Doãn Quốc Sĩ
Chương 8
Hai nhánh sông phân ly
“Nhất nhật bất kiến như tam thu hề”
Đã hai hôm nay Thiệu không gặp Yến?
Chẳng phải là ngày nghỉ, nhưng nhìn đồng hồ thấy kim chỉ gần ba giờ chiều, Thiệu cũng quyết định đi xi-nê. Vừa bước vào cửa rạp chàng đứng sững lại, Yến cũng có mặt trong hàng người nối đuôi chờ lấy vé. Thiệu biết là Yến làm như không trông thấy mình, vì rõ ràng khuôn mặt nàng càng phụng phịu và môi nàng càng đỏ mọng.
Đã từ hai hôm nay Thiệu vẫn nghĩ: trong khi chưa có dịp may đẹp đẽ, thà cứ giận nhau mà trọng nhau còn hơn làm lành gượng gạo mà rẻ rúng nhau, Thiệu chưa muốn làm lành với Yến trong dịp này, nhưng nghĩ bất chợt hai người gặp nhau ở đây mà cùng quay mặt đi thì thái độ đó cạn tầu ráo máng quá.
Chính vì ở tình trạng cõi lòng bị chia xẻ giữa hai thái độ trái nghịch mà khi tiến lên lời chàng nói với Yến nghe gượng gạo:
– Yến ra ngoài này chờ, để tôi lấy vé một thể.
– Thôi cám ơn anh, chẳng cần ạ.
Đâm lao đành phải theo lao vậy, Thiệu nói:
– Bức tranh của Yến xong rồi, Yến đến xem nhé.
– Thôi cám ơn anh, chẳng cần anh ạ.
Như một bức tranh vẽ hỏng; nét bút đưa vào để chữa làm hỏng thêm, Thiệu thấy giận mình, giận Yến đến cực độ.Chàng đi ra khỏi cửa rạp.
Rồi mười ngày qua đi nặng nề. Thiệu không gặp Yến. Chàng thấy cõi lòng hoang vắng và chàng biết Yến cũng chẳng sung sướng gì hơn. Vì lòng kiêu hãnh vì lòng tự ái cố hữu của con người,Thiệu, Yến cũng mắc vào khe răng cưa của định mệnh. Thiệu phải cố gắng lắm mới giữ được cho tờ Người Việt bộ mặt khả ái cũ – kể cả về nội dung lẫn hình thức. Văn chương, nghệ thuật, nếp sống mà làm gì, khi không còn tình yêu? Chỉ có tình yêu làm đẹp người và người chỉ đẹp trong tình yêu.Thiệu thầm trách Yến đã không hiểu rằng mọi sự ở đòi đều hư ảo trừ tình yêu. Trong tình yêu của Thiệu, Yến sẽ đẹp mãi, Yến đã dại dột chạy trốn tình yêu của Thiệu!
Hồn Thiệu là một khoảng trời.
Khoảng trời có một vì sao đẹp.
Vì sao đẹp rụng rồi.
Làm sao nói hết được cái hoang vắng của khoảng trời chợt rụng mất vì sao đẹp?
Ngày nào Thiệu cũng đến thăm chị Hoa. Để tự an ủi.
Nhưng nhiều khi bóng hiền dịu của chị Hoa cũng không an ủi nổi. Có đêm đang ngủ chàng sực thức giấc lắng nghe tiếng ống khói chuyến tầu đêm phụt lên, âm thanh nặng nề như bước đi của một loài ác quỷ đang cố kéo trái đất vào lò hủy diệt.
Dù trái đất có hủy diệt thì tro bụi của Thiệu cũng phải tìm tro bụi của Yến mà hoà quyện lấy nhau.
Thiệu muốn hét lên: “Yến ơi không có vũ trụ khách quan, vũ trụ nhuộm đẫm tâm tình cá nhân, em thấy không?”
Ngày thứ mười hai, một tin vui sét đánh đến với Thiệu: chàng nhận đưọc thư toà Đại sứ Pháp cho hay chàng đã được cấp học bổng vào năm thứ ba Trường Mỹ Thuật Paris. Lúc đó vừa là trung tuần tháng Chín. Tính ra chàng chỉ còn một tháng trời để sửa soạn giấy tờ, thu xếp công việc, sao cho lên đường kịp ngày nhập học vào khoảng đầu tháng Mười sắp tới.
Chàng đã có một ý định.
