Kim Lân – Nhà văn của lớp người “đầu thừa đuôi thẹo”

Vương Trí Nhàn

 

Kim Lân – tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái Kim Lân

 

Thật lòng khó nói rằng Kim Lân hồi trẻ có một vẻ ngoài sang trọng. Hình như ông sẵn sàng tỏ ra nhếch nhác luộm thuộm một chút trước mặt mọi người để càng không ai để mắt tới ông càng tốt. Tôi nhớ khoảng 1968-1970 nghe một đồng nghiệp là nhà văn Lê Minh nói về Kim Lân. Trong một buổi họp của giới văn nghệ, đáp lại lời yêu cầu của tôi là nhờ chỉ cho biết mặt Kim Lân, Lê Minh đảo mắt nhìn quanh rồi nói đùa:

– Khéo khi gặp lại ngạc nhiên vì cái vẻ quá cỏ rả của ông ấy chứ lại!

Dĩ nhiên có dịp nói chuyện với Kim Lân rồi thì chúng tôi đều hiểu rằng đằng sau cái bề ngoài xuềnh xoàng của một con người cứ muốn tự xoá mình đi ấy là một ngòi bút có cá tính, một kiểu đóng vai lâu ngày đã hoá tự nhiên. Song, ấn tượng ban đầu vẫn không hoàn toàn phai mờ; nghĩ cho cùng thì vẫn thấy giữa cái vẻ nhuế nhoá, xọ dụi kia với văn chương Kim Lân có gì rất gần gũi. Nhà văn này, viết những thứ này, thì phải có dáng dấp như vậy. Vợ nhặt, Con chó xấu xí, người ta không thể nghĩ được những cái tên xứng đáng hơn để chỉ nội dung các tác phẩm ấy! Ở đoạn kết Người chú dượng, nhân vật xưng tôi nói về hai vợ chồng bà dì mình “những con người như là đầu thừa đuôi thẹo ở khắp các xó xỉnh của cuộc sống được các anh cán bộ đội ghép lại, xây dựng cho thành vợ thành chồng”. Lùi về xa hơn nữa, ở chỗ bắt đầu sáng tác của Kim Lân là trường hợp Đứa con người vợ lẽ, thiên truyện kể lại nỗi nghèo đói – đói theo nghĩa đen – của một thanh niên tự cảm thấy kiếp sống mình là sống thừa. Hình như những mẫu người đầu thừa đuôi thẹo ấy đã gửi một đại diện của họ vào văn học và Kim Lân đã làm việc này một cách tự nguyện. Trước mắt chúng ta là một thế giới bé nhỏ, chật hẹp, nhưng con người, khung cảnh không lẫn vào đâu được.

Toàn bộ cuộc đời văn học của Kim Lân nói với chúng ta rằng ở đây, cái người ta cần là một tiếng nói riêng, một thứ “mặt hàng” riêng. Những nét độc đáo của một nhà văn vừa được chắt ra từ cuộc đời của nhà văn đó, vừa là điểm hội tụ của những yếu tố mà quê hương, cộng đồng và thời đại đã mang lại.

Quê Kim Lân, như nhiều người đã biết, ở Phù Lưu, Bắc Ninh. Làng chợ Dầu nói riêng cũng như phủ Từ Sơn cũ bao gồm cả những Đình Bảng, Sặt, Đồng Kỵ… chung quanh vốn là một vùng văn vật có tiếng của đất Kinh Bắc. Con người nơi đây có thể nghèo túng nhưng vẫn cố giữ lấy vẻ tài hoa nền nếp cổ hủ, không đi đâu xa nhưng vẫn tỏ vẻ khéo léo, bặt thiệp, lại thường hay trọng sĩ diện, trọng vẻ bề ngoài, đến mức đưa sự khách sáo lên thành một tiêu chuẩn sống. Cái bản sắc được củng cố và lưu truyền từ đời nọ sang đời kia ấy ở người dân chợ Dầu, sẽ vào trong văn xuôi Kim Lân, tạo nên một thứ chất đồng bằng Bắc Bộ, kín đáo, chín chắn và làm cho tác phẩm của ông có thể có ích cho một nhà xã hội học nào đó, muốn hiểu một ít về mảnh đất giàu truyền thống văn hoá này.

Nếu để ý một chút, ta sẽ thấy các nhân vật chính trong truyện ngắn của Kim Lân đều có một nét tính cách nào đó, đậm đà, đáng nhớ. Ông cả Luốn gốc me trong thiên truyện cùng tên, làm gì cũng lo giữ gia phong, và rất ngại ngần trước những thay đổi đang diễn ra chung quanh. Ông Hai trong Làng dù phải đi tản cư xa, vẫn muốn ra người có căn có cốt, đàng hoàng, có một quê hương đích đáng để tự hào. Cho đến cả anh chàng Tràng đi kéo xe bò thuê, thật ra cũng là một người đàn ông tài hoa, tự trọng, biết khoe mẽ, biết dền dứ làm trò trước người đời. Thật vậy, đầu đuôi câu chuyện Vợ nhặt của Tràng, chẳng phải là câu hò bâng quơ: “Muốn ăn cơm trắng với giò – Lại đây mà đẩy xe bò với anh” là gì? Rồi cái sự hoang toàng của Tràng giữa cảnh đói kém vẫn dám để ra hai hào mua dầu nhân ngày vợ chồng về với nhau, cũng là một nét thêm vào cái phần duyên dáng ở Tràng chứ sao! Những Tràng, ông Hai, ông cả Luốn này gợi chúng ta nhớ tới người dân ở một vùng đất khắc khổ, con người phải trầy trật mới có miếng ăn, nhưng vẫn biết tô điểm cho mảnh đất đã nuôi sống mình có được những nét đặc sắc không lẫn với mọi nơi khác. Nên biết thêm là trước đây đồng bằng Bắc Bộ nói chung, vùng Kinh Bắc nói riêng có những người thợ rất giỏi. Làm đình làm chùa, tô tượng, đúc chuông hay tỉ mỉ nặn ít con giống, phất ít đồ chơi, họ đều có sự kỹ lưỡng thành thạo và giữ được tình cảm thiêng liêng đối với nghề nghiệp. Kim Lân chính là một người thuộc vô số nghệ nhân “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” đó. Nếu nói như Nguyễn Tuân nghề văn là nghề của chữ thì người viết văn này thật đã có một tay nghề vững chãi. Trong tay những ông thợ mộc tài hoa các loại gỗ có dịp phô ra hết vẻ đẹp để trở nên đắc dụng trong từng công việc thế nào thì chữ nghĩa trong tay Kim Lân cũng như vậy. Dưới sự điều khiển của ông, những con chữ hiện ra trên mặt giấy dễ dàng, thanh thoát, đâu ra đấy mà không lộ rõ sự dụng công phiền phức, hình như từng chữ biết tìm đúng vị trí của nó để tồn tại, những chữ người khác dùng đã bao lần rồi, đến tay ông vẫn tươi mới, như vừa được dùng lần đầu. Một chút tủi thân mà Kim Lân từng cảm thấy rất rõ về thân phận mình (Đứa con người vợ lẽ) càng làm cho ông hiểu rằng, chỉ bằng sự tinh thông nghề nghiệp, một người viết văn mới có được một chỗ đứng vững chắc. Đó cũng là con đường duy nhất để đạt tới sự tự hào chân chính “Ta cũng chẳng kém gì các người!” mà trước đây, ông hằng mong ước (xem một số đoạn tự sự trong bài của Nguyên Hồng Chặng đầu đi tới tạp chí Văn nghệ số một[*]).

Thế rồi, cũng như nhân vật Tràng trong Vợ nhặt, Kim Lân gặp Cách mạng, được giác ngộ, tham gia Văn hoá Cứu quốc, tiếp đó là đứng trong hàng ngũ kháng chiến bên cạnh nhiều ngòi bút tài năng khác. Từ nay, là một bước đổi mới. Kim Lân từng diễn tả rất hay những biến đổi trong tâm lý một người nông dân như ông Hai. Trước ông Hai hay có lối khoe hão về làng mình rằng làng xưa quan cách thế này, chơi bời thế này. Nay, thay vào đó, là niềm tự hào vì tấm lòng son sắt của quê hương với kháng chiến. Những tình cảm ấy chính Kim Lân đã trải qua, và ông muốn ghi lại chúng thật sắc nét. Nhưng, dù viết về những ngày tản cư kháng chiến (Làng, Con chó xấu xí) hay cải cách ruộng đất (Người chú dượng) xây dựng hợp tác xã (Ông cả Luốn gốc me) thì nhà văn này vẫn trở về với vị trí xuất phát – những con người “đầu thừa đuôi thẹo”, ở “mọi xó xỉnh đời sống” như ông từng nói. Hãy thử nhớ lại truyện ngắn Con chó xấu xí. Giá kể vào tay Nam Cao, thì câu chuyện đơn sơ ấy sẽ gợi lên nhiều suy nghĩ về nỗi đời cay đắng và đơn bạc cùng những thoáng hối hận: hoá ra trong cách nhìn người, chúng ta thường chỉ căn cứ vào bề ngoài, nên rất dễ nhầm lẫn. Hoặc như vào tay Nguyên Hồng, tác giả Bỉ vỏ sẽ nồng nhiệt đứng ra chứng minh rằng trong những con người khốn khổ này, còn bao nhiêu điều tốt đẹp, và dưới ánh sáng nhân bản thì những tấm lòng vàng này không thể gọi là xấu xí được. Kim Lân không thế và không thể làm thế. Ông lặng lẽ thừa nhận rằng những gì mà mình nói tới và có thể, chính mình nữa, những thứ người, thứ vật bị hắt hủi bị ghét bỏ ấy, nhiều khi kiếp sống nhạt nhẽo và buồn thảm thật, không việc gì phải tô điểm cho đẹp và cũng không ai tô điểm nổi. Mọi sự lớn tiếng ở đây đều không phải tạng của Kim Lân. Ông chỉ ngấm ngầm truyền sang chúng ta một niềm an ủi: Những đầu thừa đuôi thẹo khốn khổ, dúm dó kia vẫn có chỗ đáng để người ta trân trọng, đối xử cho có tình nghĩa, và có lúc, nó đáng để người ta nghĩ hơn mọi thứ cao sang giả dối khác.

