Ngu Yên
1. Sipho Sepamla: Kỹ thuật và tiến trình trong thơ đấu tranh
Thi sĩ Nam Phi Syney Sipho Sepamla thuộc thế hệ đầu tiên trực tiếp đối diện với cuộc cách mạng đấu tranh giành độc lập tự do cho Nam Phi. Là nhân chứng của một giai đoạn đau thương và đẫm máu, thơ của ông ghi lại những điều mắt thấy tai nghe và từ một trái tim nhiệt huyết yêu quê hương. Thơ đấu tranh của ông chẳng những thành công bởi nội dung chứa đầy cảm xúc, tâm tình nhạy bén, ý tưởng sâu sắc; thơ ông còn thành công về mặt kỹ thuật.
Kỹ thuật có thể thiếu nghệ thuật nhưng nghệ thuật không thể thiếu kỹ thuật. Vì vậy kỹ thuật là một phần quan trọng căn bản của sáng tác và sáng tác là một tiến trình chờ đợi sáng tạo. Sáng tạo là hầu hết những gì gọi là nghệ thuật. Và nghệ thuật được xây dựng từ căn bản kỹ thuật. (1)
Kỹ thuật là kết quả của chọn lọc từ kinh nghiệm của khả năng làm tốt đẹp hơn, hay hơn, đúng hơn từ những sự vật bình thường hoặc những sự vật, sản phẩm không đủ tiêu chuẩn. Kỹ thuật có tính cách máy móc, qui tắc, phương thức. Trong khi nghệ thuật từ gò bó, qui định của kỹ thuật, vượt lên để đưa cái tốt đẹp bình thường trở nên khác thường, tiến về hướng thẩm mỹ tuyệt đối. Nói một cách khác, kỹ thuật làm cho sự kiện chưa đẹp chưa tốt trở nên tốt đẹp và từ đó nghệ thuật làm cho tốt đẹp này khác hơn, mới hơn, giá trị hơn. Kỹ thuật sáng tác thơ cũng không ngoại lệ.
Mỗi bài thơ là một phần ý tưởng, một phần kinh nghiệm, một phần tâm tình, một mảnh đời con của thi sĩ. Để người đọc có thể chia xẻ được bài thơ, người làm thơ phải biết rõ mình viết cái gì. Thậm chí, nếu bài thơ viết về “không có gì để viết,” người đọc cũng có thể cảm nhận được ý tác giả. Những loại thơ có tính cách thuyết phục hoặc đánh động tâm tình và lý trí, nhất là thơ đấu tranh,mà không diễn đạt được, không khuấy động được tâm tình của người đọc, thông thường là bài thơ thất bại.
Kỹ thuật thơ đấu tranh
viên đạn
thật ra, chẳng bao giờ là đồ vật tốt
viên đạn
được sinh ra để dọa nạt để gây thương tích để giết chết
viên đạn
do nhân loại làm nên trở thành vô nhân
viên đạn
là kẻ thuyết phục hèn nhát đối nghịch với bàn tay
viên đạn
hóa người sử dụng trở nên hung ác sát nhân theo định nghĩa đạo đức
viên đạn
banh xương thịt ra để trái tim nằm lại
viên đạn
xuyên qua lưng trẻ con giết và giết và giết
(Bullets)
Ông Sepamla viết bài thơ Viên đạn với một ý định rất rõ ràng:
· Vũ khí được tạo ra từ lý do bảo vệ con người nhưng đã trở thành giết người.
· Con người sử dụng vũ khí vô nhân đạo sau tấm bình phong nhân bản.
Và ông đã khéo léo dùng hình ảnh viên đạn là vũ khí nhỏ nhất nhưng căn bản nhất và trực tiếp nhất để giết người.- Đó là kỹ thuật biểu tượng/ tượng trưng.
Bài thơ không viết hoa. Không có bắt đầu, không có chấm dứt, chỉ có xuống hàng và những khoảng trống. Hãy tự hỏi, tại sao lại để những khoảng trống? – Đó là kỹ thuật thuộc về trình bày quảng cáo: Liên tục và ngập ngừng.
Bài thơ bắt đầu từ cảm nghĩ nhìn ngắm viên đạn và kết bằng hành động cao độ nhất của viên đạn: giết và giết và giết. – Đó là kỹ thuật xây dựng cảm xúc thang cấp. Đưa cảm xúc của người viết cũng như người đọc lên đến đỉnh cao.
Sẽ có người cho rằng sử dụng nhiều kỹ thuật sẽ làm bài thơ giả tạo, mất tự nhiên. Bất cứ làm thơ kiểu nào, dù là viết đại xuống, tự thân vẫn có kỹ thuật của nó. Chỉ là kỹ thuật hay hoặc kỹ thuật dở; kỹ thuật non nớt hoặc kỹ thuật già dặn; kỹ thuật kém hoặc kỹ thuật có giá trị….
Dòng họ Dưỡng là dòng họ giỏi về cung tên. Chàng thanh niên tên Do Cơ không thỏa mãn bí quyết gia truyền, lên đường tìm thầy học thêm nghề bắn: Bách bộ xuyên dương. Gặp nhà sư chủ trì môn phái Tiễn Đạo. Sư ông nói: “Cách một trăm bước, con có thể bắn trúng con bồ câu không?”. Chàng thanh niên trả lời: “Mười lần như chục, con bắn không sai”. Sư ông dạy rằng: “Mỗi ngày con ra ngoài rừng, nhìn chiếc lá dương cách một trăm bước, cho tới khi nào con thấy chiếc lá lớn bằng con bồ câu, tự dưng con sẽ bắn trúng. Mười lần như chục”. Nhà sư nói về nghệ thuật bắn cung. Chàng thanh niên nhìn chiếc lá ròng rã một năm, vẫn không sao thấy chiếc lá lớn bằng con bồ câu.
Một hôm, có người khách đến viếng chùa, thấy chàng thanh niên học Tiễn Đạo mãi không thành. Sau khi thăm hỏi, liền bày một cách khác. Ông nói: “Anh hãy đứng trước chiếc lá dương một bước thôi rồi bắn cho trúng. Khi đã bách phát bách trúng thì lùi lại một bước, tức là đứng trước lá dương hai bước, tập bắn cho trúng. Cứ như thế cho đến khi anh có thể bắn được chiếc lá dương từ một trăm bước”. Ông này nói về kỹ thuật. Vài năm sau, chàng thanh niên đã bắn được lá dương,trở thành một nhân vật nổi tiếng trong thời Chiến Quốc (551-479 trước Công nguyên).
tôi tưởng đến thiên đàng
lần đầu ăn trái sung
tôi nghĩ người da trắng
lần đầu thấy hình Chúa
tôi nghĩ người da đen
lần đầu gặp quỷ trên trần gian
thành thật mà nói
không phải giáo dục bộ tộc
tất cả do những gì họ gọi: văn minh tây phương.
Bài thơ này có tựa đề là “Văn minh,ha ha ha!”. Cười nhạo báng hay cười chua chát? Thi sĩ Sepamla dùng hai loại cụm từ trong bài thơ ngắn này, theo kỹ thuật so sánh để liên tưởng: Loại cụm từ đầu là “thiên đàng”, “người da trắng”,“Chúa” và loại cụm từ tương phản là “quỷ”, “người da đen” và “trần gian” (mặt đất).Để dẫn câu kết luận sự phân biệt, chia rẽ nhân loại do văn minh mà ra. Nói đúng hơn là do văn minh chưa được thấu đáo mà sinh cớ sự nô lệ, lòng kỳ thị. Con người vốn ở trên mặt đất, cư ngụ ở trần gian. Văn minh đã cho phép con người nhân danh một thượng đế chưa ai gặp. Văn minh hứa hẹn một thiên đàng chỉ có chết mới biết. Văn minh thúc đẩy con người xây dựng rồi leo lên tháp Babel. Từ đó, chia lìa muôn vạn nẻo.
