Sự tiến hóa văn hóa (kỳ 4)

Ronald F. Inglehart

Nguyễn Quang A dịch

image7_thumb_thumb

4. SỰ KẾT THÚC CỦA THẾ TỤC HÓA?*

Các nhà tư tưởng xã hội hàng đầu của thế kỷ thứ mười chín – Comte, Spencer, Durkheim, Weber, Marx và Freud – tất cả đã tin rằng các niềm tin tôn giáo phản ánh một thế giới quan tiền-khoa học mà sẽ từ từ biến mất khi tính duy lý khoa học trở nên ngày càng phổ biến.1 Và kể từ thời Khai sáng, các nhân vật dẫn đầu trong triết học, nhân (chủng) học và tâm lý học đã đưa ra định đề rằng các sự mê tín thần quyền, các nghi thức tế lễ và những thực hành thiêng liêng sẽ được bỏ đi trong thời hiện đại. Trong hầu hết thế kỷ thứ hai mươi, nhiều nhà khoa học xã hội đã cho rằng tôn giáo đang biến mất, và sự thế tục hóa đã được xếp hạng với sự quan liêu hóa, sự duy lý hóa và sự đô thị hóa như một khía cạnh vốn có của hiện đại hóa.

Gần đây hơn, luận đề này đã bị thách thức. Sự phát triển của các phong trào theo trào lưu chính thống (fundamentalist)2 và các đảng tôn giáo trong thế giới Muslim, sự hồi sinh phúc âm quét qua Mỹ Latin và nhiều nước nguyên-cộng sản, và sự nổi bật của chính trị theo trào lưu chính thống ở Hoa Kỳ chứng minh rằng tôn giáo đã không chết đi và không cho thấy dấu hiệu nào về làm thế. Nó vẫn là một nhân tố hùng mạnh trong đời sống xã hội và chính trị. Các nhà phê bình xuất chúng gợi ý rằng đã đến lúc chôn vùi luận đề thế tục hóa, cho rằng tôn giáo là đặc tính vĩnh cửu của xã hội con người. Nhân tố quyết định trong việc liệu tôn giáo hưng thịnh hay suy tàn, họ khẳng định, là liệu các lãnh tụ tôn giáo có xây dựng và duy trì các giáo đoàn của họ một cách năng nổ hay không.3

Lý thuyết thị trường tôn giáo đưa ra sự thách thức nổi bật nhất đối với luận đề thế tục hóa. Nó gợi ý rằng các nhân tố bên-cung, nhất là sự cạnh tranh giáo phái và quy chế nhà nước về các định chế tôn giáo, định hình các mức tham gia tôn giáo. Trong các thập niên gần đây, nhiều nhà khoa học xã hội đã thúc đẩy sự giải thích này, mặc dù nó đã bắt gặp sự chỉ trích kiên định.4 Các lý thuyết dựa vào thị trường về tôn giáo cho rằng cầu cho các sản phẩm tôn giáo là không đổi, dựa vào các phần thưởng của cuộc sống kiếp sau được hầu hết tín ngưỡng hứa hẹn. Các mức không giống nhau của hành vi tôn giáo ở các nước khác nhau được nói là kết quả ít từ cầu “dưới lên” hơn là từ sự khác nhau “trên xuống” trong cung tôn giáo. Các giáo hội được thiết lập có uy tín được cho là các độc quyền tự mãn coi các giáo đoàn là đương nhiên, với một thị phần cố định do quy chế nhà nước và sự trợ cấp cho tín ngưỡng đã được thiết lập. Ngược lại, nơi có một thị trường tôn giáo tự do, sự cạnh tranh năng nổ giữa các giáo hội mở rộng cung của “các sản phẩm” tôn giáo bằng cách ấy huy động chủ nghĩa hoạt động (activism) tôn giáo giữa công chúng.

Lý thuyết cho là một sự khái quát hóa phổ quát, nhưng bằng chứng xác nhận nó chủ yếu rút ra từ Hoa Kỳ và Tây Âu. Sự tăng nhanh của các giáo hội khác nhau ở Hoa Kỳ được cho là đã tối đa hóa sự lựa chọn và sự cạnh tranh giữa các tín ngưỡng, kích thích tính sùng đạo giữa công chúng Mỹ. Các giáo hội Mỹ bị lệ thuộc vào các lực thị trường, phụ thuộc vào khả năng của chúng để thu hút giới tăng lữ, những người tình nguyện và các nguồn lực tài chính. Sự cạnh tranh tạo ra sự đa dạng, kích thích sự đổi mới và buộc các giáo hội để tích cực tuyển mộ các giáo đoàn bằng việc đáp ứng với cầu của công chúng. Starke và Finke cho rằng hầu hết các quốc gia Âu châu, ngược lại, duy trì cái họ gọi là “một nền kinh tế tôn giáo được xã hội hóa (socialized),” với các trợ cấp nhà nước cho các giáo hội được thiết lập. Các độc quyền tôn giáo, họ khẳng định, là ít đổi mới sáng tạo, ít phản ứng nhanh nhạy và ít hiệu quả hơn. Ở nơi giới tăng lữ có được thu nhập và chức vụ chắc chắn bất chấp thành tích của họ, họ sẽ trở nên tự mãn, lười biếng, và lỏng lẻo: “khi người ta có ít nhu cầu hay động cơ để làm việc, họ thường không làm việc, và các giáo hội được trợ cấp vì thế sẽ lười biếng.”5 Finke và Stark tin rằng nếu “cung” của các giáo hội được mở rộng ở châu Âu qua sự tách nhà thờ ra khỏi nhà nước [disestablishment] (hay deregulation-giải quy chế), và nếu các giáo hội cố gắng hơn, việc này sẽ dẫn đến một sự hồi sinh hành vi tôn giáo giữa công chúng: “Đối mặt với các giáo hội kiểu-Mỹ, những người Âu châu sẽ đáp lại như những người Mỹ làm.” Tóm lại, họ kết luận, “Trong chừng mực mà các tổ chức làm việc siêng năng hơn, chúng là thành công hơn.”6

Comte, Durkheim, Weber và Marx đã có hoàn toàn sai trong những niềm tin của họ về sự giảm sút của tôn giáo trong các xã hội đã công nghiệp hóa? Chúng tôi nghĩ không. Phê phán bên-cung dựa vào những sự bất thường được chọn lọc và tập trung mạnh vào Hoa Kỳ (mà tình cờ là một trường hợp lệch lạc) hơn là so sánh bằng chứng có tính hệ thống ngang một dải rộng của các xã hội giàu và các xã hội nghèo. Lý thuyết này không giải thích vì sao hầu như tất cả các xã hội đa số-Muslim là mộ đạo hơn Hoa Kỳ rất nhiều, mặc dù một tôn giáo không chỉ nắm giữ một độc quyền trong hầu hết các xã hội này mà đôi khi thậm chí còn áp đặt sự từng phạt tử hình lên bất cứ ai cải đạo sang tín ngưỡng khác.