Kim Lân thường hay kể mặc dù mãi tới 1962 mới được viết ra, nhưng Con chó xấu xí đã được ấp ủ từ những ngày kháng chiến, khi Kim Lân cùng với Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng đi đi về về giữa những làng Thệ, Gia Điền, Sơn Cốt, ấp Cầu Cháy, v.v. vừa chạy Tây càn vừa lo làm tạp chí Văn Nghệ – cơ quan của Hội Văn nghệ Việt Nam lúc ấy. Trong cuộc đời cầm bút của nhiều tác giả, đây là những ngày sôi nổi. Nào viết, viết trong đêm lạnh, khoác chăn, quấn cả quần nâu to xù xù lên cổ ngồi viết. Nào lo đi nhà in, in báo. Trong hồi ký Những ngày Gia Điền, Nguyên Hồng từng kể lần Nguyên Hồng và Kim Lân khoác ba lô bản thảo lên vai “xuôi bờ sông Lô, qua sông Lô lên bến Thản rồi sang Thản Sơn huyện Lập Thạch” để đến nhà in. Trước khi đi, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi còn dặn thêm:

“- Ông Hồng vốn có tiếng cẩn thận giữ bản thảo thì ông chịu trách nhiệm về bản thảo. Còn ông Lân người ý tứ, tinh việc thì chịu trách nhiệm giao thiệp với nhà in. Thôi hai ông về trước mà chuẩn bị Tết và đón anh em nhé!” (trích Tuyển tập Nguyên Hồng, tập II).

Hoá ra, bên cạnh thói quen hậm hụi ngồi viết, viết thật kỹ lưỡng, Kim Lân còn thuộc loại tháo vát nữa. Không bao giờ tin rằng mình tài cán gì lắm, nhưng bao giờ trong đầu ông cũng “nhấp nhỉnh những ý nghĩ” (chữ trong Vợ nhặt), tưởng là không để ý gì hết vì biết rằng nhiều việc không phải của mình – nhưng lại vẫn để ý tất cả, muốn xem xét tất cả để lo liệu và lẳng lặng tìm lấy một chỗ đứng của mình trong cuộc đời.

Tới những ngày tuổi già, khi đã chính thức về hưu, thói quen ấy, cách sống ấy càng được Kim Lân trau chuốt kỹ lưỡng. Đi họp, không mấy khi ngồi ở hàng đầu, nhưng họp gì vẫn nhớ không sót. Khi cần mới phát biểu, nhưng nói bao giờ cũng cố giữ lấy cái giọng riêng nhằm tạo được ấn tượng riêng. Những lúc rỗi ông hay kể với anh chị em ít tuổi chúng tôi về những nhà văn lớp trước, để cùng suy ngẫm về đời văn của mỗi người:

– Cụ Tố mới ghê chứ. Trong các nhà văn Việt Nam đã mấy ai hiểu kỹ nông thôn bằng Ngô Tất Tố. Đến cả Nam Cao cũng không bằng được. Khi tôi viết xong cái Làng, được Ngô Tất Tố khen, tôi sướng lắm.

– Nguyên Hồng ngồi giữa đám Hà Nội vẫn có nét sang trọng riêng. Do sự tự tin của ông, nên cái vẻ ngoài lam lũ nó tan biến đi.

– Chết! Chết! Hồi ấy Nam Cao lạ lắm. Muốn thay đổi tất cả. Có lần, ông còn định viết cả truyện bắt gián điệp cơ mà.

Tính lại cả đời văn, thì Kim Lân viết ít, từ sau 1945 đến nay, chỉ lưa thưa có vài truyện ngắn. Dẫu vì lý do gì, thì sự ít ỏi này cũng là điều đáng tiếc! Kim Lân hay ngấm ngầm tự trách mình về việc đó. Một lần, nhân nói về một đồng nghiệp viết rất đều tay, viết như người thợ đóng bàn ghế, hết việc này sang việc khác mà không cần có cảm xúc gì hết, Kim Lân cũng biết là hỏng, nhưng không quên nói thêm:

– Bố ấy hỏng một đằng mà tôi, tôi lại hỏng về một đằng khác.

– Nhưng nghe nói bác vẫn “bí mật” viết cơ mà?

– Ấy, những chuyến đi công tác như đi đóng phim, hay đi giúp một trại viết nào đó, tôi đã ráp trong đầu rất kỹ. Nhưng rồi lại không viết được.

– Phải cái cuối cùng bác cho in hồi còn tạp chí Tác phẩm mới, là Bà mẹ Cầm?

– Đang viết để trên bàn, ông Nguyên Hồng đến chơi, ông ấy cầm về đấy thôi, – vẻ mặt nhà văn thoáng chút băn khoăn – chứ cái ấy mình viết đâu đã kỹ!

Cùng một lúc với sự thôi viết, ở một số nhà văn, sự đọc cũng hết cả tinh tường; khi thì quá cao đạo, gì cũng chê, chưa đọc đã chê; khi quá dễ dãi, ra điều bề trên, xoa đầu thiên hạ cho vui. Kim Lân xa lạ với cả hai thái độ cực đoan đó. Ông không quên đặt ra những yêu cầu cao với những văn chương, nhưng lại cũng thông cảm với những khó khăn của việc cầm bút, kể cả lớp người sau mình. Nhất là ông bao giờ cũng có ý vì nể người đang viết khoẻ, ngụ ý rằng nếu tất cả đều kỹ tính như mình thì còn gì là đời sống văn chương nữa. Các trại viết của Hội Nhà văn cũng như của các ngành, các địa phương thường vẫn thích mời Kim Lân đến kèm cặp hộ, và nhiều anh em mới viết rất tin nhận xét của thầy Lân. Trong sự gần gũi với lớp người mới cầm bút, nhà văn tìm lại những hy vọng của chính mình. Ấy là không kể thỉnh thoảng Kim Lân được mời đi đóng phim. Kể duyên nợ giữa nhà văn với nghề diễn viên cũng dai dẳng đã gớm! Xưa, hồi mới mười tám hai mươi, ông đã lên sân khấu sắm một số vai trong các vở kịch của Mô-li-e, Vũ Trọng Can. Nay, ông lại được coi là rất thích hợp với những vai nông dân già, nghèo, sống hơi tủi phận một chút (kiểu lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy).

Ở chỗ này, có một câu chuyện vui vui nó thể hiện cái tỉnh táo của Kim Lân. Trong một buổi họp ở Hội khoảng giữa những năm 80, nhà văn Nguyễn Minh Châu xưa nay vốn mến mộ tác giả Vợ nhặt, nhân lúc ngà ngà chén rượu, mới thổ lộ một ý nghĩ thật của mình:

– Ông Kim Lân ạ, có lẽ là ông cũng nên thôi đi đừng đóng phim nữa. Dính vào cái công việc nặc nô ấy nó làm nhảm cái nghề văn của mình đi.

Có lẽ xưa nay vẫn quý Nguyễn Minh Châu là người viết được và cũng hiểu tác giả Cửa sông, Dấu chân người lính thật bụng với mình, nên Kim Lân không nói lại, chỉ đăm đăm nghĩ một điều gì đó, vẫn cái vẻ tui tủi như mọi khi. Nhưng lát sau, khi nhà văn tên tuổi đang nổi như cồn ấy đã đi chỗ khác, ông mới quay sang mấy anh em ngồi cạnh, nói một cách đàng hoàng:

– Nói khí vô phép chứ, người thế mà cổ bỏ mẹ! Tôi không viết được là tại tôi chứ có phải tại đi đóng phim đâu. Mà nghề văn của mình đã lấy gì để bảo đảm là đứng đắn hơn các nghề khác? Còn làm được việc gì có ích, tôi còn làm. Đang lúc tàu xe khó khăn thế này, chỉ thỉnh thoảng được đi khỏi Hà Nội ít ngày đã thú lắm rồi.

Sở dĩ tôi nhớ rất kỹ mẩu đối đáp này vì nó là một trường hợp bộc lộ rõ con người Kim Lân, nó lại cũng giúp tôi hiểu được cái tình thế tế nhị ở ông hiện nay – một người ít viết và có lẽ mấy năm nay đã ngại viết nhưng về cách tồn tại của một nhà văn thì lại cực kỳ thành thạo. Đầu 1986 cầm trên tay cuốn Anh chàng hiệp sĩ gỗ in ra từ đầu năm 1958, ông để một lúc ngồi kể với tôi về những toan tính muốn chữa lại thiên truyện vài ngàn chữ ấy. Đâu nhà xuất bản Kim Đồng muốn tái bản và nếu vậy, ông phải sửa chữa lại. Kim Lân là thế. Ông xa lạ với loại người buông thả, muốn đến đâu thì đến. Theo ông, bên cạnh sự lười biếng trông rõ rành rành ấy, còn có một lối viết như đồng thuộc, viết lấy được, thậm chí loanh quanh luẩn quẩn mang những ý cũ của mình ra xào xáo lại. Lối lười biếng ấy, trước sau nảy sinh ra sự thoái hoá, người tài năng mấy mà quá ỷ tài cũng sinh ra viết bừa, viết nhảm, tự mình phá đổ đi cái uy tín mình đã dày công xây dựng. Trước những ngòi bút viết đông viết tây, viết xuôi viết ngược đủ kiểu, sự khó tính kỹ tính của Kim Lân hoá ra có lý, ấy thế mới chết cho những ai thiếu bản lĩnh!

Liệu viết bao nhiêu tác phẩm thì một ngòi bút trở thành một nhà văn? Tôi lẩn mẩn tự đặt ra cho mình câu hỏi ấy, nhân nghĩ về trường hợp Kim Lân. Vâng, viết nhiều viết khoẻ thì hay biết mấy rồi, nhưng trong văn học vẫn có những trường hợp như Phan Huy Vịnh sống với một bài dịch, Thôi Hữu chỉ còn lại với một bài thơ, và ngay trong văn xuôi, đầu thế kỷ này, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn mỗi người chỉ có dăm bảy truyện ngắn. Cho nên, mặc dù rất tiếc là Kim Lân không viết được nhiều, tôi cũng như một số đồng nghiệp khác vẫn phải công nhận chỉ với mấy truyện ngắn đã in nhà văn này vẫn có chỗ đứng của mình trên văn đàn; Kim Lân chính là một kiểu tồn tại trong cái giới nhà văn kỳ lạ thời nay./.

1986


[*] Đăng báo Văn Nghệ, số 502 (15/6/1973), có trong cuốn Nửa thế kỷ báo Văn Nghệ 1948-1998, Nxb. Hội Nhà văn, 1998, tr. 119-129 (xin cảm ơn anh Lại Nguyên Ân đã cung cấp nguồn bài viết này của Nguyên Hồng – Văn Việt).

