Nhận xét bản thảo cuốn X của Y

Hoàng Dũng

Chín năm trước, một nhà xuất bản đề nghị tôi cho ý kiến về một bản thảo để quyết định có cấp giấy phép hay không. Tác giả sau khi đọc nhận xét của tôi đã tự rút bản thảo về và tự thấy không cần phải gặp tôi để thảo luận tuy nhà xuất bản sẵn lòng tổ chức cuộc gặp ấy. Thật lòng, tôi thấy mình rất may mắn gặp được một tác giả có cách ứng xử như thế.

Nay tôi cho công bố bản nhận xét này, chỉ mong giảm bớt lòng hăng hái của những ai còn nhiệt thành muốn đề xuất sáng kiến cải cách chữ Quốc ngữ.

Trong bản nhận xét này, tôi tập trung vào chỗ chưa được của cuốn sách, để chứng minh rằng chỉ cần như thế là đủ kết luận có nên in hay không. Và vì cuốn sách có quá nhiều lỗi, tôi chỉ đưa ra một số dẫn chứng vừa đủ để minh họa cho các luận điểm của tôi.

1. Tác giả không đủ kiến thức tổng quát về ngôn ngữ học, đặc biệt là ngữ âm học đại cương để giải quyết vấn đề.

Trong một cuốn sách tập trung vào vấn đề cải cách chữ viết như cuốn sách này, người viết phải am hiểu ngôn ngữ học, nhất là ngữ âm học đại cương. Tiếc thay, cuốn sách lại cho thấy ngược lại. Sau đây là một số dẫn chứng.

· Theo tác giả, tiếng Việt có hơn 150 vần (tr. 72) và như thế nhiều “hơn hẳn bất kì ngôn ngữ nào khác” (tr. 27, 107). Điều đó không đúng. Tiếng Việt có chừng 16 nguyên âm và 6 phụ âm cuối (số lượng có thể thay đổi chút ít tùy theo từng tác giả, xem Đoàn Thiện Thuật 1980, Ngữ âm tiếng Việt, Đại học và Trung học Chuyên nghiệp). Trong khi đó, tiếng Bruu (ở tỉnh Ubon Rachathani, Thái Lan) có đến 68 nguyên âm và 17 phụ âm cuối (xem Theraphan L. Thongkum. 1979, “The Distribution of the Sounds of Bruu”, in The Mon-Khmer Studies Journal, vol. 8, pp. 221-293) hay tiếng Bru (ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) có 42 nguyên âm (xem Vương Hữu Lễ 1999, “A New Interpretation of the Bru Vân Kiều Vowel System”, Mon-Khmer Studies, 29: 97-106) và 17 âm cuối (xem Hoàng Văn Ma – Tạ Văn Thông 1998, Tiếng Bru-Vân Kiều, Khoa học Xã hội).

· Tác giả miêu tả cách phát âm phụ âm j (kí hiệu quốc tế [ʒ]) như sau: “uốn cong lưỡi thành hình lòng máng, để lưỡi nằm lửng lơ ở giữa miệng, môi mở hơi tròn và tống mạnh luồng khí ra ngoài, âm phát ra có tiếng rít gió rất mạnh” (tr. 66). Chưa kể điểm cấu âm của [ʒ] bị miêu tả một cách rất mơ hồ (“lưỡi nằm lửng lơ ở giữa miệng”), việc áp dụng tiêu chí tròn môi để xác định phụ âm là một nhầm lẫn lớn: xưa nay, trong ngữ âm học, tròn môi/không tròn môi là được xem là đặc điểm cố hữu của nguyên âm, chứ không phải của phụ âm. Đây là kiến thức dễ dàng tìm thấy trong bất cứ cuốn sách ngữ âm học nào, dù mỏng đến đâu.

· Còn phụ âm z lại được miêu tả: “nâng mặt lưỡi lên gần sát với vòm trên của khoang miệng, khi hạ lưỡi xuống thì tống luồng hơi ra, từ khoang miệng tiếng phát ra êm nhẹ kèm chút tiếng gió, không có tiếng rung và rít gió ở đầu lưỡi. Ví dụ za záo, zấu ziếm, zan zảo, zỏi zang, zặc zã, zông zó…” (tr. 58). Tác giả không biết rằng z là âm đầu lưỡi, chứ không phải mặt lưỡi. Những miêu tả của tác giả khiến ta nghĩ đến âm mặt lưỡi xát [ʝ], chứ không phải [z].

