Vũ Thành Sơn
Lời trần tình:
Bài viết này nhằm mục đích tưởng niệm thi sĩ Tô Thùy Yên vừa từ trần, nó có những dữ liệu về năm tháng chưa được kiểm chứng đầy đủ vì thiếu tư liệu. Vì vậy, người viết đề nghị độc giả nên đọc bài viết này như một cảm nhận cá nhân về thơ Tô Thùy Yên hơn là một bài nghiên cứu về ông. Người viết hy vọng sẽ trở lại đề tài này khi đã có đủ trong tay tư liệu.
Có những thi sĩ của chỉ một bài thơ, hay “thi sĩ của những bài thơ hắn đã làm”[*], thậm chí có thể có thi sĩ của cả một dân tộc (Nguyễn Du, chẳng hạn), cho dù cả hai trường hợp này không nhiều. Hầu hết, tôi muốn nói số đông, các thi sĩ thường là thi sĩ của một trường phái hay một dòng thơ, nơi họ có thể là những đại biểu xuất sắc của trường phái hay dòng thơ đó bằng chính những tác phẩm mà họ ghi dấu ấn của mình trong lịch sử phát triển văn học. Ví dụ khi nói đến dòng Thơ Mới ở Việt Nam, người ta sẽ nhắc đến một Xuân Diệu, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Huy Cận,…Hay nói đến thơ tự do, người ta không thể không nói đến Thanh Tâm Tuyền mà ảnh hưởng của thơ ông cho đến nay vẫn còn sâu đậm.
Nhưng thi sĩ của một thời đại thì hiếm, rất hiếm; nghĩa là người, với thơ của mình, đã trở thành biểu tượng, người phát ngôn của chính thời đại mình. Tô Thùy Yên chính là một trường hợp hiếm hoi đó.
Thật vậy, trong sự nghiệp sáng tác của mình, Tô Thùy Yên không sáng tạo, không lập ngôn cho một trường phái hay dòng thơ cụ thể nào; ngược lại, không ít bài thơ của ông thậm chí còn có thể coi là khá cũ về phương diện hình thức nếu so với Thanh Tâm Tuyền hay nhiều thi sĩ cùng thời. Tuy vậy khi đọc toàn bộ thơ của ông, cái chúng ta dễ dàng bắt gặp xuyên suốt trong đó chính là khuôn mặt, là hơi thở, tiếng nói của một thời đại, một thời đại bi thương nhất, đầy máu và nước mắt nhất trong chiều dài lịch sử dân tộc.
Không chỉ riêng thơ, cả cuộc đời của ông đã hầu như gắn bó máu thịt cùng với thăng trầm của lịch sử một thời đại, từ những mất mát, bi thương trong chiến tranh cho đến những “cơn đau ầm ĩ” lúc đất nước đã hòa bình. Có thể mượn lời của một nhân vật trong vở kịch Suddenly Last Summer của Tennesse William để nói về Tô Thùy Yên, “Đó là điều tôi muốn nói khi tôi nói rằng tác phẩm của một thi sĩ là cuộc đời của thi sĩ – ngược lại, cuộc đời của một thi sĩ là tác phẩm của thi sĩ, ông không thể tách rời chúng.”
Cũng từ một viễn quan đó, chúng ta hoàn toàn có lý do để nói Tô Thùy Yên là thi sĩ của thời đại, “người chép sử tương lai”, như ông gọi.
Hành trình thơ của Tô Thùy Yên trải qua những giai đoạn sáng tác khác nhau rất rõ rệt. Sự phân kỳ trong sự nghiệp sáng tác của ông tương ứng với từng giai đoạn trong cuộc đời cá nhân và điểm cần nhấn mạnh ở đây nữa là, nó phản ánh từng giai đoạn phát triển lịch sử, xã hội nhất định của miền Nam Việt Nam.
