoạt động xã hội danh tiếng P.B. Struve. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Oxford năm 1921, từng sống ở Prague, Berlin (1922 – 1924), ở Paris (1924 – 1932), sau đó ở Anh. Trước năm 1947, ông dạy học ở Đại học Tổng hợp London, từ 1947 định cư ở Mĩ và dạy Đại học Tổng hợp California (Berkeley). G. Struve làm thơ từ năm 12 tuổi. Giai đoạn 1918 – 1930, ông viết cho các tạp chí “Tư tưởng Nga”, “Thiện ý”, “Thế giới mới”, “Bút kí thời đại” và nhiều tờ báo tiếng Nga ở hải ngoại. Sau Thế chiến thứ hai, ông thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí “Tạp chí mới”, “Thử nghiệm”, “Đường hàng không”, “Tư tưởng Nga”, “Tiếng Nga mới”… Struve có nhiều công trình về lịch sử văn học, như Lịch sử văn học Nga Xô Viết (1935 – về sau được tái bản nhiều lần), Văn học Nga nơi phát vãng (in lần đầu ở New-York, 1956, lần 2 ở Paris, 1984). Ông có tuyển tập Về bốn nhà thơ (Blok, Sologub, Gumilev, Pasternak, 1981). Ông cùng với Filipov biên soạn và xuất bản tuyển tập các tác giả B. Pasternak, О. Mandelstam, А. Аkhmatova, N. Zabolotzki, N. Gumilev, N. Kliuev.
Do thiếu vắng những nhà khoa học chuyên nghiệp tầm cỡ, công việc nghiên cứu lí luận, phê bình văn học chủ yếu rơi vào tay giới sáng tác, vào tay các nhà văn, nhà thơ. Ở thế hệ di tản đầu tiên, hai cây bút hải ngoại có uy tín và nổi tiếng nhất là V. Chodasevich (1886 – 1939) và G.V. Adamovich (1892 – 1972). V. Chodasevich là nhà thơ, nhà phê bình, nghiên cứu văn học. Ông có thơ đăng báo từ năm 1925. Năm 1922, ông chạy ra nước ngoài, từ năm 1925, viết báo chống lại Nhà nước Xô Viết. Ba công trình nghiên cứu văn học có giá trị nhất của ông là Tài sản thơ của Puskin (1924), Derzavin (1931), Về Puskin (1937). G.V. Adamovich làm thơ từ năm 1914, là thành viên của nhóm “Cực đỉnh”. Năm 1923, ông qua Berlin, sau đó định cư ở Pháp, được xem là nhà phê bình Nga – hải ngoại “số một”. Công trình nghiên cứu, phê bình văn học có giá trị nhất của ông là tuyển tập Bình chú, xuất bản lần đầu ở Mĩ (1967), tái bản ở Nga (2000).
Thiếu phương tiện vật chất để tổ chức in ấn xuất bản cũng là điểm hạn chế của hoạt động nghiên cứu lí luận văn học hải ngoại. Đã ít học giả, không có nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, lại thiếu phương tiện in ấn, xuất bản, công trình lí luận văn học được công bố ở hải ngoại chủ yếu là “bài báo” dưới hình thức “tiểu luận” thiếu tính hàn lâm. Trong nghiên cứu văn học của người Nga ở hải ngoại không thấy có những cuộc tranh luận về lí luận văn học, về phương pháp luận giống như ở Liên Xô, nhưng giữa các nhà phê bình, nghiên cứu lại luôn luôn có sự phân rẽ, đối lập về thế giới quan, lập trường tư tưởng, nhất là về thái độ chính trị. Họ thường xuyên đối lập văn học Xô Viết với văn học hải ngoại, ra sức chứng minh mảng này ưu việt và có triển vọng hơn bộ phận kia.
