Sài Gòn – Những ngày phong thành (8)

MỘT ĐÊM KINH HOÀNG

FB Ngọc Trang

Mãi cho đến hôm qua (11/7/2021), tôi vẫn chưa nghĩ mình sẽ là người trực tiếp trong cuộc chiến kinh hoàng này.

Khoảng 8h30 sau 2 ngày xét nghiệm, mình nhận được thông báo dương tính với covid 19. Ban đầu, cũng hơi mất bình tĩnh một chút nhưng khoảng 5p mình phải cố gắng bình tĩnh lại. Nơi trước tiên mình cần báo tin là cơ quan nơi mà càng có nhiều thời gian càng tốt để xử lý tất cả các công việc để không ảnh hưởng tới bất kì một hoạt động nào của chung. Sau đó, mình bắt đầu dọn hành lý và nhờ những ng bên ngoài mua thuốc, khẩu trang, sát khuẩn…

Hai chiếc vali đầy ắp đồ nhưng hôm nay khác lạ, không còn là những chuyến du lịch, không còn là tấm vé trên tay để bay đến những nơi thật xa mà mình mong muốn nữa. Mà đây là chuyến đi mà cả bản thân và tất cả mọi người yêu thg mình đều không biết điểm đến tiếp theo là ở đâu? Và bao lâu thì bắt đầu cuộc hành trình có lẽ 21 ngày hoặc hơn thế nữa.

Mình bắt đầu nhận được vô vàn cuộc điện thoại, hàng trăm tin nhắn của tất cả mọi người hỏi han, xử lý điều tra dịch tễ. Liên tục không ngớt những cuộc điện thoại. Mình cố gắng ăn miếng cơm vào lúc tầm 11h nhưng thực sự không thể nào nuốt nổi. Vì bình thường ăn cơm gạo lứt, sáng nghe tin chỉ kịp kéo cái nồi cơm vào phòng và ăn đồ ăn mẹ nấu sẵn gửi lên. Hâm bằng lò vi sóng. Không dám ra bếp để nấu ăn vì trong phòng vẫn còn bạn, mà nó lại có kết quả âm tính. Bản thân lúc đó bình tĩnh nhưng mình thực sự lo lắng cho bố mẹ, mẹ nghe tin thì khóc và mình thực sự sợ mẹ cao huyết áp, ba thì ngồi một góc và gửi cho mình những tin nhắn dài sọc để nhắn nhủ (điều mà chưa bao giờ ba làm mặc dù mình biết ba rất thương con. Nhưng do ba là một người nghiêm khắc nên sẽ chẳng bao giờ làm chuyện đó). Mình không dám đọc kỹ vì sợ bản thân sẽ yếu lòng vào thời điểm mà mình cần mạnh mẽ nhất. Mình gọi một cuộc video call để bố mẹ thấy mình vẫn khoẻ và bình thường. Đến tầm 4h chiều thì bé em ở chung phòng bên đã nấu được cho mình tô cháo, cũng cố gắng nuốt chứ thật sự cũng chẳng biết đói khát nữa. Lúc này y tế phường cũng có những cuộc gọi dày hơn, và mình bắt đầu hơi lo. Tắm rửa sạch sẽ và ngồi rep tin nhắn tiếp. Khoảng 6h20 thì mình bước ra ngoài nấu miếng gì đó, tính ăn để có thể bị lôi đi bất cứ lúc nào và cũng tính up fb để mọi người thấy mình vẫn ổn. Nhưng đời không như là mơ :(((, vừa xào xong rau và chiên xong miếng sườn thơm phức thì quáo quáo quáo, xe cấp cứu đến đưa mình đi. Mình phải bỏ lại, vào thay đồ và gom sạc điện thoại và những thứ còn lại bỏ vào balo. Và sự kinh hoàng cũng bắt đầu từ đây

