Chung quanh vấn đề “văn mẫu” (kỳ 16): Lời cuối trao đổi với tác giả Nguyễn Trọng Bình về vấn đề văn mẫu

Thái Hạo

Sau khi bài viết “Trao đổi với GS Trần Đình Sử về nguyên nhân và giải pháp chống văn mẫu trong nhà trường phổ thông” của tác giả Nguyễn Trọng Bình được đăng tải trên Văn Việt, vì xét thấy cần cùng nhau làm sáng tỏ thêm một số vấn đề nên tôi đã có bài “trao đổi” lại với ông. Tuy nhiên vấn đề vẫn chưa thể dừng lại khi ông tiếp tục có bài “Lời cuối bàn về vấn đề nguyên nhân và giải pháp của việc chống văn mẫu hiện nay (Hay là vài lời trao đổi với bạn Thái Hạo)” đáp trả bài viết trước đó của tôi, và vì ông ghi là “lời cuối” nên tôi cũng xin được khép lại bằng bài viết cuối cùng này.

Trong bài viết thứ hai này của mình, tác giả Nguyễn Trọng Bình một lần nữa nhắc lại các quan điểm mà ông đã trình bày trong bài phản biện bài của Trần Đình Sử, mà trước hết là quan điểm về nguyên nhân của nạn văn mẫu. Và tôi cũng một lần nữa xin được nhắc lại như đã viết trong bài trước đó rằng tôi “rất tán đồng, tâm đắc và hết mực đề cao nhận định này của Nguyễn Trọng Bình” khi ông quan niệm “nguyên nhân sâu xa và cốt lõi nhất của vấn nạn văn mẫu chính là căn bệnh “đồng phục” trong nhận thức và tư duy của toàn xã hội”. Xin lưu ý, đây không phải lần duy nhất trong bài “trao đổi” của mình mà đã tôi tán thưởng / đồng ý với “quan điểm” của tác giả Nguyễn Trọng Bình. Ở những chỗ khác cũng thế, rất căn bản, ví dụ “Cá nhân chúng tôi khi bàn về vấn đề văn mẫu này cũng giống như tác giả Nguyễn Trọng Bình, đã nhận định rằng văn mẫu có tồn tại dưới dạng này hay dạng khác ở một mức độ nhất định trong chương trình và các sách vở có tính “pháp lệnh”…; rồi ở phần đề xuất giải pháp chống văn mẫu tôi phải thốt lên “Lại một lần nữa, chúng tôi tâm đắc với nhận định này của tác giả” khi ông nhấn mạnh đến “mục tiêu” đào tạo “con người tự do”.

Tóm lại là gì? Là trong bài “trao đổi” của mình, ở cả hai phần, tôi không những không hề phản bác tác giả Nguyễn Trọng Bình khi ông đưa ra các quan điểm có tính lý thuyết và nguyên tắc để đi tìm nguyên nhân và giải pháp cho nạn văn mẫu ở góc độ chính trị tư tưởng. Và, cứ đinh ninh rằng tác giả Nguyễn Trọng Bình phải thấy là tôi đang cùng đứng về một phía với ông trên góc độ nhận thức về vấn đề; ai dè, thật khó hiểu, ông lại bỗng tỏ ra nặng nề và dùng những ngôn từ rất khó nghe với tôi như: “vô lối”, “chơi trò hai mặt”, “cố tình “làm khó” tôi”, “đánh tráo vấn đề”, “với lòng tự trọng và trung thực của con người không cho phép tôi làm như bạn”; thậm chí ông còn so sánh tôi“chẳng khác gì mấy anh cán bộ quản lý truyền thông, an ninh văn hóa”, “Thái Hạo giống hệt anh công an”…

Tôi phải ngồi bóp trán mà suy nghĩ xem mình đã làm gì đắc tội với ông trong khi chính tôi đã vỗ tay liên tục về những nhận định của ông… Và, tôi giật mình hiểu ra, thì ra không phải tác giả bực bội bởi tôi nghĩ khác ông (vì thực tế, trên đại thể tôi đâu có nghĩ khác ông) mà vì tôi đã có một yêu cầu bất kính là đòi hỏi ông phải chứng minh cho những nhận định mà ông đã đưa ra. Còn vì sao tôi đòi ông phải chứng minh thì xin được trình bày ở phần sau.

Trong bài trao đổi trước đó tôi đã cả quyết rằng tác giả Nguyễn Trọng Bình “thất bại” trong cái việc chứng minh này, và tôi luôn nhắc lại rằng tôi lấy làm tiếc mỗi khi phải thốt ra điều đó (chứng minh thất bại).