Bài thơ này có thể viết thành những câu dài. Ví dụ:
tôi tưởng đến thiên đàng, lần đầu ăn trái sung
tôi nghĩ người da trắng, lần đầu thấy hình chúa
tôi nghĩ người da đen, lần đầu gặp quỷ trên trần gian
………………………………………
Nhưng ông Sepamla đã không trình bày như vậy. Sự “xuống hàng thụt vào” tạo cách biệt không cần dấu phẩy mà vẫn liền thành câu. Sự xuống hàng thụt vào, tạo chữ “lần đầu” lặp lại ở đầu câu để nhấn mạnh ý nghĩa của các cụm từ chính: “thiên đàng và ăn sung” / “người da trắng và hình chúa” / “ Người da đen và quỷ”. Nếu viết liền câu, bài thơ sẽ không có tác dụng như trên.
Tưởng cũng trình bày qua cách sử dụng từ ngữ của ông. Hầu hết thơ của ông do chính ông sáng tác bằng Anh ngữ. Ông rất quan tâm về thuật dụng ngữ và tạo từ mới. Dọc theo dòng thơ của ông, người đọc bắt gặp rất nhiều chữ ghép hoàn toàn không có trong từ điển bình thường và không sử dụng hàng ngày ngoài công chúng. Sepamla chủ trương không viết hoa cho dù là địa danh hoặc tên riêng, kể cả tên Thượng Đế. Không chấm, không phết. Ít khi chia đoạn. Đọc thơ ông, nếu không có xuống hàng sẽ thấy liền liền chữ như lối viết truyện tân tiểu thuyết, được yêu chuộng một thời trong văn chương Pháp và Âu Châu. Chữ đồng nghĩa với ý. Có nghĩa là ý nghĩ trôi đi liên tục, miên man không phân biệt, khiến cho người đọc đôi lúc phải tự dừng lại để chận đứng sự hối thúc của con chữ nườm nượp trên giấy trắng.
Để nhấn mạnh những nổi bật trong bài thơ, phải có sự chọn lựa, kỹ thuật sửa bài (edit). Bài thơ dù dài cách mấy, cũng không phải là bài văn. Quan niệm thông dụng cho rằng, một câu thơ hữu hiệu giới hạn trong một chiều dài của hơi thở bình thường. Đó cũng là lý do tại sao câu thơ từ 7 chữ đến 10 chữ là câu thơ thông dụng. Một đoạn thơ thường là 4 câu hoặc 8 câu. Một bài thơ trung bình có chiều dài “khoảng” một trang. Nói cách nào đi nữa, tựu trung bài thơ có giới hạn của nó. Vì sự giới hạn này, hai chữ cô đọng trở thành quan trọng. Cô đọng ở đây thường đặt vào cách chọn lựa ngôn ngữ. Bên trên ngôn ngữ, chính là sinh hoạt của hình ảnh. Khi quan sát một diễn tiến của sự việc, hoặc ngoài thực tế hoặc trong hồi tưởng hoặc trong tưởng tượng, có rất nhiều hình ảnh, màu sắc, âm thanh sinh hoạt với nhau. Người làm thơ phải chọn lựa những hình ảnh, yếu tố nào để diễn đạt ngắn gọn nhất, ý nghĩa nhất và thuyết phục nhất. Không phải chiều dài của bài thơ làm người đọc ngán ngẩm mà chính là những thừa thãi, rườm rà, gây lẫn lộn trong một bài thơ làm người đọc mất sự thích thú.
Nói một cách khác, một tứ thơ bao gồm sự sinh hoạt của hình ảnh, màu sắc, âm thanh, hoạt động…Sự tuyển chọn tứ thơ xuất sắc, độc đáo, thú vị là tài năng nhạy cảm của thi sĩ và là kỹ thuật tái tạo khi sửa chữa.
Ví dụ: Ông Sepamla nói về sự kỳ thị và thời điểm của da đen vùng dậy. Sự thắng lợi sau cùng của kỳ thị ngả vào lòng can đảm chống đối. Ông chọn hình ảnh “Bà bán hàng da trắng” trong gian hàng bán mỹ phẩm cao cấp và hình ảnh “Cậu trẻ da đen” tò mò giữa chốn buôn bán giàu sang. Người đàn bà da trắng là hạng được tôn trọng bậc nhất ở Tây phương. Cậu trẻ trai da đen là thành phần đại diện cá tính ngỗ nghịch phá phách của dân da màu. Hai hình ảnh này không cần lời nói nào cũng đã kỳ thị sôi nổi. Sinh hoạt mâu thuẫn giữa hai người lôi kéo sự miệt thị, trịch thượng, uy quyền của cảnh sát. Cuối cùng sự phản kháng của cậu trẻ da đen đã làm bà bán hàng bật khóc. Đó cũng là hình ảnh chiến thắng của Nam Phi giành lại độc lập. Không có thắng lợi nào mà không bắt đầu từ lòng phản kháng và can đảm thực hành qua đấu tranh cụ thể.
Người phụ nữ chỉ một chỗ phía xa
cậu nhỏ, đứng đàng kia
tôi không biết mùi gì
nhưng cậu hôi quá
……………………………………..
……………………………………..
Vì vẻ trịch thượng của bà tôi trả lời
tôi muốn thử nước hoa
và mỹ phẩm helena rubinstein
Bà múa ngón tay chỉ tôi và cao giọng
đừng rắc rối
cậu nhỏ
tôi sẽ gọi
cảnh sát
Tôi trả lời vào mắt bà tóe lửa
gọi đi
bà đã hết thời rồi
Người phụ nữ bật khóc
(Shop Assistant. Bà bán hàng)
Nhất là trong thơ tranh đấu, hình ảnh và sinh hoạt giữa các hình ảnh, phải được tuyển chọn sắc sảo, gây hiệu quả, gây áp lực và có tính cách nhân bản đại đồng. Có như vậy mới thuyết phục được người đọc trên cả thế giới.
để diễn thuyết đã có tôn giáo
để chở súng đã có hàng xe tang
để treo cờ nửa cột đã có khăn tay ướt đẫm nước mắt
Tiến trình thơ đấu tranh
Trong hai bài thơ Quê Hương (Home) và Đất Nước Này(This Land),ông đã vượt lên những tình tự thường hằng của quê hương để nói lên từ góc nhìn “triết học” thâm thúy: quê hương là tôi và tôi là quê hương.
Lưu vong luôn luôn là một loại thi ca được thế giới chú ý. Người lưu vong, nghĩ tới quê nhà, thương nhớ quê nhà là chuyện đương nhiên. Không có thơ lưu vong nào thiếu tiết mục này. Và những bài thơ thương nhớ này chỉ chuyên mục cảm động, nhất là thuyết phục dễ dàng cho người đọc đồng hương.
Xuyên qua những tình cảm nồng nàn, xung động này, còn có những ưu tư khác của người lưu vong địa lý hoặc lưu vong tinh thần trên chính quê hương. Đó là: Quê hương là gì? Là người? Là cảnh? Là bản đồ? Là địa danh? Là tên gọi? Quê hương chứa đựng cái gì? Chúng ta than khóc cho ai, thương nhớ cái gì? Con người chết đi trên con đường lưu vong, quê hương vẫn tồn tại nhưng khi một nhà thơ đấu tranh chết đi, liệu quê hương trong tim họ còn tồn tại qua thơ?
