Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 137): McAmmond Nguyễn Thị Tư – Con cua ngoài miệng giỏ

Nàng bảo nàng thà ra chợ ngồi bán bánh tráng tortillas hơn là sống như những kẻ nhân danh nghệ sĩ ở Paris. Loại không việc làm, hàng ngày ngồi tới nóng đít ở quán cà phê, ngỡ mình là thượng đế, ba hoa về văn chương, triết học, nghệ thuật, cách mạng, làm ô nhiễm không khí với những lý thuyết trên mây, rồi không có gì sống phải ăn bám phụ nữ thượng lưu – thứ đàn bà ngưỡng mộ các ông nghệ sĩ vì tưởng họ trí óc siêu phàm hơn chồng mình. Nàng bảo giới nghệ sĩ Paris là cứt, và chỉ là cứt, những kẻ phí phạm thời gian vào các cuộc tán gẫu ba xàm, tranh luận ngớ ngẩn gọi là trí thức. Nàng nói sự giả khượt của họ làm nàng phát mửa. Chả trách sao châu Âu đang mục ruỗng, bọn vô dụng này là nguyên nhân cho những Hitler và Mussolini.

Nàng chửi tất cả, trừ Duchamp và Picasso. Duchamp có công chạy tới chạy lui dàn xếp với mấy ông tổ chức cho tranh của nàng vào triển lãm. Picasso thì khen các bức họa của nàng, hát cho nàng, và làm tặng nàng đôi bông tai hình bàn tay.

Thật ra chẳng nghệ sĩ Paris nào nghe thấy nàng chửi. Nàng chỉ trút cơn giận dữ vào một lá thư, viết cách đây tám mươi năm, cho người tình là nhiếp ảnh gia nổi tiếng bấy giờ ở New York, trong lúc nàng đang ở Paris.

Cuộc ra mắt ở kinh đô ánh sáng chẳng mấy thành công. Mặc dù tranh của nàng được nghệ sĩ Andre Breton xếp vào trường phái siêu thực và mời đi Pháp tham dự triển lãm. Nàng chỉ bán được mỗi bức chân dung tự họa cho viện bảo tàng Louvre. Giới hội họa và công chúng Paris không đánh giá cao tài năng nghệ thuật của nàng nhưng chú ý tới nàng vì nàng là vợ của một họa sĩ tranh tường danh tiếng. Giống như những năm xuất hiện ở Mỹ trước đó, lần này ở Pháp nàng cũng thu hút mọi người với cách trò chuyện thông minh sắc sảo và lối trang điểm ăn mặc quyến rũ, khác biệt. Một nhà thiết kế thời trang nhái ngay một chiếc đầm mẫu dựa theo trang phục dân gian trên người nàng. Tạp chí French Vogue in hình nàng với danh hiệu vợ của một họa sĩ tranh tường bậc thầy.

Cho đến khi chết, nàng hầu như sống với danh chồng, một họa sĩ tên tuổi đã thiết lập, có vị trí uy tín trong chính phủ, người ủng hộ chủ nghĩa xã hội và cộng sản, và cũng là người thầy khích lệ, hướng dẫn nàng vẽ. Dẫu lúc còn sống nàng cũng có tranh triển lãm đây đó, và bán được ít nhiều nhưng giới phê bình nghệ thuật chưa bao giờ công nhận nàng. Nàng chỉ được biết đến như là người vợ thứ ba của ông họa sĩ danh tiếng.

Nay thì danh dự như một họa sĩ và giá tranh kỷ lục của nàng đã làm khuất mờ tên tuổi nở rộ một thời của chồng nàng.

Vào Google, gõ tên nàng, rồi gõ tên chồng nàng. So sánh số liệu kết quả. Nàng vượt xa chồng. Thử gõ tên những danh họa khác cùng thời, Marcel Duchamp và Pablo Picasso chẳng hạn. Nàng về nhất!

