Đoàn Cầm Thi
“Mẹ tôi (lúc sinh thời) là một người đàn bà đẹp, và tôi si yêu mẹ […] Tôi muốn hôn lên khắp người mẹ, và không muốn có quần áo gì trên người mẹ cả. Mẹ yêu tôi điên cuồng và thường xuyên hôn tôi, tôi hôn trả lại nồng nhiệt đến nỗi mẹ dường như buộc phải bỏ đi. Tôi căm ghét cha tôi khi ông thình lình phá ngang những chiếc hôn của chúng tôi”.
Stendhal, Cuộc đời Henry Brulard, 1835, di cảo.
“Tôi muốn dâng tặng người đọc một cái ‘tôi’ không mặt nạ, khác hẳn với tất cả các thứ văn chương đương thời”.
Nguyên Hồng, Jours d’enfance et autres récits, 1963.
Một lần tình cờ rơi vào mấy bài bình luận đoạn trích Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, tôi kinh hoảng trước khả năng chuyên môn của các nhà sư phạm Việt Nam. Trước hết xin đọc nguyên bản:
“Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả hơi thơm tho lạ thường.
Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của mẹ để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trên trán xuống cằm và gãi rôm ở sống lưng thì mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng . Từ ngã tư đầu trường học về đến nhà, tôi không còn nhớ mẹ tôi đã hỏi tôi và tôi đã trả lời mẹ tôi những câu gì. Trong những phút rạo rực ấy, cái câu nói của cô tôi lại nhắc lại:
– Mày dại quá! Vào Thanh Hóa đi, tao chạy cho tiền tàu. Vào bắt mợ mày may vá sắm sửa cho và bế em bé chứ.
Nhưng bên tai ù ù của tôi, câu nói ấy bị chìm ngay đi, tôi không mảy may nghĩ ngợi gì nữa…”[1].
Bài nào cũng “tình mẫu tử là nguồn sức mạnh thiêng liêng”, “tình mẹ con vô cùng sâu sắc”. Nhưng nếu chỉ có thế thì Những ngày thơ ấu khác gì Hòn Đất, Chị Tư Hậu, Mẹ Tơm? Văn học Việt xưa nay thiếu gì những bài ca phải đạo.
Để trả lời câu hỏi này, chỉ cần làm động tác cut & paste. Thay “mẹ” bằng “bạn”, chúng ta sẽ có một tình yêu khác hẳn, trai gái đầy nhục cảm. Những điểm nhạy cảm nhất của cơ thể: đùi, cánh tay, bàn tay, khuôn miệng, ngực. Các giác quan kích thích tính dục nhất: xúc giác và khứu giác (“hơi thở” và “hơi quần áo” làm ta nghĩ tới “hương gây mùi nhớ” của chàng Kim). Các động tác gợi dục: “đùi áp đùi”, “đầu ngả vào cánh tay”, “lăn vào lòng”, “áp mặt vào bầu sữa nóng”, “vuốt ve”. Cuối cùng, các cảm xúc đều ở mức cực mạnh: “mơn man khắp da thịt”, “thơm tho lạ thường”, “những phút rạo rực”…
Thế nhưng trong mớ bài giảng mẫu và bài làm mẫu của cả thầy lẫn trò nói trên, tứ văn có lẽ thuộc loại đẹp nhất, độc đáo và dũng cảm nhất của văn học Việt đã biến thành một thứ văn chương nhạt phèo sáo rỗng.
Bài viết này thử đi tìm một cách đọc khác cho Những ngày thơ ấu.
I. Tôi là nhân chứng…
Sinh năm 1918 tại Nam Định trong một gia đình Công giáo, mất cha lúc mới mười hai tuổi và mẹ thường xuyên vắng mặt, Nguyên Hồng được bỏ cho bà nội nuôi trong cảnh nghèo. Sau một lần bị thầy giáo phạt rất bất công, ông bỏ học lúc mười ba mười bốn, sống lêu lổng cho đến khi bị bỏ tù năm mười sáu tuổi[2].
Một năm sau, khi được tha, Nguyên Hồng tuy vẫn chịu đói thường xuyên, bắt tay vào viết. Truyện ngắn thứ nhất của ông là “Linh hồn”, đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy năm 1936. Mười chín tuổi, Nguyên Hồng nhận giải thưởng Tự lực Văn đoàn cho tiểu thuyết đầu tay Bỉ vỏ. Về Bỉ vỏ, tôi xin lưu ý mấy điểm, bởi có thể đó là chìa khóa cho chúng ta đọc Nguyên Hồng với con mắt khác đi.
Thứ nhất, tác giả tỏ lòng cảm thông đặc biệt với những kẻ tội đồ, có lẽ vì bản thân đã từng vào tù ra tội. Dưới nét bút của ông, Tám Bính trên hết là một người mẹ bất hạnh: cảnh đầu tiên cô sinh con trong đau khổ (người tình bỏ rơi) và tội lỗi (có con ngoài giá thú), cảnh tiếp theo Tám Bính phải bán con và cảnh cuối cùng là gặp lại con nhưng đứa bé đã chết. Với Nguyên Hồng, trong một thế chế gia đình đầy hủ tục, Tám Bính là nạn nhân hơn là có tội, ngay cả khi đã thành một tay anh chị khét tiếng.
Điều đáng chú ý thứ hai, Nguyên Hồng là một trong hiếm hoi các tác giả thời đó sử dụng thành thạo tiếng lóng và mô tả gay gắt các mặt trái của xã hội. Tiểu thuyết của ông được ghi là “phóng sự” và báo Vịt Đực trong bài “Bỉ vỏ hay Bỉ bo” gọi ông là “văn sĩ ăn cắp”[3]. Với một nội dung và một cái tựa kinh hoàng như thế, Bỉ vỏ hẳn khiến người ta nghĩ đến Cạm bẫy người, Lục xì, Làm đĩ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, hàng loạt “thiên phóng sự” của Vũ Trọng Phụng về đủ hạng người ngoài lề xã hội. Ở đây, tôi chỉ muốn ghi nhận những tương đồng bước đầu giữa Nguyên Hồng và bậc đàn anh họ Vũ. Trong phần sau, chúng ta sẽ có dịp quay lại vấn đề này, để tìm hiểu thêm về mối liên quan phức tạp giữa hai tác giả.
Trở lại với Những ngày thơ ấu. Sau thành công của Bỉ vỏ, năm sau, 1938, từ 22 tháng 10 đến 10 tháng 12, trên tám số của tuần báo Ngày Nay, Nguyên Hồng cho đăng liên tiếp tác phẩm lớn thứ hai, trong đó ông xưng “tôi”, lấy tên là Hồng và kể lại tuổi thơ cơ cực của mình với những từ ngữ cay nghiệt nhất: “trụy lạc”, “sa ngã”, “đói”, “khổ”. Có thể nói Những ngày thơ ấu là tự truyện đầu tiên của Việt Nam, theo định nghĩa của Philippe Lejeune: “một câu chuyện mà một người có thật ngược dòng thời gian, kể lại đời mình, nhấn mạnh tới cuộc sống cá nhân, đặc biệt tới sự hình thành tính cách”[4]. Rõ ràng, trong Những ngày thơ ấu, tác giả, người kể chuyện và nhân vật chính là một. Mặt khác, Nguyên Hồng đặt cái “tôi” của mình ở vị trí trung tâm tác phẩm, tìm hiểu, phân tích, mổ xẻ. Thường xuyên, để chạm đến tận cùng “sự thực”, ông kể hết, không giấu giếm và không khoan nhượng. Tóm lại, Những ngày thơ ấu không là “tiểu thuyết”, cũng không là “tiểu thuyết tự truyện”. Nó là “tự truyện”, một thể loại văn học với những tiêu chí riêng. Để hiểu tinh thần cách tân và lòng can đảm của Nguyên Hồng, tôi xin nhấn mạnh rằng ở thời điểm đó, ngay cả cái “tôi” hư cấu cũng vô cùng hiếm trong văn xuôi Việt Nam.
Vì vậy, người đọc có quyền đặt câu hỏi: lý do sâu xa nào đã đưa Nguyên Hồng đến tác phẩm này? Nói cách khác, tại sao ông viết tự truyện lúc chỉ đôi mươi, khi mà thể loại này thường hấp dẫn người ta ở tuổi xế chiều, để tổng kết cuộc đời, để lục vấn mình: “Tôi là ai?”. Trong trường hợp Nguyên Hồng, một câu hỏi nữa cũng không kém đích đáng: với một quá khứ không mấy oai hùng như thế, sao ông lại muốn trưng ra trong khi người ta thường phải giấu đi? Nó chẳng sẽ hại đến chút công danh mới có nhờ Bỉ vỏ?
