Nhất Linh, từ Cẩm Giàng tới Xóm Cầu Mới

Thụy Khuê

clip_image002

Tài liệu Nguyễn Tường Thiết

Hôm nay là ngày 17-6-2021.

Tôi vẫn nhớ, một lần trò chuyện với Nguyễn Tường Thiết qua điện thoại, không rõ năm nào, anh đã nói với tôi: Văn Hóa Ngày Nay số 1 ra ngày 17-6-1958, là ông cụ tôi chọn ngày giỗ Nguyễn Thái Học đấy. Tôi rất ngạc nhiên vì chưa hề chú ý đến chi tiết này và cũng không thấy ai nhắc tới trong những bài viết mà tôi đã đọc về Nhất Linh. Hôm ấy, anh Thiết đã cho tôi biết, không chỉ một thông tin, mà còn hơn nữa: một chi tiết lịch sử liên quan đến một tổ chức văn học cách mạng. Chi tiết này làm tôi phải suy nghĩ thêm về mối liên hệ giữa Tự Lực văn đoàn và Việt Nam Quốc Dân Đảng, mà từ trước đến nay, tôi chỉ coi như một kết hợp đảng phái có tính cách chiến lược trong một giai đoạn tranh đấu.

Về Tự Lực văn đoàn, khoảng năm 2000, sau khi viết xong loạt bài về Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo và Thạch Lam, tôi tưởng mình đã "làm tròn bổn phận", nhưng tôi đã lầm. Năm 2002, khi sang Mỹ, được nhà văn Nguyễn Thạch Kiên, tặng bộ sách Khái Hưng, Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, do ông biên soạn, tôi mới biết là mình chẳng biết gì, những gì mình biếtviết về Tự Lực văn đoàn chỉ là mảng nổi của tảng băng chìm, chưa khai phá.

Nhưng bộ sách này cũng chỉ cho tôi biết Khái Hưng còn làm nhiều việc nữa sau khi Phong Hóa Ngày Nay đình bản, riêng báo Phong Hóa Ngày Nay lúc đó, cũng chưa mấy ai biết mặt mũi ra sao, thì một kẻ sống ở ngoài nước đã bốn mươi năm, có cách gì khảo sát được?

Lại phải đợi thêm 10 năm nữa, khi toàn bộ sưu tập Phong Hóa Ngày Nay được số hóa và công bố trên internet, ngày 12-9-2012, nhờ công lao của nhóm Phạm Phú Minh, Nguyễn Trọng Hiền, Nguyễn Tường Giang, Phạm Thảo Nguyên và Thành Tôn[1].

Qua bộ sưu tập này, ta mới có thể tiếp cận với, không chỉ những tác phẩm văn chương của Tự Lực văn đoàn, mà cả những bài nghị luận chính trị, những phóng sự, những tin tức, đã xảy ra trong khoảng hơn 10 năm, từ 1932 đến 1940. Nhờ đó, ta mới có thể hình dung được một phần xã hội Việt Nam, dưới thời Pháp thuộc.

Có một điều lạ, là qua bộ sưu tập Phong Hóa Ngày NayNgày Nay kỷ nguyên mới, ta có thể biết thêm nhiều về Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Nguyễn Gia Trí, nhưng không thể biết rõ hơn Nhất Linh. Bởi ông là nhân vật bí mật nhất trong Tự Lực văn đoàn.

Khái Hưng có lần kể lại: Nhất Linh "không tin" ông, vì ông nghệ sĩ quá (không giữ nổi bí mật chăng?). Có như thế Nhất Linh mới là người thủ lãnh.

Về mặt đời sống, sinh thời, Nhất Linh không hề nói gì về Cẩm Giàng, về đời sống gia đình ông, trong khi Khái Hưng cho biết khá nhiều về đất Cổ Am, về việc xây dựng tờ Phong Hóa, đặc biệt việc ông bị thanh tra mật thám đến khám nhà tối mùng một Tết [Canh Ngọ] tức đêm 30-1-1930, để lùng bắt "tên C, trưởng ban sám sát của cái đảng mà ông rất quen thuộc", đúng mười ngày trước khi Việt Nam Quốc Dân Đảng Tổng Khởi Nghiã [10-2-1930] .

