Một vùng đất, những con người…

(Đọc Ba Đồn mạn thuật của Nguyễn Quang Lập, Nxb Hội Nhà văn – 2022; 2024)

Ngô Xuân Hội

image

Quê tôi ở Nghệ An, nơi hàng năm khi mùa hè đến liên tiếp phải chịu những trận gió khô nóng ào ạt thổi từ Lào sang, nên dân gian gọi gió Lào. Gió Lào có từ lâu, là hệ quả của việc ông Đùng[1] khơi sông dắt núi sắp xếp lại giang sơn Nghệ Tĩnh. Mỗi đợt gió như thế kéo dài ba bốn năm sáu ngày liền… khiến sông hồ khô cạn, ruộng đồng nứt nẻ, cá chết xếp lớp trong những vũng bùn. Trong làng cây cối rũ rượi, da thịt người nhớp nháp mồ hôi, bàn ghế gường tủ cong vênh, sờ đâu cũng thấy một lớp bụi mỏng, ram ráp dưới tay. Buổi trưa nằm trong nhà, cứ thấy chó nằm đâu anh em tôi lại đến đuổi chó đi chiếm chỗ. Những con chó rất khôn, luôn chọn nơi mát nhất để nằm. Bị đuổi, chúng đứng lên ngồi xuống rồi nằm ì, không nhúc nhích, và thế là người với chó chúng tôi đành nằm chung chỗ. Lớn lên tôi đi học xa, những trận gió Lào chỉ còn trong ký ức. Hè năm ngoái tôi có việc phải về quê. Nhớ những trận gió Lào khắc nghiệt mình đã trải qua thời tuổi nhỏ, tôi cứ chần chừ. Thấy vậy, anh tôi giục:

“Chú về đi. Ở quê gió Lào giờ khác trước lắm rồi, dịu hơn, mỏng hơn, thân thiện hơn chứ không khốc liệt như xưa. Thậm chí vào tháng nắng, nhiều lúc mong gió Lào còn quá mong mẹ về chợ nữa. Để rê lúa mà…”

Tôi về, nghiệm đúng như lời anh nói, vẫn gió Lào đấy mà cứ liu riu liu riu, lắm khi mát như gió chướng Nam bộ vậy. Thấy lạ cho trời đất, đúng là “Khi nên trời cũng chiều người…[2]. Đất nước đang thời trị, gió nắng cũng bình thuận hơn. Đinh ninh thế. Thế rồi hôm rồi đọc Ba Đồn mạn thuật của nhà “Ba Đồn học” Nguyễn Quang Lập mới hay mình nhầm. Phong thủy miền quê Ba Đồn của ông Lập nói riêng, của khu 4 nói chung thay đổi hoàn toàn do con người: “Từ những năm chín mươi thế kỷ trước, rừng Trường Sơn bị tàn phá, các cánh rừng già hai mé Đông – Tây Trường Sơn còn lại rất ít, không đủ làm khối khí từ lục địa Bengal trút hết nước xuống. Gió Lào vơi dần, đến nay gần như chấm dứt…” (tr. 116).

Vì là sách dư địa chí, tác giả chỉ viết vắn tắt vậy. Mà sức gợi của nó đã khiến tôi – một người từng bị ám ảnh bởi những trận gió Lào – khi đọc đến liền phải dừng lại suy ngẫm. Và tôi nhớ, nạn phá rừng trên đất nước ta diễn ra từ lâu, được “nâng cấp” thì phải kể từ những năm chín mươi thế kỷ trước khi chủ trương “Đổi mới” được Đảng và Chính phủ tiến hành. Nói vậy tôi không có ý đổ lỗi nạn phá rừng cho đổi mới, đổi mới chẳng có lỗi gì, lỗi là ở cách chúng ta quản lý rừng, ở cách nhiều người trong chúng ta lợi dụng đổi mới, lợi dụng làm đường, làm thủy lợi, thủy điện để phá rừng. “Đến Trường Sơn nhớ Trường Sơn/ Đạn bom thuở ấy, con buôn bây giờ/ Rừng đâu? Còn gốc cây trơ/ Ta già, mượn lệ trẻ thơ khóc rừng” (Nguyễn Trọng Tạo).