Không có nghi ngờ gì rằng luận đề thế tục hóa truyền thống cần sự cập nhật. Là hiển nhiên rằng tôn giáo đã không biến mất khỏi thế giới, nó cũng chẳng có vẻ chắc làm vậy. Tuy nhiên, khái niệm thế tục hóa thâu tóm một phần quan trọng của những gì đang xảy ra. Lý thuyết hiện đại hóa tiến hóa nhấn mạnh tầm quan trọng của một cảm giác về sự an toàn tồn tại: khi mọi người cảm thấy rằng sự sống sót là chắc chắn đến mức nó có thể được xem là đương nhiên, tôn giáo trở nên ít quan trọng hơn. Nếu điều này là đúng, chúng ta phải tìm thấy tính sùng đạo là mạnh nhất giữa các dân cư dễ bị tổn thương, đặc biệt các dân cư đối mặt với các rủi ro đe dọa sự sống sót. Chúng tôi cho rằng sự bất an kinh tế và thân thể là một nhân tố then chốt thúc đẩy tính sùng đạo và sẽ chứng minh rằng quá trình thế tục hóa – một sự xói mòn có hệ thống của các thực hành, các giá trị và các niềm tin tôn giáo – đã chuyển động nhanh nhất giữa các tầng lớp thịnh vượng nhất của các quốc gia hậu-công nghiệp an toàn.

clip_image001[4]

Hình 4.1 Tỷ lệ phần trăm của các xã hội với một niềm tin vào một Chúa sáng thế (creator God) quan tâm đến hành vi đạo đức con người.

Nguồn: Nolan and Lenski, 2011: 72, dựa vào dữ liệu từ George Peter Murdock Ethnographic Atlas (1962–1971).

Tôn giáo không phải là một khía cạnh không thay đổi của bản chất con người. Các nghiên cứu nhân (chủng) học đã tìm thấy rằng niềm tin vào một Chúa sáng thế quan tâm đến hành vi đạo đức con người hiếm khi được tìm thấy trong các xã hội săn bắt và hái lượm. Thay cho việc chấp nhận quan niệm cốt lõi này của các tôn giáo thế giới đương đại, người dân của các xã hội săn bắt và hái lượm có khuynh hướng có các niềm tin vật linh (animist beliefs) rằng các thần thánh địa phương ở các cây, các sông, các núi và các đặc tính tự nhiên khác. Quan niệm về một Chúa quan tâm đến hành vi đạo đức vẫn hiếm giữa các xã hội làm vườn; nó chỉ trở nên thịnh hành với sự nổi lên của các xã hội nông nghiệp.

Kể từ thời đại Kinh thánh, các quan niệm thay đổi về Chúa đã tiến hóa – từ một Chúa bộ lạc giận dữ và trừng phạt mà có thể được xoa dịu bằng sự hy sinh con người (để tế thần), và đã không chỉ chấp nhận mà đòi hỏi sự diệt chủng chống lại những người ngoài – sang một Chúa nhân từ mà luật của ngài áp dụng cho tất cả nhân loại. Các quan niệm đạo đức cũng đang tiến hóa, theo những cách liên kết với sự phát triển kinh tế xã hội. Các chuẩn mực đạo đức thịnh hành đã thay đổi từ từ suốt lịch sử, nhưng trong các thập niên gần đây nhịp độ thay đổi đã được tăng tốc mạnh mẽ.

Sự giảm sụt của tính bài ngoại, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt đối xử giới và sự ghê sợ đồng tính dục là phần của một xu hướng dài hạn rời xa khỏi các chuẩn mực đạo đức bộ lạc hướng nội, dưới đó các phần lớn của nhân loại đã bị loại trừ khỏi tư cách công dân đạo đức, và sự diệt chủng và tình trạng nô lệ đã là thực hành tiêu chuẩn. Sự phân biệt đang mờ đi giữa một nhóm-nội, mà xứng đáng sự xử trí công bằng, và các nhóm ngoài, mà đối với họ các chuẩn mực đạo đức không áp dụng. Toàn cầu hóa và sự nổi lên của các xã hội tri thức liên kết với một xu hướng tới các chuẩn mực đạo đức phổ quát trong đó các nhóm bị loại trừ trước kia, như những người nước ngoài, phụ nữ và những người đồng tính, được tin là có các quyền con người. Và chiến tranh đang trở nên ít có thể chấp nhận được hơn cho một phần gia tăng của dân số thế giới.

Các quyền đã tồn tại trong hàng thế kỷ, nhưng chúng ban đầu được áp dụng chỉ cho các cá nhân hay các giai cấp xã hội cho trước.7 Sau Chiến tranh Thế giới II, Hiến chương Liên Hiệp Quốc đã bao gồm khái niệm về các quyền con người phổ quát, mặc dù một số thành viên sáng lập đã là các chế độ độc tài bác bỏ rành rành các quyền con người. Nhưng với sự truyền bá của dân chủ, sự ủng hộ cho ý tưởng về các quyền con người phổ quát đã trở nên ngày càng phổ biến.

Lý thuyết hiện đại hóa tiến hóa gợi ý rằng những sự thay đổi kinh tế và chính trị đi cùng với sự phát triển văn hóa theo những cách cố kết và nhất quán. Khi các xã hội phát triển từ các nền kinh tế nông nghiệp sang các nền kinh tế công nghiệp và rồi sang các xã hội hậu-công nghiệp, sự an toàn tồn tại tăng lên làm giảm tầm quan trọng của tôn giáo trong đời sống của người dân. Sự an toàn kinh tế và thân thể lớn hơn, sự sống lâu và sức khỏe được thấy trong các quốc gia hậu-công nghiệp có nghĩa rằng ít người hơn trong các xã hội này xem các giá trị, các niềm tin và các thực hành tinh thần truyền thống như cốt yếu cho đời sống của họ, hay cho đời sống của cộng đồng của họ. Điều này không ngụ ý rằng tất cả các hình thức tôn giáo biến mất; một số yếu tố có thể vẫn còn, như sự gắn bó chính thức với các bản sắc tôn giáo, ngay cả khi tác động xúc cảm và vị trí trung tâm của chúng trong đời sống đã teo đi. Nhưng người dân sống trong các xã hội công nghiệp tiên tiến có khuynh hướng trở nên ít dễ bảo hơn đối với các lãnh đạo và các định chế tôn giáo truyền thống, và ít có thiên hướng tham gia vào các hoạt động tôn giáo. Ngược với các khẳng định của trường phái thị trường tôn giáo, “cầu” cho tôn giáo còn xa mới không đổi; thay vào đó các biến thiên nổi bật là hiển nhiên, phản ánh mức độ mà sự sống sót là chắc chắn hay không chắc chắn.

