Thảo luận mùa hè 2022 (8): Vũ Ngọc Tiến – Nhà văn viết gì, viết thế nào hôm nay?

Vào tháng sáu, Văn Việt đã bắt đầu thực hiện cuộc Thảo luận mùa hè 2022.

Thời điểm đó, cả nước (và nhứt là Sài Gòn), đã lựng chựng những bước đi đầu tiên, cố “bình thường trở lại” sau những tháng ngày kiệt quệ vì phong tỏa. Những nội dung chia sẻ trong thảo luận là từ trạng thái đó:

”Đang là thập niên thứ ba của thế kỷ 21, và nhân loại vừa ra khỏi một thảm họa cực kỳ khốc liệt khiến mỗi người phải nhìn lại mình và trả lời câu hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ sống thế nào?

Còn các nhà văn thì hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ viết thế nào?

Phải chăng nhà văn đã “chậm chân”, đã bị “bỏ-lại” so với sự phát triển của khoa học và công nghệ, những thứ đã giúp cho một người bình thường, chỉ với bàn phím và mạng xã hội, có thể nối kết cùng cộng đồng và được đón nhận một cách hiệu quả hơn so với trang viết của nhà văn?

Phải chăng sự thiếu vắng những nhà văn tên tuổi mà tư tưởng đủ sức gây ảnh hưởng lên toàn nhân loại khiến những tác phẩm hư cấu giờ trở nên “nhẹ-cân-hơn” ngay cả với thể loại văn chương phi-hư-cấu?

Và anh/chị có thể trả lời các câu hỏi sau hoặc mở rộng vô giới hạn theo ý của anh/chị”.

Xin giới thiệu bài của nhà văn Vũ Ngọc Tiến.

VĂN VIỆT

VU NGOC TIEN 2

 

Để trả lời, trước hết cần xác định vị thế của nhà văn.

Dường như có một thời nhà văn thường hay ngộ nhận mình ở vị thế đứng trên bục giảng về đạo đức, triết lý nhân sinh, lý tưởng này nọ. Thật ra, viết văn cũng chỉ là một nghề như bao nghề khác. Vị thế của nhà văn chỉ là một cá thể nhỏ nhoi trong cộng đồng hỗn tạp, thế nên anh ta hãy xuống đường, ra bến xe, vào chợ hay đi đến từng nhà, nhà nọ sang nhà kía lắng nghe, trò chuyện với bạn đọc; buồn đau, phẫn nộ trước mọi điều bất công phi lý, những cảnh đời, phận người kém may mắn hay hoan hỷ tụng ca cùng họ về những điều nhân bản tốt đẹp cả trong hiện thực lẫn trong mơ ước xa vời. Chỉ có như thế, trang viết của anh ta mới bợn lên nỗi lo hiện sinh của mỗi kiếp người, của mỗi cộng đồng hay thể chế xã hội.

Nhà văn chỉ khác với người thường ở chỗ trong quá trình dấn thân ấy, anh ta biết quan sát, chọn lọc, tổng hợp mọi dữ kiện để tư duy, đúc kết nên những hình tượng văn học đủ hấp lực hút hồn bạn đọc. Ngày nay, thời đại số hóa thông tin cho nhà văn một lợi thế dễ dàng tìm kiếm, tổng hợp thông tin trên các trang mạng xã hội, nhưng nếu không dấn thân thì độ sâu của tư tưởng triết mỹ, độ mở của biên độ tư duy trong tác phẩm sẽ rất hạn chế, thậm chí gần đây có người viết cả bộ tiểu thuyết mấy chục nghìn trang nhưng nhạt hoét bởi vẫn chỉ là sao chép đơn thuần trên mạng, khiến người đọc phải thốt lên “biết rồi, khổ lắm nói mãi!”.

