Thạch Trung Tuệ Nguyên, người làm chứng

Nguyễn Đức Tùng

Bài thơ tác động tới người đọc bằng nhiều yếu tố, trong cả hình thức lẫn nội dung. Về nội dung, những yếu tố tác động ấy nếu nằm ngoài bài thơ, chúng ta gọi là văn cảnh hay ngữ cảnh. Văn cảnh cũng tác động vào hình thức, làm nên nhịp điệu, hình ảnh, từ ngữ. Nhà thơ, như thế, mang lại cho người đọc không chỉ một văn bản trên trang giấy, mà cùng lúc, những nguyên nhân bên ngoài bài thơ ấy.

Để khỏi quên mình là ai

tôi, một thằng Chàm dở hơi

trước bia đá vô danh ở bụi rậm

đã quỳ lạy

rằng, đây là văn hoá

 

như một con bò hoang

tôi gặm nhấm đồng cỏ cháy vàng ngọn

giữa cơn nắng và gió Pandurang.

Chàm hay Chăm, hay Chiêm, đều chỉ một dân tộc, một văn hóa. Nếu chúng ta không biết gì về Tuệ Nguyên, chàng ở đâu ra, quê quán thế nào, bạn vẫn có thể hiểu được phần nào bài thơ ấy, nhưng không thể hiểu được tất cả. Pandurang có lẽ là một khu vực ở Ninh Thuận và Bình Thuận, hình như là cương vực rộng nhất và còn lại sau cùng vương quốc Champa bị diệt vong vào khoảng thế kỷ 17. Một bài thơ tùy thuộc đến bao nhiêu vào các tham chiếu, điển tích, là câu hỏi khó trả lời.Tuy nhiên,điều thú vị là bạn không nhất thiết phải hiểu hết hoàn cảnh mà vẫn có thể nhìn thấy vẻ đẹp của nó: bạn không biết Pandurang là vùng nào, nhưng bạn cần thiết lập cho mình một câu hỏi về nó.

Thơ không phải là câu trả lời. Thơ là câu hỏi. Cũng như vậy, đối với số phận của một người, một cộng đồng, một nền văn hóa. Nếu người đọc thơ không thể nào đi từ những tác động của bài thơ đối với mình, về tư duy, về cảm xúc, mà hướng đến các nguyên nhân đằng sau, thì người ấy không thể nào hiểu được bài thơ một cách trọn vẹn. Điều ấy vừa là trách nhiệm của tác giả vừa là trách nhiệm của người đọc. Nếu một nhà thơ sau khi làm xong, chịu đọc lại và sửa chữa, anh ta sẽ bắt đầu nhận ra tính chất khó hiểu và dễ hiểu của bài thơ, và sẽ quyết định làm cho nó trở nên trong sáng hơn hoặc mơ hồ hơn, cánh cửa dành cho người đọc nên được mở rộng hay chỉ nên là khe hở nhỏ. Trong hầu hết những bài thơ thành công của Tuệ Nguyên, mỗi bài đều có một xung đột có tính tiểu thuyết hay truyện ngắn, có một sự kiện, một khúc quanh. Tính chất của câu chuyện kể, tính chất của xung đột tạo ra sự hấp dẫn với người đọc.

cũng chính đêm hôm đó

những khuôn mặt đã chết nổi cộm lên đòi quyền sống

họ ùa đến rất nhiều đến nỗi choáng ngợp không-thời gian

ở đó họ bao phủ tôi

bao phủ khuôn mặt tôi

cái khuôn mặt cứng đơ vì ngỡ ngàng

 

cũng bằng sức lực bàn tay mình

tôi lột luôn con người tôi

Thơ ấy hoàn toàn khác với Điêu tàn của Chế Lan Viên, than khóc lãng mạn những bóng ma Hời vong quốc. Cần chú ý rằng người viết không có kinh nghiệm đôi khi nhầm lẫn giữa xung đột và văn cảnh. Mặt khác, thơ vẫn được quyền trở thành các tuyên bố (statements), nhưng trong trường hợp ấy, tác giả phải làm việc rất nhiều để làm cho các ý tưởng trở thành thơ chứ không phải chỉ là những ý tưởng.

