Chung quanh vấn đề “văn mẫu” (kỳ 15): Lời cuối bàn về vấn đề nguyên nhân và giải pháp của việc chống văn mẫu hiện nay (Hay là vài lời trao đổi với bạn Thái Hạo)

Nguyễn Trọng Bình

1. Mở đầu

Vừa qua, tôi có viết bài trao đổi với GS Trần Đình Sử về nguyên nhân và giải pháp chống văn mẫu. Bài viết của tôi nhằm phản biện quan điểm của GS Trần Đình Sử qua hai bài viết “Câu chuyện văn mẫu và sự quản lý việc dạy văn học trong nhà trường phổ thông” “Giải pháp chấn chỉnh tệ nạn “dạy văn mẫu” trong nhà trường phổ thông hiện nay” của ông.

Thiển nghĩ, trong bài viết, tôi đã diễn giải rất rõ ràng quan điểm của mình nhưng có vẻ như một số người muốn chứng minh trình độ “đọc hiểu” vượt trội, khác lạ nên đã bàn và trao đổi lại nhưng tiếc thay lại không bàn vào những vấn đề trọng tâm mà tôi phản biện GS Trần Đình Sử. Từ đó giăng ra “cái bẫy chữ nghĩa”, bắt bẻ tôi những vấn đề “tiểu tiết” vu vơ mà tôi không nghĩ tới; hay bắt tôi phải chứng minh những điều tôi nói (có trong sách nào), làm tôi vừa thấy buồn cười vừa thêm thất vọng.

Tôi lâu nay tôn trọng những suy nghĩ khác mình, nhưng tôi không chấp nhận sự xuyên tạc, cắt ghép diễn giải lại vấn đề có lợi cho bản thân của ai đó. Vì vậy, tôi xin lần cuối nói lại, trao đổi lại, trình bày lại quan điểm của bản thân xung quanh vấn đề này.

2. Tôi đã trao đổi với GS Trần Đình Sử về nguyên nhân của vấn nạn văn mẫu như thế nào?

2.1 GS Trần Đình Sử trong bài viết “Câu chuyện văn mẫu và sự quản lý việc dạy văn học trong nhà trường phổ thông” cho rằng nguyên nhân của nạn văn mẫu là do sự “buông lỏng quản lý trong nhà trường”. Ô chứng minh qua hai việc:

Một là, Bộ đề thi và đáp án môn văn (2 tập) do cố GS Phan Cự Đệ chủ biên. Đây là khởi đầu của vấn nạn biên soạn các sách văn mẫu nhằm mục đích cho các kỳ thi về sau.

Hai là, cách ra đề thi khuyến khích lối học thuộc lòng, đáp án có ý là có điểm…

Trên cơ sở sự diễn giải sau đó nhằm chứng minh cho hai luận điểm trên, GS Trần Đình Sử đi đến kết luận: “sở dĩ văn mẫu lan tràn trong nhà trường là do lãnh đạo Bộ giáo dục và đào tạo một thời gian dài đã không kiên quyết đổi mới cách học và cách thi, không đổi mới cách ra đề…”

2.2 Trao đổi của tôi về quan điểm của GS Trần Đình Sử:

Một là, tôi cho rằng những phân tích và chứng minh về các nguyên nhân gây ra nạn văn mẫu trong nhà trường hiện nay của GS Trần Đình Sử là không sai. Tuy vậy, theo tôi là “chưa thật đầy đủ”. Quan trọng hơn, là vẫn chưa đi vào bản chất cốt lõi của vấn nạn văn mẫu hiện nay.

Liên quan đến vấn đề “chúng tôi cho rằng GS Trần Đình Sử nói “chưa thật đầy đủ” (nếu chỉ thuần túy xem nguyên nhân của nạn văn mẫu từ việc rập khuôn trong cách ra đề thi, từ đó tạo điều kiện cho các GS, TS đầu ngành biên soạn sách mẫu, sách tham khảo), tôi có nói rằng “GS Trần Đình Sử phải kể thêm hàng loạt đầu sách mà chính ông cũng từng tham gia đứng tên chủ biên thời gian qua”.