Viết gì ư? Vẫn là đề tài muôn thuở về gia đình, tình yêu trai gái, khát vọng sống cho ra cuộc sống con người hay các cuộc tranh đoạt giữa chính trường, thương trường…, nhưng mỗi thời mỗi khác. Nhà văn chỉ thành công khi biên độ tư duy, tầm nhìn và góc nhìn được hình thành trong sự dấn thân, bất chấp mọi hiểm nguy rình rập, mọi lực cản vô hình hay hữu hình của thể chế hay sự biến động mang tính quy luật của tự nhiên và xã hội.

Nhà văn viết thế nào trong một thế giới phẳng?

Tôi khẳng định rằng mình thật tâm và nhiệt thành ủng hội mọi nỗ lực cách tân trong văn học của các bạn nghề, nhất là lớp trẻ. Tuy nhiên tôi thiển nghĩ, ta CÁCH xong rồi thì cái TÂN còn lại phải là của mình, mà ta lại đang sống giữa nhân dân mình với mặt bằng dân trí và sự bần khổ tù hãm này, giữa một thế giới phẳng đầy ắp thông tin đa chiều, thì nên chăng lấy cách tân nội dung làm chủ yếu, cấp thiết nhất; còn cách tân về nghệ thuật biểu đạt sẽ tùy thuộc vào cá tính thẩm mỹ, tầm văn hóa, tạng bút của mỗi nhà văn.

Tiêu chí định giá một tác phẩm không lệ thuộc vào cách viết cũ hay mới, miễn sao nó thực sự đem lại rung động thẩm mỹ về cái đẹp bằng tính chân thực, đôi khi bằng cả sự tối giản trong ngôn từ và cấu trúc theo chủ ý ban đầu của tác giả, muốn hướng đến quảng đại công chúng bình dân chứ không bó hẹp vào đối tượng độc giả được gọi là tinh hoa. Nhà mỹ học Đức Immanuel Kant từng viết: “Cái đẹp là tự nó, cái đẹp vượt lên phơi phới trên biên giới không gian, thời gian”. Nhà mỹ học Nga nổi tiếng vào thế kỷ 19 Chernyshevsky cũng viết: “Cái đẹp là cuộc sống, một thực thể đẹp là thực thể giúp ta suy nghĩ về hiện thực của đời sống”. Riêng tôi, tự biết tạng bút của mình, trước sau vẫn kiên trì với bút pháp cổ điển đại tự sự. Tôi chỉ cố làm mới mình bằng việc thi thoảng vận dụng thêm vào đó những thủ pháp nghệ thuật của tiểu thuyết hiện đại phương Tây như cấu trúc thời gian phi tuyến tính, thả nổi sự kiện, độc thoại nội tâm, hồi ức đan xen giao cắt… khi nội dung tác phẩm cần đến nó và cũng chỉ trong chừng mực có thể.

Đổi mới văn học, trông người lại ngẫm đến ta

Chúng ta đang sống trong thập niên thứ ba của thế kỷ 21 với nhiều biến động phức tạp, nhanh mạnh đến chóng mặt, đòi hỏi nhà văn cập nhật, tư duy về nó mới có thể viết ra tác phẩm xứng tầm với nền văn hóa lâu đời của đất nước 100 triệu dân đang muốn đổi mới, hòa nhập với thế giới để thỏa khát vọng phát triển.Vì vậy, đổi mới văn học là nhu cầu tự thân, cấp bách trong mỗi nhà văn.

Nhiều khi tôi tự hỏi: Vì sao văn học Việt Nam và Trung Quốc bước vào đổi mới có chung một điểm xuất phát thoát thai từ nền văn học quan phương đậm chất Maoist nhưng họ thành công ngoạn mục hơn ta gấp bội? Để lý giải, có lẽ cần mở rộng góc nhìn ra nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa hai nước.

