Văn học Việt Nam sợ gì?

Inrasara

 

“Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ”, Nguyễn Minh Châu đã đã nhắc lại lời than của Nguyễn Tuân như thế, trên báo Văn nghệ, ngày 5-12-1987.

1. Việt Nam thiếu truyền thống triết học, là điều miễn bàn. Nhưng nói văn chương Việt Nam hôm nay không bám hiện thực cuộc sống có liên quan mật thiết với sự thiếu khuyết ấy, thì chắc chắn sẽ bị phản đối. Vậy mà lạ thay, đó là sự thật.

Văn chương không bám hiện thực, câu hỏi thiết yếu phải được đặt ra là: Hiện thực là hiện thực nào? Hiện thực của trường phái hiện thực phê phán hay của trào lưu lãng mạn? Của hiện thực xã hội chủ nghĩa hay của trường siêu thực? Của hiện đại hay của hậu hiện đại? Sau Freud, ai dám cho rằng các giấc mơ đầy cảnh tượng quái dị không là “hiện thực”? Hoặc họa phẩm với những nét chằng chịt như sợi dây thần kinh của Paul Klee thì kém hiện thực hơn các bức tranh chân dung của họa sĩ thời Phục hưng? Mỗi trường phái triết học, mỗi trào lưu văn học nghệ thuật hiến tặng cho nhân loại cách nhìn mới, khác về hiện thực. Chúng làm phong phú đời sống tinh thần con người. Vấn đề là ta hành xử thế nào với các “phương tiện thiện xảo” đó?

2. Văn học Việt Nam không bám hiện thực cuộc sống. – Đúng. Thiếu nền tảng triết học, ta không biết cách suy tư sâu thẳm về hiện thực, không dám đi những bước khai phá để nhìn hiện thực nhiều chiều, khác chiều. Nhà văn chưa được trang bị kĩ năng quan sát hiện thực đa góc cạnh, hiện thực ở bề tối, nơi góc khuất, để có thể phân tích và mổ xẻ chúng tới nơi tới chốn. Không đẩy vấn đề tới cùng, từ đó ta thành nửa vời. Dẫu không có ý né tránh, bởi mơ hồ và đại khái, ta cũng thành né tránh.

“Suốt đời tôi không làm gì hơn là đẩy cho đến cùng, cái mà quý vị chỉ dám làm có một nửa…” – Dostoievski nói thế. Và ông đã đẩy suy tư tới cùng, phân tích tới cùng tâm lí chiều sâu của nhân vật đủ dạng, qua đó cho ra đời hàng loạt kiệt tác mang tính khai phá lớn, tạo ảnh hưởng sâu rộng đến văn học và tư tưởng thế giới. Còn ở ta, muôn năm nửa vời. Tiếp nhận trào lưu lãng mạn, nửa đường đứt gánh, thì đã rồi. Sáng tác hiện thực, Balzac đẩy ý tưởng đến cùng để dựng nên Tấn trò đời khổng lồ, còn ta thì nửa vời để rồi chẳng tới đâu. Chủ nghĩa hiện đại, ở ngoài kia thiên hạ làm nên bao nhiêu tác phẩm sáng giá, ta thì nhập nhằng hiện đại với lãng mạn hậu thời. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, nửa vời – ta thành “hiện thực phải đạo” cho ra lò bao nhiêu thứ phẩm, để chính người đẻ ra chúng cũng phủi tay chối bỏ chúng.

Viết về sex, văn học Việt Nam vẫn không thể sở hữu khuôn mặt mạnh bạo, sâu thẳm và cao vời như Henry Miller. Chưa được trang bị tri thức triết học, ta không học cách truy vấn tận cùng sự thể. Ta nhìn hiện thực theo cảm tính, quán tính. Tất cả đều diễn ra trên lối mòn quen thuộc.

3. Né tránh hiện thực còn có nguyên do từ truyền thống văn hóa

Truyền thống húy kị ăn sâu vào tiềm thức khó gột rửa hình thành nên tâm lí cộng đồng tôn trọng tôn ti trật tự, biết kính trên nhường dưới. Nhất là ở lĩnh vực văn chương, là nơi chốn rất ít cần đến nó. Cây bút trẻ, mới biết kính trọng nhà văn lão thành, “khiêm tốn” núp bóng các tên tuổi đàn anh đàn chị. Hơn mươi năm qua, cụm từ ưa dùng nhất trong giới phê bình là: nhà thơ trẻ, nhà văn trẻ. Đó là điều lạ, bởi họ trẻ cho đến tận tuổi tứ thập vẫn còn bị kêu là… trẻ. Cho nên, ở đó rất hiếm cơ may xảy ra cách mạng văn học, cuộc cách mạng khả tính thay đổi lối nghĩ, lối viết, lối đọc.

Nữa, né tránh cái nhìn khác chiều, dẫn đến tính tập thể cao trong sáng tác văn chương. Khác với nền dân chủ Tây phương, truyền thống xã hội Việt Nam về cơ bản thiết định trên tính cố kết gia đình và cộng đồng thay vì tình liên đới giữa các cá nhân độc lập; ở đó ưu tiên bảo vệ nề nếp gia phong hay ổn định cộng đồng thay vì đảm bảo quyền lợi cá nhân như là thành tố độc đáo làm nên tập thể nhỏ, lớn đó. Không có gì dở cả. Thế nhưng, văn học là hoạt động sáng tạo độc lập, vận hành trong thiết chế truyền thống kia, nền văn học đó đã chịu bao thiệt thòi. Tài năng cá nhân với những suy nghĩ và hành xử cá biệt luôn bị dị nghị.

