Ngu Yên
2.
Nội dung của một bài thơ là nơi diễn trường, nơi sinh hoạt của “xã hội” thơ, của đời sống một bài thơ. Có sinh hoạt ồn ào, có sinh hoạt tĩnh lặng, có sinh hoạt thưa thớt, có sinh hoạt chằng chịt, v.v. Mỗi loại sinh hoạt hợp động với tâm tư và tài năng của tác giả trong một bài thơ. Khi đã chọn được tứ thơ để diễn tả tâm tình, phần còn lại là sinh hoạt bên trong tứ thơ đó và sự tương quan của tứ thơ đó với các tứ thơ khác và tứ thơ chính của toàn bài. Sự sinh hoạt bên trong, bên ngoài của các tứ thơ tạo ra sự sinh hoạt chung của bài thơ. Trọng tâm của sáng tạo nằm trong những sinh hoạt này. Lấy ví dụ của bài thơ Poem of Alienation của thi sĩ Angola, Antonio Jacinto. Tứ thơ chính: để nói đến cốt lõi là sự chia rẽ, bất đồng, bất hòa, ông chọn hành trình của bài thơ. Trong hành trình này, “nhân vật bài thơ” liên kết và liên hệ nhiều tứ thơ khác. Mỗi tứ thơ phụ đào sâu vào những ngõ ngách mà hành trình và tâm tư của “nhân vật bài thơ” đi qua. Những sinh hoạt trong các tứ thơ sinh động tạo ra sinh hoạt chung cho cả bài thơ. Những hình ảnh trong những tứ thơ tạo ra bức tranh lớn của toàn bài thơ: cái xã hội bị trị và đời sống của người dân chấp nhận sự hà hiếp. Sự sinh hoạt đan lưới này dễ làm cho người thưởng ngoạn bình thường ngao ngán hoặc dễ làm rối tung thất lạc đường theo. Vì vậy, tài năng của thi sĩ là làm nổi bật những sinh hoạt dấu ấn, làm người đọc phải ngưng lại, phải quay lại, phải nghĩ lại, phải cảm lại… những câu thơ, tứ thơ vừa đi qua. Khi đọc “ê, ông Giu-se..’ gậy chăn cầm cân nhắc / roi da quất biểu diễn.”, “ bài thơ rằng Tôi-trắng / ngồi trên lưng tôi-đen / cưỡi đi qua cuộc đời.” khiến cho thưởng ngoạn phải dừng lại, rồi quay lại với những câu thơ trong đoạn đầu: “Tôi chưa đủ, chưa đạt để làm thơ / bài thơ tuyệt vời khiến tôi thay đổi.” Rồi chợt những câu mời mọc mua hàng, mời mọc mua xổ số để vượt ra số mạng dân nghèo, những câu chơi bời sống sượng… âm ỉ lên để thấy ông Giu-se, người chăn chiên với cây gậy gìn giữ đàn chiên. Ông có thấy roi da vung lên hay chính cây gậy là một loại roi da biểu diễn? Ba câu kết quả thật làm cho người đọc bối rối: Tôi-trắng / lưng tôi-đen.
Đây chưa phải là bài thơ của tôi
bài thơ viết từ hồn sâu, máu đỏ
không
Tôi chưa đủ, chưa đạt để làm thơ
bài thơ tuyệt vời khiến tôi biến đổi
Bài thơ tôi lang bang bâng quơ
trong bụi rậm hay trong thành phố
trong lời nói hay trong gió
trong sóng cồn của đại dương
trong bản chất và ngoài hình thể.
Bài thơ tôi bước ra
mặc áo quần sặc sỡ
tự bán thân
bán thân
“Nước chanh đây, ai mua nước chanh…”
Bài thơ tôi chạy băng trên đường
mang trên đầu một tấm khăn tồi tệ
tự hiến thân
hiến thân
“Cá thu, cá mòi, cá trích cơm… đây…
cá tươi, cá á á á áááaaa.. .đây…”
Bài thơ tôi lê bước trên đường phố
“Nhật báo… đây…”
và chưa báo nào đăng thơ tôi.
Bài thơ tôi vào quán cà phê
“Vé số xổ ngày mai… xổ ngày mai… đây…”
và bài thơ tôi mở số
bánh quay như thường quay
xoay tít như thường xoay tít
không bao giờ thay đổi
“Vé số xổ ngày mai đây…
Vé số xổ ngày mai… đây…”
Bài thơ tôi từ khu da đen
hôm thứ Bảy mang đồ giặt đến
hôm thứ Hai lấy đồ giặt về
hôm thứ Bảy giao nộp đồ giặt giao nộp luôn bản thân
hôm thứ Hai giao nộp bản thân và mang về đồ giặt.