Cách đây vài năm, tôi có viết một bài nhưng chưa tiện công bố về văn học đương đại Trung Quốc, có sửa chữa bổ sung trong những ngày Sài Gòn lockdown vô cùng căng thẳng vì đại dịch COVID-19 (tháng 8 và 9/2021). Nhân đây xin trích ra vài ý chính:

Tôi căm ghét những thế lực đen tối phương Bắc phát động chiến tranh biên giới xâm lược Việt Nam (17/2/1979), nhưng không bài Hoa cực đoan, vẫn yêu văn học Trung Quốc và chúc mừng những thành công trong đổi mới nền văn học nghệ thuật của họ.

Công cuộc đổi mới về các mặt ở Trung Quốc thành công hơn ta bởi người cầm chịch đổi mới của họ có tư tưởng: Đặng có thuyết “Mèo trắng – mèo đen”, Giang có thuyết “Ba đại diện”, Hồ có thuyết “Xã hội hài hòa”, Tập có thuyết “Giấc mộng Trung Hoa”. Xin không bàn đến sự hay dở, ý đồ bên trong của những học thuyết ấy nhưng nhờ có tư tưởng nên họ tự tin, dám mạnh tay “cởi trói” cho văn học nghệ thuật.

Ở Việt Nam, những người cầm chịch công cuộc đổi mới tầm quốc gia qua các thời kỳ đều không có tư tưởng, chỉ vay mượn chắp vá cách làm từ bên ngoài, đưa ra những giải pháp tình thế vừa làm vừa run, nên trong lĩnh vực văn học, ngay từ đầu đổi mới đã không có thủ lĩnh thật sự. Một bản đề dẫn của nhà văn Nguyên Ngọc vừa hé lộ đã bị vùi dập, dọn đường cho lũ cơ hội nhảy ra cản trở văn học đổi mới. Giới quản lý nhà nước chỉ nghe lũ cơ hội sàm tấu mà cấm đoán tác phẩm, trù dập tác giả chứ đâu có hiểu, thậm chí còn chưa đọc.

Khác hẳn với Việt Nam, ngay khi bước vào đổi mới, giới văn chương Trung Quốc là một tập thể thống nhất xung quanh thủ lĩnh bên ngoài là nhà văn lão thành Ba Kim làm ngọn cờ đoàn kết, còn thực chất bên trong là nhà phê bình mỹ học Chu Dương. Ông kết án gay gắt cách mạng văn hóa vô sản Trung Quốc và gọi nó là "nền chuyên chính phát xít theo kiểu phong kiến man rợ". Chu Dương lên tiếng đòi xét lại hàng loạt vấn đề. Ông nói: "Vấn đề viết sự thực, vấn đề con đường của chủ nghĩa hiện thực, viết về nhân vật anh hùng và con người trung gian… vốn đều là những vấn đề học thuật hoàn toàn có thể tự do thảo luận. (Diễn văn khai mạc Chu Dương tại Đại hội nhà văn Trung Quốc năm 1979).

Mở đầu cuộc đổi mới là sự đấu tranh đòi trả lại nhân phẩm và tác phẩm cho những nhà văn, nhà thơ ưu tú của dân tộc. Họ tổ chức truy điệu các nhà văn bị bức hại như Triệu Thụ Lý, Lão Xá, Ngô Hàm. Họ in lại "Hải Thụy bãi quan", "Yên Sơn dạ thoại", "Tạ Giao Hoàn", “Lý Tuệ Nương"… Họ còn trịnh trọng tổ chức quốc tang cho Quách Mạt Nhược (1979) và Mao Thuẫn (1981). Họ tái bản với số lượng lớn kiệt tác "Gia đình" của Ba Kim. Họ đi đón Đinh Linh bị bắt đi lao động suốt hai mươi năm trở về Bắc Kinh… Nhờ có sự đoàn kết thống nhất xung quanh ngọn cờ của Ba Kim, dưới sự dẫn dắt của thủ lĩnh đầy uy tín Chu Dương, văn học đổi mới ở Trung Quốc chia thành những trường phái nhưng không hề có sự xung đột, bài xích lẫn nhau nên nhanh chóng gặt hái thành công .