Câu trả lời trước hết nằm trong chính văn bản Những ngày thơ ấu. Từng câu từng chữ của ông mang đầy chua cay uất hận về sự nghèo đói và nỗi thống khổ do mô hình gia đình phong kiến và bất công xã hội mang lại. Dĩ vãng, với Nguyên Hồng, là một vết thương quá đau để có thể khép lại được ngay. Hơn thế nữa, dường như chính ông muốn lợi dụng chút tiếng tăm này để bảo hành cho những lời cáo buộc trong Những ngày thơ ấu. Đương nhiên, Bỉ vỏ và các truyện ngắn của Nguyên Hồng đã từng đề cập đến nội dung này, nhưng tôi muốn chứng minh rằng, khi đập vỡ bức màn hư cấu, ngòi bút của ông mang một sức mạnh mới: nó kể chuyện “người thật việc thật”, dù sự thật có thể làm tổn thương người thân và độc giả.
Để hiểu thêm quan niệm “nói sự thật” ở Nguyên Hồng, có lẽ cần nhấn mạnh việc ông đã được hưởng nền giáo dục Thiên chúa giáo. “Xưng tội” là một nhu cầu, một thói quen, một hoạt động không thể thiếu được của người Công giáo. Dẫu sau này có tỏ ra nghi ngờ, Nguyên Hồng cũng thừa nhận thủa thiếu thời ngày hai lần theo bà nội đến nhà thờ và thuộc làu kinh bổn[5]. Như vậy dù muốn hay không, đạo Thiên chúa đã ít nhiều thấm đậm nơi ông. Vì thế, đọc Những ngày thơ ấu, người ta thấy việc tác giả kể chuyện mình và tự xét mình rất tự nhiên, điều mà người Việt không theo Công giáo có lẽ khó thực hiện được. Chỉ có khác, ở đây Nguyên Hồng không xưng tội trong phòng kín với cha cố, mà công khai trong tác phẩm của mình, giấy trắng mực đen trên một tờ báo danh tiếng là Ngày Nay. Bởi mục đích cuối cùng của tác phẩm vẫn là tố cáo và lên án xã hội đương thời.
Nguyên Hồng đã xây dựng ngôn ngữ tự truyện như thế nào?
Hồng, tên thật của ông thường xuyên được nhắc. Bà nội khóc: “Bố mẹ mày giết tao… Hồng ơi” (tr.253)[6], bố gọi: “Hồng, lại đây cậu bảo” (tr.269), người cô hỏi: “Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mợ mày không?” (tr.274), mẹ dặn: “Hồng, con chịu khó ở nhà…” (tr.303). Như thế, không lúc nào độc giả quên rằng họ đang đọc câu chuyện do nhà văn Nguyên Hồng kể về chính mình, và đó là “hợp đồng tự truyện” (le pacte autobiographique) theo cách gọi của Philippe Lejeune, mà tác giả ngầm ký với độc giả: tôi nói về tôi và chỉ nói sự thật. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Nguyên Hồng là nhà văn hiếm hoi thời đó không dùng bút danh, khác với Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng, Nam Cao, Tô Hoài,… Bởi vì, khát vọng viết sự thật về mình, không giấu giếm, không hư cấu, chính là lựa chọn của ông. Cũng không phải ngẫu nhiên, nếu sau này Nguyên Hồng vẫn bị cái “tôi” phi hư cấu hấp dẫn: Sức sống của ngòi bút (tạp văn, 1963), Bước đường viết văn của tôi (hồi ký, 197l), Một tuổi thơ văn (hồi ký, 1973), Những nhân vật ấy đã sống với tôi (hồi ký, 1978). Tuy nhiên, có thể nói rằng, những cuốn sau này của Nguyên Hồng hoàn toàn lẫn vào nền văn chương minh họa thời đó, nên sự thành thật ở ông chắc tựa như nước trên sa mạc.
Một điểm đáng kể nữa trong ngôn ngữ tự truyện của Những ngày thơ ấu, là sự có mặt của độc giả ngay trong tác phẩm. Ở chương 6 – “Trong đêm đông”, bất ngờ tác giả thốt lên “Thưa các bạn” và đối thoại trực tiếp với người đọc: “… tôi còn sớm được dẫn các bạn…”. Như vậy, tác phẩm là sự qua lại liên tục giữa quá khứ và hiện tại, giữa “tôi” trong kỷ niệm và “tôi” đang kể. Bằng cách này, giọng văn Nguyên Hồng thuyết phục hơn, nó luôn nhắc độc giả: tác giả, người kể chuyện và nhân vật chính là một. Nhưng trên hết, nó bộc lộ niềm ao ước của Nguyên Hồng: được hiểu và được chia sẻ với độc giả của mình. “Thưa các bạn” đồng nghĩa với sự khẳng định: tác phẩm này sẽ không tồn tại nếu thiếu sự đồng tình của “các bạn”.
Chính trong chương này, Nguyên Hồng sẽ lồng những trang nhật ký cũ, và hành động của ông không nhằm mục đích nào khác là làm tăng tính xác thực của câu chuyện.
“Mỗi lần đau tủi, căm hờn tôi đều biên vào mặt bìa vài dòng thật nhỏ, viết bằng một thứ chữ riêng chỉ mình tôi đọc hiểu thôi, tóm tắt ngày tháng và những sự việc, những nỗi niềm, những ý nghĩ của tôi.
Ngày 12–11–1931. –Cô C. chắt nước ở liễn cháo gà đã vữa vào cái bát con. Cô ấy gọi cho mình ăn. Ai thèm ăn? Dù có đói lả! Cô ấy quý đầy tớ hơn mình mà.
[…]
Thôi nghe kể lại mấy đoạn trên kia, các bạn cũng đủ thấy […] quãng đời thơ ấu của tôi ra sao” (tr .186–290).
Như vậy ngoài hai cái “tôi” đã nói ở trên, chúng ta còn có thêm “mình”. Nếu “mình” cũng là đại từ số ít ngôi thứ nhất, ở đây nó ám chỉ một độc thoại nội tâm, chứ không là cái “tôi” đang đối thoại. Giọng văn cũng đột ngột thay đổi: trong nhật ký, các sự kiện được kể vắn tắt, ít phân tích, vì Nguyên Hồng chỉ viết cho mình, với thứ mật mã riêng. Tóm lại, việc kết hợp nhiều chủ thể – “mình”, “tôi”, “các bạn” –, hai thể loại – nhật ký với tự truyện –, nhiều thời gian – quá khứ với hiện tại tầng tầng lớp lớp –, biến Những ngày thơ ấu thành một văn bản cực kỳ phức tạp, và luôn luôn mở.
Nếu Những ngày thơ ấu là một cái tựa khá tầm thường, ngay từ dòng đầu tiên độc giả đã ngạc nhiên bởi sự thẳng thắn tàn nhẫn của Nguyên Hồng khi ông nói đến gốc rễ bản thân: “Thầy tôi làm cai ngục. Mẹ tôi con một nhà buôn bán rau đậu […] Tuổi thầy tôi hơn ba mươi, gấp đôi tuổi mẹ tôi. Hai thân tôi lấy nhau không phải vì quen biết nhau lâu mà thương yêu nhau” (tr.237). Việc cha mẹ không “thương yêu nhau”, Nguyên Hồng sẽ nhắc lại ngay trang sau đó – “Thầy mẹ tôi lấy nhau không phải vì thương yêu nhau” (tr.238) –, như để loại bỏ tất cả những ảo tưởng người ta thường có về một tuổi thơ líu lo chim hót trên cành. Bằng cách đó, ông chọn cho tự truyện của mình một giọng nói riêng, chân thật đến cùng. Và cũng bằng cách đó, ông đòi hỏi ở người đọc một sự chân thành tuyệt đối, có nghĩa là tin tưởng và bao dung.
Nếu trong nhiều tự truyện, “ngày tôi sinh ra” hẳn là một sự kiện hạnh phúc, thì Nguyên Hồng lại kể về nó với một giọng văn châm biếm: “Tôi đẻ ra đã được bao nhiêu người nhà những tội nhân có máu mặt đến mừng” (tr.237). Tương tự, “kỷ niệm đầu tiên”, một mô típ lãng mạn hay gặp trong tự truyện, cũng bị Nguyên Hồng mô tả một cách phũ phàng: trong “những buổi chiều vàng”, bên “lửa lò than rực rỡ” điều mà chú bé Hồng “ghi giữ mãi mãi” là nỗi buồn “tê tái” của người mẹ (tr.238).
