Nhà văn Phạm Văn Ký: Kẻ đi rong nơi biên giới hay một căn tính xung đột

TS. Phạm Văn Quang (*)

 

Tóm tắt: Khái niệm căn tính luôn dẫn ta đến những chất vấn về “cái tôi” nhằm thiết lập cho nó một vị thế nhất định trong tương quan với “kẻ khác”. Trong phạm vi diễn ngôn, hay đúng hơn trên bình diện tự sự, “cái tôi” ấy thường có nhu cầu trở về quá khứ, tìm kiếm sự dung hòa với hiện tại và tương lai. Nhưng “cái tôi” ấy là gì để có khả năng khôi phục một lịch sử hay một quỹ đạo cuộc đời con người, trong đó luôn vén mở một căn tính bất định? Câu hỏi có vẻ càng trở nên tế nhị khi từ khái niệm căn tính chúng ta có thể nói đến căn tính tự sự. Mặt khác, khái niệm căn tính có khả năng xâm nhập cả số phận con người cá nhân lẫn hoạt động sáng tác văn học. Trong suy nghiệm như thế, chúng tôi muốn đề cập đến nhà văn Pháp ngữ Phạm Văn Ký như một trường hợp điển hình trong hành trình tìm tái thiết một căn tính thông qua quá trình sáng tác văn học.

 

(Hình: Carnets du Vietnam)

***

Trong thời đại mang đặc trưng của những chuyển đổi, giao thoa, toàn cầu hoá mạnh mẽ, các không gian thiết chế văn hoá phải đối diện với những thách thức trong việc duy trì những loại hình truyền thống và tiếp nhận những loại hình mới. Các cộng đồng thể hiện tính cạnh tranh khắc nghiệt nhưng không loại trừ khả năng phụ thuộc lẫn nhau về mặt xã hội và văn hoá để tồn tại và chứng minh những đặc thù của mình. Cá nhân có khuynh hướng trở thành công dân toàn cầu nhưng không muốn (hay không thể) xoá bỏ hình ảnh cội nguồn. Mới đây trong bài viết đăng trên tạp chí Đời sống Tư tưởng (La Vie des Idées), Michael Foessël tỏ ra nghi ngại về một hiện thực: “Trở thành công dân toàn cầu: một chân trời hay một vực thẳm trong ứng xử” hiện nay. Đây không phải là cách đặt vấn đề mới. Trong khoa học xã hội và nhân văn từ những thập niên 1980, người ta đã bàn nhiều về khái niệm căn tính cá nhân và căn tính cộng đồng. Đây phải chăng là hệ quả của những hiện tượng xung đột nêu trên trong các xã hội bước vào thời kỳ hậu hiện đại, nơi mà căn tính cá nhân được thừa nhận trong sự biến đổi và trong những mâu thuẫn nội tại và ngoại tại? Đặt vấn đề về căn tính không thể tách khỏi phạm vi văn hoá, một trong những thành tố của căn tính cá nhân và căn tính quốc gia. Trong ý tưởng này, chúng tôi xem xét trường hợp cụ thể nhà văn Phạm Văn Ký như đối tượng của giao thoa và tiếp biến văn hoá Việt-Pháp, đồng thời là biểu trưng của một hiện tượng khủng hoảng và xung đột căn tính.

Về khái niệm căn tính

Căn tính là một trong những khái niệm tô-tem. Các vấn đề về căn tính đã thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia nghiên cứu trong những lĩnh vực khác nhau. Pierre Luigi Dubied, trong tác phẩm Apprendre Dieu đã có nhận xét về căn tính như sau:

Trước tiên, căn tính chỉ mới nở rộ như một chủ đề mấu chốt trong khoa học xã hội và trong văn học. Khái niệm căn tính thể hiện một cách đặt vấn đề chắc chắn mang tính lan toả, đặc biệt trong chủ nghĩa lãng mạn và khơi gợi từ những điều kiện cuộc sống trong xã hội thời công nghiệp: thời đại mà cá nhân dần dần đánh mất căn tính thân thuộc có được nhờ các nhóm xã hội ổn định và đồng nhất của mình” (1992, tr. 123).

