Nguyễn Hùng Vĩ
1. Gần đây, trên các văn bản quy phạm và truyền thông, thay cho cách nói/viết quen thuộc trước đây là SÁT NHẬP, gần như đều chuyển sang SÁP NHẬP. Tuy nhiên, trong cuộc sống hoặc các loại văn bản khác nhiều người vẫn quen với SÁT NHẬP. Bằng cớ là, tìm kiếm trên Google, cho ta kết quả: SÁT NHẬP 83.100.000 lượt (0,23 giây), còn SÁP NHẬP là 819.000 lượt (0,16 giây). Số lượt xuất hiện SÁT NHẬP cao hơn SÁP NHẬP > 10 lần. Suy ra, cứ 10 người nói SÁT NHẬP mới có một người nói SÁP NHẬP. Vậy SÁP NHẬP là rất thiểu số.
Vậy câu hỏi nhiều người quan tâm là thiểu số đúng hay đa số đúng? Vì nhiều vấn đề, thiểu số lại đúng hơn là đa số. Câu trả lời của chúng tôi là: Với cái gọi là “tiếng Việt”, cả hai cách dùng đều đúng, thậm chí SÁT NHẬP còn đúng hơn.
2. Về mặt ngữ âm: Chúng ta cần phân biệt “cách đọc Hán Việt” và “tiếng Việt”. “Cách đọc Hán Việt” là việc người Kinh đọc chữ Hán theo âm của mình. Cội nguồn cách đọc này, về cơ bản, theo các nhà nghiên cứu lịch sử ngữ âm, là âm Hán đời Đường chuyển giao cho không gian người Kinh. Còn “tiếng Việt” là việc người Kinh nói và viết ngôn ngữ của mình như một hệ thống sống động, khả dụng. Hai cái này là khác nhau dù có nhiều yếu tố trùng lên nhau. Sự hình thành “tiếng Việt”, trong đó có các yếu tố gốc Hán là rất phức tạp, về thời gian, không chỉ là đời Đường, về không gian, là từ các cộng đồng địa phương Trung Hoa khác nhau xuôi nam, về từ thư, là vô cùng phong phú. Riêng với hai trường hợp đang bàn, ta thấy về ngữ âm, SÁP (đọc theo “cách đọc Hán Việt”) đã biến thành SÁT (“tiếng Việt”). Tức là, chung âm P đã biến thành chung âm T. Điều này đã diễn ra với nhiều trường hợp:
-TRÁP/ HẤP chuyển thành SÁT (nghĩa là sát vào, sít vào, khít vào)
– SÁP/TRÁP chuyển thành SÉT/SẸT SẸT/XẸT XẸT (nghĩa là: sét, xèn xẹt)
-SÁP 翣 chuyển thành QUẠT (nghĩa là cái quạt)
-SÁP 澀chuyển thành SÍT/RÍT/KHÍT/CHÁT (nghĩa là sát vào, vị chát, sự chát xít)
– HẤP 吸chuyển thành HÚT/HÍT (hút vào, hít vào, hô hấp)
-ĐẠP 踏chuyển thành ĐẶT (nghĩa là giẫm xéo, đạp, đặt chân lên)
– TÁP chuyển thành TÁT (nghĩa là làm nước vẩy lên, thậm chí là động từ tát)
– TRÁP/ TRÁT札 劄 chuyển thành TRÁT (nghĩa là văn thư, giấy tờ)…
Cũng nói thêm rằng là quá trình chuyển chung âm P – T này cũng diễn ra ngay trong tiếng Hán cổ đại, trung đại cũng như hiện nay.
Như vậy, chỉ riêng với âm SÁP/TRÁP trong “cách đọc Hán Việt” đã có thể chuyển thành SÁT/ SÉT/SẸT/QUẠT/SÍT/RÍT/KHÍT/CHÁT trong “tiếng Việt” (không ai có thể phủ nhận chúng không phải là “tiếng Việt” đúng cả) thì hà cớ gì SÁP với nghĩa là “chêm vào, lách vào, xen vào” lại không nói và viết thành SÁT “tiếng Việt” được. Và đó là “tiếng Việt” đúng đắn (chứ không phải “cách đọc Hán Việt”).