Tôi đã vui mừng khi nhìn thấy bài “vài lời” này của ông, vì nghĩ chắc trong bài viết đây ông sẽ bổ sung, bổ khuyết cho cái sự “thất bại” kia; nhưng thật bất ngờ, sau khi lần lượt nhắc lại những luận điểm đã trình bày ở bài đầu tiên, ông không những không bổ sung gì mà ngược lại còn coi cái yêu cầu chứng minh vốn là một thao tác tất yếu trong khoa học là “cố tình “làm khó”” ông?! Tác giả liên tục nhắc lại với vẻ bất bình rằng tôi đã “bắt” ông “phải chứng minh”. Và còn dặn “bạn đừng kêu tôi phải “chứng minh” nhé”! Chưa thôi, ông còn thắc mắc rằng “sao không thấy bạn lên tiếng bắt” “các ông Vũ Ngọc Hoàng, nhà thơ Hoàng Hưng, Giáo sư Chu Hảo, hay mới đây là của GS La Khắc Hòa” “chứng minh”, dẫn nguồn những gì họ nói?! Ô hay, thế các ông ấy không chứng minh thì Nguyễn Trọng Bình cũng được miễn trừ trách nhiệm chứng minh cho những nhận định của Nguyễn Trọng Bình ư? Tại sao lại có cái lý lẽ lạ lùng như vậy!

Đến đây, có lẽ bạn đọc sẽ thắc mắc rằng tại sao Thái Hạo đã đồng ý với Nguyễn Trọng Bình mà còn “bắt” ông ấy chứng minh chi cho khổ ông ấy ra vậy! Tôi không rảnh để đi “bắt” người khác làm cái việc vô nghĩa nếu không có lý do chính đáng. Việc nói bệnh “đồng phục” tư tưởng hay “con người công cụ” là nguyên nhân của nạn văn mẫu là đúng trên nguyên tắc khi nhìn nhận ở chiều kích xã hội tổng thể, nhưng việc dùng cái nguyên tắc ấy để quy trách nhiệm cho từng đối tượng cụ thể thì không thể tùy tiện và cảm tính được. Ví dụ, cũng là người giảng dạy văn học dưới vòm trời giáo dục Việt Nam nhưng tác giả Nguyễn Trọng Bình hoàn toàn có thể là người vô tội với nạn văn mẫu chứ. Tôi có thể nói rằng vì mục tiêu của thể chế là đào tạo con người công cụ, rồi từ đó đi đến kết tội luôn tác giả Nguyễn Trọng Bình chỉ vì ông cũng là người dạy văn được không? Có lẽ ông sẽ không bao giờ chịu nếu ông đã nỗ lực chống lại nạn văn mẫu trong từng hoạt động giáo dục của mình. Còn có ai đó muốn gán ghép cái tội đó cho ông thì họ phải chứng minh chứ, phải không? Nếu họ không chứng minh được thì ông vô tội, ông cứ ngẩng cao đầu mà bước, mặc cho những học trò từ lớp học của ông đi ra đều rập khuôn một lối văn mẫu như đang thấy (vì có thể nguyên nhân nằm ở một chỗ khác).

Chẳng lẽ ông lại có thể coi cái trách nhiệm chứng minh ấy là không cần thiết khi ông kết tội chương trình, sách giáo khoa và người soạn sách? Với tôi, khi kết tội bất kỳ ai, dù có vẻ hiển nhiên đến bao nhiêu thì việc chứng minh cũng là một nghĩa vụ đạo đức. Trong khoa học thì đó lại càng là một yêu cầu thiêng liêng hơn nữa, vì nó thể hiện sự nghiêm túc lẫn nhân cách khoa học của tác giả. Tôi nghĩ rằng mình đã không quá đáng một chút nào với cái yêu cầu chứng minh ấy đối với ông, mà ngược lại, tôi chỉ muốn được tôn trọng ông nhiều hơn mà thôi. Nhưng tôi thật sự không hiểu tại sao ông lại thấy “thật sự thất vọng với cách tư duy và lập luận” này của tôi và gọi nó là “rất vô lối”?

Việc chỉ ra đích xác nguyên nhân và vị trí mang bệnh là điều không những cần thiết mà còn là bắt buộc nếu muốn trị được bệnh. Một cơ thể bệnh tật thì chẳng lẽ lại đồng nghĩa với rằng tất cả các cơ quan, lục phủ ngũ tạng đều mắc bệnh sao? Ở đâu ra cái nhận thức và quan niệm kỳ khôi như vậy? Khi cái đầu của ai đó bị rối loạn tuần hoàn não thì cái miệng cũng không thèm ăn uống nữa, nhưng xin thưa, dù cái miệng có biểu hiện ra sao thì dứt khoát cũng phải chữa cái đầu chứ không thể lại tìm đến bác sĩ nha khoa được.