Nói một cách triết lý hơn, quê hương của mỗi người có phải là do mỗi người tạo ra với những hệ lụy riêng với nó. Quê hương của tập đoàn là quê hương do tập đoàn đó tạo ra với những hệ lụy riêng của nó. Quê hương trong tự điển là do ý tưởng tạo ra, định nghĩa và không thật sự có sự sống đính kèm. Mỗi người đọc sẽ rất bở ngỡ nếu chúng ta so sánh mỗi quê hương riêng trong lòng mỗi người. Sepamla cũng có quê hương riêng trong một quê hương chung Nam Phi.
làm sao tôi gọi nơi này là quê hương
khi mẹ tôi phải bụm vết thương nhiễu máu
bằng đôi tay hiền hậu dãi dầu
khi chị phải làm bia đỡ đạn
vú héo dần phọt chảy thương đau
làm sao tôi gọi được quê hương
nơi cha ngồi ôm đầu
gục sâu vào tuyệt vọng
mơ ước nhạt nhòe không biết mai sau
…………………………………
tôi sinh ra từ đột quỵ của chiến tranh
tôi sinh ra từ hủy hoại của bệnh tật
hậu quả dịch hạch hoành hành
tôi biết mùi hôi của đất nước
tôi chưa bao giờ phải xác nhận
đất nước này của tôi
vì đất nước này luôn luôn là tôi
được đặt tên theo tôi
đất nước mang hình hài do tôi sinh dựng
chính tôi pha mặn máu và mồ hôi
chính tôi kéo căng bắp thịt mang ách
trên bánh xe đất nước trở mình
tôi là đất nước của tôi
chưa bao giờ xin được chia phần
chưa bao giờ có nhu cầu như vậy
tôi là đất nước này
Điểm nhấn ở đây là chiều sâu của thơ. Chung chung những thi sĩ được thế giới ngưỡng mộ không phải chỉ riêng về những cảm xúc, những rung động mà phần lớn là những cảm nghiệm do trí tuệ phối hợp với kinh nghiệm sống mà thành. Chiều sâu của thơ thể hiện trong bài, trong câu, trong tứ , thậm chí là trong chữ làm người đọc choáng váng, tâm phục.
Tiến trình trong thơ tranh đấu bắt đầu bằng quan sát, theo dõi, ghi nhận, cảm tưởng; rồi xúc động thành hình, nung náu, trăn trở, ám ảnh; rồi một lúc bất chợt bật lên ngôn ngữ. Có hai yếu tố quan tâm ở đây:
A. Phát xuất từ cảnh thật, chuyện thật. Cho dù thi sĩ có cắt xén, biến hóa, thêm bớt, căn nguyên vẫn là cảnh hoặc chuyện đã xảy ra. Nhờ quan sát và trăn trở nên những chi tiết “sống” ám ảnh sâu đậm hoặc những hình ảnh độc đáo tồn tại trong sâu thẩm, sẽ trở thành những sinh hoạt đại biểu trong bài thơ. Tưởng tượng nhiều trong loại thơ này, nhất là hoang tưởng, dễ sinh cảm nhận giả tạo.
chúng ta có thể thắc mắc về lý do
nhưng đâu cần
khi loài chó sinh ra để sống khá hơn
chúng ta có thể đòi hỏi nhân chứng
nhưng nhân chứng nào cho tiếng súng
khi chỉ còn mặt trời chứng kiến hành vi
trong bình minh như mọi ngày
tạch-tạch-tạch-tạch-tạch-tạch
lúc đó súng bắn như réo kêu
người bắn chảy mồ hôi bốc khói lắc lư như say rượu
tạch-tạch-tạch-tạch-tạch-tạch
sự tàn hại phải được cấm ngăn
bằng mọi cách theo luật pháp và trật tự
tạch-tạch-tạch-tạch-tạch-tạch
tạch-tạch-tạch-tạch-tạch-tạch
tiếng súng kéo dài quá lâu
không thể bắt đầu đếm xác chết
trong bình minh như mọi ngày
sức mạnh đẩy người theo lớp lớp sóng
tiến lên trước vũ lực đạn bay
làm người bắn bắt đầu toát mồ hôi sợ hãi
(Trong bình minh như mọi ngày)
B. Vì “kể lại” những sự thật đau lòng hoặc sự thật xung động, chữ nghĩa lúc kể lại sẽ đến tự nhiên mang theo lửa. “Anh bạn dãi dầu không bước nữa / gục lên súng mũ bỏ quên đời…/ Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc…” (Tây Tiến –Quang Dũng). Những câu thơ này làm cho lòng người cảm khái vì sự thật được cưu mang và kể lại. Quang Dũng biến cảnh quân lính đi rừng phải cạo tóc vì chống chí rận thành một hình ảnh kiêu hùng và xách động. Ngược lại, những hô hào cực đoan, những lý giải cố gắng, những chứng minh lý thuyết thường làm bài thơ tranh đấu trở thành một bản tuyên truyền.
Tôi nhớSharpevillelà một bài thơ ghi nhận lại một biến cố tàn sát người dân tạivùng này. Dĩ nhiên, Sharpeville không phải là cái cớ mà chính là sự thật của bạo quyền vượt qua lương tâm nhân đạo. Điều ông muốn nói ở đây, chẳng những là cái chết thảm khốc của những người da đen mà chính là cái chết của lương tâm da trắng và cái chết của linh hồn tôn giáo.
Ngày 21 tháng Ba năm 1960
vào một buổi sáng
giận dữ-phá-hoại-sụp-đổ-lục-soát
biển đen dâng trào
vũ lực đi trước
tâm trí theo sau
thế kỷ thất vọng chính sách bạo quyền cũ kỹ…
hút vào cốt lõi
người lớn và trẻ em
vào khu nhà kín
của dầu thô đen
rồi một tia lóe
từ con mắt nhìn
từ súng nổ…
người chạy trốn người ngã dài
đầu chúng ta cúi xuống
lòng nhục nhã cháy cao
niềm tin rúng động
chúng ta chôn họ vì những gì họ làm
những anh hùng ngã gục theo lịch sử
Những cảnh ngộ đàn áp nhân quyền xảy ra hàng ngày. Những ý tứ về bạo quyền, bạo hành dàn trải khắp nơi. Thơ đấu tranh thành công ngoại trừ vì biết chọn lựa những tứ thơ, hình ảnh độc đáo, để gây xúc động cho chính mình và cho người đọc, thơ đấu tranh còn biết chọn sự xúc động cho mình và cho người. Nếu chính thi sĩ không có xúc động thì làm sao có thể truyền sức rung cảm này đến người thưởng ngoạn? Những xúc động này thường tìm thấy dễ dàng nơi những cảnh ngộ, những chuyện thật xảy ra. Họa sĩ Paul Cézanne viết: “Rien n’est beau que le vrai, le vrai seul est aimable”. (Cái đẹp chỉ ở trong sự thật, chỉ có sự thật là đáng yêu)
Kể tôi nghe về người anh em
đã nhảy xuống tự tử
từ tầng thứ chín căn lầu cao
có phải anh ta vụng về không bám được cô đơn trên đó
Kể tôi nghe về kẻ đội mũ trùm đầu
giữa buổi diễn hành đã giết những người cùng huyết thống
phải chăng màu da anh bắt đầu
đổi sang màu cô độc
Ô, kể tôi nghe về người chị
mang thai trở về nhà
từ tù ngục
có phải chị mang tội theo Luật Vô Luân
Kể tôi nghe về người anh em
đã treo cổ trong tù tự vẫn
(Kể tôi nghe vài tin tức)
Những cuộc binh biến tranh giành quyền lực tại Châu Phi thường kéo theo những tàn sát tập thể, cưỡng hiếp phụ nữ và sát hại trẻ em. Trong Tôi nhớ Sharpeville, ông đã ghi nhận vụ án ngày 21 tháng 3 năm 1960.
