Nhật ký chiến tranh (kỳ 30)

Vương Trí Nhàn

26/5

Hình như tất cả các khu vực của đời sống đều là đang ở vào chung một tình trạng. Đi đâu cũng gặp những điều làm mình nản lòng, mà những điều đó lại thật giống nhau, khiến người ta có cảm giác không sao thoát nổi.

Như đối với tôi hôm nay. Tôi ghê tởm xã hội. Nhưng tôi cũng khó chịu ngán ngẩm mỗi khi về với gia đình, cũng sợ hãi chán chường khi nhận ra những manh nha thói xấu nẩy sinh trong ngay những người mà mình gần gũi và quý mến ở cái cơ quan tôi đang làm việc. Đi ra đường, tôi ghê sợ tai nạn, và tôi càng hiểu những tai nạn đó bao vây mình dày đặc trong đời sống, chỉ cần một chút không may nào đó, là nó quệt phải con người mình.

Không có ai là con người lý tưởng – tôi hiểu điều đó. Nhưng nhìn vào chung quanh, sao chỉ thấy nẩy nòi lên những cái xấu, những cái dở, những cái dốt nát. Quá ít những người để cho mình yêu mình phục, đó là điều làm tôi đau khổ hơn cả. Hình như hôm nọ chính Nguyễn Khải có nói, lắm lúc trong người cứ dậy lên những điều hằn học, khinh ghét mọi người, không dám nhìn vào mặt ai, không dám gặp ai cả. Thế thì ý nghĩa đời sống, còn là chỗ nào? Chỗ nào bây giờ. Chịu.

Những tiếng trẻ con khóc, và cùng với tiếng khóc là mũi dãi bẩn thỉu. Những đoạn đường nhênh nhang, nhếch nhác. Những lời chửi bới hằn học, những câu đùa nhạt nhẽo. Một câu nói tục gây phản cảm chẳng khác một câu nói chính trị suông. Bao nhiêu thứ hàng ngày dồn ép vây bủa lấy tôi, và tôi hiểu rằng chính nó lại là cái gì đời sống nhất, cái phần đời sống mà nếu tôi xa rời, thì cũng rất tiếc.

27/5

Những dấu hiệu của tình hình mới:

– Đêm quan họ vẫn diễn như mọi năm, nay không hiểu sao làm nhiều người khó chịu. Dềnh dang quá. Trong khi đó, trẻ con hát Oan ta mê la đầy đường. Một nhịp điệu mới đang len lỏi.

– Mọi tổ chức như rã ra. Đội, Đoàn chỉ còn là hình thức… Chính các thành viên trong các tổ chức đó rất biết điều đó.

– Bất cứ cái gì mới nảy sinh, cũng gây phiền phức cho những người khác, cho những gì đã cũ. Trong khi đó, thì không có cách nào khác, là cuộc đời phải có sự nảy sinh.

– Cái cần nhất của xã hội này, là sự di chuyển: chuyển từ một đạo quân sang một xã hội thật sự với những nguyên lý bình thường của nó. Những quy luật sẽ chi phối đại khái bao gồm: sống theo những quy luật giá trị, sống với nhau như những cá nhân, sống lật bài, mỗi người nói rõ mình…

Cái thấy rõ nhất trong việc việc chuyển đổi, là những cái hôm qua ta tưởng nghịch lý, lại làm nên bản chất của hiện thực. Những trường hợp đột xuất lại biểu hiện đúng đắn quy luật. Những hiện tượng không bình thường, lại tiêu biểu cho cuộc sống bình thường.

30/5

Nóng bức. Cái nóng bức của thời tiết, cái nóng bức của những đòi hỏi riêng tư trong một người thanh niên như tôi. Nhưng còn là những nóng bức của tình hình xã hội.

– Nhất định là phải tiếp tục đánh nhau. Cái đích vẫn là như cũ, không thể thay đổi.