Nhưng việc Nguyên Hồng tiết lộ bí mật chăn gối của cha mẹ mình thì quả là có một không hai trong văn học Việt Nam: “… mấy đêm kia – tôi tin chắc chỉ mấy đêm thôi – hai con người đã phải gắng gượng ăn nằm với nhau” (tr.249), “Một người cha và một người mẹ tính tình khác nhau, không hiểu biết, không yêu nhau và gần như khinh miệt nhau, mà phải gần gũi nhau” (tr.263). Sau đây là cảnh ám ảnh nhất của Những ngày thơ ấu, một biến thể trào lộng của mô-tip “gia đình đầm ấm”. Nó cho thấy nhu cầu đi tìm sự thực có lẽ đã hình thành rất sớm trong Nguyên Hồng:
“Hay thầy tôi cũng như mẹ tôi cả hai đều thản nhiên và lặng lẽ để che giấu cả một lòng đau đớn? Có lẽ đúng! Vì thầy tôi, nếu là một người vô ý thức hay là một kẻ xốc nổi, chỉ biết có sắc đẹp và sự chiều chuộng của mẹ tôi, thì đã chẳng yên lặng nhìn tôi, miệng hơi nhếch về một bên, khi tôi níu lấy tay, lay lay hỏi:
– Cậu ơi! Em Quế con không phải là con cậu mà là con cai H. phải không?
Cùng lúc nghe câu tôi hỏi ấy, mắt mẹ tôi bỗng sáng lên, gò má hơi ửng hồng. Mẹ tôi nhìn nhanh thầy tôi rồi hoặc quay mặt nhìn đi chỗ khác, hoặc cúi xuống thẫn thờ nhìn tôi” (tr.239).
Chưa hết, trước sự im lặng của cha mẹ, chú bé đi hỏi khắp xung quanh, mặc cho những người này “hoặc làm lơ đi, hoặc gắt lên” (tr. 240). Dường như đây là cái nháy mắt Nguyên Hồng gửi cho độc giả: tự truyện của ông sẽ còn nhiều sự thật ghê gớm đến đau lòng, nó không thể nào là những mẩu chuyện mua vui làm quà cho những kẻ đạo đức giả!
Dần dần hình thành trong Những ngày thơ ấu một chiến lược tự vệ riêng: Nguyên Hồng không che giấu, kể cả những “tội lỗi” có thể coi là xấu xa nhất, và cùng lúc khẳng định mình “vô tội”. Ví dụ, ông thiết lập mối quan hệ nhân quả giữa hôn nhân bất hạnh của cha mẹ và sự hư hỏng của bản thân. Tương tự, mẹ của Nguyên Hồng, dù đã sinh con hai lần ngoài giá thú – lần đầu với cai H như đã nói ở trên, lần sau với “một người đàn ông đã có vợ”[7] – nhưng ông bảo vệ mẹ bằng cách lên án “các thành kiến gông cùm từ ngàn xưa”, “phong tục và lễ nghi cổ hủ coi sự sinh nở khi chưa đoạn tang chồng cũ ghê tởm hơn cả tội ác sâu xa nhất” (tr.301). Có thể nói tính cách của Nguyên Hồng đã được hình thành và rèn giũa trong những trận đương đầu với chính gia đình để bảo vệ người mẹ “bất chính” nhưng “vô tội”.
II. “Một cái Tôi không mặt nạ”
Ngày 3 tháng 4 năm 1938, sáu tháng trước khi in Những ngày thơ ấu, tuần báo Ngày Nay đăng một bài viết của Nguyên Hồng có tên “Tôi viết Bỉ vỏ”. Dù khác nhau về độ dài và thể loại – một bên là bài báo, một bên là tác phẩm văn học –, hai văn bản này có nhiều điểm giống nhau mà người làm nghiên cứu khó có thể bỏ qua. Trước hết, trong cả “Tôi viết Bỉ vỏ” lẫn Những ngày thơ ấu, tác giả đứng ra kể trực tiếp về mình. Đặc biệt, chúng bổ sung cho nhau, về nội dung và thời gian. Nếu Những ngày thơ ấu dừng lại ở năm Nguyên Hồng mười ba mười bốn tuổi, “Tôi viết Bỉ vỏ” mở ra với “Năm ấy tôi mười sáu tuổi, hết hạn tù, được tha…”[8]. Nếu Những ngày thơ ấu im lặng về con đường đến với văn chương của tác giả, “Tôi viết Bỉ vỏ” sẽ là nơi Nguyên Hồng kể lại kỷ niệm về niềm khao khát viết: “Ý quyết viết tiểu thuyết thụ thai trong trí tưởng tôi mỗi ngày một mạnh mẽ thêm, lan rộng mãi ra. Khi ăn, khi chơi, khi ngủ… lúc nào tôi cũng nghĩ đến viết. Ở nhà, ngoài đường, trên vỉa hè, ở ghế vườn hoa, dưới gốc cây, bờ sông bến tàu, đâu đâu cũng là chỗ tôi mơ tưởng đến viết. Có một xu một trinh nào tôi cũng mua giấy để viết”. Chính vì thế, tôi đề nghị đọc hai tác phẩm này song song với nhau. Như một sự tiếp nối. Hơn thế nữa, như một thể hữu cơ. Và chính cách đọc này sẽ cho chúng ta một tự truyện văn học đích đáng nhất[9].
Bởi trên hết, người mẹ là mối dây thực sự đan kết “Tôi viết Bỉ vỏ” và Những ngày thơ ấu. Ngay dòng đầu, bài báo đã nhắc đến mẹ: “Năm ấy tôi mười sáu tuổi, hết hạn tù, được tha. Mẹ tôi lên tận nhà giam tôi, đón tôi. Nhưng chúng tôi không về Nam Định – quê hương của chúng tôi – mà dắt nhau ra Hải Phòng”. Hai chữ “chúng tôi” thật bất ngờ, lại được dùng hai lần trong cùng một câu. Thường thường, người ta viết “mẹ con tôi”, “mẹ và tôi” hay “hai mẹ con”, nhưng Nguyên Hồng lại chọn “chúng tôi”, nhấn mạnh đến sự bằng vai phải lứa. Ý nghĩa sâu xa của sự lựa chọn này ắt ở trong mối quan hệ đặc biệt giữa nhà văn và mẹ. Tôi sẽ chứng minh rằng, nó không đơn thuần là “nguồn sức mạnh thiêng liêng” hay “tình mẹ con sâu sắc”. Nó còn là sự đồng cảm đồng tình, nó là “hai trong một”.
Dễ nhận thấy “Tôi viết Bỉ vỏ” vẫn là giọng điệu xót xa hòa lẫn căm hờn của Những ngày thơ ấu: “… sự ngậm ngùi của mẹ tôi bắt tôi nghĩ đến lòng héo hắt của một người đàn bà đã cải giá trước sự khinh bỉ rẻ rúng của họ hàng nhà chồng và trước sự ghê tởm của mọi người quen biết đối với con mình, mới một dúm tuổi mà đã trải hết lao này sang lao khác”. Nếu trước đây Nguyên Hồng đã đau khổ vì là con của một người mẹ ngoại tình, thì bây giờ bà đang nhục nhã vì là mẹ của một phạm nhân. Như thế, từ lúc này trở đi, Nguyên Hồng và mẹ, một “thanh niên hư hỏng” và một “phụ nữ tư tình”, hai kẻ tội đồ dưới con mắt người đời, sẽ mãi mãi bên nhau. Trên một con đường: văn chương. Những ngày thơ ấu có lời đề từ “Kính tặng mẹ tôi” còn “Tôi viết Bỉ vỏ” ghi nhận vai trò của mẹ trong bước mở đầu đến với văn chương của ông. Thực vậy, đói khổ, suy nhược và ám ảnh chết ở tuổi mười sáu, Nguyên Hồng lao vào viết, mong “có một cái gì để mãi mãi an ủi mẹ”, trên những tập giấy mua bằng tiền mẹ cho “những hôm lãi nhiều”. Như vậy, với Nguyên Hồng, người mẹ là cội nguồn sự sống và văn học. Là chất liệu chính của sáng tạo. Bởi rất có thể khi xây dựng nhân vật Tám Bính, Nguyên Hồng đang hướng về mẹ, chia sẻ với mẹ nỗi khổ không chỉ mất con mà còn bị người đời chê trách. Dường như đây là suy nghĩ sâu kín của ông, khi Nguyên Hồng viết trong bài “Tôi viết Bỉ vỏ”: “Thưa mẹ, người mẹ hiền từ của con, con xin dâng Bỉ vỏ cho mẹ với cả tấm lòng kính mến trong sạch của con…”.
Chính hai chữ “chúng tôi” mở đầu bài báo sẽ đem lại ý nghĩa mới cho Những ngày thơ ấu.
Đây là giả thuyết của tôi: sau “Tôi viết Bỉ vỏ”, Nguyên Hồng nhận thấy nó chưa đủ để giải thích cuộc đời ông, nên đã bắt tay vào một công trình tự truyện tầm cỡ hơn, mà sau này sẽ trở thành Những ngày thơ ấu. Nhưng trong quá trình viết, ông dần dần lệch ra khỏi dự định ban đầu: dấn sâu vào vùng hoang vu nhất của tâm hồn, ông hiều rằng không thể nào viết về mình mà không viết về mẹ. Cụ thể, ông cảm thấy cần phải viết về mối tình của ông với mẹ, một tình yêu tuyệt đối, nhục cảm, khó thổ lộ. Một tình yêu gần với loạn luân. Nhưng Nguyên Hồng vẫn viết, ý thức rằng chính trong nó ẩn giấu “sự thật” của ông.