Bài thơ tôi chìm trong khổ đau
của cô con gái bà thợ giặt
thẹn thùng
trong phòng đóng cửa
có ông chủ vô lại biếng lười
đang chuẩn bị hãm hiếp một món ngon.
Bài thơ tôi mãi dâm
trong khu da đen nơi căn lều bỏ ngõ
“Nhanh lên nhanh lên
trả bằng tiền
đến đây ngủ với em…”
Bài thơ tôi vô tâm chơi banh
trong đám đông đều là đầy tớ
la to:
“Bàn thắng bị lỗi, bị phạt…”
Bài thơ tôi là kẻ lao động thuê
đến làm công đồn điền cà phê
giao kèo thuê là một gánh nặng
khó gánh vác
“kẻ laaaaao động thuê…”
Bài thơ tôi đi chân không trên đường
Bài thơ tôi khuân vác bao bị ở bến cảng
chất đầy hàng khoang tàu
bốc hết hàng trên tàu
và sức mạnh nhờ tiếng hát
“ …Hụ là khoan
hết khoan tới hụi, ơi hụi… hết hụi rồi lại khoan…”
Bài thơ tôi trói bởi dây thừng
gặp cảnh sát
trả tiền phạt, người chủ
quên ký giấy thông hành
lên đường làm việc
mái tóc mới hớt
“Tóc mới hớt
gà giò hầm
ê, ông Giu-se…”
gậy chăn cầm cân nhắc
roi da quất biểu diễn
Bài thơ tôi vào chợ làm việc trong bếp
làm thợ
giúp việc quán rượu
và đi tù nơi bần cùng tơi tả
cuộc sống khốn khổ trong đen tối ngu đần
bài thơ tôi không biết nó là ai
cũng không biết tự biện hộ…
Bài thơ tôi được viết để hiến dâng
để đầu hàng
vô điều kiện.
Nhưng bài thơ tôi không tuân số mạng
bài thơ này là bài thơ cần thiết
đã được biết
bài thơ rằng tôi-trắng
ngồi trên lưng tôi-đen
cưỡi đi qua cuộc đời.
(Poem of Alienation, Antonio Jacinto)
Sinh hoạt trong bài thơ có muôn ngàn lối khác nhau, đều do tài năng và khả năng sáng tạo của thi sĩ. Người đọc có thể chia sẻ được hay không là do nắm bắt được đời sống sinh hoạt trong bài thơ. Dĩ nhiên, chúng ta nói về cảm nhận, chỉ cần cảm nhận là có thể chia sẻ bài thơ. Điều này đúng nhưng rất thiếu. Chia sẻ được bao nhiêu? Do đó mà một bài thơ có giá trị thường được nhiều danh gia mổ xẻ, nhiều thế hệ tìm thấy nhiều ngõ ngách khác nhau, kể cả những gì tác giả không biết, cũng không thể lên tiếng vì đã chết.
Qua sinh hoạt trong bài thơ, nhà phê bình và người đọc nhìn ra sự xây dựng cơ cấu của bài thơ theo tiến trình sống của nhân vật trong chi tiết và hoàn cảnh. Nhưng quan trọng nhất là sức sáng tạo và con đường sáng tạo. Sự tài tình, đột phá, bay bướm biểu dương mức độ kinh nghiệm và kiến thức… Sinh hoạt nghệ thuật trong thơ chính là tài năng đặc thù của mỗi thi sĩ. Do đó, bắt chước mù quáng là tai hại, phóng đại ý tứ phô trương chữ nghĩa là tai hại vô cùng.
Qua sinh hoạt nghệ thuật trong bài thơ, có thể nhìn ra những kỹ thuật áp dụng. Ngày nay, không còn kỹ thuật của từng môn phái, phong trào mà là kỹ thuật tổng quát và đặc thù. Mỗi thi sĩ thật sự được rèn luyện hoặc tự mình học tập qua nhiều năm tháng. Từ những kỹ thuật nghệ thuật tổng quát và đặc biệt, họ biến thành kỹ thuật nghệ thuật đặc thù. Và họ thành danh với đặc thù trở thành độc đáo. Thi sĩ Madagascar, Jean-Joseph Rabéarivelo, trong bài thơ trích trong Four Poems from Traduits de la Nuit, cho người đọc một sinh hoạt mơ hồ, không hẳn là Siêu Thực cũng không hẳn Ấn Tượng, nhưng “sốc” khi người đọc lần dò theo chân chuột cống tha vầng trăng vào hang chuột.
Chuột cống vô hình nào
bò ra từ vách đêm
gặm mòn bánh sữa trăng?
Sáng mai
khi nó trốn
chỉ còn máu dấu răng.