Những nỗi sợ thông thường

Vương Trí Nhàn

Với một người già như tôi, những ngày nghỉ kéo dài do lễ lạt thường lại gây ra sự lúng túng, chẳng biết làm gì, chẳng biết đi đâu, mà quan trọng hơn là nếp sống thường ngày bị xâm hại. Nhìn ra chung quanh, tôi thấy trừ một số có điều kiện và biết tổ chức, còn với phần lớn những người còn nghèo – là đa số trong xã hội –, sau những ngày nghỉ được sử dụng bừa bãi con người lại sống khó khăn hơn. Nhìn rộng ra, tôi muốn nói tới những nỗi sợ nho nhỏ, kín đáo, ít ai để ý, nhưng nó là chuyện hàng ngày chứ không chỉ trong những ngày nghỉ.

***

Ở mục Thời sự và suy nghĩ trong một số báo Tuổi Trẻ 1/2012 tôi đọc ra một lời nhắn nhủ “Đừng để lễ hội thành nỗi sợ”. Mấy năm đã qua, vẫn cứ nhớ mãi.

Lâu nay báo chí thường chỉ nói tới những nỗi sợ có liên quan đến bạo lực. Còn lễ hội ư, một sinh hoạt văn hóa cơ mà, sao lại có nỗi sợ len vào đây? Nhưng chỉ cần nhớ lại mấy lần đi hội thấy cảnh xô đẩy nhau cầu cúng, chen chúc mua bán nham nhở hưởng thụ, thấy nhà báo nói cũng có lý.…

Báo Nông Thôn Ngày Nay một số cuối 2011 dẫn một ý kiến phát biểu trong Quốc hội: “Đừng để người dân ra đường là sợ”. Chắc không chỉ muốn nói tới các tai nạn giao thông đang rình rập, mà còn là chuyện cướp giật, chuyện móc túi.

Trên đà liên tưởng, tôi chợt nhận ra trong đời sống còn vô số nỗi sợ thông thường khác, những nỗi sợ này có sắc thái trung tính nên có vẻ như rất phổ biến.

Buổi sáng sợ đi làm vì không dễ gì vượt qua đám đông chen chúc trên đường.

Đến sở sợ gặp không khí chơi bời xả láng đến mức thấy mọi cố gắng bản thân thành vô nghĩa.

Có việc gặp cơ quan công quyền, sợ mọi sự hạch sách vô lý. Hồi 19 tuổi, trong một lần đến làm giấy tờ để chuyển hộ khẩu từ Hà Nội vào trường Đại học Sư phạm Vinh, tôi bị một người cậy quyền cậy thế quát thét, ức đến mức phải ra ngoài khóc một hồi, rồi mới quay vào nhẫn nhục chờ ông ta giải quyết tiếp.

Đang ngồi trong căn phòng khách sạn chợt thấy tiếng loa phường mắc trên cột điện chõ ngay vào cửa sổ, nghĩ có lẽ đến chết không cách gì thoát nổi những tiếng loa này.

Đi họp phụ huynh cho con chợt phát hiện cô giáo là người kém cỏi lại ham thành tích, sợ không biết cô giáo – và nền giáo dục này nói chung – còn dẫn con mình tới chỗ nào.

Một người bạn già của tôi bảo rằng tuy ốm đau luôn đấy nhưng rất sợ phải đi khám bệnh.

Không chỉ vì sợ lối làm việc quan liêu, mà đơn giản sợ lại chạm mặt mấy ông cùng cảnh về hưu, rỗi rãi tháng nào cũng vào khám cốt lấy ít thuốc hạng bét, về bán đi thêm tiền tiêu vặt.

Sợ hãi len ngay cả vào trong những chuyện tình cảm riêng tư. Đây là hai câu thơ của Nguyễn Duy, tả nỗi khổ thời bao cấp nghèo đói:

"Vợ chồng ngủ với nhau như vụng trộm

Không nỗi sợ nào bằng nỗi sợ có con"

Lại có những nỗi sợ mà thực ra không đáng sợ một chút nào cả, chỉ vì chúng ta “thần hồn nát thần tính” nên sinh ra một chút hoảng loạn.

Đoạn cuối Chuyện kể năm hai ngàn của Bùi Ngọc Tấn có một chi tiết lạ. Nhân vật chính ở tù ra đến xin đi làm. Ông cán bộ nhà máy biết rằng anh này xưa nay vốn rất tốt, nên vui vẻ ký nhận ngay. Nhưng vừa ký xong thì một nỗi sợ mơ hồ cứ bám riết lấy ông.

Ông cứ phải la lên thật to rằng ta không làm điều gì xấu cả.

La không phải cho ai nghe mà là để chính ông nghe.

Người mãn hạn tù trở về tức là có mọi quyền công dân bình thường, ấy thế mà sao lớp người chúng tôi vẫn gờn gợn thế nào mỗi khi tiếp xúc với họ. Tại sao lại có nỗi sợ kỳ cục vậy? Cái này ai đã sống ở miền Bắc trước 1975 mới hiểu được.

Đó là chuyện miền Bắc. Còn đây là chuyện miền Nam, đúng hơn là chuyện người Bắc khi vào Nam.

Một ông anh họ tôi trước 1975 là chuyên viên dân sự. Sau 1975, bị gọi đi cải tạo, vài tháng được về. Ông chỉ kể thấy thương những người quản giáo, do hai ấn tượng chính.

Một là, mấy người này sống quá đạm bạc, nhưng không biết cách thay đổi cuộc sống của mình. Có trong tay cả một đội ngũ chuyên viên khoa học tài năng mà chẳng biết tổ chức lại, dùng họ làm ra sản phẩm để cải thiện cuộc sống của mình.

Hai là, lúc nào cũng sợ mình sai.

Mỗi khi lên lớp chính trị cho các học viên, có người lắp ba lắp lắp, có người nói như đồng thuộc, nhưng họ đều giống nhau ở chỗ cố nói cho đúng những gì cấp trên bảo phải nói, chỉ sợ buột miệng ra những lời không đúng chính sách mà chung quanh phát hiện ra thì sẽ vạ to.

Người có quyền mà lại sợ vì không biết cái quyền đó có thực không và đâu là giới hạn của mình.

Nguồn: FB Vương Trí Nhàn

Cuộc sống bắt chước nghệ thuật

Vương Trí Nhàn

 

Có một mẩu tin tôi đọc từ cuối 2015, nhưng cứ nhớ mãi.

Tin các báo:

Trong phần chất vấn dành cho Thủ tướng phiên sáng ngày 17/11/15 tại Quốc hội, một đại biểu từ Tp HCM, ông Trương Trọng Nghĩa, nêu ra một nhận xét và đề nghị người đứng đầu chính phủ "giải thích thêm cho cử tri về việc này".

Nhận xét của đại biểu đó như sau: “Tham nhũng không giảm như các nghị quyết đã đề ra. Tham nhũng ngày càng tinh vi và có hiện tượng chi phối luật pháp và khi đó người tham nhũng xử lý người chống tham nhũng chứ không phải là ngược lại”.

Cái hiện tượng nêu ra ở đây khiến tôi nhớ tới một tình huống trong cuốn “Alice ở nước diệu kỳ” của nhà văn Anh L. Carrol (1832-1868).

Nguyên đây là câu chuyện về cô bé Alice chui vào lỗ thỏ để rồi lạc vào xứ sở trong mơ của Thỏ Trắng, uống chai nước và ăn chiếc bánh kỳ lạ, tìm cách mở những cánh cửa bí mật khóa kín, đối đầu với các bà hoàng hậu, và những lá bài ma thuật.

MỘT PHIÊN TÒA

Sau một hồi phiêu lưu trong thế giới giả tưởng, tới đoạn cuối cùng miêu tả trong truyện này, Alice ngẫu nhiên dự một phiên tòa trong cung vua: tòa xử một vụ ăn cắp bánh của hoàng hậu.

Ngẫu nhiên khi vua ra lệnh cho gọi nhân chứng thì chú thỏ trắng lại gọi ngay Alice.

Alice từ chối:

– Tôi đâu biết về vụ ăn cắp mà làm chứng.

– Đó mới là điều quan trọng.

Ý ngầm mà thỏ trắng không nói: chính là vì ngươi không biết ta mới cần ngươi.

Khi hoàng hậu nêu một lý do vớ vẩn để bảo Alice không được làm nhân chứng, vua quát hãy rời khỏi đây.

Alice nằn nì xin ở lại thì lại được chứng kiến một cảnh xử án không có nơi đâu.

– Vua: Hãy tiếp tục luận tội.

– Hoàng hậu: Tuyên án trước rồi sẽ luận tội.

– Alice: Ai lại tuyên án trước luận tội sau bây giờ, thật phi lý!

– Hoàng hậu: đem con nhỏ này ra chặt đầu ngay.

Khi bị tuyên bố chặt đầu, Alice mới như tỉnh cơn mê. Với câu nói cuối cùng “tất cả bọn ngươi chỉ là một bộ bài không hơn không kém”, giấc mơ của Alice cũng chấm dứt.

HIỆN TƯỢNG & XU HƯỚNG

Quay trở lại phần nhập đề bài này.

Cái tình thế xã hội mà ông Trương Trọng Nghĩa vừa miêu tả “người tham nhũng xử lý người chống tham nhũng” cũng chỉ là một phần của tình trạng thế giới đảo ngược mà người ta quan sat thấy ở nhiều xã hội thời nay, kể cả ở ta.

Riêng ở ta thì nhiu người thuộc lứa tuổi tôi thường khái quát: nay là lúc xã hội loạn ly, cái hiện tượng “người lớn sợ trẻ con, thầy giáo sợ học trò, người tốt sợ người xấu, người ưu tú sợ kẻ bất tài” ngày một phổ biến cái nọ chuyển hóa vào địa vị của cái kia.

Người ta không biết giải thích làm sao. Người ta chỉ đành kêu trời.

Nhưng nói như Nam Cao, trời ở rất xa.

Người chống tham nhũng thì ngày càng ít đi mà người tham nhũng thì ngày một nhiều hơn. Từ đây tới khi xảy ra tình trạng người tham nhũng nhiều xử kẻ tham nhũng ít, hoặc người tham nhũng có quyền lực xử kẻ tham nhũng mất quyền lực – thời gian chắc chẳng bao xa

Đằng nào thì cũng là những chuyện mà trong thế giới cổ điển nó hiếm hoi hãn hữu, nay lại phổ biến.

Điều đáng mừng là trong việc này nghệ thuật lại có vai trò tiên tri với nghĩa nghệ thuật đã dự báo trước.

Đó chính là nội dung của cái câu “Không phải nghệ thuật bắt chước cuộc sống mà chính ra là cuộc sống bắt chước nghệ thuật” người nói là Oscar Wilde (1854-1900).