Trong các xã hội tiền-công nghiệp, loài người đã bị phó mặc cho các lực tự nhiên khó hiểu và không thể kiểm soát được. Bởi vì các nguyên nhân của chúng được hiểu lờ mờ, người dân đã có khuynh hướng quy bất cứ thứ gì xảy ra cho các linh hồn hay các thần giống người (anthropomorphic). Khi đa số dân cư bắt đầu kiếm sống từ nông nghiệp, họ chủ yếu phụ thuộc vào các thứ đến từ trời, như mặt trời và mưa. Các công dân cầu cho thời tiết thuận hòa, cho sự giảm nhẹ bệnh tật, hay sự giảm nhẹ dịch côn trùng.

Công nghiệp hóa mang lại một sự không khớp nhận thức giữa các hệ thống chuẩn tắc truyền thống, và thế giới mà hầu hết mọi người biết từ kinh nghiệm trực tiếp của họ. Các biểu tượng và thế giới quan của các tôn giáo có uy tín không còn có sức thuyết phục hay hấp dẫn như chúng đã là trong khung cảnh ban đầu của chúng. Trong xã hội công nghiệp, sản xuất chuyển vào trong nhà, vào một môi trường nhân tạo. Các công nhân không thụ động đợi cho mặt trời mọc và các mùa thay đổi. Khi trở nên tối, mọi người bật đèn lên; khi trở nên lạnh, người ta mở lò sưởi. Các công nhân nhà máy không cầu nguyện cho mùa màng tươi tốt – sản xuất phụ thuộc vào máy móc được tạo ra bởi tài khéo léo con người. Với sự phát hiện ra vi trùng và thuốc kháng sinh, ngay cả bệnh tật ngừng được xem như một sự viếng thăm thần thánh; nó trở thành một vấn đề ngày càng dưới sự kiểm soát con người.

Những thay đổi sâu sắc như vậy trong kinh nghiệm hàng ngày của mọi người dẫn đến những thay đổi trong vũ trụ học thịnh hành. Trong xã hội công nghiệp, nơi nhà máy là trung tâm sản xuất, một quan điểm cơ học về vũ trụ có vẻ tự nhiên. Ban đầu, việc này gây ra quan niệm về Chúa như một nhà chế tạo đồng hồ vĩ đại ngài đã xây dựng vũ trụ và rồi để nó phần lớn tự chạy. Nhưng khi sự kiểm soát con người đối với môi trường tăng lên, vai trò được gán cho Chúa teo đi. Các ý thức hệ duy vật nổi lên đề xuất các diễn giải thế tục của lịch sử, và các utopia thế tục để đạt được bởi kỹ thuật con người. Khi các xã hội tri thức tiến hóa, thế giới cơ học của nhà máy trở nên ít phổ biến hơn. Các kinh nghiệm sống của người dân xử lý nhiều với các ý tưởng hơn là với các thứ vật chất. Trong xã hội tri thức, năng suất phụ thuộc ít vào các ràng buộc vật chất hơn vào thông tin, sự đổi mới, và sức tưởng tượng. Sự quan tâm về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống đã không teo đi. Nhưng dưới các điều kiện của sự bất an tồn tại mà đã chi phối đời sống của hầu hết mọi người suốt hầu hết lịch sử, những câu hỏi thần học lớn liên quan đến một khối cử tri tương đối hẹp; tuyệt đại đa số dân cư đã quan tâm hơn đến nhu cầu cho sự trấn an khi sự đối mặt với một thế giới nơi sự sống sót đã là bấp bênh, và đấy đã là nhân tố át trội thúc đẩy sự kìm kẹp của tôn giáo truyền thống lên quần chúng.

Hầu như tất cả các văn hóa tôn giáo chính của thế giới đều cung cấp sự trấn an rằng, mặc dù một mình cá nhân không thể hiểu hay tiên đoán cái nằm ở phía trước, một đấng quyền năng cao hơn sẽ đảm bảo rằng các thứ sẽ suôn sẻ. Các ý thức hệ cả tôn giáo và thế tục đều trấn an người dân rằng vũ trụ theo một kế hoạch, mà đảm bảo rằng nếu bạn theo các quy tắc, mọi thứ sẽ hóa ra tốt đẹp, trong thế giới này hay thế giới tiếp theo. Niềm tin này làm giảm stress (sự căng thẳng), cho phép người dân đối phó với sự lo lắng và tập trung vào việc giải quyết các vấn đề trước mắt của họ. Không có một hệ thống niềm tin như vậy, stress cùng cực có khuynh hướng tạo ra các phản ứng rút lui. Dưới các điều kiện bất an, người dân có một nhu cầu mạnh mẽ để xem uy quyền như cả mạnh và nhân từ – ngay cả khi đối mặt với bằng chứng ngược lại.

Các cá nhân dưới stress mong mỏi các quy tắc cứng nhắc, có thể tiên đoán được. Họ muốn là chắc chắn về cái gì sắp xảy ra bởi vì sự sống sót là bấp bênh và biên độ của họ cho sai sót là ít ỏi. Ngược lại, những người được nuôi nấng dưới các điều kiện an toàn tương đối có thể chịu sự mơ hồ hơn và có ít nhu cầu hơn cho các quy tắc tuyệt đối và cứng nhắc mà các tôn giáo cung cấp. Những người với các mức tương đối cao về sự an toàn tồn tại có thể dễ dàng hơn để chấp nhận những sự lệch khỏi các hình mẫu quen thuộc so với những người không chắc chắn rằng các nhu cầu sinh tồn của họ sẽ được thỏa mãn. Trong các xã hội công nghiệp an toàn về mặt kinh tế, với một mạng lưới an sinh xã hội có uy tín bảo hiểm người dân chống lại các rủi ro về nghèo, một cảm giác tăng lên về an toàn mang lại một nhu cầu giảm bớt cho các quy tắc tuyệt đối, đóng góp cho sự giảm sút của các định chế tôn giáo truyền thống.