Trong bài Phẫn nộ,The Outrage, ông ghi lại chuyện cưỡng hiếp với cái nhìn của một người bảo vệ nhân quyền, không chỉ hời hợt kêu gào che chở phụ nữ, mà nhìn vào căn nguyên của sự trả thù, thấu hiểu cái thú tánh của thiếu giáo dục và hậu quả của nó. Nhân vật người anh em (brother) bị tù tội, trừng phạt vì bản chất đàn ông bị dồn nén: “…bị bạo hình vì thủ dâm. Không một ai nói đến bẩm sinh súc vật truyền giống...” để khi ra khỏi tù với vô thức căm hận đã la lên: “…hãy bứt con cu ra…rồi tống nghẹt vào tử cung phụ nữ…”. Anh ta thỏa mãn thú tánh như một cách cân bằng lòng oán hận đã bị cuộc đời bạc đãi. Nhưng rồi sao? Anh ta bị trừng phạt. Thiếu nữ bị khổ đau. Câu chuyện chỉ có vậy thôi? Điều mà ông quan tâm, chính là hậu quả: “…but the seeds have germinated…”(chuyển theo nghĩa bóng: nhưng những tinh trùng đã thụ thai).
anh phun rảy tinh trùng
lên cô em khắp nơi mềm mại
cô lấy gân chống chỏi
rách máu chảy bên trong
anh dính vết máu phụt lên trên không
anh bóp nghẹt tội lỗi của mẹ
cưỡng hiếp em một cách dã man
người cha kẹp tay anh
cho đớn đau cùng máu nhỏ xuống
anh thở hổn hển nói lời sau cùng
‘hãy bứt con cu ra
rồi tống nghẹt vào tử cung phụ nữ’
(Phẫn nộ)
Nội dung một bài thơ cao kỳ hoặc có giá trị là do nghệ thuật. Nội dung có chia xẻ được tâm sự muốn nói, ý tưởng muốn lưu truyền và nghệ thuật diễn đạt đặc thù của mỗi thi sĩ là do kỹ thuật. Nhưng kỹ thuật phải biến mất đi, không còn là kiến thức, thậm chí cần vượt qua kinh nghiệm, để tan vào vô thức. Kiến thức chỉ là thức ăn. Kinh nghiệm là thức ăn trong bao tử. Vô thức làm kiến thức và kinh nghiệm trở thành máu. Máu luân lưu, tuần hoàn nuôi sự sống một cách tự nhiên và cần thiết.
Bất cứ thi sĩ nào thành danh đều có kỹ thuật diễn đạt riêng, tạo ra sắc thái riêng. Thi sĩ trở thành độc đáo hay đặc sắc khi kỹ thuật riêng trở thành cá tính sáng tác. Sipho Sepamla là một trong số thi sĩ đó.
Thơ của Sipho Sepamla cũng như những nhà thơ đấu tranh nhân quyền và độc lập cho xứ sở trong thời đại của ông, thu hút được người đọc trên thế giới, trước hết vì bản chất thời sự và lòng nhân đạo của con người trổi dậy trước bạo quyền tàn sát, hãm hiếp, đói khổ của các nạn nhân da đen. Vượt qua sự thu hút tự nhiên này là tài năng của những thi sĩ đương cuộc. Thời gian trôi qua, Nam Tư độc lập, người Nam Phi làm chủ đất nước của họ, bây giờ giá trị văn chương sẽ gạn lọc. Hàng trăm ngàn bài thơ đấu tranh chỉ tồn tại một số. Hàng ngàn thi sĩ chỉ sống sót mươingười. Sipho Sepamla là một trong số thi sĩ đó.
Tuy độc lập nhưng theo báo cáo của cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cho đến nay, sự kỳ thị vẫn tồn tại trong xã hội và chính quyền Nam Phi. Sự kỳ thị như một con tắc kè, nó biến dạng theo đời sống chung quanh.
Tính từ Sipho Sepamla cho đến hiện tại, thơ đấu tranh đã chuyển sang thế hệ thi sĩ thứ ba. Sự đấu tranh trực tiếp với đàn áp chủng tộc đã thay hình đổi dạng. Sự đấu tranh ngày nay hướng về chính trị và thế cuộc toàn cầu. Nếu kỳ thị là con tắc kè biết hóa thân, thì thơ cần phải tạo ra điều kiện chung quanh cuộc sống của tắc kè. Hãy để tắc kè tư nhiên, vô tình, thay màu đổi sắc một cách hợp lý. Như vậy, có cần phải có kỹ thuật và nội dung khác chăng?
Trở lại câu chuyện Dưỡng Do Cơ trong Bách bộ xuyên dương là truyền thuyết. Là huyền thoại cường điệu của nghệ thuật cung tiễn. Dù Dưỡng Do Cơ là người có thật và bắn cung rất giỏi, được ghi lại trong sử Trung Hoa. Biết rằng không có mà người viết, người kể, người nghe đều thú vị. Như vậy mới biết uy lực của huyền thoại và nỗi vô lý của ước mơ, ẩn núp sâu thẳm trong lòng. Có chăng những kỹ thuật và nội dung huyền ảo, hư tưởng, huyền thoại nhưng thoả mãn những nhu cầu, những ước mơ sâu kín của con người, trong thơ đấu tranh?
GHI:
(1) Người ta thường nói đến kỹ thuật của con kiến, con ong xây tổ hoặc tổ chức đời sống. Nói cho cùng, đó không phải là kỹ thuật thật sự, chỉ là kỹ thuật bản năng. Tạo hóa sinh ra, ong và kiến đã như vậy. Không thêm, không bớt, nếu có chăng là xoay quanh địa hình địa thế để sinh tồn. Trong thơ, kỹ thuật diễn tả theo bản năng là kỹ thuật sơ đẳng nhất. Đa số xuất hiện trong những câu thơ, tứ thơ bình thường. Những câu thơ, tứ thơ nghệ thuật cao kỳ được xây dựng trên kỹ thuật tiến hóa. Kỹ thuật tự thân là biến hóa, thay đổi theo đời sống. Là sản phẩm của trí tuệ. Và là sản phẩm của con người.
Con chim hót hay khác với con người hát hay. Con người càng ngày càng có kỹ thuật để hát hay hơn, hát thích hợp với nhiều thể điệu, nhiều loại âm nhạc. Chim chỉ hót như vậy, từ tiền sử đến nay. Con két từ khi kêu ú ớ đến khi được nói oang oang, chẳng phải vì con két có kỹ thuật mà vì con người có kỹ thuật tập cho két nói.
Có người cho rằng làm thơ không cần kỹ thuật. Như vậy là muốn nói đến sinh nhi chi tri, sinh ra với tài năng thiên phú để làm thơ. Không có bao người. Ngoài ra nếu không có học tập, nuôi dưỡng kỹ thuật và nghệ thuật thì về sau tài năng thường bị thui chột, dừng lại một chỗ hoặc bỏ cuộc…
2. Thi sĩ Nam Phi Sipho Sepamla 1932-2007
Sinh quán gần Krugersdorp. Cả đời hầu như sinh sống tại Soweto. Dạy học ở đại học Pretoria Normal. Cùng với Matthews, Mtshali, Serote, Gwala, Madingoane…hoạt động trong phong trào Black Consciousness. Trở thành nhân vật nổi tiếng trong New Black Potrey, 1970 và tạo dựng phong trào Soweto Poetry, vẫn còn hoạt động cho đến nay.
Ông là sáng lập viên của Liên đoàn Hiệp hội Nghệ sĩ Da đen, nay gọi là Fuba Academy of Art, và là chủ bút của tạp chí New Classic và tạp chí sân khấu S’ketsh.
Ngoài ra ông còn là một nhà hoạt động văn hóa.
A Ride on the Whirlwind, 1986, tác phẩm văn xuôi ghi nhận những khía cạnh trung thực về cuộc cách mạng ở Nam Phi.
Ông lãnh giải Thomas Pringle Award năm 1977 và huân chương của Pháp Ordre des Arts et des Letters.
Hầu hết thơ của ông, tự viết bằng Anh ngữ một số ít viết theo thổ ngữ.
Ông qua đời trong năm 2007.
Ấn phẩm:
Thơ:
Hurry Up to It! (Donker, 1975)
The Soweto I Love (1977)
Selected poems (Donker, 1984)
From Gorée to Soweto (1988)
Văn:
The Root is One (1979)
A Ride on the Whirlwind (1981)
Hai mươi sáu bài thơ tuyển của Sipho Sepamla
1. Trong Ngày Phán Xét
dân da đen sinh ra làm ca sĩ
dân da đen sinh ra làm đấu thủ chạy đua
dân da đen yêu hòa bình
những huyền thoại này hóa ta ngây thơ
chúng ta đã hớp nhiều bọt sâm-banh
chúng ta được mệnh danh rác nghẹt thở
rồi quằn quại vì nỗi đau nhục nhằn
ca sĩ
đấu thủ
yêu hòa bình
không ai thật sự thấy giông tố đe dọa giữa chúng ta
không ai quan tâm khi chúng ta rơi sâu tận đáy hố
tiếng cười trở thành khắc khoải sầu lo
ca sĩ
đấu thủ
yêu hòa bình
bước chân đi
tôi sợ rằng chúng ta sẽ hát đêm cầu nguyện
tôi nghĩ rằng chúng ta chạy để ẩn trốn
tôi không hiểu hòa bình nào để có thể yêu
(Modern African Poetry. Edited by Gerald Moore và Ulli Beier. Trang 265.)