Những ngày thơ ấu tràn ngập những tình cảm trái ngược của Nguyên Hồng dành cho hai kẻ sinh thành. Ông yêu mẹ bao nhiêu thì ghét cha bấy nhiêu. Chỉ cần xem ông vẽ về họ: “Hai con mắt sáng ngời trên nước da mịn màng như trứng gà bóc [của mẹ tôi] khác hẳn cặp mắt sâu tối của thầy tôi” (tr.241). Tất cả các cảnh tả hai mẹ con đều có sự gần gũi hai cơ thể. Thực tế, trong Những ngày thơ ấu, không chỉ có một cảnh “trong lòng mẹ” như trích đoạn dành cho học sinh lớp 8. Ngay trong chương 1, đã có tới ít nhất ba đoạn có thể gọi là “trong lòng mẹ”, ví dụ: “tôi cũng vẫn được nưng niu vỗ về trên hai đầu gối mẹ tôi ấm áp” (tr.239), “Ôm ấp trong lòng mẹ tôi, được mẹ tôi vuốt ve” (tr.240), “Nhưng mẹ tôi […] kéo ngả người tôi vào lòng mà ôm lấy tôi” (tr.248). Không nghi ngờ gì nữa, Nguyên Hồng đang tả một “ca” nổi tiếng của phân tâm học mà Freud đặt tên là “mặc cảm Ơ-đíp”.
“Mặc cảm Ơ-đíp” là gì? Trong huyền thoại Hy Lạp, vua thành Te-bơ là Ơ-đíp đã vô tình giết cha lấy mẹ và sau đó đã chọc mù mắt mình vì xấu hổ. Bản chất của mặc cảm Ơ-đíp, theo quan niệm của Freud, chính là việc đứa trẻ vào giai đoạn phát triển tâm sinh dục (khoảng 5, 6 tuổi) đã có ý muốn quan hệ tính dục với cha (nếu đứa trẻ là con gái) hoặc với mẹ (nếu đứa trẻ là con trai). Ở đây, tôi nhấn mạnh, tất cả chỉ là trong ý muốn, tức là chỉ trong giới hạn của tưởng tượng. Nhưng chỉ tưởng tượng thôi, cũng đã đủ làm cho đứa trẻ cảm thấy xấu hổ.
Trong Những ngày thơ ấu, tình cảm tuyệt đối dành cho mẹ làm Nguyên Hồng căm ghét kẻ thù của mẹ (dù đó là cha, bà nội, cô, bác…) và yêu kẻ nào đứng về phía mẹ (dẫu đó là nhân tình của mẹ). Hơn cả yêu, loại người thứ hai được ông si mê, vì họ hiếm hơn rất nhiều so với loại người thứ nhất. Có lẽ điều này giải thích vai trò đặc biệt của trường đoạn “tiếng kèn”. Người tình của mẹ hiện lên như hoàng tử trong truyện cổ tích: “Buổi chiều nào cũng vậy, dù nắng nực hay mưa rét, tốp lính khố xanh ấy cũng phải đi qua nhà tôi […] Cùng hàng với ba người này, ở bên trái, cách chừng một bước là một người tầm thước, gương mặt trắng hồng, mắt sáng, sống mũi hơi cao, hai hàm răng trắng phau. Y ăn vận gọn ghẽ hơn cả. Tay y đeo hai lon vàng đính thêm một đường chỉ đỏ thêu to […] Không phải bồng súng, y ung dung cầm một chiếc kèn đồng có tua đỏ mỗi lần hoa nhanh lên lại tỏa ra một làn ánh sáng vàng diệp dưới ánh nắng rực rỡ của chiều hè” (tr.245).
Đọc Những ngày thơ ấu, tôi chưa bao giờ hết kinh ngạc. Ở Nguyên Hồng, sự yêu ghét không những không theo qui luật nào (ví dụ, đứa bé căm thù cha nhưng yêu người tình của mẹ), mà cũng không giấu giếm. Nguyên Hồng nói về kẻ sinh thành bằng những lời nghiệt ngã nhất: đứa bé chỉ còn “lòng căm hờn” (tr.270), “những uất ức căm giận” (tr.270) dành cho người cha nghiện ngập. Ngược lại, ông vẽ lên bức chân dung người tình của mẹ với cả niềm ngưỡng mộ, như ta đã thấy. Với Nguyên Hồng, tình yêu không có rào cản luân lý. Phải ý thức được điều đó thì mới hiểu được vì sao đoạn văn này lại được ông chăm chút đến vậy, từ âm thanh, hình ảnh, nhịp điệu câu chữ, tất cả đều mang một vẻ tươi mới rạng ngời, khác hẳn với toàn bộ phần còn lại của tác phẩm, nơi mà tuổi thơ chỉ hiện lên qua những màu sắc u ám.
Trong ký ức của Nguyên Hồng, người tình của mẹ gắn với những rung cảm âm nhạc đầu tiên mà nhiều năm sau vẫn vang vọng trong ông: “Cứ khi nào tốp lính đến gần nhà tôi ở xế cổng đề lao thì tiếng kèn vang lên, vui vẻ quá, hùng tráng quá. Át cả tiếng vỏ lưỡi lê đập phanh phách vào đùi và những bước chân xoàn xoạt, tiếng kèn mỗi giây một dướn cao, một vang to, rung động cả làn không khí êm ả của một góc trời. Rồi nương tiếng gió lao xao trong những chòm cây phấp phới, âm thanh nao nức, dồn dập của tiếng kèn càng cuốn lên cao, tràn ra xa, rất xa, đến những vùng xa sáng tươi nào đó […] Hãy bước đi, hãy bước đi, như làn lá nhỏ bay theo gió…” (tr.246). Và trên hết, đó là tình yêu: “những con mắt của mẹ tôi sáng lên nhìn người thổi kèn và hai gò má mẹ tôi ửng hồng khi gặp cặp mắt long lanh của người đàn ông nọ chiếu tới” (tr.247). Bắt gặp cái nhìn của cặp tình nhân, đứa bé hiểu rằng giữa họ là sự hòa đồng, cả tâm hồn lẫn thể xác. Đây là lần duy nhất trong cả tác phẩm, Nguyên Hồng mô tả cuộc đối mặt giữa mẹ và người tình (chính là nhân vật “cai H”). Nhưng chỉ với hai dòng, ông viết lên một trong những tứ văn đẹp nhất về tình yêu trong văn học Việt Nam. Không có một tiếp xúc nào khác ngoài ánh mắt, nó lặng lẽ nhưng nồng nàn sắc dục, cấm đoán song vẫn rạng ngời dưới thanh thiên bạch nhật. Nó là âm nhạc, ước vọng, tự do.
Hai câu tiếp theo sẽ mở thêm chiều kích mới cho trường đoạn “tiếng kèn”, là chìa khóa để hiểu vì sao kỷ niệm này lại được Nguyên Hồng nâng niu đặt ở trung tâm chương mở đầu tác phẩm: “Và cho tới ngày trọn đời, tôi không thể nào quên được cái cảm giác là lạ do một bàn tay nhỏ nhắn run run bỗng từ đầu tuột xuống vai tôi, và một màng lành lạnh mong manh vương qua một cặp mắt lờ đờ nhìn vào mắt tôi chợt làm ngực tôi lạnh dợi đi… Rồi đến một giọng van lơn khi tôi níu lấy áo mẹ tôi kéo vào nhà lúc không còn bóng dáng và tiếng kèn của tốp lính nữa” (tr.247). Mẹ và con trai, sự gặp gỡ giữa hai cơ thể, nỗi đồng cảm sâu lặng, tất cả giống như một lời giao ước: từ giây phút này trở đi, vĩnh viễn họ sẽ chia nhau mọi thứ, kể cả bí mật và tội lỗi.