Các Khảo sát giá trị hỏi mỗi người trả lời để đánh giá tầm quan trọng của sáu khía cạnh chính của đời sống, gia đình, làm việc, tôn giáo, bạn bè, rảnh rỗi và chính trị. Hình 4.2 cho thấy tỷ lệ phần trăm nói rằng một lĩnh vực cho trước là “Rất quan trọng” trong đời họ, dựa vào hàng trăm ngàn phỏng vấn trong các nước chứa hầu hết dân số thế giới. Hầu như tất cả mọi người xem gia đình là rất quan trọng – điều này có vẻ là một hằng số ngang các xã hội giàu và nghèo. Nhưng tầm quan trọng gắn với tôn giáo sụt mạnh khi chúng ta di chuyển từ các xã hội thu nhập-thấp (nơi 62 phần trăm dân cư nói rằng nó là rất quan trọng) đến các xã hội thu nhập-cao (nơi chỉ 20 phần tram nói nó là rất quan trọng). Trong các xã hội thu nhập-thấp, chỉ gia đình và làm việc được đánh giá quan trọng hơn tôn giáo. Trong các xã hội thu nhập-cao, cả bạn bè và thời gian rảnh rỗi được đánh giá như quan trọng hơn tôn giáo. Bằng chứng lát cắt-ngang trong Hình 4.2 gợi ý, nhưng không chứng minh, rằng tầm quan trọng của tôn giáo giảm sút trong các xã hội thu nhập-cao (bằng chứng chuỗi thời gian được trình bày ở dưới trong Hình 4.3 làm vậy). Cầu cho tôn giáo còn xa mới không đổi.

image_thumb

Hình 4.2 Sự phát triển kinh tế và tầm quan trọng thay đổi của các khía cạnh chính của cuộc sống.

Sự nhấn mạnh đến tình bạn cho thấy một hình mẫu cong, giảm sút khi ta di chuyển xa khỏi các cộng đồng mặt-đối-mặt của các nước thu nhập-thấp, và rồi cho thấy một sự nhấn mạnh hồi phục lại đến tình bạn trong các xã hội thu nhập-cao. Trong các xã hội thu nhập-thấp, tôn giáo là quan trọng hơn bạn bè một cách đáng kể và quan trọng hơn thời gian rảnh rỗi rất nhiều. Ngược lại, một đặc trưng trung tâm của các xã hội thu nhập-cao là sự thực rằng cả bạn bè và sự rảnh rỗi là quan trọng hơn tôn giáo.

Sự liên kết giữa sự an toàn kinh tế và sự thế tục hóa là một xu hướng, không phải một quy luật sắt. Ta có thể dễ dàng nghĩ về các sự ngoại lệ cá nhân nổi bật, như Osama bin Laden mà đã rất giàu và mộ đạo cuồng tín. Nhưng khi chúng ta vượt xa hơn bằng chứng giai thoại, chúng ta thấy rằng khối bằng chứng át hẳn chỉ theo hướng ngược lại: những người trải nghiệm các mối đe dọa đối với bản thân họ và gia đình họ hay cộng đồng họ trong các năm hình thành của họ có khuynh hướng sùng đạo hơn rất nhiều so với những người lớn lên dưới các điều kiện an toàn hơn và có thể tiên đoán được hơn. Trong các xã hội tương đối an toàn, tôn giáo đã không biến mất. Trong các khảo sát hầu hết những người Tây Âu vẫn nói họ tin vào Chúa, hay nhận diện mình như những người Tin Lành hay những người Công giáo trên biểu mẫu chính thức. Nhưng tầm quan trọng và sức sống của tôn giáo, và ảnh hưởng của nó lên việc mọi người sống cuộc sống hàng ngày của họ thế nào, đã bị xói mòn rõ rệt. Trong thế kỷ thứ hai mươi trong hầu như tất cả các quốc gia hậu-công nghiệp – từ Canada và Thụy Điển đến Pháp, Anh và Australia – các hồ sơ nhà thờ chính thức cho thấy rằng nơi sự đi nhà thờ một thời đã cao, nó đã giảm sút xuống điểm nơi ngày nay, những nhà thờ được cải tạo thành những bảo tàng hay những khách sạn. Các khảo sát công luận theo dõi việc đi nhà thờ Âu châu trong năm mươi năm qua xác nhận hiện tượng này.

Xu hướng tổng thể là rõ: trong các xã hội công nghiệp tiên tiến, sự đi nhà thờ đã rớt xuống trong mấy thập niên qua; hơn nữa, giới tăng lữ phần lớn đã mất quyền uy của họ đối với công chúng và không còn có khả năng ra lệnh cho họ liên quan đến kiểm soát sinh đẻ, ly hôn, phá thai, định hướng tính dục và sự cần thiết của hôn nhân trước khi sinh con nữa. Sự thế tục hóa không hạn chế ở Tây Âu, như một số nhà phê bình đã khẳng định. Nó đang xảy ra trong hầu hết các xã hội công nghiệp tiên tiến kể cả Australia, New Zealand, Nhật Bản và Canada. Hoa Kỳ vẫn là một outlier (trường hợp nằm ngoài) giữa các xã hội hậu-công nghiệp, với một công chúng có thế giới quan truyền thống hơn thế giới quan của bất kể nước thu nhập cao khác nào trừ Ireland. Nhưng ngay cả ở Mỹ, đã có một xu hướng rõ hướng tới sự thế tục hóa; xu hướng này đã bị yếu đi bởi các định chế phúc lợi xã hội tương đối yếu và các mức bất bình đẳng kinh tế cao của nước này, và một phần bị che đạy bởi sự nhập cư Hispanic ồ ạt, đưa vào những người với thế giới quan tương đối truyền thống và tỷ lệ sinh đẻ cao. Nhưng bất chấp các nhân tố này, ngay cả Hoa Kỳ cho thấy một xu hướng rõ hướng tới sự thế tục hóa. Sự đi nhà thờ hàng tuần đã giảm từ khoảng 35 phần trăm trong năm 1972 xuống 25 phần trăm trong 2002, trong khi tỷ lệ phần trăm nói rằng họ chẳng bao giờ đi nhà thờ đã tăng từ 9 phần trăm lên khoảng 20 phần trăm.8

Tuy nhiên, tôn giáo không chắc biến mất trong tương lai gần. Trong một cuốn sách trước, Norris và tôi cho rằng:

1. Các công chúng của hầu như tất cả các xã hội công nghiệp tiên tiến đã chuyển động tới các định hướng thế thục hơn trong năm mươi năm qua. Tuy nhiên,

2. Thế giới như một toàn thể có nhiều người với quan điểm tôn giáo truyền thống hơn bao giờ hết – và họ tạo thành một phần tăng lên của dân số thế giới.

