Ngay trong chuyên môn của mình, hãy chuyển biến sớm hơn!

Vương Trí Nhàn

Khi ông Phan Đình Diệu qua đời, ngoài các công trình khoa học, người ta nhắc đến những phát biểu của ông, về các vấn đề chính trị xã hội rất trực tiếp.

Những phát biểu hai mươi năm trước này đã gây cho ông bao phiền phức khi đang sống nhưng lại là cái điều người ta trân trọng nhất trong cái nhìn của một trí thức.

Còn khi ông Phan Huy Lê qua đời, bè bạn và những người yêu mến ông thích nhắc tới những phát biểu mới nhất của ông về sử Việt Nam, như vấn đề triều Nguyễn, vấn đề nhà nước của người Chàm ở miền Nam Trung Bộ, và nói chung là sự có mặt của các dân tộc ngoài người Kinh trên lãnh thổ Việt Nam.

Người ta bảo rằng ông đã khỏa lấp nhiều khoảng trống lịch sử.

Nhưng oái oăm thay, đó lại là những khoảng trống do chính ông tạo ra.

Trong gần suốt cuộc đời ông – theo chỗ đọc được của tôi – ông đã để hết tâm huyết khởi động và cầm chịch cho thứ lịch sử cổ lỗ, trì trệ mà người ta đang sử dụng để định hướng quyền lực và dạy cho học sinh.

Sự khác nhau giữa Phan Đình Diệu và Phan Huy Lê về căn bản chính là sự khác nhau giữa một người trí thức thực thụ và một trí thức cung đình hiện đại, nhưng được hình thành theo kiểu sử quan thời phong kiến.

Những chuyển biến cuối đời của Phan Huy Lê rất đáng quý nhưng hơi muộn. Bản di chúc cuối đời của ông, nếu có thì theo tôi đoán nó sẽ là một câu ngắn gọn:

– Hỡi những người làm sử hãy chuyển biến sớm hơn!

                                                                                                                                       8/2018

Nguồn: FB Vương Trí Nhàn

Comments are closed.