Nguyễn Viện
1.
Những miếng mây màu trắng xốp như kẹo đường trong chiếc thùng quay của người bán dạo trước cửa trường học
Khi những đứa nhỏ ăn đám mây, bầu trời bị bóc trần chỉ còn một nỗi xanh thẳm
Những chiếc lá trên mặt đất bị màu xanh ăn thịt bỏ thừa lại chút gân xương nhợt nhạt
Những người mẹ đi đón con hấp tấp qua đường trong lúc con đường cũng vội vã lao về phía trước mà gương mặt vẫn còn nằm ở phía sau
Ký ức của đám mây như tóc của những cô gái bị tóm gọn trong chiếc mũ bảo hiểm
Những nụ hôn giấu trong khẩu trang
Và những lời thì thầm rơi vãi trong quán cà phê vỉa hè
Có tiếng nói giữa không gian
“Đây là điềm lành”
Trong lúc người đàn ông trên chiếc xe lăn quăng mình xuống đất, tay cầm mấy tấm vé số bảo: “Còn 5 tờ cuối, anh mua giùm”
Hoàng hôn dát vàng trên mái nhà nhưng những người đàn ông mặt đỏ kẹt trong quán nhậu
Con đường đầy khói
2.
Người đàn bà quì xuống trước bàn nhậu
“Con tôi đang nằm trong nhà thương, không có tiền mua máu tiếp cho nó. Xin các ông cứu giúp giùm con tôi”
Những đám mây trên trời nhảy múa và gió có mùi thơm của thịt gà nướng
Chai Cognac lơ lửng giữa những chiếc bàn và cô tiếp viên mọc cánh thiên thần
Người đàn bà bị xua đuổi ra đường
Trong lúc đó một cô gái khác dắt con chó đến chỗ gốc cây và nó ghếch một chân lên đái
Trên ngọn cây, những con sâu búng mình lên trời và ước nguyện
“Hãy cho chúng tôi cùng chết với Ngài”
3.
Trên một bức tường trong khu dân cư ở đường 18, quận Thủ Đức xuất hiện dòng chữ: “Cách mạng –> rớt mạng”
và bởi vì rớt mạng nên chữ nghĩa nhảy ra lung tung ngoài phố tạo nên một hiện tượng tục tĩu do sự ghép chữ hình thành
(Ảnh: Uyên Vũ)
Nhưng những kẻ đọc nó lại thấu cảm như một bản chất
Cho đến một lúc nào đó rớt mạng lại trở thành cách mạng, những con kiến bò ra khỏi hang, chúng bu đầy trên mặt đất và đục bỏ mọi chữ nghĩa
Phản chiếu trên bầu trời, những đám mây lấp lánh ổ kiến
Đôi khi một vài con kiến rơi ra khỏi đàn và nó tạo ra những cơn gió
4.
Những người đi gom gió nói: “Hãy quăng lưới vào những đám mây”
Nhưng họ không biết đám mây chỉ là những tổ kiến
Bởi thế, khi quăng lưới, họ chỉ bắt được trứng kiến
Những con kiến thản nhiên bò ra ngoài lưới
Và chúng thấy lưới chỉ là một trò chơi
Những người đi gom gió mang trứng kiến về ấp trong các trại giáo dục nhân phẩm
Thời gian làm biến đổi mọi trật tự
Những con kiến mới nở có tám chân và chúng học cách giăng tơ như nhện
Cho đến một ngày ở đâu người ta cũng thấy mạng nhện
Trên bức tường ở khu dân cư đường 18, quận Thủ Đức xuất hiện thêm dòng chữ:
“Cách mạng –> rớt mạng –> mạng nhện”
5.
Trong rừng thẳm
Những con voi cuối cùng mọc thêm vòi
Tuy nhiên cỏ càng ngày càng ít
Những con voi cạp đất để sống và chúng tự nhủ, đất thì chẳng bao giờ thiếu
Nhưng đất càng ngày càng bị trấn lột
Và chúng sống sót nhờ sở thú
6.
Trên thượng nguồn
Những dòng nước không tích tụ nữa
biến thành lũ
Cùng lúc nước biển dâng lên
Cá biển và cá đồng gặp nhau
Mặc dù không phải vào trại giáo dục nhân phẩm, thời gian cũng làm các loài cá thích nghi được với môi trường mới và chúng có thể sống được trong bất cứ hoàn cảnh nào như mặn, ngọt hay lợ
7.