Mặc dù hai lời xác nhận này ban đầu dường như mâu thuẫn, chúng không mâu thuẫn. Như chúng ta sẽ thấy, sự thực rằng lời xác nhận đầu tiên là đúng giúp giải thích cho lời xác nhận thứ hai – bởi vì sự thế tục hóa làm giảm các tỷ lệ sinh. Hầu như tất cả các nước trong đó sự thế tục hóa tiến bộ nhất, cho thấy các tỷ lệ sinh dưới xa mức sinh thay thế – còn các xã hội với các định hướng tôn giáo truyền thống có các tỷ lệ sinh cao hơn mức thay thế hai hay ba lần. Chúng chứa một phần tăng lên của dân số thế giới.9

Do các xu hướng nhân khẩu học này, thế giới như một toàn bộ bây giờ có nhiều người với quan điểm tín ngưỡng truyền thống hơn bao giờ hết – và họ tạo thành một tỷ lệ tăng lên của dân số thế giới. Những xã hội giàu đang thế tục hóa nhưng chúng chứa một phần giảm sút của dân số thế giới; trong khi các xã hội nghèo thì không thế tục hóa và chúng chiếm một phần tăng lên của dân số thế giới. Như thế, hiện đại hóa quả thực có mang lại sự bớt-nhấn mạnh đến tôn giáo bên trong hầu như bất cứ nước nào trải nghiệm nó – nhưng tỷ lệ phần trăm của dân số thế giới mà đối với họ tôn giáo là quan trọng, đang tăng lên.

Các tỷ lệ sinh chênh lệch của các xã hội tín ngưỡng và thế tục là hoàn toàn không ngẫu nhiên; nó liên kết trực tiếp với sự thế tục hóa. Sự thay đổi từ các giá trị tín ngưỡng truyền thống sang các giá trị Thế tục-duy lý mang lại một sự thay đổi văn hóa từ sự nhấn mạnh đến các vai trò truyền thống cho phụ nữ, phần lớn hạn chế ở việc sinh con và nuôi nấng nhiều con, sang một thế giới trong đó phụ nữ có một dải ngày càng rộng của các sự lựa chọn sống, và hầu hết phụ nữ có các sự nghiệp và các mối quan tâm bên ngoài gia đình. Sự thay đổi văn hóa này liên kết với một sự sụt giảm đột ngột về tỷ lệ sinh, như Chương 5 sẽ chứng minh.

Lý thuyết thế tục hóa cổ điển cho rằng tôn giáo sẽ từ từ biến mất, với sự truyền bá giáo dục và tri thức khoa học. Nhưng công trình có ảnh hưởng gần đây, mà chúng tôi đã trích dẫn, cho rằng cầu con người đối với tôn giáo là cố định và chỉ đòi hỏi các nhà khởi nghiệp tôn giáo năng nổ để được hồi sinh – hay thậm chí rằng đã có một sự sống lại toàn cầu của tôn giáo.10 Cái gì thực sự đã xảy ra?

Tôn giáo đã biến mất, hay chúng ta đang chứng kiến một sự sống lại toàn cầu của tôn giáo? Hình 4.3 cho thấy các thay đổi đã xảy ra trong câu trả lời cho câu hỏi, “Chúa là quan trọng thế nào trong đời bạn?” Câu hỏi này được hỏi trong mỗi đợt Khảo sát giá trị kể từ 1981 và là một chỉ báo đặc biệt nhạy của tính sùng đạo, tương quan mạnh với các câu trả lời cho nhiều câu hỏi khác liên quan đến tôn giáo. Nó sử dụng một thang mười điểm trên đó “1” cho biết rằng Chúa là không quan trọng chút nào trong đời sống của người trả lời, và “10” cho biết rằng Chúa là rất quan trọng. Hình này cho thấy các thay đổi về tỷ lệ phần trăm chọn “10” trên thang này, từ khảo sát sớm nhất sẵn có của một nước đến khảo sát muộn nhất sẵn có của nó trong tất cả 60 nước mà chúng tôi có một chuỗi thời gian ít nhất mười năm (khoảng thời gian trung vị là 21 năm). Như hình này cho biết, số xã hội trải nghiệm sự sùng đạo giảm sút như số xã hội sùng đạo tăng lên. Bởi vì các tỷ lệ sinh khác nhau rất nhiều, một phần lớn hơn của dân số thế giới ngày nay sùng đạo hơn 30 năm trước, nhưng giữa 60 nước được xem xét ở đây, sự sùng đạo đã tăng lên trong 30 nước và đã giảm trong 30 nước. Và hình mẫu thay đổi là không hề ngẫu nhiên.

Những người sống ở châu Phi, Mỹ Latin và các nước với đa số Muslim là sùng đạo hơn những người sống trong hầu hết các nước khác rất nhiều, như Hình 3.3 trong chương trước gợi ý (hầu như tất cả các nước như vậy nằm ở nửa dưới của bản đồ, phản ánh sự nhấn mạnh của họ đến các giá trị Truyền thống). Chúng đã xếp hạng thấp rồi về sự mộ đạo trong khảo sát sẵn có sớm nhất và chúng tiếp tục là thế – nhưng Hình 4.3 tập trung vào sự thay đổi, và hầu hết các nước này cho thấy ít sự thay đổi.

Khoảng năm 1990, hầu hết các nước nguyên-cộng sản đã trải nghiệm sự sụp đổ của các hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế của họ, sự tan vỡ của trật tự và sự sụp đổ của ý thức hệ cộng sản một thời đã cho cảm giác về tính có thể tiên đoán được và ý nghĩa cho cuộc sống của nhiều người. Việc này đã mở ra một chân không tư tưởng mà được lấp đầy bởi một sự hồi sinh của tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc. Vì thế, chúng ta tìm thấy sự nhấn mạnh tăng lên đến tôn giáo trong những các xã hội bị đánh mạnh nhất bởi sự sụp đổ của trật tự cộng sản.

clip_image005[5]

Hình 4.3 Sự thay đổi về tỷ lệ phần trăm nói Chúa là rất quan trọng trong đời họ, từ khảo sát sớm nhất đến muộn nhất.

