Thơ Trần Lê Sơn Ý

Nguyễn Đức Tùng

Đề tài trong thơ Trần Lê Sơn Ý hầu hết là các chi tiết thường ngày, những mối quan hệ gần gũi, khung cảnh thường gặp, nhưng ngôn ngữ thơ của chị không dừng lại ở cái trung bình, mà vượt lên, mở ra những cánh cửa. Các nhân vật trong thơ chị hiện diện đâu đó, sẵn sàng biến mất khỏi tầm nhìn của chúng ta, rồi đột ngột quay trở lại. Thế hệ trẻ không ngoái nhìn, họ chăm chú hướng vào hiện tại nhiều hơn, nhưng những chấn thương văn hóa của dân tộc vẫn có mặt trong thơ hôm nay.

Trần Lê Sơn Ý kết hợp tính đương đại và tính huyền bí trong thơ chị, một loại thơ trữ tình xã hội. Người đọc bắt đầu nhìn thấy sự riêng biệt của một lớp người, cái nhìn tươi tắn, trong trẻo của tuổi trẻ hôm nay, ý thức phê phán đối với hiện thực, thái độ từ chối thói quen lệ thuộc, sự vượt thoát. Ở những bài thơ thành công nhất, chị là tiếng nói nữ tính nhưng tiêu biểu của thời đại mình, hồn nhiên và cô độc, nhem nhuốc và thơ mộng, dịu dàng nhưng sắc sảo.

Đêm không ngủ đọc Trần Vàng Sao

Mỉa mai ghê, bao nhiêu năm nay cứ nghĩ mình lận đận

Ba mươi sáu năm trước, một người tuổi Tỵ cũng 43 thấy “buổi chiều không có một con chim đậu trên cây”

Tôi vẫn thấy chim trời bay ngang cửa

Người tuổi Tỵ 36 năm trước “không biết làm gì hết” bèn “bỏ hai chân ra khỏi dép cho mát”

“Một hai ba giờ sáng ngồi vác mặt ngó lên trời nghe tiếng chó sủa”

Người 43 tuổi tỵ bây giờ – năm 2020 ngồi dựa cửa, không có tiếng chó, chỉ có tiếng con mèo câm lặng, mỗi lần kêu meo meo nó làm thinh đi thẳng, nhưng ngoái lại nhìn mỗi khi tróc chó

Con mèo lẽ nào chỉ biết ngoại ngữ?

Người tuổi Tỵ 43 năm 2020 không có “cây cà cây ớt”,

gia tài là một cái xô, một cây hương thảo và một nhành lan bé tí treo cheo leo đâu đó trên dây máng đồ

Người ta bảo, mất trí nhớ hãy thử ngửi mùi hương thảo, mùi cỏ kia sẽ mang trí nhớ quay về

Người 43 tuổi Tỵ năm 2020 từ đó ngày nào cũng đưa bàn tay vuốt ngang cây hương thảo

Người tuổi Tỵ nhìn qua block nhà bên kia, vẫn còn một ô cửa sáng

Vẫn tiếng trẻ khóc bên rào đau buốt. Lẽ nào là tiếng khóc của 34 năm về trước

Bên này con bé đang ngủ hai chân xếp trong tư thế kiết già

Người tuổi Tỵ cũng 43 phút chốc bỗng thấy mình không biết cuộc đời là giấc mơ hay giấc mơ là cuộc đời

Người tuổi Tỵ năm 2020 biết từ nay mình chỉ còn có thể lắng nghe

(Đọc Trần Vàng Sao giữa đêm tịch mịch)

