Những (tử tù) khốn khổ – Đọc “Một ví dụ xoàng” của Nguyễn Bình Phương

Đoàn Cầm Thi

Hãy nhìn Claude Gueux. Một bộ não được cấu tạo tuyệt vời, một trái tim được tạo tác nhân hậu. Nhưng số phận lại đưa anh ta vào một xã hội được chế tác dở tới mức anh ta phải kết thúc bằng việc ăn trộm. Rồi xã hội lại đẩy anh ta vào một nhà tù tồi đến mức anh ta phải cáo chung bằng việc giết người. Ai là thủ phạm thực sự? Anh ta? Hay chúng ta?” (Victor Hugo, Claude Gueux, 1834)

Không có mô tả.

Một ví dụ xoàng, tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bình Phương[1], là câu chuyện về nhân vật Sang, tại thành phố Thái Nguyên, trong những năm bao cấp, từ một tiến sĩ tốt nghiệp ở Liên Xô đã trở thành tội phạm phải lĩnh án tử hình, chỉ vì ngộ sát để tự vệ lúc bị rượt bắt khi buôn lậu bốn cân chè. Tác phẩm chia làm hai phần. “Phần thứ Nhất”, gồm 14 chương, kết nối số phận các cá nhân với khung cảnh chung của xã hội Việt Nam những năm 1976-1986 biến loạn bởi hai cuộc chiến tranh biên giới và những cuộc đào vàng. Trong “Phần thứ Hai” với 12 chương, Nguyễn Bình Phương thu nhỏ ống kính, tập trung vào cuộc điều tra mà nhiều thập kỷ sau, nhân vật “khách”, con trai Sang, lúc này đã trở thành nhà văn, đi gặp các nhân chứng – từ quan tòa đến đao phủ, từ đồng nghiệp đến phu đào huyệt, từ cai tù đến “người xem vô danh” – nhằm dựng lại một cách cặn kẽ từng giây phút cuối cùng của cha mình.

Vẫn những chủ đề thường trực của Nguyễn Bình Phương như bạo lực, loạn luân, phản bội, thù hận, chiến tranh, nhưng rõ ràng Một ví dụ xoàng chọn cách viết ngắn hơn, sắc hơn. Và vì thế, quyết liệt hơn. Vẫn trữ tình nhưng trực diện. Không trốn tránh, không khoan nhượng, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương đặt các câu hỏi dữ dội về cuộc sống, về cái chết, về chính nghĩa và công bằng (không phải ngẫu nhiên mà nhân vật phó chủ tịch thành phố, kẻ gián tiếp đưa Sang lên đoạn đầu đài, và hai đứa con ông ta, tên là Chính, Công, Bằng), về luật người và Luật Trời (như trận mưa “rửa hận” hay thuyết “nhân quả”), về những điều làm nên tính nhân bản (như tình yêu và tuyệt vọng, sợ hãi và nhớ nhung, những giấc mơ và tính hài hước) mà Sang, kẻ phạm tội, quyết tâm gìn giữ trong khi những kẻ thực thi quyền lực từ chối nhìn nhận nó.

1. Ngày cuối cùng của một tử tù

Nếu tác phẩm của Nguyễn Bình Phương luôn ngợp xác người và các cảnh chém giết ngoạn mục, thì tiểu thuyết mới của anh đi xa hơn về lĩnh vực này, bằng cách mô tả những kiểu giết người hoàn toàn hợp pháp.

Một ví dụ xoàng mở đầu bằng hai cuộc “chiến sự ở biên giới” phía Bắc và phía Nam, đã biến những người lính thành những kẻ “hung tợn, ngạo mạn, bất cần đời (tr.6). Đương nhiên, văn học Việt, có lẽ bắt đầu từ Nỗi buồn chiến tranh (1988) của Bảo Ninh, đã từ lâu tố cáo căn tính bạo lực của chiến tranh. Nhưng dường như chỉ với tiểu thuyết này của Nguyễn Bình Phương, các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc mới hiện lên như những cuộc ăn cướp, giết người tập thể, phá hoại đạo đức toàn xã hội. Nguy hiểm hơn, nó được bao che dưới vỏ bọc của “chính nghĩa”: “Đó là những người từng dạn dày chinh chiến, vào sống ra chết ròng rã hàng chục năm, và họ mang theo vô khối vàng nhặt nhạnh từ xứ chùa tháp. Nhiều nhà dân trong thành phố bỗng chốc giàu lên bởi vàng của lính. Ăn một bát phở, không trả bằng tiền mà lôi một thanh vàng đúng bằng thanh kẹo lạc ra […] Lính hào phóng thế, nhưng dân cũng không ăn chẹt, không dám lấy quá. Thời chiến, lính mà nổi cáu thì khó lường, có thể cho đi cả băng.” (tr.7).

Một ví dụ xoàng kết thúc bằng cảnh phá thai trong một phòng khám giữa trung tâm thành phố: “Ngay từ hồi còn làm ở bệnh viện huyện, vợ khách đã nhanh nhạy mở phòng khám tư nhân […] Một lần phá thai vợ khách lấy một trăm rưỡi, ca nào thai già thì lấy hai trăm. Mỗi ca phá khoảng mười phút, tính cả thời gian nằm nghỉ. Dụng cụ phá thai, chỉ là một cái móc bằng inox, một cái thìa nhỏ cũng bằng inox” (tr.191). Phá thai quả là những cuộc giết người thật sự: “một đống nhỏ lầy nhầy máu […] mùi tanh tanh của máu thịt bị vằm nát” (tr.196), “Có thể nghe thấy tiếng rên khe khẽ, tiếng rên thật khó tả […] như có sự trộn lẫn của ai đó nữa, còn non nớt, bấy bá nhưng cực ai oán” (tr.195). Những cuộc tàn sát này không những phù hợp với quy định của pháp luật mà còn không trái với quy phạm đạo đức cá nhân lẫn xã hội, và được thực hiện tràn lan.