Trong bài viết của mình, tôi viết rất rõ rằng: “Chúng tôi xin đơn cử quyển Giảng văn chọn lọc văn học Việt Nam” cho chính GS Trần Đình Sử chủ biên dày 658 trang do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2003. Ngoài ra, là hàng loạt quyển sách tương tự do GS Trần Đình Sử, GS Nguyễn Đăng Mạnh, PGS Đỗ Ngọc Thống…tuyển chọn và biên soạn dưới tên gọi sách tham khảo phục vụ cho việc ôn thi tốt nghiệp các cấp hay các kỳ thi giỏi văn quốc gia từ đó đến nay”.

Về chuyện này, bạn Thái Hạo trong bài viết trao đổi lại với tôi mới đây trên Văn Việt có bắt bẻ và cho rằng tôi đồng nhất “giảng văn” với “văn mẫu” nhằm bênh vực cho GS Trần Đình Sử.

Tôi sẽ không sa đà vào “cái bẫy” và “bắt bẻ chữ nghĩa” của bạn Thái Hạo, tôi chỉ muốn nhắc bạn rằng nếu nghĩ như thế bạn sẽ mâu thuẫn với chính mình. Vì hơn ai hết bạn thừa biết những quyển sách nấp dưới tên gọi “Giảng văn chọn lọc”, “Bồi dưỡng học sinh giỏi văn”, “Những bài văn hay”… chỉ là hình thức, phiên bản khác của vấn nạn “văn mẫu” hiện nay. Những quyển sách này thời gian qua đã gián tiếp “định hình”, “đóng khung” một cách “giảng văn”, cách “phân tích”, “bình giảng” các tác phẩm văn học trong nhà trường mà bạn trong tư cách một giáo viên phổ thông đã thừa biết nó có tác hại như thế nào. Nhất là nó ĐÃ LÀM CHO HỌC SINH LƯỜI ĐỌC, KHÔNG THÈM ĐỌC TRỌN VẸN NGUYÊN TÁC NHỮNG TÁC PHẨM ĐƯỢC GIẢNG DẠY TRONG NHÀ TRƯỜNG. Thay vào đó, các em chỉ cần đọc sách “giảng văn” của các THS, TS, PGS, GS biên soạn để khi làm bài kiểm tra nói lại, viết lại là xong. (Ở chỗ này bạn đừng kêu tôi phải “chứng minh” nhé. Bạn hãy hỏi chính lòng mình).

Quan trọng hơn, nếu Thái Hạo cho rằng những quyển sách như trên không phải là một “dạng văn mẫu” nhằm “mớm” trước cho giáo viên và học sinh một cách hiểu, cách đọc, cách phân tích, bình giảng…thì cố GS Phan Cự Đệ nếu sống lại sẽ “vặn” lại chính bạn và GS Trần Đình Sử như cách mà bạn “bắt bẻ” tôi. Nhưng thôi đây là vấn đề góc nhìn, quan niệm về “sách văn mẫu” của bạn – không quan trọng với tôi.

Hai là, tôi cho rằng nguyên nhân gốc rễ của vấn nạn văn mẫu là do mục tiêu chung của nền giáo dục và quan niệm về dạy văn trong nhà trường. Điều này, được tôi lý giải và dẫn lại quan điểm của TS Giáp Văn Dương và quan niệm về giáo dục của triết gia J. Krishnamuti. Trong bài viết của mình, tôi cũng đã nói rất rõ ở một luận điểm khác như sau:

“Nguyên nhân sâu xa và cốt lõi nhất của vấn nạn văn mẫu chính là căn bệnh “đồng phục” trong nhận thức và tư duy của toàn xã hội đặt trong cái nhìn về mục tiêu của nền giáo dục nói chung; mục tiêu và quan niệm của việc dạy học văn trong nhà trường nói riêng.

Chính sự “đồng phục” và “rập khuôn” này đã tác động và chi phối toàn bộ quá trình từ việc thiết chương trình, biên soạn nội dung các bộ SGK ngữ văn cho đến cách thức, phương pháp dạy và ra đề môn văn của thầy cô giáo trong trường phổ thông hiện nay.