Kéo vali ra khỏi phòng, bước xuống sân và bắt đầu mặc đồ bảo hộ. Mắt mình cận không nặng, nhưng mà vừa kính cận vừa kính bảo hộ, khẩu trang và bộ đồ kín mít nó làm mờ mắt mình. Mồ hôi bắt đầu xuất hiện. Mình đứng trước cổng nhà tầm 15-20p mới bắt đầu lên xe đi. Bước lên xe cứu thương, lần đầu làm chuyện ấy. Ngồi trong chiếc xe cứu thương mình bắt đầu thấy sợ. Chiếc xe cứu thương di chuyển tiếp đến một điểm phong toả nữa đón vài người. Điểm đón đó có một em bé tầm 1 tuổi. Tiếng cấp cứu lẫn tiếng khóc của đứa trẻ vì nóng làm mình ám ảnh. Chiếc xe tiếp tục đến một điểm nữa, tại điểm này xe đón 1 cậu nhỏ tầm 15t và 2 cụ già tầm 80-90t. Và lúc này mình bắt đầu không có chỗ ngồi nữa. Mình buộc phải ngồi trên chiếc vali của mình, và tựa vào cửa sau của chiếc xe. Lúc đó mình chỉ nghĩ là cầu cho chiếc xe có cái cửa chắc chắc chứ không mình sẽ văng ra khỏi xe mất. Ngồi trên xe tầm 7p nữa, mình đến điểm tập kết. Nơi đây là lề đường Vườn Chuối, mờ mờ mình nhìn thấy địa chỉ 84 Vườn Chuối, p4, quận 3. Mình đem vali xuống, chọn 1 vị trí ít người, và có bức tường để dựa vì mình biết sẽ còn ngồi ở điểm này khá lâu. Mình đặt cái ghế, dựa vào tường ngồi cố thủ. Vì đến đây lúc này, có tầm 20-30 người đã ngồi ở đây từ lúc nào không biết. Ở đây, tập trung toàn những ca dương tính nhưng không có biểu hiện như mình và mọi người rất nóng. Lúc này người mình ướt như đánh tennis 2 game vậy  Mọi người bắt đầu tụt khẩu trang, cởi đồ bảo hộ :(((( thậm chí có những ng hút thuốc. (Vì họ nghĩ tất cả đều dương tính như nhau). Mình cũng bắt đầu thấy đói và khát nước. Nhưng mà thực sự không dám lấy nước và thức ăn trong balo ra vì sợ virus bám vào, không dám gỡ khẩu trang để uống. Ngồi đây tầm 1 tiếng nữa, mình thấy có 1 xe 45 chỗ đến, mình tưởng được lên xe đi đến điểm cách ly. Nhưng không mọi người ạ, mình được đọc tên mang hành lý tự vác lên xe. Trước khi bỏ hành lý lên thì xịt khuẩn cả người cả hành lý. Người mình vừa ướt vì mồ hôi, vừa ướt vì nước xịt khuẩn. Xong mình lại kiếm 1 chỗ vừa ít người vừa có thể nghe anh y tế nói gì. Bây giờ mọi người bắt đầu phẫn nộ, chửi bới, chửi thề, tiếng khóc, tiếng thở dài, tiếng những người live stream inh ỏi :((( bây giờ con số không phải 20-30 người như lúc nãy nữa, mà nó tầm đâu đó khoảng 70-90 người. Càng chửi bới thì lại càng không xử lý được, náo loạn cả lên và mình lại ôm ghế chạy xa hơn 1 chút nữa. Giờ mình cũng thấm mệt rồi, mình ôm cái balo rồi vô vọng nhìn mọi người chửi bới.

Tầm 11h, mình được lên xe. Trên xe thì không thể né người ta nữa rồi, buộc phải ngồi chung. Lên xe xịt khuẩn tiếp. Ướt thêm miếng nữa, nhưng không sao vì trên xe có máy lạnh. Chưa kịp mừng được bao lâu, cô kế bên mình ớn lạnh nhờ tắt máy lạnh :((, cô bắt đầu gần như xỉu. Nhưng vẫn hung hãn la lối lên là “tôi sắp xỉu rồi đấy” vì lên xe ngồi chứ xe có chạy đâu. Tầm 30 phút sau xe cũng bắt đầu chạy, mà hoang mang tột độ vì mình liên tục nghe chú tài xế bảo không biết đường, cứ đi thôi còn “đi đâu còn lâu mới biết”

Nhưng tầm 20p trên xe nữa, xe dừng lại ở một điểm mình thấy cái chung cư mờ mờ, mắt bắt đầu cay vì mồ hôi ngày càng nhiều. Ngồi trên xe mất độ 10-15p nữa. Mình được xuống lấy hành lý, xếp hàng xịt khuẩn. Ướt tập 3. Nhưng tưởng đâu được lên phòng, ai ngờ đời lại không như là mơ. Xếp hàng đứng, mãi chả được lên phòng. Bà cô lúc nãy bắt đầu sốt, khó thở và sắp ngất. Sau đó mọi người được di chuyển đến gần thang máy, lúc này vẫn còn tiếng chửi bới. Hỗn loạn tiếp tục xảy ra, nhân viên lạc hồ sơ, không biết cách xử lý như thế nào cho ổn. Loạn xạ hết lên, và mình bắt đầu nản. Lúc này chỉ ước có ly trà đá thôi. Mắt mình cay nhiều hơn và mình bắt đầu mất liên lạc với mọi người do đang ở hầm xe nên không có sóng điện thoại. Sau 1 tiếng đồng hồ, vừa lươn lẹo vừa ngoan hiền mình được lên phòng. Tưởng hạnh phúc ở đây, nhưng một lần nữa, đời lại không như mơ. Chung cư mới, người ta mới quét sơ thôi, vẫn còn bụi, không có nước sinh hoạt. Có ghế bố, không có quạt. Và điều đáng ngại nhất là nếu nằm trong phòng mình sẽ bị mất liên lạc. Mình được sếp ở chung với 1 chị bầu, 1 cô bị khiếm thị có 1 người con đi theo, một anh thanh niên và 1 chú tầm 50t trong 1 căn chung cư 2 phòng ngủ.