Mọi việc chuẩn bị xây dựng XHCN ở miền Bắc chỉ là tạm bợ. Để ổn định tình hình trước mắt. Còn thì trông chờ ở những năm tới 1975, 1976.

– Đất nước đã từng là một đạo quân, đang là một đạo quân – và sẽ còn là một đạo quân. Lính tráng được ưu tiên mọi mặt. Và người ta nắm lính tráng chắc số một. Anh có thể sai lầm, hư hỏng, nhưng anh không thể phản chiến.

– Cho đến cái vốn của đất nước, để mang ra chào hàng trước thế giới, thì vẫn chỉ có chiến tranh. Hiện đang dồn sức tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, rồi lấy vốn tổng kết đó, làm ngọn cờ tinh thần và cũng là một cách trấn an dân chúng.

Ở phía bên kia, cũng như ở phía bên này, thì cái cách để ràng buộc con người vẫn chỉ là một. Vẫn chỉ là tổ chức + tư tưởng. Ràng buộc nhau, hành hạ nhau, xô đẩy con người ta theo công việc đánh nhau. Thật là khốn khổ cho dân tộc này.

Bao giờ yên ổn? Không biết.

Không biết người Việt Nam sẽ ra sao, nếu như không đánh nhau, không sao hình dung ra nổi.

… Nếu như nói về người Việt Nam trong lúc này, thì ở Bắc cũng như ở Nam, tôi đều muốn nói trên lập trường dân đen. Tôi sẽ nói trên vị trí của gia đình tôi, bè bạn tôi. Có thể, tôi hiểu biết nhiều hơn một chút so với người dân đen bình thường, nhưng tôi không thể tiến sang vị trí khác.

13/6

Chuyện xã hội. Ông Chưởng Cần một thày phủ thuỷ nghe nói chữa được bệnh. Hai nhà khoa học lao vào, cho là một thứ điện sinh vật. Những tướng tá mới lên, bị ốm bị thương, tiếc đời, cũng đổ đến chạy chữa. Mang cả phim đến quay ông này. Tuyên giáo có ý kiến “thật là nhục cho những người cộng sản.” Và thế là dẹp hết. Người ta rũ bỏ “nhà khoa học” kia, ông bị xem như một thằng vô lại. Kiện đến đâu bây giờ? Không có chỗ.

Thời buổi của những chuyện nhảm nhí. Tất cả các cơ quan đều chia ra hai phái: người ủng hộ, kẻ phản đối Chưởng Cần. Nhưng mà để làm gì? Mọi chuyện dẹp đi rất nhanh.

Đến cái nạn đói vừa rồi cũng thế. Cũng kết luận đó là một cái đói giả tạo. Thế thì còn gì không bị coi là giả tạo nữa. Chiến thắng giả tạo, cuộc chiến tranh giả tạo. Cho đến cả bộ mặt cuộc chiến tranh này, khi trình ra thế giới, cũng là giả tạo nốt.

Đang phổ biến một luận điểm: Chúng ta kiên quyết hoàn thành di chúc của Người lãnh đạo cao nhất đã đặt ra là thống nhất đất nước. Từ nay đến lúc tất cả chúng ta nằm xuống chỉ có vậy. Còn xây dựng tương lai sẽ là công việc của các thế hệ kế tiếp.

Chỉ sợ cái thế hệ này sau khi chiến thắng sẽ nằm đấy ăn vạ, và không cho tương lai ngóc đầu dậy. Vả chăng tương lai nào chẳng bắt đầu từ hiện tại?

23/6

Chưa năm nào nóng như năm nay. Mọi người như đang bị luộc đi, bị nhúng vào nước sôi và từ đấy lôi ra, mặt mũi đỏ lựng, mắt nhớn nhác.

Đúng hơn, cái đang hành hạ người ta, là những dục vọng, là một cách sống, cách quan hệ không còn tương xứng với sự phát triển cá nhân.

Nguyễn Minh Châu: Chật chội đến nỗi người nào ở nguyên nhà ấy. Người ta không dám sang nhà nhau. Chỉ cần sang, là anh chiếm một chỗ mà người trong gia đình vốn có. Có khi họ phải ra đường.