Cụ thể hơn nữa, chính quan điểm và mục tiêu dạy học ở phổ thông thời gian qua chủ yếu “phục vụ” cho các kỳ thi (chuyển cấp, thi học sinh giỏi địa phương, quốc gia…) là căn nguyên làm cho vấn nạn van mẫu trầm trọng hơn. Hay nói chính xác hơn, đây chính là “căn bệnh thành tích” trong giáo dục. Chính căn “bệnh thành tích” này đã bị một số người lợi dụng và khai thác, từ đó biên soạn ra hàng loạt sách văn mẫu, sách tham khảo dưới danh nghĩa “chuẩn hóa” kiến thức môn văn ở tất các cấp. Điều đáng nói là những người biên soạn văn mẫu này lại cùng lúc kiêm luôn vai trò của người biên soạn chương trình SGK môn văn; hay thậm chí là thành viên trong các ban ra đề thi, trực tiếp tham gia ôn thi, luyện thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp THPT và đại học…”

Về chuyện này, Thái Hạo lại bắt tôi phải “chứng minh” các vấn đề như: căn bệnh ngụy thành tích “hiện hữu ở đâu”, việc “học để thi” được ghi trong chương trình GD nào, xin “dẫn nguồn” vì bạn tìm không thấy v.v..

Tôi thật sự thất vọng với cách tư duy và lập luận rất vô lối này của Thái Hạo – một người lâu nay luôn bàn về những chuyện tương tự trên mạng xã hội mà tôi rất thích. Tôi thấy, ở đây cách tư duy và lập luận này của Thái Hạo chẳng khác gì mấy anh cán bộ quản lý truyền thông, an ninh văn hóa khi “mời làm việc” người nào đó vì cái tội đã “xuyên tạc” “Việt Nam tham nhũng tràn lan”, hay “Việt Nam không tôn trọng nhân quyền”, “nói xấu chính quyền nhà nước”… trên mạng xã hội thời gian qua. Lúc này, Thái Hạo giống hệt anh công an bảo “bằng chứng đâu”, “chứng cớ đâu”, “anh chứng minh xem bao nhiêu trường hợp tham nhũng mà anh nói Việt Nam ta tham nhũng tràn lan…”?

Thái Hạo à, tôi thật lòng khuyên bạn không nên chơi trò hai mặt này bạn ạ. Tôi từng rất thích bạn khi thấy bạn viết bài công khai nói về những điều chưa tốt với những nhận định “mang tính khái quát” mà không cần phải chứng minh. Nhưng giờ đây, bạn lại làm “quan thanh tra” bắt bẻ tôi như thế? Tại sao vậy? Bạn là giáo viên phổ thông, từng ôn thi học sinh giỏi, sau khi nghỉ việc, bạn có hàng loạt bài viết về chuyện “căn bệnh thành tích” hay việc dạy học ở VN chỉ nhằm mục đích để thi…vậy mà giờ bạn kêu tôi hãy “chứng minh” đi, hãy “dẫn nguồn” ra?

Một điều rất lạ, nữa là tôi đọc các bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng, nhà thơ Hoàng Hưng, Giáo sư Chu Hảo, hay mới đây là của GS La Khắc Hòa đều thấy có chung quan điểm với tôi về sự điều trên (mục tiêu của nền giáo dục của chúng ta lâu nay không nhằm “tạo ra con người tự do” mà là “con người công cụ” hay “sự đồng phục trong tư duy” trên rất nhiều phương diện văn hóa, giáo dục…) sao không thấy bạn lên tiếng bắt các tác giả trên chứng minh, dẫn nguồn những gì họ nói?

