Chung quanh vấn đề “văn mẫu” (kỳ 9): Từ tình trạng “văn mẫu” nghĩ đến mấy vấn đề căn bản của dạy/học ngữ văn trong nhà trường phổ thông

Hoàng Hưng

Trước hết, nên hạn định “Văn mẫu” ta đang bàn là những bài hoặc đề cương có sẵn (đã xuất bản hoặc do giáo viên (GV) tự soạn (rất ít) để nhồi nhét nhằm “luyện thi” cho học sinh (HS), không phải những áng văn hay mà HS đọc để tham khảo về các kĩ năng viết (tả cảnh, kể chuyện, phân tích, bình giảng…) vốn đã là truyền thống trong dạy/học Văn ở mọi thời kì và ở nhiều nước.

Thứ hai, lưu ý tình trạng áp đảo của “Văn mẫu” xuất hiện khoảng 30 năm lại đây, từ khi có những “Bộ đề thi” do chính các vị có tên tuổi soạn và NXB Giáo dục in, trong đó là các bài “văn mẫu” (thử gõ “Bộ đề thi Văn” trên google, ra 3.820.000 kết quả!).

Vậy, phải chăng muốn triệt bỏ tình trạng dạy nhồi nhét, học vẹt, dạy/học tủ môn Văn để đối phó với thi cử, mà hậu quả là không khuyến khích dạy/học thực và không khuyến khích óc sáng tạo, giải pháp trước mắt là: Thay đổi căn bản cách ra đề và cách chấm thi! Không theo truyền thống kiểm tra kiến thức cơ bản (văn học sử) mà là kiểm tra năng lực tiếng Việt và tư duy logic & cảm thụ văn học, tri kiến xã hội (đọc hiểu, bình luận xã hội, phân tích bình giảng đoạn văn/thơ, diễn đạt tiếng Việt)!

Đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 được coi là đúng theo hướng ấy (với bài đọc hiểu 3 điểm, bài viết luận xã hội 2 điểm, bài cảm thụ và phân tích “tính nữ” trong đoạn thơ “Sóng” (Xuân Quỳnh) 5 điểm).

Và đây là kết quả thi, được coi là tốt hơn các năm trước:

“Có 978,027 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn trong đó điểm trung bình là 6.47 điểm, điểm trung vị là 6.5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm.

Số thí sinh có điểm <= 1 là 172 (chiếm tỉ lệ 0.02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 117,915 (chiếm tỉ lệ 12.06%)” (laodong.vn)”.

Theo GS Trần Đình Sử, một tên tuổi trong giới soạn Sách Giáo khoa, thì nghiêm túc thực hiện chương trình Ngữ Văn mới, và ra đề thi với văn liệu ngoài sách giáo khoa (để đánh giá được thực chất năng lực tư duy độc lập của HS) là hai biện pháp cụ thể hữu hiệu để triệt bỏ “văn mẫu”.

Như vậy, tình trạng “Văn mẫu” có vẻ không khó giải quyết?

Tuy nhiên, điều quan trọng bao trùm, là phải bỏ ngay phong trào “THI ĐUA” CHẠY THEO THÀNH TÍCH GIẢ đã tồn tại quá lâu, ăn quá sâu vào não trạng toàn ngành giáo dục và giới lãnh đạo chính trị, từ đó sinh ra lối dạy học nhồi sọ, dạy học vẹt, dạy học tủ cốt đạt “thành tích” thi cử!

***

Song, nhân đây, tôi muốn nói về mấy vấn đề căn bản của việc dạy/học Ngữ Văn lâu nay ở nước ta.

Tại sao ra đời các sách “Văn mẫu” và việc lan tràn dạy/học theo “văn mẫu”?

Qui luật thị trường là: Có Cầu mới có Cung!

Thực tế, theo quan sát của tôi từ khi còn là học sinh phổ thông (những năm 1950), đến thời gian học Văn Đại học Sư phạm (1962-1965) và dạy Văn cấp 3 (1965-1973) rồi làm báo Người Giáo viên Nhân dân của Bộ Giáo dục (1973-1982), cũng như trao đổi với một số giáo viên Văn hiện nay, thì phải thừa nhận: HS NÓI CHUNG (CHẮC CHẮN KHÔNG RIÊNG HS VN!) RẤT KHÔNG MÊ HỌC NGỮ VĂN, TÂM LÍ CHUNG CHỈ LÀ HỌC ĐỐI PHÓ ĐỂ LÊN LỚP VÀ THI ĐỖ!

Ngoài nguyên nhân khách quan do xu hướng thực dụng cận thị của xã hội (trước đây: Nhất Y nhì Dược tạm được Bách khoa…; nay thì: Nhất Công an, Nhì Y dược, Ba Kinh tế Tài chính…), có những nguyên nhân chủ quan của Giáo dục Ngữ Văn:

-Vì mục tiêu, chương trình học Ngữ Văn không hợp lý, không phù hợp thời đại (Văn nặng hơn Ngữ, quá nặng về văn học sử, kiến thức chuyên ngành không cần thiết, không hữu dụng sau này). Chương trình mới đã chuyển hướng căn bản. Hy vọng nó mở ra bước chuyển cho tình trạng dạy/học Ngữ Văn thích đáng. Tất nhiên phải có thời gian, không thể sốt ruột!