Cũng Nguyễn Minh Châu: Mỗi người đang phải đánh nhau với một thằng người trong mình.

… Một đất nước không có sự điều hòa. Một đất nước quá nóng nực. Nóng là một dấu hiệu của không gian bị dồn ép, của một sức ép mà người ta không khống chế nổi.

Hân: Cái đáng tiếc nhất ở mình, là một thứ gì như là chủ nghĩa tài tử, chủ nghĩa nghiệp dư trong lãnh đạo kinh tế. Chính ở nước Tiệp, bọn báo chí bảo cũng thế, huống chi ở nước mình.

Nhàn: Ở nước mình, xưa nay, người ta đều đến với quyền hành bằng làm chíến tranh, chứ có ai từ làm kinh tế.

Trên một vài phương diện trọng yếu, xã hội này còn là quay ngược về phía lạc hậu của thời phong kiến.

Ví như xu hướng cát cứ địa phương. Nó chưa bao giờ mãnh liệt như bây giờ. Các địa phương có quyền hành như những lãnh thổ độc lập.

Có nước đời nào như thế này: Nước Việt Nam chuyên môn sợ các nước khác là “hữu”, là đầu hàng.

Đến lượt trong nước, các tỉnh “cách mạng” hơn “cấp tiến” hơn Trung ương, và huyện hơn tỉnh, xã hơn huyện, trong quân đội thì các quân khu hơn tổng cục, trung đoàn hơn sư đoàn.

Cứ xem việc cho du nhập sách vở phim ảnh thì biết. Có nhiều phim trên đã cho nhập dưới vẫn cấm. Đúng là theo quy luật “càng đi xuống, càng cách mạng” nói ở trên. Còn thế nào là cách mạng thì có giời mà biết!

Nếu lùi xa, tính cả mấy năm nay, thấy người ta ngày càng bảo thủ đi.

… Bây giờ tôi mới hiểu cái ý ông Khải hay nói: sau này lịch sử có nhắc lại những ngày này, cũng chỉ nhắc vài ba câu.

Có phải như thế nghĩa là chúng ta sống rất nhiều ngày lắp đi lắp lại, chán chường, và không có một biến đổi nào tích cực cả?

30/6

Xã hội gì mà… bất cứ chuyện giai thoại, tiếu lâm nào cũng vận vào mình. Rất nhiều chuyện đồn đại. Điều đáng sợ, là đồn đại luôn luôn đúng. Người ta sống bằng những bản năng tự vệ, và những bản năng đó, cứ thế hoành hành.

Nguyễn Tuân: Thời nào, người ta hay nói về những chuyện to tát, thì lại thường hay khổ vì những chuyện vặt.

Xuân Diệu: Xã hội này là xã hội lý tưởng của những thằng mê-đi-oóc (mediocre = kẻ tầm thường).

3/7

Một cô con gái mới ở nông thôn ra, làm nhà bếp quân đội, cũng muốn ăn, muốn diện, muốn làm quen với các bạn bè khác, nhưng lại chưa biết làm thế nào. Những câu đưa đẩy bắt quen của cô rất dại dột. Bọn thanh niên không chơi với cô. Cuối cùng, cô lại rơi vào bẫy một lão già khốn nạn.

Những khu nhà Hà Nội đã không chứa nổi người lớn, và càng không chứa nổi trẻ con. Trẻ con đổ ra đầy đường, bây giờ nghỉ hè, tối người ta lại dạy hát cho bọn nó, sáng người ta lại bắt chúng nó tập thể dục. Ở những phố vắng, người ta rào đường lại để làm sân chơi cho trẻ.

Cuộc sống hôm nay là thế nào? Là cách sống chung không còn phù hợp với sự sống và sự phát triển của cá nhân nữa. Là người ta đang cần phải sống khác đi, nhưng không sao khác được, loay hoay không biết sống như thế nào cả.