Trong những ngày thơ ấu, tình mẫu tử thực sự mang chất nhục cảm khi người tình của mẹ bỏ đi: “Và từ buổi ấy trở đi […] tốp lính đi qua với một người thổi kèn khác […] tôi chạy vào nhà, nắm tay mẹ tôi, hết sức kéo dậy. Nhưng mẹ tôi hoặc gỡ tay tôi ra rồi quay mặt vào tường hoặc tiện thể kéo ngả người tôi vào lòng mà ôm lấy tôi. Bên tai tôi, tiếng ngực mẹ tôi đập mạnh lạ thường, và từ mảng ngực phập phồng nóng ran lên đó truyền sang da thịt tôi những cảm giác ấm áp giữ tôi lại rất lâu trong cánh tay mẹ tôi. Lúc bấy giờ mắt tôi như mờ đi vì hơi thở nóng sực của mẹ tôi và tôi càng bâng khuâng trong đôi mắt thẫn thờ như muốn khóc của mẹ tôi” (tr.248). Ở đây sự gặp gỡ của hai cơ thể thật mãnh liệt, với “mảng ngực phập phồng nóng ran”, “da thịt”, “cánh tay”, “hơi thở nóng sực”, “bâng khuâng”, “đôi mắt thẫn thờ”. Nó báo hiệu cho trích đoạn nổi tiếng “Trong lòng mẹ” mà tôi đã phân tích trong phần mở bài.
Tuy nhiên, “Trong lòng mẹ” còn một điểm cũng rất đáng quan tâm, đó là ý nghĩ được “bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của mẹ”. Ở đây, hình ảnh “bầu sữa nóng” có lẽ không hoàn toàn là kết quả của tưởng tượng. Trên thực tế, vào thời điểm này, mẹ của Nguyên Hồng vừa sinh, như người cô của ông “tố cáo”: “Mày dại quá cứ vào đi […] Vào mà bắt mợ mày may vá sắm sửa cho và thăm em bé” (tr.275). Vả lại cũng có hàm ý đó trong lời nhận xét về cơ thể mẹ của chàng thiếu niên – lúc này Nguyên Hồng đã 13 tuổi, với ít nhiều kinh nghiệm trường đời nhờ vẫy vùng “ngoài đường, đám đáo, đám bạc và rạp hát, rạp chiếu bóng” (tr.314): “tôi mới kịp nhận ra mẹ tôi không còm cõi xơ xác […] Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong, và nước da mịn làm nổi bật màu hồng của hai gò má […] mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc” (tr.277). Mặt khác, theo chính lời kể của Nguyên Hồng, thì ông là đứa con duy nhất trong ba anh em được bú mẹ – đứa em gái đầu “được vú em chăm ẵm và ăn sữa bò”, còn đứa em thứ hai thì ngay lúc mới sinh đã được gửi một người bà con ở “Thanh”.
Đối tượng ham muốn đầu tiên của đứa trẻ là vú mẹ, Nguyên Hồng hoàn toàn ý thức được điều đó. Trong truyện ngắn “Hai dòng sữa” viết năm 1944, ông tả một thanh niên, Huyên, tình cờ chứng kiến cảnh một người mẹ trẻ cho đứa con trai bú. Và Huyên sững sờ vì những rung động khoái cảm của mẹ lẫn con: “đứa bé mắt dần lim dim, không hướng ra ngoài mà hướng lên mắt người mẹ. Cặp mắt nâu trong, mày to nhưng mượt này cũng lờ đờ nhìn lại. Và miệng y phớt một nụ cười giấu giếm, e thẹn” hay “Người mẹ cau mày, hứ lên một tiếng và cười […] Mắt y lấp lánh như đầy lửa, tay y sát mạnh lên đầu vú ban nãy nở tròn thế mà giờ chảy hằn xuống trước tấm ngực đầy […] Huyên thở mạnh, chớp chớp mắt, cúi đầu xuống bàng hoàng”[10]. Vẫn là những tình yêu si mê giữa mẹ và con trai, bởi Nguyên Hồng cho Huyên, qua hình ảnh này, nhớ lại kỷ niệm về người mẹ yêu dấu đã mất khi Huyên còn nhỏ.
Thật không thể nào kể hết sự nhạy cảm đặc biệt của Nguyên Hồng trong tình yêu mẹ. Cảnh cuối cùng khi hai mẹ con bên nhau, người mẹ “xin phép” con trai được mang đứa con gái “đẻ hoang” về nuôi: “Con có bằng lòng cho mẹ đưa em bé về không”, tuy tức giận vì “các thành kiến […] đã nâng một đứa con trai chưa đầy mười bốn tuổi lên một địa vị cao trọng để mẹ nó phải khuất phục, cầu khẩn”, chàng thiếu niên chợt thấy mẹ như “nắng xuân rực rỡ”, trong một vẻ đẹp vô cùng quyến rũ: “Mẹ tôi […] mỉm một nụ cười như không bao giờ hết trên đôi môi xinh tươi tuy không có son tô. Chấm xong những giọt nước mắt, hai gò má mẹ tôi hồng lên và lấp lánh, màu hồng của gò má ấy, tia sáng vui mừng của con mắt long lanh ấy, mơn mởn như những búp bàng non lặng thấm nắng xuân rực rỡ lúc bấy giờ” (tr.302). Tình yêu đồng nghĩa với hóa thân, người mẹ trẻ lại, còn con trai lớn lên: lời “xin phép” của mẹ hàm ý việc công nhận nó đã trở thành đàn ông, thay thế người chồng (đã chết) và người tình (bỏ đi).
Sau này, ta được biết mẹ của Nguyên Hồng sống bên ông cho đến cuối đời. Giấc mơ xưa đã thành sự thật. Nhưng có lẽ đó cũng là lý do vì sao người mẹ sẽ không bao giờ trở lại trong hồi ký của ông với vẻ đẹp và ánh hào quang đó nữa[11].
Thổ lộ mối tình cuồng nhiệt với chính mẹ của mình, ngay khi bà còn sống, một cách công khai, không chút mặc cảm tội lỗi, Nguyên Hồng muốn “dâng tặng người đọc một cái ‘tôi’ không mặt nạ, khác hẳn với tất cả các thứ văn chương đương thời”, như ông từng tuyên bố[12].
III. Ảnh hưởng và tiếp nhận
Những ngày thơ ấu được hình thành trong khung cảnh nào? Năm 1938, khi viết Những ngày thơ ấu, Nguyên Hồng đã biết đến môn phân tâm học của Freud? Tác phẩm văn học nào đã trực tiếp ảnh hưởng đến tự truyện của ông? Đương nhiên, trả lời trọn vẹn những câu hỏi trên có lẽ là bất khả, nhưng cách đặt vấn đề như vậy cho phép chúng ta định hình được không khí ra đời của cuốn sách, và như vậy, sẽ mang lại cho nó những chiều kích mới.
Học thuyết của Freud đã vào Việt Nam từ khá sớm, khoảng đầu những năm 1930. Nhưng chính văn giới, chứ không phải y học hay tâm lý học, là nơi Freud được ưu ái nhất. Nhờ những ảnh hưởng của phân tâm học, mà văn học thời đó đã chuyển được “diễn ngôn tính dục” từ lĩnh vực luân lý sang phạm trù khoa học[13]. Năm 1943, Kiều Thanh Quế, nhà nghiên cứu phê bình Nam bộ, in cuốn tiểu luận đầu tiên về Freud[14]. Nhưng ngay từ 1934, tiểu thuyết Đời mưa gió, do Nhất Linh và Khái Hưng viết chung, đã đề cập đến vấn đề vô thức và tình dục, với những lời tuyên bố gây sốc của nhân vật nữ – “Thế ái tình là gì, thưa anh, nếu chẳng phải là sự gặp gỡ của hai xác thịt?”.
Năm 1936 có lẽ là năm bội thu của Freud ở Việt Nam, đánh dấu bằng ba sự kiện lớn. Thứ nhất là việc xuất bản cuốn Hồ Xuân Hương – Tác phẩm, thân thế, văn tài, của Nguyễn Văn Hanh, dựa trên phương pháp phê bình phân tâm học[15]. Sau đó phải kể đến bài viết hoành tráng có tựa “Những cái bí mật mầu nhiệm trong tâm lý Sigmund Freud và khoa tâm lý giải phẫu”, trên Ngày Nay[16], nơi Những ngày thơ ấu sẽ được đăng tải đúng hai năm sau đó. Cần phải nói thêm, trong phần cuối cùng mang tên “Ảnh hưởng của Freud trong văn chương”, bài báo viết: “Tuy Freud chỉ tìm tòi nghiên cứu để chữa người bị bệnh, song sự sáng kiến của ông thật đã làm rung động cả xã hội, và có một ảnh hưởng mạnh mẽ trong văn chương. Sự đó cũng dễ hiểu, vì văn chương cũng chỉ để diễn tả các trạng thái của lòng người mà sự sáng kiến của Freud đã mở rộng thêm cái bờ bến tâm lý mà người ta biết”.