Nguồn: Các khảo sát World Values Survey và European Values Study được tiến hành từ 1981 đến 2012, gồm tất cả các nước có chuỗi thời gian ít nhất mười-năm. Sự thay đổi trung vị là zero; khoảng thời gian trung vị được phủ là 21 năm.

Mười ba trong 16 nước cho thấy sự tăng lên lớn nhất về sự mộ đạo là các nước nguyên-cộng sản (kể cả Trung Quốc, vẫn bị cai trị bởi một đảng cộng sản nhưng bây giờ có một trong những nền kinh tế thị trường cạnh tranh nhất thế giới và một chỉ số Gini bất bình đẳng kinh tế thậm chí còn cao hơn chỉ số của Hoa Kỳ). Mười sáu trong số 22 nước nguyên-cộng sản cho thấy sự sùng đạo tăng lên – và tất cả sáu ngoại lệ (Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và ba nước Baltic) đã có chuyển đổi tương đối êm thấm sang các nền kinh tế thị trường và bây giờ là các thành viên của Liên Âu và NATO: nếu sự an toàn tồn tại là thuận lợi cho sự thế tục hóa, các nước này được kỳ vọng sẽ thế tục hóa. Ba Lan là ngoại lệ cùng cực nhất đối với xu hướng cho các nước nguyên-cộng sản để trở nên sùng đạo hơn, cho thấy một trong những sự giảm sút đột ngột nhất về tính sùng đạo được tìm thấy giữa 60 nước này. Trong hầu hết lịch sử của nó kể từ 1792, Ba Lan đã bị cai trị bởi Nga, Austria và Phổ, và rồi bởi Liên Xô. Giáo hội Công giáo La Mã đã trở thành trung tâm kháng cự lại sự cai trị của những người Phổ Tin Lành và những người Nga Chính thống giáo, và cuối cùng của những kẻ áp bức Soviet Vô Thần. Việc là một người Công giáo thực hành đã là một cách để biểu thị sự ủng hộ cho sự độc lập của Ba Lan. Dân cư Ba Lan đã sở thành siêu-Công giáo, theo cùng cách như những người Irish đã trở thành siêu-Công giáo trong sự phản kháng lại sự thống trị của nước Anh Tin Lành. Trong 25 vừa qua Ba Lan đã được giải phóng khỏi sự thống trị Soviet và bây giờ là một thành viên tương đối an toàn của Liên Âu và NATO. Không có sự kích thích bởi sự áp bức của các láng giềng theo tôn giáo khác, tính sùng đạo đã rút lui hướng tới mức được thấy ở các nước thu nhập-cao khác – như cũng đã xảy ra ở Ireland. Ở thái cực khác, Azerbaijan là một nước Muslim về mặt lịch sử nơi tôn giáo bị đàn áp quyết liệt dưới sự Cai trị Soviet. Nó là ít thịnh vượng hơn Ba Lan hay Ireland một cách đáng kể và, giống hầu hết các xã hội nguyên-cộng sản, nó đã trở nên ngày càng sùng đạo – và cuộc đấu tranh lãnh thổ kéo dài với Armenia láng giềng có lẽ đã đóng góp cho sự thực rằng nó cho thấy sự tăng lớn nhất về tính sùng đạo được thấy giữa 60 nước này.

Sự nhấn mạnh tăng lên đến tôn giáo được tìm thấy chủ yếu trong các nhà nước kế vị Soviet đã trải nghiệm sự chuyển đổi đau đớn sang các nền kinh tế thị trường (và chiến tranh với các láng giềng của chúng, như Azerbaijan, Georgia và Armenia); các nước nổi lên từ sự tan vỡ đẫm máu của Nam Tư; hay tiếp tục sự bất ổn định chính trị. Ngoài sự căng thẳng kinh tế ra, mà đi cùng với sự chuyển đổi từ các nền kinh tế do nhà nước-vận hành sang kinh tế thị trường, các nước nguyên-cộng sản đã trải nghiệm sự sụp đổ của hệ thống niềm tin Marxist. Ở một mức độ lớn, chỗ của nó được lấp đầy vởi tính sùng đạo tăng lên.

Ngược lại, 20 trong số 21 nước thu nhập-cao (như được Ngân hàng Thế giới xác định trong 1990)11 trong Hình 4.3 cho thấy sự giảm về tính sùng đạo, hay sự tăng không có ý nghĩa thống kê; chỉ một nước như vậy cho thấy một sự tăng hơn ba điểm phần trăm. Hình mẫu tổng thể là rõ: các nước thu nhập-thấp có khuynh hướng mộ đạo hơn nhiều so với các nước an toàn về mặt kinh tế; nhưng các nước cho thấy sự tăng lớn nhất về tính sùng đạo kể từ 1981 chủ yếu là các nước nguyên-cộng sản trong đó sự an toàn kinh tế và thân thể đã bị tan vỡ và ý thức hệ cộng sản đã sụp đổ. Ngược lại, tầm quan trọng của tôn giáo đã giảm trong hầu hết các nước thu nhập-cao – kể cả Hoa Kỳ mà, bất chấp ảnh hưởng bù của sự nhập cư Hispanic mạnh, cho thấy một sự sụt giảm.

Các chỉ báo khác của tính sùng đạo cho thấy những hình mẫu tương tự. Những sự thay đổi về sự tham dự nghi lễ tôn giáo và những sự thay đổi về tỷ lệ phần trăm tự nhận diện như các tín đồ kiên cường, đã tăng lên trong hầu hết các nước cộng sản trước kia, và đã giảm trong hầu hết các xã hội thu nhập-cao.

Thế tục hóa Di chuyển với Nhịp độ Thay thế dân cư giữa Thế hệ

Nhìn chung, các giá trị bén rễ sâu thay đổi với nhịp độ của sự thay thế dân cư giữa thế hệ. Thí dụ, sự thay đổi từ các giá trị Duy vật sang hậu-Duy vật chủ yếu phản ánh sự thay thế dân cư giữa thế hệ. Hình 2.2 cho thấy một phân tích nhóm tuổi về sự thay đổi trong các giá trị này ở sáu nước Tây Âu từ 1970 đến 2009. Mặc dù ta tìm thấy những sự thăng giáng ngắn hạn đáng kể liên kết với các tác động thời kỳ, hình mẫu dài hạn là rõ: số điểm trung bình của một nhóm sinh cho trước trên chỉ số các giá trị Duy vật/hậu-Duy vật thay đổi rất ít ngang khoảng thời gian 39-năm này. Nhưng giữa dân cư như một toàn bộ, chúng ta tìm thấy một sự thay đổi đáng kể hướng tới các giá trị hậu-Duy vật: số điểm trung bình trên index này đã tăng 30 điểm cho mẫu kết hợp sáu quốc gia. Sự thay đổi này một cách áp đảo đã là do sự thay thế dân cư giữa thế hệ: bên trong một nhóm sinh cho trước, sự thay đổi trung bình thuần từ số đo sẵn có sớm nhất đến muộn nhất đã là sự tăng của chỉ năm điểm. Điều này có thể phản ánh tính có thể chấp nhận xã hội tăng lên của các câu trả lời hậu-Duy vật, nhưng nó giải thích cho chỉ một phần sáu của sự thay đổi thuần.