Nếu ông không chứng minh được bệnh nằm ở cái miệng mà lại cứ đóng sống cho nó bởi vì ông thấy nó không muốn ăn uống thì chỉ tiền mất tật mang chứ chẳng được cái ích lợi gì. Tôi giả sử, nếu nạn văn mẫu không phải ở chương trình và sách giáo khoa mà ở một khâu khác nhưng lại bị quy kết cho nó rồi rủ nhau đi viết lại chương trình, biên lại sách thì có phải đã đốt ra tro cả ngàn tỉ tiền thuế dân và tiếp tục làm khổ bao nhiêu thế hệ học trò, mà rốt cục bệnh vẫn còn nguyên?

Đến đây thì tôi hi vọng rằng ông đã hiểu tại sao tôi “bắt” ông chứng minh, và không còn khư khư coi đó là “vấn đề “tiểu tiết” vu vơ” nữa. Vì, chứng minh là trách nhiệm chứ không phải như ông đang hiểu là giăng ra “cái bẫy chữ nghĩa”, để mà “vừa thấy buồn cười vừa thêm thất vọng” đâu thưa ông.

Bây giờ, tôi chỉ mong ông hiểu cho cái thiện chí của tôi khi tôi “bắt” ông chứng minh, vì cũng như ông, tôi tha thiết tìm ra đúng cái chỗ đang mắc bệnh này để mà trị lành. Nhưng, thật tiếc, dù đã bỏ công viết thêm cả một bài nữa, cũng như bài trước, ông đã không những không làm cái việc đáng làm nhất ấy mà ngược lại còn dành toàn bộ bút lực để mắng tôi.

Xin được khép lại, một lần nữa bằng chính những lời kết mà tôi đã viết trong bài trước, cái bài không may đã bị tác giả Nguyễn Trọng Bình không tiếc lời chê trách ấy:

Đến đây, chúng tôi muốn nói lời cuối cùng rằng, việc tìm cách đổ lỗi cho nhau trong hoàn cảnh xã hội nước ta lúc này là không có mấy lợi ích. Vấn đề nên làm hơn là nỗ lực thực hiện chương trình 2018 sao cho vừa giữ được tinh thần của nó, song song với việc không ngừng tác động vào khâu quản lý nhà nước về giáo dục để thúc đẩy thay đổi các chính sách còn bất cập, các chính sách mang tính trói buộc và đang kìm hãm sự khai phóng.

Phụ chú: Tác giả Nguyễn Trọng Bình còn “mắng” tôi ở một điểm khác nữa có liên quan đến cái ví dụ về đọc hiểu truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa mà ông nêu ra khi nói rằng tôi “đánh tráo vấn đề và dẫn dắt người đọc bằng nhận định “bóp méo””. Riêng chỗ này thì tôi thấy không cần phải lời qua tiếng lại với ông nữa vì tôi đã phân tích, chứng minh, diễn giải đủ rõ trong bài trước, ông chỉ cần đọc lại nó là đủ. Chỉ xin nhắc, bởi ông đã viết rằng“GS Trần Đình Sử hướng dẫn giáo viên “đọc hiểu” văn bản “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu dựa trên nền tảng lý thuyết về thi pháp học, người khác lại đứng ở phương diện xã hội học hay phân tâm học… để “đọc, hiểu” chắc chắn sẽ cho ra những kết quả tiếp nhận khác nhau” mà không có bất kỳ một phụ chú hay lưu ý nào để làm dấu cho người đọc biết rằng đó là ông chỉ đang “giả sử” nên việc tôi phải hiểu như đã trình bày trong bài trước là không thể khác được. Đó là chưa kể tới việc trước khi lấy cái “ví dụ” mà không hề đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào để cho biết rằng nó chỉ là ví dụ thì ông đã viết “Tôi đồng ý. Tuy nhiên, vấn đề là, có nhiều cách để “đọc hiểu” văn bản”. Chính ở cái câu này nó tiền giả định bên trong hai chữ “tuy nhiên” của ông một hàm ý rằng Trần Đình Sử chỉ dạy một cách đọc hiểu mà thôi. Lại nữa, đó cũng là chưa kể tới việc toàn bộ bài viết của ông là một nỗ lực biện luận cho sự hiện hữu của tính “đồng phục”, của việc đào tạo “con người công cụ” trong mục tiêu của chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn. Chính ở toàn bộ sự chối bỏ này mà ông đã không thành thật với bản thân trong việc tranh luận với tôi.

Comments are closed.