Vạn sắc hư vô – Một sắc tài tình

Đinh Thanh Huyền

image

Tôi gặp Vạn sắc hư vô của Nguyễn Khắc Ngân Vi một cách tình cờ. Nhưng trước đó đã xảy ra một chuyện liên quan đến tác giả này. Trên trang của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng có giới thiệu truyện ngắn Đầu hàng của Nguyễn Khắc Ngân Vi. Một số nhà văn gạo cội lên tiếng khá nặng nề. Họ nói “kinh” thứ văn chương “chỉ quanh quẩn mấy phòng trà, cà phê, phòng ngủ… để bàn chuyện ngoại tình với… kinh nguyệt”. Có người gọi truyện ngắn đó là “rác” (có lẽ mượn chính ý của Ngân Vi “Tác phẩm hoặc là kiệt tác hoặc là rác”).

Đã qua rồi cái thời mọi phạm vi trong đời sống văn học đều có những tiếng nói thẩm quyền, có những dòng chủ lưu. Giờ đây, văn chương là một đại dương mà mọi dòng chảy, mọi con sóng, mọi loài sinh vật trong đó đều có thẩm quyền như nhau. Người đọc cũng thay đổi, khen hoặc chê một tác phẩm là việc cá nhân, không mang tính đại diện. Đó hiển nhiên là một cuộc cắt đứt trong văn học đương đại. Với tôi, Vạn sắc hư vô không phải là kiệt tác nhưng chắc chắn là một thế giới mới mẻ tươi tắn đem lại sinh khí cho môi trường văn học ì ạch cùn mòn không lối thoát hôm nay.

Nhân vật của Vạn sắc hư vô không đi tìm cái tôi. Họ biết mình là ai. Họ chỉ không biết cách để cái tôi được sống hạnh phúc. Họ loay hoay tìm cách “nhúng” cái tôi của mình vào một hệ thống những quan hệ. Nhưng dường như luôn xuất hiện những sự cố không mong muốn làm thay đổi mức “tín hiệu” cả đầu vào lẫn đầu ra nên họ thấy “Mối quan hệ nào cũng tiềm tàng đau khổ. Các nhân vật chưa kịp thỏa mãn đã thấy thất vọng xen vào từng khoảnh khắc sống. Nếu cho rằng, nhân vật của Vạn sắc hư vô là kiểu con người cô đơn giữa dòng đời, thì hẳn đó là một nhận xét dễ dãi, sáo mòn. Với người viết đương đại, nỗi cô đơn của con người giữa mênh mông thế gian không còn là vấn đề. Họ đã thoát li hoàn toàn sự thôi thúc phải chôn vùi con người phi nhân, vô bản sắc của một thời. Họ biết cô đơn là hiển nhiên. Giờ là lúc họ tìm đến một trạng thái hiện sinh khác. Trong tiểu thuyết, không ít lần xuất hiện những câu văn nhắc đến thời gian “thời gian trôi qua một con người, như một sợi dây cước thả diều mỏng manh và sắc lạnh cứa trên nền trời xanh thẳm”, Tôi nghĩ về thời gian. Thời gian của đời người. Thời gian của một người. Thời gian của một mối quan hệ… Người ta nhìn thời gian qua những gì đã có, mà những gì đã có luôn gắn với một đối tượng cụ thể. Từ những thứ đã có, người ta nghĩ họ cũng có nhau, và nắm được thời gian. Luôn là một vòng luẩn quẩn”. Thời gian trong tiểu thuyết Vạn sắc hư vô không phải là một đại lượng để đo tính. Nó là môi trường để con người tổ chức những kết nối vốn rất mỏng mảnh. Vấn đề ở chỗ thời gian hầu như mang tính phá hoại, nó ít khi là vùng nguyên thổ vững chắc để các mối quan hệ cắm rễ. Tuy thế, dựa vào thời gian, ít nhất con người còn có thể tìm thấy một khả năng kết nối rõ rệt. Nếu dựa vào không gian, lập tức người ta sẽ nhận ra sự đơn độc tuyệt đối của mình. Có lẽ vậy mà các không gian trong Vạn sắc hư vô đều khá là hư huyễn. Đường biên của các không gian đủ rõ để nhận biết nhưng đủ mờ để nhòe lẫn vào nhau khi nhân vật trôi vào thời gian. Bằng hành xử trong thời gian, nhân vật lấp đầy không gian hoặc bỏ trống không gian, không quan trọng. Có lúc thời gian đi xuyên qua không gian trong một cái nhìn siêu thực thật lãng mạn. Khi đó, không gian là di sản của đàn ông còn thời gian là di sản của đàn bà. Trong truyện, khi Chỉ Kỳ chết là lúc “hố đen thời gian thăm thẳm hút cô vào, cô tan biến vào thế giới phi vật chất. Và ta gọi đó là hư vô…. Cái chết cũng là sự tan biến vào thời gian.