Khoảng 10 năm đầu đổi mới (1979-1989) ở Trung Quốc xuất hiện đồng thời ba dòng văn học: Dòng văn học bộc lộ, văn học vết thương với chủ đề là cuộc sống đầy máu và nước mắt trong cách mạng văn hóa và với phong cách biểu hiện mới mẻ đã làm chấn động dư luận một thời. Truyện ngắn “Vết thương” của Lư Tân Hoa và kịch bản "Trong chốn im lặng" của Tống Phúc Hiền dường như là phát súng mở đầu cho dòng văn học này. Có thể nói dòng văn học này phong phú về thể loại, đa dạng về phong cách biểu hiện và rất lớn về số lượng tác phẩm, nhất là thể loại truyện vừa và truyện ngắn của các tác giả trẻ vốn là nạn nhân bị đọa đày trong cách mạng văn hóa.

Dòng văn học thứ hai với sự phục hoạt chủ nghĩa hiện thực phê phán trước năm 1949 vốn là dòng chủ lưu của văn học Trung Quốc suốt nửa đầu thế kỷ 20. Đặc biệt dòng văn học tiểu thuyết diễm tình nở rộ tới mức ông Lục Tôn Vỹ, một nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Trung đã phải thốt lên: “Vầng sáng tình yêu đang lấp lánh trên văn đàn đại lục" (tạp chí Studies on Chinese Communism – October 1982). Nếu nghiêm cẩn soi xét, tôi nghĩ nó có nhiều nét giống với tiểu thuyết bình dân, tiểu thuyết đen ở Âu – Mỹ xen lẫn hoa thơm với cả cỏ dại, nhưng vẫn được tự do in ấn, bày bán la liệt trong các tiệm sách. Nhà nước để mặc cho công chúng thẩm định, kiểm duyệt cũng tốt, có sao đâu?!…

Theo thời gian, với độ lùi đủ để các cây bút xuất hiện và trưởng thành sau cách mạng văn hóa, vươn lên làm chủ cuộc chơi chính là lúc văn học đổi mới ở Trung Quốc đạt tới thời hoàng kim của tiểu thuyết vào nửa thập niên cuối thế kỷ 20 vắt sang hai thập niên đầu thế kỷ 21. Giai đoạn này có hai dòng chủ lưu cuốn hút mạnh mẽ công chúng không thua kém nhau, làm nên tầm vóc của sự phục hưng: Dòng văn học hiện sinh là sự tiếp nối của dòng văn học hiện thực phê phán, thấm đẫm tư tưởng hiện sinh trong nội dung, đa dạng về phong cách thể hiện theo văn phong, bút pháp của mỗi nhà văn tiêu biểu. Có thể kể ra: Thiết Ngưng, Dư Hoa, Quỷ Cổ Nữ, Lư Tân Hoa, Giả Bình Ao, Sơn Táp, Khâu Hoa Đông…

Tôi đặc biệt thích thú, đánh giá cao cuốn “Tử cấm nữ” của Lư Tân Hoa. Cuốn “Tử cấm nữ” dày 559 trang (bản dịch tiếng Việt, NXB Hội Nhà văn, 2005 và NXB CAND in lại năm 2009) chỉ xoay quanh những suy tư dằn vặt, bức bí thể xác, khao khát tình dục của một cô gái xinh đẹp, thông minh nhưng mắc phải dị tật ở bộ phận sinh dục không thể làm chuyện đực- cái. Sự phong kín của bộ phận nhạy cảm ấy ngăn cản cô làm một người đàn bà đích thực, chỉ còn cách thủ dâm tự lừa dối mình bằng khoái cảm tình dục không có thật. Càng nhiều đàn ông mê đắm, bám theo mình tán tỉnh, gạ gẫm, cô càng đau khổ, khát khao một lần được làm đàn bà và cô đã thử nhiều lần đều bất thành. Cô cũng đã đi nhiều nơi, ra cả nước ngoài làm đủ mọi loại công việc sang- hèn lấy tiền chữa trị nhưng đều thất bại.