Các sự thay đổi về tính sùng đạo cho thấy một hình mẫu tương tự. Mặc dù tính sùng đạo đã vẫn mạnh trong hầu hết các nước thu nhập-thấp và thu nhập-trung bình, và đã tăng trong hầu hết các nước nguyên-cộng sản, trong các thập niên gần đây nó đã giảm trong hầu hết các nước thu nhập-cao – và sự giảm này phần lớn là do sự thay thế dân cư giữa thế hệ. Hình 4.4 cho thấy mối quan hệ giữa nhóm sinh và tính sùng đạo trong 14 nước thu nhập-cao được khảo sát trong 1981 và lần nữa khoảng 2009. Một đường cho thấy các mức 1981 cho tất cả các nhóm tuổi, và đường khác cho các mức 2009. Cả hai đường cho thấy một độ nghiêng hướng xuống khi chúng ta di chuyển từ các nhóm sinh già hơn tới các nhóm sinh trẻ hơn, phản ánh sự thực rằng những người trả lời trẻ hơn là ít sùng đạo hơn các đồng bào già hơn của họ. Năm trong số các nhóm sinh này hiện diện với những con số đáng kể trong cả 1981 và 2009, và các mức sùng đạo của họ là hầu như đồng nhất trong cả hai điểm thời gian: các sự khác biệt giữa thế hệ không phản ánh các hiệu ứng vòng-đời – tính sùng đạo của các nhóm sinh cho trước đã vẫn hầu như không thay đổi ngang thời kỳ 28-năm này, cho nên hai đường chồng gối ở nơi chúng dựa vào cùng các nhóm sinh. Nhưng đường 1981 gồm hai nhóm sinh già hơn hết sức sùng đạo (ở bên trái của đồ thị) mà đã rời [do chết đi] khỏi mẫu vào năm 2009. Chúng được thay thế bởi hai nhóm sinh trẻ hơn và thế tục hơn nhiều (ở bên phải). Quá trình thay thế dân cư giữa thế hệ này đã gây ra một sự giảm sút đáng kể về sự nhấn mạnh đến tôn giáo trong 14 nước thu nhập-cao này, tạo ra một sự sụt giảm thuần 0,77 điểm trên index tính sùng đạo – một sự thay đổi mà hầu như toàn bộ là do sự thay thế dân cư giữa thế hệ.

image_thumb[1]

Hình 4.4 Những thay đổi về Tầm quan trọng của Tôn giáo, như được đo bằng câu hỏi “Chúa là quan trọng thế nào trong đời bạn?” do sự thay thế dân cư giữa thế hệ, và do sự thay đổi bên trong lứa-sinh, trong 14 xã hội thu nhập-cao.

Nguồn: Dữ liệu kết hợp từ các khảo sát EVS và WVS trong các nước thu nhập-cao sau đây: Australia (1981 + 2012), Bỉ (1981 +2009), Canada (1981 + 2006), Đan Mạch (1981 + 2008), Pháp (1981 + 2008), Đại Anh (1981 + 2009), Iceland (1984 + 2009), Ireland (1981 + 2008), Italy (1981 + 2009), Hà Lan (1981+ 2008), Na Uy (1982+ 2008), Tây Ban Nha (1981 + 2011), Thụy Điển (1981 + 2011), Hoa Kỳ (1982 +2011). Khoảng thời gian trung vị = 28 năm.

Như Hình 4.5 chứng minh, những thay đổi về sự tham gia các nghi lễ tôn giáo cho thấy một hình mẫu tương tự, với các nhóm sinh cho trước cho thấy hầu như chính xác cùng các mức trong cả 1981 và 2009, khiến cho các đường chồng gối nhau nơi chúng dựa vào cùng các nhóm sinh – mặc dù đường 2009 đo các nhóm sinh này 28 năm muộn hơn đường 1981. Nhưng bởi vì các nhóm tuổi già hơn đã rời khỏi vào năm 2009 và được thay thế bởi các nhóm sinh trẻ hơn, thế tục hơn, sự thay thế dân cư giữa thế hệ đã gây ra một sự sụt giảm đáng kể về sự tham gia nghi lễ. Sự sụt giảm về tính sùng đạo trong các nước thu nhập-cao hầu như hoàn toàn là do sự thay thế dân cư giữa thế hệ.

image_thumb[2]

Hình 4.5 Các thay đổi về Thực hành Tín ngưỡng, như được đo bằng câu hỏi “… Bạn dự các nghi lễ tôn giáo thường xuyên ra sao những ngày này?” do sự thay thế dân cư giữa thế hệ, và do những thay đổi bên trong lứa-sinh, trong 14 xã hội thu nhập-cao. Các số điểm nhân tố trung bình trên nhân tố chuẩn mực Lựa chọn-Cá nhân về sự khoan dung với sự đồng tính dục, sự ly dị và sự phá thai.

Nguồn: Dữ liệu kết hợp từ các khảo sát EVS và WVS trong các nước thu nhập-cao (theo các hạng của World Bank năm 2001) sau đây: Australia (1981 + 2012), Bỉ (1981 +2009), Canada (1981 + 2006), Đan Mạch (1981 + 2008), Pháp (1981 + 2008), Đại Anh (1981 + 2009), Iceland (1984 + 2009), Ireland (1981 + 2008), Italy (1981 + 2009), Hà Lan (1981 + 2008), Na Uy (1982+ 2008), Tây Ban Nha (1981 + 2011), Thụy Điển (1981 + 2011), Hoa Kỳ (1982 + 2011). Khoảng thời gian trung vị = 28 năm.

Sự Kết thúc của thế tục hóa?