Sáng mai
ai say suốt đêm qua
ai bỏ rơi quân bài,
nhấp nháy dưới trăng
sẽ lắp bắp nói:
“Sáu xu này của ai
khắp bàn xanh lăn lóc?”
‘A’ một xu sẽ giúp thêm
‘ bạn ta đã thua hết
đã tự vận!’
Tất cả sẽ cười thầm
đi lảo đảo sẽ ngã.
Vầng trăng sẽ không còn:
chuột cống tha về hang.
(Four Poems from Traduits de la Nuit, Jean-Joseph Rabéarivelo)
Hình thức và qui luật của bài thơ tạo ra mức giới hạn của sinh hoạt thơ. Những thể thơ được qui định là những thể thơ giới hạn nhiều nhất những sinh hoạt bên trong. Thể thơ tự do cũng vậy. Những câu thơ dài hoặc những đoạn thơ sẽ có nhiều sinh hoạt tự do hơn là những câu thơ ngắn. Bài thơ dài sẽ cần nhiều sinh hoạt hơn bài thơ ngắn.
Nói một cách khác: Hãy để cho thơ chọn lấy thể thơ. Không phải thơ nào cũng hợp Lục Bát. Không phải thơ nào cũng hợp Tự Do. Không có sinh hoạt mà ráng kéo lê thê thì thơ bị nhàm chán. Sinh hoạt trong một bài thơ tự dưng sẽ nẩy nở và sẽ tự chấm dứt. Người làm thơ hay sẽ biết cắt bỏ những sinh hoạt dư thừa trong thơ và biết chọn những sinh hoạt đặc sắc để giữ lại.
Thi sĩ xứ Mauretania, Oumar Ba, trong bài thơ Justice is Done, thể thơ ngắn, lời thơ gọn, cắt, cụt nhưng đủ để trình bày cái ngớ ngẩn của Công Lý và biện luận của công tâm.
Bị đánh đập
Bị theo dõi
Có được vào bệnh viện?
Có nhân chứng không?
Chuyện nhiều như hạt cát:
như Kadiel là một
như Ndoulla
như Ndyam Bele cũng là một
Dù là chim cũng có thể xác minh…
Nhưng người đã quên kẻ lãnh tụ
Có con làm thẩm phán
và con rể làm thông ngôn.
(Justice is Done, Oumar Ba)
Sinh hoạt trong bài thơ có khi không chấm dứt như nhiều bài thơ Hài Cú. Đa số những bài thơ đều đưa đến kết luận, đi đến ý tứ và hình ảnh chấm dứt. Nhưng những bài thơ mang bản tính băn khoăn, phân vân, chưa rõ hoặc những bài thơ muốn để sự sinh hoạt từ thơ kéo sang tâm hồn người đọc. Diễn tiếp ở đó và chấm dứt ở đó. Thi sĩ Oumar Ba, trong bài thơ Familiar Oxen, ông để bài thơ mở cửa sau. Không đóng, chỉ mỗi người đọc sẽ tự đóng cửa.
Ông nói với tôi, chân lý ở bên ông?
Có phải những con bò tôi thấy
Trong đàn có chủ chăn?
Nếu tôi gọi bằng tên thánh rửa tội
liệu chúng có trả lời?
(Familiar Oxen, Oumar Ba)
Thơ tình nằm trong dòng thơ đấu tranh, có lẽ là một trong những loại thơ dễ gây cảm xúc cho người đọc bởi vì sự cảm xúc mạnh mẽ trong lòng người sáng tác. Bản chất của tình vốn đã dậy sóng trong mọi trường hợp, vốn đã nổi lửa khi nhớ thương, lúc khổ đau, trong thất tình, nhất là tuyệt vọng. Trong hoàn cảnh tù tội, lưu đày, lưu xứ, thơ tình còn có nhiều sức đẩy để nổ lớn, để thiêu đốt thi ca. Nhưng bài thơ khó đạt trình độ khi chỉ là những lời nhớ thương trải lên mặt giấy; khi chỉ là những khổ đau kể lể như viết một bức thư thất tình; khi chỉ cốt bày tỏ tấm lòng sôi sục đau đớn của người viết. Đó có thể là những bài thơ cảm động, cũng có thể là thơ hay nhưng đa số không đủ giá trị. Thơ tình của những người theo họ đi vào lãng quên, nhiều vô số kể.