Một “cult icon” thời đại. Một thần tượng được sùng bái vượt biên giới quốc gia, vượt cả biên giới nghệ thuật. Toàn cầu quen thuộc với gương mặt ấn tượng của nàng. Lông mày rậm dính liền như một đại bàng giang cánh. Hàng ria mép mờ nhạt.

Người ta đội cho nàng vương miện “Thánh Nữ Hội Họa”. Tên nàng gắn cả với những mỹ từ như là chủ nghĩa nữ quyền, tinh thần dân tộc.

Dân chúng năm châu bốn bể kéo tới đất nước nàng viếng thăm ngôi nhà màu xanh của nàng. Nơi nàng sinh ra và kết thúc cuộc đời, giờ trở thành một viện bảo tàng mang tên nàng. Đó cũng là nơi giao du tụ tập của nhiều trí thức, nghệ sĩ, những nhà chính khách, những người tiên phong đổi mới xã hội thời ấy, và là chỗ vợ chồng nàng để nhà lý luận Cách mạng Trotsky ẩn náu trong thời gian lưu vong.

Nàng có lẽ không còn lo bị lãng quên như khi còn sống nữa.

Từ cõi chết nàng đã trở về. Từ những đôi bông tai, lọ sơn móng, hộp diêm, tách pha cà phê, đĩa ăn, vớ chân, khăn tắm, áo gối, drap trải giường, cho đến miếng nam châm gắn tủ lạnh, lịch dán tường, túi xách tay, vỏ bọc điện thoại, miếng lót chuột, đâu đâu cũng thấy nàng. Nàng trên những tấm panô, áp phích trên đường phố, trên bàn thờ. Nàng trên tờ tiền có mệnh giá lớn nhất của quốc gia. Nàng trên vết xăm mình của các nam thanh nữ tú. Nàng là một dòng thời trang mới, kiểu trang điểm mới, kiểu tóc mới cho bao nhiêu “fan” và tín đồ. Đêm Halloween nhan nhản các cô gái cải trang cho giống nàng. Mới đây một nữ chính trị gia Anh quốc còn đeo vòng tay in hình nàng trong một cuộc họp. Dường như có một chút gì đó dính tới nàng mới là sành điệu, mới là thức thời.

Các nước châu Mỹ châu Âu đua nhau lấy tên nàng đặt cho con gái và thú cưng. Đại học Harvard mở các khóa nghiên cứu về cuộc đời và tác phẩm của nàng. Tên nàng và tranh nàng không còn xa lạ trong các trường đào tạo mỹ thuật trên thế giới.

Khi còn sống nàng từng nguyền rủa tư bản và nền công nghiệp Mỹ. Nàng chế giễu nước Mỹ trong sáng tác của nàng. Nàng từng nói dân Mỹ là những người Gringo tẻ nhạt, thiếu nhạy cảm, không có gu thẩm mỹ. Nàng bảo gương mặt họ trông như những cục bột mì chưa nướng. Vậy mà, mấy muơi năm sau khi nàng chết, chân dung nàng được trang trọng nằm trên con tem bưu chính nước Mỹ!

Người Mỹ bất chấp chấp sự khác chính kiến khác quốc tịch của nàng, biến nàng thành người Hispanic đầu tiên nhận cái vinh hạnh đó.

Cái gì về nàng khiến thế giới chấp nhận và thần tượng?

Một cuộc đời bất thường, bi ai, đầy gia vị và sắc màu. Nói theo nhà thơ và học giả Mỹ John Berryman, nàng thực ra rất may mắn vì chính cuộc đời với những thử thách khủng khiếp đó đã giúp nàng thành một nghệ sĩ lớn. Chứng bại liệt của tuổi thơ đã khiến nàng thành khuyết tật, một chân teo và ngắn hơn làm nàng suốt đời phải giấu trong những váy dài chạm đất. Thời thiếu nữ, một tai nạn xe định mệnh lấy đi thiên chức làm mẹ và để lại cho quãng đời còn lại của nàng hơn ba mươi cuộc phẫu thuật và những năm tháng trên giường bệnh. Thảm họa nữa, là cuộc hôn nhân với người chồng họa sĩ tài năng nhưng luôn nhăng nhít với các tài tử điện ảnh và người mẫu trong đó có em gái nàng.