ừ, chúng tôi yếu kém về trình độ
chúng tôi không có chuyên môn
chúng tôi bị lệ thuộc

chúng tôi bị bóp cổ, đè đầu

chúng tôi sắp mất dạng, sắp chết

Thơ đi tìm căn cước riêng của người viết, khác với căn cước xã hội. Đó là cái tôi ngoài quy ước. Để mô tả, Tuệ Nguyên vừa sống lại những trải nghiệm thực sự vừa dùng sức tưởng tượng giàu có. Anh mô tả các giấc mơ, tai nạn, các ảo tưởng, sự tan vỡ, với chữ dùng chính xác. Anh thuộc lớp người mới hôm nay, những người trẻ về tuổi đời nhưng già dặn trong suy nghĩ, sâu sắc khi nghĩ về lịch sử. Bài thơ của anh có thể làm ngạc nhiên ngay cả tác giả, về những cảm xúc mà bài thơ ấy gây ra, vượt ra ngoài tiên liệu. Đó là thơ trữ tình nhân chứng. Vì vậy, sự bất ngờ ấy, làm người thơ thoát khỏi những ràng buộc, định chế, và trong một thoáng chốc, trở thành tự do không những đối với hoàn cảnh mà nhiều người lâm vào, mà còn trở nên tự do với chính anh ta nữa, trong những hệ lụy tất nhiên của thành kiến, mặc cảm, thói quen, đề kháng. Vào lúc đó, anh sẵn sàng hơn để bộc lộ chính mình, bộc lộ các mối quan hệ bên ngoài bài thơ, mở ra những liên kết mới. Thạch Trung Tuệ Nguyên, hay Tuệ Nguyên, có những giây phút như vậy, khi thơ anh gần như sự trò chuyện:

Ngày con đi

Gió tràn vào Palei

Hạt nắng đè nặng tấm thân

Con xoay mình bởi sự thúc giục mù mờ

Gõ vào mặt đất liên hồi

Nơi một đóa hoa dại trổ muộn

Chỉ thấy bầy kiến bò dưới chân

Một con âm thầm đi khai báo:

“Có một sự sống mới đang ở nơi chúng tôi

Hắn đang nói về tự do và quyền lợi của xác chết”

Hình ảnh trong thơ là ý tưởng phi diễn ngôn, vì vậy chúng có thể tạo nên phản ứng lập tức. Trong trường hợp thành công, chúng là những ẩn dụ không thay thế được. Vì sao Tuệ Nguyên nhắc đến bầy kiến thì tôi không biết, có thể vì anh đang nhìn xuống. Nhưng trong tâm trí tôi, bầy kiến có thật, chúng di chuyển trong nắng và gió, ở Palei, ngôi làng, khi có người bỏ đi. Anh thường có những hình ảnh như thế, chúng trở về từ một thế giới khác, một nguyên mẫu văn hóa. Thật kỳ thú khi chúng ta quan sát một nhà thơ sử dụng nhiều hơn một ngôn ngữ. Thơ của Tuệ Nguyên cũng như trường hợp Kiều Mai Ly, Đồng Chuông Tử, Inrasara Phú Trạm, Trà Viya, Jalau Anưk và nhiều người khác, có những chữ, cách nói, các hình ảnh và suy tưởng mà chúng ta ít gặp ở các nhà thơ  dân tộc Kinh. Theo quan sát của tôi, dường như ngôn ngữ Chăm cụ thể hơn tiếng Việt, dùng nhiều chữ tượng hình hơn. Điều ấy tạo ra sự thân mật, tác động nhiều đến giác quan. Khi Tuệ Nguyên nói về sự phá hủy của môi trường, sự diệt vong văn hóa, anh vừa nói về dân tộc Chàm của anh, vừa nói về Việt Nam như một đất nước chung của mọi dân tộc. Cái riêng và cái chung hòa làm một trong những suy nghĩ của anh.