Không phải cho đến thời kỳ của các xã hội công nghiệp, mà từ lâu con người vẫn tự chất vấn về căn tính riêng, bản tính, cội nguồn và cả định mệnh của mình để qua đó thấu hiểu thực sự mình là ai. Trong xã hội đương đại, những câu hỏi này càng đặt ra một cách mãnh liệt. Vì thế khái niệm căn tính đã thực sự có sức lan toả. Nhưng căn tính là gì? Chúng ta có thể sử dụng định nghĩa của giáo sư, nhà xã hội học Alex Mucchielli. Theo ông,

Căn tính là một tổng thể các tiêu chí, các minh định của một chủ thể và một cảm thức nội tại. Cảm thức căn tính này được hình thành từ những cảm thức khác nhau: cảm thức về tính duy nhất, nhất quán, phụ thuộc, phẩm giá, độc lập và tin tưởng, tất cả được sắp đặt xung quanh một ý chí sinh tồn. Các chiều kích của căn tính được kết hợp mật thiết với nhau: tính cá nhân (cảm thức duy nhất), tính cộng đồng (cảm thức thuộc về một nhóm) và tính văn hoá (cảm thức có một văn hóa phụ thuộc)”[1] (1986, tr. 5).

Ý thức về căn tính của mình là một dữ kiện cơ bản về mối tương quan với cuộc đời và với thế giới. Ý thức này được hình thành từ một quá trình phức tạp kết hợp tương liên giữa bản thân với kẻ khác, giữa cá nhân với xã hội. Vì thế người ta thường nói đến căn tính cá nhân và căn tính cộng đồng. Các lý thuyết về xây dựng căn tính cá nhân và cộng đồng đều hướng đến miêu tả các tiến trình nội tại hoá các chuẩn mực ngoại giới của cá nhân, chủ yếu thông qua ngôn ngữ cũng như những xung bức bắt nguồn từ tiến trình đó.

Các tiến trình xây dựng căn tính thay đổi theo xã hội và bối cảnh lịch sử. Hình ảnh con người cá nhân hiện đại biểu lộ như một hữu thể tâm lý có khả năng độc lập với kiểu mẫu tiền định về con người, một chủ thể có khả năng khác biệt dựa trên vị trí xã hội của mình, một con người mong muốn tự chủ dựa trên cương vị của mình trong cộng đồng. Theo nhãn quan này, những quan tâm về cá nhân bắt đầu thay thế cho những quan tâm về tập thể. Ý thức xây dựng bản thân áp đặt lên quan niệm về một xã hội là một toàn thể có khả năng quyết định vị trí và chức năng của mỗi cá nhân. Chính vì lẽ đó cá nhân cần những chiến thuật và những biến thuật về căn tính. Cũng chính từ đó, xuất hiện khả năng xung đột căn tính giữa cái kế thừa và cái mong đợi, giữa nền tảng cội nguồn và ước mơ vươn tới.

Trong mọi trường hợp, khái niệm căn tính trong nghiên cứu về con người đương đại gợi cho ta câu hỏi mang sắc thái bản thể luận: “tôi là ai?”. Hannah Arendt, triết gia người Đức gốc Do Thái, cho rằng trả lời chính xác cho câu hỏi này đồng nghĩa với việc đi vào tiến trình kể lại dòng chảy đời mình (1958). Chính trong hành trình tự sự đó ta thấy căn tính của cái “ai” ở đây là một căn tính tự sự. Nói cách khác, căn tính tự sự vén mở một dạng thức của cái “ai” trong căn tính con người. Căn tính tự sự theo ý nghĩa của Paul Ricoeur được hình thành từ sở ngã tính (cái chính mình), từ sự phù xuất (nổi lên) của chủ thể trong vị trí kép: vừa là độc giả vừa là tác giả của chính cuộc đời mình. Paul Ricoeur cho rằng dòng chảy của một cuộc đời không ngừng được tái thiết nhờ những câu chuyện chân thực hay hư cấu do chính chủ thể kể về mình[2]. Như vậy, căn tính tự sự không hề chứng tỏ sự ổn định. Nó biến đổi và trở thành đối tượng của nhiều phiên bản khác khau, có khi bổ sung có khi đối lập nhau.

Căn tính tự sự và nhà văn

Tự sự là một trong những chiến thuật tái thiết căn tính. Chuyện kể là hình thức kết cấu cho phép con người tìm được ý nghĩa, thoát khỏi sự hụt hẫng. Về khía cạnh huyền ảo, nó cho phép phục hồi một dòng chảy được đánh dấu bằng đau thương hay ngược đãi, hoặc hơn nữa nó cho phép tìm ra những trung gian đối lại những nghịch cảnh.