2. Văn minh, ha ha ha!
tôi tưởng đến thiên đàng
lần đầu ăn trái sung
tôi nghĩ người da trắng
lần đầu thấy hình Chúa
tôi nghĩ người da đen
lần đầu gặp quỷ trên trần gian
thành thật mà nói
không chỉ do giáo dục bộ tộc *
tất cả do những gì họ gọi: văn minh tây phương.
(*) Bantu: Một bộ tộc ở Nam Phi, có ngôn ngữ riêng.
(Modern African Poetry, trang 266.)
3. Nói với cây đào
Hãy hỏi chim nhạn mùa hè đến thăm ta
những xứ sở kia có gì lạ
Hãy hỏi chiếc bóng chiều
đến lúc này ngày đã ra sao
Hãy nâng gia súc ngang hàng với nhân loại
hỏi chúng những điều không được biết về người
chữ đã mất ý nghĩa
ký hiệu bị lạm dùng
hầu hết mọi người đều công nhận
đàn bà than khóc thường cường điệu tâm tình
Hãy hỏi cơn nóng tê liệt cả không trung
bao lâu nóng nhẫn tâm tồn tại
Hãy lựa vài thứ từ đống phế thải
hỏi xem mùi thúi đó ra sao
Hãy hỏi cây đào
cảm tưởng gì khi bị chôn trong đất
Hãy hỏi vầng trăng lặn
có phải vì thiếu nhìn thế sự thăng trầm
nhanh lên
hãy hỏi chính quỷ sứ
đã đến giờ rồi
(Modern African Poetry, trang 266)
4. TôinhớSharpeville
Ngày 21 tháng Ba năm 1960
vào một buổi sáng
giận-dữ-phá-hoại-sụp-đổ-lục-soát
biển đen dâng trào
vũ lực đi trước
tâm trí theo sau
thế kỷ thất vọng chính sách bạo quyền cũ kỹ…
hút vào cốt lõi
người lớn và trẻ em
vào khu nhà kín
của dầu thô đen
rồi một tia lóe
từ con mắt nhìn
từ súng nổ…
người chạy trốn người ngã dài
đầu chúng ta cúi xuống
lòng nhục nhã cháy cao
niềm tin rúng động
chúng ta chôn họ vì những gì họ làm
những anh hùng ngã gục theo lịch sử
để diễn thuyết đã có tôn giáo
để chở súng đã có hàng xe tang
để treo cờ nửa cột đã có khăn tay ướt đẫm nước mắt
chúng ta nghển cổ cất tiếng nói lớn hơn
cho họ sắp hàng từng dãy chen chúc
một lũ người rướm máu dưới nắng chói chang
họ bị bỏ rơi chung quanh và trên những nấm mộ khởi đầu
lẻ loi chảy máu và cầu xin tha thứ
xác thân hủy hoại như tiền nhân chiến sĩ trận vong
chúng ta hạ thổ cát bụi như nghiến răng
tiếng khóc thê lương trong đám mặt thẫm màu muối
tiếng lầm bầm cằn nhằn từ thân quyến đau buồn
là lời thề nguyện hứa trên xác người chết
Tượng đài xây trong tim chúng ta sẽ ghi lại
khắc sâu danh gọi họ chưa từng nghe
lý tưởng họ cất lên mãnh liệt đúng lúc chúng ta ghim xuống
Di sản vô giá của Châu Phi đối với nhân loại
(Trích: http://voiceseducation.org/content/sipho-sepamla-soweto-poetry)
5. Kể tôi nghe vài tin tức
Kể tôi nghe về người anh em
đã treo cổ trong tù tự vẫn
bằng tấm chăn
có phải anh ta điên cuồng vì bị hành hạ.
Kể tôi nghe về người anh em
đã nhảy xuống tự tử
từ tầng thứ chín căn lầu cao
có phải anh ta vụng về không bám được cô đơn trên đó.
Kể tôi nghe về kẻ đội mũ trùm đầu
giữa buổi diễn hành đã giết những người cùng huyết thống
phải chăng màuda anh bắt đầu
đổi sang màu cô độc.
Ô, kể tôi nghe về người chị
mang thai trở về nhà
từ tù ngục
có phải chị mangtội theo Luật Vô Luân
Kể tôi nghe về người anh em
đã treo cổ trong tù tự vẫn
(http://voiceseducation.org/content/sipho-sepamla-soweto-poetry)
6. Tâm nguyện
Tôi muốn sánh mình như quái điểu trên không
quấn quít bay với mây chiều
Tôi muốn được phép khuất phục trời đêm
Tôi muốn làm cuốn bản đồ có quyền riêng biệt
Kiềm hãm sông lớn hoặc đổi hướng sông trôi
Tôi muốn thử thâu không giannhỏ lại
bằng một bàn tay
Ngheđây, Tôi muốn tự kéo mình ra khỏi
tử cung lộng lẫy ấm áp của địa cầu
Tôi là hạng người như vậy
nhưng tâm nguyện vẫn là
hòa bình vĩnh viễn cho nhân loại.
(Trích: http://poetsagainstthewar.org/content/sipho-sepamla-soweto-poetry)
7. Bên kia sự cô đơn
Như những giọt mưa vang tí tách
Nước rơi từng giọt và từng đôi
Rồi một dòng nhanh như chân trợt
Chảy tràn lan trên sân
Trôi những căng thẳng cuối cùng của sức lực.
Tôi từng thấy trái tim hồi hộp
Sau một khuôn mặt lộ trần
Mệt mỏi từ đô thị vội vã
Tâm hồn thương tật bởi quyền hành
Tôi từng thấy cả đám đông người
Biến mất chôn vào một lỗ nhỏ
Tôi thao thức việc gì đang xảy ra
Bên kia sự cô đơn
(Trích: http://seasonscometopass.blogspot.com/2012/02/loneliness-beyond-sipho-sepamla.html)
Trích tác phẩm:
The Soweto I Love. Sipho Sepamla
Africa Book Centre. 1977
8. Sáng nay tôi đã thấy
Sáng nay tôi đã thấy
cảnh hoảng sợ xảy ra nơi đây
trẻ con ôm túi sách
trốn chạy
chúng băng qua đồng cỏ lớn
chạy xuôi ngược trên đường
tìm nhà mình ẩn núp
Tôi thấy kinh hãi quay cuồng, quanh quất nơi đây
trẻ con chạy trốn quái vật chưa thấy
chợt nghe tiếng trẻ khóc la
cậu bé này tàn tật
kêu cứu
nước mắt tuôn xuống má dòng dòng
cậu lăn xe chung quanh người thầy giáo
tay níu chặt
không còn nghe thấy gì
không còn xấu hổ bị trêu chọc
sợ hãi đã chiếm đoạt tâm hồn
Sáng nay tôi đã thấy
những gì xảy ra
kinh hãi đúng với lời đồn đại
9. Một đứa trẻ chết thảm
Nó chỉ là thằng bé
chết vì lòng tò mò
một buổi sáng nó thấy
lửa cháy tiệm bán hàng
chứng kiến lửa phừng phực
giận dữ
thiêu hủy hết hàng hóa
chợt còi xe chữa lửa hú lên
nghe kể quái vật này săn người trên đường phố
không suy nghĩ
thằng bé sợ chạy xa
nó chạy rồi chạy
xa đám cháy
thần trí vẫn hôn mê
mắt chỉ thấy toàn lửa
miên man
thằng bé chạy rồi chạy
đến khi ngã đập vào
tay người to lớn giận dữ
nó bị tóm cổ
bị đè xuống đất
như một hạt thóc
bị đánh bị đập
bằng báng súng
ngày hôm sau
chúng ta chôn đống thịt
cầu cho linh hồn nó được an nghỉ
10. Như con Hà Mã
Ôi, tạo hóa nghĩ gì súc sinh này
chỉ có quỷ mới biết
đây là sự hỗn hợp
tất cả xấu xa quái thú trên đời
bốn chân
phía trước nhìn giống chuột
phía sau xù xì thấy ghê
màu da như Hà Mã
con gì quá dơ
không giống Hà Mã
nó phóng uế chung quanh
như Hà Mã
tiến tới ì ạch
làm người tarùng mình
như có cua bò trên thân thể
nó không cắn
không cào
nhưng tàn sát hàng loạt
như quái vật tiền sử
mang ý nghĩa phá hủy lịch sử
rất nguy hiểm, gây thương vong trẻ em
đêm đêm nó gào thét
mối đe dọa của thời đại
nó cố ý
kéo tất cả chúng ta
về lại đúng thời
11. Hoàng hôn
Mặt trời tạm nghỉ về hướng tây
trốn bổn phận phu soi đường
đêm mang vào đài tử tội
thêm nhiều đầu rụng xuống hy sinh
tàu lửa lùa ngàn người bước xuống
mỏi mệttìm đường về
biến mất sau những nhà chuột rúc (1)
họ sợ nụ cười giữa nước mắt rơi
vì tiếng cười sẽ vọng ra đường cái
một thôi thúckhoan khoái bị cản ngăn
như lửa thảo nguyên bùng cháy lại
ngọn táp lên cao tận không trung
làm văn phòng, ngân hàng, thư viện, cửa hàng
xe buýt, xe tải, xe du trại (2), xe hơi, bốc khói
cuồn cuộn dâng cao đen nghịt trời
trong lúc chiến thắng đang điên loạn
Đã đến lúc phát động
khi ta ôm nhau đoàn kết
reo hò mê sảng thét la
Sức mạnh! Sức mạnh! Sức mạnh!