Con người không thể suy nghĩ nếu họ không có một ngôn ngữ. Tương tự, một người càng biết cách sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình, càng biết cách suy nghĩ. Thơ là công cụ suy nghĩ. Ngày trước khi thơ gần với các bài hát, lời kể chuyện, như trong các trường ca, khả năng làm nhân chứng của nó lớn. Trong những thời kỳ đen tối khó khăn, nhân loại cần những phương tiện khó khăn. Nhưng thơ Việt hiện nay có quá nhiều cảm thương, bi lụy. Đó là một thứ nhạc bolero làm đẫm ướt tâm hồn người Việt quá lâu. Thơ phải tìm cách thoát ra. Cũng không dễ. Niềm vui đọc một bài thơ của Tuệ Nguyên trở thành một phản ứng trước sự thật và giả dối, trở thành suy nghĩ. Các câu thơ của anh bề ngoài có vẻ rời rạc, những câu chuyện kể phân mảnh như chúng ta hay gặp trong nghệ thuật hậu hiện đại, mặc dù vậy, chúng vẫn liên kết; luồng chảy của chúng không dứt. Đọc Tuệ Nguyên là cảm nghiệm, đi qua cuộc sống, khóc cười cùng anh, dù kinh nghiệm của tác giả không được mô tả trực tiếp hoặc tỉ mỉ. Mà những chữ trừu tượng như đau buồn, thương xót, hối hận, căm phẫn, cũng không mấy khi xuất hiện. Đó là một người làm thơ thuộc dân tộc Chăm, sống qua nhiều hoàn cảnh và có lẽ đã chịu đựng những khó khăn mà anh không muốn nói hết, mặc dù anh cũng không phải là người quá kín đáo. Người trẻ hôm nay không có thói quen dè dặt kín đáo; họ sẵn sàng bộc lộ mình trong hoàn cảnh thích hợp. Nhưng cách bộc lộ của anh tinh tế, do chiều sâu của suy tư, sự ngưng tụ của chữ. Chính là nghệ thuật, tay nghề của tác giả, làm nên hoàn- cảnh- xúc – cảm của người đọc. Một bài thơ hay là bài thơ có khả năng tạo ra thế giới tưởng tượng của người đọc ấy. Thơ sử dụng các ẩn dụ để làm nên các liên kết giữa người và người, làm cho họ bớt cô độc. Sự chia sẻ xúc cảm cá nhân, riêng tư, với người đọc, làm cho họ tin tưởng rằng không phải một mình họ là người duy nhất bị thất tình, bị đánh đập, bị phản bội, thất vọng, giận dữ hay mệt mỏi. Tất cả chúng ta đều thế: đó là thông điệp nếu có của thơ hôm nay.

 

Tên tôi, Tuệ Nguyên
quê Caklaing    dân tộc Chàm

tôn giáo Bà-la-môn    quốc tịch Việt Nam
gia đình có sáu     chưa rụng quả nào

Trong một thế giới mọi thứ đều tầm thường hóa

không ai còn tin những điều phi thường

tình yêu thương       sự hi sinh

nên tôi chỉ muốn khai báo cho có lệ    nhưng

 

Tôi ít khi quan tâm đến tên họ   quê quán  dân tộc

tôn giáo hay quốc gia

Không có một bài thơ nào tồn tại độc lập. Chúng phải được đọc, được nhớ lại, được cảm xúc bởi một người khác. Một ngôn ngữ muốn sống lâu dài cần phải làm mới mỗi ngày. Thơ tạo ra sự làm mới ấy. Bằng cách chống lại các nhận thức tự động, sự sáo rỗng trong cách nói, sự lặp lại buồn chán của văn hóa và đời sống.

họ bảo tôi nên đi thật nhanh

đi vào đất nước mang tên Tình Yêu

họ bảo tôi mau mau nhập quốc tịch và bầu cử

 

bầu cử nàng

bầu cử

(bầu)

rồi có con

Ngôn ngữ châm biếm, nhưng không chỉ có thế. Bài thơ hướng đến một người đọc tưởng tượng, chỉ trích lẫn tâm sự. Sự hài hước của Tuệ Nguyên, như vậy, cũng hướng vào chính mình. Bằng cách viết ấy, cả trong nhiều bài thơ khác, anh trở thành người ghi chép về một hoàn cảnh xã hội, một phản ứng tiêu biểu của người trẻ hôm nay. Thơ anh nhiều sự kiện, một chuỗi các phân mảnh bị tách rời bây giờ được nối lại. Thơ tự do ấy di chuyển giữa các vần điệu và một thứ thơ-văn-xuôi táo bạo, thản nhiên, không ngượng ngập, làm nên tiếng nói giản dị của đời sống. Thơ ấy là của một người không có mặc cảm, ít chịu sự chi phối của những áp lực về văn hóa và xã hội, như đối với nhiều người cũng trẻ tuổi như anh, nhưng không có tinh thần tự do như anh.

