“Tình khúc” của Nguyễn Đức Tùng: một cánh cửa mở?

Trần Hạ Vi

Tôi đã đọc “Tình khúc” của Nguyễn Đức Tùng một vài lần, tôi cũng được nghe một ca khúc từ trích đoạn của “Tình khúc” do nhạc sĩ Kim Quang Minh phổ nhạc, nhưng, chỉ đến khi tôi ngồi nghe trọn vẹn bài “Tình khúc” qua giọng đọc ấm và truyền cảm của nhà giáo Đặng Tiến đăng trong trang Văn Chương 360 thì những cảm xúc trong tôi mới tuôn chảy và bài viết này được thành hình.

“Tình khúc” của Nguyễn Đức Tùng, như tựa đề, là một khúc ca tình yêu. Tôi không định võ đoán đó là những tình cảm thật và ký ức thật của tác giả hay chỉ là những lãng đãng mộng mơ trên bước đường thơ. “Em” không phải là một người cụ thể, “em” gần như chỉ là một khái niệm trong thơ ca. Tôi đọc bài thơ, với tâm thế, khúc ca là trộn lẫn những kỷ niệm, có thật và mộng mơ, và tưởng tượng của tác giả bài thơ, và tôi cũng không có ý định phân rõ hay hiểu thấu những lằn ranh hư thực trong bài.

Tiếp cận với “Tình khúc” từ góc nhìn như thế, sẽ hiểu tại sao “em” thoắt là một người vợ, chăm lo tảo tần miếng ăn giấc ngủ (có khi em là vợ anh/ngày mưa tháng nắng tảo tần), lại vừa là một tình nhân “dịu dàng buông lơi mái tóc”. Nhân vật trữ tình không giấu cái đa tình của mình, một lần đi qua vườn ổi, “bàn tay nhớ cả hai người”, theo tôi, là một câu thơ hay. Hay, vì nó thẳng thắn, thừa nhận sự đa tình của mình, không phải một mối tình biển hẹn non thề chung thân kết tóc, mà là những tình cảm lãng mạn, đã đi qua, đã không còn. “Một người mưa bay tầm tã”, hay khóc, sướt mướt, một người lãng mạn bay bổng “một người bay tựa tơ hồng”, câu thơ giàu hình ảnh, đẹp. “Một người dễ tính hay cười”, “một người khó khăn quá đỗi”. Em là ai, em là tất cả những người đó, hay “em” là một phức thể của những biểu hiện khác nhau của cùng một con người. Tất cả đều có thể đúng. Chỉ có một điều chắc chắn, “em” vẫn luôn chiếm một phần dấu yêu trong tâm hồn nhân vật trữ tình của chúng ta, người đã hát lên bản tình khúc du dương này trong im lặng “chỉ cần anh về nhắm mắt/trong vườn ngồi im thật lâu”. Bài tình ca hay nhất là bài tình ca cứ mãi vọng về, ngân vang trong tâm trí.

Thể thơ sáu chữ, mênh mang, tâm tình, như những lời thủ thỉ thầm thì, tâm sự nhẹ nhàng. Tôi vẫn nghĩ thể thơ năm chữ mạnh mẽ và dứt khoát, bảy chữ thì trầm mặc và cổ điển hơn. Nguyễn Đức Tùng thường dùng thể thơ sáu chữ khi nói chuyện tâm tình. “Tình khúc” không gieo vần chuẩn, khi vần liền kề, khi vần cách câu, và nhiều khi đứt đoạn, không vần, gần như là một dụng ý của tác giả trong cái tự nhiên liền lạc và đứt đoạn của một miền tâm tưởng miên man không dứt. Những ký ức về “em”, hư trộn thực, rời rạc, lan man, không quay chậm theo diễn tiến thời gian của một cuộc tình nào mà đi theo diễn biến nội tâm, trí nhớ và cảm xúc hòa quyện. Tưởng chừng như không logic mà lại rất logic, vì trí nhớ và hồi tưởng có khi nào đi theo một đường thẳng. Đôi khi, ta riết róng lòng nhớ chỉ một chi tiết nhỏ trên khuôn mặt người tình “buồn mà môi đỏ như son”, có khi là chiếc khăn của người tình “chiếc khăn san rơi bí mật”. Từ “bí mật” được dùng hai lần trong bài thơ (“bên cửa, một lần bí mật”), có lẽ những gì che giấu là những gì hấp dẫn nhất, những lần dò đoán định phân vân hồi hộp, thường khi, là những ký ức tươi đẹp nhất của tình yêu.