Mà thôi, mình chịu khó vậy chứ k có sự lựa chọn, ra hành lang ngồi tí để thông tin tới gia đình và bạn bè là mình đã đáp để cho mọi người đi ngủ rồi mình tính tiếp. Sau đó mình uống miếng nước, ăn trái chuối, 2 trái măng cụt và sử dụng khăn giấy ướt để lau chân tay. Kết thúc đêm kinh hoàng đầy ám ảnh.

Hiện tại mình vẫn không có nước để sinh hoạt :((

MÌNH CHỈ MUỐN KỂ ĐỂ MỌI NGƯỜI THẤY KINH DỊ MÀ BẢO VỆ BẢN THÂN, GIA ĐÌNH. CHỨ NHƯ MÌNH SẼ RẤT KHỔ ẤY

clip_image016

Mình mặc đồ để đi

clip_image018

84 Vườn Chuối

clip_image020 clip_image022

Mọi người hỗn loạn Tiếp tục hỗn loạn

clip_image024

Xếp hàng để nhận phòng

clip_image026

Đến rồi, nằm đây sẽ mất sóng

SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ SÁU

NHỮNG CHUYỆN LINH TINH

FB Do Duy Ngoc

Đã bước qua ngày thứ sáu, mọi sự cứ rối tinh lên. Trong môn cờ tướng, người chơi giỏi là đi một nước đã nghĩ ra bốn, năm nước khác hoặc hơn nữa. Kẻ chơi kém là người đi một nước biết một nước, không nghĩ được bước tiếp theo, xem là non cờ. Trong mọi chuyện của cuộc đời cũng thế, nhất là việc điều hành cả một công ty, một thành phố hay một đất nước. Cái đó thời nay gọi là tầm. Tầm đi cùng được với tâm thì quá tốt. Tiếc thay, trong vụ chống dịch hiện nay ở Sài Gòn, bộ sậu điều hành thiếu cả hai thứ đấy. Tầm thì chỉ nghĩ được tới có một ngày, nhiều khi chỉ nửa ngày. Chỉ thị, thông báo thay xoành xoạch. Cán bộ cấp dưới chạy bở hơi tai vì những thay đổi ấy. Rồi dẫm chân nhau, ông nói gà, bà nói vịt. Vừa đưa ra thông báo bỏ chốt chặn, chưa kịp thi hành thì lại có tin là chỉ thay đổi cách quản lý. Bỏ chốt chặn nhưng dây vẫn giăng, kẽm gai vẫn rào, chướng ngại vật quăng đầy ngõ xóm khi phát hiện F0. Hôm trước mọi người vẫn đi làm bình thường, chỉ xuất trình giấy, hôm nay lại bảo chỉ có cơ quan, nhà máy có đủ điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho nhân viên, công nhân ở lại ngay nhà máy được hoạt động. Chỉ có đơn vị nào có xe đưa rước nhân viên, công nhân từ A đến B thì tiếp tục, còn không thì đóng cửa tất. Thế là đã bắt đầu hi sinh việc phát triển kép rồi, đành thế thôi. Nhưng vấn đề đối với các xí nghiệp, nhà máy đã ký những hợp đồng dang dở, giờ đành bỏ à? Kéo theo đó hàng loạt công nhân thất nghiệp, họ sẽ sống ra sao. Chính sách hỗ trợ mấy chục ngàn tỷ của chính phủ mới đến được 40.000 người được thụ hưởng theo báo cáo của Sở Lao động thành phố. Chỉ cần một tuần không làm ra tiền, nhiều người, nhiều gia đình trở thành kẻ thiếu ăn. Hôm trước muốn đi đến đâu phải có giấy xét nghiệm âm tính chưa quá 3 ngày, rồi rút xuống 1 ngày, rồi bỏ. Tốn biết bao nhiêu là tiền.

Nghe tin nhà nước đang tính đến chuyện F1 theo dõi tại nhà, đó là giải pháp tốt nhất đáng lẽ phải làm lâu rồi, ta lại cứ duy ý chí tập trung cách ly. Giờ tình hình ở các trung tâm cách ly đã quá tải rồi, đã loạn lắm rồi. Rất nhiều trung tâm không đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu, cũng không đủ nhân lực để quản lý và chăm sóc. Họ trở thành như những tù nhân, tự xoay xở để sống. Ăn cơm tập thể thì không nuốt nổi dù tiêu chuẩn 80.000 đồng một ngày. Thì thôi cũng đành chấp nhận, thiếu thì có người nhà gởi vào thêm. Chỉ lo bệnh không có thuốc, không có người cứu chữa và hậu quả là trung tâm cách ly thành ổ dịch. Những con số ngàn hàng ngày nhiễm bệnh được công bố đều từ những khu cách ly. Đã có biết bao nhiêu tiếng kêu, tiếng khóc từ khu cách ly nhưng nhà nước đành bất lực. Bây giờ, nếu tính cho phép F1 cách ly tại nhà, mở cửa cho họ trở về nhà tự theo dõi. Nếu không có phương án hợp lý lại gây hỗn loạn xã hội. Thiết nghĩ phải cho về từng đợt chứ không mở toang cửa cho ai về nhà nấy được. Nếu làm thế sẽ bị ngoài vòng kiểm soát, thành phố sẽ loạn mất.