Như vậy, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương nói rằng, từ khi chưa sinh ra đến tận cuối đời, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể là nạn nhân của những cuộc giết chóc “đúng luật”: chiến tranh và phá thai. Nhưng chưa hết, ngoài hai hình thức trên, Một ví dụ xoàng tố cáo một kiểu giết người khác, được pháp luật quy định, được thi hành và giám sát như một nghi lễ: án tử hình.

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, hình phạt nghiêm khắc nhất của luật hình sự được đề cập một cách cụ thể, kỹ càng, giống như một bộ phim tài liệu. Một ví dụ xoàng dành toàn bộ “Phần thứ Hai” gồm 125 trang (“Phần thứ Nhất” chỉ có 73 trang) cho việc nhân vật “khách” tìm hiểu vụ “trả án” của cha mình vài thập kỷ trước, để thấy đó là một sự kiện được thực hiện tại những địa điểm và giờ giấc chính xác, bởi những người có chuyên môn, kỷ luật cao, động tác “thạo” (tr.123). Tính từ “chuyên nghiệp được nhắc lạị hai lần (tr.118, 123). Hơn thế nữa, các khâu đều đạt đến độ “điêu luyện”, “hoàn hảo (tr.124).

Bữa cơm cuối cùng: “có giò lụa, chả quế, nước mắm Cát Hải” (tr.130). Đêm cuối cùng: “khoảng hơn hai giờ, cán bộ thi hành án của nhà giam đến đánh thức [tử tù]” (tr.143); Đội đào huyệt: “Khoảng dăm người gì đó. Hôm trước […] họ đào hố chôn cọc, rồi đào huyệt” (tr.123). Ra pháp trường: “Xe chở tử tù đến vào khoảng năm rưỡi” (tr.120). Trên xe, tử tù “ngồi giữa” hai người dẫn tù (tr.131). Ở pháp trường: phạm nhân “được đưa ra khỏi chiếc xe tù, hai người xốc nách hai bên dìu ra cọc bắn”, rồi “trói […] vào cọc […] quan tài cũng được mang tới, cách đó khoảng ba bốn mét” (tr.122), “bị bịt mắt bằng một dải băng đen” (tr.122). Đội thi hành án: “làm mọi thủ tục cuối cùng cho tử tội” (tr.145); Đội hành quyết: gồm năm người, dậy từ lúc hơn hai giờ, súng ống đã chuẩn bị kỹ từ chiều hôm trước” (tr.143). “Khoảng ba giờ [sáng] xe tải bịt bạt […] xuất phát” (tr.144). Đến trường bắn, chờ cán bộ thi hành án ra lệnh, “đội hành quyết nhảy xuống […] hô nhau đứng vào vị trí, nòng súng hướng về phía [tử tù] đang bị trói” (tr.122), “đội trưởng dí khẩu súng ngắn vào thái dương tử tù bắn phát cuối” (tr.155); Sau khi hành quyết: “[Tổ trưởng đội đào huyệt] chặt dây”, những phu còn lại “kê quan tài lên để hứng xác” (tr.155) “cho nó đổ gọn vào đấy rồi hạ xuống” (tr.123). “Tổ trưởng mở áo cái xác để pháp y đếm vị trí đạn trong khi đó một phu khác cởi dải bịt mắt” (tr.155). “Liệm […] sơ sài” (tr.156). Ngay cả phần hồn của phạm nhân cũng được pháp luật qui định rõ ràng: “mỗi tử tù cũng được một vòng hoa đặt lên mộ cùng với một bó hương” (tr.118).

Như thế, hiện thực về cách giết người hợp pháp này được mô tả chính xác, do những người trong cuộc, hoặc trực tiếp tham gia hoặc tai nghe mắt thấy. Những “đặc ân” trước và sau khi trả án – bữa cơm giò chả, vòng hoa và bó hương trên mộ – hoàn toàn vô nghĩa. Được thực hiện một cách máy móc, không xót thương, thiếu tình người, chúng chỉ làm tăng nỗi kinh hoàng của kẻ sắp bị diệt trừ bởi chính bầy đoàn của mình: “tử tù mấy ai còn lòng dạ mà ăn hết đâu” (tr.131), “mỗi tử tù cũng được một vòng hoa đặt lên mộ cùng với một bó hương, nhưng chả ma nào khóc” (tr.118).

