Tuệ Nguyên: Phát biểu nhận Giải Thơ Văn Việt lần thứ Tám

Tuệ Nguyên

clip_image002

Thuở xưa ở các làng Chàm, yếu tố không thể thiếu trong nghi lễ – diễn ra ở gia đình, gia tộc, cho tới lễ lớn nhất của dân tộc – là những làn điệu đọc ngâm, hát ngâm và cả tụng ngâm. Tổng thể, đa phần ca từ những làn điệu đều xuất nguồn từ các thể thơ, tuân theo vận luật riêng biệt. Mỗi thể thơ có thể sinh ra nhiều biến tấu, tùy lễ nghi, tùy người nghệ sĩ trình diễn. Những làn điệu này đã theo tôi suốt thời thơ ấu và giờ cũng vậy. Ca từ đầy anh hùng tính, thiêng thiêng, giàu thi pháp. Làn điệu đi sâu vào cõi lòng, để bất chợt tôi nhận ra, như câu ví von đầy ám ảnh của Augusto Monterroso: “Thức dậy, con khủng long vẫn còn đó”.

Làn điệu – những âm hưởng thiêng liêng – thôi thúc tôi, có khi nó khiến tôi sa lầy khi cố dùng ngôn từ để lấp vào khoảng trống của những đoạn thất thường; đoạn khúc như thể là tiếng ẩn ức sâu kín của người cầm viết. Trước một cơ chế luôn túc trực để nghiền nát nhân tính, thứ tôi muốn ngân chẳng thể vin vào truyền thống để xướng lời cũ rích, tôi cũng chẳng thể đứng trên vai “con khủng long” để nhảy điệu Tandava. Khi được tâm trí lên dây cót, giai điệu tôi muốn ngân chẳng còn liền mạch nữa, chỉ những nốt rời rạc đầy bức bối và cuồng nộ. Cõi lòng nát, nỗi niềm trăn trở chìm, mọi rào chắn và các thể luật cũng tiêu biến.

Viết – trước kia tôi đập nát cả “cái tôi” của mình để tan đi nhân thể Chàm. Tôi chẳng thể rõ mọi thứ sẽ đi về đâu, đứng trước nó, tôi ngân làn điệu riêng để nhận dạng lại thế giới quanh mình và, quan trọng, là nhận diện lại chính mình. Tôi không muốn mình bị mắc kẹt, hay bị bóp nghẹt bởi chính cái tôi, bởi những ước muốn, bởi cái lý tưởng hão huyền của tôi. Tôi cũng không cam đoan với ai về niềm tin dễ dãi nào cả. Bởi lẽ, tôi biết mọi thứ rồi sẽ bị chối bỏ; mọi thứ rồi sẽ bị bỏ rơi trong một tiến trình vô thủy vô chung của đời sống. Còn những gì không phải thế, nó buộc tôi phải chịu đựng, nó buộc tôi mang phận sự gánh vác, nó buộc tôi phải tỏ thái độ, bất chấp, phải cào cấu những lớp bụi, những phấn son che phủ tôi bấy lâu nay.

Sống – phải chăng, tôi đang tìm kiếm những thứ đã lấp chìm mà những phế tích gởi lên sự mơ hồ về đường nét, hình dạng trong sắc thái riêng biệt? Phải chăng tôi vẫn là kẻ mộng du cố vớt lên những xác chết, những cái xác mà có khi âm vang về nó lảng vảng trong tâm thức. Ôi, tâm thức và dòng chảy của nó như cuốn phăng đi thứ văn hóa đã khiêu khích nhân loại va chạm trong cuộc tranh hùng để bảo vệ, để bành trướng! Thứ văn hóa đã làm đắm chìm một đất nước, đã bôi lên lịch sử bởi vết đen bằng gươm và máu, đã và đang làm nhục lớp trẻ bởi trò sân khấu rẻ tiền và quái trạng hiện giờ của nó! Tôi, một mảnh vụn tái chế, phô trương hình hài, tiếng nói – làm vật hiến tế cho cuộc chơi cuối cùng. Ấy mà, tôi chẳng muốn tham dự và thuộc về. Thứ văn hóa đang la hét với gió bụi – trên những ngôn từ như nấm mồ chôn xác nó – ở trang báo lá cải, thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa. Và tôi, chẳng khác chi đao phủ, cố nhai nghiến, xé xác, phanh thây nó không khoan nhượng. Thứ văn hóa đang la cà với đám dân đen đầu tắt mặt tối – được mang bêu trên sân khấu, hô hấp bằng những bằng thưởng, giấy khen, tấm huy chương – để tạ ơn một bè phái đã góp tay siết cổ nó. Thứ văn hóa đang giãy giụa trong nghĩa trang, đền đài – tôi lên dây cót ngân lên giai điệu, mặc nó nhảy nhót trên bàn tay thô bạo, căn tính bệnh hoạn của lũ vô thần.

Kết, không? – Khi một xã hội biến trạng, nơi những tiếng nói được coi trọng, sự cuồng nộ quay lại bổn phận và trách nhiệm, tôi ngân lại làn điệu ngợi ca về tính anh hùng, về cái thiện, về cái đẹp. Tôi sẽ hướng vào trong tôi, như kẻ quay lại nguồn, giữ thiên chức mình.

Tôi là

Thuở xưa

Còn họ?

Caklaing, 2. 2023

Comments are closed.