Khi một khu vực có người bị nhiễm bệnh, dù ngày hay đêm và thường là ban đêm, còi hụ inh ỏi, loa hét oang oang xôn xao cả góc phố, con hẻm nhỏ. Người mắc bệnh bị giải đi như tội phạm và sáng hôm sau người ta phong toả bằng dây giăng, bằng dây kẽm không lối ra. Nhỡ như có chuyện như nhà cháy, người đau ốm thì đành bất lực đứng nhìn. Phong toả bằng dây kẽm nhìn không khác gì lô cốt quân sự thời chiến tranh, như cơ quan không phận sự cấm vào. Đội ngũ dân phòng, công an đôi khi nguyên tắc quá, hung hăng quá khiến cho việc giữ an ninh trật tự dễ đưa đến xô xát, mâu thuẫn, khiến cho bản thân người bị nhiễm dịch có cảm giác như mình là tội phạm.

Dù trong tình hình dịch bệnh, con người cũng phải ăn, phải uống để sống. Xã hội cũng cần có nơi cung cấp thực phẩm cho dân. Chọn cách chỉ mở cửa các siêu thị mà cấm tuyệt đối những nơi mua bán nhỏ lẻ có thể là một phương cách sai lầm. Siêu thị là nơi dễ truyền bệnh nhất. Nội chuyện chen nhau gởi xe lấy xe cũng đã là truyền bệnh được rồi, lại còn vào trong không gian bít bùng máy lạnh. Nên cho phép bán hàng ở nhà vì không khí thoáng hơn, số người mua ít hơn lại giúp cho người bán có kiếm được đồng ra đồng vào trong cơn khốn khó mà người mua cũng tiện lợi trong việc kiếm cho mình bó rau, quả trứng qua ngày. Nếu cứng nhắc quá trong việc giãn cách chỉ khó cho dân. Vừa rồi xuất hiện các bài báo và clip trên mạng tường thuật cảnh xông vào nhà, bắt người, tịch thu mấy bó rau, mấy củ cải ở một căn nhà dân ở quận Hai thấy quá phản cảm, sử dụng bạo lực cách mạng trong thời điểm này là không cần thiết. Làm như thế khiến mọi người có suy nghĩ và đặt câu hỏi ta đang chống dịch hay chống dân đây?

Sài Gòn mấy hôm nay đã xuất hiện ở những ngôi nhà góc phố, những căn nhà trong hẻm nhỏ mở cửa he hé để bán hoặc tặng rau củ cho người dân đang cần với những đôi mắt lấm lét như người buôn hàng quốc cấm và người đến mua, đến nhận cũng nhìn trước ngó sau như người mua bán bạc giả. Buồn thay! Rất nhiều người có tiền vào siêu thị nhưng cũng rất âu lo và cũng tốn rất nhiều thời gian nên họ ngại. Người nghèo thì chẳng vào đó là đúng rồi, tiền đâu nữa mà mua.

Những gia đình có người bị nhiễm dịch mà gọi, mà báo có xe đến là may lắm rồi, dù rất căng thẳng. Có rất nhiều người nhiễm dịch gọi phường, gọi y tế mà không được trả lời, hay chỉ nhận được lời từ chối vì không còn chỗ nào nhận. Nghe đoạn audio đang râm ran trên mạng, nghe trao đổi mà thương cho cả hai bên. Một bên là người nhà nhiễm nặng, yếu rồi. Một bên ra sức phân trần như muốn khóc mong thông cảm vì bất lực, không còn chỗ nào chứa. Cậu em tôi bị dính cả nhà, bản thân đã xỉu vì yếu lắm rồi nhưng gọi phường thì phường cho số gọi y tế. Năm lần bảy lượt mới được nghe máy với lời bảo rằng nếu liên lạc được với bệnh viện nào nhận thì y tế sẽ cho xe đến chở đi. Đành phải sử dụng mọi quan hệ để tìm được bệnh viện nhận và nhập viện trong tư thế cấp cứu. Xe chở đi phải trả 1 triệu đồng, cũng chấp nhận vì nghĩ cũng hợp lý, tiền xăng, tiền lương tài xế, tiền chi phí nên cũng chẳng thắc mắc gì. Tất cả những hiện tượng đó nói lên điều gì? Sự quá tải. Không chỉ thiếu giường bệnh mà khó nhất bây giờ là thiếu nhân lực. Thiếu từ bác sĩ, y tá, điều dưỡng cho đến nhân viên, lao công. Đội ngũ này đã trân mình phục vụ gần hai tháng nay, đã có dấu hiệu kiệt sức và stress. Họ khó mà tiếp tục chiến đấu. Các thiết bị bảo hộ cũng tình trạng thiếu, một bác sĩ, Tiến sĩ, Phó Giáo sư đã lên face kêu gọi mọi người hỗ trợ và đã có hơn trăm triệu gởi về để mua thêm trang bị cho đội ngũ y tế. Tình hình đã có những báo hiệu không ổn. Thiếu vaccine thì đúng rồi vì ta thiếu chuẩn bị nhưng thiếu khẩu trang và bộ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế làm việc phải kêu gọi đóng góp thì bó tay rồi.