Như vậy đã rõ. Viết là để khẳng định căn tính, tìm ra căn tính hay tạo ra một căn tính. Từ lâu trong văn học, mục đích sáng tác thường gắn với ý tưởng khẳng định cái tôi, một hình thức thể hiện thượng đẳng của một căn tính đã định hình (như trong chủ nghĩa Lãng mạn). Nhà văn gán cho văn tự một khả năng củng cố cái tôi trong hình thức viết, khả năng hiện thực toàn diện nhất của con người mình. Con người nhà văn được khẳng định trong chính tác phẩm của mình. Từ Baudelaire cho đến Maurice Blanchot đều đi theo nhân sinh quan này khi cho rằng, con người là sản phẩm của cái mình tạo ra (l’homme est ce qu’il fait):

Giả như phải bình phẩm một người nào đó qua tác phẩm của anh ta, thì người đó chính là nghệ sỹ. Chúng ta gọi anh ta là người sáng tạo. Kẻ sáng tạo của một thực tại mới, mở ra cho thế giới một chân trời mênh mông hơn, một khả năng tuyệt nhiên không bị đóng kín […] Kẻ sáng tạo chính mình trong cái mình tạo ra.[3]

Đối với Marcel Proust, viết là phương tiện ưu việt giúp vượt qua lo âu bấp bênh của trải nghiệm tức thì, giúp chiếm hữu tính đích thực sâu sắc của những cảm nhận, tạo cho những cảm nhận ấy một chiều kích liên tương để sáp nhập chúng trong một nền văn hoá và khuyếch tán chúng dưới hình thức giao thoa trong một tổng thể ẩn dụ cho phép chuyển hoá những dữ kiện ngẫu nhiên của thời gian và không gian. Nhà văn qua tác phẩm tự thể hiện mình với chính mình và biểu đạt với người khác hình ảnh của một cái tôi biến định, nhưng trong cái tôi biến đổi ấy căn tính cốt yếu hình thành.

Như vậy, căn tính có thể được xem như một yếu tố nền tảng trong văn học đương đại. Nó giúp trả lời cho câu hỏi vì sao tác phẩm văn học ra đời?

Phạm Văn Ký: một căn tính xung đột

Nhà văn Phạm Văn Ký sinh ngày 10 tháng 7 năm 1916, tại Bình Định. Thực tế đời sống cũng như các dữ liệu tiểu sử và thư mục tác phẩm có lẽ đủ chứng minh Phạm Văn Ký chịu ảnh hưởng nền văn hoá Pháp ngay từ thời trẻ. Là một sự dư thừa khi nói về những ảnh hưởng văn hoá Pháp trên một con người xuất thân từ chính nền giáo dục của Pháp. Tuy nhiên, cũng nên nhấn mạnh đến trường hợp đặc biệt của Phạm Văn Ký, khi vốn văn hoá Pháp nơi ông đã vượt ra khỏi những quan sát tầm thường của những biểu hiện bên ngoài để đạt đến đỉnh điểm của sự sáng tạo và hồn cốt của quan điểm thẩm mỹ và nghệ thuật. Về vấn đề này, năm 1978, trên tạp chí Présence Francophone, số 16, giáo sư Thuong Vuong Riddick đã có bài nghiên cứu rất lý thú và sâu sắc về thể tài “Thảm kịch Tây hoá” của nhà văn thông “qua các tiểu thuyết” của Phạm Văn Ký.

Hơn nữa, trước đó, năm 1954, trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhà phê bình văn học Pháp André Bourin, đồng thời là chủ bút tạp chí Nouvelles littéraires, Phạm Văn Ký xác nhận những ảnh hưởng sáng tác văn học ngay từ khởi đầu văn nghiệp của ông như sau:

Thời kỳ theo học tú tài ở Hà Nội, tôi đã lần lượt khám phá Lamartine với một phong cách uyển chuyển rất thú vị, rồi đến Verhaeren, Samain và Rostand. Nhưng chỉ đến khi tốt nghiệp tú tài tôi mới thực sự biết đến Mallarmé và Valéry, hai phát hiện vĩ đại của tôi[4].