Dù là cái thiên chức này của nghệ thuật còn đang là chuyện xa lạ ở VN, thì người ta vẫn mừng là nó đã có và nếu chịu khó đọc, chúng ta sẽ bình tĩnh hơn khi nhìn nhận hiện tượng trước mắt.

VĂN HỌC PHÁP ĐÌNH

Một mô-típ phổ biến của văn học nhiều nước, là cái tình tiết “con người phạm tội, họ phải ra tòa và công lý đã phải khó khăn ra sao để giải quyết”.

Từ những câu chuyện về Bao Thanh Thiên ở Trung Quốc tới trường hợp cuốn Tội ác và trừng phạt của Dostoievski, biết bao là cách xa diệu vợi.

Nhưng cả hai đều thuộc về một mảng văn học mà chúng tôi tạm gọi là văn học pháp đình.

Ở ta tuy ít nhưng không phải là không có

Ai đọc truyện cười Việt Nam, hẳn nhiều còn nhớ truyện Nhưng nó phải bằng hai mày!.

Làng kia có một tên lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi.

Một hôm nọ, Cải với Ngô đánh nhau, rồi mang nhau đi kiện. Cải sợ kém thế, lót trước cho thầy lí năm đồng. Ngô biện chè lá những mười đồng. Khi xử kiện, thầy lí nói:

– Thằng Cải đánh thằng Ngô đau hơn, phạt một chục roi.

Cải vội xoè năm ngón tay, ngẩng mặt nhìn thầy lí khẽ bẩm:

– Xin xét lại, lẽ phải về con mà!

Thầy lí cũng xoè năm ngón tay trái úp lên năm ngón tay mặt, nói:

– Tao biết mày phải… nhưng nó lại phải… bằng hai mày!

Trong văn học hiện đại, tôi chỉ nhớ tới cuốn phóng sự Trước vành móng ngựa của Hoàng Đạo. Còn từ sau 1945, thì lục mãi không nhớ, vậy nhờ các bạn tìm hộ.

Nhưng tôi vẫn tin chắc là ở ta hiện nay thứ văn học pháp đình này đâu có nằm trong sự quan tâm của các nhà văn nên dự đoán là ít chắc chẳng sai. Vì ở ta hôm nay đến báo chí nói về các vụ kiện ở các tòa án ở cái mức mà ta vẫn thấy ở nhiều nước – thứ báo chí đó cũng làm gì có!

Cạn nghĩ, ngắn hơi, dễ thỏa mãn

Vương Trí Nhàn

Không chỉ tinh tế khi tả thức ăn mà trong Hà Nội băm sáu phố phường (in trên Ngày nay từ 1940), Thạch Lam còn khéo ghi nhận cái thói quen dễ dãi cẩu thả của người mình trong cách làm thức ăn. Như trong câu chuyện về mấy bát mằn thắn. Trong khi bát mì của mấy chú khách (tức đám Hoa kiều) đầy đặn thì người mình chỉ giỏi giả lễ bà chúa mường. Bát mằn thắn của các ông chủ người Việt có đủ cả rau thơm, xá xíu, đôi khi mấy miếng dồi và một phần chia tám quả trứng vịt, song mằn thắn bột thì thô, nhân là một tí thịt bạc nhạc, nước rất nhiều nhưng nhạt.

Continue reading “Cạn nghĩ, ngắn hơi, dễ thỏa mãn”

Những dấu hiệu của một tư duy trung cổ

Vương Trí Nhàn

Nguyễn Công Hoan trong hồi ký Đời viết văn của tôi (1971) có nhiều đoạn tự thú về sự làm bừa làm bậy đã xẩy ra trong đời mình. Đại khái ông kể là lúc ra học tiểu học ở Hà Nội cần giấy khai sinh, nhưng ngại về làng bên Bắc Ninh làm tận gốc, liền nhờ ông chủ nhà trọ làm hộ. Ông này bảo hai người bạn làm chứng, rồi kiếm cành cau với vài hào bạc đưa lý trưởng Hàng Trống. Vài ngày sau, ông Kép Tư Bền trong văn chương tương lai có ngay tấm giấy khai sinh và nghiễm nhiên thành người sinh ở Hà Nội.

Câu chuyện được kể ra chỉ cốt để khoe một tình trạng gian dối phổ biến sinh hoạt đương thời. Như một thứ thỏa thuận ngầm, mọi người chia sẻ một cách sống thực giả tùy tiện. Không ai buồn quan tâm tới sự chính xác của các con số, không muốn và không có nhu cầu hiểu biết chính xác về chính mình cũng như hoàn cảnh quanh mình. Một thứ khinh bạc bất cần đời bao trùm cả xã hội.

Từ đây, không khó khăn gì để nhận ra mầm mống của nhiều thói xấu khác như cách nghĩ chín bỏ làm mười, bất chấp chuẩn mực, không coi cái gì là thiêng liêng, bịa sai bị tố không chịu nhận, xem thường lẽ phải và pháp luật.

Ngày nay chúng ta còn bắt gặp nó trong những tin tức đưa ra hàng ngày trên báo chí. Nhiều làng làm giả hồ sơ thần tích để xin cấp bằng di sản văn hóa. Nhiều chi tiết ở các vụ án có dấu hiệu bị làm lệch. Hết thể thao khai man tuổi đấu thủ lại đến bóng đá trọng tài bắt thiên vị. Trên các trang mạng thường xuyên có các tin bài dành để tố cáo tiến sĩ rởm, giáo sư rởm.

Đấy là nói trên những sự việc trong đời sống hàng ngày. Nói chi đến những chuyện tày đình – như ba mươi năm chiến tranh, đã bao người Việt bị chết, trong nạn suy thoái kinh tế hiện nay có bao nhiêu công nhân thất nghiệp – các con số đưa ra khi thấp khi cao và chỉ phụ thuộc vào ý muốn của người có quyền.

Sự cố ý làm sai nhiều khi đã biến thành gian manh càn rỡ, bất chấp dư luận xã hội.

Thói quen thiếu chính xác trong suy nghĩ đến đây tìm được biến tướng mới là tô vẽ lịch sử, viết lại lịch sử cho vừa mắt vừa tai, miễn là đề cao được mình, do đó có lợi.

Ta hãy trở lại với cội nguồn lịch sử của nó.

Trước khi đề ra các chính sách xã hội ở Đông Dương, người Pháp thường huy động nhiều nhà khoa học đi điều tra nghiên cứu điền dã và tìm hiểu ngược mãi lên tận nếp sống trì trệ đã hình thành nhiều đời trong xã hội Việt.

Trong số này phải kể tới Pierre Gourou (1900—1999).

Tình trạng tư duy không có cái gì chính xác của người Việt đồng bằng sông Hồng từng được ông miêu tả tường tận trong cuốn Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ (viết năm 1936 và bản dịch ra tiếng Việt in ở Hà Nội lần đầu 2003).

Theo cách miêu tả của Gourou, ở các làng xã, “chỉ cần đưa một ít tiền cho chức dịch là có thể nhận được một bản khai sinh hoàn toàn theo ý thích, trong đó ngày tháng năm sinh được ghi phù hợp với nguyện vọng của người xin“.

Sự phổ biến của các hiện tượng tương tự buộc người ta phải kết luận rằng đây là một biểu hiện của trình độ tư duy và một quan niệm sống.

Nên biết rằng ngay các vua chúa cũng không bao giờ biết cả nước có bao nhiêu dân, quan chức các cấp không cần biết một làng mà họ thu thuế có bao nhiêu suất đinh, còn các xã thì bao giờ cũng cố giấu bớt số người phải nộp thuế để trốn thuế được chừng nào hay chừng ấy. Lúc này thói quen đùa bỡn đã đóng vai một nhân tố cản trở sự trưởng thành của xã hội.

Một vài hiện tượng khác được Pierre Gourou ghi nhận cũng khá đắt giá.

Ông bảo đến một làng khi cần hỏi về lai lịch của làng, người ta chỉ nhận được những câu trả lời rất mơ hồ; nếu như muốn có một sự chính xác thì câu sau thường lại mâu thuẫn với câu trước.

Gần như không làng nào có ý niệm chắc chắn về sự thành lập của làng mình, đi đâu cũng chỉ thấy người ta thề sống thề chết là làng mình có từ cổ xưa, đâu như từ thời Hùng Vương, tức là đã có từ hơn bốn ngàn năm trước.

Gourou chỉ hết ngạc nhiên khi biết rằng một dòng họ có vài ba người thăng quan tiến chức thì thường thuê ngay một nhà nho có tên tuổi viết lại gia phả nhà mình, mà nhà nho ấy thì nghĩ rằng ông ta có nghĩa vụ thêm thắt vào cuốn gia phả ấy nhiều chi tiết cho nó đẹp thêm, và không ai thấy phải thắc mắc về hành động đó cả.

Sự thiếu hiểu biết và nói chung là thiếu ý niệm chính xác về thời gian không ngăn cản người ta sử dụng độ lùi của thời gian để khoe mẽ.

Cũng về vấn đề thời gian hai tác giả người Pháp khác là Pierre Huard và Maurice Durand trong Hiểu biết về Việt Nam (1954) lưu ý xã hội Việt xưa chưa biết tới đồng hồ và khái niệm về thời gian “chỉ được kinh qua chứ không được đo“.

Sự lẫn lộn giữa lịch sử và huyền thoại trở thành đương nhiên.

Theo Pierre Huard và Maurice Durand đây là dấu hiệu của sự tồn tại dai dẳng của kiểu tư duy tiền Descartes thường thấy ở phương Đông.

Trong lúc chờ tìm hiểu thêm về TIỀN DESCARTES , tôi tạm lấy một câu chuyện trong Trạng Quỳnh để minh họa cho khái niệm này.

Theo bản Trạng Quỳnh bán ở sạp báo trước cửa chợ Đồng Xuân thời gian trước 1954 thì có lần Trạng cho kéo đến trước mặt sứ Tàu một cây gỗ, rồi đề vào đó ba chữ Hồ bất thực và bảo hãy giải nghĩa cây đó là cây gì.

– Xin chịu kính nhờ Trạng giảng hộ.

– Hồ bất thực là cáo chẳng ăn. Cáo chẳng ăn thì cáo đói. Cáo đói thì cáo gầy. Cáo gầy là cây gạo.

Ngày nay sự lẫn lộn giữa huyền thoại và lịch sử còn được tiếp tục, chẳng hạn với trường hợp ngọn đuốc sống Lê Văn Tám.

