Bản thảo (kỳ 11)

Nguyễn Đức Tùng

THÁNG CHÍN

1. Đã tới, mùa thu. Đã tới, những rêu nhấp nháy nắng trên tường gạch cũ. Tôi bắt đầu loạt bài mười hai tháng này vào tháng chín, cách ngẫu nhiên. Nhưng tháng chín cũng khởi đầu của năm, mùa tựu trường, của những kỉ niệm và của tương lai. Sau hè nóng bỏng, năm nay là một năm hạn, cháy rừng, sau những chuyến đi nghỉ hè, chúng ta trở lại. Trở lại ngôi nhà của chúng ta, trẻ đến trường, người lớn những kế hoạch. Sau những ngày phía Bắc, tôi trở về, ngồi cuối vườn. Mùa thu mây, lạnh, nhưng có một điều gì khác. Sự thay đổi, khó chịu, bất an. Sự ở một mình, cái lùi lại. Sự thu liễm, đời sống thu về góc riêng biệt. Đối với tôi, đó là sự chuyển đổi, tiếc, chuẩn bị. Thiên nhiên thay đổi, kế tiếp nhau khó nhận ra, trái chín rụng, rồi đến một ngày bạn bỗng nhìn thấy khúc quanh ấy, lá vàng rào rào, mưa sầm sập, trí nhớ sáng lên trong khoảng mờ tối. Vào lúc ấy mọi hành động dừng lại, bạn cần một không gian riêng mình, một thời gian của những xúc cảm cá nhân.

Bạn ngồi yên, thu mình trong áo ấm, trước tách trà mau nguội, hâm nóng nhiều lần, cửa sổ hay cuối một vườn tàn tạ, bạn nghĩ.

Bạn chỉ nghĩ thôi. Không làm gì cả: nó chẳng phải là thời gian tuyệt đẹp sao?

Nếu mùa hè là nơi chúng ta nhìn thấy ý chí và hoạt động thì mùa thu là nơi bạn nhìn lại mình như người đi trên đường phố tình cờ nhìn thấy bóng trong gương, hỏi: tóc mình rụng thế này sao, cái nếp nhăn có từ bao giờ, bạn cũ đâu hết. Thế bạn muốn gì trong đời? Làm được bao nhiêu? Con cái nơi xa, chúng làm gì ở đó, có nhớ về như ta nhớ về bếp lửa.

Khi bạn nghĩ là lúc bạn tưởng tượng. Loài vật cũng suy nghĩ. Trước nguy hiểm chúng đắn đo suy nghĩ và chọn lựa. Nhưng loài vật chỉ suy nghĩ mà không tưởng tượng. Chỉ loài người là biết tưởng tượng, nhờ thế có toán học và văn chương , có thể ngẩng nhìn vầng trăng, có thể đặt chân tới đó. Đặt chân lên rồi mà vẫn tưởng tượng, như khi bạn yêu một người đàn bà, lấy được cô ta rồi mà vẫn hồi hộp, vì vậy đêm có nhiều người vẫn ngước mặt nhìn trăng đụng phải cột đèn.

Sáng tôi nhìn thấy một con ong bay qua vườn. Nó bay chậm, không hối hả, vì vậy quyến rũ, con người cũng vậy chậm thì quyến rũ, vì hoa và mật ít đi, hoặc vì không có những con ong khác bay quanh, nó nhẩn nha. Mùa xuân, ong bay hớn hở, mùa hè bay rối rít, mùa thu bay chập chờn, như có như không. Tôi nghĩ đến ngày làm việc sắp tới, những công việc mang lại hiệu quả có thể đo được và những công việc không có hiệu quả nào cả. Con ong bay lui bay tới, một mình. Tôi không biết bầy của nó ở đâu, tổ mới xây xong, hay cái tổ không còn nữa, bên kia vườn, có một cánh đồng, sau cánh đồng một khu rừng nhỏ. Sự cô đơn của mùa thu là tiếng gọi của thiên nhiên, của sự trở về những chiều sâu im lặng. Mọi thứ trở nên cô độc: con chồn chạy một mình qua bãi hoang, dế chui vào hang sâu, gấu về bên kia núi. Một mình bạn không phải chuyện dễ dàng đâu, chúng ta trở lại làm quen với nơi chốn cũ, cuốn sách đọc giữa chừng, bàn đầy bụi. Tôi gặp một cái mạng nhện ngay chỗ ngồi trong vườn. Tôi định phá nó đi nhưng dừng tay. Trong tám ngày tôi đi xa, chỗ ngồi ấy đã có sự sống khác, tiếp diễn. Tôi ngồi tránh qua một bên khi nhìn thấy một con nhện. Trong những khu vườn khác, trên một tảng đá, có một con rắn lột vỏ mà bạn không biết. Chúng ta lột bỏ những sắc màu của chúng ta, thành kiến của chúng ta, sự tự tin vững chãi của chúng ta. Chúng ta vất bỏ những chân lý của chúng ta mà chúng ta khư khư bám lấy, ném chúng xuống đất, dẫm chân lên, vì mọi sự đều tàn tạ, mọi lá đều chết, chúng ta bắt đầu lại. Bắt đầu một mình. Sáng mùa thu mát, chúng ta mở lòng ra, ngồi im, lắng nghe, và lắng nghe sự chuyển động của mình.