Nhất là thơ tình trong dòng thơ đấu tranh, vì bản chất xung động của tình cảm trong hoàn cảnh cô đơn, cách ly đời sống thể xác hay nội tâm, bị dày vò bởi khổ nạn hay bị ray rứt bởi suy tư, thơ tình đến như một cứu cánh. Tài năng khác nhau của thi sĩ là đưa những liên hệ giữa những biểu tượng, những tượng trưng với những hiện thực, với tâm sự, sống động theo cách nào. Sáng tạo sự sinh hoạt giữa những hình ảnh, âm thanh, màu sắc của tứ và ý thơ với nhau ra sao. Sự diễn đạt này là đặc tính của mỗi thi sĩ. Nếu cách diễn đạt chưa trở thành đặc thù thì người làm thơ khó được nhận diện giữa đám đông. Trong bài thơ Letter from a Contract Worker, thi sĩ Angola, Antonio Jacinto đã cho người đọc chia sẻ tâm sự của một người bị bắt làm công nhân trong những đồn điền, không có ngày trở lại quê cũ. Ông biết những lá thư tình sẽ không bao giờ tới tay người yêu nhưng cái nhu cầu phải viết lá thư để gửi đi đã thúc bách cho dù vô vọng. Trích đoạn cuối:
Viết thư này cho em
em yêu dấu
một lá thư gửi theo gió đến
mà cây điều, cây cà phê
linh cẩu và bò rừng
cá sấu và cá hồi
đều thấu hiểu
nếu gió thổi thư lạc mất trên đường
thú vật và cây cối
thương xót sự khổ đau cùng cực của đôi ta
từ ca hát đến hát ca
từ khóc than đến than khóc
từ lắp bắp đến cà lăm
sẽ gửi đến em còn tinh nguyên và nóng hổi
những dòng chữ đang cháy
những dòng chữ buồn rầu trong thư
anh muốn viết lá thư tình này cho em…
Viết thư này cho em
Nhưng mà, em ơi, anh không thể hiểu
tại sao như vậy? tại sao như vậy? tại sao? em yêu
sao em không thể đọc
để anh, ôi thất vọng não nề! – Không thể viết!
(Letter from a Contract Worker, Antonio Jacinto)
Nội dung bài thơ và sinh hoạt trong nội dung bài thơ tạo ra diễn trình sinh hoạt của bài thơ. Diễn trình này chính là sự xây dựng từ kỹ thuật thăng hoa lên nghệ thuật và chứng minh sự sáng tạo của thi sĩ. Diễn trình sinh hoạt thiên hình vạn trạng này lại là văn bản cụ thể để tìm hiểu và cảm nhận thơ. Khác với văn bản thường, diễn trình sinh hoạt trong một bài thơ là văn bản ướp sống. Dù thời gian dài dẳng, người đọc vẫn thấy được sức tươi của diễn trình sinh hoạt, bắt gặp được những diễn biến trong lòng và trí của thi sĩ khi đang sáng tác. Nếu một bài thơ vừa sinh ra đời đã là một văn bản khô thì đó là bài thơ thất bại.
Trang Tử lượm cái đầu lâu rồi giữ mãi bên mình. Đó là điều ưu tư. Và điều ưu tư nhất của người là cái chết. Cho đến một hôm, trong chiêm bao đầu lâu hiện ra đối thoại với ông, rồi hỏi rằng: Ngươi muốn nghe ta thuyết về chết không? Trang Tử nói: Muốn nghe. Đầu lâu nói: Chết thì không có vua chúa ở trên, không có tôi thần ở dưới, cũng không có chuyện bốn mùa. Thoát ra khỏi những cái đó và lấy trời đất lâu dài làm tự tại. Ngay cái sướng khoái làm vua trị vì cũng không đạt tới cái vui thú đó. Trang Tử không tin, nói: Nếu, sai được thần Số Mệnh làm sống lại hình hài ngươi, xương thịt, da dẻ, trả lại cha mẹ, vợ con, bạn bè cho ngươi, ngươi có chấp nhận không? Đầu lâu tối sầm mặt lại, nói: Tại sao có thể bỏ cái vui thú của vua mà chịu lại những khó nhọc của đời sống trần gian?
Mượn chuyện đầu lâu, Trang Tử nói về đời sống. Cái sống nào có giá trị gì nếu không có cái chết. Mượn chuyện Trang Tử nói về thơ. Thơ nào có giá trị gì nếu thơ không bị hủy diệt. Nếu không có chết thì sống làm sao có giá trị? Nếu không có thơ bị hủy hoại thì làm sao có thơ sống để có thể sống dài, sống lâu, sống bất tử?
Thơ đấu tranh, thơ lưu vong, tự bản thân là một loại thơ cưu mang nhiều tư duy về đòi hỏi quyền làm người, là một loại thơ thiết thực và hiện hữu song song với sự phát triển từ đời sống, văn minh đến sự trưởng thành của tâm linh, được tạo dựng từ những tâm hồn thật sự yêu quê hương và dân tộc. Thơ đấu tranh sẽ không có giá trị gì nếu chỉ là những chữ nghĩa ồn ào bên ngoài, những ý tứ cố ý thuyết phục và dĩ nhiên với mục đích tư lợi.