Từ ngày gặp lại Yến, tuy hai người gần gũi nhau mà Thiệu chưa hề ôm Yến trong vòng tay bao giờ. Chàng đã ôm các vũ nữ, chàng đã ôm các cô gái thường, nhưng chàng không muốn ôm Yến.Trước đây chàng vẫn thầm nguyện chàng chỉ ôm Yến khi Yến là vợ mình. Chàng sợ việc ôm trước Yến, gần gũi da thịt nàng như vậy sẽ làm mất cái đẹp lý tưởng của mối tình chăng? Hình như khi người đàn bà đã biến thành bản thể của tình yêu thì dù ở tuổi nào, dù đã lăn lộn đến đâu trong trường tình, người ta vẫn nén lòng với thái độ trầm lặng để đứng vừa đủ xa người yêu mà ngắm cho lòng thêm mê say, hơn là tiến lại quá gần mà lòng kém thanh tao. Định mệnh đã quyết thế, hai người như hai vì sao lân cận – chẳng ai là hành tinh của ai – mỗi vì có một quỹ đạo riêng nếu sát gần lại quá sẽ gây rối loạn cho nhau.
Suốt hai mươi lăm hôm liền Thiệu đi lo giấy tờ, thu xếp và bàn giao cộng việc tòa báo, sửa soạn hành trang. Thiệu hết sức tránh không đi qua hiệu bào chế đường Bonard, không cả đi ciné nữa, e bất chợt gặp Yến như hôm nào. Chuyện này Thiệu có tâm sự qua với Tạo.Trước ngày đi hai hôm, Tạo họp các anh em trong tòa soạn làm tiệc tiễn hành. Đặc biệt hôm đó Tạo ít bông đùa và nhìn Thiệu đôi mắt ưu ái.Thiệu biết không phải Tạo trầm ngâm vì đôi bạn sắp phải xa nhau hàng năm trời mà vì Tạo còn thông cảm với nỗi buồn của chính Thiệu nữa. Lúc dùng đồ tráng miệng,Thiệu yêu cầu Tạo đờn cho mình nghe. Tạo ngồi ngay vào dương cầm và chơi “Tang ai khúc” (Marche funebre) trong bản đại Hợp Tấu thứ ba của Beethoven. Tiếng đàn dứt, mọi người vỗ tay, Thiệu buồn rầu hỏi Tạo:
– Sao cậu chơi Marche funèbre của Beethoven. Đã có một nhạc sư phê bình: nghe khúc này người ta có cảm tưởng như cùng đám tang đi vào một mầu hồng rực. Tôi nghĩ rằng cậu đương đi vào tương lai mầu hồng của sự nghiệp, nhưng mang theo một cái tang trong lòng!
Đôi bạn nắm tay nhau im lặng, niềm thông cảm như ánh sáng biêng biếc của vài vì sao trên vòm cao một đêm đông hiu hắt tỏa xuống sưởi ấm cho hai người.
Ngày cuối cùng là ngày tiệc tiễn hành của chị Hoa. Lần này đến lượt chị Hoa đi Cái Sắn đón anh chị Tín và các cháu. Bữa tiệc khá lớn và vui. Y như lần trước, chị Hoa chỉ ngồi để gắp thức ăn cho Thiệu. Tuy chị không nước mắt chảy quanh, vì chị biết Thiệu đi lần này là đi du học ở một nước văn minh và khi thành tài Thiệu có một địa vị đáng kể, nhưng thỉnh thoảng chị vẫn nhắc câu: “Sang bên đó đừng chơi bời gì cậu nhé, mình đã trưởng thành, giời bắt tội cha mẹ mất sớm …”
Chắc là chị có được nghe nhiều chuyện về cung cách ăn chơi tại kinh thành ánh sáng.
Thiệu khuyên các anh chị đừng ai phải ta tiễn tận trường bay Tân Sơn Nhất làm gì, vì chàng ngủ lại ở đây, sớm mai khi ra đi có đông đủ cả nhà là được rồi. Ý kiến này được chị Hoa nhiệt liệt tán thành. Chị vốn ghét đưa tiễn.
Chín giờ tối hôm đó Thiệu đến tìm Yến. Chàng cho xe đậu vào góc đường Bonard, đúng chỗ xe đã đậu ngày chàng gặp lại Yến lần đầu. Thiệu thủng thỉnh đi lên. Nụ cười và đôi mắt Yến sáng lên khi nàng vừa nhận ra Thiệu.