· Tác giả chê “khái niệm” (thực ra, là thuật ngữ) thanh, đề xuất một khái niệm mới: “bậc thanh” (tr. 109-110). Theo tác giả, tiếng Việt có sáu thanh và tương đương với nó là sáu bậc cao độ khác nhau và vì thế, nên gọi là “bậc thanh”. Đó là ý kiến sai lầm.

Năm 1930, Triệu Nguyên Nhiệm (Chao Yuen Ren) đề xuất một hệ thống ký hiệu để ghi thanh điệu, về sau thường được gọi là “con chữ của Triệu” (Chao letters), rồi thay cho những ký hiệu đó, ông sử dụng năm số từ 1 đến 5 để chỉ các bậc cao độ của thanh điệu, được gọi là “con số của Triệu” (Chao digits). Sáng kiến của Triệu Nguyên Nhiệm đã được Hội Ngữ âm học quốc tế chấp nhận và nay được các nhà ngữ âm học trên toàn thế giới sử dụng. Chẳng hạn, thanh điệu của tiếng Bắc Kinh và tiếng Việt được miêu tả như sau:

Như thế, chỉ cần sử dụng năm bậc thanh để miêu tả, chứ không phải sáu như “sáng kiến” của tác giả. Mặt khác, không thể quy thanh điệu tiếng Việt vào một sự khu biệt duy nhất là độ cao, một điều đã được chứng minh một cách không thể chối cãi (xem Andrea Hoa Pham 2003. Vietnamese Tone (A New Analysis). New York – London: Routlege).

· Rất nhiều chứng cớ cho thấy tác giả nhầm lẫn giữa âm và chữ. Chẳng hạn:

– Tác giả tưởng trong chữ Québec [ke.ˈbɛk], phụ âm đầu không phải là /k/, mà là /q/ (tr. 55).

– Tác giả vì thấy vần anh, ach viết với a, nên tưởng rằng nguyên âm trong hai vần này là a (tr. 75) trong khi các nhà ngữ âm học tiếng Việt từ lâu đã biết đó là e (/E/) (xem Đoàn Thiện Thuật, sđd.).

– Tác giả thấy các từ ý – bí, yếm – chiếm, yên – hiên, yêng – chiêng, yết – chiết, yêu – chiêu viết khác nhau, một bên y còn một bên i, nên tưởng là phát âm khác nhau (nguyên văn: “chỉ có trường độ là hơi khác nhau”) (tr. 77) trong khi thực ra đó là những vần hoàn toàn đồng nhất về phát âm.

– Ở một chỗ khác (tr. 86), tác giả nói: “Không thể viết: i tế, i nguyên, i đức, i hệt, ỉ lại, ỉ ôi, í kiến, sức ì, ì xèo, ầm ĩ…”, mà một trong những lý do nêu ra là nguyên âm ở đây đọc dài nên phải viết là y, chứ không thể là ii phát âm “bị cụt”; một phát biểu lạ lùng như vậy có lẽ là do nghe người ta nói “i ngắn” (i), “i dài” (y), tác giả tưởng ngắn/dài ở đây chỉ trường độ, trong khi thực ra là chỉ đồ hình (graphic).

(Nói cho công bằng, cũng có chỗ tác giả nói đúng khi cho rằng trong khui thì i đọc ngắn, còn trong khuy thì y đọc dài (tr. 86). Nhưng đây là một chuyện khác: trong khui, i là âm cuối, không thể đồng nhất với y trong khuy, vốn đóng vai trò âm chính. Phân biệt âm chính/âm cuối là một nội dung mà bất kỳ một giáo trình ngữ âm học tiếng Việt nào cũng phải trình bày tường tận).