Nhất Linh không cho biết những chi tiết về tiểu sử, ngay như việc ông từ Bắc vào Nam năm 1926, cũng khá bí mật. Bà Nguyễn Thị Thế cho rằng ông vào Nam thăm người anh Nguyễn Tường Cẩm đang làm việc trong đó. Nhưng thăm anh xong thì về Bắc, chứ sao lại sang Cao Miên, nhất là lúc đó vợ đang có mang?

Nguyễn Tường Bách có đặt câu hỏi: "Có tác giả viết anh đã từng gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Điều này không chính xác, vì năm 1926, VNQDĐ chưa thành hình, chỉ có Nam Đồng Thư Xã. Song có thể anh đã gia nhập một nhóm bí mật nào, và để tránh bị khủng bố, phải rời vào Nam"[2]

Nhận xét của Nguyễn Tường Bách chắc đúng, bởi vì cả Nhượng Tống trong Nguyễn Thái Học lẫn Hoàng Văn Đào trong Việt Nam Quốc Dân Đảng, đều không nói gì đến điều này: Nếu Nhất Linh có chân trong Việt Nam Quốc Dân Đảng thì chắc họ đã không thể bỏ qua.

Đó chỉ là một trong nhiều nghi vấn về cuộc đời Nhất Linh: Tuy không có chân trong Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhưng đã gắn bó sâu sắc với đảng này và với Đảng trưởng Nguyễn Thái Học cho tới những ngày hoạt động văn nghệ sau cùng, trên tờ Văn Hóa Ngày Nay.

Điểm thứ hai, đối với tôi, cũng là một trong những bí mật của Nhất Linh: làng Cẩm Giàng. Làng Cẩm Giàng cũng như Nguyễn Thái Học, hầu như Nhất Linh không bao giờ nhắc đến, vậy mà có lẽ đó là nơi thân yêu nhất của ông.

Nguyễn Tường Bách viết:

"Nơi chôn rau cắt rốn của các anh chị em trong gia đình, nơi chúng tôi đã lớn lên, tiếp xúc đầu tiên với xã hội. Một cánh đồng, một gốc cây, một góc phố, một cái lều trơ vơ, đến nay chúng tôi vẫn không quên được.

Gian nhà chúng tôi ở một bên trông ra cái ga nhỏ, một bên trông ra con phố hẹp lầm lội mỗi khi trời mưa. Nhà ga nhỏ xám, hai bên trồng găng. Mỗi khi có xe hoả lên xuống, cả ga, cả phố xá lại như vùng dậy, rộn rịp hẳn lên. Nhưng đến tối, chỉ còn nghe thấy tiếng còi tầu vẳng từ xa đến rồi lại biến đi trong đêm lặng"[3].

Nhất Linh đã đưa cái phố huyện Cẩm Giàng này vào tiểu thuyết và biến nó thành Xóm Cầu Mới.

Về tác phẩm Xóm Cầu Mới, Nguyễn Tường Thiết cho biết: Nhất Linh viết đi viết lại tất cả năm lần:

Lần đầu năm 1940, tại Hà Nội.

Lần thứ hai năm 1943, tại Quảng Châu.

Lần thứ ba năm 1949, tại Hương Cảng.

Lần thứ tư năm 1951, tại Hà Nội.

Và lần thứ năm, năm 1957, tại Fim Nôm (Đà Lạt).

Tên truyện, có lúc định đặt là Vui buồn, rồi Bèo giạt, và sau cùng là Xóm Cầu Mới.

Qua những thông tin trên, tôi chú ý nhất đến điểm này: Nhất Linh viết Xóm Cầu Mới lần đầu năm 1940, tại Hà Nội: Việc này rất bình thường nhưng cũng rất lạ.