Tôi nói ngay như chuyện giải trí. Lúc nào chúng tôi cũng thèm, nhưng xã hội không mở ra bất cứ phương hướng nào và mỗi cá nhân không biết thỏa mãn nhu cầu của mình bằng cách nào.

Lại như nhu cầu làm việc. Khi một con người biết rằng mình cần làm việc như thế nào, tức con người đó đã trưởng thành. Loại người đó ở ta chỉ là số ít.

19/7

Khải: Cơ sở tâm lý của chủ nghĩa McCarthy ở Mỹ ? Sau chiến tranh, trở về, người lính không thể trở lại làm một người bình thường nữa. Người ta không biết làm nghề gì. Người ta phải tìm một con đường ngắn nhất để kiếm sống, phải tìm tới bạo lực.

Đang có cuộc trao đổi trên báo Nhân dân về làm ăn thật thà.

Hữu Mai:

– Xã hội mình thì làm ăn thật thà sao được. Sản xuất nhỏ không thể làm ăn thực thà. Phải có một nền sản xuất lớn cơ!

Nguyễn Đình Thi:

– Lão chủ hãng Peugeot có thể làm ăn thật thà, còn như anh chữa xe đạp đầu đường Hà Nội nhất định phải sống bằng gian dối.

Cái chính là sau chiến tranh, người ta phải thấy sợ, biết sợ, tuân thủ chặt chẽ những gì quy luật cuộc sống đòi hỏi. Sự dũng cảm mà chiến tranh mang lại có những mặt tiêu cực của nó. Là nó làm cho người ta không còn biết sợ là gì nữa, kể cả sợ những quy luật tất yếu.

Trong hai ngày 10, 11-7, ở Ninh Bình có một cuộc phiến loạn. Thương binh dùng bạo lực, làm chủ thị xã. Có khẩu hiệu, khẩu hiệu thay đổi nhanh. Thông tin liên lạc vững chắc, tổ chức như một chiến dịch. Nhận định: đây có bàn tay địch. Từ nay về sau, cho phép bắn bỏ.

Dân số thủ đô: 1.378.000 người. Dưới 15 tuổi : 570.000người. Dưới 6 tuổi: 240.000 người

Ngoài phố, ngày nào cũng có những tin đồn về những vụ bắn nhau, giết nhau. Có một trăm lý do khác nhau, giải thích quanh một vụ giết người như vậy. Nhưng chỉ có một lý do duy nhất – chiến tranh. Chiến tranh làm cho người ta không còn biết kỳ cương là gì nữa, không còn biết sợ hãi, không còn nói với nhau bằng lời lẽ, pháp luật.

Cái chính là một xã hội làm thì ít, ăn thì nhiều, đầu tư sức lực vào việc làm ra của cải thì ít, lo phân phối của cải thì nhiều.

Cái chính là sự công bằng không có, khiến mọi người không cảm thấy yên tâm làm việc. Làm hay làm dở ai biết cho mà cố? Làm chết xác trong khi kẻ khác phá hoại thì làm làm gì?

Nhiều lần, tôi muốn kêu to lên. Xã hội gì thì xã hội, tôi không cần biết tên, tên gì cũng được, nhưng tôi cần cái này – cần làm sao mọi người lao động, lao động làm thêm ra của cải. Nếu không có lao động, thì mọi chuyện sẽ sụp đổ.

Dạo này, tôi muốn đi tới những chuyện gốc rễ của vấn đề, đi tới như một cách kết luận cuối cùng.

– Có những vấn đề thuộc về chiến tranh. Nhưng có những vấn đề thuộc về cái mạch chung của xã hội này, 30 năm nay. Tôi muốn nói Cách mạng tháng 8, hình như đó là một trường hợp ăn may. Và những người cầm đầu cứ thế mà kéo mình đi, tưởng rằng có thể làm liều như vậy mãi mãi. Không phải chỉ là chiến tranh và cũng không phải do người ta già yếu. 30 năm nay, ngay lúc người ta khoẻ mạnh, người ta đã chẳng ra sao rồi.

