(Phát biểu tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM sáng 14/01/2017)
Mai Quỳnh
Thưa các bạn,
Trước hết, xin cám ơn chị Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ đã gửi thư mời, cảm ơn vợ chồng nhà văn Dạ Ngân – Nguyễn Quang Thân cùng Nhà tổ chức Đường sách, đã cho phép tôi phát biểu đôi lời trong buổi họp mặt thân tình và cởi mở hôm nay. Tôi và bạn tôi, anh Cầu – hai người lính sống sót trên Mặt trận Thượng Lào và Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa có mặt ở đây nằm trong số hàng triệu con người vô danh mà Nhà văn Dạ Ngân đã từ góc độ đó viết nên tác phẩm Người yêu dấu. Cũng từ góc khuất ấy, tôi đọc văn chị. Rồi tự thấy không thể không nói đôi điều cảm nhận của riêng mình về tác phẩm quan trọng này; những cảm nhận của riêng tôi thôi!
Thưa quý vị,
Thưa các bạn,
Cách đây chừng năm, sáu năm, tôi lọ mọ lướt Web, vào Gu Gồ, bắt gặp bài báo nhỏ của chị Thái Thị Ngọc Dư: Chiến tranh từ cách nhìn của nhà văn Dạ Ngân. Chị Ngọc Dư ghi lại một số chia sẻ của nhà văn với những sinh viên yêu văn chương của trường Đại học Hoa sen. Bài báo viết: “Nhà văn Dạ Ngân, một nữ tác giả nổi tiếng của Việt Nam, người đã giành được nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và đã viết rất nhiều tác phẩm gồm tiểu thuyết, truyện ngắn khắc họa cuộc đời của những người phụ nữ Việt Nam. Tại đây, Dạ Ngân đã chia sẻ với khách tham dự về ký ức chiến tranh của chị, và những quan điểm của chị về chiến tranh”. Nhà văn cho rằng: “Cần viết về chiến tranh, mổ xẻ chiến tranh để tìm được sự bình yên… Các nhà văn cần phải cân nhắc, phải viết như thế nào trong một bối cảnh văn hóa, chính trị, tình cảm chưa vượt qua được tất cả những rào cản”.
Sáu năm qua, công chúng yêu thích văn Dạ Ngân chờ đợi. Chị đã không làm họ thất vọng. Cây viết ấy, sau thời gian xông xáo vào những ngõ ngách của xã hội đương đại, sau nhiều lần trăn trở, cân nhắc – tôi đoán thế – chị lại trở về với nhân vật và đề tài quen thuộc: Những gương mặt phụ nữ Việt Nam và Chiến tranh. Chị trở về đem theo Người yêu dấu – đứa con tinh thần của chị. Tôi thật sự ngỡ ngàng nhận ra đứa con mới chào đời ấy đã mang một diện mạo mới: một tư duy nghệ thuật khác xưa và một bút pháp cách tân rõ ràng!
Chị đã can đảm vượt qua những rào cản – mà quan trọng nhất là rào cản của chính mình, một nỗi sợ vô hình nào đó – để khắc họa những bối cảnh, nhân vật, tình tiết… trong hiện thực vốn có của nó (được chắt lọc, nâng cao); mà không phải thứ hiện thực phải có theo ý tưởng phải đạo (nên lộ ra sự tô vẽ, sắp đặt…).
Có thể nói không ngoa rằng, Dạ Ngân đã chân thực từ dòng đầu tới dòng cuối. Dòng đầu tiên, bà vợ liệt sĩ Ba Nghĩa, má cô Liêm Chi cay đắng bật lên câu: “Má chớ thèm biết cuộc chiến thứ mấy thứ mấy, chỉ thấy giết chóc giết chóc, có cái nghiệp gì cay nghiệt hơn cái nghiệp lính không?”. Bà không thể nói khác, những câu vô nghĩa sáo rỗng, bà nói tiếng lòng của một người mất chồng và mất chị dâu trong cuộc chiến thứ hai, nay lại 10 năm đằng đẵng mong chờ đứa cháu duy nhất nối dõi tông đường và đứa con nuôi, chàng rể tương lai đang sa lầy trận mạc biền biệt ngoài biên địa phía Tây.