Tình yêu có những ngọt ngào hẹn hò “có khi em chờ anh tới/mừng vui khấp khởi bàng hoàng”, ba cụm từ thể hiện những trạng thái tâm cảnh khác nhau, đứng cạnh nhau lại vô cùng hợp lý, làm sáng lên câu thơ, sáng lên ánh mắt của người con gái mong chờ người yêu. Nhưng tình yêu cũng là những thất vọng triền miên của chàng trai “có khi thản nhiên lỗi hẹn/hết mùa thu vẫn không sang”. Ý “lỗi hẹn” được lặp lại một lần nữa “thế mà bỏ hẹn như không/chiếc khăn san rơi bí mật”. Có lẽ, đến giờ, anh vẫn còn chưa hiểu được tại sao “em” ngày ấy lại không đến, lỗi tại anh, hay lỗi tại trời mưa, hay do ngăn cấm của một ai đó, em đã nghĩ gì, sẽ vẫn mãi mãi là bí mật đối với anh.

Tình yêu, nam nữ, có những hấp dẫn về mặt cảm xúc, mặt tinh thần “nụ hôn nào trên mái tóc”, nhưng tất nhiên, cũng có nhiều hấp dẫn thể xác. Đàn ông nói chung, theo nhiều thống kê, nghĩ nhiều đến sex hơn đàn bà rất nhiều lần, nên những rung động về xác thịt, tất nhiên, để lại những vết khắc sâu trong lòng nhân vật trữ tình của chúng ta. “Nụ hôn nào trên quần lót/nụ hôn nào rãnh ngực sâu”, “chiều ta, cởi khuy áo ngực/chiều ta, để ta cầm tay”. Để rồi thất vọng, “rồi trở về nhà lấy chồng”. Để rồi ao ước “anh muốn sống thêm lần nữa/cuộc đời chỉ có em thôi”. Để rồi hư thực đan xen như mơ mà lại như thật “một người đến giữa giấc mơ/mà không phải là giấc mơ”. Dẫu là anh biết, tất cả, bây giờ, chỉ còn là ký ức mà thôi “muối ớt xưa là cát bụi”. Câu thơ này trong bài là một câu thơ lạ, một câu thơ “chen vào”. Vì giữa ngàn trùng nhớ mong về những hình ảnh, những ký ức, lại chen vào chuyện ăn uống. Phải chăng nếm tình yêu mặn và cay như ớt. Phải chăng, là do trí nhớ và hồi ức con người không tuân theo một lập trình nào. Tình yêu cũng thế. Có men ngọt, có cay đắng, có bí mật, có thể xác, có tâm hồn, có nhung nhớ, có đau khổ, có cả “muối ớt”, và tất cả trộn lẫn với nhau.

Nhân vật trữ tình nhớ “em”, miên man phiêu lạc trong “miền em”, nhưng dường như những ký ức ấy đã được gột rửa tách bớt một lần cảm xúc bằng những lời thơ điềm tĩnh. Tâm thế không đau xót, không trách móc, tâm thế của một người kiềm chế tình cảm ở một góc sâu trong lòng mình, không dễ dàng thể hiện. “Nhưng anh chỉ là cánh cửa”. Câu thơ này có thể hiểu hai nghĩa: tình yêu của anh đóng kín sau cánh cửa, vì vậy những lời nói về em đều được đè nén lọc đi một phần cảm xúc. “Anh” trốn sau cánh cửa đó. Nghĩa thứ hai, tình yêu của anh chỉ như một cánh cửa nhỏ bé để mở vào căn nhà rộng lớn của tình em, anh chỉ là những vòng sóng tan dưới bàn chân em “có khi tan như vòng sóng”. Nghĩa nào cũng có thể là đúng, và thậm chí, là không đúng, với nhân vật trữ tình này. Trong ký ức của anh, hay trong mong mỏi của anh, anh có thể là chồng em “có khi như một người chồng”, nhưng anh cũng có thể là anh chàng thất tình vẫn thầm mơ người ta nhớ đến mình “tình xưa giấu vào gương lược/xoay người hạt lệ mênh mông”. Hạt lệ mênh mông đó, “anh” có thực sự thấy hay không, vì nàng đã xoay người, hay, chỉ là, anh tưởng tượng ra, vì lòng nắm níu chưa nỡ rời xa một tình yêu không kết quả.