Mặc dù hiện đại hóa kinh tế có khuynh hướng mang lại sự thế tục hóa bên trong bất kể nước nào trải nghiệm nó, tôi không thấy triển vọng nào về tôn giáo biến đi trong tương lai có thể thấy trước. Có vài lý do:

Thứ nhất, sự thế tục hóa gây ra ra một sự giảm đột ngột về tỷ lệ sinh của con người, mà vẫn tương đối cao trong các xã hội sùng đạo – như thế thế giới như một toàn bộ có một tỷ lệ lớn hơn của những người với các niềm tin tôn giáo mạnh ngày nay so với 30 năm trước.

Thứ hai, trong khi công nghiệp hóa đã liên kết với một thế giới quan thế tục cơ học ngày càng duy vật, sự lên của xã hội tri thức đem lại sự quan tâm tăng lên đến các ý tưởng, sự đổi mới và các mối quan tâm hậu-Duy vật. Các định chế tôn giáo độc đoán có thứ bậc đang mất khả năng của chúng để nói cho người dân sống cuộc sống của họ ra sao nhưng các mối quan tâm tâm linh, được định nghĩa rộng, đang trở nên phổ biến hơn trong các xã hội hậu-công nghiệp. Sự thay đổi từ một nền kinh tế công nghiệp sang một nền kinh tế tri thức mang lại một sự thay đổi từ thế giới cơ học, Duy vật của nhà máy, sang một thế giới nơi các ý tưởng là trung tâm. Một phiên bản mới của tôn giáo cho phép không gian cho sự tự trị cá nhân có thể cung cấp một thị trường tăng lên cho một nhà khởi nghiệp tôn giáo mạnh dạn.

Các nhà khởi nghiệp như vậy không nghi ngờ gì có thể giúp thúc đẩy tôn giáo. Nhưng giả thuyết bên-cung không cung cấp một sự giải thích thỏa đáng cho cái đang xảy ra trong thế giới trừ phi ta giả thiết rằng cả các nước đa số-Muslim và các nước nguyên-cộng sản đang có các nhà khởi nghiệp tôn giáo đông đúc – trong khi các nước thu nhập-cao (kể cả Hoa Kỳ) lại không có họ. Hoa Kỳ rõ ràng có nhiều nhà khởi nghiệp tôn giáo năng động, nhưng tôn giáo tuy nhiên đang thất thế. Dường như khá rõ, rằng cầu cho tôn giáo đang giảm trong các nước thu nhập-cao.

Hơn nữa, đã có một phản ứng chống lại sự suy đồi được cảm nhận của các xã hội Tây phương thế tục trong các xã hội tiền-công nghiệp, dẫn chúng đến bác bỏ sự thế tục hóa. Ngoài ra, người ta có thể kỳ vọng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây để làm xói mòn sự an toàn tồn tại, dẫn đến sự nhấn mạnh tăng lên đến tôn giáo. Liệu tôn giáo mở rộng hay xói mòn một phần phụ thuộc vào mức độ mà xu hướng tới sự thịnh vượng tăng lên đã định hình thế giới trong ba thế kỷ qua, hồi phục lại hay biến mất.

Có một lý do khác vì sao tôi không kỳ vọng rằng tôn giáo sẽ biến mất trong tương lai có thể thấy trước: như Chương 7 sẽ chứng minh, việc có một hệ thống niềm tin rõ ràng là thuận lợi cho hạnh phúc. Hệ thống niềm tin này không cần là tôn giáo – nhưng tập hợp vững chắc nào đó của các tín điều là cốt yếu. Với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, sự thay thế chính cho tôn giáo của thế kỷ thứ hai mươi [niềm tin cộng sản] đã biến mất trong nhiều nước – và trong mức độ đáng kể, chân không mà điều này mở ra, được lấp đầy bởi sự phổ biến của các niềm tin tôn giáo.


* Chương này dựa vào Norris and Inglehart, 2011.

GHI CHÚ

Chương 4 Sự Kết thúc của Thế tục hóa?

1 Bruce, Steve, 1992. “Pluralism and Religious Vitality,” in Steve Bruce (ed.), Religion and Modernization: Sociologists and Historians Debate the Secularization Thesis. Oxford: Oxford University Press: 170–194; Aldridge, A., 2000. Religion in the Contemporary World. Cambridge: Polity Press, Chapter 3.

2 Thuật ngữ “theo trào lưu chính thống (fundamentalist)” được dùng ở đây để nhắc đến những người với một sự tin chắc tuyệt đối vào các nguyên lý cơ bản của tín ngưỡng của họ, đến mức họ sẽ không chấp nhận tính hợp lệ của bất cứ niềm tin khác nào.

3 Finke, Roger, 1992. “An Unsecular America,” in Steve Bruce (ed.), Religion and Modernization: Sociologists and Historians Debate the Secularization Thesis. Oxford: Oxford University Press: 145–169.

4 Stark, Rodney and William Sims Bainbridge, 1985a. “A Supply-side Reinterpretation of the ‘Secularization’ of Europe,” Journal for the Scientific Study of Religion 33, 3: 230–252; Finke, Roger and Laurence R. Iannaccone, 1993. “The Illusion of Shifting Demand: Supply-side Explanations for Trends and Change in the American Religious Market Place,” Annals of the American Association of Political and Social Science 527: 27–39.

5 Finke, Roger and Rodney Stark, 2000. Acts of Faith: Explaining the Human Side of Religion. Berkeley, CA: The University of California Press: 230.

6 Finke and Stark, 2000: 237–238.

7 Chủ đề này được thảo luận chi tiết trong: Mueller, John, 1989. Retreat from Doomsday: The Obsolescence of Major War. New York: Basic Books.

8 Norris and Inglehart, 2004: 92. Dựa vào dữ liệu từ US General Social Survey, 1972–2002.

9 Norris and Inglehart, 2004: 5–6.

10 Thomas, Scott M., 2005. The Global Resurgence of Religion and the Transformation of International Relations: The Struggle for the Soul of the Twenty-first Century. New York: Palgrave Macmillan.

11 Vì các lý do được giải thích trong Chương 5, mức an toàn kinh tế của một nước khoảng một thế hệ trước là một bộ tiên đoán chính xác hơn về các giá trị văn hóa cơ bản của nó hôm nay so với mức kinh tế của nó hôm nay. Báo cáo 2014 của World Bank cho biết rằng Nga bây giờ được phân loại như một nước thu nhập cao – mặc dù dân cư trưởng thành của nó đã trải nghiệm sự tước đoạt to lớn và sự giảm tuổi thọ kỳ vọng trong các năm hình thành của họ.

Comments are closed.