Đây cũng là lần đầu tiên văn học Việt mô tả trần trụi như vậy một cơ thể tử tù, trước và sau khi hành quyết: “Tử tù trông xơ xác, gầy guộc, mới chỉ có hơn tuần mà anh ta sút ghê quá. Ngực anh ta dồn lên […] phập phồng như đứa trẻ dính sốt” (tr.145), “giãy giụa, bết bát trên cọc” (tr.116), “ngực trái bị phá toác ra” (tr.155), “mắt […] không nhắm, vuốt thế nào nó cũng cứ trừng trừng nhìn […] Đồng tử nó không đen mà ngả vàng óng, đại để nó giống nhựa thông” (tr.156). Trước đó và có lẽ cả sau này, các nhà văn Việt tốn nhiều giấy mực ca ngợi cái lẫm liệt oai phong của những bậc anh hùng sắp lên đoạn đầu đài[2]. Riêng Nguyễn Bình Phương chọn một nhân vật “bình thường” với những giấc mơ “bình thường” – Sang là một giáo viên nghèo tỉnh lẻ phải nuôi hai đứa con thơ. Và sự lựa chọn đó không có chủ ý nào khác là nói lên điều này: bất cứ ai trong chúng ta, những con người “bình thường” nhất, cũng có thể là nạn nhân của hình phạt phi lý và phi nghĩa này, như nhận xét của một nhân chứng “bình thường”: “Bao nhiêu cơm gạo mới đúc nên được cái hình hài cho ra con người, thế mà chỉ bụp bụp mấy cái, thành một đống thịt vô hồn” (tr.116). Tóm lại, người tử tù có thể là “anh”, là “chị”, là “tôi”, là những người xung quanh ta. Không một lời bình luận, ngòi bút của Nguyễn Bình Phương chỉ mô tả. Xã hội chúng ta đang sống chưa bao giờ hiện lên gớm ghiếc như thế. Nhân danh công lý và lẽ phải, nó trừng trị kẻ tội phạm một cách bất nhân, man rợ, không khoan nhượng. Lấy máu trả máu, luật pháp của chúng ta không khác gì những luật rừng thời nay hay cách hành xử của các bộ lạc nguyên thủy.

Một ví dụ xoàng vang lên âm thanh của kim loại, công cụ của bạo hành: tiếng “bụp bụp” (tr.116) của súng bắn vào thây người trên pháp trường, hay tiếng “lanh canh” (tr.196), “lách cách” (tr.117) của dụng cụ phá thai “bằng inox”. Nhưng nổi bật lên vẫn là tiếng của vàng. Vàng giữ vị trí trọng tâm trong tác phẩm. Vàng là nguồn gốc của cái ác – lính phá chùa, dân ngậm miệng, Chính giết bạn, Bằng bán vợ, tất cả đều vì vàng. Vàng là hiện thân của quyền lực – trong nhà của “nguyên chánh án tòa án tối cao”, mọi đồ vật đều được dát vàng, từ “nút bấm chuông để đồng vàng”, đến “chiếc Citizen vỏ vàng” (tr.176). Vàng có âm thanh riêng, “huyền bí mê lịm” (tr.16). Vàng được nhân cách hóa, có “thần khí của sự ngạo mạn” (tr.8), có tiếng kêu của động vật – “vàng rú”, “vàng gầm” (tr.11) – Nguyễn Bình Phương gọi đó là “giọng vàng” (tr.11). Chưa hết, vàng tồn tại dưới dạng “nguyên khối” (tr.176), “cục” (tr.8), “thanh” (tr.6), “vốc” (tr.7), “mẩu” (tr.203).

Trong thế giới của Một ví dụ xoàng, những thể chất cứng, thô, đầy dương tính đó sẽ được cân bằng với những thể chất lỏng, mềm mại, chuyển động tự do, mang nhiều âm tính. Vì thế, nước là một trong những chất liệu chủ yếu của tiểu thuyết này. Ngày bắn Sang, “mưa đến mức tất cả cây cối đều rũ rượi, nát nhàu vì nước vò”, “mưa cứ ràn rạt, ràn rạt mê man” (tr.144), “Mưa rơi thẳng đứng thành bức rèm nước (tr.145), “mưa ầng ậc đổ xuống, sét đánh khét mù” (tr.154). Nếu bản đồ mỹ học của Nguyễn Bình Phương vốn nhiều đồi núi, tác phẩm mới này sẽ thiên về sông, hồ và biển. Trong tâm tưởng của hai nhân vật chính, Sang và Uyên, núi Hột và Linh Sơn chỉ còn là những kỷ niệm tuổi thơ và quá khứ xa xôi. Tác phẩm mở đầu bằng “biển Đông” và kết thúc bằng “sông Cầu”. Sông hồ của Một ví dụ xoàng thật thơ mộng, hiện thân của “nữ tính” (tr.21), của tình yêu: “Những lúc không gặp Uyên, Sang lại kiếm cớ lang thang ra sông ngó ngơ những dải váng ngũ sắc nhì nhằng vòng vèo trên mặt nước”, “Trong nắng xế, mặt hồ như rộng ra, nhà cửa, cây cối đều nhuốm vàng, không khé mà dịu non bởi độ trong trẻo.” (tr.21). Ngay cả âm thanh và tiếng nói dường như cũng thuộc về chất lỏng: “âm thanh se se vón ướt (tr.203), “tiếng nói lỏng ướt” (tr.105).

Trong vũ trụ ẩm ướt, nhiều “bóng tối” và “bí mật (tr.5) đó, Nguyễn Bình Phương cho các nhân vật kể những câu chuyện của mình.