Dòng cuối cũng chân thực như thế. Trung đoàn trưởng anh hùng Thế Cang, sau 10 năm lăn lộn trên chiến trường sông nước miền Tây, không được nghỉ một ngày, tiếp tục 10 năm nữa sống chết với chiến sĩ trong cuộc viễn chinh nơi đất khách; con người ấy đem theo trong lòng mình hình bóng những Người yêu dấu ở nơi xa vời; thì trong sâu thẳm tâm hồn, nhà văn viết: Anh yêu thích nhất Khúc Thụy Du của Anh Bằng. Đó là rất thật. Bởi anh cũng có một cô Thụy trong con tim; nghe Anh Bằng cũng là nghe “cái nức nở bên trong mình: Đừng bao giờ em hỏi. Vì sao ta yêu nhau. Vì sao môi anh nóng. Vì sao tay anh lạnh. Vì sao thân anh rung. Vì sao chân không vững. Vì sao và vì sao.”. Nếu Dạ Ngân viết rằng Trung đoàn trưởng Thế Cang tâm tư thích nhất Lá đỏ hoặc Đồng đội thì người khác tôi không biết thế nào, chứ riêng tôi, tôi không tin!
Dạ Ngân đã can đảm ngay khi chọn đề tài, cuộc chiến xôi đậu trong nước và cuộc viễn chinh. Cuộc chiến xôi đậu ấy là cuộc chiến thứ hai giữa người mình với nhau, chỉ phân biệt: bên Tối Trời bên Ban Ngày; bên Trong bên Ngoài, bên Mình bên Kia. Và cuộc viễn chinh cho một đất nước mà lòng người ở đó “sớm nắng chiều mưa; mà ở đó người ta nuôi con theo cách chọn lọc tự nhiên: sống nuôi, chết bỏ vô tư”.
Đã là cuộc chiến xôi đậu thì nhà văn phải phơi bày tất cả những thảm cảnh giết chóc lẫn nhau của cả hai bên, bên mình bên kia; những cái chết của dân thường vô tội, những thịt nát, xương tan; những tan hoang một miệt vườn đậm màu xanh sông nước mênh mông. Bên mình, người cha của Liêm Chi, nhà Cách mạng nằm vùng Ba Nghĩa bị bắt vì tên chỉ điểm. Không Tòa xét xử, bên kia lia một băng đạn vào người ông kèm một viên ban ơn vào thái dương. Bên kia, tên chỉ điểm bị bắt, cũng không Tòa xét xử, bị bên mình cắt cử một đao phủ giơ cao tay phập một nhát dao xắt chuối vào cổ, máu phun thành tia, đầu rơi trên trảng cỏ. Bên kia, cố thủ trong đồn kiên cố, nhả đạn như điên vào bên mình, gần một Tiểu đoàn hy sinh, bị thương; thì bên mình, Tiểu đoàn phó Thế Cang sống sót, đau đớn nhìn xác đồng đội la liệt, trong đó có cả ba Đại đội trưởng dưới quyền tâm huyết của mình; anh đã giận sôi lên nã một băng đạn (vô thức) vào ba người vợ lính đồn người Khmer, cay nghiệt hơn còn có một cháu bé mới hơn một tuổi. Oan nghiệt tiếp nối oan nghiệt, bàn tay sắt máu của viên Đại đội phó bên kia trong lúc lùng sục đã lia nguyên một băng tiểu liên vào bộ ngực người đàn bà vô tội, bác Hai gái, mẹ bác sĩ Trọng Tường ngay trên miệng hầm nhà nơi sơ tán.
Chiến tranh là thế! Những viên đạn vô tình! Những hành động bộc phát “không ai kiểm soát được ai, một cái trớn như một trò chơi ăn thua được điều khiển bởi quỷ sứ”.