Ký ức của con đường chỉ là những tiếng nổ
Xác người và vòng quay của bánh xe
Những tiếng vang của sự phẫn nộ thì đã bị gió thổi bay đi
Và những kẻ phẫn nộ bị bắt
Trên mặt đường còn lại những chiếc dép
Những kẻ thích truyện cổ tích nhặt những chiếc dép và đi tìm bàn chân oán hận
Và bất cứ ai cũng xỏ vừa chiếc dép bị rớt lại trên đường
8.
Ký ức của con đường sẽ phai nhạt các bàn chân
Và trên các ngọn đèn đường hắt ánh sáng đỏ
Những ngôi sao gãy cánh
Và trên các cột biển báo chỉ có một dấu hiệu ↑ (chạy thẳng)
Phía trước là thiên đàng
Trên bức tường ở khu dân cư đường 18, quận Thủ Đức xuất hiện dòng chữ:
“Cách mạng –> rớt mạng –> mạng nhện ↑ thiên đàng”
9.
Đồng loạt trên tất cả mọi cánh cửa đều có dòng chữ này:
“Đây là thiên đàng”
Và đó là một ổ khóa trái
Vì thế thiên đàng hay địa ngục không bao giờ là một hình ảnh
Nó chỉ là điều nghe kể hoặc cảm nhận được từ mỗi cá nhân
Nhưng nó luôn luôn được xác định bằng văn bản đại loại như chúng ta đang sống ở thiên đàng
Cái ổ khóa có hình bàn tay
Và những người cầm chìa khóa vắng mặt
10.
Khi nước biển dâng lên
Những ổ khóa thiên đàng bị muối làm cho hoen rỉ và chỉ những loài cá có cánh mới làm cho những ổ khóa này bung ra
Khi cánh cửa được mở
Nước biển tràn vào rửa sạch căn nhà và mang theo một ký ức là những khẩu hiệu được dán kín trên vách
Tuy nhiên ký ức của loài cá có cánh lại là sự im lặng của mặt đất
11.
Và ký ức của căn nhà là những cơn sóng mang dáng dấp của một đám đông
Khi sự phẫn nộ của họ trào ra
Nó làm cho nước biển dâng lên và lũ trên thượng nguồn đổ xuống
Cái mà người ta gọi là tập tục hay thói quen bị nước cuốn đi
Trên cánh đồng hiện ra những con bò hiền lành gặm cỏ và những con cừu sạch sẽ trong một lớp lông mới
Những con ngựa chiến từ trong núi
Và bọn chồn cáo cũng xuất hiện
Khi ấy có tiếng nói giữa không gian
“Đây là người mở đường”
12.
Ký ức của bò và cừu về người mở đường là lằn roi và những âm sắc lạ
Chúng được học tập để trở thành bò và cừu mới
Dưới ánh sáng của người mở đường
Bò và cừu được giao phối với nhau để tạo ra một loại động vật khác
Nó có bộ lông của loài bò nhưng mang vóc dáng của loài cừu
Được đặt tên là Bocu và tùy theo cách mà người ta muốn đùa cợt, nó được bỏ dấu ở mỗi nơi, mỗi lúc một khác
13.
Một số người cho rằng đùa cợt là một loại vũ khí
Và để chống lại những kẻ áp bức
Họ vẽ con Bocu có hai cái sừng rất to nhưng lúc nào cũng mềm oặt xuống như bộ phận sinh dục của con bò đực
Những ngày mùa đông lạnh lẽo
Họ đem những bức biếm họa con Bocu trang trí ở các cột điện
Bên cạnh các khẩu hiệu về chỉ tiêu tăng năng xuất cho năm mới
Dẫu sao được vui đùa một chút, phổi có cơ hội thở tốt hơn và trái tim cũng đập rộn ràng hơn
Vì thế ở xứ tù mù, chuyện tiếu lâm là một kho tàng vô tận
14.
Khi những kẻ tự viết tiểu sử mình với các huyền thoại thần thánh được loan truyền
Những con Bocu trở nên tinh ranh
Chúng dùng một nửa thời gian trong ngày để tụng niệm các huyền thoại đó bằng một niềm tin sắt đá rằng một ngày kia chúng sẽ có bộ lông của cừu và mang vóc dáng của bò
Niềm tin thì đáng được trân trọng
Nhưng những con Bocu không bao giờ biết chúng chỉ là bò và cừu lai giống
Hiện trạng của chúng đã là một lịch sử
Việc chúng có thể trở lại như chính nó hay không không tùy thuộc vào chúng
Nhưng sự tụng niệm lại cần thiết cho việc duy trì một trật tự mới
Có tiếng nói giữa không gian:
“Đây là sự an lạc”
15.
