Nhặt sạn

Thiện Ý

Trần Hữu Nghiệp - đời là kẻ sĩ' ra mắt trong ấm áp tình bạn văn chương |  Văn hóa | Thanh Niên

Một người bạn cho tôi quyển “Trần Hữu Nghiệp – Đời là kẻ sĩ” và nói: “Tựa đề quyển sách không ổn! “Đời” là khoảng thời gian từ lúc sinh ra cho tới lúc chết của một sinh vật. Còn “kẻ sĩ” là tầng lớp trí thức có đạo đức thời cổ đại, phong kiến. “Đời” sao lại là “kẻ sĩ”? Ví dụ: Muối là thứ bột trắng có vị mặn tách ra từ nước biển”. Hai phần ở trước và sau chữ “là” của câu này là như nhau. Đúng ngữ pháp, phải viết là “Trần Hữu Nghiệp có cuộc đời của một kẻ sĩ.”

Sách còn có nhiều sai sót về từ ngữ rất có hại cho bạn đọc trẻ.

“Chương 1 – Đất trời Nam thuở hoang xưa.” “Hoang xưa” không sai, nhưng tiếng Việt đã có từ “hoang sơ” để chỉ tính hoang dại, cổ sơ hay hơn.

Ở trang 13, có câu “Lại cho thâu nhận con trai, con gái vùng cao, vùng núi mua về làm nô tỳ (nô là trai, tỳ là gái)”. Giải thích như thế là sai! “Nô” từ gốc Hán có nghĩa là đầy tớ. “Tỳ” cũng là từ gốc Hán có nghĩa là đầy tớ gái. “Nô tỳ” là đầy tớ gái ở nhà quan lại phong kiến.

Trang 83, có câu “Nam Kỳ sông rạch ngang dọc không còn là vùng đất thuở hoang vu khí chướng […]”. Từ lâu tiếng Việt đã có từ “chướng khí” để chỉ “cái khí thấp nhiệt ở rừng núi có thể sinh bệnh cho người”. (Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh). Từ “khí chướng” rất khó nghe!

Trang 314 có câu “[…] người nghe rất phấn khởi […] như được sốc lại tinh thần trước khi bước vào giai đoạn mới […]”. Theo Đại từ điển Tiếng Việt, từ “sốc” có nghĩa là: Bị choáng hoặc bị suy sụp tinh thần đột ngột do hẫng hụt, không thoả mãn điều gì.

Trang 394 câu: “Thất thủ Buôn Mê Thuột, quân ta mở toang cánh cửa thép tiến thẳng xuống đồng bằng, trực tiếp uy hiếp Đà Nẵng…”. Tác giả đứng về phía “quân ta” nhưng lại viết “Thất thủ Buôn Mê Thuột…”, tức là theo góc nhìn của quân đội Sài Gòn! Lẽ ra để nhất quán, phải viết là “Chiến thắng Buôn Ma Thuột, quân ta…”.

Comments are closed.