tiếng súng rút lui ngầm chứa tai ương
không dấu vết báo bi kịch mới
cho đến bình minh hôm nào
sẽ mang tin báo tử
trái tim mắc nghẹn trong cuống cổ
nỗi đau sự chết quá nặng nề
chúng ta nuốt từng miếng mật đắng
nguyền rủa sự việc đã xoay chiều
thề trả nợ này bằng mọi giá
GHI:
(1) Mouseface: Mặt chuột, mặt Mickey Mouse, tôi chọn là nhà chuột ở (mousefaced house)
(2) Kompi: Xe lớn mở ra như nhà dùng cắm trại của hãng Volkwagen.
12. Bình minh như mọi ngày
Trong bình minh như mọi ngày
một số người cuống cuồng lê bước
đi làm
mướn văn phòng
băng qua cơ quan
kẻ khác muốn mặt trời mùa đông sưởi ấm
người thất nghiệp từng giờ sầu lo
trong khi sinh viên chờ đợi nơi chỉ định
buổi sáng hôm đó kéo dài
những cô gái chỉ mẹ cách đeo thắt lưng
ngày hôm đó trẻ em
bào chữa quá khứ
phàn nàn hiện tại
bàn tay nắm chặt đầy tương lai
vào lúc sinh viên đi từng bước tới
cảnh sát cản đường gây sự bất an
đến lúc căng thẳng nhất trong ngày
thanh niên giận dữ lan truyền khắp nơi
sinh lực vùng lên
thời điểm hỗn loạn
cục diện nổ bùng
cướpmất
học vấn
cướp mất
hứa hẹn
cướp mất
hy vọng
cướpmất
lời nói
cho
chính
tôi
ngày
này
tôi sẽ học bản thân một lần nữa
tôi sẽ đọc bản thân từ ngọn cây
tôi sẽ lượm bản thân từ kẻ khác
tôi sẽ sửa đổi bản thân vì chúng ta
trong diễn biến ngày đó
bữa ăn trưa dang dở
một nhà buôn chết đứng trên hai chân
máu chảy từ khuôn mặt
mọi lệnh lạc đều lơ lửng lưng chừng
trong bình minh như mọi ngày
chúng ta có thể thắc mắc về lý do
nhưng đâu cần
khi loài chó sinh ra để sống khá hơn
chúng ta có thể đòi hỏi nhân chứng
nhưng nhân chứng nào cho tiếng súng
khi chỉ còn mặt trời chứng kiến hành vi
trong bình minh như mọi ngày
tạch-tạch-tạch-tạch-tạch-tạch
lúc đó súng bắn như réo kêu
người bắn chảy mồ hôi bốc khói lắc lư như say rượu
tạch-tạch-tạch-tạch-tạch-tạch
sự tàn hại phải được cấm ngăn
bằng mọi cách theo luật pháp và trật tự
tạch-tạch-tạch-tạch-tạch-tạch
tạch-tạch-tạch-tạch-tạch-tạch
tiếng súng kéo dài quá lâu
không thể bắt đầu đếm xác chết
trong bình minh như mọi ngày
sức mạnh đẩy người theo sóng lớp lớp
tiến lên trước vũ lực đạn bay
làm người bắn bắt đầu toát mồ hôi sợ hãi
đàng này chạy tán loạn
đàng kia chạy nhốn nháo
nhưng đàng đó nhóm người trẻ tập trung
trong bình minh như mọi ngày
Ôi, đúng vậy, tôi hiểu thế nào là thương tổn
giống như cột cái đầu vào bàn tay điên rồ
tôi hiểuthế nào là thương tổn
khi vắt cạn hết máu trong tim
cho xác tôi thường bị bỏ rơi không nhịp đập
tôi hiểu sự tàn nhẫn
thứ khiến tôi khóc không nước mắt
tôi hiểu sự tàn nhẫn
bóp nghẹt tiếng la vì đớn đau
bỏ xác tôi rũ mềm tê dại
cướpmất
nụ em cười
trả lại tôi
tiếng gầm gừ
cướp mất
đức hạnh em
trả lại tôi
nhân tính
13. Anh tôi đã chết như thế nào
tôi muốn cưu mang những điều này
kể lại cho em nghe
từ miệng tôi chỉ nói ra sự thật
để bước đi hãnh diện mặt ngẩng cao
Tôi nhớ một buổi sáng
anh rời khỏi nhà
đến sở làm việc
nơi anh làm đã được đã năm năm
tôi nhớ anh mặc áo trắng
bộ vét xám mới giặt ủi xong
bó thân hình thon gọn, đôi vai cứng cáp
sức khoẻ lành mạnh đi thẳng đứng ngay
tôi không rõ tâm sự của anh
nhưng anh yêu hàng xóm (nghĩa thế nào cũng được)
không hận thù
không treo cờ
mặc dù anh không hèn nhát
anh dám nhìn thẳng mắt mọi người
vì tay không bôi bẩn
bằng máu của người khác
khi người ta báo tin về anh
gặp tai nạn ở ga xe lửa
trái tim tôi đập mạnh cuống cuồng
chúng tôi dìu mẹ tôi đến nơi bất hạnh
khi thấy giấy báo đắp lên xác người
như mộ chưa đào tung tóe máu tươi
như kẻ điên căm hờn để lại máu phun dữ dội
đầu gối hết sức mạnh gãy cong
tôi muốn cưu mang những điều này
vì chưa hề biết thù hận như thế trước đây
tôi nhớ lưỡi tôi líu lại
ngực thắt đau
nhìn mặt anh bị che kín
biết được đớn đau khi anh gục ngã
bởi viên đạn kia
14. Viên đạn
viên đạn
thật ra, chẳng bao giờ là đồ vật tốt
viên đạn
được sinh ra để dọa nạt để gây thương tích để giết chết
viên đạn
do nhân loại làm nên trở thành vô nhân
viên đạn
là kẻ thuyết phục hèn nhát đối nghịch với bàn tay
viên đạn
hóa người sử dụng trở nên hung ác sát nhân theo định nghĩa đạo đức
viên đạn
banh xương thịt ra để trái tim nằm lại
viên đạn
xuyên qua lưng trẻ con giết và giết và giết
15. Nụ cười
tôi bắt đầu bật cười
thành thật về lòng tốt
tôi bắt đầu ha ha ha
về những người đặt ra giới hạn
họ cho tôi sống hạnh phúc trong một nơi có rào vây quanh
cho anh da màu sinh nhai trong khoanh vùng phân loại
rồi tự cho họ những vùng ngoại thành có đại lộ cây xanh
tôi đã bắt đầu nói
toàn thể ý đồ quá lớn
đáng cho ta bật cười ầm
rồi những người cực đoan xuất hiện
bắn hạ chúng tôi bằng đạn hung tàn
dùng gậy đánh anh em da màu phản kháng
rồi cảnh cáo con cháu thôi gây loạn ồn ào
bây giờ tôi bắt đầu kinh ngạc
về những chứng kiến của người
và ý thức công bình của nhân loại
16. Quê hương
Rồi có một ngày một lần nào đó
tôi sẽ vui lòng gọi tiếng “quê hương”
quê hương mặc dù núi non hiểm trở
dày đặc cây rừng trên những triền cao
quê hương có đất đai hình cái chén (1)
nhưng
làm sao tôi gọi nơi này là quê hương
khi mẹ tôi phải bụm vết thương nhiễu máu
bằng đôi tay hiền hậu dãi dầu
khi chịphải làm bia đỡ đạn
vú héo dần phọt chảy thương đau
làm sao tôi gọi được quê hương
nơi cha ngồi ôm đầu
gục sâu vào tuyệt vọng
mơ ước nhạt nhòe không biết mai sau
làm sao tôi gọi được quê hương
khi kẻ khác gọi Nam Tư Tây Phương (2)
Limehill hoặc Vergenoeg
vì sao quê hương này
lại trở thành ngục tối
nơi sinh con cháu không chút băn khoăn
làm sao có thể là quê hương
nơi mồ mả mọc lên như nấm
nơi trí con người ngu muội bởi mưu toan
tôi đi tìm một quê hương vô vọng
một quê hươngcưu mang trong tim
ôi quê hương
GHI:
(1) Cupped Land: Đất đai hình cái chén hoặc thung lũng. Nhưng nhìn bản đồ Nam Phi, thấy không giống cái “cup”. Có lẽ ông có ý gì khác?