Làm gì có một chương trình giáo dục nào ghi cụ thể những câu chữ ấy hả Thái Hạo? Nhưng chắc chắn một điều là chúng ta “cảm thấy”, “cảm nhận” được cái sự “đồng phục trong tư duy”, cái “căn bệnh thành tích” trong giáo dục hay việc học “chỉ nhằm để đi thi” kia vì nó đã ăn vào máu bao thế hệ người Việt rồi. Bạn thừa biết vậy mà còn cố tình “làm khó” tôi? Chi vậy? Để chứng minh bạn “nói có sách mách có chứng” à? Thật vô nghĩa quá. Nếu bạn như thế này thì tôi chân tình khuyên bạn hãy chuẩn bị tinh thần đề đối phó với cán bộ an ninh văn hóa về những bài viết của bạn trên facebook. Họ sẽ bắt bẻ và bắt bạn phải chứng minh “nguồn dẫn” đấy! Ví dụ mới đây, trên trang cá nhân bạn viết bài “Tại sao quan chức của các nước ít hư hỏng?” nhằm phê phán quan chức trong nước mình vậy. Toàn bài viết của bạn hoàn toàn không có một số liệu thống kê nào để chứng minh những điều bạn nói.

3. Tôi đã trao đổi với GS Trần Đình Sử về các giải pháp chống văn mẫu ra sao?

Trong bài viết của mình, GS Trần Đình Sử đề ra 5 giải pháp chống văn mẫu. Tôi cho rằng 5 giải pháp của ông chỉ thuần túy là giải pháp “cơ học và mang tính hớt ngọn”. Dẫu vậy, tôi cũng khẳng định rất rõ ràng hai giải pháp cuối của ông là có cơ sở nhưng không toàn diện. Vì sao tôi nói như vậy?

Một là, vì GS Trần Đình Sử đã không “chạm tới” nguyên nhân gốc rễ của nạn văn mẫu (như đã bàn). Bàn giải pháp, hiến kế cho Bộ trưởng để chống văn mà không chỉ ra nguyên nhân gốc rễ thì sao mà chống được. Nó giống như chẩn đoán không đúng bệnh thì làm sao mà vạch ra phác đồ điều trị.

Hai là, tôi thật sự không biết GS Trần Đình Sử dựa vào đâu để xác quyết đâu để xác quyết chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là “chương trình giáo dục chống văn mẫu” hay theo ông nếu “theo đúng chương trình này thì mọi “sách mẫu” chẳng bao lâu sẽ trở thành rác rưởi hết”?

Để chứng minh cho nhận định của mình tôi có nói rất rõ “việc chống văn mẫu không đơn giản” nhưng đồng tình với ông về việc phương pháp dạy “đọc hiểu văn bản” tránh lối dạy học văn theo kiểu “nhá chữ”. Nhưng tôi muốn bàn thêm: vấn đề quan trọng là “đọc hiểu như thế nào”, người giáo viên có thật sự tôn trọng ý kiến, suy nghĩ khác của học sinh hay không? Tôi có mở rộng vấn đề này và chứng minh trong thực tế là việc “thực hành dân chủ trong nhà trường” hiện nay ở Việt Nam đang là một bất cập.

Bởi nếu trong trường học mà lãnh đạo không tôn trọng thầy cô giáo thì đến lượt thầy cô giáo sẽ lại làm như thế với học sinh, khi ấy việc dạy học sẽ phản bội lại quan điểm “lấy học sinh làm trung tâm”.

Tôi mở rộng và liên hệ đến vấn đề như thế để khẳng định: nếu như không có sự “dân chủ trong trường học” thì “phương pháp dạy đọc hiểu” mà GS Trần Đình Sử sẽ khó phát huy tác dụng. Nói khác đi, ở đây tôi muốn nói, nếu chúng ta muốn chống văn mẫu thì thầy cô giáo – những người đi trước phải tôn trọng sự khác biệt của học sinh; chấp nhận cách “đọc hiểu” của các em khác với mình, không được làm cho học sinh sợ hãi. Tất cả những lập luận của tôi thiển nghĩ rất rõ ràng và nằm trong trường đoạn ngữ nghĩa, cụ thể như thế.

Tôi nói nếu thầy cô giáo nếu dạy đọc hiểu tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” dựa trên nền tảng lý thuyết Thi pháp học còn người khác dựa trên các lý thuyết khác chắc chắn sẽ cho ra những kết quả tiếp nhận khác nhau. Đây là cách nói nhằm chứng minh: khi dạy học, các thầy cô giáo có chấp nhận suy nghĩ khác của học sinh hay không chứ HOÀN TOÀN KHÔNG KHẲNG ĐỊNH BẤT CỨ ĐIỀU GÌ KHÁC.

