Nguyễn Viện, nem rán, chả cá và phở

Vũ Thành Sơn

Trong Thay lời tựa tập truyện Thần Thánh Không Biết Bơi nhà văn Nguyễn Viện viết: Để có thể mô phỏng cái kỳ cục và phức tạp của xã hội Việt Nam đương đại, tôi nhận ra, văn chương cần một cách biểu đạt khác, phi truyền thống.

Có thể coi lời phát biểu đó như là một thứ “tuyên ngôn văn chương” ngắn gọn của nhà văn Nguyễn Viện không? Quả thật, trong các tác phẩm của mình Nguyễn Viện đã thực hiện, có thể nói, nhất quán với “tuyên ngôn” đó và người đọc cũng dễ dàng thấy chính cách biểu đạt khác, phi truyền thống đã làm nên một phong cách sáng tác mang dấu ấn cá nhân độc đáo, đặc dị, làm cho văn chương của Nguyễn Viện hoàn toàn khác với hầu hết các nhà văn đương thời.

Nhưng khác như thế nào, hay nói một cách chính xác, thế nào là một cách biểu đạt khác, phi truyền thống? Trong các phát biểu văn chương rải rác đây đó ngay cả Nguyễn Viện, trong tư cách tác giả, cũng chưa một lần trả lời một cách đầy đủ, có hệ thống câu hỏi này. Ở đây cũng cần nói thêm đến một yếu tố khác làm cho văn chương của Nguyễn Viện còn khá xa lạ với đông đảo độc giả. Đó là tính đến nay Nguyễn Viện đã cho xuất bản hơn mười bảy tác phẩm, hầu hết đều được/phải in ấn và phát hành ở nước ngoài hoặc tự xuất bản. Chính điều này, sự xuất hiện trên những kênh phi truyền thống, cũng là một lý do hạn chế không nhỏ sự tiếp cận rộng rãi của độc giả trong nước với tác phẩm, góp phần làm cho văn chương của ông tự thân đã định vị như một hình thức văn chương phi truyền thống.

Nhưng vấn đề gây không ít ngạc nhiên ở đây là không chỉ đối với người đọc, đối tượng mà tác phẩm văn chương hướng đến, mà thậm chí ngay cả giới phê bình cho đến nay cũng vậy, cũng chưa thực sự quan tâm và có một bài viết nào đề cập thấu đáo tiểu thuyết của Nguyễn Viện, về cái khác, cái phi truyền thống của ông. Một sự tránh né? Bởi công việc phê bình là gì nếu không phải là tìm kiếm, phát hiện những yếu tố mới mẻ ngay cả khi chỉ mới ở giai đoạn phôi thai nhưng có thể là dấu hiệu của một trào lưu hay ít nhất của một phong cách sáng tác khác? Nhưng có vẻ như hiện thời người ta ưa chuộng công việc khai quật các di chỉ và các nấm mồ hơn, bởi nó an toàn và dễ dàng hơn. Bằng những công cụ tối tân, hiện đại nhất họ đào đi xới lại mảnh đất bé như cái trứng chim để tìm kiếm bổ sung cổ vật cho vài cái nhà bảo tàng xây dựng tốn kém vốn đã ít người ghé mắt, ngoại trừ những khách du lịch ngắn ngày hiếu kỳ chỉ nghe nói đến mấy món ăn đặc sản quốc hồn quốc túy khi đặt chân đến xứ sở của phở, nem rán và chả cá.

Sự im lặng đó, từ phía độc giả lẫn phía phê bình, đặc biệt trong hoàn cảnh đặc thù của xã hội Việt Nam, thật đáng để suy nghĩ. Thái độ im lặng giải thích thói quen của không ít độc giả lẫn giới phê bình chỉ tìm đọc, nghe, cảm thụ theo một lối mòn. Họ hoàn toàn không chịu đựng nổi những cái mới lạ thách thức giẫm đạp lên sự linh thiêng của những cái sân đình rêu mốc.