Thơ Trần Lê Sơn Ý là kết quả của những cách tân ngôn ngữ được khởi lên từ những năm gần đây và ý thức cộng đồng trong người trẻ, ngày càng phổ biến. Chị chuẩn bị cho mình, cho người đọc về những thay đổi đang và sẽ xảy ra. Trong khi nhiều nhà thơ khác chọn cách viết dễ dãi, Trần Lê Sơn Ý cố gắng đi tìm cách nói lạ, thường ít được chấp nhận hơn; trong khi những nhà thơ khác chọn sự an toàn khi viết về những đề tài riêng tư, thơ tình chẳng hạn, Trần Lê Sơn Ý chọn những đề tài khó hơn, nhạy cảm hơn. Khi chị nói về các đề tài ấy, tiếng thơ vang lên rõ ràng, khúc chiết, mạnh mẽ. Nhà thơ hôm nay có tư duy mới: phán đoán, lý trí, nghi ngờ, đặt câu hỏi. Họ cũng thường xuyên lên tiếng từ cái tôi trữ tình của mình, một cái tôi tồn tại như một chủ thể tự do, giải phóng mình khỏi các hoàn cảnh cá nhân, buông mình ra khỏi lịch sử. Trần Lê Sơn Ý cùng với những người khác, trước và sau chị, như Giáng Vân, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Vũ Lập Nhật, Như Quỳnh de Prelle, Phan Huyền Thư, Trần Hạ Vi, là những tiếng nói như thế. Bài thơ của chị có một điểm sáng, như con mắt của hoàng hôn nhìn lại, như ngọn đèn chờ nơi cửa sổ, như sự chiếu sáng vô thức.

Người điên tự do bày tỏ tình yêu

Người tỉnh giấu đi nỗi sợ

Ngôn ngữ sáng sủa, thân mật, dù không mới lắm. Thơ vận động về phía trước bằng cách tạo ra cái lạ. Trần Lê Sơn Ý và các nhà thơ đương đại từ bỏ sự trau chuốt, ngày càng tiến gần tới văn xuôi và ngôn ngữ đời thường; họ ngày càng thu hẹp khoảng cách giữa thơ trữ tình và hiện thực. Cũng có những lúc chị mải mê nói về cuộc đời, về tình yêu, nặng về cái nói mà quên mất cách nói. Thơ có những giây phút chạm tới xúc cảm sâu xa, đi qua những tình huống cực đại, sự phân vân chọn lựa, sự nghi ngờ khắc khoải, chúng bộc lộ một khả năng tưởng tượng giàu có ở chị. Chị nhắc nhở chúng ta rằng mọi thứ đều hệ trọng, cuộc đời đáng sống, mọi hy vọng đều có thể tan vỡ. Việc xác lập cân bằng giữa một đời sống đô thị và thiên nhiên hoang dã, giữa lối mô tả khách quan và những ký ức có tính hoài niệm và tiểu sử, việc cân bằng giữa một giọng thơ trữ tình cá nhân và ý thức về người khác ở Trần Lê Sơn Ý đã được xác lập. Đó cũng là việc nghi ngờ những niềm tin cũ kỹ, những truyền thống bị áp đặt lâu ngày, việc phát hiện những khả năng bất tận của trí tưởng tượng.

Có một điều kỳ lạ khác thường, như tiếng gọi bí mật, sự tìm tới một thứ ánh sáng mới, sự trở lại của những giá trị cao cả, vang lên trong bài thơ của Trần Lê Sơn Ý. Tôi tin rằng tiếng nói thầm lặng này, trong một thời đại khó khăn, đang được lắng nghe.

Vancouver Jan. 2021

 

THƠ TRẦN LÊ SƠN Ý

Đêm đó trước gương

Buổi sớm có một người hốt hoảng…
gọi tôi: Đêm qua anh vừa phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng
Anh đã nằm mơ thấy mình hôn em. Và còn dám mơ em chỉ lặng yên mỉm cười
Người đàn ông vặn vẹo hai bàn tay hồi tưởng
Anh xin lỗi vì không kiểm soát được giấc mơ
Chúng ta cũng có kiểm soát được gì đâu từ lớn lao như nỗi thèm khát, sự si mê, cơn giận dữ
Hay tầm ruồng như ngáp, ợ hơi, xì hơi và cả cơn chán nản…
Nếu có một người cần xin lỗi. Hãy xin lỗi chính anh bởi đã cất công dè xẻn cả giấc mơ của mình
Sau lần bị mắng vì đã không dám mơ cho tới, người đàn ông bỏ đi
Chắc đang tìm cơ hội cho một giấc mơ dài