Thiệu nói:
– Tôi muốn gặp Yến một chút được không?
Yến vui mừng:
– Được chứ. Mời anh vào trong nhà.
Thiệu lắc đầu:
– Không, xe tôi ở đầu đường, Yến theo tôi tới đó.
– Nếu vậy, anh chờ tôi vào thay chiếc áo blouse này đã.
Yến đã thay blouse, nàng mặc một chiếc áo màu cánh chả rực rỡ nhất.
Khi ra tới đường, Yến hỏi:
– Anh giận Yến?
Lần đầu tiên Yến xưng “Yến” thật thân mật với Thiệu.
Thiệu cười hỏi lại:
– Hay là Yến giận anh?
Lần đầu tiên Thiệu xưng “anh ” với Yến mà cả hai đều cảm thấy rất tự nhiên.
Yến nói lại, giọng tinh nghịch:
– Nhất định anh giận Yến.
Thiệu đi sát lại hơn, vai Thiệu và vai Yến cố ý dựa vào nhau để cùng tiến bước, Thiệu cúi xuống âu yếm:
– Nếu hiểu chữ giận theo nghĩa siêu hình của nó thì anh thường xuyên giận Yến, nghĩa là thường xuyên … yêu Yến.
Yến ngước mắt nhìn Thiệu rồi cúi xuống không nói. Hai người vừa tới chỗ để xe.
Thiệu dừng lại trước, hai người đứng dối diện, đôi mắt Yến nhìn Thiệu thoáng vẻ lo lắng. Hình như linh tính đã cho nàng biết trước sự chẳng lành. – Anh phải đến báo với Yến – Thiệu nói – đến chào Yến thì đúng hơn, mai anh đi Pháp.
Thực tình lúc đó Yến tưởng nàng khụy xuống:
– Anh đi Pháp?
– Anh được cấp học bổng sang đó học nốt về Hội Họa.
– Anh đi mấy năm?
– Có thể là ba bốn năm, có thể là năm mười năm, bao giờ tự xét mình quả đã thành tài.
Hai tay Yến nắm lại và nàng cắn môi, không phải để suy nghĩ mà để có đủ nghị lực chịu đựng nhát búa khốc liệt của định mệnh.
Giây lâu Yến hỏi, giọng lạc hẳn đi khiến Thiệu có cảm tưởng như nghe tiếng đó trong giấc chiêm bao:
– Chúng mình giận nhau thật ư hở anh?
– Thật chứ!
– Kể có thế mà chúng mình giận nhau, vô lý thật.
– Cuộc đời mà không có những cái vô lý như thế thì chán chết.
Yến ngước nhìn Thiệu trách móc.
– Yến nghĩ xem anh còn biết làm gì hơn? Giời còn có khi nắng khi mưa huống chi là người. Miễn là bây giờ chúng ta không giận nhau nữa là được rồi. Ấy là tại mai anh đi Pháp, nếu anh còn ở đây lẽ cố nhiên chúng ta còn giận nhau như thường. Định mệnh muốn thế Yến ạ.
Giọng Thiệu trầm xuống nữa:
– Nhưng quả là chúng ta đã yêu nhau thật, điều đó mới cần thiết. Giả sử anh giầu, anh có nhà cao cửa rộng, có ôtô Mỹ thì gặp nhau, thân nhau, yêu nhau chúng ta vẫn nhiều khi bối rối tự hỏi: chúng ta có yêu nhau thật không, hay là cái giàu sang cái hợm hĩnh của anh đã khêu gợi được cái bất kham ở Yến và cả hai cùng có ảo tưởng là đương yêu nhau? Cái nghèo của một trong hai người đã là một thứ cửa hẹp lọc lấy phần tinh túy của tình nhau.
Có hai giọt nước mắt đọng trên mi mắt Yến mà Yến thì đứng lặng yên như pho tuợng. Thiệu nắm lấy tay Yến:
– Kiếp sau Yến là vợ anh! Cho đến cái ngày xa xôi đó, anh lúc nào cũng mê say hình ảnh em.
Buông tay Yến ra, Thiệu thấy hai bàn tay nàng bỏ thõng. Yến vẫn không nói gì, không nói được gì.
Thiệu mở cửa xe lấy ra bức tranh trao cho Yến, chàng nói:
– Thảng hoặc còn nhớ đến anh, em nghĩ đến một người yêu em từ thuở còn thơ ấu, yêu tha thiết mà vẫn cố nén lòng không hôn em để giữ trọn vẹn tình lý tưởng. Hình ảnh của anh đó.