“Anh”, giọng thơ bàng bạc của một người từng trải, chấp nhận trong tỉnh thức, và chấp nhận trong tiềm thức, những rung cảm, ngọt ngào, đau khổ, thất vọng đó. Trân trọng và giữ lại những kỷ niệm, cảm xúc đó cho riêng mình. Đôi khi cứ tưởng như quên lãng, nhưng vẫn trở về trong từng giấc mơ anh “đò xưa bến cũ chiêm bao/nhớ người rưng rưng mấy bậc”. Bài thơ có hai từ “giấc mơ”, một từ “chiêm bao”. Kỷ niệm của anh, mơ mộng của anh, mong mỏi của anh, trộn lẫn vào nhau, thực thực mộng mộng. Bao nhiêu dòng thơ là thực, và bao nhiêu dòng thơ là mộng, có lẽ, đôi khi, “anh” cũng không biết.

Tìm về “em”, đôi khi, là một sự nuối tiếc “muốn tặng mà không hái được/cho nhau một nhánh la đà”, đôi khi, là sự nghiền ngẫm suy tưởng sâu xa “lầm tưởng khi đang hạnh phúc/là khi không còn khổ đau”, đôi khi, là sự khắc khoải “nửa còn nửa mất người thương”. Anh tìm “em”, tìm về kho tài sản tinh thần, những ký ức cảm xúc mà anh có được, gìn giữ và trân trọng. Để được sống trong vùng ký ức, vùng tưởng tượng đó, để được thả hồn lãng mạn, mơ mông yêu thương trong những rung cảm miên viễn, những phút mềm yếu dịu dàng, những miền tan chảy mông lung.

Đoạn cuối bài thơ là một đoạn thơ hay: “bàn tay cầm chén khổ đau/vụng về một ngày xây xát/ngang mày dưới trăng mời nhau/thấy em mỉm cười bước tới”. “Khổ đau”, có phải là khổ đau vì tình yêu, không hẳn, chưa hẳn thế, tôi nghĩ chữ “khổ đau” này ý nghĩa chung hơn, tình yêu, cuộc đời, gia đình, sự nghiệp, sức khỏe, rất nhiều điều trong đời, nhiều thời khắc trong đời có thể khiến ta đau khổ. “Vụng về một ngày xây xát” là một câu thơ tự nhiên, nhưng dùng hai từ láy rất hay. Cọ xát với đời, thương tích, đổ vỡ, vụng về, bối rối, ngày tàn. “Ngang mày dưới trăng mời nhau”. Nâng chén. Mời ai? Mời bạn, mời mình, hay mời trăng? “Cử bôi yêu minh nguyệt/đối ảnh thành tam nhân”, ngày xưa, Lý Bạch với “Nguyệt hạ độc chước kỳ” tự phân mình làm hai, ta và bóng, mời thêm trăng cạn chén nữa là thành ba người. Không cô đơn mà vẫn rất cô đơn. Bây giờ, ngoài trăng, ngoài bóng, Nguyễn Đức Tùng còn có “em” nữa “thấy em mỉm cười bước tới”. “Em”, ngây thơ, say mê, đắm đuối, hay thậm chí chua cay, lạnh lùng, hờ hững, phụ bạc… vẫn mãi mãi đẹp. Câu thơ cuối cùng, giữa “khổ đau” và “xây xát”, là một câu thơ thoắt đẹp lung linh. Em “mỉm cười bước tới” cùng anh. Sự tồn tại của “em”, của tình yêu, trong đời, sẽ xoa dịu những “xây xát khổ đau”, những cô đơn mòn mỏi của anh, nụ cười của em như mặt trời xóa tan bóng đêm ảo não đời anh, dịu dàng quấn anh trong một niềm hạnh phúc mơ mộng ngọt ngào tan chảy. Vĩnh viễn, có em. Vĩnh viễn, anh mang tình yêu theo. Như một hành trang không thể thiếu. Trong đời. Trong tim.

Thơ Nguyễn Đức Tùng, thường có những cái kết hay và lạ, dẫu cho, anh bẻ ngoặt sự vật, sự việc theo một hướng hoàn toàn khác, hay để cho người đọc rơi vào một vùng mơ hồ mông lung. Bài thơ này, kết thúc như một định đề, một chân lý, dẫu lời thơ bâng quơ, nhẹ hẫng. Thơ Nguyễn Đức Tùng, thường tỉnh, gói gọn, dồn nén cảm xúc. Có lẽ, vì cái tỉnh này, mà thơ Nguyễn Đức Tùng đôi khi bị phê bình là “hơi khô”, “thiếu ướt át”, “thiếu tình cảm”. Thật ra, theo tôi nghĩ, bên ngoài tỉnh táo để giấu cái tình thật sâu, mênh mông, lắng đọng bên trong, của một người lãng mạn mơ mộng, nhưng luôn kềm chế tình cảm bản thân, có thể, vì thói quen, có thể, vì những hình mẫu giáo dục từ bé, có thể, vì nghĩ rằng “đàn ông” phải là như thế.