Phạm Văn Ký bắt đầu hành trình trải nghiệm ở chân trời mới từ năm 1938, khi ông được chính phủ thuộc địa cấp một xuất học bổng du học văn chương tại Sorbonne. Ở Pháp, Phạm Văn Ký đã xây dựng hình ảnh mình như một nhà trí thức thực thụ, được ngưỡng mộ đặc biệt trong giới trí thức và trong báo giới Pháp. Ông cộng tác với những tờ tạp chí chuyên ngành văn học nổi tiếng như Esprit của Emmanuel Mounier, Les Temps Modernes của Jean Paul Sartre, Cahiers du Sud của Jean Ballard, Preuves của François Bondy, v.v. Không gian báo chí đã mở ra cho Phạm Văn Ký một “tiểu vũ trụ văn học”, nói theo thuật ngữ của Bourdieu, nơi đó tâm thế nhà văn bắt đầu được khẳng định.

Trong Frères de sang, tiểu thuyết đầu tiên xuất hiện dưới hình thức tự thuật, Phạm Văn Ký thổ lộ con đường văn học của ông mang nặng dấu vết văn hoá Pháp:

Ta khởi đầu con đường tôi luyện văn chương trên những bến đậu Paris, giữa những sạp sách cũ. Hỡi Tây Phương, ta đã trở thành nhà văn theo phong cách của ngươi. Ta chắt lọc từ đó một lối diễn đạt riêng có khả năng giải mã các vấn đề của riêng ta bằng ngôn ngữ của ngươi: đó là những cuộc khai phá hình thức chuyển tải các giai điệu của trí tuệ, nối kết với ý nghĩa thanh tao, với dư vang mới lạ, với những tương giao chân thực, những sức mạnh cảm ứng ngôn từ của ngươi! Ta tham vọng quay về cội rễ cái Mỹ của ngươi. Ta được mệnh danh là kẻ lang thang nơi biên giới (tr. 57).

Để chứng minh cho quá trình tiếp nhận, giao lưu và chuyển hoá văn hoá nơi Phạm Văn Ký, chúng tôi lấy lại ý tưởng nhận định của Jean-Jacques Mayoux, nhà phê bình Pháp, trong cuộc đối thoại của ông với Phạm Văn Ký, đăng trên số 38 và 39 của tạp chí Les Lettres nouvelles, năm 1956:

Nhưng thưa nhà văn, trong một khoảng không lạ thường, trong một vực thẳm xa vắng, ông đã làm nảy sinh một sức tưởng tượng hướng về quê hương xa cách của ông cũng như trường hợp của James Joyce hướng về Dublin vậy. Phải chăng, chính nhà văn đã khêu gợi nguồn gốc kỳ bí của thế giới? Cũng có thể bây giờ nhà văn đang sống tại Phương Đông ngay trong lối diễn đạt các biểu diện. Nhưng, dù vậy, nhà văn lại quá xa cách với Phương Đông ngay trong chiến thuật văn chương. Mallarmé đã sinh ra ông bằng cách giúp ông tự hủy mình, để ngay trong chính đất nước của Mallarmé ông trở thành một người phát minh ra một Việt Nam tinh tuyền nhưng không hiện hữu. Đúng ra thì việc phải xa cách với mẫu ngữ, với đất mẹ, với khung trời quê hương, đã buộc ông phải thinh lặng hay phải phát ngôn dài dòng, nhưng hình như thực tế nhà văn của ông lại đến từ những hủy thể trên[5] (trích dịch từ nguyên tác, tr. 717).

Hình ảnh một Phạm Văn Ký trong tình trạng giằng co và khủng hoảng được phác thảo rõ nét qua những nhận xét trên của Mayoux. Nếu chúng ta chấp nhận ý tưởng cho rằng căn tính tự sự được xây dựng trên những thao tác “chuyển tiếp” từ các yếu tố và sự kiện cuộc đời qua các nhân vật chuyện kể, thì chân dung căn tính cá nhân tác giả, căn tính cộng đồng và dân tộc được soi chiếu rõ nét nhất nơi hình ảnh các nhân vật của ông. Vẫn trong tiểu thuyết Frères de sang, chúng ta nhận ra nguyên lý này.Với một sự tinh tế đầy bóng gió theo khuôn mẫu Á Đông,  tiểu thuyết phác họa đời sống của một gia đình, một ngôi làng Việt Nam thời kỳ chuyển biến của chế độ Bảo hoàng đã được xây dựng từ nghìn năm. Tác giả muốn giới thiệu cho độc giả là những người sống trong một xã hội khác bức tranh một xã hội Việt Nam đang biến mất và bị Lịch sử kết án. Bằng lối viết trong sáng, Phạm Văn Ký nắm bắt một cách hết sức tinh tế và chính xác những chi tiết của các phong hoá xã hội Việt.