Bình thường, vì trong hành trình tiểu thuyết của ông, đây là lúc ông đã viết xong Bướm trắng, cho in hàng tuần trên Ngày Nay. Vậy ông viết tiếp sách mới là phải. Nhưng về cuộc sống, thì đây là lúc ông đang bị mật thám ráo riết truy lùng, nay ở nơi này mai nơi khác, có khi phải giả dạng nữa. Đến mùa thu năm 1940, ông sang Tàu.

Mà Nhất Linh lại bắt đầu viết Xóm Cầu Mới tại Hà Nội năm 1940.

Tại sao lúc đó ông lại nghĩ đến Cẩm Giàng và những người dân sống trong khu phố huyện nghèo nàn này?

Đó là một việc lạ, nhưng có thể giải thích được:

Lẽ thứ nhất là từ trước đến nay, Nhất Linh không quan tâm lắm đến lối viết hiện thực xã hội. Tiểu thuyết của ông thường hướng nội nhiều hơn.

Đoạn tuyệt là tác phẩm duy nhất có tính cách hiện thực xã hội. Đoạn tuyệt viết về người, về xã hội bên ngoài.

Lạnh lùng đã khác hẳn, Lạnh lùng là tiểu thuyết đầu tiên hướng nội, viết về thế giới bên trong, nhưng hướng về người khác: Lạnh lùng phân tích đời sống nội tâm của một người đàn bà goá trẻ.

Đôi bạn mới là tác phẩm hướng về mình, viết về Dũng tức Nhất Linh, trên đường thoát ly gia đình đi làm cách mạng. Đôi bạn trong một chừng mức nào đó, là một tự truyện.

Đến Bướm trắng, chất hướng nội càng rõ hơn, Bướm trắng là một tự truyện sâu sắc, tế nhị và cay đắng, viết về Trương, mà vẫn là Nhất Linh, nhưng lần này là Nhất Linh trước cái chết: nếu chỉ còn sống có một năm nữa, thì anh làm gì? Một đề tài siêu hình: anh sẽ nếm đủ mọi thứ khoái lạc ở đời, hay sẽ "làm hại" đời người yêu sang trọng, quyền quý, hay sẽ tự tử quách cho rảnh? Chết thì còn cần gì nữa. Đằng nào cũng chết mà.

Cái đề tài quái đản này, đã dẫn Trương vào con đường hành động và suy tưởng vô cùng dồi dào, phức tạp, đồi trụy, ít thấy trong một nhân vật tiểu thuyết của ta thời bấy giờ, là năm 1939-40.

Bướm trắng có thể là cuốn sách ông viết sẵn cho mình, từ 23 năm trước, việc sẽ xảy ra vào năm 1963, khi ông chỉ còn một tuần lễ yên bình, trước khi phải ra trình diện toà án. Nhất Linh tiên liệu tất cả. Ông không muốn bị khó khăn trước những câu hỏi mà ông không thể trả lời. Ông trả lời bằng tác phẩm, xưa nay vẫn vậy, tác phẩm cuối cùng của ông là cái chết.

Nhưng chữ nghiã vẫn là cái nghiệp của ông, nên lần này, trước khi chết, ông để lại một tác phẩm chữ: Dòng sông Thanh Thủy, như một lá chúc thư: Chỉ văn chương là đáng kể, đáng để lại, còn tất cả bạo lực nên vùi sâu, chôn chặt.

Lẽ thứ hai, khiến sau Bướm trắng, Nhất Linh phải viết Xóm Cầu Mới, bởi vì cho tới lúc bấy giờ, ông chỉ chuyên viết về một hạng người "trí thức tiểu tư sản", trong giai cấp xã hội của ông. Hồi đầu ông có viết vài truyện ngắn hiện thực xã hội như Đầu đường xó chợ, Nghèo, Tối tăm, về người nghèo, đều không mấy thành công.