Vạn sắc hư vô là câu chuyện về cái chết. Chết là kết cục tất yếu của đời người. Mở đầu tiểu thuyết là “Tôi luôn nghĩ về cái chết, như người ta ở bên này đường tìm cách qua bên kia đường, làm sao cho đúng luật và bình thản nhất. Kết thúc là câu hỏi “Ta sống trên đời bao lâu rồi nhỉ. Trong suy nghĩ của Nhàn, “Người ta có hai cách chết, hoặc đi thẳng xuống nấm mồ nằm im ở đấy, hoặc tuột vào cái ống số phận rồi biến mất. Ông nội tôi chết theo cách thứ nhất, còn Chỉ Kỳ đã chết theo cách thứ hai. Không có cái chết nào gây xúc động”. Đọc Vạn sắc hư vô có thể nhận ra những suy tư về cái chết trải suốt mọi chiều tự sự. Nhưng cái chết không phải là những suy tư siêu hình đậm tính triết học lôi người đọc vào thế giới trĩu nặng của những điều không thể lí giải. Cái chết trong Vạn sắc hư vô là tất yếu, người ta không thắc mắc về ý nghĩa của sự chết, mối quan hệ của sống và chết… “Con người luôn có khuynh hướng trôi về phía cái chết”. Những ý nghĩ về sự chết hóa ra nhẹ nhàng hơn ý nghĩ về sự sống. Sống là trằn mình trong “một thế giới tan vỡ” nhưng không ai muốn chết. Chỉ Kỳ luôn nghĩ đến cái chết trong trạng thái “giành sự sống về phía mình, vì em quá sợ chết”. Nhàn “hiếm khi nhận ra mình đang ở trạng thái sống” nhưng lại “không sợ chết. Rốt cuộc, những suy tư về cái chết, đường đi đến cái chết, di sản để lại sau cái chết trong Vạn sắc hư vô vẫn là một cái gì hỗn độn tung ra rồi bỏ đó. Chẳng có câu trả lời nào rốt ráo cho vấn đề được khơi ra.

Vạn sắc hư vô là câu chuyện về cái chết được kể lại một cách khó khăn. Dường như người kể chuyện không thể nắm bắt được đâu là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Chỉ Kỳ. Cô ta cố gắng mô tả, xâu chuỗi, phân tích từng dữ kiện đã có nhưng chính cô sa vào ma trận của những mảnh sự kiện riêng rẽ mà mối quan hệ giữa chúng đã chìm nghỉm đâu đó trong trí nghĩ mù mờ của cô. Nhân vật “tôi” không có mặt lúc Chỉ Kỳ chết. Cô chỉ nghe kể lại. Cô vắng mặt khi xảy ra sự kiện quan trọng nhất của Chỉ Kỳ dù trước đó cô chứng kiến những ngọn gió đã gom lại thế nào để thành bão. Điều đó đúng với mong muốn tách khỏi Chỉ Kỳ hoặc bởi cô đã nhận lấy tinh thần Chỉ Kỳ và ra đi nhưng trong cô sẽ là một Chỉ Kỳ khác: “tôi bỗng phát hiện ra mình đang dần thay thế Chỉ Kỳ trong căn nhà này”. Chính Chỉ Kỳ từng nghi hoặc “Có khi một phần trong con người em thực ra là giống chị, chắc vậy. Ừ, có khi chúng ta lẫn lộn với nhau, giao nhau, là nhau. Ai biết được!”. Cái chết của Chỉ Kỳ có thể đã khởi sự một tái sinh huyền bí. Dường như trong mỗi người đều có một Chỉ Kỳ – luôn vật lộn với hư vô – trong mình. Trong trạng thái đó, sự chết quả là một lựa chọn đáng kể.