Năm 1995 trong một lần tôi đi viết báo ở Bình Thuận, trước những cồn cát mênh mông mấy anh ở Liên đoàn Lao động tỉnh nói với tôi về cây nim (neem), một loài xoan chịu hạn của Ấn Độ do nhà khoa học Lâm Công Định đưa từ châu Phi về, có khả năng chịu hạn phi thường. Ở những nơi nóng nhất, khô nhất, trong khi các loài cây khác đều chết thì “xoan chịu hạn” vẫn sống và vươn lên xanh tốt. Từ đó nim được trồng phổ biến trong dân. Họ trồng quanh nhà để lấy bóng mát, trồng dọc các lối đi để làm đẹp, trồng quanh vườn để chống bão cát… Đọc Ba Đồn mạn thuật, mới hay hóa ra nước ta cũng có một loài cây nội địa chống nạn sa mạc hóa tốt không kém gì cây nim ngoại nhập.

Chuyện bắt đầu từ năm 1960. Nghe theo lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều kiều bào ta đang sinh sống làm việc ở Thái Lan đã bắt đầu hồi hương để cùng đồng bào cả nước chung tay tham gia kháng chiến và xây dựng hậu phương cho cuộc trường chinh chống Mỹ. Ở Ba Đồn, số lượng hộ gia đình kiều bào về quá đông, không thể lập nhà mới sống xen kẽ với cư dân bản địa được, kiều bào Thái Lan đã chọn ngọn đồi Thủy Tinh ở làng Phan Long (tên gọi Ba Đồn xưa) làm nơi an cư lạc nghiệp. Trên ngọn đồi khô cằn cát đá, họ đã trồng lên không biết bao nhiêu loài cây chống nóng, nhưng tất cả dần héo rũ, khô quắt rồi chết đứng, duy nhất một loài cây vẫn kiên cường bám rễ, hiên ngang đâm chồi nẩy lộc, vươn rộng thân cành sum suê, tán phủ rộng tỏa bóng mát, giúp người trồng tái tạo đất để trồng trọt, canh tác, đó là cây mít. Thế là sau vài mùa cây ra quả bói, xóm Thái Lan nhà nhà trồng mít, người người trồng mít, đến mùa mít chín một mùi hương thơm ngào ngạt lan tỏa bay đi khắp xóm. Từ đó xóm kiều bào Thái được chính thức mang một cái tên mới: Xóm Mít.

Rồi con rạm, con cua, con tôm đất, con hàu, đồng trước, đồng sau, cồn Ngòi Bút, cồn Chim Manh, cồn Dạ Thuật, lòi Đá Lả, v.v. đất đai, phong thổ Ba Đồn tác giả không bỏ sót thứ gì, tất cả được ông mô tả rành rẽ. Nguyễn Quang Lập kỹ lưỡng trong từng chi tiết, này nhé: “Người Phan Long có dáng đi thẳng, ít vòng kiềng (chữ bát) hơn người trong vùng. Đàn bà cân đối, mảnh mai, tóc mượt, ít lông, xương chậu phát triển, ngực nhỏ, mắn đẻ, về già thường béo phì. Thích giúp đỡ người khác, hay tự ái. Đàn ông râu tóc cứng và thô, vai rộng, mình dài hơn chân, ngực lép. Nhanh nhẹn và quả cảm. Hay rượu, thích khoe. Ngang tàng, hơi ngạo (tr. 207).