3. Về cấu tạo từ, hoàn toàn có thể dùng hai từ đơn đã “Việt hóa” cao để cấu tạo nên một từ ghép. Như vậy, từ SÁT trong “tiếng Việt” với nghĩa “gần, liền ngay cạnh như không còn cách nhau”, dù có nguồn gốc ngoại nhập, nhưng đã có thể hoạt động độc lập, hoàn toàn có thể kết hợp với NHẬP cũng có nguồn gốc ngoại nhập, với nghĩa “đưa vào, nhận vào, tham gia vào, gộp lại, hợp nhất làm một…”, tạo nên một từ ghép “tiếng Việt” SÁT NHẬP. Đây là thực tế khách quan của bất cứ ngôn ngữ nào, là quyền độc lập tự do của mọi ngôn ngữ mà “tiếng Việt” không là ngoại lệ. Hà cớ gì chúng ta tước bỏ cái quyền đó để lệ thuộc vào “cách đọc Hán Việt”.
4. Về từ vựng, SÁT NHẬP đã từng được Hán Việt tự điển của Thiều Chửu ghi nhận. Từ điển này viết “Sát nhập– Thu gộp vào. Đem chỗ nọ nộp vào chỗ kia”. (Tra mục NHẬP thì ra ngữ liệu này). Trong từ điển này, chữ SÁT được viết với nghĩa là “xem xét”. Vậy, từ điển này có cả SÁP NHẬP và SÁT NHẬP.
Chỉ với ba khả năng nêu trên (ngữ âm, cấu tạo từ, từ vựng) thì ta thấy chia lẻ ra, khả năng nào cũng có thể cho ta kết quả SÁT NHẬP hoàn toàn có thể là một từ “tiếng Việt” đúng đắn. Kết hợp cả ba khả năng, lại càng lí giải được quyền tồn tại của nó trong “tiếng Việt”.
5.Thế thì tại sao, nhiều người , lại chủ trương SÁT NHẬP là sai “tiếng Việt”, phải bỏ đi mà thay bằng SÁP NHẬP? Trong những người chủ trương đó, có cả GS, PGS, TS chuyên ngành Ngôn ngữ học? Để tạo nên những băn khoăn cho nhiều người?
Chúng tôi cho rằng, trước hết người ta lệ thuộc vào hai loại từ điển: loại từ điển Hán Việt (ghi quốc ngữ “cách đọc Hán Việt” và giải nghĩa) và từ điển tiếng Việt (ghi quốc ngữ tiếng Việt và giải nghĩa).
Như đã nói, từ điển Hán Việt ghi cho chúng ta “cách đọc Hán Việt” mà khi viết ra nó, tác giả soạn từ điển chủ yếu dựa trên các văn bản quốc ngữ từ khi nó ra đời đến đầu thế kỉ XX, đồng thời, các cụ dựa trên kinh nghiệm đọc âm Hán Việt mà chính các cụ được đào luyện qua học hành, sử dụng, khi cần, đối chiếu việc phiên thiết của từ điển Trung Quốc. Thế thôi. Khi làm từ điển, ai cũng có thao tác chọn lựa mà ghi lấy cái âm mà các cụ cho là tiêu chuẩn nhất. SÁP NHẬP đã được lựa chọn trong cách làm việc đó, và đó là “cách đọc Hán Việt”.
Từ điển tiếng Việt tiếp thu sự lựa chọn đó của các cụ làm từ điển Hán Việt và đưa vào từ điển của mình rồi mặc nhiên lựa chọn SÁP NHẬP và vứt bỏ SÁT NHẬP. Người ta không nghĩ “tiếng Việt” thì có thể có phần khác với “cách đọc Hán Việt”.
Những người đề xuất lựa chon SÁP NHẬP đã đọc các từ điển trên một cách lệ thuộc, lừng chừng… tạo nên định kiến là SÁP NHẬP mới đúng.
6.Với những phân tích ở trên, chúng tôi cho rằng, nên chấp nhận cả SÁP NHẬP và SÁT NHẬP.
Chấp nhận SÁP NHẬP là vì các từ điển “tiếng Việt” vốn/trót ghi như vậy nên khi chuyển ngữ ra tiếng nước ngoài các văn bản thì thuận lợi hơn trong đối chiếu.
Chấp nhận SÁT NHẬP vì các quy luật ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ dụng cho ta từ ghép này như là một “nhân khẩu” đã sinh ra, đã sống, đã hoạt động, đã bất tử trong hệ thống “tiếng Việt”. Cần cấp chứng minh nhân dân cho từ vựng này.
Hà Nội 4/4/2014
Tác giả gửi Văn Việt.