Cuối cùng, sự kiện quan trọng nữa của năm 1936 là sự ra mắt cùng lúc năm tác phẩm của Vũ Trọng Phụng: Giông tố, Cơm thầy cơm cô, Số đỏ, Vỡ đê và Làm đĩ. Đề tài tính dục và ảnh hưởng của Freud trong sáng tác của nhà văn họ Vũ đã được đề cập nhiều, tôi chỉ lưu ý một chi tiết trong Số đỏ: tiểu thuyết này đã nói đến tình dục trẻ em và mặc cảm Ơ-đíp. Rõ ràng việc nhân vật con trai bà Phó Đoan, một đứa trẻ hơn mười tuổi, “vạch yếm vú em ra mà sờ vú, rồi lại giả vờ bú” là những dấu hiệu của một “ca” Ơ-đíp. Vũ Trọng Phụng còn cho đốc tờ Trực Ngôn, khi quan sát cảnh đứa trẻ thích cởi quần áo trước mặt mẹ, hiểu rằng nó không có bệnh tật gì cả, trước khi kết luận “chân lý” nằm trong “lý thuyết của Freud”, mà ông gọi là “thầy của chúng ta”. Vì vậy, tuy Ơ-đíp không được nhắc tới, nhưng cách phân tích của nhà văn họ Vũ chứng tỏ ông đang nghĩ đến “mặc cảm Ơ-đíp”, mệnh đề quan trọng bậc nhất trong lý thuyết của Freud.
Dẫu không có bằng chứng nào là Nguyên Hồng đã đọc Freud và mặc cảm Ơ-đíp, người ta khó có thể tin thời gian đó ông không hề nghe nói đến cuộc tranh cãi, kéo dài từ 1936 đến 1939, xung quanh tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, thông qua vấn đề “dâm hay không dâm”[17]. Càng khó tin rằng một nhà văn trẻ tuổi và cởi mở như Nguyên Hồng lúc đó lại thờ ơ trước những vấn đề mới mẻ mà Vũ Trọng Phụng đặt ra trong các “phóng sự” đang rất ồn ào văn đàn của ông. Nguyên Hồng kể rằng, ngay từ khi 15 tuổi (1933), ông đã đọc rất nhiều “báo ta” và “hết sức say mê”: “Một số truyện ngắn của mấy nhà văn đang nối tiếng, tôi coi cũng như những bài học […] Tôi cũng nghiên cứu những bài xã luận, những bài bút chiến, những thiên phóng sự điều tra, những tạp mục như tìm hiểu, điểm văn, điểm thơ […] về các thể loại, về cách viết, cách lập luận, về đặc sắc hay sắc thái của từng nhà báo, nhà văn, nhà thơ”[18]. Như thế, tuy Nguyên Hồng không nhắc đến một tên tuổi cụ thể nào, mấy chữ “thiên phóng sự điều tra” cho phép người ta hiểu ông đang ám chỉ Vũ Trọng Phụng. Và như vậy, rất có thể Nguyên Hồng đã khám phá ra học thuyết Freud qua trung gian là tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng.
Đến đây, tôi xin trở lại vấn đề đã đề cập ở phần trước: mối liên quan phức tạp giữa hai nhà văn. Với những điểm rất gần nhau, về nội dung – vấn đề vô thức và tình dục, nhất là tính dục trẻ em; cuộc sống của những kẻ tội đồ và ngoài lề xã hội, về hình thức – cách tiếp cận hiện thực, nghệ thuật sử dụng tiếng lóng, thể loại “phóng sự”, chúng ta có thể kết luận Nguyên Hồng vào thời kỳ đó chịu khá nhiều ảnh hưởng của Vũ Trọng Phụng, người hơn ông sáu tuổi và đã viết từ đầu những năm 1930.
Việc tiểu thuyết Bỉ vỏ nhận giải thưởng Tự lực Văn đoàn năm 1937, được Hội đồng ban giám khảo giới thiệu như một “phóng sự tiểu thuyết […] thể văn rất mới ở bên ta” (như báo Ngày Nay tổng kết ngày 17 tháng 10 năm 1937)[19], chắc chắn có sự tính toán của những nhà trao giải. Chỉ cần đọc bài “Để đáp lời báo Ngày Nay: Dâm hay là không dâm” do Vũ Trọng Phụng viết trên tờ Tương Lai mấy tháng trước đó, chắc ai cũng thầm phục linh tính tuyệt vời của nhà văn họ Vũ khi ông tuyên bố: “Bây giờ, nếu cần quảng cáo cho một nhà phóng sự chưa nổi tiếng nào trong Tự lực Văn đoàn, nếu cuốn Cạm bẫy người mà các ông xuất bản lại hại cho báo Ngày nay, nếu cần phải chửi Vũ Trọng Phụng cho “tiêu”, xin các ông cứ tự tiện”[20]. Năm 1937, mới 25 tuổi nhưng đã ngang dọc văn trường, Vũ Trọng Phụng không thể nào không đoán ra thâm ý của Tự lực Văn đoàn và báo Ngày Nay: gây ra vụ “dâm hay không dâm” không phải vì muốn bảo vệ phong hóa đạo đức (chính Ngày Nay và Tự lực Văn đoàn cũng nhiều lần ca ngợi Freud và tính dục, như tôi đã nói ở trên) mà thực chất muốn “tiêu” Vũ Trọng Phụng đang nổi danh với các tiểu thuyết phóng sự bán chạy như tôm tươi, để đưa vào đó “một nhà phóng sự chưa nổi tiếng nào”. Và kẻ đó không là ai khác ngoài Nguyên Hồng.
Chuyện đó có ảnh hưởng đến cách ứng xử sau này của Nguyên Hồng với Vũ Trọng Phụng không? Ta được biết tại Hội nghị văn nghệ Việt Bắc năm 1949, khi thảo luận về vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa, Nguyên Hồng đã đưa Số đỏ ra phê bình: “tả đúng không đủ, phải có thái độ cách mạng”, và nhận được sự đồng tình của Tố Hữu. Năm 1956, khi viết lời tựa cho tiểu thuyết Giông tố (Văn nghệ tái bản), Nguyên Hồng nhấn mạnh: Vũ Trọng Phụng “không nắm được thực tế cách mạng, sự sống thực tế đấu tranh cách mạng, hiểu biết và nhìn thấy con đường đi của cách mạng. Cuộc cách mạng mà giai cấp công nhân đương lãnh đạo lúc bấy giờ, Vũ Trọng Phụng chưa có một chỗ đứng vững chắc và sáng suốt, dưới ánh sáng khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, mà nhìn, mà sống, mà chiến đấu với ngòi bút của anh”[21].
Trước khi tạm khép câu chuyện xung quanh Vũ Trọng Phụng và Nguyên Hồng, tôi xin trích một câu của Thanh Tâm Tuyền, người đã cổ vũ cho sự phát triển phân tâm học của Freud ở Miền Nam, nhằm kích thích nghệ thuật hiện đại: “Qua tiểu thuyết tiền chiến, tôi chỉ có thể nhận được người như Vũ Trọng Phụng. Và tạm nhận được Nguyên Hồng qua Những ngày thơ ấu. Nhận ở cái ý thức mới so với thời đại của Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng”[22]. Như vậy, với Thanh Tâm Tuyền, nếu Vũ Trọng Phụng và Nguyên Hồng, hai nhà văn tiền chiến duy nhất được coi là “mới so với thời đại”, thì đó là vì họ cùng công phá trên một bình diện tiên phong: phân tâm học. Nhưng có lẽ Thanh Tâm Tuyền không là người đầu tiên nhận thấy dấu ấn của Freud trong Những ngày thơ ấu, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, ở “Lời nói đầu” cuốn Freud đã thực sự nói gì, sau khi trích lại đoạn “Trong lòng mẹ”, đã tự hỏi: “Bảo rằng những cảm giác như vậy có gì “bậy bạ”, chắc không ai nghĩ vậy. Nhưng phủ nhận hoàn toàn sắc thái tình dục thì có phù hợp với thực không?”[23]. Tuy nhiên, không phải là nhà văn cũng không làm phê bình, Nguyễn Khắc Viện đã không đi xa hơn lời bình luận này.
Trong số những tác phẩm văn học nước ngoài chắc chắn đã ảnh hưởng trực tiếp đến Những ngày thơ ấu, trước hết phải kể đến cuốn Le Petit Chose (Thằng nhóc con) của Alphonse Daudet và Vô gia đình của Hector Malot mà Nguyên Hồng lúc nhỏ coi như sách gối đầu giường: “Tôi đã nức nở với Le Petit Chose của A.Daudet, chính vì Petit Chose đặc biệt cũng có một lồng chim, và cảnh đờ của Petit Chose cũng sao mà heo hút”[24] hay “Bấy giờ tôi thấy còn thêm một bạn nữa có khi lại còn thân thương hơn bạn thân […] đó là thằng Khả Dân và con chó Khai Tị trong tiểu thuyết Vô gia đình”[25].