2. Kể xong rồi đi

Phải nói ngay rằng tiểu thuyết trước đó của Nguyễn Bình Phương, Kể xong rồi đi (2017), đã khai thác “kể” như một trong những nhu cầu thiết yếu của loài người, tựa như ăn như mặc. Tất cả các nhân vật, nam nữ già trẻ sang hèn, đều có một đam mê chung: “kể” một câu chuyện nào đó rồi “đi”: “Hôm nào đi học, Lĩnh cũng kể cho bọn tớ nghe chuyện. Lĩnh vừa cõng Hoành vừa kể hết chuyện này đến chuyện khác, những thứ Lĩnh đọc được qua sách. Hôm nào Lĩnh mệt, sắp ốm, câu chuyện sẽ hơi rè, thiếu mạch lạc, còn lại thì rạch ròi, trơn tru như bóc vỏ chuối[3]. Kể với bất kỳ ai đó, ngay cả với hòn đá, ngọn cây, dòng sông, miễn là được kể. Cả tiểu thuyết được xây dựng như một câu chuyện của Tính kể cho con chó Phốc. Trong lời kể đó lại đan xen một ngàn lẻ một câu chuyện, do những người khác kể lại. Đôi khi “kể” ở mức độ thứ ba, như trong ví dụ sau: “Đại tá cũng kể trong số thợ làm thuê, có một ông già rất giỏi. Những khi rảnh rỗi ông thợ rèn già này thường kể chuyện cho bác ấy nghe, toàn chuyện lạ lùng…[4]. Dường như theo Nguyễn Bình Phương, nhân loại tồn tại nhờ những câu chuyện mà mỗi ngày chúng ta kể cho nhau. Kể là cách con người xây dựng và hình dung thế giới. Nói cách khác, tôi kể tức là tôi hiện hữu. Thân phận của nàng Scheherazade chính là thân phận của mỗi chúng ta.

Ở tác phẩm mới này, kể vẫn là hoạt động quan trọng nhất của các nhân vật. Trong Phần thứ Hai, họ chỉ có mỗi một việc là kể, kể liên miên, không ngừng nghỉ. Những kẻ vốn kiệm lời, như “nguyên chánh án” hay bà Nhài, “bạn thưở ấu thơ”, cũng “thao thao” (tr.178, 159). Tiểu thuyết gồm nhiều câu lạ – không chủ ngữ, chỉ có động từ “kể”: “Và kể rằng” (tr.12), “Kể tiếp rằng (tr.15), như thể Nguyễn Bình Phương vẫn tiếp tục cuộc thử nghiệm văn chương của mình. Tuy nhiên, lần này, anh đẩy đến tận cùng ý nghĩa của hành động kể. Trước hết, nó được thực hiện một cách có hệ thống. Các cuộc nói chuyện xảy ra trong cùng một đoạn thời gian (“mấy chục năm sau khi nhân vật Sang bị tử hình), có cùng một mục đích (kể về Sang và những ngày cuối cùng của anh ta). Phần lớn các nhân chứng đều cho cảm giác là “kể” không chỉ là một nhu cầu, mà còn là một nhiệm vụ: “nói hết ra […] một lần cho bõ (tr.109). Lời kể của họ được ghi lại trong “chiếc máy ghi âm nhãn hiệu Sony” (tr.197), sau đó mỗi file được đánh số từ 1 đến 10. Lời nói ở đây không là “gió bay”, nó được “khách” nghe lại nhiều lần, khi đã “về phòng đóng cửa” (tr.168). Như thể chúng làm sống dậy những khoảnh khắc cuối cùng của người cha, mà anh ta không được chứng kiến.

Đặc biệt, các lời kể là kết quả của một cuộc điều tra công phu, do nhân vật “khách” tiến hành. Tìm lại các nhân chứng mấy chục năm sau, thuyết phục họ cho gặp, nhiều khi không phải là một chuyện dễ dàng: “Phải trao qua đổi lại không biết bao lần trên điện thoại ông trưởng phòng tổ chức mới gật đầu cho gặp (tr.168). Trong tất cả các cuộc gặp, “khách” mặt đối mặt với các đại diện của pháp luật, rọi ánh sáng lên quá khứ, chất vấn từng người bằng những câu hỏi không thể rõ ràng hơn: “Bác ấn tượng gì sáng hôm đó.” (tr.119), “Lúc bắn thì sao ạ?” (tr.120), “Bác thấy đạn bắn vào đâu trên người ông ấy? Có cùng chỗ hay mỗi viên một nơi?” (tr.122), “Lúc trước bác bảo họ chiếu đèn ô tô để bắn?” (tr.123), “Còn những người đào huyệt, họ đứng ở đâu lúc bắn ông tiến sĩ ạ?” (tr.123), “Mâm cơm kia rồi làm thế nào?” (tr.130), “Mấy giờ thì đội hành quyết xuất phát ạ?” (tr.144), “Khách sốt ruột hỏi sang vấn đề lời đồn cái xác biến mất” (tr.186).

Đằng sau những câu hỏi đó, là niềm thôi thúc “vừa hăm hở vừa đớn đau” (tr.197) giục giã người con hồi phục ký ức về người cha và cái chết oan trái. Không dừng lại ở việc mô tả hình phạt này, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương đặt câu hỏi về nguyên nhân của tội lỗi và trách nhiệm của xã hội. Không nghi ngờ gì nữa, Sang là nạn nhân của nó: nghèo đói đã dẫn anh ta đến tội lỗi và cái chết, như nhận xét của một nhân vật: “chỉ vài cân chè mà đi toong hai mạng người” (tr.101).

