Thơ Liêu Thái

Gương mặt

 

gương mặt tôi bây giờ

phảng phất bóng mờ nhòa quê hương

những ngọn khói ám thị

tuổi thơ như miếng giẻ nát mùa vụ

những con trắm con rô con diếc con chép về trời

trả lại cho tôi một chiếc bong bóng tròn

vây bọc lấy tôi

và mỗi người loay hoay đâu đó

với chiếc bong bóng của mình

soi mói khúc xạ đời sống

như một bản thể lùn

vào các nếp nhăn của não

 

gương mặt đất nước tôi

phảng phất mùi bữa cơm thời dịch

tôi cũng như mọi người ngồi im tại chỗ

không được phép ra đường

và mọi cảm quan về thế giới

được soi qua vỏ bọc bong bóng

tôi gào thét trên bàn phím

về cái đói và bất công

tiếng nói nhạt loãng giữa ga vắng

và tôi hoàn toàn mụ mị

cũng như khó đói có đôi lần diễn kịch

 

ở một đất nước con người vốn quen xin – cho

vòng bụng và da mặt trở nên đầy đặn, rắn chắc

danh dự hay lòng trắc ẩn tự biết phận mình

theo cách thế của kẻ núp bèo

yếu không dám ra gió

mọi thứ rồi mười năm, hai mươi năm hay trăm năm, ngàn năm nữa

chúng ta sẽ đỏ mặt nếu có dịp đầu thai

vào một kiếp hậu thế

 

gương mặt đất nước tôi không lem luốc hay méo mó, dị dạng

bởi ngay từ đầu chúng tôi đã là một dị bản

theo cách chơi riêng của lịch sử và tạo hóa

chúng tôi không giống ai

mọi nỗi đau như một thử thách

để tiếp xúc với nỗi đau cao hơn

chúng tôi múa máy và quay cuồng

trong chiếc bong bóng của mình

và rất sợ nó vỡ tung

trước những ngày thiếu dưỡng khí…

 

Mưa Sài Gòn

 

Tôi nhớ Sài Gòn

Nhớ tiếng kéo cửa sắt rỉ ron sáng

Tôi thuơng

Im lìm Sài Gòn ngày

Im lìm Sài Gòn đêm

Tìm đâu quán cóc

Tìm đâu bạn bè tụm năm tụm bảy…

 

Cậu tôi nói rằng

Mi sinh sau năm 1975

Nghĩa là mi sinh sau ngày giải phóng

Và mi cho dù có sinh trước đó mấy năm

Cũng chưa đủ lớn để cảm nhận Sài Gòn lúc ấy

Rất không may và cũng rất may cho mi

Không sống ở Sài Gòn lúc này

Bởi với ông

Cái cảm giác sống những ngày sau 1975

Đang trở lại

“Mùa dịch, cậu phải ăn gấp đôi, gấp ba lần ngày bình thường

khổ lắm con à!”

Mi trộm nghĩ

Vì cậu còn mang trong mình dòng máu cũ

Nên thấy khổ

Bởi lúc này nhiều người không có ăn

“Mà thức ăn thì chẳng có gì

rau cũng héo úa

thịt cũng khó nói

giá tăng đôi ba lần

mọi thứ cứ như thời bao cấp

nhưng mức độ giới nghiêm cao hơn nhiều

chưa bao giờ thành phố này như vậy

thời chiến cũng hiếm hoi lắm mới gặp giới nghiêm

đôi ngày là mệt chết bỏ

đằng này suốt cả tháng dài

đương nhiên với nhà giàu

cậu nghĩ chắc sẽ không nặng nề như mình

bởi họ có hồ bơi, bồn tắm và khoảng sân…

à, cậu mới chích mũi thứ nhất

phản ứng gây chóng mặt, đau đầu…”

Tôi dặn cậu nhớ uống nhiều chanh, trái cây

Ăn cháo thịt gà để trợ lực

Ông cười méo xẹo trên điện thoại

“Mày cứ làm như đang ở Quảng Nam

Đi ăn bê thui Cầu Mống

Ra chuồng bắt con gà mà ăn!

Mịa, giờ bánh mì tao còn không có mà ăn

Chích được mũi thuốc là mừng muốn khóc,

Đâu phải ai cũng may mắn có mà chích

Mà giữ cái mạng

Mà chưa chắc giữ được con ơi!”