Con đường cách mạng ông lựa chọn năm 1940 sẽ gian nan lắm: ra ngoại quốc, nay đây mai đó không biết thế nào, nên trước khi lên đường, ông muốn sửa soạn một lá chúc thư văn học, gửi về cho người ở Cẩm Giàng, một phố huyện nhỏ như trăm ngàn phố huyện khác, nhưng là "quê hương" ông. Ông phải viết về họ, phải làm sao cho đời sống của họ sống lại, mãi mãi, mỗi khi có ai đó đọc đến Xóm Cầu Mới.

Cư dân trong phố huyện này là ai? Họ đều là người ở nơi khác đến cư ngụ ở đây, họ là những cánh bèo giạt giống như gia đình ông, trôi từ Hội An ra Bắc. Họ thuộc loại nghèo khổ bần cùng như nhà bác Lê, loại trung lưu tiểu tư sản như Siêu-Mùi, loại bán rượu lậu như ông Năm Bụng, loại quyền quý xuống dốc, như bà Án, cậu Ấm… Xóm Cầu Mới, đã được ông mang theo trong cuộc đời hoạt động lưu vong, thỉnh thoảng viết vài trang, làm cho những khuôn mặt thân yêu này hiện lên, trên đất khách với ông, như những niềm riêng, dấu yêu vụng trộm. Những khuôn mặt Cẩm Giàng ấy, chính là bạn đồng hành với ông trong những ngày biệt xứ, vô vọng.

Tuy nhiên, Xóm Cầu Mới không được độc giả đón nhận xứng đáng với giá trị của nó. Trước hết là gia đình Nguyễn Tường: Nguyễn Tường Bách và Thế Uyên đều cho Xóm Cầu Mới "kém cỏi" so với những tác phẩm trước của Nhất Linh. Điều này không lạ, bởi vì những người trong gia đình ít khi là độc giả lý tưởng, Nhất Linh còn may mắn được họ đọc, nhiều nhà văn khác, gia đình chả đọc và cũng chẳng biết người thân của mình viết gì.

Tuy nhiên nhận định của Nguyễn Tường Bách và Thế Uyên không vu vơ mà lại có "cơ sở", vì hai người đều là nhà văn, nhưng Xóm Cầu Mới đi ra ngoài phong cách văn chương mà họ chờ đợi ở Nhất Linh: chuyên chở lời hay, ý đẹp, nói chung là giàu nghệ thuật và tư tưởng.

Nhưng Xóm Cầu Mới không có gì như thế cả. Nhất Linh đã bỏ hẳn những câu văn hay, đọc lên như thơ, như tranh; bỏ hẳn những tư tưởng đấu tranh, dìu dắt xã hội; bỏ hẳn lối xoáy sâu vào nội tâm nhân vật mà ông sở trường; ở đây, ông chỉ nhìn con người qua những cử chỉ tầm thường nhất của họ và viết lại: ông ghi chép con người đang sống, bình thường như thế, vậy thôi.

Xóm Cầu Mới là một tác phẩm hiện thực xã hội, nhưng Nhất Linh đã tách mình khỏi thế giới nhà văn hiện thực xã hội: thí dụ, Nguyên Hồng là nhà văn hiện thực điêu luyện, nhưng nhiều khi cũng không khỏi "quá tay", dẫn cái nghèo đến quá mức, ép những người cộng sản làm cách mạng phải can trường đến độ khó tin, làm mất đi một phần giá trị trung thực; hoặc như Vũ Trọng Phụng, thích cường điệu trong mọi hoàn cảnh, biến tất cả thành phóng họa; duy có Hồ Biểu Chánh là giữ được sự trung dung, trung thực, trong một phong cách hiện thực khác hẳn mà tiếng nói đầy âm thanh và màu sắc của miền Nam tạo sức quyến rũ khác thường.