(2)Doornkop Thornhill: nghĩa là một vùng đất trên bản đồ Tây phương có hình dạng Nam Phi. Hiểu theo nghĩa địa lý, văn chương về đất nước Nam Phi.
17. Đất nước này
có người đàn ông tự bông đùa
khi làm điều dại dột ngây ngô
cố gắng muốn trở thành có thật
giỡn mặt với tôi
tôi sinh ra từ đột quỵ của chiến tranh
tôi sinh ra từ hủy hoại của bệnh tật
hậu quả dịch hạch hoành hành
tôi biết mùi hôi của đất nước
tôi chưa bao giờ phải xác nhận
đất nước này của tôi
vì đất nước này luôn luôn là tôi
được đặt tên theo tôi
đất nước mang hình hài do tôi sinh dựng
chính tôi pha mặn máu và mồ hôi
chính tôi kéo căng bắp thịt mang ách
trên bánh xe đất nước trở mình
tôi là đất nước của tôi
chưa bao giờ xin được chia phần
chưa bao giờ có nhu cầu như vậy
tôi là đất nước này
18. Khi tôi mất sống đời ổ chuột
tôi sẽ xin trở về nơi ổ chuột
tôi cảm thấy nhiều sai lầm khi đi xa
trên đường lưu lạc nhiều thứ mất
tôi mất lập trường để đứng ngay
tôi mất nhịp đều để bước đúng
tôi mất tâm tư thích khôi hài
tôi mất tâm tình để yêu mến
tôi mất cảm quan ngửi được mùi
tôi mất cảm giác bị kỳ thị
tôi mất tự hào vì thiếu khôn ngoan
tôi mất nhịp tim chia rộng lượng
tôi mất kiêu hùng như Sofasonke Mpanza (1)
để cảm thông cảnh ngộ này, bạn phải hiểu
tôi mất bóng mát từ cây nhựa cội nguồn
nơi che chở và người yêu quê nương náu
tôi bắt đầu nắm chắc cả ảo tưởng vào tay
tôi bắt đầu yêu làm việc thiện
tôi bắt đầu nghĩ an tâm có thật
tôi bắt đầu lo vệ sinh và thuốc đánh răng
tôi bắt đầu mặc áo quần sạch như thể xứng mang đồng hồ vàng
tôi bắt đầu tìm ánh sáng màu da như thể chuyện thực tế
tôi bắt đầu xem thường hương vị cuộc đời
tôi chọn cách bắt chước
tôi mua đồ cũ như thể không mua với giá rẻ
tôi cần bám víu cái gì
như mái nhà tôn gợn sóng bóng loáng hoặc rỉ sét mặt ngoài
tôi cần phải lấy cái gì
ít dễ ghét hơn khói cuồn cuộn từ nhà máy cạnh bên
tôi cần một cái sân rộng
đểmúa nguyện cầu hoặc nhảy điệu Jive (3)
tôi cần nóc nhà có thể vang dội
tiếng vỗ tay ồn ào tiếng hát xuất thần và tiếng nhịp giậmchân
hoặc tiếng ầm ĩ của người say cãi vả
tôi biết tôi không chỉ muốn làn gió mới
tôi cần mùi vị ngọt ngào trong đời
Ô, đúng rồi, tôi muốn sống đầy sắc màu lần nữa
GHI:
(1) Sofasonke Mpanza: (1889-1970) Tên thật là James Mpanza. Lãnh tụ đảng người da đen chống lại xã hội đương thời ở Orlando. Bị bắt giam 13 năm. Ra khỏi tù 1927, thống lãnh hàng ngàn dân da đen chiếm lấy Orlando. Tên “Sofasonke” là tên hiệu, có nghĩa: Chúng ta cùng chết.
(2) Gum Tree: cây khuynh diệp (Bạch Đàn. Eucalyptus.) Hoặc những loại cây cho ra chất nhựa. Nhưng Gum Tree thường dùng ở ý nghĩa khác.
(3) Jive: Điệu nhảy của Hoa Kỳ phát ra từ điệu nhảy ở Châu Phi. Thịnh trong thời 1930. Là một trong năm điệu nhảy quốc tế của Châu Mỹ La Tinh.
19. Màn trình diễn muộn, thật muộn
Tôi nhìn họ cười chế giễu
một nhếch môi cất trong túi
cách họ đàn áp tôi
nạn nhân đau đớn
họ làm những gì có thể làm
để bào chữa sai lầm
tôi đứng sửng sốt đã lâu
bởi vô nhân tính của họ
tôi luôn luôn tỉnh thức
để tranh đấu phần mình
không bao giờ quy thuận
dù hành hình tra tấn
Tôi thấy họ khinh miệt
đùa cợt lòng can đảm của tôi
như thể họ luôn biết
sẽ có một ngày như thế này
Tôi tỏ ra chịu đựng
gặm nhấm từng chút một
Tôi tưởng tượng họ chạy lon ton
lót vàng đường tôi đi
Tôi nghe họ nói nhỏ
muốn cùng tôi chia trăng phần tăm tối
Tôi cảm giác nụ cườitrở nên cau có
lòng nhẫn nại tôi đang mỏngdần
20. Đảo Biển
Rồi hòn đảo lên tiếng
Ta rất uy quyền
không ai đến gần mà không run sợ
Ta đã nhiều năm chống chọi đại dương
muốn nuốt lấy ta và những gì ta có
Ta rất kiêu hùng
cả thế giới đều biết
có người thét to những mơ ước cho ta
nhưng không ai dám dẫm chân lên đảo
Ta rất cứng rắn
giữ kín lâu đời những bí mật trong tim
cũng có những người trung thành tâm huyết
nhưng thông thường là những kẻ ta e dè
Ta rất cương quyết
đã bẻ gãy âm mưu của nhiều người
lại mua chuộc lòng trong sạch của họ
nhưng quá nhiều kẻ làm ta nghi ngờ
Ta rất mạnh bạo
chỉ cần bóp chặt bất kỳ ai cũng đổ máu
thấy Madela và Sisulu già đến thế(1)
nhưng tinh thần họ vẫn thách đố ta
Ta rất kiên cường
tuổi tác làm da nhăn trên mặt
đôi mắt nổi tiếng không nhắm bao giờ
nhưng lời đồn một hôm ta sẽ thành sa mạc
Ta rất kiên trì
nhưng lòng can đảm bắt đầu tan chảy
GHI:
(1) Madela: Nelson Rolihlahla Mandel, Tổng thống da đen đầu tiên ở Nam Phi 1984.