Đêm đó trước gương – không phải mơ – tôi thấy vú mình hóa thành hai chiếc sừng hươu
Sừng trang trí cho hươu hay để cân bằng với cặp giò nhanh như gió
Vú điểm tô cho đàn bà hay để cân bằng với hạt giống gian xảo, bội bạc, nhẹ dạ được gieo từ a tăng tỳ kiếp
Đêm đó trước gương
Tôi thấy cặp sừng vướng vào cây mà chết
Đợi thợ săn mà chết

Con tôi tình cờ đi ngang qua bản thảo. Nó nghiêm nghị nhìn tôi: mẹ bỏ nghề đi, mẹ viết gì toàn những điều thô bỉ
Cuộc đời trần trụi thế kia mà
Tôi chỉ nhìn vào sự thật
Để được giải phóng


Free – Flow 1

Con gái nhỏ của tôi thầm thì: mẹ mai này lớn lên con sẽ học tiếng Tạng để dịch kinh cho mẹ
Tôi ngay lập tức ném cho nó một kết luận: Ồ con hẳn đến từ Hy mã lạp sơn
Con tôi chia sẻ: Không hiểu sao con thích hoa morning glory ghê – loài hoa mang tên gương mặt buổi sáng
ồ, hay kiếp trước con là người Nhật…
mỗi một điều bất ngờ con mang đến tôi đều không biết con lấy chúng từ đâu – ngoại trừ mang theo từ kiếp trước
Mỗi một lần nhìn nét mẹt trầm trọng của tôi, quả thật mỗi ngày gương mặt tôi đang bẹt ra như cái mẹt phơi đồ của các bà mẹ quê, bọn nhỏ cười vào tôi rồi nói: Con không đến từ kiếp trước đâu mẹ. Chỉ là mẹ đang quá mong đợi con là ai đó
Có thật là tôi đã quá mong đợi
  hay tôi cũng như mọi người chỉ thương khóc khi một điều sắp mất
Như thơ
Có phải không còn chờ đợi nên tôi thờ ơ trước mọi sinh trụ hoại diệt
Thơ ư, biến mất cũng bình thường- như bao điều đang biến mất trên cuộc đời
Có gì mà đau đáu
Thơ cuối cùng là gì?
Một món quà nho nhỏ cầm tay
một cành khô
một bông hoa
cái hạt
một tai bèo
Cớ gì tôi cứ loay hoay ghìm giữ nó?

 

Free-Flow 2

Có những ngày tôi viết như con điên
Thực ra là
tôi không nhớ mình đọc hay nghe từ ai đó ói ra
rằng kẻ tỉnh và người điên chỉ khác nhau một điều duy nhất: Người điên nói hết được những điều anh ta nghĩ (nếu anh ta còn có thể nghĩ). Kẻ tỉnh – nếu thật anh ta đang tỉnh – thì điều tỉnh táo duy nhất cuối cùng là giữ cho mình im lặng đến phát điên.
Điểm khác biệt không phải là duy nhất giữa người điên và người tỉnh là người điên tự do nói, làm, tự do cởi áo…
Người tỉnh được tự do im lặng (thật tình tôi hiếm khi chứng kiến một người điên im lặng)
Mọi lời anh nói ra đều có thể là bằng chứng buộc tội anh trước tòa (tôi đã coi quá nhiều phim Mỹ)
Người điên để suy nghĩ dắt mình đi
Người tỉnh tưởng anh ta đang dẫn dắt suy nghĩ
Người điên không bao giờ nhận mình điên
Người tỉnh luôn chắc mình đang tỉnh (tôi thì tôi không chắc)
Có thật tình yêu là thứ duy nhất giải phóng chúng ta thoát khỏi sức nặng và nỗi đau trong cuộc đời
Hay tình yêu là thứ duy nhất trói chúng ta trong chiếc áo choàng trắng bẩn thỉu của nó
Người điên tự do bày tỏ tình yêu
Người tỉnh giấu đi nỗi sợ
Người tỉnh nhìn đâu cũng thấy đáng ngờ (thỉnh thoảng tôi cũng thấy những kẻ điên ngờ vực, ngờ vực đến hóa điên)
Tôi – anh đến lúc chúng ta cũng cần mật khẩu để bảo mật ngay trong giao tiếp thông thường
Ai biết được ta đang giao tiếp với ai – kẻ điên hay người tỉnh
Tôi biết vẫn còn nhiều điều còn giấu phía sau một người điên
Tôi cũng biết còn nhiều câu chuyện dài mà thời gian thì ngắn
Có lẽ một điều chợt đến trong tôi. Người điên, nếu có một kẻ tỉnh nào đó giao-trao-làm cho-bố thí-tặng hay giáng xuống cuộc đời một bào thai – cô ấy sẽ không bao giờ biết phá – phá thai dường như chỉ là hành động – đặc quyền của những kẻ nghĩ mình đang tỉnh táo
Dẫu sao đã đôi lần trong đời mình tôi thấy, khoảnh khắc bà mẹ điên chạm vào con mình.
Không thể gọi đó là phép màu hay thần dược, bà bỗng trở nên bà mẹ thuần thành –
như bất kì một bà mẹ quốc dân đã khởi sinh từ một cuộc đời tao loạn