Nhân vật chính, một thanh niên Việt Nam trở về từ Pháp sau mười năm du học, đã trở thành một nhà văn. Không thấy những thay đổi gì sau cuộc cách mạng tại quê hương, anh đã đụng độ ngay với người cha vốn là một quan chức trong triều, có tính cách chuyên chế và bất công. Rồi tiếp tục đối kháng với hai người em, một người theo tư tưởng huyền bí Lão tử, chịu đựng tình thế với một sự thụ động, người kia, với tinh thần lý tưởng, gạt bỏ những yếu tố gia đình và truyền thống để theo đuổi phong trào cách mạng. Còn hai người em gái, người chị luôn luôn phải phục tùng, chịu đựng và bị lấn át bởi những lề thói đạo đức cổ xưa, trong khi đó người em có vẻ phóng túng, không chấp nhận một hôn nhân được xếp đặt để rồi trốn đi trong đêm tân hôn. Cô táo bạo để lại cho người chồng ép buộc những lời lẽ được ghim trên gối:

Hỡi anh bạn hiền, tôi phải là  người thắng cuộc. Và không phải với những đồ trang sức châu báu. Tôi còn đáng giá hơn cả giới luật Khổng giáo. Tam tòng là thứ tôi đem nhét vào túi xách. Tứ đức là thứ tôi nhai trong miệng, không cần trầu cau để khỏi làm dơ bẩn hàm răng tinh trắng của tôi (tr. 175).

Tiểu thuyết kết thúc bằng hình ảnh suy tàn của khái niệm gia đình và làng quê, đồng thời làm lộ rõ sự lúng túng của nhân vật khi nhìn lại căn tính của chính mình:

Và tôi là ai? Người vợ sắp cưới của tôi đang ngóng đợi tôi bên Pháp. Đám cưới của chúng tôi sẽ được tổ chức tại nhà thờ. Việc nhập đạo của tôi sẽ chỉ là nhất thời. Hỡi Tây phương, ta chỉ còn việc chấp nhận Thượng Đế của ngươi. Ngài đó tên là gì vậy? Tôi sẽ lãnh nhận. Ngài hay là ai khác ! Tôi hay ai khác ! Và như vậy sẽ có thể giải quyết được gì? Từ đó, tôi không còn ở bên một lục địa gần gũi, một dòng giống lân cận, một  thần linh thân quen (tr. 204-205).

Thật chí lí khi đưa ý tưởng của Paul Ricoeur vào trường hợp nhà văn Phạm Văn Ký. Paul Ricoeur lý giải “Văn học như một phòng thí nghiệm mênh mông cho những kinh nghiệm tư duy, nơi những khả năng biến đổi của căn tính tự sự xuất hiện như những thể nghiệm của chuyện kể”[6]. Phạm Văn Ký đã sử dụng văn học như một phương tiện cho con đường siêu việt hoá căn tính. Căn tính tự sự trong các tác phẩm văn học của Phạm Văn Ký là một dạng thức phản chiếu bản thân, một dạng thức của căn tính cá nhân xung đột và khủng hoảng giữa những hệ giá trị đã ăn sâu vào con người và những chuẩn mực trong không gian hiện tại.

Ngoài thể loại tiểu thuyết thường chuyển tải các thể tài xung đột và đối kháng văn hoá, chúng tôi còn thấy các truyện ngắn của Phạm Văn Ký đăng trên các tạp chí văn học cũng nằm trong mạch khai thác này.

Trong truyện ngắn L’Ogre qui dévore les villes (trên Les Temps modernes, số 14, ngày 01 tháng 11 năm 1946), khái niệm cội nguồn hay “gia phổ” được Phạm Văn Ký nêu ra như trung tâm điểm, và nó vượt ra ngoài cả không gian gia đình. Đó chính là gia phổ của một đất nước, của tất cả những yếu tố nền tảng hình thành căn tính một quốc gia. Sau khi than khóc cho số phận của phố cảng Quy Nhơn, quê hương của chính tác giả, người kể hướng về Huế, một đô thành bị xẻ cắt làm đôi: Huế của người Pháp “với những ngôi nhà hộp màu trắng” và Huế của những người An Nam với những nét bí hiểm của ba lần tường rào”. Qua hình ảnh quê hương, xuất hiện trong tâm hồn người kể một làn gió làm xáo động những cảm giác:

Và chính tôi đã tự oán trách mình, như cái gia gia, vì đã phải xa lìa tổ ấm gia đình ! Chính tôi day dứt nỗi niềm quê hương, như con Quốc Quốc ! Chưa bao giờ tôi nhắc đến quê hương với một tình yêu mãnh liệt đến thế, đất nước hình chữ S, đang khép mình lại, đang bị đào bới bởi lưỡi cày của Khổng giáo, đang được tô điểm bằng nụ cười của Đức Phật. (tr. 251).