Một cách khái quát giai đoạn sáng tác đầu tiên của Tô Thùy Yên tương ứng với thời kỳ sau cuộc di cư vĩ đại của đồng bào miền Bắc năm 1954 và nền Đệ nhất Cộng Hòa Nam Việt Nam đang trong thời kỳ xây dựng nền tảng, cũng là giai đoạn tạp chí Sáng Tạo, một trong những tạp chí văn chương đầu tiên ở miền đất tự do. Những người làm văn chương tự do nói chung và nhóm Sáng Tạo nói riêng, đang ở vào giai đoạn khám phá, xây dựng một nền văn chương mới, tự do, nhân bản, đề cao sáng tạo cá nhân. Chúng ta dễ dàng bắt gặp trong giai đoạn sáng tác này của Tô Thùy Yên những bài thơ tự do, mới mẻ về ngôn ngữ, đề tài, viết về tình yêu, phận người, về sứ mệnh của thơ, của thi sĩ. Đó là giai đoạn của Thi sĩ, Thân phận thi sĩ, Cánh đồng Con ngựa Chuyến tàu, Lễ tấn phong tình yêu, Tự do…, trùng hợp với thời kỳ Tôi không còn cô độc của Thanh Tâm Tuyền.
Cô đơn bằng Thượng đế,
Yếu đuối như linh hồn,
Làm sao tôi trèo lên
Vực thẳm tờ bản thảo
Trắng im lìm giá băng.
(Thân phận thi sĩ)
Khi tình hình chính trị, xã hội của Nam Việt Nam bắt đầu có những biến động bắt đầu từ những năm 60, thơ Tô Thùy Yên chuyển sang một giai đoạn khác. Không còn những câu hỏi về sứ mệnh của văn chương, của thi sĩ; không còn những nghi vấn trừu tượng về thân phận, tình yêu mà trong thơ của ông, người ta bắt gặp đã có những trăn trở, khắc khoải về thời cuộc, về tương lai phía trước.
Hãy đọc lại bài thơ tiêu biểu dưới đây của ông mở màn cho giai đoạn này để nhận diện lại lịch sử của một thời đại biến động.
TÔI LÊN TIẾNG
Hãy ra nhìn máu chảy ngoài đường
PABLO NERUDA
Tôi gật đầu trước mặt ái tình
Như một loài cỏ ngoan vâng lời gió dạy
Kìa máu chảy ngoài đường
Kìa máu chảy
Tôi ra giữa công trường cất tiếng kêu oan
Nhân loại ngây thơ đời đời chịu tội
Sắt đỏ cày nhăn trán mịn màng
Lúa đầy đồng người gặt thiếu ăn
Chúng nó đòi thủ tiêu thi sĩ
Tôi là thi sĩ tôi yêu
Chúng ta góp tay đẩy đời đi tròn
Hỡi những người chỉ dám khóc trong giấc mơ
Tôi đáp lời bình minh tuổi trẻ
Được nhìn mặt trời sung sướng thay
Chúng ta cười trên môi bằng hữu
Trong mỗi bài thơ phải có những danh từ
Cách mạng hoà bình tự do nhân đạo
Nguồn ở đây thì biển cũng gần
Chúng ta yếu hèn chúng ta thắng trận
Tôi chào mừng thế kỷ ra giêng
Buổi chiều đỏ
Không khí đầy hơi thở khó khăn
Chúng nó hành hình thủ tiêu ám sát
Tôi là một người là một đám đông
Dấu vết của giai đoạn sáng tác trước vẫn còn nhưng chân dung của một giai đoạn lịch sử bắt đầu được ghi tạc, không phải bằng niên biểu thời gian và số liệu, mà bằng những đường nét chính của nó: bạo lực, bất công, áp bức, nô lệ, thủ tiêu, ám sát… và thủ phạm cũng bị điểm mặt: chúng nó. Chiến tranh chưa xuất hiện, nhưng bóng ma của chiến tranh đã thấp thoáng đâu đó rất gần. Cần nói thêm một chút về bối cảnh bài thơ ra đời: bài thơ xuất hiện lần đầu trên tạp chí Sáng Tạo vào những năm cuối cùng của thập niên 50, có lẽ cũng cùng một thời kỳ với bài thơ Hãy cho anh khóc bằng mắt em những cuộc tình duyên Budapest (1956) của Thanh Tâm Tuyền. Hai bài thơ đều có cùng một không khí bạo lực, cùng khung cảnh diễn ra trên các đường phố, và chúng nó, một lần nữa cùng bị chỉ mặt.
Chỉ đến năm 1959 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết 15 phát động chiến tranh tại miền Nam Việt Nam, và đến năm 1963 khi Tô Thùy Yên tham gia quân đội, chiến tranh chính thức xuất hiện và mới bắt đầu lộ diện qua các sáng tác của ông.
Tiếp tế khó – đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên.
Di tản khó – sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên.