– Tác giả cho rằng từ Washington mà phiên âm thành Oasingtơn thì “rõ ràng cách viết này chỉ mô phỏng được âm nhưng làm biến mất hẳn phụ âm w là đặc trưng quan trọng của danh từ riêng này” (tr. 32). Người đọc không thể hiểu được: Tại sao “mô phỏng được âm”, mà lại làm biến mất âm đó? Chỉ có thể giải thích: Tác giả nghĩ rằng trong oa– (trong Oasingtơn), âm được thể hiện là o, còn trong wa– (trong Washington), là w. Thực ra cả hai đều được phát âm bằng w.

– Tác giả tưởng rằng quaicoai (do viết khác nhau!) không có cùng một vần (“phụ âm /k/ + oai = koai (hay qoai, cùng dạng với khoai, choai, loại…) nhưng bị nghe lầm là quai, một âm không có trong tiếng Việt”, tr. 89), trong khi tất cả các nhà ngữ âm học tiếng Việt đều nhất trí rằng chúng hoàn toàn đồng nhất về mặt phát âm: [kwaj]. Điều đó còn là do tác giả thiếu hiểu biết về lịch sử chữ quốc ngữ. Trong công trình “L’origine des particularités de l’alphabet vietnamien” (Dân Việt Nam 3:61-68, 1949), André-Georges Haudricourt giải thích lý do tại sao trong tiếng Việt, q– bao giờ cũng đi với u, thành qu ([kw]): Trong chữ Latin, âm [kw] bao giờ cũng được thể hiện là qu, cf. qui [kwi] vs. cui [ku.i]. Cách phát âm cổ này của tiếng Latin được lưu giữ duy nhất trong tiếng Ý, và chính các nhà chế tác chữ quốc ngữ, vốn là các giáo sĩ công giáo, đã vay mượn từ tiếng Ý để ghi [kw] bằng qu. Như vậy, không thể căn cứ về mặt hình thức thuần túy để phê phán “khi vần ui (u + i), kết hợp với q để tạo thành chữ qui (q + ui), thì chữ này đáng lẽ phải đọc là kui, nhưng nó đã bị đọc sai thành quy hay kuy (vần uy). Cho nên vần ui kết hợp với q đã tạo ra một chữ qui dị dạng, đọc sai nguyên tắc (ui đọc thành uy)” (tr. 16; tác giả dành khá nhiều trang để phê phán theo cách tương tự).

2. Tác giả tỏ ra thiếu kiến thức nghiêm trọng về ngữ âm học tiếng Việt.

· Tác giả giải thích “trong chữ Nguyễn thì chữ y chỉ là một thành tố của vần uy cho nên Nguyễn = Ng+uy+ễn, chứ không thể viết Ng+ui+ễn (làm biến mất vần uy và đọc sẽ không ra chữ Nguyễn) (tr. 36). Ở một chỗ khác, tác giả nói khái quát hơn: “Một vần có thể được tạo thành bởi sự kết hợp của một vần với một vần khác, ví dụ: vần uy + vần ên = vần uyên; vần uy + êt = vần uyêt (tr. 74). Cách giải thích này đi ngược lại kiến thức về ngữ âm học tiếng Việt từ trước tới nay. Vần được hiểu phần còn lại của âm tiết trừ âm đầu và thanh điệu (xem Đoàn Thiện Thuật, sđd., tr. 71-72). Như thế, –uyên là một, chứ không phải hai vần như tác giả chủ trương. Mặt khác, khi cho uyên = uy + êt, thì tác giả đã mặc nhiên tách ra làm hai, vốn là âm mà xưa nay không một nhà ngữ âm học hiểu biết nào, trong cũng như ngoài nước, không khẳng định là một nguyên âm đôi.