Free Flow 3

Mẹ ơi tại sao ngôn ngữ của mình bỗng trở nên kinh khủng như thể mình đang chất chứa rất nhiều thứ trong cuộc đời
Vậy là tôi đang làm thơ trở lại
Sau gần 20 năm?
Không. Đó không phải là thơ – chỉ là tiếng hót
Tiếng hót mang hình hài con chữ
Những con chữ bị ngâm muối nén lại và lên men
Tôi đã dùng một vườn đá tảng lèn chặt cho chúng không còn trôi nổi bồng bềnh
Và vại dưa đơn giản một ngày bục vỡ
Như vết sẹo thứ ba ngoài cùng nên vết mổ bắt con của tôi
Những ả chữ cứ tuần tự vẫy tay chào hỏi cuộc đời
Những ả chữ giòn mặn và nồng men
Tôi không biết hình hài của những lợi khuẩn trong thức ăn lên men
Chỉ thấy chữ lên men lảo đảo và run rẩy
Những con chữ tự tìm đường
Những hạt mầm tự nứt vỡ
Bông hoa tự thò đầu ra khỏi nách lá
Chim non tự khảy vỏ
Âm thanh của một chim họa mi trong lồng một ngày đột ngột vút cao
Cười vào mặt gã chủ: Anh chỉ nhốt được tôi nhưng vô phương nhốt tiếng hót của tôi
Tờ báo sáng này mang một tin choáng váng về loài sinh vật thà chết còn hơn bị bắt
Choáng váng đến mức tôi không thể nhớ nổi tên chúng
Sao khí tiết của chúng làm tôi ám ảnh
Vì sao tôi chọn bị bắt
Có phải đợi chờ ngày hóa thành chiếc bóng – nhìn tiếng hót bay lên