Người chết mấy ngày chưa lấy xác,
Thây sình, mặt nát, lạch mương tanh…
Sông cái nước men bờ sóng sánh.
Cồn xa cây vướng sáng mơ màng.
Áo quan phong quốc kỳ anh liệt.
Niềm thiên thu đầm cỗ xe tang.
Quê xa không tiện đường đưa tiễn,
Nghĩa tận sơ sài, đám lạnh tanh.
Thêm một chút gì như hối hả,
Người thân chưa khóc ráo thâm tình…
(Qua sông)
Đến lúc này không còn là bạo lực diễn ra trên các đường phố nữa mà chiến tranh. Chiến tranh đã đến xóm, làng và máu không chỉ chảy ngoài đường. Cả bài thơ không tìm thấy được một chữ máu nhưng mùi tanh lợm của nó đã nhiễm độc cả không khí bài thơ, từ dòng đầu cho đến dòng cuối. Chiến tranh với sự khốc liệt tàn bạo của nó, trong thơ Tô Thùy Yên, lạ lùng thay, lại mang một vẻ nhẫn nhịn, cam chịu phi thường; bởi với thi sĩ, chiến tranh, nhìn từ phía những người trực tiếp tham chiến, dù ở bất kỳ một bên chiến tuyến nào, đều không do họ lựa chọn. Họ bị xô đẩy vào cái cỗ máy giết người đó như những nạn nhân.
Ta tự hỏi vì sao,
(Còn ngươi, có bao giờ ngươi tự hỏi?)
Và ta tự trả lời.
(Có bao giờ ngươi tự trả lời?)
Chúng ta khác nào cánh quạt phi cơ
Phải quạt, phải quạt
Chỉ vì nó phải quạt.
Ta thương ta yếu hèn.
Ta thương ngươi khờ khạo.
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng,
Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử,
Cùng mê sa một con đĩ thập thành.
(Chiều trên phá Tam Giang)
Tô Thùy Yên tham gia cuộc chiến không phải vì lòng căm thù, vì một mục đích giành chiến thắng bằng mọi giá, mà ông can dự với tất cả lòng bi phẫn, với những câu hỏi hoài nghi không thể tìm thấy lời giải đáp từ lịch sử. Ông nhìn đối phương bên kia chiến tuyến với một sự đồng cảm sâu xa, sự thương cảm chỉ có ở con người lương thiện dành cho nạn nhân bị xô đẩy vào giết chóc bởi những tham vọng điên cuồng. Tình cảm nhân đạo giữa người với người đó cũng như những uẩn khúc, dằn vặt không nguôi về kiếp người trong vòng xoáy của định mệnh theo ông suốt cuộc đời còn lại, từ lúc thua trận, vào tù và sống tự do những ngày tháng cuối cùng.
Ví dầu ngươi bắn rụng ta
Như tiếng hét
Xé hư không bặt im,
Chuyện cũng thành vô ích.
Ví dầu ngươi gục
Vì bom đạn bất dung,
Thi thể chẳng ai thâu,
Nào có chi đáng kể.
Nghĩ cho cùng, nghĩ cho cùng,
Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm
Có cùng gom góp lại,
Mặt đất này đổi khác được bao nhiêu?
Ngươi há chẳng thấy sao
Phá Tam Giang, phá Tam Giang ngày rày đâu đã cạn?
(Chiều trên phá Tam Giang)
Quả thật, một cuộc chiến đã giết chết hàng triệu, triệu con người từ các phía thì đó là một cuộc chiến hoàn toàn vô nghĩa, hoàn toàn phi nghĩa mà không có một thứ chính nghĩa nào, dù cao cả đến mấy, có thể biện hộ cho hành động thảm sát ấy. Hãy gọi đích danh nó: một cái máy xay thịt người.
Thi sĩ không kêu gào Giết! Giết nữa!, mà chỉ với một vài nét điểm giản dị, chiến tranh đã hiện ra như một bi kịch lớn của con người.
Ta chắt cho nhau giọt rượu sót,
Tưởng đời sót chút thiếu niên đây.
Giờ cất quân, đưa tay bắt,
Ước cõi âm còn gặp để say.