Có thể có lý do ngoài văn chương nào chăng?

Và Nguyễn Viện, vì vậy, vẫn tiếp tục một mình một con đường, vừa-bên-trong-vừa-bên-ngoài sinh hoạt văn chương của cả nước.

Vừa-bên-trong, trong ý nghĩa Nguyễn Viện là một trong những tác giả văn học được nhiều người biết đến ở trong cũng như ngoài nước, những người đọc ông và cả những người chưa/không đọc ông. Gần đây nhất ông được giải thưởng của tạp chí văn chương mạng Văn Việt cho phần truyện năm 2017 và thơ năm 2019. Giải thưởng này cũng như nhiều tác phẩm được công bố trên các trang mạng văn chương trực tuyến trong nước hay hải ngoại đã khẳng định một điều cho đến hiện thời tưởng như vẫn còn khả nghi: Nguyễn Viện không hề là một gương mặt xa lạ.

Vừa-bên-ngoài, bởi lẽ Nguyễn Viện vẫn là một nhà văn đứng bên ngoài dòng chính, một nhà văn ngoài luồng; thế đứng của ông là thế đứng của một kẻ chịu vạ tuyệt thông.

Nhưng vừa-bên-trong-vừa-bên-ngoài đối với trường hợp nhà văn Nguyễn Viện không chỉ có ý nghĩa vật lý bên trong hoặc bên ngoài sinh hoạt văn chương, hoặc chính thống/ phi chính thống, mà còn ở một khía cạnh khác: ông vừa đứng một chân trong dòng chảy hiện thực cùng lúc đặt chân còn lại ở bên bờ phi hiện thực.

Trong văn chương Nguyễn Viện khước từ tất cả những uyển ngữ, điển phạm, cái đẹp, những lý thuyết và thực hành văn chương truyền thống, bởi vì với ông chúng chỉ có giá trị sử dụng duy nhất là khâm liệm đời sống, để đem đến một thứ thực-tại-phi-thực khác. Đó là một thứ thực tại bị bẻ gãy, cắt cụt, bị cắt đứt khỏi thời gian tuyến tính và đứng bên ngoài không gian quy ước, một thứ không gian phi Euclid. Tôi nghĩ đó chính là cái mà nhà văn Nguyễn Viện gọi là cái kỳ cục và phức tạp. Đó không phải là cái không gian sống hằng ngày của chúng ta hay sao?

Cái kỳ cục và phức tạp này chính là hiện thực mà chúng ta chung đụng mỗi ngày, giáp mặt với nó và bị đó đè bẹp. Chúng ta mỗi ngày sống chung với những cái kỳ cục và phức tạp, cọ xát, ăn nằm với chúng đến nỗi thành quen thuộc không còn nhận ra sự phi lý và phi hiện thực của chúng nữa bởi vì chúng ta bị cắt rời khỏi dòng chảy của lịch sử, chúng ta chới với trong một hiện tại bị đứt gãy giữa quá khứ và tương lai (Hannah Arendt). Lịch sử bị treo cổ.

Cái phi lý và phi hiện thực lẽ ra chỉ có ở những câu chuyện cổ tích nhưng lại là cái hiện thực của chúng ta mỗi ngày. Và Nguyễn Viện nhà văn đã đưa chính cái hiện thực hỗn độn đó vào trong tác phẩm của mình. Trần trụi. Không hoa mỹ. Một viên thuốc đắng không bọc đường. Đó là một thứ hiện thực phẳng, dẹt, không có những góc lồi, lõm hoặc những đường viền. Độc giả không được tác giả chừa cho một khoảng không gian nào, cho dù nhỏ đi nữa, để lùi lại, dựa vào tường và lựa chọn một thế đứng; họ bị ném thẳng thừng vào đó, chới với không một chỗ bấu víu để quy chiếu. Trong cái hiện thực đó của Nguyễn Viện người ta bị lôi tuột vào cùng với đủ loại thần thánh, nhân vật lịch sử có thật hay dã sử, bên cạnh một cô gái điếm, một nhà văn và những con người cụ thể. Tất cả bị xáo trộn, xào nấu sống sít không gia vị trong một cái chảo lửa Việt Nam. Có lẽ với nhiều cái dạ dày vốn đã quen với riềng, mẻ, mắm tôm hẳn sẽ không thể tiêu hóa nổi món ăn lạ kỳ này, mà lẽ ra nó cần phải được chế biến theo những phương pháp ẩm thực quen thuộc. Tôi không nghĩ hiện thực của Nguyễn Viện là hiện thực huyền ảo của các nhà văn Nam Mỹ, đơn giản bởi vì hầu hết truyện của ông không có yếu tố huyền ảo. Một thứ hậu-hiện-thực chăng?