Những hành động như thế của cả hai bên khi chiến tranh kết thúc; khi ván cờ của hai cao thủ nào đó đã tàn, quân cờ xếp chung trong cái hộp, thì những quân cờ trắng đen ấy cần lắng nghe nhau, thấu hiểu cho nhau. Cần rất nhiều bao dung và tha thứ!
Trong truyện, nhà văn dẫn một trường hợp mưu tính khơi dậy lòng hận thù nhưng không thành. Dựng lên một pháp trường, lôi kéo, huy động vợ con, anh em liệt sĩ Ba Nghĩa và dân chúng đến xem cuộc hành quyết tên chỉ điểm; hành quyết bằng mã tấu như thời Trung cổ. Gợi ý, thúc đẩy bà Ba Nghĩa phát biểu trước lúc hành hình như thay lời quan tòa mong tập hợp đám đông lại cho một mục đích định trước. Bà Ba từ chối. Cho đứa con gái mới 5 tuổi đầu đến nơi này đã là một chuyện chẳng đặng đừng; nay lại làm cái bung xung gì nữa đây? Người mẹ ấy không chịu. Còn đám đông? Khi lưỡi dao phập xuống cổ tên chỉ điểm, máu phun ra, cái đầu lăn xuống thì đám đông, không trừ một ai, kể cả ông Tư Già Huyện ủy biến mất từ lâu, ông Ba Thời Trưởng ấp bỏ mo cau mà chạy, tất cả mặt mày xanh xám chạy tán loạn, nôn thốc nôn tháo mà chạy, chạy như ma đuổi; như con thiêu thân. Trên trảng cỏ chỉ còn trơ ra cái xác không đầu và người đao phủ đang ngồi gục xuống đó! Không có hàng loạt cánh tay giơ lên hô khẩu hiệu, không có những khuôn mặt đỏ bừng bừng căm giận; chỉ có nỗi kinh hãi đến tột cùng, những tiếng kêu la thất thanh. Thế đó! Qua những trang viết can đảm ấy, nhà văn muốn gửi đi thông điệp: số đông dân lành, những người chân chất, những người tôn thờ Đạo Ông Bà không khi nào chịu tự nguyện tập hợp dưới lá cờ bạo lực!
Số trang Dạ Ngân dành cho cuộc viễn chinh bên kia biên địa không nhiều. Song, tài văn của chị lại chính ở chỗ này. Khung cảnh chiến trường cháy bỏng, khô cằn, bụi đỏ, luôn có những đôi mắt rình rập, những viên đạn bắn tỉa, Trạm Quân y tiền phương đêm ngày cưa cắt chân tay thương binh từ mặt trận chuyển về, những thân hình bệnh binh sốt rét ác tính rung lên bần bật; tiếng va chạm khô khốc của ống tay, ống chân bị cắt rời vứt vào chiếc xô; tiếng rên gọi “má”… những khuôn mặt thương phế binh trẻ măng xanh xao, phờ phạc nơi cổng Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ… đã nói lên tất cả sự khốc liệt của cuộc chiến. Dạ Ngân khắc họa cái kết thúc nghiệt ngã, cay đắng của cuộc viễn chinh ấy bằng sự trở về của người Trung đoàn trưởng anh hùng Thế Cang, “thân tàn ma dại, không còn chút sức mòn để động đậy”. Anh đã xông pha, sát cánh cùng người lính trên từng mét chiến trường, khước từ mọi ưu tiên dành riêng, khước từ ra Trung ương báo công báo kiếc; khi biết chắc sự sống chỉ còn treo trên sợi tóc thì đòi bằng được trở về với gia đình thứ hai của anh, với những người anh yêu dấu. Anh nằm đó, bất động trên chiếc vỏ lãi, cố hé con mắt ngắm dòng sông, đám lục bình trôi, rặng dừa, mái lá… Rồi anh nằm lại vĩnh viễn trong khu vườn của má và em. Cuộc viễn chinh mà người lính tuân theo mệnh lệnh, không được lý giải rõ ràng về mục đích, động cơ; cuộc chiến cho một đất nước sớm nắng chiều mưa, một đất nước mà con người nuôi con theo nguyên tắc chọn lọc tự nhiên, đất nước ấy đã cướp đi sinh mạng không biết bao nhiêu người con ưu tú như Thế Cang và nhiều gấp bội là những người lính vô danh!