Nhìn vào điệu ngữ ngoài kia

anh em tôi vẫn hô hào khẩu hiệu về tự do và

dân chủ    hô hào khẩu hiệu yêu đất nước mình

đất đai và biển đảo    hô hào trong ngục tối

hô hào và hú gọi nhau… ơi ới

chỉ sự im lặng ở lại

bốn bức tường lởn vởn trên đầu

Thơ hiện nay ngày càng trở nên trữ tình, nói về cái tôi và nói từ cái tôi, do đó khả năng làm chứng cho một thời đại bị mất dần. Đối tượng của thơ trữ tình là đời sống cảm xúc cá nhân. Trong trường hợp ấy một loại thơ trữ tình – nhân chứng cần vượt ra khỏi các quy ước thông thường; nhà thơ phải giữ được thăng bằng giữa những cảm xúc chủ quan và riêng tư và ý thức sắc sảo về sự thật. Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn, ngày nay những tác giả trẻ hơn tìm cách xóa mờ ranh giới giữa cái tôi và chúng tôi, tôi và chúng ta, ranh giới giữa tác giả và độc giả. Yếu tố hậu hiện đại này nổi bật trong thơ Tuệ Nguyên.

Một bước đi khập khiễng

Một điệu múa lạc mùa

Lễ lạc thần

Kalan lạc kẻ hành hương

Lũ trẻ xoe tròn đôi mắt

Tìm vui trong sắc màu lạ

Ghép tàu bay

Bay vút vào không gian ảo chỉ bằng cái enter và double chuột

Mục đích của thơ là làm chứng cho kẻ khốn cùng, là xóa mờ các ranh giới, là loại bỏ sự độc quyền của nghệ thuật chính thống, ngày càng sáo rỗng và giả dối, làm lẫn lộn cái-gọi-là-tốt và cái-gọi-là-xấu, phi chuẩn tắc hóa, tháo bỏ con người khỏi các ràng buộc nô lệ, ca ngợi tự do. Nhưng tự do đôi khi cũng đồng nghĩa với hỗn loạn. Phong trào hậu hiện đại thực ra không phải là một phong trào phản kháng. Ý thức của nó không phải là ý thức phản kháng, mà là ý thức nổi loạn. Nó không có một phương pháp nào cả, hay tất cả đều là phương pháp. Tuy nhiên các công cụ mà nó tạo ra, các kỹ thuật mà nó khích lệ, đều gây ra sự thách thức đối với quyền lực thống trị, trước hết là trong học thuật và trong nghệ thuật. Thơ hậu hiện đại vì thế không thể là thơ có vần điệu du dương bi thiết. Những người yêu thơ vần điệu trong thực tế khó có thể là người hoàn toàn tự do, ít nhất là về mặt sáng tạo. Thơ hôm nay cho phép sự vật được cất lên tiếng nói của chúng, hoàn toàn bình đẳng giữa các chữ, huống gì là sự bình đẳng giữa các dân tộc trong một nước và giữa những con người. Thơ hôm nay cần được hiểu, trước đã. Các nhà thơ nổi tiếng ở Bắc Mỹ gần như ai cũng viết hồi ký và tự truyện, vì họ muốn người đọc hiểu sâu hơn các chi tiết của cuộc đời họ, các tư tưởng. Tôi tìm thấy trong thơ Tuệ Nguyên nhiều yếu tố tiểu sử, dù tiểu sử ấy vẫn còn khái quát.