· Tác giả viết: “Chữ cái g trong chữ Việt nguyên chỉ để viết phụ âm “gờ” (kí hiệu quốc tế là /g/ như các từ ga, gân, go, gô, gơ, gu, gư…”. Tác giả không biết [g] là âm tắc, trong khi trong tiếng Việt là phụ âm xát, kí hiệu [ɣ]. Đây không phải là lỗi đánh máy, bằng chứng ở trang 60, tác giả lặp lại: “Chỉ dùng duy nhất một chữ cái g để viết phụ âm đọc là “gờ” (kí hiệu quốc tế là /g/), bỏ hẳn kí tự gh mà trước đây cũng dùng để viết phụ âm /g/.” Cũng xin nói đây không phải là nhầm lẫn duy nhất về kí hiệu phiên âm quốc tế: tác giả ghi phiên âm của ngh /Ŋ/ (tr. 21), trong khi lẽ ra là [ŋ], phiên âm của i tiếng Việt là /I/ (tr. 82), trong khi lẽ ra là [i].

· Tác giả phê phán: “[…] do không được cân nhắc kĩ lưỡng, các nhà chế tác chữ Việt thời xưa đã mượn g để tạo ra chữ cái ghép gi biểu thị phụ âm “giờ” (tương đương với phụ âm z quốc tế, kí hiệu là /z/) để viết các chữ như gì, gia, gìn, giữ, giáo, giang, giong, giỡn, giun…” (tr. 21). Thực ra, vấn đề đơn giản hơn nhiều như Đoàn Thiện Thuật giải thích: “Nếu nhóm con chữ này [tức là “gi”] gặp chữ “i” hoặc “iê, ia” vốn ghi nguyên â làm âm chính trong âm tiết thì nhóm “gi” bị tinh giảm chỉ còn “g”, ví dụ “làm gì” (đáng lẽ phải viết “làm giì”), “cái giếng” đáng lẽ, “cái giiếng”) (sđd, tr. 158).

3. Tác giả dẫn dụng các tiếng Hán, Nga, Anh, Pháp nhưng lại tỏ ra thiếu kiến thức về những ngôn ngữ ấy.

· Tác giả khẳng định: “[T]heo ngữ pháp Hán, trong các danh tổ là tên riêng, chữ đứng sau mới là trung tâm, do đó bắt buộc phải viết hoa” (tr. 126). Như thế, tác giả không biết rằng trong tiếng Hán, mọi danh ngữ (tác giả gọi là “danh tổ”), chứ không phải chỉ hạn chế trong tên riêng, đều có cấu trúc phụ + chính, chẳng hạn: bạch mã, bạch vân, hoàng gia, mỹ nam, ngọc nữ, thanh thủy, thiên thư, tráng sĩ, trưởng nữ, văn nhân, văn tài,…

· Tác giả tưởng trong tiếng Nga, các từ kết thúc bằng chữ v (như Filatov, Lermontov, Popov, Simonov, Pavlov (các tr. 29, 37, 38, 63, 101) được phát âm là v, nên dùng con chữ vđể phiên cho “đúng”, mà không biết rằng trong tiếng Nga, các phụ âm hữu thanh (/b/, /bj/, /d/, /dj/ /g/, /v/, /vj/, /z/, /zj/, /ʐ/ và /ʑː/) khi đứng cuối từ đều bị vô thanh hóa, nghĩa là trong trường hợp này phải đọc là [f].

· Tác giả cho rằng “chữ Budapest (chữ Pháp) nhiều khi được phiên âm là Buđapét: nguyên âm đọc là “uy” bị phiên âm thành “u” là rất sai. Viết Buyđapext mới chính xác. (Chỉ với tiếng Anh, việc phiên âm u –> u mới chấp nhận được, ví dụ student –> xtuđent)” (tr. 36). Chưa kể vì sao phải cho Budapest là chữ Pháp (chứ không phải nguyên ngữ là Hungary, vốn đọc là [ˈbudɒpɛʃt], nghĩa với u, chứ không phải uy như tác giả đề nghị), thì việc cho student tiếng Anh phải phiên là u là xuất phát từ việc tác giả tưởng người Anh đọc từ này với u, mà không biết trên thực tế là với /ju:/ ([‘stju:dnt]). Cũng do không thành thạo tiếng Anh, nên tác giả tưởng mấy chữ “Caps Lock” trên bàn phím máy tính có nghĩa là “(trình bày bằng) chữ in hoa” (tr. 127).