Trước những khó khăn và bất lực của nhiều bộ phận, con virus Vũ Hán lại không nguy hiểm bằng con virus sợ hãi đang hình thành trong đại bộ phận nhân dân và cả ở lãnh đạo. Con virus sợ hãi xuất phát từ những lúng túng trước những chuyển biến của dịch bệnh của bộ phận lãnh đạo, trước những tin thật, tin giả tràn lan, trước những khu cách ly và bệnh viện quá tải, trước những hàng rào và không khí căng thẳng trong gần 800 điểm có dịch của thành phố. Chính con virus sợ hãi này làm cho đại bộ phận nhân dân lo âu vì không biết tình hình dịch rồi sẽ đi đến đâu và lúc nào sẽ dừng lại. Chỉ mong dừng chứ chắc là không thể chấm dứt và loài người đành phải sống chung với nó một thời gian rất dài nữa. Cho nên mọi khẩu hiệu đã trở thành lỗi thời và vô ích. Tương lai, kẻ nào, thế lực nào nắm được loại vaccine, loại thuốc hoàn hảo khống chế được con virus quái ác này, kẻ ấy, thế lực ấy sẽ điều khiển được cả thế giới, thống trị cả nhân loại.

Những biện pháp hôm nay nhà nước gọi là giãn cách. Nhưng mà cấm người đi, cấm buôn bán, cấm tụ tập là phong toả chứ sao gọi là giãn cách. Cứ gọi đúng tên thì có sao đâu?

Nhiều tin thật giả chen nhau tới tấp xuất hiện báo rằng bắt đầu từ ngày 15.7, tình hình sẽ căng thẳng hơn, dịch bệnh ở thành phố sẽ lên cao điểm trong hai tuần nữa. Thành phố sẽ đóng cửa triệt để. Và từ bây giờ, các kho hàng, bến bãi sẽ đóng lại. Mai mốt sẽ cấm hẳn chuyện chuyển lưu hàng hoá, cuộc sống rồi sẽ thế nào đây? Sẽ kéo dài bao lâu nữa? Không chỉ đội ngũ y tế bị stress mà người dân kể cả trẻ con, người già cũng sẽ bị stress tập thể. Khi cơn dịch này đi qua, chắc chắn mỗi chúng ta sẽ sống khác, suy nghĩ khác và nhìn cuộc đời cũng khác đi nhiều. Cả xã hội đang stress, con virus Vũ Hán quanh quẩn khắp nơi và con virus sợ hãi đang xuất hiện trong lòng của mỗi người. Đây là lúc cần thiết các phương tiện truyền thông làm nhiệm vụ để trấn an mọi người, cũng là lúc những lãnh đạo chấn chỉnh lại cách chống dịch để cho dân có thêm lòng tin. Muốn thế, tất cả phải sáng suốt, sống có ý thức hơn và cố gắng chịu đựng những khó khăn trong những ngày sắp tới. Tất cả đang còn ở phía trước, mong mỗi ngày con số dịch bệnh được công bố càng lúc càng đi xuống và niềm hi vọng càng lúc càng được tăng lên.

14.7.2021

Ngày thứ năm Sài Gòn lockdown

DODUYNGOC

LỜI YÊU CẦU

FB Bác sĩ Phan Xuân Trung

clip_image028

TRIỆU CÁI BÁNH, TRIỆU YÊU THƯƠNG GỬI TP HỒ CHÍ MINH

Truyền hình Thừa Thiên Huế TRT

Trở lại với những hoạt động hướng về tâm dịch TP Hồ Chí Minh. Trong những ngày này, chưa bao giờ cả nước lại hướng về miền Nam như lúc này để chia sẻ với những khó khăn của người dân có thêm động lực và sức mạnh vượt qua khó khăn của đại dịch. Triệu cái bánh, triệu yêu thương là chương trình được nhóm “Ong du kí” phát động để gửi vào TP HCM chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn đang thực hiện giãn cách xã hội tại vùng dịch. Chỉ một tuần phát động, đúng như tên gọi của chương trình, rất nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ hàng triệu chiếc bánh, gửi niềm yêu thương của người Huế đến với TP Hồ Chí Minh.