(Anh hùng tận)
Lời thơ trong những bài thơ về chiến tranh của Tô Thùy Yên như một lời tâm tình, giản dị và chân thành nhưng khung cảnh càng mộc mạc, quê mùa, chiến tranh càng phô bày ra hết cái khốc liệt, phi nhân của nó. Tài hoa của ông là ở đó, ở việc sử dụng những ngôn ngữ giản dị, đôi lúc cô đọng đến mức tối giản, để bóc trần sự vật. Có lúc lời thơ như lời đối thoại bộc trực, không mỹ từ, không hình ảnh, không đẽo gọt như thường thấy trong những bài thơ khác.
Những bài thơ như Chiều trên phá Tam Giang, Qua sông, Anh hùng tận, Ngọn gió lạ thường sẽ tới… thực sự là một bạch thư về cuộc chiến tranh Việt Nam được nhìn từ phía con người. Cuộc chiến tranh ấy đã kết thúc nhưng cho đến nay nó vẫn còn bị bao phủ trong tấm màn huyền thoại, dị sử, vẫn còn được diễn giải nhằm mục đích lũng đoạn, lợi dụng. Đó là điều trớ trêu nhất của cuộc chiến này: chiến tranh đã chấm dứt mà lịch sử của nó lại chưa thể kết thúc, vẫn còn là một cuộc chiến khác hiện hành trên phương diện tường thuật, ký sự, diễn giải được phát động từ các mưu toan chính trị. Chính vì vậy hơn lúc nào hết, nó cần phải được bạch hóa, phải được nhìn nhận đúng bản chất của nó. Đó là công việc của nhiều bên, và không phải chỉ của một thế hệ nhưng trong khi chờ đợi, bằng thơ của mình, Tô Thùy Yên đã cung cấp cho chúng ta và các thế hệ mai sau một ánh sáng chân thật khác từ vị trí của một người trong cuộc.
Sau năm 1975, khi chiến tranh hai miền Nam – Bắc đã chấm dứt, Tô Thùy Yên đi tù ba lần, tổng cộng 13 năm. Kinh nghiệm tù đày sau chiến tranh đã đem đến cho thơ ông một trường cảm xúc mới mẻ về thân phận con người và thời cuộc, mở đầu cho giai đoạn sáng tác thứ ba. Đó là giai đoạn của những bài thơ Thức giấc trong biệt giam, Mùa hạn, Tàu đêm, Ta về,…
Cũng như trong chiến tranh, trong lao tù, Tô Thùy Yên cũng bộc lộ một thái độ cam chịu số phận một cách đáng kinh ngạc. Chỉ than thở, buồn cho kiếp người. Tuyệt nhiên người đọc không thấy trong những bài thơ ấy một chút ý thức phản kháng, đấu tranh với bạo quyền.
Ta phải dám bất cần, phải tập coi thường
Những huyễn vọng linh loạn thần trí.
Bao giờ mở cửa?
Bao giờ?
Lịch sử dường như đã ngất lả
Sau những liên hồi vật vã điên cuồng…
Ta tưởng tượng ở những bồn binh ngã năm ngã bảy,
Đám đông lặng lẽ
Rụng thưa dần
Có nhớ trong này chờ cháy ruột gan?
Ta nhìn lên những dòng chữ trên tường
Viết bằng gạch, bằng than và hình như bằng cả máu
Những phẫn nộ, quyết tâm, nguyện cầu, ký thác, than van,
Ngày tháng năm, tên họ…
(Thức giấc trong biệt giam)
hoặc
Ở đây, địa ngục chín tầng sâu,
Cả giống nòi câm lặng gục đầu,
Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt,
Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau.
(Mùa hạn)
Như một thứ nhật ký, chúng ta tìm thấy trong đó dấu vết của một chế độ lao tù khắc nghiệt.
Bước tới, chân không đè đá sắc,
Vai trần chín rạn gánh oan khiên,
Nước khe, cơm độn, thân tàn rạc,
Sống chẳng khôn, cầu được thác thiêng.
…
Đám chủ mới, y trang xúng xính,
Súng nghênh ngang, tiếng hét phàm phu,
(Mùa hạn)
Trong lao tù, thay vì nuôi dưỡng hận thù, thi sĩ mơ mộng và hy vọng.
Tất cả rồi đây sẽ đổi thay.
Đổi thay từ quặng mỏ, mầm cây,
Đổi thay cả mặt người tăm tối,
Những bớt chàm xưa được xóa trôi.
(Mùa hạn)
Hay có phải đấy mới chính là cốt cách của thi sĩ, như ông tự nhận trong bài Thân phận của thi sĩ?
Chẳng bao giờ danh vọng
Mọc đôi cánh lang thang.