· Tác giả rất hay dẫn tiếng Pháp, nhưng đó là một ngôn ngữ mà tác giả cũng không nắm vững. Chẳng hạn, tác giả khẳng định: “Phải phiên âm chính xác de thành đơ, vì âm tiết de được phát âm khá rõ chứ không phải “ơ câm”. Vậy Baudelaire –> Bôđơler’ (tr. 97). Đó là một khẳng định không đúng: trong tiếng Pháp, Baudelaire được phát âm là [bodlɛʁ], nghĩa là không có chuyện de “được phát âm khá rõ” để có thể cho Baudelaire là từ ba âm tiết; Foix (trong Saint Foix) không có âm cuối [s], arc-boutant không có âm cuối [t] như tác giả nhầm (tr. 100, 101),… Tác giả sáu lần viết Jenève (các trang 23, 34 (2 lần), 65, 66, 130), một địa danh nổi tiếng mà tiếng Pháp ai cũng viết Genève!

· Để cổ vũ cho việc cải tiến chữ quốc ngữ, tác giả dẫn trường hợp chữ Nga: “Ở nước Nga, trong các thế kỉ XVIII – XIX đã có những cuộc chuẩn hoá chữ viết ở tầm quốc gia, nhờ đó chữ Nga ngày nay đạt tới tính khoa học gần như tuyệt đối (không có một ngoại lệ nào) (tr. 9); và trường hợp chữ Hán: “Ở nước láng giềng Trung Hoa, cách nay khoảng hơn nửa thế kỉ cũng có một cuộc cải cách chữ viết triệt để: thay kiểu chữ “phồn thể” xưa cũ bằng kiểu chữ “giản thể” tân tiến. Công cuộc ấy đã thành công mĩ mãn, được toàn dân nhiệt liệt tán thành, được áp dụng phổ biến trong toàn xã hội. Tôi cho rằng việc làm ấy của người Trung Hoa khó khăn hơn gấp bội việc chuẩn hoá chữ Việt ở nước ta, bởi họ phải chế tác mới một số lượng lớn chữ giản thể thay cho kiểu chữ phồn thể cổ điển, và phải dạy cho hàng tỉ người biết đọc biết viết những chữ giản thể đó.” (tr. 10)

Quả nhiên, ở Nga, việc cải cách chữ viết được vua Peter I đặt ra từ năm 1708 và cho đến hết thế kỷ XIX, chữ Nga còn trải qua nhiều cuộc cải cách nhỏ nữa. Tuy thế, không phải “nhờ đó chữ Nga ngày nay đạt tới tính khoa học gần như tuyệt đối (không có một ngoại lệ nào)”. Bằng chứng là đầu thế kỷ XX, ngay sau khi Cách mạng Nga thành công, nhà ngữ văn học Aleksey Shakhmatov, người đứng đầu Hội nghị Xem xét việc đơn giản hóa chính tả đã đề xuất việc cải cách chữ Nga và đã được nhà nước Nga chấp thuận. Tháng 12 năm 1917, A. V. Lunacharsky, bộ trưởng Bộ Giáo dục, ban hành một văn bản buộc tất cả các cơ quan, trường học thuộc nhà nước và chính phủ phải chuyển không trì hoãn sang dùng lối viết mới… từ ngày 1 tháng 1 năm 1918, tất cả các ấn bản của chính phủ và nhà nước, định kỳ hay không định kỳ đều phải in theo lối mới. Tuy nhiên, chuyện tranh cãi không phải đã kết thúc. Nổi bật là sự kiện đề xuất của A. I. Efimov năm 1962, dẫn đến việc thành lập Ủy ban Chính tả tiếng Nga, thuộc Viện Tiếng Nga. Năm 1964 Ủy ban xuất bản một báo cáo cải cách chữ viết, làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trên báo chí, truyền thanh và truyền hình, thu hút đến 10.000 bức thư của độc giả gửi đến Viện.