Chỉ cần khảo sát cách cho điểm đề thi THPT năm nay là thấy vẫn thể hiện rõ: TRỌNG VĂN, (QUÁ) NHẸ NGỮ!

So sánh thử: Số điểm cho bài phân tích, cảm thụ đoạn thơ “Sóng” là 5/10 điểm tổng thể, trong khi NĂNG LỰC DIỄN ĐẠT TIẾNG VIỆT (lại chỉ hạn chế ở chính tả, ngữ pháp, không xét sự chuẩn xác, phong phú, tinh tế của từ ngữ!!!): chỉ chiếm 0,5 điểm! Mà đó lại là NĂNG LỰC QUAN TRỌNG HÀNG ĐẦU ảnh hưởng đến cả tương lai giao tiếp, làm việc của thế hệ trẻ khi ra đời (quan trọng hơn nhiều năng lực cảm thụ văn học!). Cứ nghe/ đọc báo chí, truyền hình, phát ngôn của các vị lãnh đạo, văn bản hành chính… thì thấy rõ hậu quả việc coi nhẹ này ra sao đối với xã hội!!!

-Vì số GV Ngữ Văn có đủ sức thu hút HS (do kiến thức, do lòng yêu Văn & nghề dạy Văn, do năng lực sư phạm) rất hiếm!

Nếu những năm 1950-1960, sinh viên vào học Văn Sư phạm có thể đa số xuất phát từ năng khiếu/lòng yêu Văn, thì những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, con số miễn cưỡng chọn nghề dạy Văn hình như là chủ lực!!!

Chưa kể tình trạng mâu thuẫn khó giải quyết giữa phẩm chất cần thiết của GV và số lượng trường học phổ cập!

Từ đó, số GV Ngữ Văn có đủ năng lực độc lập để thấu hiểu Sách Giáo khoa, soạn bài dạy, rèn luyện HS về tư duy, ngôn ngữ và cảm thụ văn học chắc chắn không nhiều!

Trong tình trạng ấy, “Văn mẫu” là cái phao cứu sinh cho cả GV lẫn HS một thời gian dài! Đó là điều dễ hiểu!

Vậy, về lâu dài, chỉ có thể triệt bỏ “văn mẫu” khi năng lực tư duy, ngôn ngữ, cảm thụ văn học của GV & HS được nâng cao.

Đó là một diễn trình khó khăn, cần nhiều điều kiện và chính sách chung của quốc gia.

Nhưng riêng tôi thấy có hai điều cụ thể tác động rất căn bản:

1. Nâng cao hiệu quả đào tạo GV Ngữ Văn của các trường Sư phạm, đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với chương trình đổi mới môn Ngữ Văn của nhà trường Phổ thông.

(Đây sẽ là một chủ đề thú vị khác của giới Hàn lâm!)

2. TẠO ĐIỀU KIỆN VÀ KHUYẾN KHÍCH GV & HS ĐỌC SÁCH!

Khỏi cần chứng minh HS giỏi Ngữ Văn là HS thích đọc sách và có sách để đọc! Không thầy giáo nào thay thế được THẦY SÁCH!

HS cấp 1 của Mỹ đã được khuyến khích đọc sách và tư duy độc lập khi đọc sách. Mỗi tháng, GV phát cho HS một phiếu ghi tên những sách HS đọc ở nhà, với mấy câu hỏi: Tên sách? Tên tác giả? Sách nói về chuyện gì? Em thích gì nhất trong sách? Trích dẫn một câu em thích trong sách! HS nào đọc được mỗi ngày một cuốn, sẽ được phần thưởng!

Tất nhiên hệ thống thư viện trường học và thư viện công cộng ở Mỹ đủ sách cho tất cả HS đọc!

Trong hoàn cảnh khó khăn của ta, tôi đề xuất:

– Bộ Giáo dục phát động một cuộc vận động TOÀN DÂN XÂY DỰNG TỦ SÁCH TRƯỜNG HỌC

– Bên cạnh đó, để khắc phục khó khăn về tiền bạc mua sách và trong điều kiện số hoá hết sức thuận lợi, Bộ Giáo dục nên THÀNH LẬP THƯ VIỆN SỐ(ONLINE), mua bản quyền của các tác giả, dịch giả để post nhiều sách cho GV, HS đọc trên mạng. Thậm chí nên nghĩ đến cả việc SỐ HOÁ SGK. Sách online càng thích hợp cho tình trạng cách ly, học online!

– Có hình thức khuyến khích HS (và cả GV) đọc sách! (Chả lẽ lại qui định… mỗi GV Ngữ Văn phải đọc bao nhiêu cuốn sách một tháng???).

Comments are closed.