Những trang độc thoại nội tâm của nhân vật, dưới bút pháp kỳ tài của Lư Tân Hoa trong tác phẩm khiến người đọc chua xót đến rùng mình ớn lạnh. Lạ thay, khi đọc nó người đọc cứ bị ám ảnh, liên tưởng đến hiện tình đất nước Trung Quốc bao la tươi đẹp giống như cô gái ấy bị kìm hãm mọi ham muốn phát triển. Cả tỉ người của dân tộc Trung Hoa, cũng giống cô gái ấy, bị phong kín bởi hệ tư tưởng thống soái Maoism, không có tự do, không được làm người đúng nghĩa một con người… Tác phẩm quả là một kỳ thư hiếm có. Lý thú còn ở chỗ tác giả chính là chàng trai nhỏ thó, bẽn lẽn năm đầu đổi mới nhận giải thưởng văn học ở Giang Tô với truyện ngắn “Vết thương”, được giới phê bình đặt tên cho dòng văn học vết thương của cả nước, nay đã thành tiểu thuyết gia hiện sinh nổi tiếng.

Dòng chủ lưu thứ hai mới thật thú vị với những tác phẩm bề thế được giới nghiên cứu gọi tên là tiểu thuyết hiện đại mang màu sắc văn hóa Trung Hoa. Người kể chuyện cùng nhân vật của mình chạy ra đường, xông thẳng vào đám đông rị mọ, đói khát tận đáy xã hội để đào bới quá khứ xa xưa hay phơi bày hiện thực đời sống hôm nay, đôi khi chẳng cần một cấu trúc nào hết mà cứ để cho tình tiết, sự kiện du đẩy nhân vật đi vào những các ngõ ngách rối như trận đồ bát quái. Tính phản tư lịch sử của tiểu thuyết cũng mở rộng chiều kích không gian, thời gian lẫn lộn. Họ phán xét hai lần nội chiến Quốc- Cộng trước và sau năm 1945 chỉ là sự tranh bá đồ vương của thủ lĩnh, còn thân phận dân chúng mù quáng đi theo những tín điều lừa mị, bánh vẽ hay tập quán bầy đàn thời nguyên thủy. Họ giễu nhại mô hình thiết chế xã hội từ cấp vĩ mô xuống đến cấp vi mô làng xã hay giễu nhại tập tính vụ lợi của con người vô tình chỉ vì miếng ăn sinh tồn mà làm ra những sự việc hãi hùng.

Có thể nêu ra các tên tuổi lớn có sức hút dẫn dụ người khác đi theo dòng chủ lưu này như Mạc Ngôn với “Báu vật của đời”, “Đàn hương hình”, Lý Nhuệ với “Ngân thành cổ sự”, Lưu Chấn Vân với “Hoa vàng cố hương”, “Đời là như thế”, Diêm Liên Khoa với “Đinh Trang mộng”, “Tứ thư”… Nhìn chung các tác giả, tác phẩm trong giai đoạn hai của cuộc đổi mới văn học ở Trung Quốc đa phần đều đã được giới thiệu và chuyển ngữ tại Việt Nam.