Còn Nhất Linh? Nhất Linh đã phải viết đi viết lại Xóm Cầu Mới bao nhiêu lần mới đạt tới đỉnh cao hiện thực xã hội này: ông tả cuộc "tỏ tình" giữa Đỗi và Bé, bằng hai bàn chân giẫm lên nhau? Giữa Mùi và Siêu bằng màn rửa chân? Ông đã làm cho độc giả "rùng rợn hết cả người" bằng những động tác "không có gì cả". Chính vì không có gì, nên nó mới có, và gây ấn tượng sâu xa trong lòng người đọc. Kỹ thuật tỏ tình của Nhất Linh đã được Võ Phiến và Võ Đình "học" lại, nghiã là họ chỉ dùng vài mẩu thân thể nhỏ nhoi nhất, bất ngờ nhất, như ngón chân, ngón tay, để diễn tả một màn tình sâu sắc, đầy nhục cảm hơn ngàn lần người khác phải dùng đến đại bộ phận chuyên đề.

Cũng với một kỹ thuật tương tự, Nhất Linh tả sự xuống dốc của một gia đình quyền quý, trong cảnh cụ Án giết ruồi:

"Vì cụ không đi lại được nên chỉ đánh được những con ruồi ở trên giường. Để bắt ruồi chung quanh giường cụ nuôi cò ruồi, nhưng con cò không được bắt ruồi trên giường. Có con ruồi nào vừa bay đến đậu trên chiếu mà con cò định mổ thì cụ đã nhanh tay đập trước; đập xong cụ hất ruồi xuống đất cho cò ăn. Lần nào con cò nhanh hơn mổ cướp của cụ một con ruồi trên chiếu là cụ lấy cán que đập ruồi đập vào đầu con cò một cái để phạt nó hỗn. Có một con cò lâu dần hiểu được chỗ đó nên không bao giờ mổ tranh ruồi của cụ; cụ thích lắm và khoe với tất cả mọi người, nhưng sau con ấy bị chó cắn chết mất."

Ngày trước, khi cụ Án ông còn sống, chắc cụ bà hét ra lửa. Nay cụ bà thất thế, không đi lại được, giang sơn thu hẹp trên một chiếc giường. Thời sinh tiền quan Án Sát, trong dinh cơ đồ sộ, sảnh đường nghiêm pháp, nơi bọn thuộc dân đến quỳ mọp để xin gia ân, cứu độ; cụ lớn bà xử lý việc nội trị bên tư dinh, với hàng chục đầy tớ, lính lệ dưới gót hài. Nay giang san chỉ còn lại cái giường với lũ ruồi ô trọc, mà thằng lính lệ cuối cùng đội lốt cò, cũng không đủ khả năng bảo vệ cụ, khiến cụ phải ra tay sát sinh, thực tủi nhục biết là ngần nào.

Lối hiện thực xã hội của Nhất Linh là như thế: đằng sau mỗi cử chỉ, mỗi cục diện, luôn luôn có một bối cảnh khác ẩn mình: mỗi cái cốc của bác Lê trên đầu con ẩn giấu một niềm thương vô bờ. Khái Hưng và Thạch Lam từng có khả năng này, nay thấy lại trong tác phẩm của Nhất Linh, như một dấu ấn nhân bản, không thể xóa được của Tự Lực văn đoàn.

Còn gì quý giá cho Cẩm Giàng hơn, khi được Nhất Linh vẽ lại tâm hồn, diện mạo, trong một tác phẩm như thế.

Cuối cùng, phố huyện Cẩm Giàng là gì? Nếu không là thể xác và tinh thần của cả một dân tộc, trong đời sống bình thường nhất của họ.

Hôm nay là ngày 17-6-2021.

Ngày giỗ Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ của dân tộc ấy.

Ngày sinh Văn Hóa Ngày Nay, tờ báo cuối cùng của Nhất Linh, chủ soái Tự Lực văn đoàn.

Yên Cơ, 17/6/2021

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] Theo Phạm Phú Minh trong bài Việc điện toán hóa báo Phong Hóa Ngày Nay: Những ý nghĩ lãng mạn giữa một ngày mùa đông, in trong Kỷ yếu Triển lãm và Hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực văn đoàn, Nxb Người Việt, California, 2014, trang 290-295.

[2] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, hồi ký, phần I, Thạch Ngữ, 1998, và 2002, California, trang 25.

[3] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, I, trang 5.

Comments are closed.