Nếu hỏi điều gì làm tôi khó chịu nhất khi đọc tiểu thuyết Việt Nam, tôi không ngần ngại trả lời rằng đó là những trang viết về tình dục. Hầu hết nhà văn Việt Nam viết về tình dục trong ẩn ức về một chủ đề cấm kị. Dường như luôn có sự tự kiểm duyệt sắt đá khiến cho ngòi bút của nhà văn viết trong trạng thái vừa khoái trá vừa run sợ. Những cảnh làm tình trong văn học Việt Nam thường thô lỗ, sống sít, ham hố vờ vịt, bản năng nửa vời. Vì lẽ gì không rõ, người Việt xem tình dục là thứ bản năng thấp hèn. Người ta giấu tình dục đi như giấu một con vật xấu xa. Một lúc nào đó phải có tình dục trong tác phẩm, nhà văn làm cách nào cũng không ra được màu sắc của dục tình thực sự. Có bóng ma đạo mạo luôn lởn vởn phía trên từng câu chữ khiến cho những sự kiện tình dục trở thành thứ gây buồn nôn (nhân tiện thì, cảnh làm tình trong phim Việt Nam cũng vậy). Bởi thế, khi đọc những trang viết về tình dục của các nhà văn trẻ, tôi thở phào nhẹ nhõm. Họ đã trả tình dục về đúng chỗ của nó. Cũng như sự sống và cái chết, tình dục là tất yếu. Nhân vật trong Vạn sắc hư vô có đời sống ái ân phong phú, đa sắc. Tình dục đồng giới, dị giới, tình dục tay ba… diễn ra bình thường như ăn, uống, làm việc, cãi nhau, hát karaoke, cờ bạc, đám cưới… Như thế không có nghĩa là các nhân vật bỏ qua đạo lí căn bản. Tình dục càng cởi mở, các giới hạn cần tuân thủ càng chặt chẽ. Quan hệ tình ái ngoài hôn nhân, sự phản bội trong tình yêu không được chấp nhận. Những tổn thương sâu sắc trong Nhàn bắt đầu từ bóng tối của sự phản bội bao trùm lên gia đình cô. Cách Nhàn nhớ về cha, những người đàn bà của ông, nỗi khổ đau của mẹ cô… sự hận thù của gia đình bên ngoại là lời kết án đối với thứ tình dục vô lương tâm của người cha. Ngoại trừ điều đó, tình dục là một sắc màu đơn giản của cuốc sống. Cảnh làm tình trong Vạn sắc hư vô thật thà, thản nhiên, sành sỏi nhưng không trơ trẽn. Các nhân vật xem làm tình là một cách giao tiếp chứ không hẳn là thỏa mãn nhu cầu. Họ quan hệ tình dục một cách dễ dàng nhưng không dễ dãi. Có những quy ước xa lạ với quan niệm chung hiện nay nhưng lại quen thuộc và hiển nhiên đối với một thế hệ sinh ra sau chiến tranh, không chịu ảnh hưởng của những hệ tư tưởng trước đó. Tình dục tràn ngập trong Vạn sắc hư vô nhưng là thứ tình dục được đồng thuận. Nhàn là cô gái chưa từng quan hệ tình dục, nhưng trong một lần uống say, cô cùng Nhuân vào khách sạn, cuộc ân ái đã không xảy ra bởi Nhàn không sẵn sàng. Nhàn là bạn tình đồng giới của Chỉ Kỳ, nhưng cô được mời tham gia một cuộc làm tình tay ba với chồng Chỉ Kỳ. Hãy đọc đoạn đối thoại sau để nhận ra sự đơn giản trong quan niệm tình dục của một thế hệ đang trỗi dậy “Dù sao chị đã ngủ với vợ anh ấy, nên chị hãy ngủ luôn với anh ấy đi, như vậy là công bằng và không ai bất an nữa/em không có cảm giác gì sao?/em sẽ ngủ chung với hai người/chị sẽ suy nghĩ về chuyện này. Họ trao đổi như thể đang nói về một cuộc hẹn xem phim. Con người kết nối và mất kết nối bởi nhiều cách trong đó có tình dục. Những nhân vật chính của truyện đều là phụ nữ. Vạn sắc hư vô dựng lên một thế giới phụ nữ hoàn toàn khác với hình dung của nhiều người. Đàn bà trong tiểu thuyết này có đủ những sắc màu quen thuộc đồng thời ánh lên những màu sắc mới. Một trong những cái mới đó là đời sống tình dục. Không khiên cưỡng, không gượng ép, không hô khẩu hiệu cũng không e dè ngần ngại, bản năng tính dục nơi những người đàn bà bộc lộ rất sinh động. Có sự quyến rũ của Chỉ Kỳ, có vẻ ngây ngô của Nhàn, có cái lì lợm của Thu… Dù thế nào, đàn bà trong Vạn sắc hư vô cũng sống với tình dục một cách hồn nhiên mà đĩnh đạc. Đọc Vạn sắc hư vô, đọc những trang viết về tình dục tràn trề trong đó, cảm giác chung của tôi là thoải mái. Tôi tin rất nhiều người không “tiêu hóa” nổi khía cạnh tình dục trong Vạn sắc hư vô. Sẽ có nhiều lời kết tội nặng nề trùm lên tác phẩm. Nhưng nếu nhìn nhận đây là một cuộc thoát biến thì Vạn sắc hư vô quả đã thành công.