Điều kỳ diệu đã xảy ra khi những con Bocu được tẩy trắng ký ức
Thịt của chúng không còn mùi vị đặc trưng mà tùy thuộc vào người ăn chúng mong muốn
Vì thế, thế giới chỉ còn một loại thịt cho các bữa ăn
Và người ta nói:
“Đây là hạnh phúc của chúng ta”
16.
Một điều kỳ diệu khác đã xảy ra khi phụ nữ mang thai ăn thịt Bocu
Những đứa bé sinh ra mất tính di truyền
Chúng có bộ phận sinh dục của bò và cái đầu của cừu
17.
Mơ ước của con người vốn là niềm hy vọng cho sự tốt đẹp hơn của cuộc sống
Nhưng mơ ước cũng là mầm mống của rối loạn
Vì thế, trên tầng thanh khí của thiên đàng đã có những lỗ thủng không kiểm soát được
Để vá những lỗ thủng ấy, người ta dán những mật ngôn như “giàu đẹp”, “văn minh”, “nhân văn”, “công bằng”… lên khắp bầu trời
Cùng lúc, trên bức tường ở khu dân cư đường 18, quận Thủ Đức xuất hiện dòng chữ:
“Cách mạng –> rớt mạng –> mạng nhện –> thiên đàng ↓ lỗ thủng”
18.
Đi giật lùi là một kiểu cách thượng thặng chỉ có ở những con Bocu
Để tiến về phía trước, con Bocu quay đầu về phía sau, phất cái đuôi làm hiệu rồi lùi dần
Và nó bao giờ cũng tiếp cận đối tượng trước hết bằng hai cái mông
Vì thế có câu đồng dao:
“Bỏ-cu cỏ-bu
Con cu đi trước
cái đầu theo sau”
Và bọn nhậu nói: tính dục hay bản năng là điều kiện tiên quyết cho sự kiến tạo cũng như sự bền vững trong các mối quan hệ xã hội, bất kể tính giống, đồng thời nó cũng là động lực phát triển xã hội
19.
Con Bocu cũng có những mơ ước
Nhưng chính xác hơn, đó là mơ ước của người mở đường vĩ đại, kẻ đã phối ngẫu ra con Bocu, rằng nó có thể di chuyển bằng cách bay
Mơ ước vốn là quà tặng của Thượng đế cho muôn loài, nên dù đi bằng bốn chân và không có cánh, con Bocu được người mở đường soi sáng và nó tập bay bằng cách quay vòng cái đuôi như một động cơ trong sự ngưỡng mộ của tất cả những con vật vẫn phải bám vào mặt đất mà lê bước
Quả thật cho đến một ngày, đuôi con Bocu quay vòng cũng đạt đến vận tốc của một cánh quạt máy bay
Nhưng thay vì nhấc đít lên trời, chỉ có những âm thanh gầm gừ phát ra từ hậu môn
20.
Đỉnh cao cũng là một cái gì đấy để minh chứng cho sự vượt trội
Loài Bocu không ăn cỏ đồng bằng
Mỗi ngày chúng được đưa lên núi và gặm lá non
Mà ký ức của lá non chỉ là những đám mây
Vì thế, khi được tiêu hóa trong bụng Bocu, những chiếc lá non đã chuyển hóa thành mây và luân chuyển trong máu khiến cho Bocu lúc nào cũng lãng đãng
Lâu dần, sự lãng đãng chỉ còn là những khái niệm
Trên mỗi cột điện có một tấm phướn với dòng chữ:
“Tất cả những gì thuộc về người mở đường vĩ đại đều là đỉnh cao”
21.
Chẳng có gì là tôi hay anh
Những cái gì đấy ở đâu cũng có nhưng không thể gọi tên
Chối bỏ và gán ghép
Những mảnh vỡ mơ hồ nhưng đau đớn
Cuộc hóa thân của con người quay mòng và nổ đom đóm mắt
22.
Những sinh vật lạ chiếm giữ biển, rừng và hang động bằng những bùa chú
Giống như mật ngôn trên các tấm panô khắp đường phố
Từ khởi thủy con người đã sống nhờ lời
Và sẽ tiếp tục sống bằng lời
Và chết vì lời
Những sinh vật lạ mang bùa chú đến từng căn nhà và chúng ở lại đó cho đến khi biến thành đất
Đất trở nên thối tha và ruồng bỏ con người
Con người ruồng bỏ ký ức và lang thang trên các ngọn cây như mộc táng
Những kẻ hát rong mù lòa cầm gậy gõ vào bầu trời thay cho tiếng hát
Và chim muông làm tổ trên các đám mây bằng chính bộ lông của mình
23.