Free Flow 4

Tôi có một bình minh ngồi nhìn mãi những chú chim biển không tên giỡn với nhau như bọn trẻ đang chơi patin trong thành phố
Chúng không bay, không nhảy, không chuyền, chỉ trượt những quãng dài theo cát và sóng
Tôi cũng trượt theo chúng. Có điều khoảng cách giữa chúng tôi không bao giờ hẹp lại. Dù tha thiết đến đâu, lũ chim vẫn luôn vù đi mỗi lần tôi mon men đến. Hẳn chúng nhìn tôi như một kẻ săn mồi quỷ quyệt rình mò.
Tôi đau lòng biết bao nhiêu bình minh
Loài bồ câu hoang thích nghi với phố vì những tòa nhà nơi chúng đậu hao hao những vách đá biển năm nào, chỉ thiếu những cơn sóng trắng.
Loài bồ câu đã dần quen những đợt thóc vàng.
Nỗi nhớ sóng biển thảng hoặc chỉ cồn lên những ngày gió trở
Tôi cũng biết những giống loài không thể thuần hóa… bằng tình yêu
Loài quạ sống trong công viên góc phố vẫn đầu xù tóc rối so với bạn chúng ở quê nhà
Không đơn giản vì vất vả tìm ăn mà còn vì những nỗi stress không tên chúng phải đương đầu
Lũ chuột thành phố – các nhà khoa học cam đoan rằng, mỗi lần tàu đến tàu đi chúng đều hoảng sợ
Âm thanh chưa bao giờ là điều dễ chịu để quen
Những tiếng ồn làm loài sóc không còn có thể lắng nghe nhau
Tôi có một bình minh đứng nhìn mãi một cái thác vô thanh nơi rừng núi
Cái thác oai nghiêm sừng sững giờ chỉ còn có thể nhìn và chạm vào chúng qua hai cánh của lạnh lùng của thang máy. Loài người thậm chí không thèm làm thang lộ thiên
Hai mươi năm thôi. Thuở tôi còn biết đi, chỉ lần theo âm thanh mà tới thác. Hơi nước li ti trên đầu trên mặt. Đứng trước thác, không còn phân biệt nổi đâu là sương, là khói, là hơi nước, là mồ hôi hay nước mắt
Ngày những ngọn núi tiến hóa với cáp giăng ngang dọc
Tôi cũng tiến hóa, đạt một kỷ lục lạ kỳ: leo núi không đẫm mồ hôi mà mướt nước mắt
Còn bao lâu tôi sẽ như loài sóc: mọc đuôi và giao tiếp với nhau bằng những túm lông mịn mềm, vì tiếng ồn đã nuốt chửng mọi thứ
Tôi có một bình minh nằm mãi khi mặt trời trở dậy. Nhìn thấy lưỡi mình ngắn dần rồi mọc ngược vào trong. Không thể thè ra liếm láp một hạt sương, một hạt nắng, thậm chí là một hạt nước trong hốc mắt của người
Tôi biết rồi sẽ đến. Ngày không còn ai giao tiếp với ai. Ngày không còn điều gì để giao tiếp. Ngày không còn giao tiếp. Lưỡi chỉ còn một đặc ân duy nhất, lau khô những giọt nước của chính mình. Bởi bàn tay cũng đã tiến hóa. Hay thoái hóa.
Chẳng còn gì nữa để ôm nhau. Bàn tay chỉ còn là một đoạn chi mềm – vừa đủ một cú quẹt cho smartphone
Có những bình minh tôi không còn trở dậy khi mặt trời trở dậy

Sẻ và Hoàng Yến

Sáng nay, báo chính thống lên tiếng: chim sẻ và chim hoàng yến đang dần dần biến mất
Loài yến đó mà, chúng không thể làm V-log, vì thế mà chúng biến mất
Có vậy thôi.
Loài yến đó mà. Chúng chỉ biết một đời làm tổ. Bằng nước mắt, bằng máu, bằng nước miếng, bằng những tiếng hót thảm thương hạnh phúc
Vì vậy mà chúng biến mất chứ còn sao
Ai lại chỉ biết nuôi con và xây tổ?
Loài yến mà tôi nhớ là một loài chim sống động, vừa hót vừa bay trong mưa chấp chới
Thuở tôi cũng chấp chới trong mưa tìm quán kem Brodard trên đường Ngô Đức Kế
Rồi cũng bắt chước yến nấp dưới mái hiên bên hông nhà hát lớn. Yến thì ríu rít chuyện trò. Tôi thì liếm láp mãi một que kem
Cả hai ta đều bận bịu với câu chuyện của riêng mình
Và hai mươi năm đi qua
Ta bận bịu biến mất
Cuộc sống vẫn mù tăm
Người bán hàng online, kẻ bận bịu order, người tối nùi giao nhận, người sáng rực vòng vàng, người tăm tiếng vang vang, người im lìm bất tận…
Ai hay sẻ và hoàng yến đang biến mất.

 

 

Bao nhiêu là đủ?

 

Bao nhiêu là đủ cho một khu vườn?

Đôi khi chỉ một cành cây. Một cành khô. Thậm chí là một viên cuội nhỏ

Bao nhiêu là đủ cho một khu rừng?

Một tia chớp ngang. Một đốm thuốc tàn. Một mồi lửa nhỏ

Bao nhiêu là đủ cho một khu biển?

1234567890 dự án, 987654321 hồ sơ và cộng cả hai những thư thỉnh nguyện

Hay chỉ cần một cánh chim lướt trên đầu sóng

Một con rùa mù

Một mảnh sứa trong

Một tinh thể muối?