Mi giật mình

Bởi mình vừa hiểu nhầm ông

Bởi hình như với đà này

Nếu thành phố tiếp tục vỡ trận

Người chết nối người chết

Con quì lạy mẹ dưới mưa

Chỉ có mưa và nước mắt

Gầm gào

Thì không chừng đến một lúc nào đó

Vàng mang làm đai cuốc

Không phải để cuốc đất trồng rau

Bởi chỗ ở chật như nêm

Bởi xác người trôi sông

Sông chảy qua thành phố

Sau một cây mưa…

Chỉ có Sài Gòn mới gọi mưa bằng cây

Nó hiện hữu một một loài sinh vật

Cho đến khi thành phố ngập lụt

Người ta không gọi mưa là cây nữa

Điều này như một biến dạng

Về niềm tin và sự bình an

 

Sài Gòn bắt đầu mùa mưa

Tôi nhìn thấy mưa rơi

Không phải trên màu cờ của Trần Dần

Không phải trên mặt người

Mưa sa trên xác người

Mưa rơi trên bọc khâm liệm

Mưa qua quýt và tuyệt vọng

Mưa thì thụp lạy mẹ

Mưa kêu gào gọi cha

Mưa lơ ngơ mắt trẻ

Mưa âm trầm tuổi già

Mưa lâm râm cầu nguyện

Mưa chần chừ thoát thai

Mưa

Mưa

Mưa

Sài Gòn dai dẳng mưa

Dai dẳng đau

Dai dẳng sống

Dai dẳng tuyệt vọng những đời nghèo

Dai dẳng chờ đợi ngày hửng nắng

Dai dẳng màu trời tử khí

Dai dẳng nguyện cầu một sớm mai…

 

Sài Gòn

Mưa như nước mặt mẹ

Khóc cha ngày tàn cuộc

Khóc con ngày ly biệt

Mưa hốt hoảng

Như mắt ngày lên xe cách ly

Chẳng biết đời về đâu

Người thân tứ tán

Gia đình phân ly

Nỗi phân ly đoạn trường

Giữa thời không khói đạn

Người nguyện cầu được nhìn thấy nhau

Trước lúc chết

 

Sài Gòn cô đơn

Người chết không lời hấp hối

Người chết không hồi chuông cầu nguyện

Người chết như cây mưa

Đổ xuống đất Sài Gòn

 

Sài Gòn ơi

Tôi chắp ttay cầu nguyện

Mẹ hãy dang tay che chở chúng con

Mẹ Sự Sống hiển linh và bao dung

Hãy nhìn chúng con qua cơn mưa này

Hãy thôi là mưa nước mắt!

 

 

Bài ếch xanh

 