Vì lẽ chúng ta có những cọng tóc xoăn da ngăm và đầu óc mù tịt

nên chúng ta dễ tổn thương với sự kì thị, khinh miệt

chúng ta có cảm giác bị thua thiệt

chúng ta trở nên xa lạ và riêng tư hơn

Vì màu da mà chúng ta phải tắm để đến khi nhiễm bệnh cảm

Thơ Tuệ Nguyên không phải bài nào cũng chín chắn và thành công. Như mọi trường hợp khác, trong nhiều năm anh cũng đã viết khác đi, mới hơn, chắt lọc hơn. Dù những cảm xúc trong thơ là hoàn toàn chủ quan, và dù sự thật mà anh nói tới có thể chỉ là tương đối, thơ anh thuyết phục tôi, làm tôi tin vào lời kể của chúng. Thực ra không một nhân chứng nào mà không chủ quan, vì anh ta chỉ nhìn thấy sự kiện từ góc nhìn của mình. Một nhà thơ càng thành thật trong mô tả các cảm xúc như một nhân chứng, khả năng chia sẻ với người khác càng lớn. Phần lớn thơ Tuệ Nguyên tránh được các ẩn dụ màu mè có tính trang trí, chúng đi thẳng vào trung tâm, các nội dung ý tưởng. Tính đại diện ấy làm nên giá trị của thơ anh. Cố gắng kể lại câu chuyện của cuộc đời mình, dân tộc mình, kể về những mặc cảm và những định kiến, sự phá hủy, sự truy diệt, trong một ngôn ngữ tài hoa những vẫn giữ được tính chất phác, thơ Tuệ Nguyên giúp tôi hiểu hơn về các hoàn cảnh hiện nay, tình yêu thương đối với xứ sở chúng ta; sự quả cảm của anh khích lệ tôi như một người đọc. Giữa các nhà thơ cùng thời, với một ngôn ngữ gần văn xuôi, sẵn sàng vượt qua các giới hạn, chạm tới những cấm kỵ cả về tư tưởng lẫn bút pháp, Tuệ Nguyên đứng tách ra một mình, được chiếu sáng bởi một thứ ánh sáng riêng biệt, là tình yêu sâu kín.Thơ đối với Tuệ Nguyên tựa như một nghi thức tâm linh, một điển chế tín ngưỡng bí mật. Ở đó có những huyền thoại thiêng liêng, sự tra vấn, sự mặc khải. Viết, như thế, là hành động nguyên thủy.

Tôi đã chứng kiến
những đứa con Chàm ra đường đòi đất canh tác
những đứa con Chàm la hò đòi đền bù
nhưng điều mà họ được
vẫn là những ngôn lời hoa mĩ dối trá
vẫn là những lần dọa nạt
và, vẫn là cò kè về giá cả
vẫn muốn nuốt cả những gì thuộc về giá trị

Tuệ Nguyên đi tìm các khoảnh khắc, ở đó sự thật được bộc lộ; thời gian của anh không phải là chuỗi liên tục. Để có thể giữ lại được các khoảnh khắc của sự thật, ngôn ngữ cần được triển khai trong các nhịp điệu riêng. Nhịp điệu của thơ là phương tiện để tiếp cận thời gian của một sự vật.Thơ Tuệ Nguyên buồn bã nhưng không bi lụy, hài hước nhưng không khinh mạn, anh đi giữa ca ngợi và phê phán, cố thiết lập cân bằng giữa những khía cạnh khác nhau. Đó là một thái độ, tôi nghĩ, là đúng đắn trong thời buổi hiện nay. Đôi khi anh cũng có một lối nói có nhiều xúc cảm, vượt quá sự kiểm soát. Nhưng trong trường hợp khác, khi anh biết đến các cân bằng, thơ anh như là một thứ thơ tư tưởng với các quan điểm được trình bày trực tiếp nhưng không khô khan.

thản nhiên mà nói về điều không thể hoán đổi
dấu hiệu về cái chết phô trần những khuôn mặt tái mét

trong thoáng chốc đã thật sự làm tôi run sợ
dù nỗi sợ về nó luôn làm mọi thứ mất thăng bằng

Thơ hôm nay có đặc tính là trực tiếp, hài hước, tương tự như trong âm nhạc, như những pop và rock. Anh thiết lập cho bài thơ tiếng nói của thời đại này, nỗi đau buồn và hy vọng của nó, bị đánh tan tác, nhưng không chết. Những khía cạnh khác của Tuệ Nguyên: tính chính trị, tính tâm linh, mặc cảm, kiêu hãnh, những vết thương và cố gắng chữa lành chúng. Thơ hôm nay khách quan, lạnh lùng, đôi khi tàn nhẫn. Trong những tình huống bi kịch, nó không đem lại cho người đọc một niềm hy vọng nào cả. Cũng như vậy, trong một nhà tù, bạn không có một cánh cửa thoát nào cả.