image

Nguyễn Khắc Ngân Vi

Trong khi thoát biến, Vạn sắc hư vô đã từ chối một lối mòn trong sự đọc: chủ nghĩa đề tài. Dù các nhân vật chính đều là đàn bà thì đây vẫn không phải tiểu thuyết viết về phụ nữ. Trừ trường hợp viết theo đơn đặt hàng, còn lại không nhà văn nào hướng về điểm cuối của quá trình văn học. Họ luôn bắt đầu từ ngọn nguồn ý chí sáng tạo. Việc một nhóm xã hội nào đó là trọng tâm trong một tiểu thuyết không có tính hướng đích mà chỉ có tính công cụ. Ngoài ra, lựa chọn viết cho một nhóm xã hội cụ thể thực chất là một hành vi có tính nhị nguyên. Đã viết về đàn bà sao tránh khỏi so sánh với đàn ông. Nhưng vượt lên trên không gian nhị nguyên đầy dối lừa đó, Vạn sắc hư vô hướng đến một hiện thực chung cho con người: trạng thái tan nát, mất phương hướng, mất điểm tựa. Đàn ông trong Vạn sắc hư vô dù tỏ ra mạnh mẽ hoặc uy quyền hoặc bí ẩn thì trước sau cũng lộ ra cái hoang mang trống trải sâu trong mình. Như vậy, cái hiện thực tưởng như khuôn lại trong một nhóm xã hội rõ ràng không khớp với hiện thực được kể trong tác phẩm. Đây chính là điểm giúp Vạn sắc hư vô chống lại hành vi kí thác. Điều này có lí bởi hiện thực nào cũng là diễn ngôn về hiện thực. Càng cố gắng mở rộng kích thước hiện thực, tiểu thuyết càng trở nên giả tạo. Những kí thác thiết tha nhất rồi sẽ dẫn tiểu thuyết đến chỗ thành Lịch sử kéo dài.