MỘT TRỜI YÊU THƯƠNG

FB Joseph Le

Hơn 2 giờ sáng mới đi ngủ. Anh em phải vất vả, bở hơi tai khuân vác một xe hàng cả chục tấn chanh do cha sở và bà con Mỹ Trung-Mỹ Tho gửi tặng bà con Sài Thành đang oằn mình chống dịch.

Một trời yêu thương được thể hiện khi anh chị em thiện nguyện Phú Hạnh chẳng ngại đêm khuya khuân vác nặng nề, mồ hôi vã như tắm, mà có trẻ trung gì đâu. Đa số trên từ 4- trên 5 bó cả rồi.

Một trời yêu thương được thể hiện khi cha sở và bà con Mỹ Trung vất vả đi thu mua, thu hái, vất vả khi bốc hàng lên dưới trời mưa tầm tã. Chưa hết lại còn phải liên hệ vất vả nữa để có giấy phép vận chuyển hàng ra khỏi Nhà thờ đến được tận nơi.

Tất cả nỗi vất vả nhọc nhằn ấy không ai bị bắt buộc phải làm cả. Trong lúc dịch bệnh này anh em có quyền nằm nhà ôm vợ ngủ khỏe mà, anh em cũng đang là nạn nhân của cơn dịch này mà, đâu sướng hơn ai. Ông cha có quyền ngủ khò không lo gì vì giãn cách đâu phải lo việc mục vụ hàng ngày. Thế nhưng, tất cả đều sẵn sàng vất vả hy sinh chỉ vì yêu. Yêu bà con mình lầm than, khốn khổ bởi dịch bệnh. Yêu bà con nông dân lao nhọc trồng trọt mong tới ngày thu hoạch để có nguồn lợi sinh sống nhưng rồi cũng vì dịch bệnh rau củ, hoa trái không tiêu thụ được.

Trên hết, tất cả xuất phát từ một đức tin vào Chúa Giêsu, Đấng đã mời gọi : "Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi.” (Mt 11, 28-29). Trong lúc vất vả vì mọi người, gánh lấy gánh khổ đau của mọi người này, Chúa luôn nâng đỡ bổ sức thì còn ngại gì nữa chứ. Chúa chính là sức mạnh.

clip_image030

clip_image032

clip_image034

clip_image036

clip_image038

THÁNG BẢY SÀI GÒN

NGÀY THỨ 7

Hoàng Kim Oanh

 

mở cửa để biết đêm vừa hết…

nhà nhà im. lặng lẽ phố mưa bay

quét sân quét nhà để nghe chổi reo vui

việc thường nhật. ừ cứ thường nhật thế

giữa thinh không bất chợt vẳng tiếng gà

hoá ra ngày còn đón được ngày thêm…

 

tội nghiệp đêm luôn khoác nhiều khuôn mặt

tháng bảy sài gòn không có giấc mơ ngoan

vật vã đêm qua giữa vùng giãn cách

xét nghiệm chiều nay nơm nớp lo âu

ai sẽ âm-dương, ai F0, F1…

trong 2229 ca kỷ lục vừa cộng gộp hôm nay

corona hay delta quái quỷ

đêm sẽ thiên thần hay đêm phù thủy

xé ta ra khỏi cái bình thường

quăng quật tả tơi “tội đồ” thế kỷ

những phận người sau con số vô tri

mưa tháng bảy cũng không ào ạt nổi

rả rích buồn thầm lặng giữa đêm hoang

 

mở cửa để biết đêm vừa hết

phố mờ xa trời ấm áp ánh vầng dương

thêm một đêm ngủ thức giữa trùng vây

nhớ tiếng rao hối hả giục đầu ngày

cà rốt dưa leo khổ qua bầu bí

khoai lang khoai mì bắp luộc chuối luộc đậu phộng nấu đơơiii

xôi khúc xôi đậu xanh chưng giò giò chưng đâââyyy

(Ủa luộc nấu khác gì sao bữa nay mới bật cười ngẫm nghĩ…)

xóm nhỏ rộn ràng ngày mới mọi âm thanh…

giờ thảng thốt xe cứu thương gào rú

xe loa phường như thời chiến gọi toàn dân vào hầm trú ẩn. vừa răn đe mà cũng vừa năn nỉ

hãy ở yên trong nhà bà con ơi cùng thành phố chống dịch

hãy ở yên trong nhà thực phẩm sẽ không khan…

những tiếng loa loa vang hoà vào không khí

cơn sốt người người vẫn sấp ngửa cuộc tồn vong!