tất cả chỉ được truyền và kế thừa

chúng ta đang làm tốt khâu bảo quản

đó là cách nói của thể chế độc tài

Không có thỏa hiệp trong thơ Tuệ Nguyên. Bút pháp của anh là sự mô tả từ đằng xa, phía sau, từ bên trong sự vật. Thơ anh bắt nguồn từ những xúc cảm thời sự, nhưng đó không phải là một loại thơ thời sự. Bằng cách này hay cách khác, anh vượt ra khỏi chi tiết cụ thể, nâng chúng lên, tổng quát hóa. Tổng quát hóa vừa là một ưu điểm vừa là một nhược điểm của thơ. Tuệ Nguyên cố gắng lược bỏ những chi tiết không cần thiết, hướng tới sự mô tả làm xúc động. Thơ anh là nghệ thuật kể chuyện, có tính tự sự và có cả những câu tuyên bố, như vậy đó là một hỗn hợp của nhiều bút pháp. Khi nói về dân tộc mình, anh một giọng thơ vừa cay đắng vừa tỉnh thức, đầy phê phán, sự tố cáo, một nỗi buồn mênh mông nghẹt thở. Nghệ thuật hậu hiện đại nổi bật trong thơ Tuệ Nguyên. Các kỹ thuật diễu nhại, châm biếm, phân mảnh, nhòa mờ đều được sử dụng. Cuộc đời vừa như một trang sử hào hùng, bi phẫn, vừa như một trò chơi lớn: không phải Tuệ Nguyên không biết về hạnh phúc và niềm vui của đời sống, trái lại anh có những câu thơ đẹp về tình yêu. Thơ anh có nhiều biểu tượng bắt nguồn từ gốc rễ Chàm. Câu thơ dàn trải, những bài thơ dài đôi khi vì thế mà không chọn lọc; đây là khuyết điểm chung của những người làm thơ dài.  Đọc anh phải đọc một mạch, trọn vẹn. Tuy nhiên nhìn kỹ, mỗi bài dựa vào một chi tiết, một nguồn cảm xúc khởi đầu, vì vậy bài thơ của anh là thể thống nhất. Làm thế nào để một bài thơ vừa là tập hợp rời rạc ký ức như thường thấy ở các tác giả hậu hiện đại, một mặt vẫn là một đơn vị có tính tổ chức? Parody nhẹ nhàng và khó nhận ra, gần phương Tây:

Chúng tôi không bị chèn ép

và không đủ chứng cứ hay tầm nhìn để nhận biết mình bị chèn ép

Chúng tôi không có ưu quyền

và những ưu quyền chỉ ngột ngạt đang động đậy trong tâm khảm chúng tôi

Thực sự thì chúng tôi bị treo

một kiểu lửng lơ ở trạng thái chết.

Mỗi bài thơ có một chủ đề riêng, nhưng vẫn là giọng nói ấy: nồng nhiệt mà kiềm chế, hài hước mà thân mật, dài nhưng biết dừng lại, các hình ảnh trong thơ gây ấn tượng, đó là hình ảnh của cuộc đời thực, được chiếu sáng bởi tư tưởng. Thơ Tuệ Nguyên không phải là thơ hoài niệm, mặc dù anh nhắc nhiều đến quá khứ, ký ức. Tôi chờ đợi tính chất kỳ bí, tính chất tâm linh trong thơ Tuệ Nguyên nhiều hơn. Tôi tin rằng một dân tộc như dân tộc Chàm, tính thiêng liêng của một ngôn ngữ, một nền văn hóa như thế, sẽ tìm thấy mình trong tiếng nói của anh. Có sự liên hệ mật thiết giữa tính chất huyền thoại và kỹ thuật siêu thực trong thơ của một số nhà thơ thuộc dân tộc thiểu số như Tuệ Nguyên, Kiều Mai Ly, Inrasara. Đọc thơ anh không thể không nhìn thấy những thông điệp của một ngôn ngữ được ký thác. Ý nghĩa trong một bài thơ của Tuệ Nguyên là ý nghĩa của chính ngôn ngữ ấy, thứ tiếng Việt toàn hảo, nhưng bao gồm các sắc màu văn hóa khác nhau, của dân tộc Chăm, di sản vĩ đại của họ để lại, món nợ và lòng biết ơn của chúng ta. Các nhân vật trong thơ có thể là cái tôi của anh, có thể là những nhân vật khác ngoài đời, và mặc dù anh nhắc đến cái tôi nhiều lần, tôi có ấn tượng rằng những câu chuyện anh kể lại là chung cho nhiều người. Sự quan tâm của anh là hôm nay.