Triết lý dạy cắn răng.
Tôi kiệt sức, kiệt sức
Cuộc đời, cuộc đời ơi.
Sau 13 năm trong chốn lao tù, ông được trả tự do và năm 1993 Tô Thùy Yên sang Mỹ bắt đầu một đời sống lưu vong. Có ý kiến cho rằng thơ của ông trong giai đoạn này không còn đặc sắc như những sáng tác trước năm 1975 cho dù cố gắng làm mới ngôn ngữ. Có lẽ nên đánh giá giai đoạn sáng này ở một góc nhìn khác, không phải là một tiếp nối có tính cách tuyến tính, như một cấu trúc bất biến, của những giai đoạn trước trong nỗ lực làm mới thơ. Ở giai đoạn sáng tác sau cùng, cần được coi như một giai đoạn độc lập, ở đó vấn đề hình thức, phong cách đã không còn là mối bận tâm của Tô Thùy Yên nữa. Thơ của ông có phong thái thanh thoát, tự do; có những bài thơ chỉ một câu, hai câu, ba câu, lắp ghép, cắt dán. Sự đặc sắc chính là ở chỗ đó. Tương tự như trường hợp Thanh Tâm Tuyền với Thơ ở đâu xa, với tập thơ đó Thanh Tâm Tuyền đã là một Thanh Tâm Tuyền khác, không còn của một thời Liên đêm mặt trời tìm thấy, Tôi không còn cô độc. Sự độc đáo của Thanh Tâm Tuyền là ở khí vị, ở sắc thái diễn đạt ngôn ngữ theo phong cách mới của những vần thơ làm trong điều kiện tù tội, không giấy bút mà chỉ có công cụ duy nhất là trí nhớ.
Ở giai đoạn sáng tác sau cùng này chiến tranh và tù đày, những hoài nghi về sự vận động của thời đại không còn là trăn trở của Tô Thùy Yên nữa, ông đã bỏ lại để trở về với những ưu tư siêu hình của giai đoạn đầu.
Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế…
Bát Nhã Ba La Mật Đa
Đi. Đi qua. Đi qua nữa. Đi qua nữa nữa.
(Hành giả âu sầu)
Thảng hoặc ông có nhìn lại quá khứ thì ông nhìn với con mắt tỉnh thức của một người đã giũ bỏ.
Nhà ta xưa nghe nói chẳng còn,
Di chỉ đời ta xưa mất theo…
Đã thân rơm, chắc đâu là chỗ cuối.
Gió qua, đức đủ giữ mình chăng?
Dưới chân ta, đất nào chẳng đất võng,
Đời quẫy gây chao đảo thất thần.
Thôi hãy mừng còn đứng được trên đó,
Cố sức giữ thăng bằng,
Lắm lần, trán rịn đẫm.
Phước thay, những đau đớn ma sát
Đã chẳng làm lòng ta xơ chai.
(Nỗi mình lần giở)
Điều ông tìm kiếm bây giờ là một sự giải thoát, giải thoát khỏi những trói buộc của kiếp nhân sinh.
Thế giới những ba ngàn,
Trước giờ qua được mấy?
Quê nhà nghe nói có,
Chỉ dấu không tìm ra.
Con vượn non xa khóc ảo ảnh.
Còn ta lộn chuyến, nén mà đi…
Sức già, đến lúc phải bỏ bớt,
Bỏ lại bên đường cái bóng ta.
(Thấm thoắt đời ta)
Ngày 22 tháng 5 năm 2019, Tô Thùy Yên đã thực hiện chuyến đi cuối cùng của đời mình, một “chuyến đi không hoãn được”. Thi sĩ, tình nhân cuồng nhiệt của trần gian đã ra đi, nhưng tình yêu ấy vẫn không vì thế mà trở nên nguội lạnh.
Nhất định ngươi sẽ vẫn yêu đến giọt nước mắt cuối
Tô Thùy Yên, người chép sử đã từ giã trần gian khổ lụy này, “nhưng nơi đây nhân loại cùng quẫn không yên nghỉ” vẫn còn cần đến những người chép sử tương lai để tạc tượng những bi thương, tang tóc của một thời đại chưa thể nào một lần khép lại để vĩnh viễn trở thành quá khứ.
Tụng biết mấy thời kinh…
Quá khứ chẳng siêu thoát
[*] Tô Thùy Yên trả lời phỏng vấn của Phan Nhiên Hạo.