Vang một tiếng xanh đầu đất nước

âm hờ đáy giếng thổ mùa thu

ruộng đồng bỏ lên mùi gạo nếp

nông nhàn cay nghiệt đáy đợi chờ

hỗ trợ bài ca thời đại mới

tích cốc phòng cơ dĩ vãng mây

trường đồ từ thiện hướng chiêm mơ

*

khởi sự chân thiện nguyện

mì, gạo, nước sạch, xì dầu, nước mắm, cá hộp, lương khô

một ít nước mắt và nụ cười seo phì

một ít tiền mặt, đô la và lòng thiện hảo

cánh đồng ngập tràn nước

ông cha từ ngàn năm trước

không biết trông đợi vào ai

hay giữ mình liêm khiết

ví hũ mắm treo đầu giàn

*

tôi gọi em từ nồi cơm khoai độn

những bữa thịt chia từng thẻo vuông

tái hiện mây đen đông đồng vọng

suối khô một dải thấu can trường

mẹ không còn sức ra đồng cạn

cha cũng còng lưng đợi con về

em bận lo chuyện chân dài ngắn

phố vào dịch bệnh đuổi áo cơm

mười tám tuổi qui về một tuổi

cỏ trời rờn rợn khói u mê

những cung đường vắng cổng quay về

người chạy mãi một đoàn sông chảy

*

khoai sắn cá mắm từ tháng Năm

bởi không ai cho mình

ngoài mình lo cho mình

chân thiện nguyện kéo về

một bữa nó lưng tròng

tháng ba tháng tư bận ăn chơi nhảy múa

bận lo việc nước việc làng

tháng bảy tháng tám thong dong mùa vãn

tháng chín tháng mười co cụm mưa

nhà nước tới ghi ghi chép chép

về thiệt hại

dân ngửa cổ chờ

nhà từ thiện mang mì, tiền, gạo, các nhu yếu phẩm

dân nghĩ cách mang về thật nhiều, cho ấm ngôi nhà

cái ăn trở nên dễ dãi

nó đòi hỏi người ta khôn ngoan và linh hoạt

không phải cày sâu cuốc bẫm dành dụm mùa khó

nhà chất năm bảy chục thùng mì

ra lụt lại bán

nếu mình không lấy thì bọn quan tham cũng lấy

bàng bạc đầu làng cuối xóm thi đua nhận từ thiện

nhận một cái áo chưa đủ, phải thêm cái quần

đủ đẹp để mặc ra đường uống rượu

như một lãng tử vườn

như một cao bồi miệt ruộng

*

sông theo mùa tự tây sang đông

hồn cổ lũy thiếu phụ mơ chồng

một kiếp nhục vinh vang trên đá

phiến gió giật từng cung chữ gãy

chạy người chạy như đàn kiến ma

hút đêm khàn hơi dài nguyệt tà

lũ ngày canh co ro bất lực

mấy bực thềm lam nắng đầu cành

một kiếp lom khom dài cơm cá

chữ nghĩa rởm mưa rơi lã chã

*

mưa lụt rủ nhau đi bắt chuột bắt dế

thủ một ít rượu và chẳng bận tâm gì về khoai sắn

nước ngập, lúa gạo ướt, người khỏe nằm ngủ say

đàn bà con nít bận heo gà

và kêu la thảm thiết

lương một ngày công vài trăm

vã mồ hôi

thôi thì cứ than khổ và ngồi nhà

nhận cái bì từ thiện cũng vài trăm

ngày may nhiều nhà tới

tiền lên số triệu

thời buổi khôn cũng chết dại cũng chết

chỉ có biết là sống

biết than thở và biết ngồi nhà

cũng là biết

và người nông dân càng tỏ ra biết

nhà từ thiện càng có cơ hội để thương xót

những giọt nước mắt không phải để câu view

câu những đồng thương xót từ đồng loại

người ta nghĩ rằng thôi thì nhịn bữa cà phê hay bữa nhậu

một đất nước có nhiều quán cà phê và quán nhậu

và thiếu vắng nhà sách, thư viện

từ thiện ùn ùn như núi

lấp dấu cánh đồng

*

ếch xanh vọng từ đáy giếng

mộ xanh một nấm cố hương

ta ngồi đếm lại mùa phong thủy

mấy ngón tay buồn sót một cơn

*

bạn tôi nói rằng đây là chiến tranh

tuy không bom rơi đạn lạc

nhưng con người có thể ngồi ăn cơm

và nghe trong thinh lặng

linh hồn của mình nhiễm chì

mọi thứ trở nên trong suốt

khi bạn quá đen đủi

chúng ta không chống dịch bằng khẩu hiệu

những tiếng hô lương thực muôn năm

người ta hét vào tai nhau

những vành tai điếc đặc

bởi đã nghe quá nhiều tiếng bom

sau nhiều thập kỉ bom khẩu hiệu

và những lời hứa suông

người ta chạy từng đoàn

không biết sẽ về đâu

những đoàn chạy dính vào nhau

người ở lại phân tầng rất rõ

*

bận đất trời quay cuồng điên đảo

người hất người chuồng trại thênh thang

người thân như thể tay chân rụng

chẳng thiết chẳng màng những ngón đau

tình người tao loạn như rừng cháy

thú hoang lớp lớp chạy kêu gào

trời xanh không thấu lòng khỉ vượn

thêm trận gió lồng bãi tha ma

*

một thành phố có nhiều tầng dân cư

có một lớp người lao động bình dân

chưa kêu ca và sống lây lất

một lớp người lang thang đầu hè xó chợ

bến xe ga tàu và gầm cầu

thiên đường hình cọng mì gói

đây là cuộc chiến

mà chúng ta không nhìn thấy mặt

kẻ địch đến từ phía nào

chúng ta bắn rafan (*)

và rút kinh nghiệm sau mỗi lần bóp cò

đồng đội ngã xuống

game over

start

game over

*

ếch xanh vang một tiếng

dài hai đầu đất nước

người theo người sắp lớp

đếm từng đau lên cây…

 

(*) (tiếng Pháp rafale): bắn liên tục thành tràng dài. 

Comments are closed.