Khi đọc Nguyễn Viện tôi hay nghĩ đến Kierkegaard. Triết gia người Đan Mạch này là người khởi xướng luận điểm “Chúng ta là những người cùng thời với Giêsu”. Cùng thời, đương thời trong ý nghĩa liên lịch sử giữa người chết và người sống. Nhân loại có những người chết đi nhưng họ lại được tái tạo qua những người đang sống. Và vì thế ai cũng có thể là một Nguyễn Du hay Phan Thanh Giản ở dạng một khả hữu. Ai cũng có thể sống thân phận của một Nguyễn Du hay Phan Thanh Giản trong đời sống hiện thực.

Nhìn ở khía cạnh này thế giới nhân vật của Nguyễn Viện sẽ dễ dàng tiếp cận hơn rất nhiều.

Trong tay tôi bây giờ là một tác phẩm mới của Nguyễn Viện, Nu Na Nu Nống Xứ Mê Man. Ở tác phẩm này Nguyễn Viện sử dụng một thể loại quen thuộc với hầu hết mọi người: cổ tích dân gian. Và ở đây một lần nữa Nguyễn Viện lại cho chúng ta thấy nỗ lực thoát ra khỏi những cái khung giam hãm của truyền thống như thế nào. Những truyện trong Nu Na Nu Nống không có cấu trúc của những câu chuyện cổ tích và không hề bám theo triết lý dân gian Thiện – Ác thường gặp.

Tuy vậy, lựa chọn thể loại truyền thống này, theo tôi, là một lựa chọn mạo hiểm vì mảnh đất dành cho các màn nhào lộn, tung hứng bị thu hẹp tối đa. Sự thành công hay thất bại hoàn toàn tùy thuộc vào tài năng của nhà văn. Với Nu Na Nu Nống tôi bắt gặp một Nguyễn Viện nhà thơ trong một thế giới trầy trụa nhưng không kém thơ mộng.

Sau Nu Na Nu Nống Xứ Mê Man, nhà văn Nguyễn Viện tiếp tục cho ra mắt hai tác phẩm nữa: Thảo Mai Trên Dốc GióNhững Kẻ Giết Người, đều được phổ biến trên tạp chí văn chương mạng Da Màu. Sự kiên trì sáng tạo của ông thật là đáng ngạc nhiên, nhất là trong một thời kỳ các nhà văn đều đang giãy chết. Trong tư cách một người đọc Nguyễn Viện, câu hỏi của tôi không phải là Tại sao người ta viết?, mà là Tại sao người ta không viết?.

Tôi thường không tìm kiếm trong các tác phẩm của Nguyễn Viện những ẩn dụ văn chương. Kinh nghiệm đọc cho tôi thấy khi tìm cách giải thích tác phẩm của ông qua những ẩn dụ thì tôi bắt gặp một Nguyễn Viện nhà văn không mấy độc đáo. Nhưng nếu đọc Nguyễn Viện theo cái cách của nhân vật Melquíades “Mọi thứ đều có đời sống của riêng nó” (“Things have a life of their own” – Gabriel García Marquez, Trăm Năm Cô Đơn) thì tôi có một Nguyễn Viện nhà văn tài hoa và can đảm.

Comments are closed.