Nàng đã không để những thảm họa giết mình. Nàng tái hiện chúng trên những bức họa thành những đề tài lớn và muôn thuở của nhân loại: cái chết, nỗi đau, và sự chịu đựng. Nàng có cách rất riêng của mình. Ai dám dùng những nét cọ, màu sơn phơi bày ra những điều ẩn kín, cấm kỵ như nàng? Chuyện phá thai, sẩy thai, vô sinh, đồng tính, chết chóc. Tranh của nàng tứa ra máu và nước mắt của chính nàng, phủ đầy xiềng xích, mũi tên, đinh và mão gai tựa như Giêsu trên thập giá. Chưa nói nàng còn công khai lý tưởng chính trị của mình, nhất là những năm cuối đời. Khi nàng chết, trên giá vẽ còn dang dở bức chân dung Stalin.

Chồng nàng phải công nhận hình ảnh và phong cách rất độc đáo trong họa phẩm của nàng. Ông bảo nàng là nghệ sĩ duy nhất trong lịch sử hội họa dám xé toang lồng ngực và trái tim mình để bộc lộ sự thật về cảm xúc.

Ngoài đời, nàng cũng sống táo tợn, bạo liệt, không tuân theo một qui thức nào. Lúc mới tuổi 15, sau khi quan sát người đàn ông đang vẽ tranh trong hội trường tại trường nàng, nàng tuyên bố với bạn học là sau này nhất định nàng sẽ có một đứa con với người họa sĩ ấy.

Nàng nói là làm. Bảy năm sau một đám cưới diễn ra. Chú rể hơn nàng hai mươi tuổi, thể hình to gấp đôi nàng. Cuộc kết hôn của một con voi và cô bồ câu nhỏ, mẹ nàng tức giận. Một người Công giáo, bà không chấp nhận chàng rể vô thần, lại quá già, quá mập. Cha nàng, một người di dân Đức gốc Do Thái, là người duy nhất trong gia đình có mặt trong hôn lễ, ông nghĩ người họa sĩ nổi danh chắc chắn có tiền lo được cho đứa con gái tật nguyền của ông. Bạn bè nàng thì kinh ngạc, cho rằng nàng lấy người nghệ sĩ danh tiếng này không mục đích nào khác hơn là để tiến thân trong sự nghiệp vẽ tranh của mình.

Nàng đã phải trả một giá đắt cho cuộc hôn nhân này. Ông chồng rất tài hoa nhưng có chứng phong tình, coi chuyện lên giường với phụ nữ chỉ giống như một “cái bắt tay”. Ghen tuông, bội phản, ly thân, ly hôn, rồi tái hợp, rồi lại ly cách, nàng nếm trải đủ. Có lẽ điều này lý giải về nỗi khát khao cháy bỏng từng giây phút, từng ngày, không bao giờ thoả nguyện suốt đời nàng: yêu và được yêu.

Ngoài Trotsky là người tình được biết đến nhiều nhất của nàng, nàng còn phiêu lưu tình ái với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cả đàn ông đàn bà. Người nào nàng cũng đắm đuối hết mình. “Em sẽ là ngôi nhà của anh, là mẹ anh, là tình yêu anh, là bàn chân anh, theo anh đi khắp nẻo đường, là sự sống của máu anh, sự vỗ về khi anh lo sợ, sự khuây giải cho anh hết đau buồn – là mẹ của những đứa con sẽ sinh ra hay không sinh ra của anh,” nàng thủ thỉ trong thư cho một người tình, viết khi nàng nằm trong nhà thương sau phẫu thuật cột sống. “Đêm qua em cảm giác như có những đôi cánh vuốt ve khắp cơ thể em, như thể những đầu ngón tay anh có miệng hôn lên da em.” Nàng sợ những lá thư nàng viết sẽ bị xem là trẻ con, vớ vẩn, nàng yêu cầu người tình hãy đón nhận nó “như một bông hoa từ một cô gái nhỏ đi ngang đường vô cớ tặng.” Những bức thư tình giấu kín cùng với những tặng vật của nàng cho một chàng nghệ sĩ Tây Ban Nha cách đây bảy thập niên vừa được công bố và đấu giá ầm ĩ.

