Ðọc ‘Huế Buồn Chi’ của Hoàng Xuân Sơn

Nguyễn Ước

Buổi sáng một kỳ nghỉ thường năm. Ngày dậy muộn. Ðêm qua lại mơ thấy mình gánh nước ra biển… Thắp điếu thuốc đầu ngày. Rượu đỏ sóng sánh ly. Trầm Tú hát rất sâu rất nồng nhạc Trịnh Công Sơn. Người đi phiêu du từ đó chưa thấy về quê nhà… Người chợt nghe mình như đá, đá lăn, vết lăn buồn… Mở tình cờ một trang thơ Hoàng Xuân Sơn. Ðêm khuya xác bướm trăng tà / trong vườn rụng một bông hoa tưởng người. Người là mẹ, là em, là Huế? Huế Buồn Chi. Sao lại buồn chi. Buồn chi mô. Buồn làm chi. Buồn chi lạ. Chi cũng buồn. Bướm chết. Trăng tà. Hoa rụng. Người đi mất hút trong đời vì hoa đời vướng lại thành quách cũ hoặc kẻ ở hiu hắt tưởng tiếc người lỡ dại đi.

Nhưng. Ði. Ừ. Thì đi. Lòng đã muốn thì chân phải bước.

Bình minh từ buổi trăng non chết

mà nhớ sông hồ đi cứ đi

Khi mơ hồ cảm thấy vừng trăng thành nội đã khô trên lá sen vàng úa thì tâm không còn tịnh nữa… Gót chân đã giật.

Sinh ra ở Huế

Sinh ra

Sinh ra

Sinh ra làm gì ở Huế

Những cơn mưa

Với lòng trai Huế vướng chút nghệ sĩ trong tính, đọng chút ‘bốn phương’ trong hồn thì Huế là chốn tụ tập. Qui Nhơn là mé nước giang hồ và Sài Gòn là đất khởi nghiệp. Ra đi

Những chuyến tàu xuôi nam hú hồi giã biệt

đêm-mưa-hư-linh…

Mang theo. Biền biệt trời

Bỏ đi rồi những cơn mưa điệu hò quay quắt.

trời mưa tê liệt nỗi niềm.

Thành quách cũ.

Này hồn rêu cũ đứng bao năm

Ðá rữa chân vôi thềm lả tả.

Cha mẹ.

mẹ cha ngồi đứng gập ghình

thuyền cam bến chịu thảo bình trôi sông.

Bạn bè một thuở.

Bằng hữu có thâm tình lâu năm quán chợ

những chiếc ghế cao cẳng đong đưa thời trai

sợi thừng bò quanh miệng tách.

Những đêm sông Hương đu đưa sóng nước.

Ðàn nghe vẳng tiếng ru hời

chạnh lòng sóng xưa ca nữ.

Và Em. Có lẽ là nhiều người con gái kết tinh nên hình tượng nữ.

Huế o ở lại Huế tui đoạn đành

o đau sương khói một mình

tui đi ray rứt Nội thành tái tê

Em thuở học trò.

Trời đương nắng răng mà run dữ rứa

nì, tên chi em nói đại cho rồi

không cho biết cứ theo hoài theo mãi

theo răng chừ cho biết được thì thôi.

Em ngày vụng dại.

đường tóc chưa rẽ sầu luân lạc

sợi rối ai làm nên dáng thơ.

Em cho mơ mộng.

anh xin làm sợi tóc bồng

cột giùm o chút buồn không giữa chiều.

Em nguồn thơ.

Từ yêu người biết làm thơ

trăm câu vụng dại khù khờ ngây si

Em phận nữ lao đao giữ thành phố khổ.

Còn gì những giấc mơ quen

trải hồn nhiên rụng xuống hồn khổ đau

lòng anh đây cũng buồn rầu

trói tay nhìn cuộc chìm sâu dưới trời

Em như một ân sủng cứu rổi hồn người luân lạc

Ðời đẩy tôi đi những phố câm

em biết nơi mô tội nghiệp giùm

ôi chút phong tình thơ ấu cũ

là bão tan dần đôi cánh chim.

Chai rượu buổi sáng đã vơi, ánh chút châu sa trong đáy ly. Lại Trịnh Công Sơn. Tưởng rằng đã quên. Cuộc tình sẽ yên. Thân đau muốn nằm… tay em vẫn còn dựng đời bão lên làm từng vết thương hồn nhiên. Lại Hoàng Xuân Sơn

Thấy lạnh một bên vai

mới hay đời hụt hng

thiếu tóc em gối dài

thiếu cả đời quanh quẩn

Từ người nữ này đến người nữ khác lưu dấu trong nhiều cuộc tình qua, dù Hoàng Xuân Sơn có nâng niu tình cha nghĩa mẹ, đưa vào thơ thấp thoáng bóng thành quách hoặc bằng hữu. Huế Buồn Chi vẫn chỉ là một tập thơ tình: tình yêu người gái Huế và tình mênh mang với Huế.