I.A. Bunhin (1870-1953 – nhà văn, Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Peterburg), Anton Kraini (Z.N. Gippius), V. Nabokob là những người kiên quyết phủ định nền văn học Xô Viết. Họ cho rằng sứ mệnh đặc biệt của văn học hải ngoại là gìn giữ nền văn hoá dân tộc Nga. Trong bài Món ăn đẫm máu, V. Chodasevich thể hiện những suy ngẫm đầy cay đắng về số phận của văn học Nga nói chung, văn học Nga thế kỉ XX nói riêng. Trong các bài 1917 – 1927, Văn học nơi phát vãng (1933), ông cho rằng, phải bỏ thật nhiều thời gian và công sức mới có thể khắc phục được hậu qủa nặng nề của tình trạng phân chia văn học Nga thành hai nhánh trong nước và hải ngoại để khôi phục lại sự toàn vẹn của nền văn hoá Nga sau hàng chục năm tồn tại dưới chính quyền Bolsevik. Trên kia, chúng tôi đã nhắc tới cuốn Văn học Nga nơi phát vãng của G. Struve. Đặc điểm dễ nhận biết nhất của cuốn sách là nhiệt tình khẳng định tính ưu việt của văn học hải ngoại so với văn học Xô Viết và niềm tin của tác giả về tương lai tươi sáng của bộ phận văn học ấy. F. Stepun (trong bài B.L. Pasternak, 1959) và R. Jakobson (trong bài Về thế hệ đánh mất các nhà thơ của mình, 1931) bàn về số phận bi kịch của S. Esenhin, V. Majakovski, A. Belyi, M. Tzvetaeva, B. Pasternak trong mối quan hệ với số phận đầy bi kịch của nước Nga và văn học Nga. N. Struve thì rút ra kết luận, cùng với cái chết của A. Akhmatova, nền văn học Nga vĩ đại cũng đã cáo chung sau 150 năm tồn tại, kể từ thời Pushkin.
M.L. Slonhim lên tiếng tranh luận, thể hiện một quan điểm hoàn toàn đối lập với A. Kraini. Ông viết bài Văn học sống động và phê bình xơ cứng (1924) đề cao văn học Xô Viết. Ông tuyên bố “Paris không phải là thủ đô, mà chỉ là huyện lị của nền văn học Nga”. Trong bài Mười năm văn học Nga, ông nhấn mạnh tính kế thừa của văn học dân tộc ở hai giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Mười. Năm 1933, M.L. Slonhim cho xuất bản ở Paris cuốn Chân dung nhà văn Xô Viết nghiên cứu sáng tác của S. Esenhin, V. Majakovski, B. Pasternak, E. Zamiatin, Vs. Ivanov, P. Romanov, A. Tolstoi, M. Zosenko, I. Erenburg, K. Fedin, B. Pilnjak, I. Babel, L. Leonov, trong đó, B. Pasternak được ông dành cho vị trí trang trọng nhất.
Vào những năm 40 của thế kỉ trước, trong giới lưu vong Nga, người ta thấy xuất hiện tư tưởng “Đại lục Á – Âu” làm nảy sinh “chủ nghĩa ái quốc Xô Viết”. Một trong số những tín đồ trung thành của nó là Bá tước D. Svjatopolk-Mirski. Trong nhiều bài viết, ông thể hiện thái độ đầy thiện cảm với Nhà nước Liên Xô và văn học Xô Viết. Năm 1932, ông hồi hương và trở thành nhà phê bình Xô Viết với bút danh D. Mirski. Ông viết nhiều bài phê bình thơ, tham gia tranh luận về tiểu thuyết lịch sử (1934). Về sau, ông có nhiều bài phê bình thể hiện sự thất vọng sâu sắc đối với tương lai của văn học Xô Viết[3]. Trong Đại chiến Thế giới lần thứ II, giới nghiên cứu văn học hải ngoại hướng về đất nước Xô Viết với sự cảm thông chân thành. I. Bunhin, nhà văn giải thưởng Nobel, đánh giá rất cao trường ca Vasilii Terkin của A. Tvardovski.
Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu văn học của người Nga ở hải ngoại có xu hướng nghiêng hẳn về phía phê bình. Nhưng ở một mức độ nhất định, lớp học giả có tên tuổi vẫn không thể bỏ qua những vấn đề văn hoá học và lí luận văn học. V. Chodasevich đã dành nhiều giấy mực để bàn về chủ nghĩa tượng trưng, về mối quan hệ không thể chia tách giữa đời sống và nghệ thuật trong sáng tác của trường phái này. Ông bàn về điện ảnh như là sự biểu hiện của khuynh hướng phản văn hoá. Ông khái quát đặc điểm Adamovich kêu gọi từ bỏ “tính ước lệ nghệ thuật” và kĩ xảo hình thức để mang lại độc đáo của hồi kí, của tiểu thuyết lịch sử, của văn học triết học – nghệ thuật, của thơ “dớ dẩn”…Trong tập Bình chú (xuất bản ở Mĩ, 1967, tái bản ở Nga, 2000), G. cho nghệ thuật sự chân thật và giản dị. Ông khẳng định sức sống của câu thơ được viết bằng vẻ đẹp của hình thức nhật lí – tâm tình. Ông phê phán các khuynh hướng tân cổ điển trong thơ của những cây bút trẻ. Vào cuối những năm 50, đầu những năm 60, người ta còn thấy trên diễn đàn Tây Âu, Andrei Sinhjaski – nhà nghiên cứu văn học, đồng thời là nhà hoạt động của phong trào li khai nhà nước Xô Viết – bàn về phương pháp “hiện thực xã hội chủ nghĩa”.