Tuy nhiên, trong Một ví dụ xoàng, cái mà tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương muốn nói, chính là sự thờ ơ của phần đông công chúng – nhiều người dân đi xem xử bắn như một “thú vui” (tr.120). Đặc biệt, sự thản nhiên lạnh lẽo của những người đại diện cho công lý và tri thức, trước quyền sống và nỗi đau của đồng loại. Ngòi bút của Nguyễn Bình Phương xuất sắc khi mô tả cảnh hai giáo sư đại học vừa kể lại cái chết của đồng nghiệp cũ là Sang, vừa hào hứng bàn về ván cờ đang chơi dở, lời này dính với lời kia không phân biệt – Lánh pháo sang bên cái đã. Suy cho cùng được đi đào tạo là do tập thể ưu tiên […] Nhảy mã. Tôi nhớ cái lần…” (tr.95). Tương tự, cảnh “nguyên chánh án Tòa án tối cao” bình luận về việc ông ta đã kết tội tử hình “theo chỉ đạo” (tr.182), mà lương tâm không gợn chút băn khoăn, cũng đủ làm cho người đọc lạnh gáy. Sau khi tuyên bố không muốn “mất thời gian” vào cái “ví dụ xoàng” đó, ông ta tràng giang đại hải về một “lọ gốm cổ”, thứ “hàng rất độc” trong bộ sưu tầm của mình (tr.183), trước khi nhấn mạnh đến nhu cầu ăn uống đúng giờ của ông ta: “Uống nước đi rồi kết thúc để mình còn ăn. Tuổi mình, không đúng bữa là nó hạ huyết áp, thế mới khổ” (tr.188). Được hỏi về lời đồn cái xác của Sang biến mất, ông quan tòa đó không ngần ngại tuyên bố: “Mình thì mình nghĩ ai nó lấy cái xác của thằng tù làm gì cơ chứ, có nấu cao được đâu, phải không?” (tr.186). Không phải ngẫu nhiên mà những nhân vật này không có tên, họ chỉ được gọi bằng chức vị của mình. Mất tính người, không còn tình thương và lòng trắc ẩn, họ chỉ là những cỗ máy.

3. Những (tử tù) khốn khổ

Đi xa hơn nữa, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, qua lời một nhân vật, gọi đích danh “bọn lãnh đạo”, nguồn cơ của tội ác: “Khốn khổ khốn nạn với cái ngu của chúng nó. Tôi nói chúng nó là nói cái bọn lãnh đạo, không phải chú kia. Chú kia thì hiền như cục đất, mang tiếng là đi buôn nhưng chủ yếu lấy công làm lãi chứ ăn giải ăn phạt gì ghê gớm đâu” (tr.102).

Trước hai từ “khốn khổ” của Một ví dụ xoàng, người ta không thể không đặt câu hỏi về gạch nối (ý thức hay vô thức?) giữa Nguyễn Bình Phương và Victor Hugo, nhà văn của những kẻ “khốn khổ” và những “tử tù khốn khổ”. Án tử hình là chủ đề lớn của Victor Hugo, đặc biệt qua truyện ngắn Tử tù Claude Gueux (1834) và tiểu thuyết Ngày cuối cùng của một tử tù (1828), cả hai đều đã được dịch và in ở Việt Nam gần đây[5].

Tác phẩm thứ nhất, dựa theo một vụ án có thật ở Paris năm 1831, thường được coi như “bản nháp” của tuyệt tác Những người khốn khổ, là câu chuyện về một người đàn ông vốn lương thiện, Claude Gueux, nhưng vì đói nên phải ăn trộm. Trong trại giam, không chịu nổi tính bạo ngược của một cai tù, anh ta giết hắn và chịu án tử hình. Truyện ngắn được khép lại với lời buộc tội xã hội của Victor Hugo: “Hãy nhìn Claude Gueux. Một bộ não được cấu tạo tuyệt vời, một trái tim được tạo tác nhân hậu. Nhưng số phận lại đưa anh ta vào một xã hội được chế tác dở tới mức anh ta phải kết thúc bằng việc ăn trộm. Rồi xã hội lại đẩy anh ta vào một nhà tù tồi đến mức anh ta phải cáo chung bằng việc giết người. Ai là thủ phạm thực sự? Anh ta? Hay chúng ta?”. Với Victor Hugo, vấn đề không chỉ là đòi công lý cho một cá nhân nào đó, mà quan trọng hơn, chỉ ra “đói” và “rét” chính là cội rễ của cái ác đang hoành hành trên toàn xã hội.

Ngày cuối cùng của một tử tù của Victor Hugo, xuất bản lần đầu tiên ở Pháp năm 1828, ghi lại dưới dạng nhật ký hư cấu của một tử tù, những ngày cuối cùng, đặc biệt 24 giờ chót, của anh ta: những mô tả kinh hoàng về nhà tù, bạn tù, cai ngục, linh mục, đan xen những kỷ niệm đau xót về mẹ, vợ và con gái, nhưng nổi trội lên hết, đó là nỗi lo sợ khôn cùng của kẻ đang sát gần máy chém. Qua lời độc thoại của nhân vật không tên tuổi lẫn lai lịch, tác giả vô danh (Hugo lúc đó giấu tên) buộc người đọc đương thời phải suy ngẫm về ý nghĩa của cách giết người hợp pháp và có tổ chức này: Một xã hội có được coi là văn minh không, khi nhân danh pháp luật, nó tước đi quyền thiêng liêng nhất của con người, quyền được sống?

Ngay sau đó, dù gây nhiều tranh cãi, Ngày cuối cùng của một tử tù đã được in lại nhiều lần. Hugo không những để tên mình trên bìa sách, mà còn viết lời tựa mới cho mỗi lần tái bản, trong đó ông tố cáo tội hình này, chứng minh nó vừa bất nhân vừa vô dụng: dù nghiêm khắc nhất, xử tử hiếm khi ngăn chặn được các hành vi tội phạm, bằng chứng là trong các xã hội thực thi nó, tội ác vẫn nhan nhản. Chưa hết, năm 1848, khi đã là nghị sĩ, Hugo đã đọc một bản diễn văn lớn trước quốc hội, đòi xóa bỏ tội danh này: theo ông, không nên lấy ác để trả ác, hoàn thiện xã hội và con người vẫn là giải pháp hợp tình hợp lý nhất. Trong quá trình sáng tác đồ sộ của mình, Hugo thường dựng lên các nhân vật vô tội bị đồng loại cướp mất cuộc sống, đẩy vào án khổ sai và tử hình, ngoài hai nhân vật kể trên, còn có Jean Valjean (Những người khốn khổ) và Esmeralda (Nhà thờ Đức Bà Paris).