Người yêu dấu dễ đọc. Nhưng không dễ nhận ra những triết lý ẩn sâu nhà văn gửi gắm trong đó. Đã có một bà vợ liệt sĩ, một bà mẹ chiến sĩ khác với thông thường. Can trường, gan góc, tràn đầy lòng nhân hậu nhưng luôn luôn tỉnh táo, trí tuệ, sớm nhận biết chiến tranh sẽ tàn phá cái nền phúc đức, tìm cách giữ lấy một cái khung gia đình nền nếp, có học. Khéo léo nhưng kiên quyêt bảo vệ hạnh phúc lâu dài cho cô con gái côi cút, chọn cho người cháu trai chỗ đứng đỡ hiểm nguy. Đã có một Trung đoàn trưởng anh hùng khác với thông thường. Đi lên từ một chàng lính anh nuôi 15 tuổi đời, 20 năm sau trở thành một Trung đoàn trưởng trẻ tuổi, Thế Cang hiểu sâu sắc con đường tiến lên của mình trải đầy sự hy sinh của đồng đội và cả xác lính bên kia. Nên, trong tâm khảm anh không khi nào thanh thản vì cái nghiệp nhà binh. Phải chăng, anh nhất quyết đòi về nằm vĩnh viễn nơi miệt vườn heo hút là để linh hồn anh được tiếp nhận lòng bao dung của nhân quần? Còn nữa, hình ảnh bác Hai, nhà giáo nghiêm cẩn, nhường nhịn, dẫn dắt cháu con theo đạo học… là trụ cột một gia đình nền nếp – cái nền vững bền của xã hội tương lai. Tư chất Trọng Tường, vai trò bác Trưởng ấp “muôn năm” Ba Thời, bà Mười Thủ… ẩn giấu điều gì nhà văn muốn gửi gắm?
Thư quý vị,
Thưa các bạn,
Về nghệ thuật ngôn từ, tôi xin phép lạm bàn một khía cạnh. Dường như nắm bắt được xu hướng truyền thông nghe-nhìn đang lên ngôi, bạn đọc ngán ngại những cuốn sách dày cộm, Nhà văn đã đánh vật với cây viết, bàn phím để trang văn đạt “ý tại ngôn ngoại”. Chắt lọc hình ảnh miêu tả, khắc họa chân dung nhân vật sắc nét, tiết kiệm chữ nghĩa, sử dụng tối đa lời thoại ngắn gọn, súc tích… chị tôn trọng người đọc, dành cho họ nhiều mảnh sân, nhiều điểm tựa để trí tưởng tượng của họ bay bổng. Vì vậy, 135 trang truyện dài Người yêu dấu hàm chứa nội dung một cuốn tiểu thuyết mấy trăm trang. Đơn cử một ví dụ. “Một phụ nữ ở cuối vịnh, bà Mười Thủ, chồng hồi kết vợ chồng trăng mật ngất ngây, tháng sau mới vỡ lẽ chồng có vợ và hai con ở “ngoải”, bà vợ vọng phu mấy chục năm trời tối nào cũng trầm mình dưới sông “cho sạch cái thứ gian dối nó ám mấy chục ngày qua”, bà cứ làm như vậy để ông chồng khăn gói ra đi và đừng có hẹn ngày trở lại”. Thế đó, văn Dạ Ngân! Nếu không cao tay ấn, nếu cứ lo bạn đọc không hiểu câu chuyện, thì cái trường đoạn ấy sẽ được kể lể dài dòng hàng chục trang. Nào cái cảnh người phụ nữ vẫn còn xuân sắc đằng đẵng 20 năm trời tức 7.300 đêm “dạ cổ hoài lang”, nào cái cảnh nàng hân hoan đón người anh hùng của mình trở về trong ánh hào quang rực rỡ ngày đại thắng, nào những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng để chàng “nổ” những thành tích, những vinh quang này nọ (chưa chắc đã là của mình), nào “những đêm trăng mật ngất ngây” sáu câu mùi mẫn chàng rót vào tai. Vân vân và vân vân. Và khi phát hiện ra sự phản bội sẽ là nhiều trang kể lể về những cuộc cật vấn, những thanh minh, thanh nga; những dằn dỗi… Không, không có có những trang dài dòng lê thê ấy. Chỉ một đôi dòng ngắn gọn tôi đã trích. Để người đọc là tôi trong đó tưởng tượng: tối nào người vợ cũng trầm mình dưới sông để làm gì? Để nước cuốn đi những thứ dơ bẩn người chồng gian dối trút vô thân thể. Để làm gì nữa? Để, gió cuốn đi những lời mùi mẫn rẻ tiền con người phụ bạc ấy rót vô tai. Một hành động tuyên chiến không khoan nhượng với sự dối trá mà tôi cạn nghĩ: chỉ những phụ nữ miền Nam mới có!
Đọc Dạ Ngân viết về chiến tranh, có bắn giết, thịt nát xương tan, có khói lửa, tan hoang, có đau thương, chia lìa… nhưng không đọng lại oán hận riêng tư, không gợi hận thù… Chỉ thấy xót xa cho nghiệp lính; đau buồn, tiếc nuối cho những mảnh đời, những phận người đáng lý ra phải được bình an, hạnh phúc.
Chiếc vỏ lãi chạy giữa ngút ngàn dừa xanh hai bên bờ con sông Nước Trong, Nước Đục đưa hai Người yêu dấu ấy bên nhau xuôi nhanh về vịnh, về Thị trấn Đường Cùng, nơi có bà má, bác Hai và bà con cô bác chòm xóm rất mực thân thương chờ đón. Hình ảnh ấy trong văn và bức tranh gam màu lạnh trên bìa sách của họa sĩ tài hoa Ngô Xuân Khôi làm người đọc nhẹ lòng khi gấp cuốn sách nóng bỏng này lại.
Thưa quý vị,
Thưa các bạn,
Không thể quên con mắt xanh của NXB Phụ nữ, chị Giám đốc kiêm Tổng biên tập Hoa Phượng đã lựa chọn, chấm điểm cao Người yêu dấu.
Chị Ngọc Dư đã bỏ phiếu bầu cho nhà văn Dạ Ngân viết thành công về người phụ nữ Việt Nam. Hơn một lần, qua Người yêu dấu, tôi bỏ thêm phiếu nữa. Còn hai phiếu bầu mới, một cho thành công của chị viết về một gia đình Việt Nam truyền thống (mà gia đình là nền tảng của xã hội), phiếu thứ hai cho những trang văn tha thiết cổ vũ tinh thần hòa giải, hòa hợp, đoàn kết dân tộc. Và, xét về ba tiêu chí cổ điển Chân, Thiện, Mỹ của một tác phẩm văn chương thì truyện dài Người yêu dấu, theo tôi, đạt cả ba.
Người ta thường nói: trong thành công của người đàn ông luôn luôn có bóng dáng người phụ nữ. Riêng Dạ Ngân, thành công liên tiếp của chị đồng hành với bóng dáng một người đàn ông quan trọng của đời mình: Nhà văn Nguyễn Quang Thân. Trên cánh đồng văn chương đương đại Việt, hai bóng cây nhiều hoa trái ấy vẫn đang song hành bước đi riêng một góc trời.
Một lần nữa xin chân thành cám ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Và rất mong được thấu hiểu.