Những nét tính đó, về ngoại hình, đúng với rất nhiều công dân Ba Đồn gái trai mà tôi quen biết. Phần khó thấy, phần nội tâm được tác giả gọi lên ở cuối sách thể hiện qua 10 gương mặt cụ thể. Đó là ông Nguyễn Xuân Các, sinh năm 1903 tại Phan Long. Ông Các học rất giỏi, là người Phan Long – Ba Đồn duy nhất có bằng Diplome vào những năm 20 thế kỷ trước. Giàu lòng yêu nước, Nguyễn Xuân Các tham gia cách mạng từ những năm theo học trường Tây ở Huế. Năm 1937, Xứ ủy Trung kỳ, cụ thể là ông Lê Duẩn bố trí ông Các ứng cử Nghị viện Trung kỳ ở vùng Bắc sông Gianh. Nguyễn Xuân Các trúng cử. Từ đó dân Ba Đồn gọi ông là Nghị Các. Tiếc thay vì cái tên này mà năm 1955-1956 Cải cách ruộng đất, ông bị quy sai, bị bắt giam, vợ ông bà Nguyễn Thị Hoàn (con cô con cậu với bà Lê Thị Sương, vợ ông Lê Duẩn) bị khai trừ khỏi Đảng. Ông Các đã tự tận trong phòng giam. Sau này Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khôi phục lại danh dự cho ông và gia đình ông. Khi bà Nguyễn Thị Hoàn qua đời, Thành Ủy Hà Nội tổ chức lễ tang trọng thể.

Đó là ông Cổ Kim Thành, sinh năm 1918 tại làng Phan Long. Năm 1956 (38 tuổi) là Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Quảng Bình. Năm 1966, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình. Năm 1974, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình… cho đến ngày nghỉ hưu. Khi còn đương chức, nhà ông ở Đồng Hới luôn mở rộng cửa đón người Ba Đồn vào thăm chơi thoải mái, nhiều người ở cả tháng. Năm nào ông cũng về làng làm bổn phận người làng, khi biết bất kỳ khó khăn nào của dân làng ông đều không bỏ qua, cố gắng giải quyết nhanh gọn nhất trong khả năng có thể.

Đó là bà Lâm Thị Các, sinh năm 1924 ở làng Nong xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà Các học nữ hộ sinh trường Pháp. Chồng bà, ông Tráng Thông theo cách mạng, chui sâu leo cao trong lòng địch lên đến chức Trưởng ty An ninh Thừa Thiên. Năm 1947 ông Thông bị lộ, rời Huế lên chiến khu. Bà Các theo chồng lên chiến khu, rồi cùng chồng tập kết ra Bắc, ở Ba Đồn. Ước tính trong 20 năm ở Ba Đồn, bà Các đã đỡ đẻ hơn 3.000 ca mẹ tròn con vuông, không một ai ta thán, trách móc bà. Trái lại, họ biết ơn bà, vì những sản phụ nghèo được bà giúp cho thuốc men, bông băng, tã lót, quần áo trẻ sơ sinh là đồ cực hiếm thời đó. Tôi biết bà Các qua con trai cả của bà, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tri Nguyên. Có lẽ vì thế mà bà rất quý tôi? Hồi tôi ở Nha Trang, mỗi lần đến nhà bà chơi, bà bắt ăn đủ thứ. Trong lúc tôi ngồi ăn, bà ngồi bên rủ rỉ kể chuyện, chẳng có chuyện nào về công việc bảo sanh bà đã làm. Đọc Ba Đồn mạn thuật, mới hay bà là Bà Tiên của trẻ con, phụ nữ Ba Đồn. Nhớ câu chuyện của Án Anh, Tể tướng nước Tề thời Chiến quốc bên Trung Quốc trả lời vua Sở khi bị vua bày trò hạ nhục, rằng: “…cây quýt mọc ở đất Hoài Nam có quả rất ngọt, nhưng đem sang trồng ở đất Hoài Bắc thì quả lại chua. Đó là do thủy thổ khác nhau mà sinh ra thế…”. Thấy bà là cây quýt, trồng ở đất nào cũng cho quả ngọt, trồng ở đất Ba Đồn quả càng ngọt hơn.

