Inrasara
1. Đất nước mở cửa, được cởi trói, văn nghệ sĩ hối hả đi ra thế giới, nhìn ra thế giới bên ngoài, ở đó họ bị choáng ngợp trước mênh mông tác giả với trào lưu văn chương lạ lẫm, độc đáo.
Họ háo hức tiếp nhận và thử nghiệm, tìm tòi và khai phá, phiêu lưu và sáng tạo. Thế rồi, chỉ trong thời đoạn ngắn, họ để lại trên văn đàn tiếng Việt bao ngổn ngang dấu vết, nỗi niềm.
Họ biết…
văn chương tiếng Việt đương đại không chỉ tiếp nhận văn học miền Bắc xã hội chủ nghĩa, mà còn nhận ảnh hưởng từ văn học miền Nam;
không chỉ của riêng người Việt, mà còn là của cây bút người dân tộc thiểu số khác;
không chỉ của tác giả cư trú tại trung tâm văn hóa lớn, mà cả người viết đang sống nơi vùng sâu vùng xa;
không chỉ của nhà văn Việt Nam, mà cả nhà văn trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Họ biết…
văn chương tiếng Việt không chỉ bó hẹp ở tác phẩm có giấy phép của nhà xuất bản Nhà nước, mà bao gồm cả tác phẩm in photocopy ở nhà xuất bản “tư nhân”;
không chỉ là sáng tác của nhà văn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, mà còn của tên tuổi chưa [không muốn] thuộc hội đoàn các loại;
cuối cùng, khi internet xuất hiện, văn chương tiếng Việt không chỉ có tác phẩm in giấy, mà gồm cả văn bản có mặt trên mạng.
2. Giữa bao ngổn ngang ấy, phê bình văn học đã làm được gì?
Phê bình văn học có vài hình thức, chức năng, ý hướng khác nhau, nhưng nhìn tổng thể ở Việt Nam hai loại phê bình phổ biến hơn cả, và được đặt cho cái tên: phê bình hàn lâm và phê bình nghệ sĩ.
Phê bình hàn lâm vẫn nảy ra vài cây bút tài hoa, họ vận dùng lí thuyết mới vào cuộc, và có được các công trình quan trọng. Dẫu sao, điểm dễ nhận hơn cả ở khu vực này là đa phần đối tượng được chọn để phê bình do tính an toàn của nó. Văn chương phi chính thống hầu như bị bỏ rơi.
Phê bình Lập biên bản ra đời bổ khuyết cho thiếu sót đó.
Còn phê bình nghệ sĩ cũng biết dấn vào cuộc phiêu lưu riêng mình, từ đó có vài phát hiện đáng kể. Tuy nhiên, phiêu đến đâu cũng cứ tùy hứng và tùy tiện, do đó đại bộ phận nhận định đều vô bằng. Phê bình rời xa văn bản, để tán, về mấy chuyện ngoài lề, chuyện riêng tư với mớ giai thoại lắm khi rất nhảm.
Phê bình Lập biên bản ra đời hi vọng cắt đứt mấy nỗi ấy.
Nó ý hướng kéo phê bình trở lại với văn bản văn học, do đó thao tác của nó đầy tính khoa; bên cạnh nó quyết giải trừ tâm phân biệt đối xử, để nền văn học chấp nhận mọi trào lưu, mọi thể nghiệm và mọi cách thế hoạt động văn học.
Đích thị là một thứ đa nguyên văn học.
3. Phê bình Lập biên bản tồn tại dưới ba hình thức.
Biên bản Bàn tròn Văn chương gồm các biên bản BTVC – một hoạt động ngoại biên của Hội Nhà văn Việt Nam – do nhà văn Phan Thị Vàng Anh và Inrasara chủ trì ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận, từ năm 2007-2008.
Biên bản Lập chậm là biên bản được lập sau cuộc hội thảo văn học, ra mắt sách…
Các biên bản không chọn lọc chi tiết, không ghi chép mang tính định hướng, mà đảm bảo tính khách quan, nên nó được lập cụ thể và đầy đủ nhất diễn biến của sự vụ.