Hơn một thế kỷ rưỡi sau, năm 1981, vừa lên nắm quyền, chính phủ cánh tả của tổng thống Mitterrand, thông qua bầu phiếu ở nghị viện Pháp, đã xóa sổ hoàn toàn tội hình này. Thành công này được coi là bước ngoặt của văn minh Pháp, đưa ra một quan niệm mới về nhân quyền và xã hội. Người đi đầu phong trào, bộ trưởng bộ Pháp Lý Robert Badinter, tuyên bố ông chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Hugo. Từ đó đến nay, Ngày cuối cùng của một tử tù thường được tái bản cùng Tử tù Claude Gueux, kèm “Lời Tựa” của Robert Badinter, và được xếp trong chương trình giảng dạy trung học tại Pháp. Rộng ra nữa, những cây bút lớn của thế giới như Dostoievski, Nabokov, Kafka, Camus, đều khẳng định đã từng say mê tiểu thuyết của Hugo, vì các vấn đề “tội ác”, “trừng phạt”, “vụ án”, “phi lý”, được xử lý bằng một nghệ thuật tuyệt vời. Tác phẩm của họ đã có tác động lớn đến nhiều thế hệ độc giả. Có thể nói, Hugo đã gián tiếp góp phần vào việc xóa bỏ án tử hình trong nhiều quốc gia trên thế giới.

Nguyễn Bình Phương đã chọn chỗ đứng bên cạnh các nhà văn đó? Nói cách khác, đâu là độ dấn thân của Một ví dụ xoàng? Để trả lời cho câu hỏi này, có lẽ phải đặt ra một câu hỏi khác: “khách” là ai?

4. Khách giữa trần gian

Ngay từ lúc bước chân vào tiểu thuyết, nhân vật chính xuất hiện khá kỳ lạ, không có tên, đơn thuần được gọi là “khách”: “Hôm ấy cửa hàng sắp đóng cửa nghỉ trưa thì một vị khách xuất hiện. Khách ăn mặc lôi thôi, bụi bặm khoác chiếc ba lô lộn xộc thẳng vào. Chủ cửa hàng quan sát khách…” (tr.7). Kể từ chương 2 trở đi, nhân vật mang tên Sang. Ta được biết nhiều thông tin về anh ta, ví dụ: Sang đã bảo vệ luận án tiến sĩ ở Liên Xô, về nước dạy ở Đại học Thái Nguyên, rồi bỏ đi đào vàng ở Na Rì, sau đó quay lại trường dạy học. Ta cũng biết về tuổi thơ côi cút ở Linh Sơn và Núi Hột của Sang, về mối tình với cô bạn gái Uyên, về những giấc mơ giản dị – được sống “hạnh phúc” với người mình yêu, trong căn “nhà nhỏ”, có “một vài luống rau, có cái bêp con con […] một cái giếng khoan” (tr.22). Cả chương 12 là lời độc thoại đau đớn của Sang hướng về đứa con trai nhỏ, khi anh ta bị công an truy đuổi: “Con trai của bố. Bố đang một mình giữa đêm, giữa những thứ xa lạ cứ liên tục vỗ vào bố như sóng biển…” (tr.56).

Nhưng sau khi gấp cuốn sách lại, ta vẫn băn khoăn: Sang là ai? Còn nhiều lỗ hổng trong đời anh ta mà không ai được biết, theo lời một “bạn thưở ấu thơ”: “Ngọn ngành của ông ấy thì nó mù mờ” (tr.159), lời “nguyên trưởng phòng tổ chức”: “Sang nó bị mất hồ sơ. Lý lịch gốc bị hỏng […] trường hợp Sang thì đúng là khó, chẳng có cơ sở gì để khôi phục cho nên tự nhiên nó thuộc về thành phần mất gốc” (tr.169), lời “nguyên chánh án Tòa án Tối cao”: “cậu ta chẳng có tí lý lịch nào cho ra hồn” (tr.183). Ngay từ nhỏ, Sang đã được đoán là “đoản mệnh” (tr.161). Sau này, Sang được coi là người “đặc biệt” (tr.169).

Cứ như vậy, Sang đến rồi đi, như “một hình cắt dán chơi vơi, không nguồn gốc, không lý lịch” (tr.5). Ta hiểu ý nghĩa của từ “khách”: Sang không chỉ là “người đến mua bán, giao dịch trong một cửa hàng” như ở chương 1. Anh ta mãi mãi là “người từ nơi khác đến” trong cuộc đời này. Không cha không mẹ, bị tử hình lúc “mới được hơn bốn mươi” (tr.86), Sang hay được so sánh với các loài động vật: “người có vẩy […] trong như một con rồng bị giết”, “đói quá mà phải đi sớm về khuya, chui lủi như chồn cáo” (tr.104). Cực khổ để đào được vàng, nhưng Sang lại dễ dàng vứt bỏ nó – như anh ta thừa nhận với con trai: “Bố đã từng có nhiều vàng, nhưng rồi chúng đến và đi hết sức khó hiểu” (tr.58). Sang đứng ngoài những giá trị vật chất mà xã hội tôn thờ. Luôn “cảm thấy mình lạc lõng” (tr.57) ở mọi nơi, “đi ngược dòng” (tr.97) như nhận xét của đồng nghiệp, Sang là “khách” giữa trần gian. Anh ta “dứt khoát phải chết, vì ở sai vị trí” (tr.182), như tuyên bố của quan tòa. Rõ ràng, án tử hình là cách để xã hội thanh trừng những kẻ không hòa nhập vào nó, để đám đông khai trừ những kẻ không giống họ.