Vậy mà Thái Hạo, bạn lại đánh tráo vấn đề và dẫn dắt người đọc bằng nhận định “bóp méo” suy nghĩ của tôi, rằng: “Cơ sở nào để tác giả cho rằng “Chiếc thuyền ngoài xa” thì chỉ có đọc hiểu theo thi pháp học mà không đọc hiểu theo “phương pháp khác? Tiếc thay, hoàn toàn không thấy tác giả chỉ ra những “điều cấm” ấy để minh chứng cho những nhận định và ví dụ của mình?”

Hạo ơi là Hạo, bạn đọc hiểu kiểu gì thế? Bạn đang phản bội lại chính GS Trần Đình Sử rồi đó. Tôi có nói điều như bạn ghán ghép đâu. Chính bạn bạn đang cố tình xuyên tạc ý tứ cả đoạn văn của tôi, chính bạn đang sa vào “cái bẫy chữ nghĩa” do bạn giăng ra, chính bạn “vi phạm nguyên tắc đối thoại” để làm sai lệch bản chất vấn đề chứ không phải tôi Hạo ạ!

Tôi biết bạn không tệ nhưng nếu bạn chỉ vì bênh vực GS Trần Đình Sử mà cố tình “đọc hiểu” bài viết của tôi như thế; để dành hết phẩn phải về mình như thế thì tôi thật sự XIN THUA bạn ở chỗ này rồi đó. Bởi với lòng tự trọng và trung thực của con người không cho phép tôi làm như bạn.

4. Nói cho rõ lần cuối về quan điểm của tôi xung quanh vấn đề nguyên nhân và giải pháp chống văn mẫu

Tôi xin khẳng định lại quan điểm của tôi trong bài viết trao đổi với GS Trần Đình Sử như sau:

Thứ nhất, theo tôi nguyên nhân của vấn nạn văn mẫu nếu nhìn ở “cấp độ tư tưởng” đó là do “định hướng chung về văn hóa văn nghệ” phải phục vụ chính trị, phục vụ chế độ lâu nay của đảng (chuyện nay thì có lẽ ai cũng biết, không cần phải chứng minh). Dĩ nhiên, trong bài viết của mình tôi không nói cụ thể bằng câu chữ như hiện giờ mà là thông qua quan điểm của TS Giáp Văn Dương và nhà triết học J. Krishnamurti để phản biện GS Trần Đình Sử.

Một lần nữa, tôi xin lặp lại và nhấn mạnh điều tôi đã nói: “Văn mẫu không đơn giản chỉ là chuyện học sinh khi làm bài kiểm tra sao chép lại nguyên văn lời dạy của thầy cô dạy trên lớp hay trong sách văn mẫu bán trên thị trường. Hiểu văn mẫu như thế không sai nhưng không toàn diện. Hơn nữa, nếu chỉ như thế cũng không đáng lo, đáng sợ bằng sự “đồng phục” rập khuôn trong nhận thức và tư duy. (xin bạn Thái Hạo hay ai đó đừng bắt tôi phải chứng minh trong thực tế những quyển sách nào, chương trình SGK nào ghi lại những chuyện này.).

Thứ hai, từ định hướng chung ở trên đã chi phối tất cả mọi vấn đề có liên quan đến việc triển khai mục tiêu chung về giáo dục và quan niệm dạy học môn văn trong nhà trường; nó chi phối tất cả các vấn đề từ việc biên soạn chương trình, nội dung các bộ SGK đến việc tổ chức hoạt động dạy học trong nhà trường (việc “thực hành dân chủ trong trường học” như trong bài viết đã phân tích); phương pháp dạy học cùng cách thức ra đề thi;…

Thứ ba, đó là lý do tôi cho rằng GS Trần Đình Sử vì không đụng gì đến nguyên nhân gốc rễ trên nên 5 giải pháp ông đưa ra chỉ mang tính hớt ngọn (đặc biệt là 3 giải pháp đầu).