Thế là thoát, câu nói cuối cùng Thiệu nói xuôi một mạch trơn tru như một dòng suối lao mình trên một triền đá phẳng.
Yến vẫn không nói gì, không nói được gì. Nàng lẳng lặng cầm bức tranh rồi quay đi? Nhìn phía sau, Thiệu thấy hai cánh tay Yến hơi co lên để khung tranh khỏi sát đất. Ánh ngọn đèn đường lọc qua lùm cây đổ xuống bên bờ vai thon chợt rung động của nàng.
Thiệu không thể đi theo Yến, Thiệu không thể cầm bức tranh đó cho Yến, bởi còn gần Yến lúc này chàng e rằng mình sẽ không nén được nỗi lóng xúc động và như vậy – theo ý chàng – hơi lố đối với một người đàn ông.
Về phần Yến, tuy đi trong bàng hoàng đau đớn mà nàng còn kịp nghĩ rằng: Phải, Thiệu chưa hề ôm nàng thật nhưng nàng đã thất thân với Thiệu từ lâu rồi. Cả tâm hồn Yến là của Thiệu, Yến chẳng thể tự chủ mỗi khi bị chìm ngập trong đôi mắt của Thiệu. Yến đã thừa biết tự bao giờ trong trí tưởng tượng cao khiết và hùng vĩ của người yêu nàng chỉ là một pho tượng khỏa thân.
Khi bóng Yến đã khuất vào cửa hiệu, Thiệu thở phào một tiếng thật dài, ngước nhìn lùm cây, ngước nhìn bóng đèn rồi phóng tầm mắt lên gặp mấy vì sao.
Vừa đóng cửa xe, chàng vừa khép miệng nói khẽ:
– Có thế mình đi mới yên lòng. Còn gì buồn hơn khi xuôi dòng, con sông còn phải ngoái cổ lại thắc mắc về một khúc quành.
Thiệu định sẽ đến thẳng nhà Tạo xem sớm mai có những bạn nào ra Tân Sơn Nhất tiễn mình?
Từ nay nắng chẳng còn chiếu lên con đường mịn nằm nép dưới cầu như người vợ yêu nằm nép dưới cánh tay chồng, mà là thứ nắng vàng lám căng giây tâm tình để bắt lấy tiếng sầu từ vạn ngả như lời thơ Huy Cận:
Ôi, nắng vàng sao mà nhớ nhung
Có ai đàn lẻ để tơ trùng
Có ai tiễn biệt nơi xa ấy
Khiến bước chân đây cũng ngại ngùng
Hình như có mùi thơm hoang dại của những đồi hoa sim màu tím, mùi thơm như vùng lên thành tiếng kêu thương bát ngát, rồi quyện lấy người bộ hành trên đường mòn cho cả hai cùng bớt cô độc. Hình như có người con gái mặc áo hoa thẫm hễ nói lên là bối rối như ánh trăng trong chậu nước sóng sánh, vì nàng trong trắng quá, trong trắng như con chim nhỏ kia cất tiếng hót mà chẳng kịp nghe tiếng mình hót. Người con gái áo thẫm nét mặt thật đẹp, mũi dọc dừa thật đẹp, khi miệng cười thì mắt cũng cười. Nhưng sao cả khuôn mặt đẹp đó bỗng trôi theo dòng sông mây trắng trên đèo Hải Vân?
Máy đã nổ dìu dịu. Thiệu vẫn chưa cho xe chạy. Yến bướng bỉnh thế đấy.Không bao giờ chịu khóc trước mặt ai, chỉ khóc một mình. Hay là Thiệu đi thẳng vào cửa hiệu, tới phòng Yến gõ cửa, Yến đương khóc, Yến sẽ lau vội nước mắt nhưng vẫn còn ngấn ướt để Thiệu thấm cho khô. Lau nước mắt cho Yến làm gì nhỉ? Lau như vậy là khơi nguồn nước mắt vô tận cho người yêu đáng thương. Mai Thiệu đã ra đi sớm rồi mà. Đừng lau ngấn nước mắt đó để tư tưởng của đôi bên gom lại có đủ sức mạnh khơi cho “càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông.”
Con sông dài làm sao!
Con sông dài như chẳng bao giờ gặp biển!