Trong 70 năm tồn tại, Nhà nước Xô Viết từng chứng kiến ba đợt – còn gọi là ba “làn sóng” – di tản ồ ạt của nhiều tầng lớp công dân. Làn sóng thứ nhất diễn ra từ năm 1918 cho đến khi nổ ra Đại chiến Thế giới lần thứ hai. Thế chiến thứ II kết thúc cũng là lúc diễn ra làn sóng thứ hai. Đây là làn sóng không chịu hồi hương của những người Nga đang sinh sống ở nhiều quốc gia châu Âu. Làn sóng thứ ba bắt đầu từ những năm 60, rầm rộ nhất là vào những năm 70, 80. Năm 1971 mới có 15 nghìn, sang năm 1972 đã có tới 35 nghìn công dân Xô Viết rời bỏ Liên Xô[4]. Làn sóng di tản thứ ba này có 2 đặc điểm quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới văn học và lí luận văn học Nga – hải ngoại. Thứ nhất: Đối tượng ra đi đợt này chủ yếu thuộc thế hệ được gọi là “người của những năm sáu mươi”. Thứ hai: Khác với những đợt di tản trước kia, đội ngũ đông đảo nhất trong làn sóng di tản lần này là tầng lớp trí thức lao động sáng tạo, chủ yếu là văn nghệ sĩ. B. Pasternak gọi thế hệ “người của những năm sáu mươi” là “những đứa con của chiến tranh”. Với họ, chiến tranh là “bão tố tẩy rửa”, là “luồng khí trong lành”, là “ngọn gió mát mẻ”, là “miền quê đi về của bao nỗi buồn vui trong đời sống tình cảm”. Hoà bình lập lại, “những đứa con chiến tranh” thành tâm kì vọng một cuộc sống đầy “nắng ấm” (“оттепель”) dưới sự chèo lái của N. Khrusev, để rồi sau đó ngày càng thất vọng ê chề bởi sự trì trệ kéo dài liền liền 20 năm ròng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Năm 1963 được ghi nhận như cột mốc đánh dấu thời điểm chấm dứt cuộc sống tự do ở Liên Xô, sau khi N.S. Khrusev tham quan cuộc triển lãm của các nghệ sĩ – tiên phong chủ nghĩa ở cung Manege. Một chiến dịch đàn áp mới đối với giới trí thức sáng tạo, nhất là với các văn nghệ sĩ, được phát động từ giữa những năm 60. Sách của A. Solzenitzin bị cấm xuất bản. Y. Daniel và A. Sinhjaski bị khởi tố, sau đó A. Sinhjaski bị bắt. I. Brodski bị khép vào loại du thủ du thực rồi bị đày tới Norenskaja. S. Sokolov bị tước quyền công bố tác phẩm. Nhà báo, nhà thơp N. Gorbanevskaja bị nhốt vào nhà thương điên… Đây chính là lí do giải thích vì sao trí thức hoạt động sáng tạo và văn nghệ sĩ trở thành bộ phận đông đảo nhất trong làn sóng di tản của công dân Xô Viết vào những năm 70. Có thể kể tên một loạt nhà văn, nhà thơ, nhà lí luận, phê bình văn học đã ra đi trong thời điểm này, như V. Aksenov, Y. Aleskovski, I. Brodski, G. Vladimov, V. Voinovich, F. Gorenstein, I. Guberman, S.Dovlatov, A. Galitz, L. Kopelov, N. Korzavin, Iu. Kublanovski, E. Limonov, V. Maksimov, Iu. Mamleev, V. Nhekrasov, A. Sinhjanski, A. Solzenitzin, D. Rubin…
Đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ ở làn sóng di tản thứ ba này dường như chẳng có liên hệ gì và tỏ ra rất xa lạ với lớp người ở hai đợt di tản trước kia như G. Struve, G.V. Adamovich, M. Aldanov, M. Tzetlin, Iu. Terapiano… Họ xây dựng các cơ sở in ấn, xuất bản, tổ chức các tờ báo và tạp chí mới, như “Syntaxis” của M. Rozanov và A. Sinhjaski, “Continent” của V. Maksimov (Paris), “Người Mĩ hiện đại”, “Panorama”, “Kaleidoskop”, “Tiếng Nga hiện đại” (Mĩ)… Qua những cơ quan ngôn luận ấy, họ thể hiện một cách nhìn cuộc đời và văn học bằng kinh nghiệm mới, một cảm quan mới, thậm chí, viết văn và bàn về văn học bằng ngôn ngữ mới. Họ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ ngôn ngữ văn học trong sáng tác của các nhà văn Âu – Mĩ, Mĩ -Latinh, trong thơ M. Tzvetaeva, B. Pasternak, văn xuôi A. Platonov. Cho nên, họ không đặt ra cho mình nhiệm vụ “giữ gìn truyền thống văn hoá”. Trong sáng tác và trong tuyên ngôn lí thuyết, họ có khuynh hướng ngả về phía chủ nghĩa tiên phong và chủ nghĩa hậu hiện đại. Đây chính nhân tố thuận lợi mở ra khả năng “hồi hương” cho văn học và lí luận văn học hải ngoại khi Nhà nước Xô Viết tan rã.