Thứ tư, dẫu vậy tôi hoàn toàn không phủ nhận việc GS Trần Đình Sử cho rằng nguyên nhân của nạn văn mẫu là do sự buông lỏng quản lý trong việc dạy học văn trong nhà trường thời gian qua. Tôi chỉ muốn nhắn gửi ông từ sau bộ sách “văn mẫu” mà ông và sau này là GS La Khắc Hòa đổ cho cố giáo Phan Cự Đệ hay Hà Minh Đức thì từ năm 2000 trở về sau sự chính sự buông lỏng ấy cũng tạo điều kiện cho hàng lô hàng lốc sách văn mẫu dưới những tên gọi khác như: Bộ đề luyện thi môn Văn, Sách hướng dẫn GV, Sách hướng dẫn học tốt, Sách chuẩn hoá kiến thức, Sách Bồi dưỡng học sinh giỏi, “giảng văn chọn lọc” ăn theo các bộ SGK môn văn các cấp trong nhà trường.

Đó là lý do tôi cho rằng về “giải pháp kỹ thuật” Nhà nước (Bộ giáo dục và đào tạo) cần kiểm soát chặt chẽ việc xuất bản các bộ sách “ăn theo” chương trình và sách giáo khoa môn Ngữ văn nhằm phục vụ và đối phó với các kỳ thi của học sinh để kiếm thành tích. Đặc biệt, đã đến lúc cần nghiêm cấm những người vừa là tham gia vào việc biên soạn chương trình và SGK nói chung nhưng đồng thời lại chủ trương biên soạn các loại sách mẫu nấp dưới danh nghĩa sách tham khảo hay “hệ thống kiến thức môn văn” cho học sinh ở tất cả các cấp học”.

Nếu như ở cấp độ chung và quan trọng nhất, nạn văn mẫu là từ định hướng quan điểm về đường lối văn hóa, giáo dục của đảng thì ở từng cấp độ, từng phần việc cụ thể như biên soạn chương trình nội đung SGK môn văn, vấn đề quan niệm dạy học và ra đề môn văn, hay vấn đề viết các loại sách văn mẫu…đều do những cá nhân, những con người cụ thể thay mặt đảng tạo ra…

Và nếu nhìn ở phương diện này thì sau giai đoạn văn mẫu của cố GS Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức là giai đoạn văn mẫu của những ai? Thậm chí hiện tại những loại sách văn mẫu này do ai mà tràn lan trên thị trường? Xin quý vị tự tìm hiểu vậy.

4. Thay lời kết

Trao đổi, tranh luận những vấn đề còn bất đồng trong cuộc sống để tìm ra tiếng nói chung là điều cần thiết và nên làm trong xã hội văn minh. Cá nhân tôi tôn trọng và ủng hộ vấn đề này. Tuy vậy, tôi không hoan nghênh cách làm, cách nghĩ trước một thực trạng nào đó chúng ta chỉ biết đổ lỗi cho “ngoại cảnh”, “ngoại giới” hay tha nhân mà không nhìn lại chính bản thân mình (có khi vì vô tình hay cố ý đã ít nhiều đã và đang góp phần gây ra thực trạng ấy). Tôi nghĩ rằng, đổ lỗi cho người khác mà không nhìn thấy cái lỗi của mình trước hết là không trung thực với bản thân. Quan trọng hơn, đổ lỗi cho tha nhân hoàn toàn không phải là cách để chứng minh bản thân mình trong sạch. Lịch sử giáo dục nước nhà rồi đây sẽ phán xét tất cả. Vì sách vở, câu chữ chúng ta viết ra vẫn còn nguyên đó.

Đặc biệt, tôi không chấp nhận cách nói lấy được, cắt xén, ngụy tạo, suy diễn ý tứ, lời văn của người khác trong quá trình trao đổi để giành hết phần phải về mình. Tôi xin trao đổi lần cuối chuyện này với riêng bạn Thái Hạo và xin phép dừng mọi cuộc tranh luận tại đây.

Trân trọng!

Comments are closed.