Tư duy trung cổ chi phối người Việt suốt những năm chiến tranh. Sang thời hậu chiến, trong khi tuyên bố đi vào hiện đại hóa, nhiều phương diện trong đời sống – trước tiên là trong tư duy – có sự trở lại của thời tiền hiện đại, tức là trước khi người Pháp tổ chức xã hội Việt Nam theo mẫu hình của họ thế kỷ XIX.

Nguồn: FB Vương Trí Nhàn

Tô Hoài – người tận tụy đến cùng với những tư tưởng của mình

Vương Trí Nhàn

 

Bài đã đưa trên blog cá nhân Vương Trí Nhàn hai lần, 5-10-2014 và 23-10-2020. Đưa lại ở đây khi trên các trang mạng FB gần như đang có một cuộc thảo luận nho nhỏ về cách tồn tại của các nhà văn tiền chiến trong cách mạng. Vấn đề là chưa bao giờ thấy hé ra có sự xuất hiện một công trình tổng kết mang tính bước ngoặt với nghĩa có một sự định hướng đúng đắn để các thế hệ nghiên cứu về sau còn triển khai tiếp.

image

 

Continue reading “Tô Hoài – người tận tụy đến cùng với những tư tưởng của mình”

Những người tài đi hết, rồi ta sẽ sống với ai?

Vương Trí Nhàn

1/ Thế nào là người tài?

Lớp 10C Chu Văn An bọn tôi khóa 1958-1961 có bạn Phạm Đình Tuấn. Tuấn thông minh, nhưng thường điểm các môn không cao lắm, nên không được coi là học sinh giỏi. Tôi chỉ bái phục Tuấn khi được biết rằng hồi ấy anh đã đọc được “Thủy hử” trong nguyên văn bằng chữ Hán.

Hết lớp mười (lớp 12 hiện nay) Tuấn thi vào đại học hàng hải, những mong theo tàu viễn dương đi khắp thế giới. Cái lý lịch là dân Hà Nội cũ đã làm hại anh. Người ta sợ những người như anh đi đây đi đó rồi sẽ bỏ ra nước ngoài. Anh phải chuyển về nông lâm khoa nuôi cá nước ngọt và học xong được điều lên Sơn La.

Continue reading “Những người tài đi hết, rồi ta sẽ sống với ai?”

Nguyễn Minh Châu hay là một định nghĩa về người viết văn

Vương Trí Nhàn

Có lần, tôi đã được nghe chính Nguyễn Minh Châu kể lại một mẩu chuyện như sau:

Hồi đó là khoảng 1955 – 1956, Nguyễn Minh Châu đang ở một đơn vị chiến đấu, ngồi bàn với anh em về việc chuyển ngành ra ngoài. Có người “mơ” đi học tiếp. Có người tính trở về đi cày. Người tính đến “cắm” ở một công trường nào đó. Phần Nguyễn Minh Châu, trong lúc cao hứng, ông bảo:

– Tôi sẽ viết văn!

Continue reading “Nguyễn Minh Châu hay là một định nghĩa về người viết văn”

Những nỗi sợ thông thường

Vương Trí Nhàn

Với một người già như tôi, những ngày nghỉ kéo dài do lễ lạt thường lại gây ra sự lúng túng, chẳng biết làm gì, chẳng biết đi đâu, mà quan trọng hơn là nếp sống thường ngày bị xâm hại. Nhìn ra chung quanh, tôi thấy trừ một số có điều kiện và biết tổ chức, còn với phần lớn những người còn nghèo – là đa số trong xã hội –, sau những ngày nghỉ được sử dụng bừa bãi con người lại sống khó khăn hơn. Nhìn rộng ra, tôi muốn nói tới những nỗi sợ nho nhỏ, kín đáo, ít ai để ý, nhưng nó là chuyện hàng ngày chứ không chỉ trong những ngày nghỉ.

Continue reading “Những nỗi sợ thông thường”

Chất lượng sáng tác gần đây của Dương Thu Hương

Vương Trí Nhàn

CƠN LỐC RỰC RỠ

Được viết ra liên tục trong khoảng mươi năm gần đây, các truyện ngắn của Dương Thu Hương thường miêu tả đời sống qua trường hợp của những con người ở lứa tuổi khoảng 30-40.

Thời thanh niên sôi nổi của họ đã trôi qua trong chiến tranh.

Continue reading “Chất lượng sáng tác gần đây của Dương Thu Hương”

Mấy lời bộc bạch của Dương Thu Hương

Vương Trí Nhàn

Những ghi chép dưới đây được tôi ghi vội sau những cuộc “chuyện vặt” với tác giả trước sau 1990. Riêng phần CUỘC PHỎNG VẤN 40 PHÚT thì là một buổi trò chuyện có chuẩn bị trước tại một phòng làm việc ở 65 Nguyễn Du. Tất cả những dòng dưới đây chỉ mới một lần được đưa trên trang blog của tôi ngày 18 tháng 1, 2016.

– VƯƠNG TRÍ NHÀN

Continue reading “Mấy lời bộc bạch của Dương Thu Hương”

BẮT CÁ GIỮA DÒNG hay là: Lại Nguyên Ân và chuyện truy tìm những văn bản khó trên báo chí cũ

Vương Trí Nhàn

Năm 1976, nhà xuất bản Tác Phẩm Mới được thành lập (chuyển từ tạp chí thành nhà xuất bản), thì năm 1977, phó giám đốc Nguyễn Minh Tấn liên hệ với Bộ Nội thương lấy Lại Nguyên Ân (đang dạy ở một trường trung cấp của Bộ) về tổ Phê bình văn học. (Tổ này thời tạp chí Tác phẩm mới có đến vài ba biên tập viên, nhưng khi chuyển thành nhà xuất bản thì đều xin chuyển đi hết, trong tổ không còn ai). Sau đó hai năm, đến 1979 thì tôi mới từ tạp chí Văn nghệ quân đội chuyển sang. Và hai chúng tôi cùng làm việc với nhau trong cùng một tổ biên tập gần ba mươi năm, tận cho tới lúc cùng về hưu, cuối năm 2007.

Continue reading “BẮT CÁ GIỮA DÒNG hay là: Lại Nguyên Ân và chuyện truy tìm những văn bản khó trên báo chí cũ”

Nhân đọc “Hoa đăng” của Vũ Hoàng Chương (Miền Nam)

Chế Lan Viên

“BẤT CÔNG VÀ ĐỘC ÁC” NÀY KHÔNG CỦA RIÊNG AI

Trên trang Fb Huỳnh Duy Lộc 12-2-2023, tôi đọc được đoạn tin sau:

Nhà phê bình Đặng Tiến đã viết trong bài “Hoài niệm Vũ Hoàng Chương”:

Ngày 6 tháng 9 dương lịch là ngày giỗ Vũ Hoàng Chương, mất tại TP.HCM năm 1976, sau mấy tháng bị chính quyền bắt giam vào khám Chí Hoà. Anh bị trọng bệnh, đưa về nhà một thời gian ngắn thì qua đời vì ho suyễn.

Vũ Hoàng Chương là nhà thơ lớn của đất nước, bắt đầu từ phong trào Thơ Mới, với các tập “Thơ Say” (1940), “Mây” (1943), qua những truân chuyên của dân tộc với “Thơ Lửa” (1948), “Hoa Đăng” (1959), “Lửa Từ Bi” (1963), và những biến chuyển trong thi ca hiện đại.

Vũ Hoàng Chương là một tác giả lớn lao và quan trọng trong lịch sử văn học nước nhà, chiếm một địa vị riêng biệt trong các trào lưu thi ca.

Giữa những trầm luân của đất nước, tác phẩm của anh chưa được tìm hiểu toàn bộ và đánh giá đúng mức, ở miền Bắc cũng như miền Nam, trước năm 1975, và trong nước cũng như ngoài nước những năm gần đây.

Trong nước, từ chính sách Đổi mới (1986) đã có lối nhìn thoáng rộng hơn đối với phong trào Thơ Mới 1932-1945 và Vũ Hoàng Chương, ở một chừng mực giới hạn, cũng được đọc lại một cách công bình hơn…

Nhưng nói chung những thành kiến còn đè nặng trên sự nghiệp văn học của Vũ Hoàng Chương, có thể từ bài viết của Chế Lan Viên (tháng 4.1960) phê phán tập thơ “Hoa Đăng”, bất công và độc ác.

Có thể nói, bài này, ở chừng mực nào đó đã đưa đến thảm kịch Vũ Hoàng Chương năm 1976.

Bài của Xuân Diệu ân cần với Vũ Hoàng Chương, trong mục Tiếng Thơ trên báo Văn Nghệ số 6/1948 không thấy in lại trong sách (NXB Văn Nghệ, 1954).

Thỉnh thoảng lắm mới có người nhắc đến tình cũ nghĩa xưa như Tô Hoài trong “Tự truyện”, hay mới đây trong “Chiều chiều”.

Còn lại là những phê phán gay gắt, kể cả Lê Đình Kỵ, là người tương đối cởi mở với thơ tiền chiến, cũng đánh giá Vũ Hoàng Chương là “bi quan, bế tắc, buông thả, tự hủy, trụy lạc”.

Chỉ ghi nhận những lời mới đây (2.1989) của Hà Minh Đức, đương kim Viện trưởng Viện Văn học, xem Vũ Hoàng Chương là “cây bút có tài năng nhưng nằm trong dòng nước đục ( .. .) chẳng có gì để nói thêm về những câu thơ như một con thuyền bập bềnh trôi trên dòng nước đục “.

Dù sao, thời gian cũng sẽ gạn đục khơi trong.

“Biết ai là đục biết ai trong…”

Sau đây là bài viết “bất công và độc ác” nói trên – dẫn theo Chế Lan Viên Tác phẩm Văn học được giải thưởng Hồ Chí Minh quyển II. Chúng tôi đưa lại vì nghĩ rằng hồi ấy nhiều người chúng ta – tôi muốn nói các nhà văn Việt Nam sống ở miền Bắc những năm chiến tranh – ít nhiều đều đã có lúc nghĩ và viết những điều tương tự như những điều tác giả viết ở đây. Chế Lan Viên không đơn độc trong cơn say sưa phê phán của mình. Chỉ vì ông tài quá và biết nhiều quá nên sự “bất công và độc ác” ở ông càng gây ấn tượng mà thôi. Một số nhà văn hôm nay quay ra viết ngược lại những điều họ đã phê phán hôm qua, nhưng nếu nhìn lại những điều Chế Lan Viên đã viết họ sẽ thấy hình ảnh của chính mình trong quá khứ, nó vẫn còn đeo đẳng mãi trong họ tới tận bây giờ. Nên chi hôm nay đọc lại những điều Chế Lan Viên viết 60 năm trước vẫn là có ích lắm lắm.