Vào năm 1987, người ta thấy lần đầu tiên có những nhà nghiên cứu, phê bình văn học lên tiếng yêu cầu sáp nhập hàng loạt tác phẩm của các nhà văn lưu vong ở làn sóng thứ ba vào văn học Xô Viết. Năm 1988, tạp chí “Văn học nước ngoài” gần như dành toàn bộ “Số 1” cho văn học Nga – hải ngoại. Liền sau đó, ranh giới giữa văn học hải ngoại và văn học Xô Viết cũng nhanh chóng bị thủ tiêu. Nhiều tác phẩm của nhà văn hải ngoại trở thành đối tượng tranh luận sôi nổi của giới cầm bút cả ở trong và ngoài nước. Sôi nổi nhất là cuộc tranh luận xung quanh cuốn Cuộc dạo chơi với Puskin của A. Sinhjaski với sự tham gia của A. Solzenitzin. Vào cuối những năm 80, đầu những năm 90, ở Nga, người ta tổ chức xuất bản với một khối lượng rất lớn tác phẩm của A. Solzenitzin và hàng loạt tác giả Nga kiều, ví như A. Latinina, P. Palamartzuk, V. Tzalmaev, hoặc nhà văn Thuỵ Sỹ Georges Nivat, cháu của N. Struve. Từ sau năm 1991, việc in ấn, xuất bản, công bố tác phẩm của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học Nga và Nga kiều cũng không còn có sự phân biệt rạch ròi ở trong nước hay ở hải ngoại. Báo và tạp chí bằng tiếng Nga ở Tây Âu thường xuyên công bố bài vở của các nhà nghiên cứu Nga. Ngược lại, trên các cơ quan ngôn luận Nga thường xuyên xuất hiện tên tuổi và công trình nghiên cứu của các học giả Nga kiều. Năm 1992, cuốn Chính thống giáo và văn hoá của N. Struve được xuất bản ở Nga[5]. Kể từ đây diện mạo của các tạp chí Nga lưu vong hoàn toàn bị mờ nhoè, vì nước Nga không còn là thành trì bảo vệ kẻ thù tư tưởng của Nga kiều. Điều thú vị là ngay cả giới “Xô Viết học” ở phương Tây cũng trải qua quá trình “cải tổ” giống như công cuộc “cải tổ” của nền lí luận văn học Xô Viết chính thống. Rất nhiều nhà nghiên cứu, phê bình Nga kiều tham gia tích cực vào đời sống văn học của nước Nga “trong cải tổ” và “sau cải tổ”, ví như P. Vaile, B. Hroise, G. Pomeratz, B. Paramonov… Các nhà “Nga học” thuộc đủ mọi thành phần – có cả người gốc Nga lẫn những học giả là người nước ngoài – thường xuyên xuất hiện trên báo chí Nga, trở thành tác giả quen thuộc của độc giả Nga.
[1] Tzvetan Todorov.- Vắng các thiên thần ta chịu được, nhưng thiếu những người khác, mình không sống nổi đâu.- “Những vấn đề văn học”, 2006, số 1 (Xem bản dịch tiếng Việt của Lã Nguyên trên “Văn học nước ngoài”, 2007, số 3, tr. 162.
[2] Xem: Phê bình hồi hương (Nga hải ngoại).- Trong sách: S.I. Kormilov, E.B. Skorospelova.- Phê bình văn học thế kỉ XX (Sau 1917).- M., 1996. Nguồn: http://kritika.nm.ru/kurs/metodicka.html
[3] Xem: S.I. Kormilov, E.B. Skorospelova.- Phê bình văn học thế kỉ XX (Sau 1917).- Tlđd
[4] Số liệu thống kê dẫn theo: Tatijana Skrjabina.- Làn sóng di tản thứ ba (1960 – 1980).- “Drugieberega”, 2004, Số 4, tháng 8. Nguồn: http://drugieberega.com/authors/TS
[5] N.A. Struve.- Chính thống giáo và văn hoá.- in lần đầu, 1992, lần thứ hai, 2000, Nxb “Russki Put”