4. Nhà văn Việt Nam sợ gì?

Giới sáng tác sợ hiện thực chính trị xã hội nóng, đầy nhạy cảm; các nhà phê bình thì sợ hiện thực đời sống văn chương ngoại vi, phi chính thống. Từ Đổi mới, nhiều trào lưu văn học xuất hiện, trong khi đó nhìn tổng thể, phê bình vẫn cứ né tránh sự kiện hay tác phẩm văn học mới lạ cùng mấy sự kiện/ sự cố văn học đang thu hút bộ phận lớn độc giả. Các sáng tác thuộc trào lưu tân hình thức và hậu hiện đại, thơ nữ quyền hay văn chương mạng hoặc thơ trình diễn luôn bị né tránh… Tại sao? Cả ở đây nữa, hoặc ta sợ đối mặt với cái mới lạ, hoặc ta rơi vào thế kẹt của nỗi nhạy cảm vừa lộ thiên vừa rất trừu tượng.

Cuối cùng cả hai: giới sáng tác lẫn nhà phê bình sợ kiểm duyệt. Sợ kiểm duyệt, cho nên để tác phẩm được in, ta quay lại tự kiểm duyệt. Thế là ngay trong sâu thẳm nhà văn nảy ra tư tưởng thỏa hiệp. Tự thỏa hiệp và tự kiểm duyệt theo nghĩa rộng nhất của từ này. Tự kiểm duyệt trước cả bị kiểm duyệt.

Nhà văn ta viết cho độc giả hôm nay, thế hệ hôm nay; còn nếu có nhìn xa, rộng hơn xíu thì ta cũng chỉ kiếm tìm người đón nhận ở thì tương lai gần, rất gần. Ta không dám làm mất lòng với xung quanh. Viết – ta ngó trước nhìn sau, và ta tự thỏa hiệp. Sau bao nhiêu năm đóng cửa, ta chờ “cởi trói”, thế mà khi được cởi, thì ta lại tự trói: tai hại ngàn lần hơn bị trói. Bởi chính ta đã tự tay ném bỏ sự tự do tối thượng của kẻ sáng tạo.

Run sợ làm kẻ độc hành trên con đường cô đơn của sáng tạo, nhà văn không dám sống tới cùng tư tưởng chọn lựa, không dám viết tới cùng, và nhất là không dám theo đuổi đến cùng dự án lớn lao không giống ai của mình [nếu nhà văn đã nghĩ ra được và hoạch định trước đó]. Không dám sống, viết, theo đuổi [dự án] tới cùng, thì làm gì có sáng tạo?

5. Chuẩn bị cho buổi nói chuyện ở Salon Cà phê Văn học tháng 9-2014: “Hiện thực đời sống và văn học Việt Nam đương đại”, tôi đã ướm thử hơn mươi nhà văn thuyết trình về chủ đề này, có đến 90% nhà thoái thác, đùn đẩy và, từ chối. Chỉ có mỗi Dạ Ngân nhận. Tại sao?

Nhà văn Việt Nam ít đọc nhau, càng ít đọc nhau có hệ thống nên ít ai nắm được toàn cảnh văn học đương đại nước nhà, nói e bị hố; nhà văn Việt Nam thiếu lí thuyết, thế nên hiếm khi hệ thống được vấn đề đang bàn, thuyết sẽ rất lúng túng; nhà văn Việt Nam không được đào tạo/ không quen đứng trước công chúng, sanh tâm lí e ngại; nữa, nhiều nhà văn Việt Nam không “thích” truyền đạt ý tưởng của mình bằng thuyết lí [trước công chúng], là nguyên do rất đáng kể. Chúng ta ưa nói: “tôi muốn lên tiếng bằng chính tác phẩm của tôi hơn”! Cuối cùng, nhà văn Việt Nam sợ đối mặt với vấn đề hóc búa, ở đó không thể tránh phải đối mặt với các câu hỏi “nhạy cảm”.

*

Nhưng liệu nhà văn còn có thể tránh né hiện thực mãi không? Câu trả lời là: không! Làm nhà văn có nghĩa là bị đẩy xuống tàu. Mỗi hành vi công bố tác phẩm là một hành động, và hành động này đặt mình vào sự cuồng nộ của một thời đại không tha thứ (Créer aujourd’hui, c’est créer dangereusement. Toute publication est un acte et cet acte expose aux passions d’un siècle qui ne pardonne rien – Albert Camus, “L’Artiste et son Temps”). Hiện thực phổ quát, kèm với nó là sự thống khổ của đám đông có mặt khắp nơi, ở sát cạnh nhà bạn, ngay giữa lòng tập thể nhỏ bé tưởng yên ấm của bạn. Thống khổ và bất công lồ lộ được phương tiện thông tin đủ loại đẩy vào tận phòng ăn, giường ngủ bạn, ám ảnh giấc mơ bạn. Đám đông ấy không để yên cho sự im lặng của bạn, khi im lặng đó bị coi như một thái độ. Họ càng không tha thứ cho tiếng nói của bạn, nếu đó chỉ là tiếng nói lưỡng lự, nửa vời.

Chúng ta từng nói về sứ mạng cao cả của nhà văn, cái sứ mạng đã hao hụt gần hết từ hơn thế kỉ qua, bởi người viết văn, làm thơ không còn là tiếng nói trí thức có sức nặng trong xã hội nữa, thế nhưng ngay cả mảnh sứ mạng còn sót lại kia cũng đang bị đánh mất.

Bởi chính nhà văn, chứ không phải ai khác.

Comments are closed.