Nguồn: FB Vương Trí Nhàn

Continue reading “Nhân đọc “Hoa đăng” của Vũ Hoàng Chương (Miền Nam)”

Ngay trong chuyên môn của mình, hãy chuyển biến sớm hơn!

Vương Trí Nhàn

Khi ông Phan Đình Diệu qua đời, ngoài các công trình khoa học, người ta nhắc đến những phát biểu của ông, về các vấn đề chính trị xã hội rất trực tiếp.

Continue reading “Ngay trong chuyên môn của mình, hãy chuyển biến sớm hơn!”

Nhật ký chiến tranh (kỳ 32, kỳ cuối)

Vương Trí Nhàn

ĐẦU 1975

20/1

Hà Nội mùa xuân, bao nhiêu màu xanh rút lại cả cho trời, và bao nhiêu màu đỏ, rút cả vào cho hoa gạo. Tôi đã thấy nhiều hoa gạo, nhưng đẹp nhất vẫn là những khi cành gạo nghiêng nghiêng hướng về phía mặt trời, cái cảnh này tôi chưa thấy bao giờ, và chỉ mùa xuân năm nay, trong cảnh đèo mì chạy gạo về nhà, tôi mới bắt gặp hoa gạo bùng nổ như vậy.

Continue reading “Nhật ký chiến tranh (kỳ 32, kỳ cuối)”

Nhật ký chiến tranh (kỳ 31)

Vương Trí Nhàn

23/8

Có đến bao nhiêu năm, tôi không chú ý gì tới mùa thu. Nhưng năm nay, tôi yêu quá màu hoa phượng còn sót lại khi cây lá đã lưa thưa. Tôi yên tâm đứng bên cửa sổ, nhìn những đoá hoa đại rơi trên đường. Buổi sáng vào thành để bơi, đạp xe trên những con đường vắng, phải cố tránh đừng chẹt vào quả bàng. Mới hôm nào lá bàng bắt đầu nẩy mầm mà hôm nay quả đã rụng, như từ lâu lắm đã chín lên như vậy.

Tôi yêu những buổi tối trong cơ quan vắng vẻ, cây cối hương hoa chợt thức dậy. Yêu những con đường sau cơn mưa. Những gì thuộc về ước ao bản năng của một người con trai, tôi hiểu là chính đáng, tôi không từ chối. Tôi bắt đầu cảm thấy tự hào vì cánh tay tôi mập khoẻ, thân hình tôi rắn chắc, tôi bắt đầu thích ăn mặc những bộ quần áo đẹp, để một kiểu đầu được mọi người chú ý. Tôi muốn yêu cuộc sống. Và cũng cần được cuộc sống yêu lại… Giá như tôi có một gia đình, một đứa con, tôi sẽ trông nom cẩn thận.

Nhưng tôi lớn lên vào những năm khốn khó quá chừng. Một cuộc sống êm đềm hạnh phúc và có tri thức là cuộc sống ở đâu kia, làm sao mà tôi với tới được… Chung quanh, toàn những chuyện vô học, bỉ ổi, lừa gạt, xoay sở. Nói một cách khái quát, thì thực tế cứ có những chỗ vênh váo, mà tôi không sao chấp nhận. Tôi có thể sống với Thảo nhưng Thảo đau yếu và bạc nhược thế, làm sao có hạnh phúc. Ngược lại bao nhiêu người con gái khác lại không có cái khôn ngoan và từng trải như Thảo. Làm sao vừa thoả mãn được cả những yêu cầu cụ thể của đời sống hôm nay lẫn yêu cầu hạnh phúc lâu dài? Làm sao vừa có bản năng, vừa có trí tuệ?

Continue reading “Nhật ký chiến tranh (kỳ 31)”

Nhật ký chiến tranh (kỳ 30)

Vương Trí Nhàn

26/5

Hình như tất cả các khu vực của đời sống đều là đang ở vào chung một tình trạng. Đi đâu cũng gặp những điều làm mình nản lòng, mà những điều đó lại thật giống nhau, khiến người ta có cảm giác không sao thoát nổi.

Như đối với tôi hôm nay. Tôi ghê tởm xã hội. Nhưng tôi cũng khó chịu ngán ngẩm mỗi khi về với gia đình, cũng sợ hãi chán chường khi nhận ra những manh nha thói xấu nẩy sinh trong ngay những người mà mình gần gũi và quý mến ở cái cơ quan tôi đang làm việc. Đi ra đường, tôi ghê sợ tai nạn, và tôi càng hiểu những tai nạn đó bao vây mình dày đặc trong đời sống, chỉ cần một chút không may nào đó, là nó quệt phải con người mình.

Không có ai là con người lý tưởng – tôi hiểu điều đó. Nhưng nhìn vào chung quanh, sao chỉ thấy nẩy nòi lên những cái xấu, những cái dở, những cái dốt nát. Quá ít những người để cho mình yêu mình phục, đó là điều làm tôi đau khổ hơn cả. Hình như hôm nọ chính Nguyễn Khải có nói, lắm lúc trong người cứ dậy lên những điều hằn học, khinh ghét mọi người, không dám nhìn vào mặt ai, không dám gặp ai cả. Thế thì ý nghĩa đời sống, còn là chỗ nào? Chỗ nào bây giờ. Chịu.

Những tiếng trẻ con khóc, và cùng với tiếng khóc là mũi dãi bẩn thỉu. Những đoạn đường nhênh nhang, nhếch nhác. Những lời chửi bới hằn học, những câu đùa nhạt nhẽo. Một câu nói tục gây phản cảm chẳng khác một câu nói chính trị suông. Bao nhiêu thứ hàng ngày dồn ép vây bủa lấy tôi, và tôi hiểu rằng chính nó lại là cái gì đời sống nhất, cái phần đời sống mà nếu tôi xa rời, thì cũng rất tiếc.

Continue reading “Nhật ký chiến tranh (kỳ 30)”

Nhật ký chiến tranh (kỳ 29)

Vương Trí Nhàn

NHỮNG THÁNG NGÀY NGỘT NGẠT – HÀ NỘI 1974

11/1

Đoàn Công Tính kể mấy cảm giác về Hải Phòng. Mọi người cứ ngơ ngác, như là vừa bị lừa. Không ai còn thiết gì nữa. Gọi nhau đi ăn thì lùi lũi đi, không hăng hái, không bốc lên được.
Những gì mà mọi người lo chi chút ngày hôm qua, coi như hỏng cả – không dùng được việc gì. Hôm nay, lại phải lo tích luỹ lại.

Và bây giờ sao người ta quên nhau ghê gớm như vậy – Tính nói thêm. Như tôi có thằng bạn, hồi chiến tranh phá hoại, tôi ngồi viết cho nó những bức thư hàng 8-10 trang. Nay tôi nhận được nó bức thư bốn trang cũng chẳng muốn trả lời.

Continue reading “Nhật ký chiến tranh (kỳ 29)”

Nhật ký chiến tranh (kỳ 28)

Vương Trí Nhàn

11/11
Rất nhiều tin cho biết có thể đánh nhau lại. Sao không đánh nhau được? Nó lấn, nó muốn hất mình đi.
Ng Khải:
– Thời gian mà nó dò mình, là thời gian mới hoà bình. Nó chỉ sợ mình lật. Còn bây giờ, nó nắm vững những vùng nó kiểm soát. Lực lượng thứ ba anh nào thò ra, nó thịt ngay. Nên chỉ có cách im tho! Đến lúc nó không tha mình rồi. Lính mình lại ở trong rừng, tư tưởng sa sút. Cho nên nhất định là phải đánh thôi, đánh để lấy không khí mà sống.

Continue reading “Nhật ký chiến tranh (kỳ 28)”

Nhật ký chiến tranh (kỳ 27)

Vương Trí Nhàn

HÀ NỘI CUỐI 73

6/9

Từ Quảng Trị trở về Hà Nội. Cảm thấy như một con tàu đang đi, bị chững lại. Đấy, cái nơi mà ta ao ước trở về – tức Hà Nội – chỉ có như thế. Tôi vừa thấy đây là nơi chứa tất cả quá khứ tương lai, vừa thấy như bắt gặp một thứ thực tại lạ lùng chả có gì liên quan đến không gian và thời gian mà mình đã biết.

Continue reading “Nhật ký chiến tranh (kỳ 27)”

Nhật ký chiến tranh (kỳ 26)

Vương Trí Nhàn

VẺ ĐẸP TÀN TẠ – HÀ NỘI 6/73

1/6

Hoa phượng. Hoa phượng đỏ, khắp thành phố ngoảnh về phía nào cũng thấy phượng. Phượng kết thành tấm thành mảng và dầy mãi lên như một niềm oan nghiệt.
Tại sao hoa phượng đỏ trong mùa hè lại làm cho lòng cảm động. Bởi mùa hè nồng nóng thế, mà sao vẫn đẻ ra một thứ hoa đẹp như thế? Cuộc đời càng buồn, thì trời đất càng đẹp, nó là hiện thân cái câu mà chúng ta vẫn nói – cuộc sống chỉ có một lần.

Continue reading “Nhật ký chiến tranh (kỳ 26)”

Nhật ký chiến tranh (kỳ 25)

Vương Trí Nhàn

CON NGƯỜI SỐNG SÓT THÀNH PHỐ SỐNG SÓT

1/5

Hội hè là gì? Là những ngày vui, sau công việc. Là những ngày xả hơi buông thả sau những “chiến dịch” mệt nhoài.

Thử tìm ý nghĩ của đám tham gia duyệt binh. Họ quen tuỳ tiện buông thả. Mà duyệt binh trước tiên cần trật tự, ý chí, nghị lực. Từ thực tế đánh nhau trở về, người ta dễ xem đây là một việc tội nợ phải làm.

Nhưng rồi máu anh hùng nổi lên, lại nhớ rằng việc đó rất có ý nghĩa. Và người ta cắn răng lại để làm.

Continue reading “Nhật ký chiến tranh (kỳ 25)”

Nhật ký chiến tranh (kỳ 24)

Vương Trí Nhàn

MỘT NỀN HÒA BÌNH NGẤM BỆNH

3/4

Vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì hoà bình. Bây giờ, trên nhiều quãng đường, cái âm thanh nghe reo vui nhất, là tiếng máy gạt, máy san. Và những cái nền đất đẹp nhất, là nền đất mới. Đất mới đổ xuống hầm hố cá nhân. Đất mới san nền, đất lật tung ra, từ những hầm đất lâu nay cỏ đã lên xanh.

Bầu trời được dọn dẹp đã trở thành bầu trời bình yên.