Điều lạ kỳ là yêu cuồng nhiệt với ai đến đâu, trái tim nàng vẫn luôn có chỗ cho người chồng trăng hoa ngự trị. Ông vẫn là một nửa của nàng, thấp thoáng trong những bức họa của nàng, trên khuôn mặt, trên vầng trán, trong vòng tay nàng. Ông thật ra vẫn là người làm tim nàng thổn thức cho đến khi giã từ cuộc sống. Đêm trước khi chết, nằm trên giường với một chân đã bị cưa cụt mấy tháng trước đó, nàng nắm tay chồng, tặng cho ông chiếc nhẫn kỷ niệm hai mươi lăm năm cuộc hôn nhân đầy bão tố.

Nàng mất năm 47 tuổi. Dù cái chết của nàng được công bố là nghẽn mạch phổi, căn cứ vào những dòng nhật ký cuối cùng của nàng nhiều người nghi nàng tự vẫn.

Chiều mưa, hơn 600 người đến tiễn biệt. Chồng nàng lãnh đạo đám đông hát hành khúc tang lễ của Lenin và những bài ca chính trị khác.

Quan tài nàng được phủ với một lá cờ búa liềm. Nàng nằm thinh lặng bên trong với bộ trang phục huipil lộng lẫy và đeo đầy nữ trang như thường lệ. Nàng muốn thiêu, nàng bảo nàng đã nằm quá nhiều khi còn sống. Lúc nàng sắp được chuyển vào lò hỏa táng, nắp quan tài mở ra. Người ta níu tay nàng, vật vã trên thi hài nàng. Người ta chen chúc giành lấy từng mảnh trang sức trên người nàng để mong có một chút kỷ vật. Khi những điệu balat cất lên hòa với tiếng khóc ngập căn phòng, một luồng hơi nóng bất ngờ từ cửa lò thiêu mở ra làm cơ thể nàng bật dậy. Tóc nàng bắt đầu bén lửa, cháy rực quanh đầu như một vầng hào quang. Môi nàng hé ra một nụ cười cám dỗ khi cửa lò đóng lại.

Chồng nàng nói ngày nàng chết là một ngày tang thương nhất của ông. Ông nói lúc ấy ông mới nhận ra phần tuyệt vời nhất trong đời ông cho đến lúc ấy là tình yêu ông dành cho nàng. Khi nhận được bình tro của nàng từ nhà hỏa táng, ông đã bốc một nắm bỏ vào miệng ăn và khóc.

Nàng mất chưa tròn một năm thì chồng nàng cưới người khác. Ba năm sau ông cũng qua đời. Bệnh án ghi ông chết do suy tim nhưng tin lộ ra sau này là ung thư dương vật. Không biết nàng có lại buồn lòng nếu biết ước nguyện của ông khi chết được hòa trộn tro cốt với nàng đã không được người ta thực hiện.

Hơn sáu thập kỷ trôi qua. Nàng như đang hiện về với cõi trần. Đôi lông mày rậm với hàng ria mép mờ. Người ta đã thuộc nhẵn gương mặt nàng. Trong thời đại phụ nữ lo căng da, hút mỡ, tẩy lông, nghĩ đến đôi lông mày rậm và hàng ria mép của nàng kiêu hãnh phô trương ở thế kỷ trước mới thấy nàng dũng cảm, tự do, phóng khoáng, và tươi mát làm sao. Nàng đã dám thách thức chuẩn mực về cái đẹp của người da trắng.