Còn việc thay chữ “phồn thể” bằng chữ “giản thể” thì tuy đã được thực hiện từ năm 1956, nhưng thực ra, công việc không đơn giản: năm 1964, nhà nước lại có quy định mới; năm 1977 ban hành một cuộc cải cách rộng lớn hơn, trong đó thay 248 chữ giản thể bằng những chữ giản thể khác; năm 1986 cuộc cải cách này bị bãi bỏ, mà một lý do chính được cho là do người ủng hộ cuộc cải cách này là Trương Xuân Kiều, nhân vật thuộc “tứ nhân bang”; nhà nước chính thức quay lại danh sách các chữ giản thể năm 1964 tuy không phải chấp nhận tất cả, mà thu hẹp danh sách này. Tất nhiên, việc sử dụng chữ giản thể chỉ thực hiện ở Trung Quốc là chính, chứ ở Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao,… thì người dân vẫn quen dùng phồn thể. Như thế, việc áp dụng “giản thể” là một việc phức tạp, trải qua nhiều đợt sửa đổi khác nhau và là một chuyện mệnh lệnh hành chính, người dân bắt buộc tuân theo, chứ không làm gì có chuyện “toàn dân nhiệt liệt tán thành”.

4. Tác giả không hiếm khi tỏ ra tự mâu thuẫn.

· Ở trang 58, tác giả quả quyết rằng “d là một phụ âm quan trọng, đặc thù, vĩnh viễn tồn tại trong tiếng Việt”, nhưng chỉ hai trang sau đó, tác giả lại thừa nhận việc “thất truyền” cách phát âm d chuẩn hiện đang khá phổ biến”.

· Tác giả đề nghị bổ sung một loạt con chữ như J, W vào “bảng chữ cái Việt” với mục đích phiên âm từ nước ngoài như Jacarta, Jupiter, Washington, Walter Scot (tr. 66; sic! Lẽ ra phải Walter Scott). Bảng chữ cái của một ngôn ngữ là để ghi từ ngữ của ngôn ngữ đó. Những từ viết bằng J, W đều là không phải tiếng Việt, nói vay mượn để phiên âm thì có thể chấp nhận, còn nói đó là chữ cái Việt thì hết sức mâu thuẫn. Vả chăng, theo logic đó, không lẽ cứ gặp một từ nước ngoài nào trong nguyên ngữ viết bằng một con chữ thể hiện một âm không có trong tiếng Việt, thì đều phải thu nhận con chữ đó vào danh sách “bảng chữ cái tiếng Việt” hay sao?

· Tác giả một mặt chủ trương giữ chữ q để phiên âm các tiếng nước ngoài như Québec –> Qêbec (tr. 55), nhưng có trường hợp cùng bản chất, thì ông dùng c chứ không phải q: Miquelon –> Micơlông (tr. 98).

*

* *

Chữ Quốc ngữ không “hoàn hảo”, đó là điều dễ thấy. Chính vì thế, năm 1902, nghĩa là cách đây hơn một thế kỷ, người ta đã tổ chức một hội nghị suốt ba ngày xung quanh vấn đề cải cách chữ quốc ngữ. Năm 1906, lại thêm một hội nghị nữa. Sau khi đất nước bị chia cắt, ở miền Nam, năm 1956 tại Ðại hội Văn hóa toàn quốc, Ủy ban Ngôn ngữ đưa ra kiến nghị sửa đổi một số cách viết chữ quốc ngữ; vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ còn được tái khởi động cùng với sự ra đời của Ủy ban Ðiển chế Văn tự (1973). Ở miền Bắc, trong Hội nghị Cải tiến chữ Quốc ngữ năm 1960, Ban Ngôn ngữ (Viện Văn học) mà đại diện là Hoàng Phê đọc một báo cáo, được xuất bản vào năm sau, nhan đề Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ (Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1961). Sau khi đất nước thống nhất, trong các năm 1978 và 1979, một số hội nghị được tổ chức xoay quanh vấn đề chuẩn mực hoá chính tả và thuật ngữ khoa học; những báo cáo quan trọng được đăng trên tạp chí Ngôn ngữ số 3+4 (1979).

Về cá nhân, không ít người đề xuất cải cách chữ quốc ngữ, như Nguyễn Văn Vĩnh năm 1928 và các tác giả Vi Huyền Đắc, Phạm Xuân Thái sau đó; hay như Nguyễn Bạt Tụy 30 năm sau (1959).