Cùng giống quýt quý phải được kể ra ấy là cộng đồng kiều bào Thái Lan về nước: “…Từ khi Việt kiều Thái Lan về Ba Đồn, đời sống nơi đây thêm một lần thay đổi. Trước hết cung cách sống của Việt kiều Thái. Tất cả đều hồn hậu, thuần phác, chan hòa trong cộng đồng và chan hòa với người sở tại. Dù ở một thế năng văn hóa cao, kinh tế vượt trội, của cải nhiều và đắt tiền hơn so với người sở tại nhưng không một ai tỏ thái độ ta đây với người sở tại. Chẳng ai khoe của và cũng chẳng ai giấu của, Việt kiều Thái cho dân Ba Đồn biết, của cải không phải là thứ để khoe hay để giấu. Điều này đánh thức người dân Ba Đồn vốn xuất thân từ đồng ruộng buộc họ nhìn lại quan niệm Tốt khoe, xấu che, bỏ lối sống lấy sĩ diện hão làm căn bản để sống hiện đại hơn và cũng thực tiễn hơn. (tr. 491).

Còn giống “quýt ngọt” sở tại thì nở tưng bừng. Đấy là thầy Thông Dư (Lưu Trọng Dư), anh ruột nhà thơ Lưu Trọng Lư, làm bác sĩ kết hợp Đông Tây y chữa bệnh rất giỏi. Là anh hùng (chưa được phong) Nguyễn Tiến Nhẫn hoạt động cách mạng, năm 1947 bị Pháp bắt tra tấn rất dã man nhưng quyết không khai. Ngày 16.8.1948 bọn Pháp đưa anh ra đình chợ Ba Đồn xử tử hình. Chàng trai 19 tuổi ấy đã hiên ngang hô vang “Hồ Chí Minh” ba lần trước khi gục ngã bởi năm loạt đạn địch. Là thầy giáo Phan Xuân Hải, giáo viên văn duy nhất được tuyệt đối các thế hệ học trò cấp II tại Ba Đồn thừa nhận là thầy giáo dạy văn có một không hai. Học trò cũ khi nhắc đến ông, ai cũng một niềm kính trọng và ngưỡng mộ. Là anh Nguyễn Xuân Đức, một người con Ba Đồn sống làm ăn ở Huế, đã bỏ ra 17 tỷ đồng (tính tỷ giá tiền thời điểm ấy, bằng 1 triệu USD) để xây dựng lại đình Phan Long. Người ta giàu có thì tậu nhà, mua xe, du lịch Tây, Tàu cho nó đã, Nguyễn Xuân Đức không, năm nào cũng “du lịch” bằng cách đem vợ về quê, có năm ba bốn lần. Anh bảo: “Quê như cái tổ chim, mình bay nhảy chín phương trời cuối cùng cũng phải về tổ, hưởng lấy cái hồn làng rồi lại bay đi…” (tr. 595).

Là đội Văn công Ba Đồn, từ năm 1960 cho đến năm 1965 khi chiến tranh phá hoại nổ ra. Hầu như công diễn hàng đêm ở sân chiếu bóng cũ (sát chợ Ba Đồn), đã biểu diễn khắp nơi vùng Bắc sông Gianh, vào cả Đồng Hới, ra cả Kỳ Anh. Tới đâu cũng được dân chúng hâm mộ, người xem rất đông.