Hôm qua đất là chỗ trú chân. Hôm nay, đất phải là cuộc sống.

Sông Hồng. Những con sông, bao giờ cũng gợi cho người ta nhiều ý nghĩ khác nhau. Sông dạy người ta thế nào là tự nhiên – cái tự nhiên màu mỡ, trong sáng như là sự sống đậm đà trên một nhành cây một sắc lá.

Nhưng sông cũng cho người ta hiểu thế nào là thiên nhiên hung bạo. Nó hiền lành đó mà phá hoại cũng đó, nó bình thản, nó đẹp thế, mà nó giở mặt thì chịu.

Đứng bên thiên nhiên, con người cảm thấy mình bé nhỏ lạ. Không, con người sẽ làm được tất cả, dần dần làm được nhiều điều mà nó mong muốn. Nhưng mà con người phải vượt lên kia.

Đứng bên sông, con người vừa qua chiến tranh như được đánh thức cảm giác hung bạo. Nếu không thì lại dậy lên những bản năng tự nhiên – ôm ấp, vuốt ve người khác giới. Và nếu không thì cáu gắt, chửi đổng, và cuối cùng thì buông lơi đầu hàng. Những con sông cũng luôn luôn là cái bất trị của mọi thành phố, vùng ven sông là những vùng ít ổn định nhất.

Thiên nhiên muốn con người trở lại cái phía hoang dại của nó. Nhưng người ta liệu có thể vượt lên trên sự kích động?

Những ý nghĩ trên đây đến với tôi, khi mà, mấy hôm liền, tôi ra chỗ bãi sông Hồng. Con sông chỗ tựa của lịch sử Hà Nội, cũng là chỗ tựa của xây dựng Hà Nội. Bắt đầu là việc lấy cát. Hàng ngày có biết bao nhiêu đoàn xe ra đây. Công ty san nền, công ty xây dựng… Có cả bao nhiêu là xe bò. Cát bay mù trời. Đống cát dùng băng chuyền cao lên mãi.

Bãi cát, bãi của hoang sơ, nhưng cũng là khởi đầu của xây dựng. Bãi cát, trên đó bao nhiêu là vạch đường đi qua. Bãi cát lở, bãi cát lầy, người ta phải quành sang lối khác. Sách địa lý dạy chỉ có những lưu vực sông là nơi có người định cư sớm nhất. Một bó củi dâu lồng bồng, những ruộng dâu mờ mờ ảo ảo. Là con dân một nước nông nghiệp như nước mình, dù không làm nghề tầm tang mà thấy một bó củi dâu thế này lòng người ta vẫn có những xôn xao khó tả.

Ngày nay, những bãi đá, bãi than của các công ty xây dựng chạy dọc sông. Than và đá chạy đường thuỷ rẻ nhất. Và ở các thành phố, chỉ dọc sông mới còn đất bãi, còn chỗ trống, còn trổ ra được những hướng mới.

7/4

Cảm giác rõ nhất của Hà Nội 1973: xe bò.

Đi đâu cũng nghe những tiếng gõ của bánh xe bò, tiếng móng bò đập trên đường. Ban đêm nhìn theo bóng dáng một khối lùm lùm trên đường, chỉ thấy một ngọn đèn lắc lư, chiều sâu của xe âm âm tối tối.

Xe chạy âm thầm như xấu hổ, nhưng lại cần mẫn đến phát sợ. Rất khuya, còn nghe tiếng bánh lăn. Chợt sáng, đã nghe xe dậy. Dễ xe chui vào tất cả mọi ngả đường, mọi xó xỉnh. Đã bao nhiêu lần, tôi bắt gặp những người đánh xe như đang thiu thiu ngủ, như đang sống sống qua đi cho xong chuyện. Nhưng con bò vẫn đi, cái xe vẫn sống, dòng xe vẫn sôi nổi, và tôi vừa bằng lòng, vừa sợ hãi với cái sức sống đó của Hà Nội.

Hà Nội và năm tháng. Có bao giờ chúng ta biết chính xác tuổi Hà Nội. Có bao giờ chúng ta nghĩ mình hiểu hết Hà Nội. Ẩn sau Hà Nội thanh lịch luôn luôn có một Hà Nội dầu dãi, nhẫn nại. Tôi từng bắt gặp chất nhẫn nại ấy khi nhìn những người dân các làng quê đi đắp đê, và lúc này đây ở một dạng phổ biến hơn, là nhìn vào cuộc sống đại trà của những người dân nông thôn ra với phố xá. Những cụ già ngồi bán qùa, bán bánh đọc đường, họ như là những gốc cây hiện hồn, những góc phố hiện hồn, tưởng họ sống mãi với phố xá kể cả khi Hà Nội nghèo đói.

Những nét mặt các cụ già, những căn nhà mốc meo, những cái bếp dầu khét lẹt, tiếng xe điện guồng bánh mãi từ lâu mà không thấy tới – đất nước xa vắng như từ thế kỷ nào mang lại. Cách mạng là gì vậy, mà những cái tốt trong quá khứ thì chết hết cả, những cái xấu thì cứ còn mãi, chìa ra lan tràn ban phát đầy sông, đầy đường.

Phan Nhật Nam theo ra trao đổi tù binh về viết (có đúng thế không hay chỉ là đồn đại?) người ta đã biến Hà Nội thành một thành phố vô tính (không ra đực, không ra cái), một thành phố không có người. Cái câu Tôi bước đi, không thấy phố, thấy nhà của Trần Dần cần phải thay bằng: Tôi bước đi không thấy phố thấy người.

Có bao giờ anh chợt nhận ra có một bầu trời trên đầu mình?

Đi trên thành phố chúng ta cứ bị hấp dẫn bởi những nét mặt và những hàng cây, đến nỗi quên đi bầu trời trên kia. Bầu trời trên thành phố là một sự ngơi nghỉ, một thoáng ưu tư. Những hàng cây cho ta ý niệm về sự trong sạch, cây chết đứng giữa thành phố bụi bẩn, nhưng cây tìm cách sống. Cắm sâu vào đất, nó lại vươn lên ánh sáng.

10/4

Nhàn: Thanh niên bây giờ có loại con các ông to. Nó tha hồ làm đủ mọi chuyện.

Niệm: Nó khác mình ở chỗ ấy. Chúng mình con nhà nghèo nên mình vẫn còn rút rát. Trong khi ấy, nó cứ đàng hoàng làm bậy, chẳng sợ gì cả.

Nhàn: Căn bản là vì nó không bị ràng buộc về kinh tế.

Niệm: Nhất là nó không bị ràng buộc vì dư luận. Cái này quan trong hơn nhiều.

Thư, em tôi kể ở lớp có một thằng bạn làm thơ, mơ ngày mai anh này sẽ làm kỹ sư, anh kia sẽ đi nước ngoài, anh nọ viết văn. Khánh (cháu ngoại cụ Tôn Đức Thắng) làm thơ bác lại:

– Ai khiến anh phát vé cho tôi?

– Ai khiến anh ban phát cho mọi người.

– Tương lai là thế nào, không ai biết được!

Ng Khải nghe tôi kể lại bình luận:

– Đúng, đúng thế. Những vấn đề mà giới văn nghệ nói còn là hiền. Đi ra ngoài nghe người ta nói còn là khốn nạn bằng mấy. Sự thực sẽ do từ chính những người hiểu bản chất hôm nay nhất mà ra.

17/4

Hôm qua, nhiều người đi xem diễu binh thử. Hôm nay, suốt từ chập tối, đầu phố Quan Thánh leo lẻo tiếng loa. Đang thử loa mắc ở đầu đường, để điều khiển người duyệt binh.

Tôi không thể háo hức với những chuyện duyệt binh này. Tôi chưa yêu được những hồi quang của cái sức sống hùng tráng hôm qua. Hàng ngày tôi chỉ cảm thấy một thứ sức sống dòi bọ lúc nhúc, người nọ đạp lên đầu người kia.

Con người ở đây, sống thấp lè tè mặt đất, còn cả bầu trời trong sạch thì bị thả nổi cho một bọn dốt nát hoành hành. Họ muốn nói gì thì nói. Như là hành hạ người ta, bắt người ta nghe, tống đủ mọi thứ sáo rỗng vào đầu người ta. Tiếng loa tiếng đài luôn có cái vẻ kiêu hãnh của kẻ một mình một gậy múa loạn lên ở giữa đường như thể ở chỗ không người.

Chủ nghĩa xã hội là gì? Là một cuộc mít tinh lớn, trong đó, quần chúng nhân dân là một khối đông đặc, và ở trên, có mấy lãnh tụ, trong khi không trung leo lẻo tiếng loa tuyên truyền.

Những mẩu đối thoại

– Tôi cảm thấy người dân nơi đây là những người đầy hiếu động.

– Có phải thế đâu. Dân mình là trì trệ nhất.

– Không, hiếu động nghĩa là hơi một tí là sinh sự, chửi bới, đánh nhau, có thể là còn móc mắt nhau, xin nhau tí tiết! Còn trì trệ là nhìn từ xa, nhìn bao quát. Mình có cả hai đặc tính đó.

Và lúc này dân ta là những người hay thì thào. Ra phố, hàng nước có người thì thào; vào mậu dịch, các nhân viên thì thào. Cho đến khi vào những buổi họp, người ta cũng thì thào. Đất nước mất đi sự thông tin chung. Luật pháp không xác lập được những mối liên hệ lớn, và người ta cứ phải tự lập những mối liên hệ, cứ phải quan hệ lẫn nhau. Những mối liên hệ tưởng rất lằng nhằng, nhưng thật ra nó đơn điệu. Nó chỉ gồm những mạch ngắn.

Và bây giờ lại hỗn loạn nữa. Nếu quen một người công an hẳn sẽ thông báo ta biết là ngày nào cũng có những cuộc ẩu đả, đánh nhau, giết nhau. Đã nghe một người nào đó nói:

– Nhà nước không có luật pháp gì nữa. Thì để chúng tôi làm lấy luật pháp vậy.

18/4

Nhận ra trên đường phố đan cài rất nhiều những mặt lính, cả những đại uý thiếu tá là thứ hồi trước chiến tranh rất hiếm.

Tôi nhớ đến những khoảng rừng. Ban đầu người lính đến đó trong tâm lý sống tạm bợ qua ngày. Nhưng rồi họ trở thành chính khu rừng.

Đánh nhau lâu, trở về Hà Nội, người lính ấy cảm thấy phố phường giờ hóa xa lạ. Họ đã là một thứ sản phẩm bị rừng núi “thuộc” đi, làm biến chất đi.