Dẫn ra như thế để thấy vấn đề cải cách chữ quốc ngữ không có gì mới. Tác giả của cuốn sách này tuyên bố “cần phải vạch ra tất cả những tồn tại bất hợp lí, thiếu khoa học” (tr. 8) của chữ quốc ngữ thì ngay từ hội nghị 1902 người ta đã làm điều này rồi. Một số đề xuất của tác giả (như k thay cho c, q; z thay cho d) cũng đã được hội nghị này nêu lên.

Tuy nhiên, tất cả nỗ lực vừa kể, trong đó có đóng góp của những nhà ngôn ngữ học thực sự, sau hơn 100 năm, cho đến nay hoàn toàn không có kết quả gì. Trường hợp cải cách chữ viết “thành công” ở Liên Xô và Trung Quốc có một điều kiện thiết yếu: đó là những đất nước có chế độ tập quyền mạnh, có khả năng cưỡng bách dân chúng phải thực hiện mọi quyết định hành chính, thậm chí có khi còn vượt quá phạm vi hiệu lực của quyết định đó. Chẳng hạn, quyết định do A. V. Lunacharsky ký trên bề mặt không tác động đến các ấn phẩm tư nhân, nhưng trên thực tế, nhà nước Liên Xô thực hiện chính sách cực quyền về xuất bản, nên không có nhà xuất bản tư nhân nào lúc ấy dám dùng chữ Nga theo lối cũ. Như thế, đằng sau sự thành công đó, lý do khoa học đóng vai trò rất khiêm tốn. Nói rõ hơn, nếu để cho chữ viết sống cuộc đời tự nhiên của nó, mà thiếu yếu tố cưỡng bách, thì cải cách chữ viết không thể thành công. Chữ Pháp và nhất là chữ Anh, xét trên quan điểm âm vị học, bất hợp lý một cách cùng cực và không thiếu những đề nghị cải cách. Nhưng vì những lý do dễ hiểu, sự thay đổi chỉ diễn ra dần dà (có khi vài thế kỷ!) và trong một số điểm tương đối nhỏ, thông qua những cá nhân, tổ chức hoặc ấn phẩm có uy tín lớn, chẳng hạn đối với tiếng Pháp là Voltaire, Viện Hàn Lâm, các từ điển Littré, Larousse, Robert,… Cho đến nay, tình trạng “bất hợp lý” của chữ Pháp và chữ Anh vẫn không thay đổi gì đáng kể mặc dù Pháp và Anh có những nhà ngôn ngữ học xuất sắc hàng đầu thế giới.

Sự thất bại của những ý định cải cách chữ viết theo kiểu “cả gói”, “một lần cho xong” hẳn có lý do. Cao Xuân Hạo (Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, nxb Trẻ, 2003, tr. 110, 112) viết: “Khi một hệ chữ viết đã được dùng trong vài ba thế kỷ, nó trở thành một truyền thống văn hóa. Mỗi từ ngữ dần dần có một diện mạo riêng, một Gestalt mà người ta đã quen thuộc đến mức không thể thay đổi được nữa”; “[K]hi người ta đã có nhiều thế kỷ để quen với diện mạo văn tự của các từ ngữ, cái diện mạo ấy trở thành cái hồn của chữ nghĩa. Nó biểu hiện ý nghĩa của ngôn từ không cần thông qua cách phát âm (vốn thay đổi tùy theo từng vùng), thành thử mọi mưu đồ cải cách đều là một sự xúc phạm đến truyền thống văn hóa.”

Tác giả cuốn sách này có thiện ý. Nhưng thiện ý thôi, chưa đủ. Người ta chẳng đã nói “Đường dẫn xuống địa ngục lót toàn bằng thiện ý” (The road to hell is paved with good intentions) hay sao?

Bản nhận xét này không có tham vọng vạch ra “tất cả những tồn tại bất hợp lí, thiếu khoa học” của cuốn sách, vì điều đó quá sức của người viết. Nhưng những gì dẫn ra trên đây đủ ngăn tôi cho rằng cuốn sách này đáng để xuất bản.

TP HCM, ngày 3 tháng 1 năm 2015

Người nhận xét,

Hoàng Dũng

Comments are closed.