nơi những con dế bò từ khe đất nứt khu vườn
reo ngân
bản u hoài về thời thơ ấu
những đám trẻ đánh lộn trên đám rơm rạ mùa gặt
hình ảnh về những vết bùn lấm láp trong mùa bắt cá

Người đọc nhìn thấy đời sống của anh, nhưng điều làm họ quan tâm hơn nữa là cảm xúc, nỗi u hoài, ý tưởng, sự tỉnh thức. Trong thơ, chúng ta nhìn thấy bi kịch, sự trống rỗng, lời nhắc nhở. Tôi muốn được nhìn thấy những câu thơ như thế này nhiều hơn, chữ chắt lọc hơn nữa. Tôi vốn là người thích đọc thơ ngắn. Tuy vậy những câu dài của anh vẫn thuyết phục tôi. Chúng như dòng sông, nếu thả mình vào đó, hóa thành một với nước, bạn trôi đi dễ dàng. Không phải bài thơ nào của Tuệ Nguyên cũng xuất sắc, nhưng những bài thành công của anh rung lên những cảm xúc của sự bất hạnh của con người, sự tàn phá đối với thiên nhiên. Đó là nguồn cảm hứng sinh thái. Những bài thơ như vậy chiếu sáng trang viết, kêu gọi sự chú ý của người đọc, làm người đọc giật mình, bối rối, nhớ lại. Chẳng lẽ bạn có thể vui cười trong một tang lễ? trước các phế tích của một đế chế bị diệt vong?

Sự hiểu biết, chia sẻ, cảm thông là những tính chất đặc trưng của thơ Tuệ Nguyên. Anh không đi tìm sự thông cảm dễ dàng, sự thân mật vội vã, anh giữ một khoảng cách với người đọc, nhưng thơ anh đi tìm sự thật, vừa riêng tư vừa phổ quát. Bề ngoài đó là loại thơ mở rộng cửa, bên trong đó là một thế giới bí ẩn. Vả chăng, không một nhà thơ trữ tình nào không bí ẩn. Không nên đọc thơ Tuệ Nguyên như bản trình bày các thông điệp, dù đó là những thông điệp đúng đắn. Hãy để dành cho ngôn ngữ của anh những khoảng trống để chúng di chuyển. Khi anh bắt được nhịp điệu của mình, nghe được âm nhạc của bài thơ, anh để cho bạn cùng nghe. Đó là một thứ âm nhạc trẻ trung, ấm áp.

ở mảnh đất được dệt lên bằng những huyền thoại

đàn bà lên men

đàn ông say

 

quên, quên hết

những bước đi còn in đậm dấu chân.

 

Quên!   tôi run sợ vì điều đó

vì cuộc sống và những món quà

có lẽ tôi quên lời cảm tạ

bởi dục vọng và những tội lỗi

có lẽ tôi quên lời sám hối

quên luôn cả chính mình

khi ở nơi tôi không còn xúc cảm

Thực ra trong sâu thẳm của người viết thế hệ bây giờ, tôi nghĩ, Nam hay Bắc, trong nước hay ngoài nước, vẫn là tình yêu vô bờ đối với tổ quốc, là sự nối kết giữa con người và con người, giữa các nền văn hoá. Trước những hoàn cảnh đương đại, khi xã hội ngày càng điên đảo vì nhu cầu vật chất, thiểu số độc quyền, đa số nghèo đói, bị áp bức, ở đó những cá nhân và những dân tộc thấp cổ bé miệng hàng ngày bị tước đoạt quyền lợi, bị khinh mạn, một nhà thơ không thể làm gì khác hơn là cất lên tiếng nói của người làm chứng. Thơ Tuệ Nguyên là thơ của một nhân chứng như thế, đi qua thời đại đổ vỡ, lòng thương xót và căm phẫn, cả hai làm nên sức mạnh của thơ anh trong lòng người đọc, những người đọc tinh khôi, cũng dũng cảm như anh, hôm nay.

2. 2023

Comments are closed.