Những chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp hội họa của nàng vẫn đang được mổ xẻ và phẫu tích, dường như không bao giờ xong. Khắp nơi trên mặt đất người ta mỗi ngày kiếm ra không biết bao nhiêu tiền trên gương mặt và tác phẩm của nàng. Từ các viện bảo tàng, triển lãm mỹ thuật, đấu giá tranh, phim ảnh, sách báo, thiết kế thời trang, cho đến các công ty sản xuất đồ gia dụng.

Triệu triệu người chiêm ngưỡng nàng, nhưng cũng không ít người phản đối, ganh tị, phân vân, ngờ vực sự nổi danh của nàng. Hiện tượng “sính” nàng chỉ là một thứ mốt thời thượng chăng? Có thể, hay không thể. Nhưng nàng là con cua đã bò ra khỏi giỏ trong truyện ngụ ngôn của dân tộc nàng:

Một du khách ghé thăm một làng nhỏ ven biển nọ, thấy một ông già đang câu cua. Vị khách dừng lại quan sát với sự tò mò và thích thú. Mỗi lần bắt được một con cua, người đàn ông giơ lên ngắm nghía kiểm tra trước khi bỏ vào một trong hai cái giỏ. Một giỏ có hom còn giỏ kia thì trống. Không ngăn nổi tò mò, người khách xin ông già giải thích về tiêu chuẩn chọn cua và giỏ. Người câu cua ngạc nhiên, nghĩ là điều đó quá rõ, nhưng vẫn vui vẻ giải thích. Tất cả những con kích thước lớn và màu sắc khác nhau là cua ngoại, phải bỏ vào cái giỏ có hom, vì chúng khoẻ, khôn ngoan. Nếu để hở, chúng sẽ nhanh chóng chồng lên nhau cao hơn miệng giỏ để cùng thoát thân. Vừa lúc đó vị khách nhìn vào chiếc giỏ không hom, thấy một con đơn độc đang lò mò lên gần tới miệng giỏ thì bị những con phía dưới chồm lên kéo xuống. Ông già câu cua bảo: Những con cua nội địa này chẳng cần đậy nắp bởi vì tất cả chúng sẽ đảm bảo không con nào tự thân có thể thoát khỏi giỏ.

Nhiều người trong giới hội họa của quốc gia nàng cho rằng danh hiệu Thánh Nữ Hội Họa dành cho nàng là thiếu công bằng, ít nhất là với các nữ họa sĩ cùng thời. Lỗi là ở dư luận nước ngoài tung hô, tâng bốc nàng quá đáng. Sự tôn sùng nàng làm lu mờ, che lấp đi những nghệ sĩ đáng vinh danh khác. Người ta không ấn tượng với các chân dung tự họa trong sáng tác của nàng. Hội chứng tự yêu mình! Khát vọng được chú ý, cảm thông và ngưỡng mộ! Người ta phê phán lối sống tình dục, quan điểm chính trị, và nhiều những thứ khác nữa về nàng.

Nàng Cộng Sản. Nàng nghiện thuốc lá, ma túy, tequila. Nàng ngoa ngoắt, nói tục, chửi thề. Nàng quan hệ lưỡng tính. Nàng ngoại tình với Trotsky.

Thì gọi nàng Nữ Hoàng Selfie, gọi nàng Nữ Hoàng Drama, gọi nàng Nữ Nghệ Sĩ Trắc Nết, hay gì khác cũng không sao. Tước luôn vương miện Thánh Nữ Hội Họa. Không hề gì. Người đời tiếp tục thần tượng nàng, tiếp tục thương mại hóa gương mặt và tranh của nàng.

Con cua đã một mình gắng sức bò lên, giãy giụa, thoát khỏi miệng giỏ, và chạy mất.

Nàng trở thành huyền thoại.

Calgary tháng 12, 2017

Nguồn: https://trangngaunhien.wordpress.com/2019/02/19/con-cua-ngoai-mieng-gio-mc-ammond-nguyen-thi-tu/

Comments are closed.