 

Bao nhiêu là đủ cho một đại dương người?

Một cơn bão lũ

Một trận dịch càn

Một con virus

Một manh chiếu mòn

Hay một bàn tay chắp

Thắp lên những bông sen và những ngọn đèn?

 

 

 

Đu Trend

 

Chào em, anh đứng đây từ chiều (*)

Chào em, anh đứng đây từ sáng

Rồi chào anh, em đứng đây từ hôm qua

Chào anh, em đứng đây từ kiếp trước

Hot trend tình yêu ngập tràn facebook

Mỗi một status là mỗi một lần thời gian (không gian) bị đẩy lùi.

Những vui đùa, bỡn cợt, hoan ca trùm trên đầu chiếc mũ đen sáng tạo

Tôi đu theo trend: “chào anh, em đứng đây từ vô lượng kiếp”

Phút nhấp vào chữ “đăng” trên màn hình phải, tôi biết mình ở lại vô lượng kiếp

Bất động vô lượng kiếp

Vô tri vô lượng kiếp

!!!!

Chào anh!

 

(*): Câu tán gái của một youtuber trong một clip giải trí, được cộng đồng mạng ưa thích, gây bão trên mạng xã hội đầu năm 2020.

 

 

 

 

Rap thơ

 

(Viết ghẹo và cảm ơn tác giả Anh đếch cần gì nhiều ngoài em)

 

Xưa có một chú mèo

chú ngồi một mình chú hát.

Anh chẳng cần gì nhiều ngoài em…chuột ̣!

Ừ nhỉ chú mèo nhỏ, không sinh ra thời tao loạn

Mèo sinh thời đô thị tao nhã với đầy đủ:

Patê, snack, bánh quy giòn cùng bao đồ chơi đồ ăn sẵn

hàng chính hãng, hàng xách tay, hàng chất lượng cao,

cửa hàng tiện dụng, cửa hàng thú cưng, shoping online…các thể loại

Đồ ăn và đồ chơi và đồ ngủ

Chú mèo con ừ nhỉ, không sinh ra trong thời ở đợ, nên ngạc nhiên trước miếng mỡ

Thậm chí chú không được phép ăn mỡ, ngại béo phì

Sách báo và Internet- còn cung cấp cả một núi các thông tin về cách làm đồ ăn vặt cho mèo cơ!

Tất nhiên chú mèo không biết, sinh vật nhớp nháp kia là gì!

Kẻ suốt ngày liếm láp làm sao hiểu nổi kẻ suốt đời kiếm chác.

Chú chỉ ngạc nhiên trước cái gì nhúc nhích trước tầm vuốt

Chú mèo con, ừ nhỉ, không sinh trong thời tao loạn, nên chễm chệ và khệ nệ

Chủ chú mèo, à không, nô tài của chú, cũng không sinh thời tao loạn

thuở thậm chí sinh linh lòng lành, người anh em thiện lành, như thằn lằn cũng bị tóm để…làm sinh động cho bữa trưa chỉ trắng màu muối hẩm màu cơm.

Nên kẻ nô tài phẫn nộ khi bắt gặp chủ mình  rau ráu nhai: “Anh chẳng cần gì nhiều ngoài em”.

Kẻ nô tài u uất: Tao có để mày thiếu thốn gì đâu, nỡ nào mày đi ăn chuột.

Thì ra chú mèo không biết.

Kẻ nô tài cũng không

Chỉ một ả chuột thôi là đủ

Để chú kiếm tìm trong sinh tử

Chỉ một ả chuột thôi là đủ

Đủ trôi lăn trong biển động luân hồi

Một ả chuột thôi!

 

Viết cho ngày giỗ nội

 

Và nước đã liếm sạch chút màu nâu cuối cùng của đất.

Cánh đồng chớp mắt hoá dòng sông

trắng rát.