Cũng vậy, truyện ngắn Le Fantôme de la précision cho thấy một tâm hồn day dứt ở mức độ mãnh liệt hơn. Câu truyện xuất phát dưới hình thức một cơn ác mộng (cauchemar) hay một nửa ý thức (demi-conscience). Nhưng chắc chắn đó là hiện tượng phóng chiếu vô thức nơi tác giả về “sự thật”. Sự thật đó liên quan đến những diễn biến xảy ra tại Đông Dương vào những năm 1950. Hàng loạt những câu hỏi bắt đầu bằng “tại sao”: tại sao “một đất nước được thành hình đã hàng nghìn năm như thế và được tạo ra từ cái tuyệt đối”, giờ đây lại bước đi theo nhịp điệu con lắc đồng hồ của “những kẻ khác”? Tại sao người ta lại giẫm đạp lên những phong hóa của quê hương? Tại sao cả một địa phương phải oằn mình dưới một đạo luật duy nhất, một nền văn minh duy nhất: nền văn minh Tây phương?

Thay lời kết

Nếu viết là để khẳng định và tái thiết căn tính, thì Phạm Văn Ký đã trở thành một biệt tài trong chiến thuật và thao tác thể hiện những tình tiết từ trải nghiệm để chuyển hoá thành sản phẩm nghệ thuật. Trong chính đối tượng nghệ thuật ấy chúng ta đọc được căn tính cá nhân ở một dạng thức mới. Độc giả nhận biết trong tác phẩm của nhà văn những hiện tượng xung khắc và con người trở thành đối tượng trực tiếp nội tại hoá các xung đột ấy. Trong những cảnh huống như thế con người có khi bắt buộc bị đẩy tới một tình trạng lưu đày, một sự im lặng hoặc khép kín. Nhà văn tìm thấy trong hành động sáng tác của mình một đường thoát, vừa để khai thông lý tưởng vừa để thủ đắc một căn tính, và căn tính ấy thường mang dấu ấn của những khủng hoảng, cự tuyệt và xung đột. Văn học giúp ta thẩm thấu quá trình con người xây dựng hình ảnh của mình.

Tài liệu tham khảo

Blanchot, Maurice, L’espace littéraire, Paris: Gallimard, 1955.

Foessël, Michael, “Être citoyen du monde: horizon ou abîme du politique”, La Vie des idées, 18 juin 2013. URL: http://www.laviedesidees.fr/Etre-citoyen-du-monde-horizon-ou.html.

Luigi Dubied, Pierre, Apprendre Dieu, Genève: Labor et Fides, 1992.

Mayoux, Jean Jacques & Pham, Van Ky, “Voix d’Est, Voix d’Ouest”, Les Lettres nouvelles, 38 et 39, 1956, tr. 704-733 et 857-870.

Mucchielli, Alex, L’identité, Paris: PUF, 1986.

Ricœur, Paul, Soi-même comme un autre, Paris: Seuil, 1990.

Ricœur, Paul, Temps et Récit, III, Paris: Seuil, 1985.

Thuong Vuong-Riddick, “Corps et acculturation selon Pham Van Ky”, Présence Francophone, 18, 1979, tr. 165-176.

Thuong Vuong-Riddick, “Le trame de l’occidentalisation dans quelques romans de Pham Van Ky”, Présence Francophone, 16, 1978, tr. 141-152.

 

Tác giả gửi Văn Việt.



(*) Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-ĐHQG TP.HCM.

[1] Alex Mucchielli, 1986, tr. 5.

[2] Paul Ricœur, 1985, tr. 446

[3] Maurice Blanchot, 1955, tr. 21.

[4] André Bourin, 1954.

[5] Jean-Jacques Mayoux & Pham Van Ky, 1956, tr. 175.

[6] Paul Ricœur, 1990, tr. 176.

Comments are closed.