Họ không còn là họ nữa. Người ta bảo là họ trở nên tốt đẹp hơn. Cái đó có. Nhưng tôi còn thấy họ trở nên thực dụng, tầm thường. Một cái nhìn thân tình lúc này phải thấy đau xót.

21/4

Dạo này anh Nhị Ca hay nói với tôi về sự trả thù. Suốt những năm hòa bình, dân buôn bán bị dân cán bộ khinh rẻ. Họ bị gọi bằng cái từ mới xuất hiện mấy năm nay – phe phẩy. Thù nhau ngấm ngầm.

Nay đến thời chiến thì đám dân phe phẩy ấy báo thù, khinh lại dân cán bộ ra mặt. Đơn giản thôi, chỉ cần trông vào bữa cơm của hai gia đình một dân đen một cán bộ đang sống cạnh nhau là thấy ngay tại sao họ lại không muốn sống cạnh nhau.

Tôi nghĩ đến một cái gì đó, một thứ luận thuyết thâu tóm chung, gọi là quy luật của đời sống. Và tôi sẽ chứng minh là nước Việt Nam của tôi, do không chịu tuân theo những luật đó, cho nên không làm được gì. Hơn nữa, những quy luật bị dồn ép khiên cưỡng lại còn bật dậy trả thù người ta nữa.

22/4

Tự nhiên nổi lên trong đầu óc mọi người vấn đề quyền lực.

Cũng như các chủ đề khác, nó lại được khơi gợi từ thế giới bên ngoài.

Cuốn Trăm năm cô đơn bản tiếng Pháp được truyền tay và bàn luận. Tôi thấy mấy nhà văn thạo tin dẫn lại với nhau những câu mà các anh bảo là của nhân vật chính, đại tá Aureliano Buendia:

– Sự choáng váng về quyền lực trong ông đã trở thành những giờ phút bất mãn sâu sắc với ngay bản thân mình.

… Các mệnh lệnh của ông thi hành khi ông chưa kịp ban ra, thậm chí trước cả khi ông nghĩ ra, và lại được chấp hành vượt quá cả mức mà ông dám hành động.

-… Đi đến đâu, ông cũng gặp những thanh niên đón tiếp. Họ nhìn ông với những đôi mắt giống như đôi mắt ông, họ nói với ông bằng giọng nói giống giọng nói của ông, họ chào ông với lòng hoài nghi như ông. Họ chào và họ tự coi là con cháu ông. Ông cảm thấy một cảm giác rất kỳ lạ – hình như họ làm cho chính ông nhân tăng lên nhiều lần song chính vì vậy mà nỗi cô đơn càng trở nên nặng nề hơn, đau đớn hơn.

Chúng ta chiến đấu chỉ để giành quyền lực mà thôi…

…. Ông phải làm 32 cuộc chiến tranh, phải phá bỏ mọi điều quy ước với cái chết phải gục xuống trong vũng bùn vinh quang để có thể hiểu ra – tuy đã muộn gần 40 năm – sự quý giá của một cuộc sống bình thường.

Trên Bản tin tham khảo thấy có in bài một nhà báo Pháp nói về tình hình Việt Nam hiện thời

– Nước Việt Nam thường xuyên ở vào những điểm nóng của thế giới, đến nỗi họ tưởng rằng những tai vạ là ở ngoài vào, chứ không phải chính họ gây ra.

– Một dân tộc chỉ có thể phát triển trong sự cọ xát với các dân tộc khác. Người Việt Nam đang tự nhốt họ lại, và tôi ngờ rằng họ sẽ chết ngạt.

25/4

Đôi lúc, cảm thấy vào những năm này, chỉ có đàn bà là đáng sống. Đi trên đường Hà Nội, gặp những người đàn bà đạp xe một cách nhẫn nại, ra dáng một người chủ gia đình, chồng con sau lưng. Đã trưởng thành, nhưng còn đủ tuổi trẻ để tự trọng – họ diện một cách kín đáo, nhưng lại có cái dáng dày dạn, bất cần, xông vào mọi chỗ, giành lấy ánh sáng cho gia đình mình (gia đình là cái thể chế duy nhất mà những người này tự nguyện thờ phụng!).

Những người đàn ông giàu tham vọng hôm nay chẳng có mấy, và hình như chẳng làm ai ngạc nhiên. Những cố gắng hiện lên trên nét mặt làm cho họ có vẻ đầy ảo tưởng, nhưng nếu không có cái đó, thì họ lại rất thảm hại. Đàn ông ở xứ này chỉ là dấu hiệu của sự bất lực. Vì họ quá nhiều thất bại.

May mà cuộc đời bao giờ cũng có những người đàn bà, từ đó có một triết lý đàn bà.

– dẫu sao, cũng phải tận tuỵ với cái tình thế mình đang lâm vào, cam chịu chấp nhận

– Sống gắng gỏi nữa.

– Rồi nếu cần thì cũng diện, cũng ran rỉnh đùa bỡn như mọi người.

Triết lý đàn bà thường được hiểu là triết lý thực dụng với nghĩa tốt đẹp.

26/4

Vẫn chuyện xe bò. Ngày mưa, người điều khiển xe cuốn cái cạp nứa (vốn chuyên dùng để be thành xe cho tăng thêm sức chứa) thành một vòm mái che mưa, rồi ngồi núp dưới đó.

Giả sử như tôi làm nghề xe bò, hẳn tôi đã luôn luôn có đủ thứ mặc cảm. Mặc cảm tự hào nghênh ngang rằng mọi người cần đến mình. Mặc cảm bất cần. Chẳng ao ước gì cả. Ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu, chân đi đất ư, kệ – ngồi vào cái xe bò thì còn tính chuyện gì nữa?

Mưa. Năm nay thời tiết ngang trái. Tết thì nắng nồng oi bức. Nắng đến không có chỗ cho con người ăn diện nữa. Nắng không để cho những ý định cá nhân được mở mày mở mặt. Làm gì có chỗ cho những cái đó.

Và bây giờ thì mưa. Đầu hè, mưa hàng mươi hôm liền. Mưa đá rơi xuống khu vực người về chuẩn bị duyệt binh, những mái lều của người lính nát bung, trơ ra lần vải bạt bên trong.

Mưa trắng trời Hà Nội, ngập những đường phố bị trũng. Trẻ con đi học về lội bì bà bì bõm. Cô giáo đứng giữa ngã tư đường, cấm, doạ chúng nó mãi, chúng nó mới chịu thôi.

Mưa đã tàn phá một chút gì trên đường phố và trong tâm hồn những đứa trẻ đó (Tôi nhớ cái ý đến với tôi thuở nhỏ: mưa có khả năng “bộc lộ”, “lột trần tất cả”).

Nhưng thôi hãy nói cụ thể. Không đâu cho thấy tai hại của mưa bằng ở nhà máy điện. Máy móc không kịp che, mưa phá những đầu mối, những lò hơi, mưa gây ra sự cố điện cho cả thành phố – có buổi sáng, cả thành phố lạnh tanh.

Cuộc sống sau mưa. Thành phố sau mưa. Những con đường trơ đá sạch trắng. Lá mới rụng còn xanh đen. Năm nay, căn nhà lợp lá của gia đình tôi dột đến mức ngay sau cơn mưa phải láng tro trên mặt nền mới đi lại được, nếu không thì ngã như chơi.

27/4

Mấy chục năm nay, dân ta chỉ có phá, mà không lo làm thêm của cải cho xã hội. Cắm mặt xuống chả ai biết gì. Bây giờ, khôn lên, mới ngớ ra. Bao nhiêu sáng kiến được đưa ra khắc phục, nhưng ví dụ muốn làm thêm gian nhà ư, vật liệu đâu, lấy gì mà làm. Nói theo từ ngữ thời nay, chỉ cần tắc khâu vật tư, là nhắm mắt chịu.

Rút cuộc, kẻ có quyền thế nhất trong xã hội, trong mỗi cơ quan – là những người nắm phương tiện vật chất.

Và do lúc này người ta không cho những người ấy một vị trí xứng đáng, cho nên ở trong bóng tối, họ càng hoành hành tợn.

Tôi hiểu ra điều ấy khi làm cái công việc đơn giản của người con trai trong gia đình là tu sửa mái nhà tranh vách đất theo nghĩa đen, mà bố mẹ tôi đã làm từ 1952.

Tuần trước tôi đã phải xuống Phà Đen mua ít lá gồi về dọi lại chỗ dột. Mấy chủ nhật nay thì mượn cái xe ba gác bằng sắt ở cơ quan cùng hai cậu em ra sông Hồng xúc cát rồi kéo qua đường Thanh niên, theo đường Thụy Khuê qua trường Chu Văn An về nhà.

Theo lời khuyên của bà Tèo làm nhà máy bia lâu nay ở nhờ, chúng tôi đang lo thay các bức vách trát bùn ọp ẹp bằng tường gạch ba banh.

Đi xin than xỉ ở các nhà đun bếp lò rồi về giã nhỏ ra. Rồi mang trộn với xi măng cát và ép thành khuôn.

Việc đóng khuôn thì đã có cậu Đăng em tôi nhận làm.

Khó nhất là chuyện xi măng. May quá, khi mang việc này nói với anh em ở cơ quan, tôi được anh Doãn Trung tìm cách giúp. Anh Trung có người quen cũ là anh Ninh trước cũng là dân phiên dịch Trung văn nay về là ở Ủy ban dưới Ô chợ Dừa. Anh Ninh có thể giúp tôi mua ít bao xi măng Hải Phòng ở cửa hàng vật liệu xây dựng.

Mỗi lần đến anh Ninh lấy giấy giới thiệu ra cửa hàng, tôi không quên mang theo một tút thuốc Trường Sơn. Nó là tiêu chuẩn anh Trung chạy cho anh em trong cơ quan, thường tôi vẫn dùng để tiếp khách riêng. Lần nào anh Ninh cũng trả tôi tiền thuốc đầy đủ theo giá nhà nước.

Nhật ký chiến tranh (kỳ 23)

Vương Trí Nhàn

16/3

Đặc tính thấy rõ nhất của những ngày đầu hoà bình này là gì? Là mất phương hướng. Ít ra với tôi là vậy. Có lúc nghe nói có hoà bình thật. Ta có lực lượng mạnh mẽ để gìn giữ hoà bình. Có lúc lại nghe phổ biến khác. Chính thức mà cũng mập mờ, không biết là chiến tranh hay hoà bình. Hoặc hoà bình chỉ chắc ở miền Bắc. Còn ở miền Nam, vẫn là có thể thế nọ, có thể thế kia.

Continue reading “Nhật ký chiến tranh (kỳ 23)”