– Có những vấn đề thuộc về chủ nghĩa nọ lý thuyết kia, những vấn đề chính trị. Nhưng cũng có những vấn đề thuộc về cái cách sống của người dân thường ở đây nữa. Có ở đâu, người ta sống tạm bợ, hèn hạ như ở đây. Xấu đều hơn tốt lỏi. Ăn cỗ đi trước lội nước đi sau. Đọc những ca dao, những truyện cười, thấy người ta loanh quanh chế giễu nhau trong những chuyện rất tầm thường. Cái dân tộc tính ứ đọng trì trệ như vậy, là mảnh đất tốt để nhân tính biến hình, thay đổi, mốc đi, rỉ đi, không sao ngóc đầu lên được.

Nhìn quanh lắm lúc bàng hoàng kinh sợ cả người.

Sao dân mình nhiều người tồi tàn như vậy. Ở những nơi khác, thêm một người, là đóng góp thêm cho công việc, là thêm bao nhiêu điều tốt đẹp. Ở đây, thêm một người, là thêm những đòi hỏi. Và đẻ thêm ra sự hỗn loạn, đẻ thêm ra bao nhiêu lo toan. Tôi còn tin tưởng được ai nữa.

4/8

Tháng 7 âm lịch oi nồng là tháng 7 sống trong đe doạ của bệnh tật, nước sông, lụt lội, và cả bão nữa. Trời đất phập phồng như thế nào ấy. Không ai có thể yên tâm làm việc gì.

Có xã hội nào như cái xã hội sau chiến tranh, người cứ đổ cả ra đường, người không biết làm gì, ai cũng tính phải sống khác, mà không biết sống thế nào.

Cuộc sống là tươi đẹp quá, không ai muốn từ giã nó mà đi, nhưng ai cũng cảm thấy mình đã bị làm hỏng, mình không xứng đáng, chẳng qua cùng sống ngắc ngoải với nhau cho xong – một tình cảnh không sao tha thứ được.

… Nhiều buổi tối nghe Lâm kể chuyện Vũ. Hình như tất cả những người có tài đều xấu, xấu đến ghê gớm, đến làm cho mình không tưởng tượng được. Nhưng họ lại tài. Còn những người tốt, có vẻ tốt hình như tốt, như tôi, như Lâm, mới nhạt nhẽo làm sao, vô duyên làm sao. Cái xấu đứng đó để chứng nhận cho chúng tôi thấy rằng chúng tôi sống khó khăn như thế nào, và giá có bị chửi là yếu đuối, nhạt nhẽo, thì cũng là dễ hiểu thôi, không thể khác.

21/8

Đằng sau các vụ văn nghệ, nhiều người nghe ra hơi các vấn đề chính trị. Hình như đang có một sự chạy đua vào Trung ương, đang có một sự phân công lại công việc, và thế là bên nào cũng muốn phô trương lực lượng.

Người ta thường khớp tất cả những việc báo Nhân dân làm, từ Làm ăn thật thà, đến Minh Chi, qua những bài Nguyễn Khải như là những đòn tấn công, tập trung vào một hướng, và những đòn phản công toàn bộ hoạt động trên, làm nên cái hướng ngược lại.

Ở cấp trung gian, chắc những nhân vật cỡ tương tự như Xuân Trường, Hoàng Trung Thông… phải tính toán nhiều hơn, và có lợi cho họ cụ thể hơn.

Nhưng chỉ là đoán thế. Ngay như ông Khải cũng thường nói:

– Tôi cũng thấy có những nguyên nhân mơ hồ nào đó, nó thổi bài tôi lên, gây những tác động bất ngờ. Đỗ Thân bảo do xôn xao việc chạy vào Trung ương nên nhiều người chú ý tới bài Đối mặt của Khải. Xưa nay những người làm văn nghệ vẫn chỉ là cái bung xung, ai mà hiểu được.

Comments are closed.