Nhưng tiểu thuyết lại có một nhân vật “khách” nữa, là nhân vật chính của Phần thứ Hai. Kém cả Sang, anh ta không có tên, chỉ được gọi là “khách” từ đầu đến cuối. Người đọc đoán “khách” chính là đứa con trai còn lại của Sang, đang đi tìm những bí mật xung quanh cái chết oan khuất của cha. Nhưng tác giả dường như cố tình không cho độc giả biết nhiều hơn về anh ta. Trong những ví dụ sau, các thông tin cơ bản về “khách” – tên, tuổi, công việc – đều không được đưa ra trực tiếp: “khách giới thiệu mình, không vồ vập, có chút ren rén” (tr.149), “Khách miễn cưỡng nói tuổi của mình. Chánh án ngoẹo cổ ngắm lại khách lần nữa” (tr.176), “Khách chủ động trình bày lại, gần giống với những gì đã nói qua điện thoại” (tr.85), “Khách nói, cố gắng cho chánh án hiểu mục đích của mình” (tr.177). Giống như Sang, anh ta là “khách” của trần gian.

Đến nhà người lạ, anh ta là “khách” đã đành, nhưng ở ngay nhà mình, giữa những người thân, anh ta cũng là “khách”: “Không nghe tiếng dụng cụ lách cách như mọi lần, nghĩa là vợ đã đi trực. Khách xuống bếp, tự nấu mì tôm, nuốt vội vàng cho xong bữa” (tr.117). Khi còn một mình, đối diện với chính mình, anh ta vẫn là “khách”: “Một mình, quẩn quanh, lồng lộn trong phòng, khách hết nhìn cái màn hình vô tuyến in bóng đủ các loại đồ vật, lại nhìn ra cửa sổ, dù rèm đã kéo kín” (tr.197).

Tiểu thuyết mô tả nội tâm của “khách”, để lộ những cảm xúc, suy nghĩ thầm kín của anh ta: một xúc động nhỏ – “Khách nói, có một chút bâng khuâng” (tr.116), một niềm ước: “Đó là ngôi nhà mái bằng, khá khiêm nhường nhưng lại có một vẻ thơ mộng đủ để chinh phục thiện cảm của khách, đủ cả để nhen lên trong lòng khách một chút ước ao” (tr.148), một cảm giác ghê tởm: “Bữa trưa, khách không động tới bất cứ miếng thịt nào, chỉ gắp gẩy cảnh vẻ mấy lát rau gọi là. Khách rời nhanh khỏi mâm cơm bởi mặc dù chiếc áo trắng của vợ khách đã được thay […], nhưng quần thì vẫn là cái quần khi nong thai cho người phụ nữ” (tr.196). Nhưng bên cạnh đó, độc giả thường tham dự vào những trạng thái tâm lý mơ hồ, khó giải thích của “khách”: “Khách không thêm câu nào, đần thối ra ngó người đối diện” (tr.124), “Khách thở một hơi rất nhẹ, nhớm mày làm vẻ hiểu ra điều gì mặc dù chưa hẳn vậy” (tr.129). “Khách đườn người như lại đang dần trôi vào cái cơn ươn ươn tối qua” (tr132), “Với một chút hoang mang phảng trên mặt, khách đặt trả xấp tiền về chỗ cũ, thu hai tay vào lòng” (tr.134). “Khách nhắm mắt, như muốn nhìn ngược vào trong đầu mình (tr.166). Đặc biệt, tác phẩm không cho “khách” hé lộ một chút gì về tuổi thơ của anh ta, cũng không có hồi tưởng hay kỷ niệm về mẹ cha. Ngay cả sự kiện cuối cùng – ngày cuối năm, gặp một thanh niên lạ mặt trên mảnh đất “cỏ mọc um tùm”, “khách” tưởng là “Cu Mít”, đứa em trai đã mất tích – cũng giống như một giấc mơ, một “khoảng hẫng chới với” (tr.203).

Lạc loài giữa xã hội, cô đơn ngay giữa người thân, khó hiểu với chính mình, hai nhân vật “khách” của Nguyễn Bình Phương là những “kẻ xa lạ”, theo cách mà Albert Camus gọi nhân vật của mình. Nếu biết rằng nhân vật Meursault của Người xa lạ cũng là một kẻ mồ côi, lương thiện, trở thành tử tù vì tội ngộ sát, thì ta sẽ đọc Một ví dụ xoàng với một thứ ánh sáng khác. Như Meursault, Sang là kẻ xa lạ trong phiên tòa mà chính anh ta là bị cáo. Khi được hỏi về cuộc chạy trốn trong đêm, Sang lại kể chuyện “hổ gầm, khoảng sáu, bẩy lần gì đó, đòi kiến nghị phải bảo vệ đám hổ (tr.141). Đặc biệt, Sang nói “say sưa, gần như hài hướctòa liên tục cắt lời anh ta. Mỗi khi bị cắt lời thì anh ta cũng lịch sự dừng lại, nhưng chỉ trả lời một hai câu tòa hỏi xong, lại quay về hổ” (tr.141), như thể anh ta từ chối vào vai kẻ sát nhân sám hối. Như Meursault, Sang biến quan tòa thành một diễn viên hề tuồng: “ông chủ tọa đập bàn quát là ở công đường cấm được ăn nói ám chỉ xỏ xiên” (tr.141). Như Meursault, thái độ thản nhiên của Sang chứng tỏ anh ta hoàn toàn ý thức được tính vô nghĩa của phiên tòa: “Anh tiến sĩ khi nghe tòa tuyên mình tử hình thì gần như không thay đổi nét mặt. Tuồng như anh ta biết trước khung hình phạt dành cho mình” (tr.142). Như Meursault, hiểu được tính phi lý của cuộc sống, Sang từ chối làm đơn xin ân xá, cũng như “không muốn để lại dấu tích gì về mình […] muốn biến mất tăm mất tích luôn, sạch sành sanh luôn. (tr.129).