Tuy không sa vào chủ nghĩa đề tài song trong muôn màu của Vạn sắc hư vô vẫn xuất hiện màu sắc của tư duy báo chí. Có vẻ như nhà văn không “nhịn” được trước sức hút của thứ nguyên liệu thô ồn ào đó. Hoặc giả nhà văn chưa đủ sức để từ một thế giới nguyên mộc làm bật ra cái thuần khiết, tinh luyện của một siêu nghiệm văn chương. Chẳng hạn đoạn sau: “Ở thành phố này, có khi người ta thích hát đến nỗi phải trả giá bằng mạng sống. Người ta bê cả dàn máy hát ra vỉa hè vừa nhậu vừa hát. Rồi ai đó chạy đến yêu cầu ngưng lại, có khi không phải vì người ta ý thức được việc ô nhiễm âm thanh đâu, mà chỉ đơn giản là họ chướng mắt”. Đặt bên cạnh những đoạn như: “Ngay khoảnh khắc ấy, tôi bắt gặp lại mình, vẫn đang lái chiếc xe máy cũ kỹ ba tôi để lại và vẫn cảm thấy quen thuộc việc mình lẫn lộn giữa đám đông, trước những ngã tư đèn đỏ lúc mười hai giờ trưa hay kẹt cứng ở một ngã sáu nào đó trong một buổi chiều mưa tầm tã” sẽ thấy sự thừa thãi của những chi tiết có tính thực chứng. Chúng ảnh hưởng đến độ đậm đặc của tính ngẫu nhiên và kiểu trữ tình pha lẫn giễu nhại của tiểu thuyết. Logic của thực tại rất tai hại đối với xu hướng chối bỏ nguyên lí nhân quả trong kể chuyện.

Ai đó có thể nói về sự luẩn quẩn của thế giới đàn bà trong truyện. Với tôi, dù mới chớm, Vạn sắc hư vô đã mang tính sử thi, nó là sử thi của một thời đại khủng hoảng niềm tin và lí tưởng. Nó là sử thi của một bề sống khác đang cuồn cuộn chảy dưới bề sống hiển thị trước mắt chúng ta. Một bề sống không nhiều hơn, không ít hơn, không đẹp hơn, không xấu hơn cái đang có. Nhưng nó có thật và thực sự có nghĩa đối với nhiều người. Chưa bao giờ xã hội Việt Nam phân hóa rõ rệt như bây giờ. Những dòng sống khác biệt đang chảy cùng nhau mà người của dòng mặt hầu hết không biết gì về dòng ngầm. Lúc này, dòng mặt đang chiếm tỉ trọng lớn, nó lớn tiếng chê bai, phỉ nhổ vào những dòng sâu đang chập chờn ẩn hiện. Nó dùng sức mạnh của mình đẩy dòng sâu về đáy, nhưng nó cảm nhận được sức mạnh đang trỗi dậy, như một lục địa mới đang đẩy lục địa cũ đi để chiếm chỗ. Hơi nóng của dòng sâu đang phả lên mỗi lúc một rõ khiến dòng mặt bất an. Vạn sắc hư vô báo hiệu sự hiện diện của hải lưu mới đang loang rộng ra, chẳng mấy chốc sẽ buộc những người khư khư ôm lấy kinh nghiệm thẩm mĩ cũ phải chọn lựa, hoặc là rút lui có trât tự, hoặc là chiến đấu đến cùng để giữ lấy những gì là lẽ sống còn của một Lịch sử đã đi hết sứ mệnh của nó.

Hà Nội, tháng 9/2022

Comments are closed.