Hoàng Xuân Sơn đã bỏ Huế mà đi. Có lẽ từ những ngày chiến tranh chưa làm thành quách loang lổ và lửa đấu tranh chưa làm bạn hữu chia lìa. Cũng có lẽ vì thế Sơn vẫn chỉ mang nặng vào thơ mình tình yêu nam nữ theo cung cách một người rất Huế.

Mưa lộ gót hồng chao ơi đẹp

nhánh tóc run run đẫm vai chiều

ba mươi năm lết mòn chân dép

trán lỏng giang hồ chưa hết yêu

Và mong suốt đời là kẻ

ôm mộng thi nhân làm đẹp cho đời

hè phố gieo mòn những bước đơn côi

đi thơ thẩn những chiều lạc lối

Từ khuya xuôi nam trên sân ga Huế. Từ quê nhà ra xứ người, Sơn mang theo trong mình cơn mơ Huế

Khi lá rừng phong dần đỏ thắm

anh nghe hương nồng bách diệp thoảng đâu đây

ôi những hoàng hôn rực rỡ xứ người

anh vẫn nhớ, vẫn mơ mỗi độ thu vàng phố cũ

Thật vậy. Nhớ lắm. Nhớ như nhớ Huế. Như những người con Huế, những trai Huế gái Huế đã đành đoạn bỏ Huế mà đi.

Xa Huế, Sơn lạc đường.

Ðời đẩy tôi đi những phố câm

em biết nơi mô tội nghiệp giùm.

Nhớ Huế, Sơn hiu hắt.

Dông bão đất trời mong manh quá

mùa trăng gượng vỡ dưới chân hồng

thương tiếc con đường xanh giáng ngọc

cầm tay phố chợ đứng khóc ròng.

Thương Huế Sơn quay quắt

Huế buồn chi, tội rứa thê

tình xưa nghĩa cũ ngó về tựa nương

trèo tình lên núi mà thương

cỏ cây chất ngất phố phường ở mô

Ðể cho Sơn

Thưa em chút nắng trên đò

tan sông giờ cũng ốm o gầy mòn.

Rồi khi về lại Huế thì

Anh về lạ cảnh lạ đời

hoa soan đầu ngõ nhớ cười sau lưng

hồn hoang xác lú ngập ngừng

tự nhiên anh đứng lạ lùng trông anh

ngồi trên phiến đá xưa ngồi

nghe hơi thấm lạnh vô hồi xót xa

Và Về ngang thành cũ.

gió thốc vai

bóng mưa ngã rạp

đêm nhà trống

đèn trôi đèn trôi dài

mưa mưa hả miệng

lời

tắt ngấm

Người trở lại vườn xưa. Cổng vẫn ơ hờ khép. Nhưng. Không gian không còn mùi hương dĩ vãng. Cảm giác an tĩnh chan hòa trong mỗi giấc mơ quê chỉ là hoang tưởng. Con sông bên lỡ bên bồi theo đời dâu biển khiến lúc muốn tìm bạn lứa để tắm lại dòng sông cũ thì nay người đã bị lấm bùn dưới bợc hoặc kẻ đang mắc cạn trên bờ. Huế chưa bao giờ là một chỗ để quay về, để sống lại, dù chỉ để an dưỡng. Nông nỗi Huế của Sơn gợi tưởng đến tình cảnh quê nhà, đất nước, vùng đất hẹn bên kia biển.

Buồn lắm mênh mông triền sóng bạc

như người cất rớ đứng cô đơn

bèo trôi ra biển rồi mất biệt

còn chút rong rêu bỏ lại nguồn.

Cứ thế. Huế quê nhà là cội nguồn ray rứt, là nỗi chung thân ám ảnh dị thường. Sao hình như cuộc qui cố hương nào cũng thường mang vị đắng của ki kịch hơn là một kết thúc hạnh phúc. Huế Buồn Chi và Huế mãi mãi chỉ là một cõi hoài tưởng, một mộng mị hành hương.

Trùng lai hẹn với thuyền hư ảnh

chiều ngó cơn mưa ngợp phố dài

buồn đi chết chậm hồn lưu trú

Huế của bây giờ thương nhớ ai?

Toronto. Canada

Comments are closed.