Còn Stendhal? Câu hỏi cần đặt ra vì đó là một trong những nhà văn Pháp vào Việt Nam khá sớm và đặc biệt là tác giả của cuốn tự truyện nổi tiếng Cuộc đời Henry Brulard, trong đó ông kể về mối tình nhuốm màu nhục dục với mẹ như sau: “Mẹ tôi (lúc sinh thời) là một người đàn bà đẹp, và tôi si yêu mẹ […] Tôi muốn hôn lên khắp người mẹ, và không muốn có quần áo gì trên người mẹ cả. Mẹ yêu tôi điên cuồng và thường xuyên hôn tôi, tôi hôn trả lại nồng nhiệt đến nỗi mẹ dường như buộc phải bỏ đi. Tôi căm ghét cha tôi khi ông thình lình phá ngang những chiếc hôn của chúng tôi”. Đọc Những ngày thơ ấu, tôi đã nghĩ đến Stendhal, nhưng hiện nay chưa có bằng chứng nào về sự có mặt của cuốn tự truyện này ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, cũng như không có gì chứng tỏ Nguyên Hồng đã đọc nó trước khi viết tự truyện của mình năm 1938.
Ngược lại, J.J Rouseau là nhà văn Pháp được Nguyên Hồng nhắc đến hai lần trong cuốn Một tuổi thơ văn. Xin mở ngoặc, Rousseau là tác giả cuốn tự truyện nổi tiếng Tự bạch, được coi là thủy tổ của thể loại này ở Pháp. Tuy Nguyên Hồng không bao giờ kể tên những tác phẩm của Rousseau mà ông đã đọc lúc nhỏ, có khá nhiều chi tiết trong Những ngày thơ ấu làm ta nhớ đến Tự bạch, nhất là cách xây dựng ngôn ngữ tự truyện. Giống như Rousseau, Nguyên Hồng đặc biệt chú ý đến tâm lý và tình dục trẻ em, cũng thiên về cảm giác và lơi là lý tính. Khi Nguyên Hồng viết: “Bao nhiêu buổi chiều như thế? Đã mấy trăm buổi chiều như thế? Tôi không thể ghi rõ là bao nhiêu […] Rồi một buổi chiều, tôi cũng không thể nhớ rõ là một buổi chiều rực rỡ hay âm u…” (tr.246–247), hay khi ông mô tả những cảm xúc “mơn man khắp da thịt”, “những phút rạo rực”, “cảm giác là lạ do một bàn tay nhỏ nhắn run run”, không thể nào không nghĩ đến Rousseau khi ông nói về nguyên tắc tự truyện trong cuốn Tự bạch: “Tôi có thể bỏ qua các sự việc, dịch chuyển, tính sai ngày tháng; nhưng tôi không thể nào nhầm lẫn về cái mà tôi cảm nhận…”.
Như vậy, câu hỏi Nguyên Hồng đã đọc tự truyện của Stendhal và Rousseau chưa, vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng dù thế nào chăng nữa, cũng phải thừa nhận ông còn dũng cảm hơn cả hai bậc tiền bối. Trong Tự bạch, cô Lambercier mà chú bé Rousseau yêu với một thứ tình yêu nhục dục, chỉ là một người mẹ hờ. Còn Stendhal, không những ông chỉ thổ lộ mối si tình khi mẹ đã mất cách đó 40 năm, ông còn buộc người ta chỉ in cuốn Cuộc đời Henry Brulard khi ông không có mặt trên cõi nhân gian nữa. Tình mẫu tử nhuốm màu loạn luân, ở Pháp cho mãi đến những năm đầu thế kỷ 20, vẫn là những đề tài kiêng kỵ trong văn chương nghệ thuật.
Vì thế cũng không nên ngạc nhiên nếu Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, khi in lần đầu trên Ngày Nay, số 183, ngày 22 tháng 10 năm 1938, đã được chủ bút Thạch Lam chăm chút kỹ lưỡng. Chính ông là người viết lời giới thiệu, nhấn mạnh đến nội dung luân lý truyền thống: “một linh hồn trẻ dại”, “một người mẹ chịu khổ và âu yếm, một người mẹ hiền từ mà tác giả nói đến với tất cả tình yêu tha thiết của người con”. Là một nhà văn tài năng, một người viết phê bình sắc sảo và cởi mở – chính ông là tác giả của nhiều bài viết kêu gọi cách tân tiểu thuyết thông qua một quan niệm mới về tâm lý[26], Thạch Lam chắc không thể không nhận ra sắc thái nhục dục trong mối tình mẫu tử của Những ngày thơ ấu. Vậy lời giới thiệu trên chắc hẳn nhằm yên lòng các vị đại diện cho đạo đức. Tương tự, nếu ngay dưới tựa đề Những ngày thơ ấu, Nguyên Hồng viết trân trọng “Kính tặng mẹ tôi”, lần nào cũng vậy trong 8 số liền của Ngày Nay, chắc cũng không có nhiệm vụ nào khác là trấn an những nhà phong hóa.
Nhưng giới phê bình thì không ngây thơ. Năm 1942, trong bộ Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã tỏ lời khâm phục lòng “can đảm” của Nguyên Hồng và lập tức công nhận Những ngày thơ ấu là tự truyện đích thực đầu tiên của Việt Nam: “Đây hãy nghe người Việt Nam thứ nhất dám kể về gia đình mình: ‘Thầy tôi làm cai ngục, mẹ tôi con nhà buôn bán…’ Thật khác hẳn cái giọng chép gia phả: ‘Cụ ta vốn con nhà thi lễ, lại nhờ phúc ấm…’”[27]
Tuy nhiên, từ năm 1954 trở đi và cho đến tận hôm nay, dù vẫn là một trong những tác phẩm được bình luận nhiều nhất của văn học Việt Nam thế kỷ 20, Những ngày thơ ấu thường được xếp vào loại văn học thiếu nhi dung dăng dung dẻ. Có thể nói nó là nạn nhân của của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa mà Nguyên Hồng đã tham gia gây dựng – ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Hơn thế nữa, ông là nạn nhân của hình ảnh mà ông luôn nhọc công bồi đắp cho mình – “nhà văn của phụ nữ và trẻ em”, “nhà văn của những người nghèo khổ”, “kẻ mau nước mắt”, “kẻ yếu lý trí”, vân vân –, bởi những cái mác này là nguyên nhân chính dẫn đến cách đọc giản lược mà người ta dành cho Những ngày thơ ấu, với một suy diễn như sau: một người ngây thơ ắt hẳn chỉ sản xuất ra một tự truyện ngây thơ.
Chưa hết, Những ngày thơ ấu là nạn nhân của kiểm duyệt. Trong bản dịch ra Pháp văn năm 1963, do nhà xuất bản Ngoại văn Hà Nội in[28], nhiều chỗ “tế nhị” bị cắt bỏ. Vi dụ, ở đoạn văn nổi tiếng “Trong lòng mẹ”, bản tiếng Pháp không có những chữ sau đây: “… mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu…”. Tương tự, nhiều đoạn khác cũng biến mất: “cái cảm giác là lạ do một bàn tay nhỏ nhắn run run bỗng từ đầu tuột xuống vai tôi, và một màng lành lạnh mong manh vương qua một cặp mắt lờ đờ nhìn vào mắt tôi chợt làm ngực tôi lạnh dợi đi…” (tr.247), “Chấm xong những giọt nước mắt, hai gò má mẹ tôi hồng lên và lấp lánh, màu hồng của gò má ấy, tia sáng vui mừng của con mắt long lanh ấy, mơn mởn như những búp bàng non lặng thấm nắng xuân rực rỡ lúc bấy giờ” (tr.302).
Có lẽ tình dục bao giờ cũng là chủ đề bị “soi” nhiều nhất, đôi khi hơn cả chính trị, điều này người ta từng nhận thấy khi so sánh bản gốc và bản in của nhiều nhật ký. Tình dục giữa trai gái đã khó tha thứ, nhưng tình mẫu tử kiểu Những ngày thơ ấu thì vượt quá mức chịu đựng của những người cầm cân nảy mực. Người ta có thể khó chịu về hình ảnh ông bố cai ngục nghiện thuốc phiện của Nguyên Hồng, nhưng người ta không thể chấp nhận những xúc cảm cuồng nhiệt trong tình yêu của ông dành cho mẹ.
Nhưng đó là năm 1963. Bây giờ, nghe đâu trẻ em Việt Nam đọc Lolita còn thấy nhạt…
***
Qua kinh nghiệm về mối tình có thực của mình, một quan hệ mẫu tử mang đậm chất nhục dục, Nguyên Hồng đưa văn học viết về cá nhân đi một bước rất xa. Những ngày thơ ấu của ông khẳng định con người, dù nghèo hèn giản dị đến mấy, vẫn là “một thực thể đơn nhất và có ý nghĩa”[29], và tình dục là nền móng của thực thể đó. Hơn thế nữa, ông đã chọn cho tác phẩm của mình một hình thái mới – tự truyện – để nói về cái “tôi” của chính mình, phanh phui không khoan nhượng. Bằng một tài năng và niềm tôn trọng sự thật đến cùng, ông đã biến tự truyện của mình thành một sáng tác văn chương độc đáo[30].