Hình thức thứ ba là Phê bình [như là] lập biên bản, là phê bình tác phẩm, [nhóm] tác giả hay trào lưu văn chương Việt đương đại. PBLBB “đi vào trong” và đứng trên cơ sở hệ mĩ học của tác giả-tác phẩm để đánh giá chính tác phẩm đó.
Chỉ ở hình thức thứ ba này, tác phẩm văn chương mới được nhận diện công bằng nhất có thể, từ đó nhà phê bình nói lên được cái hay, cái dở của nó. Qua đó, Phê bình [như là] lập biên bản đẩy lùi được thái độ trịch thượng kẻ cả từ trên ngó xuống [của thế hệ trước khi ngoảnh về tác giả mới] hay chối bỏ sáng tác vẫn còn cư trú chân trời hệ mĩ học cũ với thái độ kinh thường [của cánh trẻ khi ứng xử với tác phẩm bậc cô chú đương thời]. Vân vân…
4. Như vậy, nếu bước 1, ba hình thức Phê bình Lập biên bản như là cách lập biên bản hiện trạng văn học từ nhiều góc cạnh khác nhau, có lợi cho văn học sử;
thì ở bước thứ 2, việc triển khai Hồ sơ Biên bản so sánh, là rất cần thiết. Thao tác so sánh làm bật lên tâm thế và tinh thần sáng tạo khác nhau của các tác giả ở các thế hệ, vùng miền, trào lưu… khác nhau. Cạnh đó, phê bình bước đầu mở ra cho người đọc nhận diện các khai phá mang tính kĩ thuật của mỗi tác phẩm, [nhóm] tác giả hay trào lưu văn chương Việt đương đại.
Cuối cùng, bước thứ 3 [sẽ diễn ra ở thì tương lai] mang tính quyết định. Là, phê bình hướng đến tự do. Khi đó, phê bình chỉ quan tâm tác phẩm mang tính khai phóng: cho văn học, cho tinh thần và cuộc sống con người. Ở đây, hai tiểu luận: “Thế nào là nền văn học tự do” đăng tạp chí Nhật Lệ, 6-2015 và “Rốt cùng, phê bình văn học làm gì?” trên tạp chí Sông Lam, số 129-2015, đặt nền tảng khởi động.
*
Ý hướng ấy, việc làm ấy diễn ra mươi năm qua.
Nó bình tĩnh nhận lấy sự chống đối, mỉa mai, hay đồng thuận của bạn văn đây đó.
Nó cũng được vài cơ quan, tổ chức ghi nhận bằng giải thưởng, ở đây ở kia. Tôi vui vẻ nhận, và nói lời cảm ơn.
Riêng Giải thưởng của Văn đoàn Độc lập, tôi xin gửi lời cảm ơn đến:
Các nhà thơ đã mất;
các nhà thơ đang sống: Tô Thùy Yên, Hoàng Hưng, Dương Tường, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Hoàng Nam, Lê Anh Hoài, Lê Vĩnh Tài, Đinh Linh, Lê Văn Tài, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Phan Quế Mai, Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ, Vi Thùy Linh, Lam Hạnh…
các bạn thơ Cham: Jalau Anưk, Trần Wũ Khang, Tuệ Nguyên, Kiều Maily…
là các tác giả có những đoạn/ bài thơ tôi được hân hạnh trích và bình, để phục vụ cho công cuộc.
Xin cảm ơn tấm lòng của nhà nghiên cứu, nhà phê bình Lại Nguyên Ân dành cho loạt bài viết của tôi các nhận định nghiêm xác rất đáng tiếp nhận.
Cuối cùng, xin cảm ơn Hội đồng xét giải quan tâm và nắm bắt tần số ý tưởng tôi, công nhận cuộc phiêu lưu hãy còn dang dở này.
Xin cảm ơn tất cả.