 

tháng bảy sài gòn sáng nào cũng mưa bay

hoa trước nhà vẫn thì thầm hương sắc

vỗ về tôi. tất cả sẽ qua thôi

những con số đang tăng rồi phải giảm

bảy ngày rồi. quay quắt giữa mê cung…

tôi lạc mất mình theo nổi trôi tin buồn tin xấu mang theo từng cảnh đời cảnh khổ

tôi lạc mất tôi trong cơn bệnh tưởng

đau đớn phận người không biết sẽ về đâu

 

ngày thứ 7 sài gòn từ trong vòng phong tỏa

phố vẫn im lìm ôm sục sôi bức bối rã rời phấp phỏng

không muốn đọc mà từng con số IP update tin nhảy múa không ngừng mẫn cán đều đặn sáng trưa chiều tối

(6:00 sáng nay 15.7 SG đã 603/805 ca)

thương những tấm lòng thêm một ngày tất tả

chia sớt ân tình túi gạo bó rau bữa cơm nụ cười tình thương hy vọng

tôi biết gần xa tình người nghĩa bạn

vẫn cùng tôi thao thức với sài gòn

 

thêm một ngày. ừ biết một ngày thêm.

 

14.7 ngày kỷ lục 2934 ca

15.7.2021

TĂNG GIÁ LÊN – KÉO GIÁ XUỐNG *

FB Tran Phi Tuan

Sài Gòn năm 1986. Giá cả tăng lên từng ngày mà tiền mặt lại khan hiếm, sản xuất đình trệ Khắp nơi chính quyền các cấp kêu gào: Kéo giá xuống.

Giới chuyên gia tìm cách lí luận: Tiền chỉ thiếu trong ngân hàng nhưng thừa trong dân”. “Phải tăng cường giám sát tiền mặt”, “hạn chế phát hành tiền mặt ra lưu thông”, “Kiểm soát chặt chẽ lưu thông hàng hóa, chống đầu cơ tích trữ, tăng cường quản lý thị trường’…

Thoạt nghe, về mặt lý luận, các giải pháp trên rất ổn. Nhưng khi áp vào thực tế, chỉ làm trầm trọng thêm. Chính sách Giá – Lương – Tiền thời đó khiến cho lạm phát của Việt Nam năm 1886 lên đến 774%.

Nhóm Thứ Sáu nhóm họp sau khi được Thành ủy đề nghị nghiên cứu giải pháp kéo giá xuống. Khi ông Phan Chánh Dưỡng truyền đạt yêu cầu này, ông Hồ Xích Tú trầm ngâm đặt câu hỏi: Ta lấy cơ sở nào nói rằng giá hiện nay cao mà phải có biện pháp kéo giá xuống?

Câu hỏi đó làm dấy lên một cuộc tranh luận hết sức sôi nổi. Anh Huỳnh Bửu Sơn đặt vấn đề: Cần phải có một bản so sánh sự biến đổi giá của nền kinh tế VN qua các thời kỳ.

Vậy là, bắt tay vào làm. Chia các nhóm hàng làm 5, lấy giá thị trường làm căn cứ, mốc chuẩn so sánh tỉ giá là năm 1986 và và 1973, vốn khá tương đồng nhau (1 USD năm 1973 ăn 493 VND, và 455 năm 1986).

Vậy nên kéo giá xuống hay đẩy giá lên? Câu hỏi này một lần nữa trở thành Hoa sơn luận kiếm giữa các cao thủ thực chiến. Và giữa cơn tăng giá không ngừng nghỉ của hàng hóa, kết luận TĂNG GIÁ LÊN, của nhóm khiến cho giới chính quyền thất kinh.

Điều may mắn là Nhóm Thứ Sáu đã thuyết phục được lãnh đạo thành phố lúc đó là ông Năm Nghị và ông Hai Chí. Hai ông này lại gửi kết quả cho ông Sáu Dân, lúc này là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ở Hà Nội, và thế là các chuyên gia kinh tế Xì Goòng có dịp ra thủ đô.

Anh Huỳnh Bửu Sơn đã trình bày với ông Võ Văn Kiệt, khá nhiều vấn đề, trong đó, bằng các con số thực tế, chứng minh tình trạng ngăn sông cấm chợ làm lệch lạc giá cả. Chẳng hạn, giá khoai mì chỉ 50 xu ở Ban Mê Thuột nhưng lại lên đến 2 đồng ở Sài Gòn. Các vấn đề về giá, lương và tiền được phân tích cặn kẽ trước sự chăm chú lắng nghe của ông Sáu Dân.

Sau cuộc đó, nhóm sĩ phu Sài Gòn được các sĩ phu Bắc Hà mời đi trình bày tại Ngân hàng Nhà nước, tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (lúc đó là cơ quan ngang Bộ, rồi Bộ Ngoại Giao…

Kết quả của chuyến thượng kinh thật rõ ràng khi trên đường đoàn về miền Nam bằng đường bộ, từ Hà Nội đến Sài Gòn gần 2.000km đã không còn chốt kiểm soát nào.