Phương ngôn có câu “Trông người lại ngẫm đến ta”. Nhìn lại thành tựu đáng nể của tiểu thuyết Trung Quốc những năm đổi mới, còn ta vừa muộn, vừa chậm lại nửa vời! Thật ra, đổi mới trong văn xuôi với nghĩa là xuất hiện dòng văn học viết về thân phận con người đã có từ rất sớm. Đó là truyện ngắn “Chiếc guốc xinh xinh” của Thủy Thủ (1968, in trên Văn nghệ giải phóng), “Câu chuyện theo vòng xoáy trôn ốc” của Phan Lạc Tuyên (1970, bản thảo không được in của một sĩ quan Việt Nam Cộng hòa phản chiến, được điều ra Hà Nội làm tùy viên Đại sứ quán của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đám học sinh, sinh viên chúng tôi ở Hà Nội chép tay rồi truyền cho nhau đọc, tấm tắc khen còn hay hơn cả “Số phận một con người” của Sholokhov bên Nga). Hồi đó các truyện ngắn ấy bị phê phán, coi là có tư tưởng xét lại. Xét về nhiều mặt, văn học đổi mới Việt Nam chỉ thật sự bắt đầu bằng truyện ngắn “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” (1982) của Nguyễn Minh Châu viết về thân phận con người ở khía cạnh không hạnh phúc và hàng loạt các kịch bản nổi tiếng của Lưu Quang Vũ sau đó.

Nhìn lại những tác phẩm đình đám một thời trong hơn ba mươi năm đổi mới, tôi thấy nó chưa có được không khí sôi động, những dòng văn học theo các trường phái cách tân đủ mạnh để mở đường dẫn dụ bạn nghề và các cây bút trẻ đi theo như ở Trung Quốc. Về khuynh hướng hiện sinh, tôi cho rằng với hai tiểu thuyết “Thời xa vắng” của Lê Lựu và “Đám cưới không có giấy giá thú” của Ma Văn Kháng, tiểu thuyết ở ta mới thật sự đổi mới về nội dung, gần gũi với văn học hiện sinh. Mặc dù hai tác giả này không nhận mình theo chủ nghĩa hiện sinh, nhưng cái điều hai ông viết về thân phận anh nông dân Sài và anh giáo Tự đã có sự phảng phất bóng dáng Hiện sinh rồi. Tiếp theo là những cuốn “Bên kia bờ ảo vọng” của Dương Thu Hương, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Người đàn bà buồn” của Nguyễn Phan Hách, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “I’am đàn bà” của Y Ban, “Thời của thánh thần” của Hoàng Minh Tường, “Nhân gian” của Thùy Dương… cũng theo hướng này. Một số truyện ngắn đậm chất hiện sinh của Nguyễn Huy Thiệp lúc đầu gây bão trên văn đàn, nhưng rồi chính tác giả sau đó cũng tự rời xa nó và khi thử nghiệm viết tiểu thuyết thì thất bại. Phạm Thị Hoài sau “Thiên sứ” là tác phẩm vừa thoang thoảng chất hiện sinh vừa kết hợp sử dụng yếu tố hiện thực kỳ ảo, hậu hiện đại vào trong tiểu thuyết, nhưng lâu rồi, không hiểu sao tác giả sau khi định cư ở Đức lại không thấy tác phẩm nào như thế nữa? Tôi có ấn tượng mạnh với “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, hy vọng tác giả trẻ này sẽ khơi lại dòng văn học hiện sinh đậm chất Nam Bộ, nhưng đợi mà chưa thấy.