Camus còn nhiều lần quay lại chủ đề này. Trong một tiểu luận có tên “Suy nghĩ về máy chém” (1957), ông kể lại kỷ niệm về cha mình, trước chiến tranh thế giới thứ nhất, đã chứng kiến tại Alger, cảnh xử tử một người đàn ông đã giết cả một gia đình nông dân: “Căm phẫn vì việc hắn ta đã tàn sát cả con trẻ […] cha tôi quyết định đi xem tận mắt, lần đầu tiên, vụ hành quyết. Ông đi từ đêm, xuyên qua thành phố […] Cái mà ông nhìn thấy buổi sáng hôm đó, ông không bao giờ nói ra. Mẹ tôi kể rằng ông trở về nhà rất nhanh, mặt mũi biến sắc, không nói năng gì, leo lên giường và bắt đầu nôn ọe. Ông vừa khám phá ra cái thực tế giấu sau những lời lẽ to tát. Thay vì nghĩ đến những đứa trẻ bị giết, ông chỉ có thể nghĩ đến cái thây còn đang phập phồng kia mà người ta vừa vứt xuống phản để chặt đầu. Và Camus kết luận: “Khi công lý tối cao, thay vì bảo vệ người đàn ông lương thiện là cha tôi, lại chỉ làm cho ông ghê tởm, thì dường như rất khó để tin rằng nó thực hiện được nhiệm vụ của mình, tức là mang lại bình an và trật tự cho xã hội[6]. Không nghi ngờ gì nữa, tác giả Người xa lạ đã sử dụng lý lẽ của Victor Hugo để bác bỏ án tử hình.

Chính ở đây, ta hiểu hơn mục đích của Một ví dụ xoàng, cũng như vai trò của “khách”, “kẻ xa lạ” thứ hai, người “kể” chuyên nghiệp – kẻ đi tìm và “sắp xếp” (tr.151) các câu chuyện anh ta nghe được. Trên cả tình cha con, dường như trách nhiệm của người cầm bút đã thôi thúc anh ta đi tìm sự thật. Đây là lần đầu tiên, Nguyễn Bình Phương cho nhân vật của mình là “nhà văn” (tr.123, 134, 142), với những suy nghĩ sâu sắc về nghề nghiệp: “nhà văn thì chỉ giỏi thắc mắc thôi, ngoài ra không biết gì nữa đâu” (tr.134), về “bản chất cơ chế” (tr.174), đặc biệt ý thức về kiểm duyệt và tự kiểm duyệt, qua đề nghị “tắt ghi âm” của nhân vật “nguyên trưởng phòng tổ chức” khi muốn “nói quan điểm riêng (tr.174). Sáu dòng bỏ trống trang 167, tượng trưng cho đoạn không dám ghi âm, là cái nháy mắt của Nguyễn Bình Phương gửi tới nhà kiểm duyệt.

Có lẽ Một ví dụ xoàng là tác phẩm “dấn thân” nhất của Nguyễn Bình Phương, trực diện, không khoan nhượng, với bạo lực, với xã hội. Và đây là mối băn khoăn của người đọc: Liệu tác phẩm của Nguyễn Bình Phương có giúp cho độc giả Việt ý thức được rằng, án tử hình, dù để áp dụng lên những phạm nhân tàn ác nhất, vẫn thể hiện tính bất nhân của toàn xã hội và mỗi công dân? Đến bao giờ Việt Nam sẽ triệt tiêu nó để xếp mình về phía của nhân văn?


[1] Nguyễn Bình Phương, Một ví dụ xoàng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn & Tao Đàn, 2021, 203 trang. Tất cả các lời dẫn trong bài được trích ở bản này.

[2] Tiêu biểu là truyện ngắn Chữ người tử tù (của Nguyễn Tuân) in lần đầu năm 1928, kể về Huấn Cao (được xây dựng từ một nguyên mẫu Cao Bá Quát), vào đêm trước ngày xử tử.

[3] Nguyễn Bình Phương, Kể xong rồi đi, NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2017, 220 trang, tr.189.

[4] Nguyễn Bình Phương, Kể xong rồi đi, tr.65.

[5] Xem V.Hugo, Ngày cuối cùng của một tử tù, Nguyễn Mạnh Hùng dịch, Trần Hinh hiệu đính, NXB Văn học, 2016. Và V.Hugo, Tử tù Claude Gueux, Phạm Hồng Sơn dịch, ở link sau đây: https://khosachonline.com/sach/tu-tu-claude-gueux-victor-hugo

[6] Xem A. Camus, Réflexions sur la guillotine (NRF, juin-juillet 1957). Essais. Bibliothèque de la Pléiade. 1965, p.1021).

Comments are closed.