Hồ Anh Thái
Cuốn Hành trình về phương Đông
Một cuốn sách như Hành trình về phương Đông, người đọc không nhất thiết phải tin. Nói cách khác, người ta không đặt ra vấn đề tin hay không tin, có thật hay không thật.
Nhưng nỗi băn khoăn vẫn còn nguyên đấy trong suốt quá trình dõi theo cuốn sách Hành trình về phương Đông (Cuộc đời và sự giáo huấn của các đại sư ở Viễn Đông). Tác giả Baird T. Spalding sử dụng thể loại du ký, kể lại mọi chuyện bằng giọng bút ký phóng sự (litarary reportage), tức là kể chuyện người thật việc thật. Tường thuật nghiêm chỉnh, sáng rõ. Bình luận nghiêm túc. Thái độ mực thước, tôn trọng. Rõ ràng tác giả rất muốn lấy được lòng tin và muốn thuyết phục được người đọc.
Vậy hãy xem Baird T. Spalding (1872-1953) kể lại những chuyện như thế nào. Ông đặc biệt thích thú tường thuật những phép thần thông của các vị đại sư phương Đông, nào là chạm vào người ốm, người ốm khỏe lại, người sắp chết không chết nữa. Nào là chạm vào người nghèo rách rưới thì quần áo của họ trở thành quần áo mới. Nào là tác giả tay bắt mặt mừng với vài ông thầy có phép thần thông xuyên qua không gian, từ nơi này đến nơi khác cả trăm dặm đường chỉ trong chớp mắt. Thậm chí tác giả còn tận mắt chứng kiến phép thần của mấy đại sư, cho tác giả gặp được cả Jesus và Phật, nghe hai bậc giáo chủ này thuyết giảng trực tiếp. Mấy vị đại sư của nghìn năm trước còn xuyên thời gian mà trở lại đàm đạo với chính tác giả như với người cùng thời…
Từ buổi đầu của công cuộc thực dân sang phương Đông, ở phương Tây đã dấy lên một mối quan tâm theo kiểu tò mò đối với phương Đông thần bí và lạ lùng. Đến mức hình thành một tín điều hễ phương Đông là bí ẩn. Qua nhiều thế kỷ, Đông phương học Orientalism trở thành mốt, bất cứ cái gì từ phương Đông mang về cho châu Âu đều được coi là đặc sản lạ lùng thần bí. Đến mức sau này ai nói mình là nhà Đông phương học đều có thể gây ấn tượng đấy là một người không thực học, có vẻ trục lợi bằng sự thần bí phương Đông.
Baird T. Spalding và một vài nhà Đông phương học khác cũng thuộc nhóm tác giả gây hoài nghi mặc dù họ tạo được danh tiếng nhờ những cuốn sách của mình.
Bác bỏ những điều thần kỳ phương Đông là một thái độ vội vàng hấp tấp. Nhưng khẳng định theo kiểu mắt thấy tai nghe như Baird T. Spalding thì có khi cũng không kém phần vội vàng.
Ngay ở một xứ sở được coi là đầy những điều lạ lùng thần bí như Ấn Độ, mới cách đây không lâu, một tổ chức duy lý đã thách thức một ông thầy yoga, người tuyên bố có thể duy trì sự sống cho cơ thể hàng tháng trời mà không cần đến ôxi. Điều kiện đặt ra là họ sẽ đặt ông thầy yoga vào trong một căn phòng kính và đặt xuống một bể bơi. Ông thầy sau đó không chấp nhận lời thách theo kiểu mà ông gọi là biểu diễn trong phòng kính.
Tác giả Baird T. Spalding đã có một hành trình từ Tây sang Đông. Đi ngược chiều với ông là những cuốn sách của người phương Đông đã sang với phương Tây rồi về viết lại. Loại sách này nở rộ tưng bừng. Những là bên Âu – Mỹ phồn hoa thế này hưng thịnh thế kia, dân chủ thế ấy. Những là vỉa hè nước Mỹ không lát gạch mà xây bằng những khối vàng ròng. Sự say đắm một xứ sở mới lạ rất nhiều khi đã khiến người ta choáng váng mê cuồng mà cường điệu lên nhiều. Đấy là điều dễ hiểu, có thể chia sẻ được để chờ cho đến ngày nhận thức trưởng thành và hạ nhiệt.
Hai kiểu đổi chỗ cho nhau từ Tây sang Đông và từ Đông sang Tây, sinh thời Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi gọi đấy là cuộc đổi chác theo phương thức hàng đổi hàng (barter). Không phải bán hàng lấy tiền mà là hàng đổi hàng, phương thức thương mại từ thời chưa phát minh ra tiền, giờ đây vẫn còn dùng trong một số quan hệ thương mại đặc biệt.
Ở Anh vẫn còn lưu truyền một câu chuyện có vẻ là chuyện đùa hoặc là một ẩn dụ. Buổi đầu của công cuộc thực dân, một bà người Anh mời mấy bà bạn đến nhà để thưởng thức món trà Ấn Độ. Con trai bà sang khai hóa ở cái xứ nhiệt đới huyền bí ấy vừa gửi về một gói chè khô, đặc sản còn xa lạ với xứ Ănglê. Bà cho một vốc chè vào ấm, đun thật kỹ, rồi đổ nước đi, giữ lại bã chè, xúc vào đĩa cho mỗi bà một thìa. Người mời chè trịnh trọng và người ăn bã chè cũng trịnh trọng. Các bà bạn nhấm nháp từng tí bã chè. Một bà khen, mùi thơm lạ lùng. Một bà khác bảo, nhưng mà chát, hơi khó nuốt. Xong hai lời bình luận là cũng vừa xong một cuộc thưởng thức.
Cái vật lạ mang về từ phương Đông kia bị sử dụng sai chức năng, sai công dụng.
Đấy dù sao cũng là đồ thật. Còn những thứ khác, được ngụy tạo và hư cấu, liệu người ta có thể thưởng thức và tiêu hóa được mà không bị tác dụng phụ hay không.
Gần một trăm năm sau khi Hành trình về phương Đông xuất bản lần đầu, sau nhiều năm chỉ có bản lược dịch, bây giờ ở ta mới có bản dịch đầy đủ. Màn sương mù huyền bí bao phủ phương Đông đã phai nhạt nhiều. Phương Đông cũng không còn là cái mốt thật là thời thượng, mặc dù vẫn còn nhiều người phương Tây tìm sang học yoga, sang để thưởng thức hương vị nhiệt đới, sang để cải đạo và vân vân. Người đọc hôm nay có được điều thuận lợi là đọc cuốn sách này trong một môi trường bình tĩnh và lắng dịu hơn. Đọc theo kiểu cảm nhận lại tâm lý người phương Tây một thời say đắm và choáng váng trước phương Đông.