Những sinh vật lạ cũng chiếm giữ bàn thờ và thay đổi các bài vị
Vì thế, chúng cũng thay đổi tâm linh con người
Và xúc ruột họ thành trống rỗng
24.
Khi ký ức trống rỗng, những giấc mơ cũng biến mất
Bò, cừu, bocu và con người ăn chung một cánh đồng
Khi ấy trên tất cả các cột điện đều phát ra tiếng nói:
“Thế giới hài hòa”
Nhưng trên bức tường ở khu dân cư đường 18, quận Thủ Đức lại xuất hiện dòng chữ:
“Cách mạng –> rớt mạng –> mạng nhện ↑ thiên đàng ↓ lỗ thủng –> thoái hóa”
25.
Những đứa trẻ bị ma nhập
Và chúng đi vào các nghĩa trang của những người đã từng cầm súng và chết vì súng
Ở đó, quá khứ được tái hiện
Những con ma đã chết lại chết thêm một lần nữa và những đứa trẻ đang sống cũng không tránh khỏi bị thương
Những người gác nghĩa trang ghi tên bọn trẻ và địa chỉ của chúng vào một cuốn sổ gọi là “Sổ thăm viếng”
Có một loại ma khác sẽ đánh dấu trên trán bọn trẻ cái ký hiệu này: ◄+►
Các thầy bói giải mã đây là ký hiệu nhận dạng những kẻ cần được theo dõi đặc biệt
Nhưng cũng có thầy cho rằng đây chỉ là một định dạng phân biệt thành phần xã hội được xếp loại “đâm bị thóc, chọc bị gạo”
26.
Đám trẻ phát hiện ra rằng, nếu chúng đâm vào quá khứ thì chúng sẽ bị thương ở đầu
Nếu chúng chọc vào tương lai, chúng sẽ bị thương ở chân
Còn nếu chúng ngoáy vào hiện tại, chúng sẽ bị ê ẩm khắp người
Các thầy bói nói, muốn sống bình an thì hãy nhắm mắt lại và đốt 14 cây nhang mỗi ngày, cúng theo các phương vị: 4 phương trời, 10 phương Phật
27.
Càng ngày càng có nhiều đứa trẻ bị đóng trên trán ký hiệu ◄+►
Và chúng bị mất ngủ
Vì thế, chúng mở cửa và xuống đường vào lúc gần sáng
Những đứa trẻ không ngủ tự huyễn hoặc mình thành mộng du để chúng không cảm thấy bị thương khi đâm chọc vào thời gian
Nhưng ngay cả như thế, giấc mơ cũng bị thương tổn
Ở mỗi nơi chúng đến, bọn ma dựng lên những bức tường
Những đứa trẻ đập đầu vào tường và tạo nên những âm thanh dội ngược vào nhau
28.
Để đi đến ngày mai, những đứa trẻ không ngủ bước vào nghĩa trang
Những người đã chết vẫn cầm súng
Họ bắn vào lịch sử
Trong lúc những đứa trẻ vẫn bước tới và chúng cần mẫn cắm từng cây nhang trên mỗi ngôi mộ
Những linh hồn không bao giờ an nghỉ
Họ cất giấu ngày mai dưới đáy quan tài
29.
Những người chết vẫn ra trận
Ký ức của họ chỉ là sự hoang tàn của những nấm mộ
Và ký ức của những nấm mộ chỉ là một cái tên không còn dấu vết
30.
Người chết bắn vào cái chết
Những người già cũng mất ngủ và họ ngồi trước những nấm mộ như một nấm mộ khác
Và họ quên tiếng nói
Vì thế khi họ nói, tiếng nói của họ chỉ là tiếng ùng ục trong bụng của thức ăn thời chiến tranh
Những người dọn mả trong nghĩa trang không thấy họ
Vì thế khi đốt rác, những người dọn mả đốt cả những nấm mộ vô danh im lặng đó
31.
Để đi đến ngày mai, những đứa trẻ không ngủ trèo tường và chúng nhìn thấy mặt trời bị giấu trong những nấm mộ
Vì thế, chúng bốc mộ và tìm thấy ánh sáng trong những hố mắt rỗng
những hàm răng đóng kín
những lỗ tai đầy bùn đất
32.