Lơ thơ bờ bãi một vết cỏ xanh như tóc trên đầu những bé con cù bấc cù bơ,

 ba mẹ mãi làm lụng để mặc con quả đầu chiếu liếm

Mùa đã đông

 

Và cát,

không còn đủ để phủ sạch cả một dòng sông mùa hè thời chưa tận hiến

Sông Côn bãi bồi, sông Côn hùng tráng

Giờ bi ai một sợi tóc chiều, một cọng lông mày bạc, ai vừa dụi mắt

 

Chỉ còn đàn cò lẩn thẩn

Già như mùa đông

Già đến mức quên cả nỗi nhớ

Lẩm cẩm đến nhớ cả nỗi quên

Nhầm mãi dòng sông với cánh đồng và con tép bạc

Không biết vục vào đâu?

Bèn ngẩng mặt mổ vu vơ lên trời

Không biết bên kia đại dương

Hay bên này cao nguyên Tây Tạng

Hay đâu đó hư không

Hiệu ứng cánh cò,

À không hiệu ứng một tiếng cò

Run rẩy

 

 

Lại Free- flow vào đêm không ngủ,

 

Đêm không ngủ, tôi còn biết làm gì ngoài

Thức. Viết. Nhớ

Để quên

Đêm không ngủ tôi biết làm gì

Ngồi. Nhìn. Nghe

Để nhớ

Tiếng con nít khóc hờ hờ

Trung niên cười hềnh hệch

Người già lầm bầm điều chi không rõ

Chỉ nghe thấy con chó dưới sân nhà rên rỉ

Gã hàng xóm say chửi những lời gì tôi nghe hoài không hiểu.

Hôm sau mới vỡ ra anh ta là người xứ khác

Đêm không ngủ bỗng dưng nhớ một chiều ngập nước

Có gã tỉnh – bơ rồ ga làm nước bắn như mưa

Người đi đường không hẹn mà hò nhau vung tiếng chửi

Lạ thay

Họ chửi gã ta bằng hai chữ fuck you

Những người dắt xe chết máy đi trong nước bảo nhau: phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Ôi rõ là mình lẩm cẩm

Đời có bao nhiêu điều tốt đẹp sao lại nhớ chi câu chửi bằng tiếng nước ngoài

Chỉ vậy thôi mà… lại mất toi rồi một đêm không ngủ

 

   

Đọc Trần Vàng Sao giữa đêm tịch mịch

 

Đêm không ngủ đọc Trần Vàng Sao

Mỉa mai ghê, bao nhiêu năm nay cứ nghĩ mình lận đận

Ba mươi sáu năm trước, một người tuổi Tỵ cũng 43 thấy “buổi chiều không có một con chim đậu trên cây”

Tôi vẫn thấy chim trời bay ngang cửa

Người tuổi Tỵ 36 năm trước “không biết làm gì hết” bèn “bỏ hai chân ra khỏi dép cho mát”

 “Một hai ba giờ sáng ngồi vác mặt ngó lên trời nghe tiếng chó sủa”

Người 43 tuổi tỵ bây giờ – năm 2020 ngồi dựa cửa, không có tiếng chó, chỉ có tiếng con mèo câm lặng, mỗi lần kêu meo meo nó làm thinh đi thẳng, nhưng ngoái lại nhìn mỗi khi tróc chó

Con mèo lẽ nào chỉ biết ngoại ngữ?

Người tuổi Tỵ 43 năm 2020 không có “cây cà cây ớt”,

gia tài là một cái xô, một cây hương thảo và một nhành lan bé tí treo cheo leo đâu đó trên dây máng đồ

Người ta bảo, mất trí nhớ hãy thử ngửi mùi hương thảo, mùi cỏ kia sẽ mang trí nhớ quay về

Người 43 tuổi Tỵ năm 2020 từ đó ngày nào cũng đưa bàn tay vuốt ngang cây hương thảo

Người tuổi Tỵ nhìn qua block nhà bên kia, vẫn còn một ô cửa sáng

Vẫn tiếng trẻ khóc bên rào đau buốt. Lẽ nào là tiếng khóc của 34 năm về trước

Bên này con bé đang ngủ hai chân xếp trong tư thế kiết già

Người tuổi Tỵ cũng 43 phút chốc bỗng thấy mình không biết cuộc đời là giấc mơ hay giấc mơ là cuộc đời

Người tuổi Tỵ năm 2020 biết từ nay mình chỉ còn có thể lắng nghe

 

Comments are closed.