Sau một tảng đá, một truyện ngắn đang chờ bạn, để bắt đầu kể lạì.

2. Khoảng đầu tháng chín, bóng núi in rất sâu lên mặt sông Thạch Hãn, trên mặt nước con chuồn chuồn đậu rất lâu như đậu trên cái bóng của mình, vào lúc ấy trên mặt nước có một thứ ánh sáng lam ngọc kì lạ. Về sau, những ngày sau nữa khi tôi đi dọc theo bờ, đi qua sân đá bóng, sân trực thăng nơi những chiếc máy bay thám thính L19 của quân đội đậu thẳng tắp, khi tôi vượt đường quốc lộ, ánh sáng ấy lại xuất hiện trên cỏ, nhưng đổi màu. Đó là một thứ ánh sáng mờ đục, nhạt như ánh trăng, xanh như ánh trăng, lấp lánh như ánh trăng. Mỗi khi tôi nhìn thấy nó tôi nhìn thấy cánh cửa mở vào thiên đường, mở vào tuổi thơ của tôi, mở vào cõi thanh bình của đất nước, một đất nước, mở vào giấc mơ của dân tộc tự do, tôi biết rằng dân tộc tôi xứng đáng được sống như thế. Không thay đổi.

Bạn không bao giờ nghĩ rằng điều ấy sẽ xảy ra cho bạn. Không thể được. Bạn nghe tin một người bị mất vì tai nạn xe hơi, nhưng người thân ấy không phải là thầy giáo cũ của bạn. Bạn nghe tin một đứa trẻ bị chôn sống nhưng đứa trẻ ấy không phải là bạn của bạn.

Bạn đi trên đường một mình, chân không. Bạn mang giày bata. Đi xe đạp. Thời gian bao giờ cũng sẽ chết trước. Bạn đi nhanh lên. Cúi xuống gắng sức đạp xe, bạn vượt qua mặt nó, qua mặt chính thời gian của mình.

Bạn mười một tuổi, vừa thi đỗ vào trường trung học công lập, và được khen ngợi. Phần thưởng của thầy hiệu trưởng, người sẽ mất tích ngay sau đó trong các cuộc xuống đường liên miên của Phật tử miền Trung, là một tấm chăn len thật ấm. Buổi chiều, bạn đứng câu cá, cha của bạn đạp xe tới sau lưng. Bạn giật mình quay lại, vô ý và vụng về giật dây câu ngang mặt ông, lưỡi câu tạo ra một vết xước nhỏ ở thái dương bên trái. Người cha mang cho đứa con cuốn tiểu thuyết, bản dịch rút ngắn hình như của Phùng Thăng, cuốn Bác sĩ Zhivago. Bạn ôm lấy cuốn sách ấy thay vì lẽ ra bạn phải ôm lấy người cha của mình, máu chảy bên mặt nhỏ xuống áo sơ mi trắng tinh, đã khô.

Nó đã khô từ nửa thế kỷ.

Nhưng làm sao người ta có thể quên được cậu bé Zhivago đi lẽo đẽo sau quan tài của cha mình?

Lưỡi câu bay ngang mặt thời gian cắt một vết sẹo dài trên trang giấy của nó. Gió thổi lồng ngực, khuy áo mở tung. Bạn ngã vào lòng cha mình, tin yêu, thương xót.

Niềm tin và sự đau đớn làm nên phẩm hạnh của chúng ta.

3. Nhà thơ Dean Young:

Người ta dùng ngôn ngữ với hai lý do: để hiểu nhau và không phải để hiểu mẹ gì cả.

(People use language for two reasons: to be understood and not to be understood).

“Không phải để hiểu” chứ không phải “để không hiểu”: hai chuyện đó khác nhau, nhiều thi sĩ lầm to.

4. Trong quán Lệ Ái Tử

Vẻ đẹp của một người đàn bà

Sự dịu dàng của cô ta, mái tóc

Xanh mướt mùa xuân, và bàn tay

Thô ráp như đàn ông

Làm tất cả chúng tôi im lặng

Chiều trong quán vắng, thị trấn nhỏ, và bụi.

N.Đ.T

Comments are closed.