Tóm lại, tiểu thuyết hiện sinh trong văn học đổi mới của Việt Nam chưa đủ độ đậm hiện sinh về nội dung, bút pháp cách tân còn rụt rè, lực lượng trồi sụt chưa đủ kết thành một dòng chủ lưu hiện sinh như ở Trung Quốc nên cũng chưa có được tiểu thuyết độc sáng như “Tử cấm nữ” của Lư Tân Hoa (Trung Quốc) trong giai đoạn hai văn học đổi mới của họ chăng? Một khuynh hướng sáng tác khác cũng xuất hiện ngay từ đầu đổi mới là cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh có nhiều đổi mới cả về văn phong, kết cấu theo trào lưu tiểu thuyết hiện đại phương Tây khiến tôi hy vọng, nhưng chính Bảo Ninh không hiểu vì sao cũng không kiên trì theo đuổi tới cùng! Dẫu sao thì cho đến tận bây giờ tôi chưa thấy ai thành công trong bút pháp hiện đại như Bảo Ninh trong “Nỗi buồn chiến tranh”. Sau Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà cũng khá thành công với “Cơ hội của chúa”, còn Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái dường như lại quá đam mê bứt phá cách tân về cấu trúc truyện hiện đại hoặc hậu hiện đại mà coi nhẹ công năng khó phủ nhận của bút pháp cổ điển nên đọc văn họ tôi chỉ thấy lạ mà chưa thật cuốn hút. Cũng như vậy, ba cuốn tiểu thuyết gần đây của cây bút hải ngoại Thuận mới chỉ dừng ở cái ngưỡng một giọng văn lạ, giá trị văn chương của nó tới mức nào thì có lẽ còn phải bàn thêm. Vậy là khuynh hướng cách tân mạnh mẽ trong tiểu thuyết ngỡ sẽ cho độc giả nhiều hy vọng nhất cũng chưa đủ mạnh, càng không có độc sáng như “Báu vật của đời” của Mạc Ngôn, vẫn giậm chân quá lâu ở bước thử nghiệm mà thôi.

Thật ra hai khuynh hướng nêu trên chỉ là tạm phân bởi bản sắc nhòe mờ, sức sống èo uột, chưa đủ sức hình thành những dòng chủ lưu trong văn học như ở Trung Quốc. Có lẽ vào thời điểm hiện tại, Nguyễn Xuân Khánh với ba tác phẩm có tầm vóc “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn”, “Ngõ nghèo” (hay “Trư cuồng”) xứng đáng là tiểu thuyết gia hàng đầu của văn học đổi mới ở Việt Nam. Ở ông, có sự hòa trộn giữa cổ điển và hiện đại lấy chủ nghĩa nhân văn cổ điển làm nền tảng, trên đó kết hợp với những yếu tố hiện sinh về nội dung và yếu tố hiện đại về bút pháp nên nó gần gũi với cá tính thẩm mỹ của người phương Đông, dễ lôi cuốn bạn đoc. Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết của ông rất đáng trân trọng, có thể đại diện cho một văn phái tiểu thuyết. Tôi tạm xếp Tạ Duy Anh với “Thiên thần sám hối”, “Đất mồ côi” và đặc biệt Nhật Tuấn với “Đi về nơi hoang dã” (xuất hiện cùng thời với “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh) vào trong nhóm này và hy vọng với ba tên tuổi có tầm tiểu thuyết gia khai sáng này có văn phong rất khác nhau, nhưng cùng một lối tư duy cách tân tiểu thuyết, rồi đây sẽ hình thành dòng văn học đổi mới đủ mạnh. Tiếc rằng Nhật Tuấn đã rời cõi tạm, dẫu sao tính phản tư sâu sắc có tầm triết học trong tiểu thuyết của ông sẽ dẫn dụ nhiều cây bút trẻ. Ngoài ra, gần đây khi đọc “Kiến, Chuột và Ruồi” của Nguyễn Quang Lập, “Luận ngữ tân thư” và một số truyện ngắn của Phạm Lưu Vũ, tôi cũng lờ mờ nhận ra tính phản tư triết học sâu sắc và những cách tân khá độc đáo trong bút pháp thể hiện mà vẫn giữ được nét truyền thống phương Đông, hồn cốt của riêng mình, hứa hẹn sự phát triển của nhóm này.

Tuy nhiên một dòng tiểu thuyết như vậy vẫn chưa đủ. Bạn đọc cần thêm hai nhóm tiểu thuyết mang tính hiện sinh và nhóm tiểu thuyết cách tân mạnh mẽ theo tiểu thuyết hiện đại phương Tây như đã nói ở trên cũng sẽ lớn mạnh để hình thành ba dòng chủ lưu tiểu thuyết đổi mới của Việt Nam.

Muốn có đỉnh phải có nền. Mong là như thế…

Comments are closed.