Với một đề tài và một thể loại vừa mới vừa nhạy cảm, Những ngày thơ ấu bừng bừng một tinh thần giao chiến, giữa tác giả và xã hội, giữa cá nhân và hệ thống đạo đức đương thời. Nó giống như một trận đấu bò tót, hình ảnh mà Michel Leiris đã sử dụng để nói về cuốn tự truyện của ông, Tuổi thành người, viết cùng thời điểm đó, khoảng 1938-1939.
Tự truyện phải là một trận đấu bò tót.
Paris, tháng 12 năm 2015.
[1] Những chỗ in đậm là do tôi (ĐCT).
[2] Nguyên Hồng đi tù lúc đó vì tội gì? Ít tài liệu nào nói đến. Đây là lời kể của Nguyễn Đăng Mạnh: “Trò chuyện với Nguyên Hồng, tôi mới biết ông bị tù từ tuổi thiếu niên. Ông có một người chú dượng thường ức hiếp, hành hạ vợ, tức là một bà cô của ông. Ông tức quá, rút dao đâm ông này và bị đưa đi trại cải tạo trẻ con hư (đâu như ở Bắc Giang)”. Xem http://viteuu.blogspot.fr/2013/03/hoi–ky–cua–giao–su–nguyen–ang–manh–ky–8.html (tra ngày 10/12/2015).
[3] Tân Thạch, “Bỉ vỏ hay bỉ bo” in Vịt Đực, n° 22, paru le 23 novembre 1938 à Hanoi.
[4] Philippe Lejeune, Le Pacte autobiographique, NXB Seuil, 1975, tr. 14.
[5] Nguyên Hồng, Một tuổi thơ văn, Hà Nội, NXB Văn Học, tr.22.
[6] Tất cả những đoạn trích trong bài được dẫn từ Nguyên Hồng, Bỉ vỏ & Những ngày thơ ấu, Hà Nội, NXB Văn Học, 2010.
[7] Nguyên Hồng, Một tuổi thơ văn, sđd, tr.117.
[8] Xem Nguyên Hồng, Những tác phẩm tiêu biểu trước 1945, Bạch Văn Hợp sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu, Hà Nội, NXB Giáo dục, 2001.
[9] Tháng 10 năm 2008, trong một bài trả lời phỏng vấn trên Văn Nghệ Trẻ, tôi đã từng tỏ ý ngần ngại khi công nhận Những ngày thơ ấu là một tự truyện văn học đúng nghĩa, vì theo tôi, Nguyên Hồng đã không lý giải hành trình đến với văn học của mình như thế nào. Nhưng bây giờ câu trả lời đó, tôi đã tìm thấy trong “Tôi viết Bỉ vỏ”. Đó là lý do tại sao tôi đề nghị đọc song song hai tác phẩm này, trong một tổng thể tự truyện.
[10] Xem Nguyên Hồng, Những tác phẩm tiêu biểu trước 1945, sđd, tr.273 và 278.
[11] Trong Một tuổi thơ văn, sđd, Nguyên Hồng nói về mẹ đơn giản thế này: “Năm tôi lên được lớp nhì năm thứ hai, mẹ tôi đi Thanh Hóa, bỏ hẳn tôi cho bà nội và cô tôi” (tr.117). Ngược lại, người cha được nhìn nhận với con mắt cảm thông hơn: “Tháng mười năm ấy cha tôi mất. Bó phần thưởng (của tôi) thỉnh thoảng tôi đi chơi về lại thấy cha tôi giở ra xem. Cha tôi để nó ở đầu giường, cạnh cái gối gỗ rỗng, nơi cất cái ví da cũ mà lúc khiêng xác cha tôi ra gian nhà ngoài, tôi lục tìm thấy còn một hào bạc…” (tr.80). Riêng bà nội, người mà Nguyên Hồng mô tả với nhiều uất hận trong Những ngày thơ ấu, được Một tuổi thơ văn dành hẳn cho chương cuối cùng, với cái tựa là “Bà tôi” và lời cảm tạ “Tôi viết nên cũng vì có bà tôi” (p.154).
[12] Câu này trích ở một cuộc phỏng vấn Nguyên Hồng “Une heure avec Nguyen Hong” (Một giờ với Nguyên Hồng), được dùng làm lời tựa cho bản dịch Pháp văn Những ngày thơ ấu và một số truyện ngắn, xem Nguyên Hồng, Jours d’enfance et autres récits, traduits du vietnamien par Le Van Chat, Hà Nội, NXB Ngoại Văn, 1963.
Đây là nguyên văn trong bản tiếng Pháp ”J’ai voulu […] faire don au public de (mon) ‘moi’, un ‘moi’ sans masque, contrairement à ce qui s’imprimait habituellement à l’époque” (tr.6).
[13] Xem Trần Văn Toàn, “Về một diễn ngôn tính dục trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam (từ đầu thế kỉ 20 đến 1945)”, 30/4/2009, đăng trên trang điện tử của Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội, xem ngày 18/12/2015 trên http://khoavanhoc.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=145:dienngon–tinhduc–vanxuoi–nghethuat–vietnam&catid=70:gii–trong–vn–hc–va–ngon–ng–hc–29–4–2009&Itemid=204
[14] Tô Kiều Phương (bút danh của Kiều Thanh Quế), Học thuyết Freud, Hà Nội, Tân Việt, 1943.
[15] Nguyễn Văn Hanh, Hồ Xuân Hương – Tác phẩm, thân thế, văn tài, Saigon, Hội Khuyến học Nam kỳ, 1936.
[16] Ngày Nay (số 35, 22/11/1936), bài báo “Những cái bí mật mầu nhiệm trong tâm lý Sigmund Freud và khoa tâm lý giải phẫu” không ký tên, chỉ viểt “Theo Guérir và Grégoire”, là tên hai tờ báo Pháp lúc đó.
[17] Năm 1932, Vũ Trọng Phụng đã phải ra hầu tòa vì “tội tổn thương phong hóa” (outrage aux bonnes moeurs). Xem Lại Nguyên Ân, “Vũ Trọng Phụng và vụ án văn chương”, VnExpress, 7/11/ 2005, http://giaitri.vnexpress.net/tin–tuc/sach/lang–van/vu–trong–phung–va–vu–an–van–chuong–2141834.html
[18] Xem Một tuổi thơ văn, trang 1930.
[19] Xem bài viết của Thạch Lam “Giải thưởng văn chương của Tự lực văn đoàn năm 1937” đăng trên Ngày Nay số 81 (17/10/1937).
[20] Tương lai, Hà Nội, số 9 (25.3.1937), đăng lại trên blog riêng của Lại Nguyên Ân: http://lainguyenan.free.fr/GiongTo3/DamHayKhong.html
[21] Xem Hải Anh “Sáng tác của Vũ Trọng Phụng sớm được giới văn nghệ sĩ cách mạng quan tâm”, Báo điện tử Tổ Quốc, 26/12/2013.
[22] Xem Đoàn Ánh Dương, “Một con đường của quan niệm sáng tạo (nhìn từ trường hợp Thanh Tâm Tuyền)”, Sông Hương, 29/10/2014.
[23] David Stafford–Clark, Freud đã thực sự nói gì, Lê Văn Luyện và Huyền Giang dịch, Nxb Thế giới, 1998.
[24] Một tuổi thơ văn, sđd, tr.129.
[25] Một tuổi thơ văn, sđd, tr.118.
[26] Chính trong Ngày Nay số 183, bên cạnh Những ngày thơ ấu, Thạch Lam viết trong bài “Tiểu thuyết”: “Tâm hồn người ta lại là một vật khó biết nhất. Những trạng thái tâm lý trong lòng người rất là phiền phức…”. Như vậy, dù không nhắc đến Freud, dường như Thạch Lam ám chỉ môn phân tâm học.
[27] Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, Hà Nội, NXB Văn học, 1998, tập 2, tr. 564.
[28] Nguyên Hồng, Jours d’enfance et autres récits, sđd.
[29] Xem Phạm Ngọc Lan, Tự truyện trong văn học Việt Nam hiện đại. Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam, Đại học Sư phạm TPHCM, 2005, tr. 41.
[30] Sau này, một nhà văn miền Bắc cũng nói về “hơi mẹ” (“Hơi mẹ ơ hờ chỏm tóc/Đêm được nằm mẹ gối đầu tay”) là Hoàng Cầm. Và Đỗ Lai Thúy đã nhìn thấy trong thơ ông ẩn hiện mặc cảm Ơ-đip. Xem Đỗ Lai Thúy,
“Phân tâm học và phê bình văn học ở Việt Nam”, xem ngày 21/12/2015, trong https://giacmobanngay.wordpress.com/2010/10/12/phe–binh–van–hoc–o–viet–nam–va–phan–tam–hoc/