Nhìn lại, Sài Gòn thêm một cuộc đổ xô đi mua hàng, hàng khan, giá tăng lần này, không phải do chính sách giá lương tiền gây ra, mà sự hỗn loạn là do chiến lược chống COVID-19.

Có rất nhiều vấn đề thiếu chuyên nghiệp cả về cách làm, chiến lược, cũng như xử lý tình huống cấp bách hay xử lý khủng hoảng.

Bí thư Nguyễn Văn Nên đã có cuộc gặp gỡ các chuyên gia, dù nhận được nhiều lời cười chê, nhưng đó cũng là một tín hiệu đáng mừng.

Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, huống chi giới chuyên môn, khoa học, trí thức, những người có tâm huyết, cùng thương, cùng đau vì thành phố.

Đặt câu hỏi đúng và nghiên cứu, thảo luận “trúng” về câu hỏi sẽ giúp cho đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp. Vì thế, tập hợp chuyên gia, cũng phải là những vị practical, tránh những lý thuyết, lý luận, cả về chống dịch lẫn phát triển kinh tế.

Thực tiễn của thành phố chứng minh chính những bức xúc, cũng như “vượt rào” từ bên dưới đã thôi thúc và trở thành động lực cho Đổi Mới, chứ không phải áp các chính sách duy ý chí từ trên xuống (top-down).

Và chống dịch là vấn đề khoa học, chứ không phải tâm linh, phong thủy!

Chú thích:

* Tựa đề do Văn Việt đặt.

 

CUỘC THI : SÀI GÒN HẾT GIÃN CÁCH, MÌNH LÀM GÌ ĐẦU TIÊN?

FB Chuyện Sài Gòn

Sài Gòn, những ngày giãn cách, đường xá thênh thang, hàng quán vắng lặng, tiếng cười nói, tiếng rao hàng rong, tiếng xe cộ ồn ào.. những âm thanh quen thuộc đó, đã đi đâu cả rồi. Sài Gòn, những ngày giãn cách, chỉ mong thành phố sớm trở lại bình yên, chỉ mong được thoải mái ra đường mà không cần phải cách xa 2 mét, chỉ mong được vào rạp phim với bịch bắp rang nóng hổi, thèm một ly trà sữa quen thuộc,thèm một buổi tối lê la ngoài phố đi bộ. Nhất định, ừ nhất định, mình sẽ uống một lúc 2 ly trà sữa full topping mà không đắn đo về độ đường đá nữa, thèm lắm rồi, việc đầu tiên của mình khi Sài Gòn hết giãn cách là vậy đó.

Còn bạn, bạn sẽ làm gì đầu tiên? Tham gia cuộc thi chia sẻ cùng Chuyện Sài Gòn nhé, chúng mình rất mong được nghe những câu chuyện của bạn. Thể lệ chi tiết như bên dưới nha.

CÁC BƯỚC THAM GIA

Bước 1 : Là thành viên Group Chuyện Sài Gòn  (tham gia group tại đây : https://tinyurl.com/pr4yd5nt )

Bước 2 : Đăng 1 hoặc nhiều hình ảnh và captions tối thiếu 250 từ chủ đề "Sài Gòn hết giãn cách" lên group kèm theo hastag #Minigame #ChuyenSaiGon

GIẢI THƯỞNG

– 1 GIẢI NHẤT: 500K TIỀN MẶT + 1 ÁO THUN TRONG BST " MÌNH NÓI GÌ KHI NÓI VỀ SÀI GÒN"

– 1 GIẢI NHÌ: 300K TIỀN MẶT + 1 ÁO THUN TRONG BST " MÌNH NÓI GÌ KHI NÓI VỀ SÀI GÒN"

– 3 GIẢI ẤN TƯỢNG : MỖI GIẢI 150K TIỀN MẶT

– 5 GIẢI KHUYẾN KHÍCH: MỖI GIẢI 1 ÁO THUN TRONG BST " MÌNH NÓI GÌ KHI NÓI VỀ SÀI GÒN"

THỜI GIAN THAM GIA

Từ ngày 11.07.2021 đến ngày 31.07.2021

CÁC LƯU Ý :

– Ảnh tham gia phải là ảnh gốc do chính bạn chụp BTC sẽ check khi trao giải

– Các tài khoản ảo, tài khoản săn game đều bị loại

– Nghiêm cấm các hành vi gian lận nếu phát hiện có dấu hiệu gian lận BTC sẽ loại bài tham gia mà không cần báo trước

– Các bạn chú ý theo dõi BTC sẽ công bố kết quả trực tiếp trên group bạn nào trúng giải sau 3 ngày không cung cấp thông tin đến BTC giải thưởng sẽ bị hủy.

– Quyết định của BTC là quyết định cuối cùng

clip_image042

Comments are closed.