“Tình khúc” khá dài, có thể bạn đọc sẽ nghĩ bài thơ hơi lan man, đôi khi, có ý lặp lại. Đối với tôi, đây là một khúc ca du dương tâm cảm, một cuộc lan man thi vị trong vùng ký ức ảo mờ thực quyện với mộng xưa quyện với nay không có lằn ranh phân định rạch ròi của một người đàn ông đa tình, nồng nàn với tình, sống chết với tình, kềm chế với tình bao nhiêu thì cũng khao khát với tình bấy nhiêu. Vùng ký ức trìu mến thân thương về “em” vừa mơ hồ vừa chân xác, hiện hữu như một thực thể, sống cạnh bên “anh”, ngày ngày an ủi yêu thương tâm hồn “anh”. Và, hôm nay, “anh” mở cánh cửa đó, cho tôi, cho bạn nhìn vào một phần bên trong mà thôi. “Tình khúc”, cánh cửa mở vào tâm hồn nhân vật trữ tình của bài thơ, hay, tôi trộm nghĩ, phải chăng là, tất cả đàn ông?

16.01.2020

TÌNH KHÚC
Có khi em là vợ anh
Ngày mưa tháng nắng tảo tần
Có khi em là tình nhân
Dịu dàng buông lơi mái tóc

Nhiều đêm ngọn đèn khuya khoắt
Hai năm đóng cửa bặt tin
Một hôm cuống quít đi tìm
Vội vàng chân không chạm đất

Có khi em là cỏ biếc
Bình minh mờ mờ hơi sương
Có khi quay cuồng bão táp
Tung bao xác lá trên đường

Có khi em chờ anh tới
Mừng vui khấp khởi bàng hoàng
Có khi thản nhiên lỗi hẹn
Hết mùa thu vẫn không sang

Lầm tưởng khi đang hạnh phúc
Là khi không còn khổ đau
Buổi chiều sương như muối đổ
Tìm em em trốn nơi nào

Ngày mai anh sẽ đi xa
Ngày mai hoa nở cuối vườn
Nửa trắng nửa hồng chờ đợi
Nửa còn nửa mất người thương

Tình yêu em là căn nhà
Nhưng anh chỉ là cánh cửa
Chờ ai không nói nửa lời
Suốt ngày chỉ nhăn với nhó

Anh muốn sống thêm lần nữa
Cuộc đời chỉ có em thôi
Có khi như một người chồng
Có khi tan như vòng sóng

Một người đến giữa giấc mơ
Mà không phải là giấc mơ
Bên cửa, một lần bí mật
Chiều ta, cởi khuy áo ngực

Chiều ta, để ta cầm tay
Rồi trở về nhà lấy chồng
Tình xưa giấu vào gương lược
Xoay người hạt lệ mênh mông

Đôi khi như là trẻ con
Buồn mà môi đỏ như son
Soi gương thấy còn đẹp tuyệt
Tự thương thân mình chỉ khóc

Lúc nào cũng cười như hoa
Cả khi cõi lòng lặng ngắt
Muốn tặng mà không hái được
Cho nhau một nhánh la đà

Đôi khi đi qua vườn ổi
Muối ớt xưa là cát bụi
Bàn tay nhớ cả hai người
Một người khó khăn quá đỗi

Một người dễ tính hay cười
Cả hai bây giờ xa xôi
Chỉ cần anh về nhắm mắt
Trong vườn ngồi im thật lâu

Một người mưa rơi tầm tã
Một người bay tựa tơ hồng
Thế mà bỏ hẹn như không
Chiếc khăn san rơi bí mật

Nụ hôn nào trên mái tóc
Nụ hôn nào trên quần lót
Nụ hôn nào rãnh ngực sâu
Sáng mãi một tình yêu đầu

Đôi khi như mình nợ nhau
Đôi khi chẳng hề quen biết
Đò xưa bến cũ chiêm bao
Nhớ người rưng rưng mấy bậc

Bàn tay cầm chén khổ đau
Vụng về một ngày xây xát
Ngang mày dưới trăng mời nhau
Thấy em mỉm cười bước tới.

Nguyễn Đức Tùng

Comments are closed.