Nhật ký chiến tranh (kỳ 31)

Vương Trí Nhàn

23/8

Có đến bao nhiêu năm, tôi không chú ý gì tới mùa thu. Nhưng năm nay, tôi yêu quá màu hoa phượng còn sót lại khi cây lá đã lưa thưa. Tôi yên tâm đứng bên cửa sổ, nhìn những đoá hoa đại rơi trên đường. Buổi sáng vào thành để bơi, đạp xe trên những con đường vắng, phải cố tránh đừng chẹt vào quả bàng. Mới hôm nào lá bàng bắt đầu nẩy mầm mà hôm nay quả đã rụng, như từ lâu lắm đã chín lên như vậy.

Tôi yêu những buổi tối trong cơ quan vắng vẻ, cây cối hương hoa chợt thức dậy. Yêu những con đường sau cơn mưa. Những gì thuộc về ước ao bản năng của một người con trai, tôi hiểu là chính đáng, tôi không từ chối. Tôi bắt đầu cảm thấy tự hào vì cánh tay tôi mập khoẻ, thân hình tôi rắn chắc, tôi bắt đầu thích ăn mặc những bộ quần áo đẹp, để một kiểu đầu được mọi người chú ý. Tôi muốn yêu cuộc sống. Và cũng cần được cuộc sống yêu lại… Giá như tôi có một gia đình, một đứa con, tôi sẽ trông nom cẩn thận.

Nhưng tôi lớn lên vào những năm khốn khó quá chừng. Một cuộc sống êm đềm hạnh phúc và có tri thức là cuộc sống ở đâu kia, làm sao mà tôi với tới được… Chung quanh, toàn những chuyện vô học, bỉ ổi, lừa gạt, xoay sở. Nói một cách khái quát, thì thực tế cứ có những chỗ vênh váo, mà tôi không sao chấp nhận. Tôi có thể sống với Thảo nhưng Thảo đau yếu và bạc nhược thế, làm sao có hạnh phúc. Ngược lại bao nhiêu người con gái khác lại không có cái khôn ngoan và từng trải như Thảo. Làm sao vừa thoả mãn được cả những yêu cầu cụ thể của đời sống hôm nay lẫn yêu cầu hạnh phúc lâu dài? Làm sao vừa có bản năng, vừa có trí tuệ?

20/11

Những điều người ta viết ra đã ghê gớm.

Nhưng những điều con người chưa viết ra, lại còn kinh khủng hơn biết bao nhiêu nữa.

Ví như, có lẽ chưa ai viết về việc trong đời sống hôm nay, cái xấu nó lấn át, nó vây ép cái tốt ra sao. Mà đây lại là một tình hình có thật, ít ra là trong hoàn cảnh của quanh tôi hôm nay. Tôi đã được thấy những đám đông rối ren. Nhưng khi sự rối ren đã trở thành sự kiện thường xuyên trong một đầu óc, thì mới là đáng kể.

Ngay giữa hai người bất kỳ thôi, nhiều khi cũng có giời mà biết những gì hai người ấy nói với nhau.

4/12

Còn biết nói cách nào khác, nỗi kinh khủng của chiến tranh, nhất là một cuộc chiến tranh thất bại.

Một ít người ở chiến trường về, không biết làm gì, nhưng lại công thần, điệu bộ. Tôi biết họ có lý của họ, vào địa vị họ tôi cũng phải làm thế. Nhưng nghĩ trên cái đại cục cứ thấy có gì không phải.

Còn lớp người ở hậu phương là cả một đống hỗn tạp, kẻ xấu hoành hành người tốt cắn răng nhẫn nhục. Luôn luôn cảm thấy như một mắc nợ, mình phải nợ những người ở chiến trường về, trong khi họ gây ra bao nhiêu phiền phức cho mình, họ chẳng biết làm gì cả.

Giữa hai bên là một thứ tình cảm thù hằn ngấm ngầm.

Nhìn chung, con người bắt đầu sống theo quy luật của rừng, người nào cũng giương vây lên, xù lông xù cánh ra. Một người công an tát người lái xe già. Người lái xe bị xúc phạm dùng xe đâm chết người công an. Khi kẻ thù của mình ngắc ngoải, ông ta còn lao vào đâm một lượt nữa mới hả. Sau đó tự tử chết.

Chuyện ở đâu vậy? Chuyện ngay ở đây, những người cùng thành phố của tôi. Tôi ghê tởm cái thực tế này. Tôi biết chỉ có một cách sống là mềm ra như bún, là nhắm mắt nhắm mũi sống cho qua ngày. Nhưng tôi biết rằng sức lực của tôi bị bào mòn. Và sức lực của bao nhiêu người khác cũng bị bào mòn tương tự.

24/12

Bây giờ mới biết mùa đông là đẹp. Hỡi ôi, đến cái mờ nhạt lạnh lẽo của cuộc đời này cũng đẹp. Cây cối xác xơ. Trời đất ong ong tai tái. Những đốm đỏ trên đường, màu áo của bao nhiêu người, mà tôi đã thấy trong bao nhiêu năm, giờ đây lại càng hấp dẫn. Tôi yêu trời đất này không thể tả.

Nhưng mà sao, nghĩ sao về mảnh đất này, về những con người, mà hôm nay tôi gặp? Không thể yêu nổi, đó là cái cảm giác sau cùng, cái cảm giác quán xuyến về những người chung quanh tôi.

Rất đau khổ, nhưng không biết cách kết luận nào khác.

Sao mà đất nước này nghèo vậy. Vì nghèo mà sinh ra bao nhiêu chuyện – dốt nát, thấp hèn. Vì nghèo mà sinh ra tồi tàn, mưu mẹo, bẩn thỉu. Những gì ở một cái chợ. Những gì ở một đám học trò. Những gì ở câu chuyện ngồi lê đôi mách nơi các công sở. Tôi tưởng đáng lẽ người ta phải sống có văn hoá hơn và chăm chỉ hơn. Đúng thế, tôi tưởng thế nào cơ. Sao đi đâu cũng gặp những nghèo nàn và biếng lười, nó sinh ra bao nhiêu chuyện khác. Người ta không biết sống với nhau.

26/12

Những đêm lạnh, trời rét, cái rét ngấm vào phòng, và trừ những lần ngủ quên đi, còn thỉnh thoảng trong tôi cũng có những đêm như đêm nay. Tôi muốn thức đến sáng. Tôi như được đối diện với cả cuộc đời. Tôi miên man duyệt lại những cảm giác lớn nhất tôi đã trải trong cuộc đời này. Lòng ham sống, bất cứ thế nào cũng sống. Những bàng hoàng khi hé nhìn ra cả thế giới này. Sự tẻ nhạt. Sự bất lực. Một ít biến động nửa vời. Một ít thèm muốn trở đi trở lại dù biết là không bao giờ thỏa mãn.

Không, tôi không thể sống như ngày hôm qua nữa.

Nhưng không, tôi cũng lại không thể sống khác những gì tôi đã sống và đang sống.

Comments are closed.