Để đi đến ngày mai, những kẻ cắm đầu xuống đất bị bứng ra khỏi chỗ của họ
Và họ biến thành những con ma vất vưởng trên đường phố ngày
Và tiếng nói của họ tiếng khóc của họ sự gào thét của họ sự khốn cùng của họ chỉ là rác và thần linh của họ vứt vào lỗ cống
Trên bức tường ở khu dân cư đường 18, quận Thủ Đức xuất hiện dòng chữ:
“Cách mạng –> rớt mạng –> mạng nhện ↑ thiên đàng ↓ lỗ thủng –> thoái hóa –> ngày mai –> lỗ cống”
Và trên tất cả lề đường phía trái đều có hình chuột cống và dòng chữ như thế này:
TREO THƯỞNG
-Chuột sống: 500 con đổi một nền nhà. -Chuột chết: 700 con đổi một công đất vườn. |
33.
Chuột thì nhiều nhưng nền nhà và đất vườn có giới hạn
Vì thế, thay vì được trao đất, những người nộp chuột chỉ nhận được một cái hình kèm lời tặng thưởng như sau:
TẶNG THƯỞNG Dinh thự ổ chuột Có giá trị thay cho một nền nhà
|
Hoặc:
34.
TẶNG THƯỞNG Dinh thự ổ chuột Có giá trị thay cho một công đất vườn |
Giấc mơ đổi đời của những đứa trẻ như những quả bóng bay
Những cái chết đẹp như một tiếng sét chói lòa và trả lại sự yên tĩnh của những đám mây hờ hững cho bầu trời
Nhưng nền nhà và những công đất vườn thì bốc cháy
Những đứa trẻ tự móc mắt mình quăng vào lửa
Kể từ đó chúng nhìn bằng lửa
35.
Những đứa trẻ có đôi mắt bằng lửa đi xuyên chéo nhau trên đường phố tạo ra một cảnh tượng như thế này:
Khi ấy trên trời có tiếng nói:
“Đây là ký ức của một đám mây”
36.
Bạo loạn là những đường chéo được hình thành bởi những uẩn ức
Bạo loạn cũng là những bước đi bất định của niềm tin bị đánh cắp
Đôi khi bạo loạn chỉ là sự bôi xóa trên một trang giấy
37.
Khi những hạt cát nẩy mầm
Chúng mọc ra những cành gai
Và làm sước da những cơn gió
Giống như những đứa trẻ, chúng mang vết thương tội nguồn của đất
Và chúng gieo rắc máu trên cánh đồng
Cho đến mùa gặt, những giấc mơ tinh khôi cũng đầy máu
Đó là ký ức của một chiếc lá
38.
Và chúng vẽ lại cuộc sống bằng những cành gai
Và niềm tin của chúng
Cào xới trên mặt đất và gieo rắc máu của chúng
Để gặt về những nụ cười
Đó là ký ức của một cánh cửa
39.
Khi niềm hy vọng bị treo trên các cột điện và biến thành những cái loa rỗng
Những đứa con của đất cũng bị dốc ngược
từ trong miệng họ ọc ra những con trâu chết
Rơm giạ và bọn trấn lột
40.
(Bọn trấn lột có 3 đầu 6 tay 12 con mắt
Vì thế, chẳng có ai thoát khỏi bọn chúng)
41.
Những đứa trẻ bị nhốt trong một cái cũi chó tương tự như thế này:
Nhưng cái khung thật sự của nó chỉ là những ký hiệu, thí dụ như:
Hoặc:
Và những ký hiệu như thế này có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi
Và chúng bị lột trần
Cạo sạch lông và xúc ruột
Khi ấy từ trên trời có tiếng nói:
“Đây là sự thanh tẩy”
42.
Tuy thế, đám trẻ vẫn lớn lên bằng những cơn say nắng
Và máu của chúng lấp lánh cơn cuồng nộ
Khi máu biến thành lũ
Những giấc mơ sẽ trở nên thanh sạch
Và mặt đất mọc lên cây trái lành
Vươn tới những đám mây
Và gió trở nên thơm tho
không khí ngọt ngào
43.
Đấy là một huyễn tượng khác
Khi máu biến thành lũ
Những thành trì đổ sụp
Và trên những mảnh đất hoang
Những con chuột cống ăn thịt người
Và đám mây bay đi để lại mùi hôi thối cho gió độc
44.
Khi máu biến thành lũ
Ngôn ngữ thành gươm đao
Những vết thương câm nín của con người thành lựu đạn
Chúa khóc như đứa bé bị bỏ rơi
45.
Um ba la ta bà
Lâm tì ni ta ra ma
A a a a a a…
Đu ma đu ma
2.2012
(Ghi chú: Các hình trong bài này lấy từ internet)