Là đội Bóng đá Ba Đồn, từ chân đất tiến lên chân giày. Từng thi đấu giao hữu ở Đồng Hới, Roòn, Thanh Khê, Kỳ Anh. Ghi nhiều bàn thắng đẹp trong lòng người dân thị trấn (nay là thị xã) cho tới tận hôm nay…

“Mạn thuật” là một cách viết tổng hợp giữa nhiều thể loại (kể chuyện, ghi chép, bình luận, khảo cứu…). Cách viết tự do, nhẹ nhàng, thoải mái, không trói buộc, câu nệ. Nói chung đây là bút pháp tạo điều kiện cho người ta có rộng đất để diễn, đưa vào nhiều thông tin… dễ tiếp cận bạn đọc hơn là cách viết hàn lâm. Nhờ thế, mạn thuật về Ba Đồn (như đã kể), con cá dưới nước, con chim trên trời, con đường để đi, cái nhà để ở, ngôi trường con trẻ học hành… tất tật được ánh sáng từ ngọn bút của tác giả rọi chiếu. Viết mà cái gì cũng kể cũng tả như thế thì dễ trùng lặp, rối rắm, nặng nề. Là người cao tay ấn, sách 15 chương được ông chia làm năm phần: Phần I – Thời khai thiết, 3 chương. Phần II – Phan Long ngũ chí, 5 chương. Rồi phần III… phần IV… phần V… Dưới mỗi chương là những tiết nhỏ. Nhờ thế, nhiều mà không trùng, rậm mà không rối. Kể chuyện đất đai, khí hậu mà đọc vẫn thấy nhẹ nhàng, hứng thú.

Khác với sáng tác văn học, Dư địa chí là một môn khoa học. Mà khoa học thì có hai đặc trưng, đấy là tính khách quan và kế thừa. Tính khách quan đòi hỏi người soạn sách phải trung thực khi kể, không được “tốt khoe, xấu che”. Tính kế thừa (đặc biệt rõ trong khoa học tự nhiên), cho phép Nhà khoa học tham khảo và sử dụng công trình của những người đi trước khi thấy nó phù hợp với công trình mình đang nghiên cứu; nhưng không được đạo văn, giấu nguồn gốc. Tác giả đã tuân thủ nghiêm nhặt những yêu cầu đó. Vì thế khi sách in ra, bạn đọc, nhất là những bạn đọc Ba Đồn đã nô nức đón nhận; không ít người dò từng câu, soi từng chữ thẩm định. Và ai cũng phải nể phục sự trung thực, chính xác; nể phục sức nghĩ, sức viết của tác giả.

Một văn tài dốc sức ròng rã trong 534 ngày đêm (từ 30.6.2021 – 15.12.2022) viết kỳ xong một cuốn sách không phải văn chương mà là dư địa chí, dày 602 trang, khổ 19 x 26,5cm. Thoạt nghe, có cái gì đấy sai sai. Nhưng hãy tin tôi, “tam bách dư niên hậu”, nếu có ai đó trên đất này khi ấy nhắc đến một cái gì đó trong đống tác phẩm mà văn tài trước tác, thì hẳn nhiên đó sẽ không phải là Đò ơi, Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri, Ngày xửa ngày xưa… những truyện ngắn làm người đọc đương thời thổn thức. Những mảnh đời đen trắng, Tình cát, Kiến chuột và ruồi… những tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi. Mùa hạ cay đắng, Tình sử ngàn năm… những vở kịch hit (đánh trúng). Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Không có Eva, Đảo của dân ngụ cư… những kịch bản phim truyện xuất sắc, tiền đề cho các nhà làm phim Việt Nam bấy giờ sản xuất ra những bộ phim thuộc hàng blockbuster (bom tấn). Hay Để trở thành nhà biên kịch điện ảnh phim truyện, sách lý luận về điện ảnh, một cuốn sách gối dầu giường cho các nhà biên kịch tương lai hoặc những ai đang muốn tìm hiểu về nghề này; mà đó sẽ là Ba Đồn mạn thuật, cuốn sách Dư địa chí kén người đọc.

Ông nhà văn ấy là Nguyễn Quang Lập, gọi nôm na là Bọ Lập, một cái tên Ba Đồn không thể Ba Đồn hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh, 21.1.2024

[1] Nhân vật khổng lồ trong chuyện dân gian Nghệ Tĩnh.

[2] Truyện Kiều.

Comments are closed.