Sisulu: Walter Max Ulyate Sisulu, (1912-2003), hoạt động nhân quyền chống kỳ thị tại Nam Phi. Là thành viên dân cử của Quốc hội Châu Phi. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
21. Bà bán hàng
Người phụ nữ chỉ một chỗ phía xa
cậu nhỏ, đứng đàng kia
tôi không biết mùi gì
nhưng cậu hôi quá
Bà làm tôi nghĩ đến
nắng mặt trời
xà-phòng mùi dầu dừa-ô liu
Trí nhớ tôi quay nhanh về thời hậu chiến
đến núi cao và
phao cứu đắm thuyền
Tôi thấy hình ảnh người đưa tay lên lòi nách
để vệ binh khám xét
và
người câm lặng
Vì vẻ trịch thượng của bà tôi trả lời
tôi muốn thử nước hoa
và mỹ phẩm helena rubinstein
Bà múa ngón tay chỉ tôi và cao giọng
đừng rắc rối
cậu nhỏ
tôi sẽ gọi
cảnh sát
Tôi trả lời vào mắt bà tóe lửa
gọi đi
bà đã hết thời rồi
Người phụ nữ bật khóc
22. Nói về sợ hãi
từ lâu
chúng ta chạy trốn lòng sợ hãi
nỗi sợ vô hình
chúng ta trăn trở ngày đêm
chỉ để thấy
sợ hãi đăm đăm nhìn thẳng vào mặt
những ngày đó
khi chúng ta đi trong hồi hộp ngu đần
sợ cả tiếng xào xạc trên cây
dù lá được ví như tai nghe ngóng
những ngày đó
sợ hãi quay chúng ta vòng vòng bằng ngón tay
thả ra khi muốn
bóp chặt không động lòng
về đêm
từng bước chân ngoài sân
giẫm lên linh hồn lạnh lẽo
mỗi tiếng gõ cửa
đóng đinh tinh thần
khi thời cơ bắt bớ lên cao độ
nói chuyện thì thầm là liên hệ tình nghi
chúng ta nghe nói về thẩm vấn tra tấn
chửi rủa thô tục
như đàn ngựa xổng cương
chen nhau phóng chạy
nghe đôi môi bị bạo quyền hành hung
tiếng gào thét vì sắt nung tra khảo
những hành động dã man
được hợp pháp
rồi an ủi
rồi tự nghĩ
sợ hãi thâm nhập khắp nơi
hôm nay đào sâu nơi này
ngày mai bới rộng nơi kia
như con chuột chũi
và chúng ta thề khinh bỉ nỗi sợ
đây là niềm tin
chúng ta sẽ chiến thắng sợ hãi
23. Nhật ký tình nhân
Thứ Hai đôi ta tựa đầu trên vai nhau
Thứ Ba tuôn đường vào phố với đống đồ giặt
Thứ Tư cầm tay nhau trong rạp hát xem phim
Thứ Năm xem Auntie Betty khệnh khạng trên đường Eloff
Thứ Sáu chắp tay lên ngựcđón cha trở về
Thứ Bảy vào phố đông người đi chợ cho tuần tới
Chủ Nhật cười lén với nhau trong nhà thờ
đó là chuyện xảy ra trước khi luật mới cai quản tình yêu
bây giờ chúng ta chỉ ái ân bằng tưởng tượng
tìm kiếm tương lai trong giấc mơ
trái tim đôi ta lưu đày cách biệt
vẫn tiếp tục yêu dù mong manh
tình đôi ta chưa hề chấm dứt
dù có thể kết liễu sự sống
không thể dễ dàng xua đuổi tình yêu
anh vẫn luôn luôn nâng niu đôi vú
vẫn luôn luôn tìm môi em đêm đêm
nhà- giam không ngăn nổi anh vuốt ve em trong nhớ
anh đã học được sự khốn nạn của cô đơn
nhưng tình ta sẽ không bao giờ chịu dấu ấn của bất chính
24. Phẫn nộ
khi người anh em bị bạo hình
trong khu tập trung trừng phạt thô bạo
vì thủ dâm
không một ai nói chuyện bẩm sinh súc vật truyền giống
lúc nơi đây phản đối dâng cao kịch liệt
anh được cho ăn nửa ổ bánh mì
thêm 30 đồng kẽm
trong túi kêu leng leng
rồi phóng thích
anh về chăn gia súc với cây dao lớn(1)
chặt chém mởđường đến Mzimhlophe
rồi tiếng ré dâm đãng xảy đến trong đêm
người anh phun rảy tinh trùng
lên cô em khắp nơi mềm mại
cô lấy gân chống chỏi
máu tét chảy bên trong
anh dính vết máu phụt lên trên không
anh bóp nghẹt tội lỗi với mẹ
cưỡng hiếp em một cách dã man
người cha kẹp tay anh
cho đớn đau cùng máu nhỏ xuống
anh thở hổn hển nói lời sau cùng
‘ hãy bứt con cu ra
rồi tống nghẹt vào tử cung phụ nữ ‘
Sự phẫn nộ đâm thủng màn đêm
đập vỡ cửa gương phá tan yên tĩnh
họ chen lấn làm nhân chứng hành vi đốn mạt
tôi cố gắng ghép lại
những chi tiết trong đêm xảy ra
nhưng đau rát khiến tâm tư từ chối
Tôi muốn hủy bỏ đêm này
trên lịch trình thành tích
nhưng hạt giống đã nảy mầm (2)
GHI:
(1) Panga: Dao lớn chuyên dùng chặt phá mở đường.
(2) Có lẽ câu này nên chuyển là: nhưng tinh trùng đã đậu thai.
25. Nhịp trống
Một đêm nào tôi có thể đếm sao
chắc sau cùng tôi sẽ xây xẩm
nhưng số ngôi sao vẫn còn nguyên
một ngày nào tôi có thể đếm thương tích
bị tổn hại dưới danh nghĩa công bình
dồn tất cả đau đớn
đủ làm tôi tê dại
đúng rồi, tê dại –điều kiện để sinh tồn
phần thưởng cho ngu xuẩn
tôi ngu ngốc vô tâm
đã từng đếm
đã từng nói 300 năm
đời sống như cứt
tự do trong đời tôi, suốt đời tôi
không phải hoàn toàn duy cảm
tôi gióng lên hồi trống này
năng lực đã phục hồi, xung động đã dâng cao
nếu dừng lại huênh hoang hay mê sảng
tôi biết tôi sẽ không đếm được lâu
nhưng tôi biết tôi sẽ căm hờn sự tàn nhẫn
26. Truy tầm nguồn cội
Chúng ta sẽ phải dùng mỡ súc vật
không cần dùng mỹ phẩm và những thứ điểm trang
chúng ta sẽ phải đổ máu
mới giữ liên hệ với tổ tiên
chúng ta phải xem giờ từ mặt trời
và ngưng xích xiềng trên cổ tay đau đớn
chúng ta phải uống bia dân tộc
và từ bỏ tinh thần quyền thế cùng vật chất
chúng ta phải đi tìm
hoa đen, xanh và vàng rực rỡ
chúng ta phải cất tiếng nói
vì để người khác nói giùm quá lâu
chúng ta phải cười sung sướng
dù đó chỉ là ảo tưởng
chúng ta cần làm tất cả những điều này
để chứng tỏ Phi Châu chưa bao giờ được khám phá
Ghi:
Bài này được viết và sửa lại từ bài trong Tuyển tập thơ Phi Châu, 2013.
Những sai lầm xin được chỉ giáo và được học hỏi tại: nguyen112052@gmail.com. Cảm tạ.